Trang Thơ

25/05/202313:08:00(Xem: 1458)

NGUYỄN HÀN CHUNG


kkml 


Tôi sinh ra ở làng Phong Nhị xã Điện An bây giờ bên cạnh một ngôi tháp đổ chỉ còn một gò gồm các khối gạch vụn dính vào nhau mà không có hồ. Cuối gò có một cái mả vô chủ mẹ tôi nói đó là cái mả Hời.Tôi không biết Hời là gì cho đến khi lớn lên độ 10 tuổi mẹ tôi chỉ những người nói tiếng Việt lơ lớ da đen sạm. Họ thường ngồi ở bờ sông phía hữu ngạn sông Vĩnh Điện đường xuống chợ chiều. Chợ thuộc phường Vĩnh Điện, Điện Bàn bây giờ để bán thuốc dạo và các vòng vàng trang sức.Tôi đọc Kiều đến câu “Sè sè nấm đất bên đường/ Rầu rầu ngọn cỏ nửa vàng nửa xanh” nên tưởng ra người nằm dưới mộ đó là một nàng cung nữ Chiêm nương nào hồng nhan bạc mệnh. Sau này tới Tháp Bằng An, Mỹ Sơn tôi mới biết có nhiều triều đại bây giờ đã mất và con cháu họ thành người vong quốc. Ba bài tôi viết dưới đây khi còn ở quê tưởng nhớ một quá vãng vàng son Chiêm quốc... Bây giờ nơi đó là đài kỷ niệm quân đội Nam Triều Tiên thảm sát hàng trăm người bà con thân tộc của tôi năm1968 có cây đa dù cao ngất nơi tuổi thơ tôi cùng bè bạn leo cây hái lá đùa giỡn suốt ngày (NHC):


***


Trăng tranh

Người đắm trăng, chìm vào tranh
Tháp tháp lung linh huyền hoặc
Linga hiện thành thánh thể
Sắc hoang phế mê tràn bộ tộc
Tiếng người thảng thốt trăm năm
Chiếc cọ hẩm hiu thổi nồng nàn lên vải
chập chùng khao khát
Trăng tranh không dám quấy nhiễu thời gian
sợ động đến nỗi niềm biên thuỳ cây cỏ
Khách bên trời ngắm đền đài hoang phế
ngắm trăng hay ngắm tranh không ai biết nữa
chỉ biết trăng, tranh và người đọng lại
thành khối ca Chiêm mới mẻ chập chờn
Tôi gặp vô cùng tranh trăng Mỹ Sơn
bằng mối tình Quảng Nam quê kiểng
Trước tháp tháp lung linh huyền hoặc
Trăng Linga đắm vào tranh.


Khúc Chàm nâu

Những chùm rêu bầu bạn áo xiêm em
cuộc hôn phối thời gian và cổ tháp.
điệu múa ấy làm hồi sinh phế tích
trong vô thanh phảng phất nét ca Chàm.
Cỏ bàng hoàng từ mấy trăm năm
em vẫn múa sá chi màu dâu bể.
đã tro bụi những hoàng triều chuyên chế
mọi trò chơi phù phiếm bậc quân vương
Người về đây để được tái sinh em
sự già cỗi hoá thanh xuân quyến rũ
những gót nhảy, tay xoè hông múa
không dễ tìm đâu trên thế gian này
Đừng hao mòn vì một thoáng mưa mây
Chiêm nữ ạ! Em vĩnh hằng tĩnh tại.
cứ vũ lộng hồn em đi, cô gái
thời gian xanh quỳ rạp trước em thôi.
Đừng bắt những chùm rêu phải nhận chịu đổi dời
xin van vỉ kẻ nguôi lòng cổ tích
Tôi muốn hoá thành rêu để ôm em thật chặt
mốc meo nhau ngôn ngữ không lời.
Trong hoang tàn diễm lệ Mỹ Sơn ơi!


Với tháp Bằng An

Người người hoan ca Mỹ Sơn quần tháp rêu phong
trơ trọi một mình em, một tháp
mấy ai biết
muốn trả cái giá bằng an
bao thân thế sa mưa
bụi vùi, rêu lấp
Ta có mấy rượu đâu
mà tiếc đau những cặn giọt thừa
những cọng cỏ trước sân khát khao đòi sáng
dưới cỏ có dế, giun chán vạn rẻo đời sinh, ly, tụ, tán
có khi thèm trơ trọi giống hai ta!
Một là người không có lương tâm hai là bậc vĩ nhân mới dám gọi tháp già
trước huyền hoặc vô cùng ẩn ngữ
không ai trước khi sinh ra đã biết chọn cho mình một bằng an quê xứ
phúc phận đời ta sinh quán cùng em
cớ gì đêm nay không dốc cho sụp đổ hết ưu phiền
bắt đôi nghê đá khuân bàn tiếp rượu
Kính nể tháp không dám lộng ngôn xưng hô mạo muội
chỉ dám mê nhìn thấp thoáng bóng Linga
trong vô tận thời gian
những điệu kèn phương nam thăm thẳm âm ba
đôi mắt cội nhiệm màu gốc tháp
Bấy lâu uống rượu thời gian mà không biết nhắp
lạc giữa sắc rêu những kẽ gạch không hồ
mơ màng nghe giọt bụi rêu khô…
ta quay quắt một mình nâng... một tháp
Một chén nữa thôi rót yêu tràn tan, hợp
ném buồn đau rách rưới phía chân mày
tháp không già thì ta cứ trẻ hây
cái thuở ranh hoang cứ lăm le đòi trèo lên đỉnh tháp
Rượu có chát, rót Thu Bồn ra, dốc tiếp.

– Nguyễn Hàn Chung

 

Cảm nhận ngắn của SẤU MÃ (GS PHD)

Có thể nhận thấy điều gì về cốt cách người thơ được thể hiện qua đây? – Biết kính sợ, biết nâng niu, biết giễu cười và biết… ngạo. Có gì mâu thuẫn giữa kính sợ và ngạo? Không, không mâu thuẫn. Kính sợ là kính sợ cái “huyền hoặc vô cùng ẩn ngữ”, để biết vặn nhỏ lời, và “không dám lộng ngôn”. Còn ngạo là sự bộc lộ thái độ tự nhiên của người luôn tự ý thức, đồng thời hiểu rõ các giá trị đời sống, hiểu rõ cái giá phải trả cho sự bằng an và nỗi cô đơn “trơ trọi một mình em, một tháp”. Ngạo, ngoài ra, là biểu hiện thường thấy ở những cuộc dốc lòng với kẻ tri âm. Lúc đó, chỉ “hai ta” là tồn tại duy nhất có ý nghĩa, dù một trong hai có thể chỉ hiện lên trong tâm tưởng…
    Đọc thơ thấy người, thấy một thời, thấy cả một vùng xứ sở, tuy xa xôi mà luôn gần gũi. Rất nhiều nỗi đời xoắn xuýt quấn quanh hình tượng chính: tháp Bằng An. Hiền huynh, em thích nhiều câu, như thích nhất khổ này: “Ta có mấy rượu đâu/ mà tiếc đau những cặn giọt thừa/ những cọng cỏ trước sân khát khao đòi sáng/ dưới cỏ có dế, giun chán vạn rẻo đời sinh, ly, tụ, tán/ có khi thèm trơ trọi giống hai ta”. Như vừa được gặp trực tiếp đúng một người từ lâu mình quý trọng. – Ảnh nữ Chiêm nương thi nhân Kiều Kiều Maily.

 

***

 

QUẢNG TÁNH TRẦN CẦM

 

Transcendence in Paradise (1935) - Marguerite Blasingame (1906-1947)
Transcendence in Paradise (1935) của Marguerite Blasingame (1906-1947).


vói tay trên sóng  

 

đôi khi tôi thấy nàng trôi giạt

giữa đại dương bao la xám xanh

nhìn mặt trời treo ngược buổi hừng đông

và rất lâu tấp vào bãi cát đầy rong biển

cùng rác rưởi phế thải linh tinh

chào đón ngày mới trong không gian cũ

 

đôi khi tôi dựa cột đá trơ lạnh

bâng quơ nhìn nước triều dần lên

tôi thấy mái tóc đẹp như mây

về giăng ngang chân trời

và hơi thở chới với ngụp lặn trên sóng

bốc hơi chậm từ ly cà phê đen quánh

 

qua hai hốc mắt thẳm sâu

người mẹ ngó quanh cột cờ ảm đạm

ngó tới ngó lui đảo mắt tìm kiếm

(bỡ ngỡ nghe chừng tĩnh vật cũng đau) 

và tôi vô tâm ngó hàng dương phía xa

lung linh tan loãng trong nắng gió huyễn hoặc

 

trong khoảnh khắc lũ chim biển đập cánh kêu thất thanh

một ngày thảng thốt lướt qua

không một ai để lại dấu chân trên cát

không một vết tích  ̶ ̶ ̶  dù thanh mảnh. 

 

chưa một lời chia tay   

 

nàng vụt thoát thân qua màn hình tivi

(nếu không là qua khung cửa sổ)

vượt buổi chiều hối hả

bước chân vào đêm thắp sáng đèn lồng

 

bất chợt nàng cất tiếng cười ha hả

sau cơn khóc tỉ tê

dằn vặt trong một thế giới khác

riêng tư không chia sẻ

ôm chầm nỗi buồn trong sáng pha lê

nỗi buồn không cần khuyến mãi

 

tôi chăm chỉ cắt dán danh tính ưu việt

của chú chó cưng nàng bỏ lại

trân trọng rao hàng trên báo lá cải

này này ông đi qua bà đi lại... 

 

và trong âm vọng giọng cười hả hê

từng chập mắt nàng linh hoạt mở to

lối an nhiên đi vào cõi kỳ bí xa xăm

 

một thoáng chú chó cưng gặm nát mục rao vặt trên báo

chạy như biến qua cánh cửa khép hờ

bóng nó ở lại bên này  ̶ ̶ ̶  với tôi. 

 

– Quảng Tánh Trần Cầm

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lê An Thế -- Một du tử làm thơ, từ bao năm nay, tưởng xa xôi, nhưng rất gần. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Xôn xao chút nắng chiều xưa / Nghe ra câu hát đẩy đưa bạt ngàn / Tiếng dần xa, tiếng vọng còn… / Bóng sầu theo những véo von trùng trùng...
Cứ thử đi, ngươi không thể hủy diệt di tích vĩnh hằng của trái tim con người-tình yêu. (Victor Hugo)...
nước Việt dù vui hay buồn | cũng là thứ | mẹ không còn sở hữu | tài sản của bà không nhiều như vậy | tài sản hôm nay ở trên thân thể con người | khi cần, có thể mang thế chấp hay bán đi | là những thứ mà bà không còn giữ được
Chiều 30 tháng Chạp Giáp Thìn, đọc và nhớ thi sĩ Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng Năm, Bính Thìn, 1916, mất ngày 6 tháng Chín, Bính Thìn, 1976 - nguyên vẹn con rồng.
Việt Nam từ xưa theo nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nên thời vụ của cây trái hoa lúa lập trình nhịp sống con người, từ nếp sống cho đến những tin tưởng tâm linh. Khi đồng lúa nghỉ ngơi, hoa đào hoa mai chớm nụ đầu mùa, người dâ n quay về tụ tập vui chơi ăn uống, từ đấy mà có một mỹ tục gọi là Tết (được phiên âm theo chữ Hán là Tiết, có nghĩa là đốt tre đốt trúc, nghĩa rộng là một đoạn thời gian trong năm), rơi vào lúc cuối một năm, thời điểm kết sổ và dấy lên niềm hy vọng cho năm mới. Gần đây có người đặt vấn đề có nên bỏ tục ăn Tết không. Tại sao vậy? Cây cỏ còn sửa mình để thay lá đơm hoa đón khí tiết đẹp của trời đất, can cớ chi con người phải bỏ niềm vui mừng đón năm mới với một mỹ tục đẹp đẽ là Ăn Tết? miễn là đừng Tháng Giêng là tháng ăn chơi (ca dao) thôi.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và đã bị cầm tù trong nhiều năm. Năm 1998, Hòa Thượng được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Hòa Thượng là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Hòa Thượng được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật, được coi là nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đã soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.
Thông cao cuộn vỏ ngự hàn / quả khô chặt ruột vén quang nửa đồi / cõng lưng ngày thở trả hơi / em sang giúp nhóm mớ phơi củi già...
anh xin lại đôi bàn tay cầm bút / làm những bài thơ xuôi / rồi xuân hạ thu đông có mùa nào cho / mây bay về đầu xóm...