Trang thơ cuối đông

28/11/202220:00:00(Xem: 3710)
1- Ann Phong. Molded Memory 30x40 mixed media 2010
Tranh Ann Phong.



Chuông nguyện mù sương

 

Tôi gõ lòng tôi ba tiếng chuông

Tiễn người thay sợi khói trầm hương

Tiếng chuông đánh thức trò dâu bể

Ngụp lặn phù sinh cuộc nhiễu nhương

 

Rắc rượu vào sông tôi thủy táng

Hẩm hiu cùng với bụi tro về

Ta với người như hoa bỉ ngạn

Nâng chén giang hồ qua bến mê

 

Tôi gõ lòng tôi ba tiếng nữa

Tiễn người? Không. Tôi tiễn tôi thôi.

Mai mốt phiên tôi ai có tiễn

Tôi biết gì đâu khuất biệt rồi

 

Đừng kết hoa tang đừng liễn điếu

Hoa rụng còn trơ lá với cành

Ba tiếng chuông thôi là quá diệu

Cho hồn linh lạc cõi vô thanh!

 

*

 

Đồ người

 

Mắng một người phụ bạc mình là đồ chó

tưởng như vậy sẽ làm họ tức giận

thực sự bạn đã lầm

vì trong mắt họ long lanh sự hãnh diện

được gọi là đồ chó.

 

Giá như những người bị mắng là đồ chó mà thực sự có trái tim loài chó

thế gian này đâu có những kẻ phụ ngãi, bội tình

những kẻ ngồi nhai rau ráu sự chung thủy mới thật sự là lũ súc sinh

 

Hỡi những người bị tình phụ

đừng bao giờ mắng nhiếc kẻ kia là đồ chó

chỉ tổ làm vẻ vang cho họ


Chính xác hơn cả nên mắng họ là:


Đồ
Đồ… đồ

Đồ người.

 

*

Khúc một

Buổi tối băng qua đường Bellaire đầm đìa sương giăng
tưởng đã chàng ràng bạch lộ
ngã tư Beechnut quẹo trái
ông già da đen giương cao đồng xu hai lăm cent
trương cao tấm bảng bằng tiếng Việt không hoa không dấu: o vietnam ve
xin gã da vàng bủng beo bố thí

này man, me trả lại những lon thịt năm xưa
những gói thuốc bốn điếu
Pall Mall, Camel
từ máy bay thả xuống đồng làng Nhị giáp
những chiều hả hê đốt xe jeep Mỹ
yêu nước chống kẻ thù tiếp tế “người anh em”

 

Bây giờ ước gì thấy một cô gái đứng đường
để được cò kè trả giá khan
hai chục đi không, em chiều?
“con đường Duy Tân cây dài bóng mát”
Thị Nghè, Chuồng Chó, Lái Thiêu

Ở trong cái bar kín mít kia
cởi truồng trắng, vàng, đen mỹ miều hợp pháp
dòm lom lom từ lỗ chiếu môn tới đỉnh đầu ruồi
tự trói hai tay ra phía sau miệng ngậm một đồng tiền tip
em không hề vươn tay duỗi chân há miệng vẫn lấy gọn ơ
nghệ thuật tình câm

Các cô gái không một tí vải nào trên người vẫn ngang nhiên cười sằng sặc hào sảng
nụ cười công dân Hoa Kỳ tự tin tư bản
năm chục năm các cô gái đứng đường nước Việt
không có mảy may nụ cười ấy
chỉ có tiếng khóc thảm thê đời đời điếm lậu

những lão thi sĩ già quắp sần sùi tình yêu
ngồi ngó mông mây trắng
biết đợi đến bao giờ…

 

Nguyễn Hàn Chung

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lê An Thế -- Một du tử làm thơ, từ bao năm nay, tưởng xa xôi, nhưng rất gần. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Xôn xao chút nắng chiều xưa / Nghe ra câu hát đẩy đưa bạt ngàn / Tiếng dần xa, tiếng vọng còn… / Bóng sầu theo những véo von trùng trùng...
Cứ thử đi, ngươi không thể hủy diệt di tích vĩnh hằng của trái tim con người-tình yêu. (Victor Hugo)...
nước Việt dù vui hay buồn | cũng là thứ | mẹ không còn sở hữu | tài sản của bà không nhiều như vậy | tài sản hôm nay ở trên thân thể con người | khi cần, có thể mang thế chấp hay bán đi | là những thứ mà bà không còn giữ được
Chiều 30 tháng Chạp Giáp Thìn, đọc và nhớ thi sĩ Vũ Hoàng Chương sinh ngày 5 tháng Năm, Bính Thìn, 1916, mất ngày 6 tháng Chín, Bính Thìn, 1976 - nguyên vẹn con rồng.
Việt Nam từ xưa theo nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nên thời vụ của cây trái hoa lúa lập trình nhịp sống con người, từ nếp sống cho đến những tin tưởng tâm linh. Khi đồng lúa nghỉ ngơi, hoa đào hoa mai chớm nụ đầu mùa, người dâ n quay về tụ tập vui chơi ăn uống, từ đấy mà có một mỹ tục gọi là Tết (được phiên âm theo chữ Hán là Tiết, có nghĩa là đốt tre đốt trúc, nghĩa rộng là một đoạn thời gian trong năm), rơi vào lúc cuối một năm, thời điểm kết sổ và dấy lên niềm hy vọng cho năm mới. Gần đây có người đặt vấn đề có nên bỏ tục ăn Tết không. Tại sao vậy? Cây cỏ còn sửa mình để thay lá đơm hoa đón khí tiết đẹp của trời đất, can cớ chi con người phải bỏ niềm vui mừng đón năm mới với một mỹ tục đẹp đẽ là Ăn Tết? miễn là đừng Tháng Giêng là tháng ăn chơi (ca dao) thôi.
Hòa Thượng Thích Tuệ Sỹ là một vị học giả uyên bác về Phật giáo, nguyên giáo sư của Đại học Vạn Hạnh tại Sài Gòn, nhà văn, nhà thơ, dịch giả và là một người bất đồng chính kiến với nhà cầm quyền và đã bị cầm tù trong nhiều năm. Năm 1998, Hòa Thượng được tổ chức Human Rights Watch tặng giải thưởng về nhân quyền Hellmann-Hamett Awards. Hòa Thượng là Xử lý Thường Vụ Viện Tăng Thống của Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống Nhất. Hòa Thượng thông thạo tiếng Trung Quốc, tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Pali, tiếng Phạn và tiếng Nhật, đọc hiểu tiếng Đức. Hòa Thượng được giới học giả Việt Nam đánh giá cao vì đã công bố nhiều tiểu luận, chuyên khảo, thơ và nhiều công trình dịch thuật Phật giáo từ tiếng Phạn, tiếng Trung Hoa và tiếng Nhật, được coi là nhà sư uyên bác nhất của Phật giáo Việt Nam, đã soạn thảo quyển Bách Khoa Phật Học Đại Tự Điển.
Thông cao cuộn vỏ ngự hàn / quả khô chặt ruột vén quang nửa đồi / cõng lưng ngày thở trả hơi / em sang giúp nhóm mớ phơi củi già...
anh xin lại đôi bàn tay cầm bút / làm những bài thơ xuôi / rồi xuân hạ thu đông có mùa nào cho / mây bay về đầu xóm...