Hôm nay,  

“And I’m Guilty of That!”

7/18/202500:00:00(View: 306)

 
“Murderer!”
“What?”
“Quân sát nhân!”
“Ai?”
“Mày chứ ai. Quân sát nhân!”
“Cái gì?”
“Mày là murderer!”

Cũng một chữ tiếng Anh, cũng một câu kết tội, nhắc đi nhắc lại, nhấn mạnh ở âm cuối của cái chữ quan trọng. Mur-de-RER. Chị tôi quả quyết. Hệt như gã ma men dằn cái ly xuống mặt bàn, đòi thêm rượu.

Tôi chần chừ vài phút. Tôi cân nhắc từng chữ cái câu chị vừa nói. Và tôi hiểu ra.

“Em hả?”
“Đúng.”
“Chị nói cái gì vậy?”
“Tao nói về mày. Mày là murderer.”

Tôi hít một hơi dài. Tôi cần giữ bình tĩnh. Và cũng để khảo sát tình thế (chị vẫn dạy khôn tôi như thế. Phải biết dừng quân để khảo sát tình hình.)
“Giả như chị nói đúng thì cái chữ chính xác là murderess; nữ sát nhân, hiểu chưa?”

“Đừng làm tài khôn,” chị gạt ngang. “Mày có tội sát nhân cấp một.”

Tôi ngừng để suy nghĩ. Chị nói dai phát sợ. Cái tật ấy của chị chèn ép tôi, xô tôi tới bờ vực. Bờ vực của lời thú tội. Nhưng mà tội gì mới được chứ?
Okay, who did I killed then?” tôi hỏi, cố gắng khai thác thêm chi tiết. Và cũng để chứng tỏ thiện chí hòa giải.

Whom chứ không phải who.” Chị sửa sai tôi. Chắc chị đang hí hửng vì gỡ huề được một bàn. Tôi biết hết. Tôi có thể bắt được hơi hướm hả hê trong tiếng thở ra của chị.

“Ờ, nhưng mà em giết ai?”

“Bà ngoại.”

Vậy nhé. Đến nước này thì cuộc đối thoại giữa Wendy – bà chị lớn của tôi mà tên khai sinh là Uyên bị đổi thành Wendy cho dễ gọi – và tôi không còn là cuộc song đấu, tranh tài xem ai môi mép và thông minh hơn, mà đã trở nên nghiêm trọng. Nghiêm trọng không phải vì có một vụ sát nhân vừa xảy ra - dù sát nhân thì bao giờ cũng nghiêm trọng - mà vì Wendy làm tôi nổi nóng. Theo cái cách mà chị ấy vẫn thường làm và luôn thành công.

Và thêm vào đó cái chuyện buồn. Bà ngoại chúng tôi đã mất. Mới đây thôi.

“Làm sao em giết bà ngoại được?” Tôi gầm gừ. Tôi nuốt nước bọt. Tôi cố dằn nỗi bực tức đang trào lên cổ họng.

“Đừng giả ngu, Annie à. Chuyện ấy mày không biết thì ai biết.”

Annie là tên tôi mà đúng ra trên giấy tờ là An, tôi thêm cái đuôi cho cái tên đỡ trơn tuột khi người ta gọi.

Chị tôi đang gây hấn. Tôi biết tính chị. Thành ra tôi hắng giọng, triệu tập binh sĩ. Sẵn sàng nghênh chiến.

“Em ở cách xa hai ng...” tôi ngừng để tính nhẩm. Từ chỗ tôi đang ở đến tận Vancouver. Cả ngàn cây số chứ đâu có ít. “Lúc bà ngoại mất, em ở xa hai ngàn cây số... Làm cách nào... làm cách nào...” Tôi hét vào điện thoại. Cơn giận siết cổ tôi, ngắt khúc câu tôi nói.

“Chẳng bào chữa cách nào được đâu, thưa cô!”

Wendy dằn từng chữ. Hằn học. Cay đắng. Hệt bà công tố viên trong phiên tòa hình sự.

“Bào chữa cái gì?” tôi hét.

“Tội của mày.”

Chị tôi nói. Nghiêm trang rất mực; nghiêm trang đến ngộp thở.

Con cháu không nên đùa cợt về cái chết của bà ngoại thân yêu của chúng. Tôi nghĩ. Cho dù Wendy là tay đùa dai khét tiếng, là kẻ châm chọc mọi chuyện - nhất là những gì liên quan đến tôi - thì chị cũng không bao giờ kết tội là tôi giết bà ngoại, nếu như đó không là sự thật.

Nhưng giả sử “căn cứ trên dữ kiện” (câu nói đầu môi của chị) chị biết là tôi đã – vô tình, dĩ nhiên – gây ra chuyện đó, thì cũng đừng la lối ầm ỹ trên điện thoại như thế. Lỡ cảnh sát đang nghe thì sao. Lúc ấy chỉ cần mảnh giấy ghi lệnh tòa, là cả nước nghe được hết từng câu từng chữ. Ý nghĩ ấy làm tim tôi lỡ nhịp. Tôi bắt đầu nao núng. Tuy nhiên phải nói cho ra chuyện. Tôi đâu có làm cái điều mà chị tôi đang kết tội là tôi đã làm.

Tôi không có bất cứ tội trạng nào.

Thành ra tôi nói “Bà khùng rồi,” và cúp điện thoại cái cụp, như thể tôi đang vội làm bài thi. Hay đang ầu ơ bên cạnh một đứa trai đẹp.

Và tôi ngồi. Đăm đăm nhìn cái laptop. Như con nhỏ công chúa nào đó thôi miên tấm gương thần. Tôi hỏi gương thần rằng tôi có tội không. Rằng Wendy nói đùa hay nói thật. Tôi nhớ bà ngoại. Ngoại thích chim. Điều đó hiển nhiên. Mùa hè bà thả bộ ở sân trước. Ném vung vãi những mảnh bánh mì vụn, những hạt cơm. Ngoại lôi kéo lũ chim ríu rít về sân nhà.

Mùa đông, tuyết đóng dầy trên mái nhà. Ấy là lúc bà ngoại cũng lo là lũ chim - những con chim của ngoại - sẽ chết cóng. Nhưng bà không biết làm gì để cứu chúng nó. Ngoại đi tới đi lui từ phòng khách qua nhà bếp. Thở dài. Rên rỉ. Rồi lẩm bẩm, “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.” Bà ngoại tội nghiệp những con chim chết lạnh. Sinh nhật ngoại, chúng tôi chung tiền mua quà. Một con sáo trong chiếc lồng tuyệt đẹp. Bà ngoại cưng nó hơn cưng chị em tôi. Cho nó ăn, ngắm nghía bộ lông đầy màu sắc của nó. Chăm chú lắng nghe tiếng hót véo von lúc chớm nắng bình minh và buổi hoàng hôn nắng nhạt. Rồi một buổi sáng nọ tiếng chim thôi líu lo. Bà ngoại chạy ra phòng khách. Hấp tấp tuột cả đôi guốc mộc. Con chim sáo nằm cứng sát vách lồng. Hai chân duỗi thẳng. Cổ ngoặt sang một bên. Con chim của ngoại đã chết. Bà ngoại buồn thiu cả tuần lễ. Bố mẹ tôi bàn tính mua con chim khác. Bà gạt ngang.

“Mua làm gì nữa?” bà nói. “Sớm muộn gì thì nó cũng lại chết thôi.”

Đó là cái thời mà bà ngoại vẫn còn nhìn thấy. Có một lần nọ. Trong phòng khám, bác sĩ gia đình trầm ngâm suy nghĩ. Và vội chuyển ngoại đến bác sĩ nhãn khoa. Ông bác sĩ mắt cũng trầm ngâm. Rồi khe khẽ lắc đầu. Cái chứng cao nhãn áp độc địa. Đùng một cái bà ngoại trở thành mù lòa.

Không còn nhìn thấy, bà ngoại vẫn mò mẫm dọc theo vách tường. Ra cửa. Lắng nghe lũ chim lanh chanh trên cây liễu trước nhà. Lũ chim tụ tập lúc sớm mai và chiều tối. “Chúng nó cãi nhau nghe vui đáo để,” bà ngoại nói lúc tôi ngồi bên cạnh, miễn cưỡng lắng nghe bà kể về con chim sáo của bà, suốt thời gian tôi vắng nhà, bận rộn với cái-thứ-gọi-là tương lai.

“Ai cãi nhau hở ngoại?” Tôi hỏi, tròn mắt ngạc nhiên.

“Thì lũ chim chứ còn ai vào đây nữa.”

“Ngoại funny quá. Cãi nhau sao lại vui được?” Tôi bắt bẻ. Những chuyện cãi cọ của bố mẹ lúc chị Uyên và tôi còn bé hiện lên rõ nét. Dạo ấy chị Uyên và tôi còn dựa dẫm vào nhau. Khi chị ấy chưa là Wendy, chưa biến thành đối thủ của tôi trong cuộc chiến giữa những đứa con một nhà. Vậy thì vui chỗ nào mới được chứ!

“Vui chứ sao không,” bà ngoại cả quyết.

“Thế chúng nó cãi nhau chuyện gì?” tôi hỏi.

“Ai mà biết” luôn luôn là câu trả lời của ngoại.

Nhưng rồi tới phiên cây liễu trên lề đường phía trước nhà chúng tôi. Nạn nhân của kế hoạch đô thị hóa gì gì đó của thành phố. Những nghị viên mù lòa màu sắc quyết định cắt bỏ cây liễu ấy. Lũ đao phủ của thành phố đem cưa điện và xe chở rác đến trước nhà chúng tôi. Bà ngoại mò mẫm ra tận bãi chiến trường. Cuống quýt xua hai tay. Gào khan cổ họng giữa những âm thanh chói tai của cưa điện và máy xay gỗ để chặn họ lại.

“Người ta phải gọi cảnh sát.” Wendy kể cho tôi nghe. “Bố mẹ đang ở chỗ làm. Bà ngoại ở nhà một mình. Bà không muốn người ta chặt cái cây ấy đi.”

Chuyện ấy tôi đã nghe kể rồi. Suốt một tháng trời, bà ngoại như người mất trí. Đi tới đi lui trong phòng khách. Rên rỉ luôn miệng, “Bây giờ chúng nó ở đâu? Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.”

Cả nhà không ai dám hỏi “chúng nó” là ai. Chúng tôi biết bà nói về lũ chim, cái đám chí chóe thường thức dậy thật sớm vào buổi sáng ấy. Trước khi tản mát khắp nới để mưu sinh (tôi mới học – và thích - hai chữ này). Buổi tối trở về, ẩn trong những nhánh cây liễu rậm rạp trước nhà. Chúng thường cãi cọ (hay chuyện trò?) tới tối mịt. Bây giờ người ta chặt cây liễu ấy đi. Người ta mở rộng con đường. Kế hoạch hiện đại hóa đô thị gì gì đó. Lũ chim mất nơi trú ngụ. Thành thật mà nói đôi khi tôi cũng băn khoăn. Mất cây liễu rồi lũ chim đi về đâu. Chỗ ở mới có an toàn và ấm cúng không.

Điện thoại lại reo. Nếu không là Wendy thì còn ai vào đây nữa. Tôi nghĩ trước khi liếc nhìn tên người gọi trên màn hình. Đúng là Wendy.

“Bà ngoại nhớ mấy con chim.” Chị nói.
“Em biết.”

Nhưng nỗi nhớ có giết được người ta không. Tôi muốn hỏi chị câu ấy.

“Mày đi xa, mày đâu biết chuyện gì xảy ra ở nhà,” chị nói. Cái giọng dỗi hờn.
“Em biết mọi chuyện đều ô-kê.”
“Mọi chuyện ô-kê là nhờ tao.”
“Điều đó ăn nhằm gì tới chuyện bà ngoại chết chứ?”
“Đừng nói với tao là mày không nhận ra rằng chính mày giết bà ngoại.”

Vẫn cái câu ấy! Tôi dộng cái điện thoại xuống bàn. Và câu chuyện cắt ngang ở đó.

Không có tiếng chim hót, bà ngoại ngã bệnh. Tôi biết chứ. Nhưng việc chặt cây liễu trước nhà đâu phải lỗi của tôi. Bầy chim không làm tổ trên mái nhà nữa cũng đâu phải tại tôi. Chim chóc quanh đây không còn nấn ná lại sân nhà chúng tôi để hót vài câu vặt vãnh cũng đâu phải là lỗi của tôi.

Vậy thì tại sao Wendy lại đổ thừa là tôi giết ngoại? Chắc chắn tôi là bị kết tội oan.

Chị lại gọi nữa. Tôi không có chọn lựa nào hơn là bắt điện thoại lên.

“Từ ngày ngoại bị mù, bố phải mua chiếc xe lăn để tao đẩy ngoại ra công viên, đẩy ngoại đến chùa, đưa ngoại đi mall...” Wendy nói với sự nồng nhiệt cao độ. Rõ ràng chuyện tôi cúp điện thoại chẳng ý nghĩa gì với chị hết.

“Thì em cũng đẩy xe cho bà ngoại vài lần, lúc em về nhà vậy,” tôi nói.

“Phải mất một thời gian lâu mới tìm ra được cái ngã tư thích hợp nhất...”

Big deal!

“Im miệng đi, nghe tao nói.”

Yes, your Majesty!

“Tao tìm được cái ngã tư có tiếng chim hót để báo hiệu giao thông cho người khiếm thị.”

“Em biết cái ngã tư ấy. Góc đường King với Queen.”

Tôi nhớ như in cái ngã tư ấy. Mùa hè vừa qua, khi về nhà, công việc thường nhật tạm thời của tôi là đẩy chiếc xe lăn (dĩ nhiên có bà ngoại trên ấy) ra phố. Và hình như Wendy có nhắc tôi nhớ ngừng ở ngã tư ấy càng lâu càng tốt. Về thăm nhà sau cả năm trời vắng mặt, tôi cũng mang chút mặc cảm là kẻ vô trách nhiệm và thiếu nhiệt tâm với gia đình. Thành ra tôi cũng chẳng hỏi tại sao.

“Em nhớ ngã tư King và Queen.”

“Đúng vậy. Đó là hiện trường, nơi xảy ra tội phạm.”

Mặt tôi lại bừng nóng. Tôi lặng im. Tôi ghét bị kết tội. Tôi cũng ghét luôn lối nói chuyện vòng vo vốn là nghề tay trái của Wendy. Nhưng tôi giữ im lặng.
“Sau khi phát hiện ra tiếng chim hót, ngày nào tao cũng đưa ngoại ra đó, tao ngừng ở đó một lúc để ngoại nghe chim hót.”

“Rồi sao?”

“Khi về nhà, ngoại nói chuyện vui vẻ. Những ngày mưa, hoặc khi có bão tuyết, không ra ngoài được, ngoại buồn. Ngoại bỏ ăn bỏ uống, chẳng nói năng gì hết.”

Câu chuyện (của Wendy) bắt đầu trở nên nhàm chán. Tôi muốn gào lên như thế. Nhưng tôi ngập ngừng. Đầu dây đàng kia, bà chị thân yêu của tôi vẫn lải nhải. Bài giảng dài bất tận.

“Có lần bà ngoại bảo bà nghĩ mấy con chim bỏ đi hết rồi. Người ta đốt rừng, chặt cây, lấp sông rạch, ao hồ để xây nhà, condo, hãng, xưởng, người ta phá hủy chỗ ở của loài chim. Thấy ngoại vui thì tao cũng vui, thành ra tao đâu dám nói với ngoại chim ở ngã tư là chim giả, chim điện tử.”

Những điều Wendy vừa nói ra gieo trong đầu tôi ý nghĩ gì đó kỳ lạ. Bà chị tôi tiếp tục rỉ rả, “Thấy ngoại vui, bố mẹ và cả tao nữa không dám nói cho ngoại biết tiếng hót ở ngã tư King và Queen là của lũ chim giả, bởi vì ai cũng biết bà ngoại cần hy vọng, để bám vào mà sống.”

“Giọng điệu của chị giống hệt mẹ, chị biết không? You sound like Mom.

Wendy trả lời bằng một câu hỏi. Thêm một thói quen nữa của chị. “Mày vẫn nhớ cái ngã tư đó mà, phải không?”

Dĩ nhiên tôi nhớ ngã tư ấy. Khu trung tâm thành phố. Toàn những văn phòng quan trọng của chính phủ chia đều bốn góc đường. Sở di trú, sở tìm việc, phòng trợ cấp xã hội và cảnh sát tỉnh bang. Chỗ ngã tư ấy khi đèn đổi màu xanh thì người ta cho phát ra tiếng chim hót líu lo thay vì tiếng lách cách ăn nhịp với những con số đếm ngược ở ngọn đèn giao thông dành cho người đi bộ.

“Mày còn nhớ mùa hè năm ngoái, lúc mày về nhà không?” Chị hỏi.

Ừ, thì tôi nhớ. Tôi nhớ ngày nào tôi cũng phải đưa bà ngoại ra ngoài. Tôi nhớ phải đẩy xe lăn cho ngoại đi mall. Ngừng ở ngã tư Queen và King trên đường về. Nhưng đâu có ai bảo tôi ngừng thật lâu ở cái ngã tư ấy. Hình như chị có dặn một đôi lần. Hình như chị bảo ngừng ở ngã tư ấy lâu một tí cho bà ngoại nghe tiếng hót của bầy chim. Tôi cũng không chắc nữa. Nhưng mà lúc ấy đang mùa hạ. Lại còn heat wave. Mồ hôi đầm lưng áo. Ngứa ngáy khó chịu. Ngừng mãi ở cái ngã tư không bóng cây ấy để làm gì.

“Mày giết bà ngoại ở ngã tư Queen và King.”

Wendy nhắc lại bằng giọng cả quyết.

“Vô lý” là câu trả lời ngắn ngủn của tôi.

“Sau khi mày trở lại trường, bà ngoại không còn muốn xuống downtown nữa.”

“Vậy thì sao?”

“Và mày có biết trước khi mất bà ngoại nói gì không?”

“Cái gì?”

“Bà không muốn sống nữa vì tất cả lũ chim đã bỏ đi hết rồi.”

“Em đâu có đuổi chúng nó đi.”

Tôi trừng trừng nhìn vách tường vôi trắng trước mặt. Tôi thấy rõ ràng Wendy đang đứng đó. Tay chống nạnh, môi trề ra khinh mạn. Tay tôi run, chân tôi đuối. Tôi muốn nhào tới nắm tóc Wendy, kéo bật ra khỏi cái đầu nhồi nhét đầy những cáo trạng kia.

“Mày không đuổi lũ chim đi nhưng,” chị chuyển giọng gầm gừ. “Mày bảo ngoại là những con chim ở góc Queen và King là chim giả. Mày dập tắt niềm tin, mày tước đoạt lý do để tiếp tục sống của ngoại. Mày…” giọng chị lạc đi. “Mày giết ngoại!”

Tôi bỗng hụt hơi như vừa leo con dốc dài. Đoạn phim chiếu chậm trước mắt tôi. Chuỗi hình ảnh buổi sáng oi bức ấy. Tôi thấy nắng lột bong da tôi. Tôi thấy mồ hôi dán tóc tôi lên má. Tôi thấy mặt tôi cau có, cổ họng tôi gầm gừ.

Tôi thấy đôi môi khô hạn của bà ngoại. Hai vạch màu thâm tím mấp máy không ngừng. Câu chuyện kể đi kể lại về lũ chim. Chuyến bay về phương nam trốn lạnh. Và may mắn cho những con chim không thể bay xa có được nơi ẩn náu ngay trung tâm thành phố. Tôi thấy tôi hét vào tai bà ngoại. Những tiếng hót bà đang nghe thấy là tiếng của lũ chim giả. Chẳng còn con chim nào trong thành phố hết. Bất cứ nơi nào có con người thì chim chóc phải ra đi. Ngoại phải tỉnh dậy để hít hà hương vị cà phê của thực tại. Wake up and smell the coffee of reality, Granny! Tôi đã gào lên bằng cả hai ngôn ngữ trong tiếng xe cộ rì rầm trên phố.

“Annie, mày còn ở đó không?”

What?”

“Mày hiểu điều đó mà, phải không?”

Tôi im lặng. Và tôi thấy lòng tôi dịu lại, “Vâng, em biết là tất cả những con chim đã bỏ đi.”

Wendy ngừng một lúc. Chị đang chờ một cách tuyệt vọng câu trả lời của tôi – hay đúng hơn là một lời thú tội.

Câu nói của bà ngoại vang trong óc tôi, “Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng.”

Thành ra tôi nói cho chị yên lòng. Và vì nhận tội thay cho cả chủng loại con người, tôi dùng thứ ngôn ngữ mà hầu như ai nghe cũng hiểu, “And I’m guilty of that!

Hoàng Chính
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Cậu Hà người Bắc di cư năm 1954, cậu di cư có một thân một mình khi còn trẻ, nên cậu cũng không có nhiều phương tiện được học hành nhiều. Khi lớn lên ở miền Nam, lối chừng 19, 20 tuổi khoảng năm 1965-1966, cậu từ giã học đường đăng lính, cậu đi lính Việt Nam Cộng Hòa ngành Biệt Động Quân. Sau chuyển qua Thám Báo. Cậu đóng quân như ở miền đồng ruộng, lúc bấy giờ còn loáng thoáng xa xa, ít dân cư, tiếp giáp một bên Đồng Ông Cộ, miệt Gò Vấp, Gia Định.
Chị nhớ lại, vào một buổi sáng ngày cuối tháng 1 năm 1973, khi Chị đi lấy bản tin ở bên Macv về cho AP, chị thấy sao hôm nay văn phòng đông thế. Ký giả của AP và cả của NBC News bên cạnh cũng chạy qua chạy lại, Chị nghe ông chánh văn phòng nói: Viêt Nam sắp ngưng bắn rồi, sắp hòa bình rồi…” Văn phòng Associated Press xôn xao, từ ông chánh văn phòng đến các ký giả, nhân viên của AP đều hứng khởi với cái tin “Nóng bỏng” này. Chị thấy các phóng viên của các hãng thông tấn, hãng truyền hình ngoại quốc chạy hối hả sang nhau và chạy qua cả đài phát thanh Quân Đội Việt Nam để cập nhật tin tức viết bài…
Chị đi bằng xe hàng. Là dân Đà Lạt gốc Huế nên chị gọi xe đò là “xe hàng”. Đi xe hàng, tức là xe đò, là xe chở người và cả hàng chứ không chở riêng hàng. Tiếng Việt hay như vậy đó! Đến Gò Công rồi đi xe lam vào Đồng Nguơn. Ấp Đồng Nguơn. Không phải đây là lần đầu tiên chị được thấy cảnh đồng quê. Đồng quê miền nam hầu như đâu đâu cũng giống nhau. Nhưng có đi nhiều mới thấy mỗi nơi có một chút khác. Phải thế không? Hay chính là cảm giác của chị mỗi lần một khác?
Tôi ước mơ có một ngày nào đó, khi thanh bình thật sự trở về trên nước VN, khi chính thể CS hoàn toàn tan rã, khi con người công chính trở lại làm nền tảng trong xã hội mới, chúng ta sẽ trở về, những ngưới bạn từ thời xa xưa, cùng nhau làm lại một bữa tiệc Tất Niên, mời vong linh các thầy, các bạn, các anh em đồng đội đã chết trong khói lửa chinh chiến, trong các biến cố tang thương của đất nước, trong các trại tù, trên biển…cùng nhập tiệc. Kẻ đang sống cùng người thiên cổ bên cạnh nhau hoài niệm đến một miền thùy dương ngọt ngào nhân tính, một ngôi trường thân yêu giàu truyền thống giáo dục và y đức, một thành phố mến yêu thơ mộng. Để nghe những người quá cố tâm sự về cái chết oan khiên của mình. Được như vậy, hương hồn các vị đó sẽ sớm được siêu thoát và vĩnh viễn an nghỉ chốn nghìn thu. Và chúng ta đây giảm khắc khoải đau thương…
Tôi đã có bốn cái Tết trong trại Panatnikhom và Sikiew, Thailand. Tết đầu tiên thật nhiều kỷ niệm và bất ngờ, vì lúc đó chúng tôi vừa nhập trại trong khi còn hơn một tuần nữa là Tết. Tôi và ba cô bạn đi chung chưa kịp gửi thư cho thân nhân ở nước ngoài để ca bài ca “xin tiền”. Ai lo bận bịu đón Tết thì lo, còn chúng tôi thì lo đi mượn tiền để mua vài vật dụng cần thiết như tấm trải nhựa, tre nứa, dây nilon để làm “nhà” (phải “an cư” mới “lập nghiệp” tỵ nạn được chớ).Khoảng một tuần trước Tết, có một nhóm mấy thanh niên đến thăm vì nghe nói chúng tôi là dân Gò Vấp, nên muốn nhận “đồng hương đồng khói”. Họ là những người trẻ như chúng tôi, nên câu chuyện mau chóng trở nên thân mật và rôm rả
Hỏi thăm ông Hai bán hoa lay-ơn gốc Bình Kiến, nhiều người ngơ ngác hỏi nhau. Tôi lại rảo qua thêm mấy vòng chợ hoa, cũng vừa đi tìm ông Hai, cũng vừa ngắm hoa và ngắm những chậu bonsai bày bán cuối năm, cũng tìm lại mình của gần 20 năm trước, năm nào cũng cứ vào những ngày này, tôi theo ba tôi hóng gió đón sương không hề chợp mắt cùng gian hàng cây kiểng rất bề thế của ba ở đây.
Có lẽ những rộn ràng, hân hoan nhất trong năm không phải là "ba ngày tết", mà là những ngày cận tết. Bắt đầu vào ngày 23 tháng chạp, tối đưa ông Táo về trời. Tất cả mọi sinh hoạt đều hướng về việc chuẩn bị để đón một mùa xuân mới, chào đón nguyên đán và mấy ngày xuân trước mặt. Lúc nhỏ là mùi vải thơm của bộ đồ mới, mùi gạo nếp ngâm cho nồi bánh và hương thơm ngào ngạt cho sàng phơi mứt dừa, mứt bí, mứt gừng ngoài sân. Những đêm ngủ gà ngủ gật ngồi canh bên nồi bánh tét cùng với má, với gia đình xúm quanh. Mùi bếp lửa, mùi khói hương, mùi áo mới lan tỏa của tuổi thơ ngan ngát những ngày xa...
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể. Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.
Lóng rày tôi hay tẩn mẩn viết về những hồi tưởng tuổi thơ, nhất là những côn trùng ngày xa xưa đó như chuồn chuồn, bươm bướm, ve sầu, dế mèn…Nhiều lúc ngồi nghĩ lẩn thẩn: tại sao vậy? Chắc đó là tâm trạng của người tuổi sắp hết đếm số, tiếc nuối những khi còn cắp sách tới trường. Cắp sách tới trường không phải là chuyện vui nhưng tuổi học trò thì vui thật. Lúc nào, khi nào, chỗ nào cũng toàn thấy chuyện vui chơi. Bạn chơi là người nhưng nhiều lúc là những côn trùng quanh quẩn bên người. Một ông bạn mới gặp nhướng mắt hỏi tôi viết về những bạn chơi nhiều hơn hai chân nhưng chưa thấy nhắc tới bạn của ông ấy. Đó là bọ ngựa. Ông này thuộc loại rắn mắt. Tôi không chung tuổi thơ với ông nhưng chắc ông cũng thuộc loại phá làng phá xóm. Ông kể chuyện ăn me chua trước mấy ông lính thổi kèn trong hàng ngũ khiến mấy ông thợ kèn này chảy nước miếng thổi không được. Tôi thuộc loại hiền nên không có bạn không hiền như bọ ngựa. Ông ta thì khoái bọ ngựa.
“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.
Bê, con trai của Mẹ, đã theo Mẹ đến giảng đường từ thuở còn trong bụng Mẹ. Suốt thời gian đại học của Mẹ, Bê có nhiều đóng góp khác nhau theo từng thời kỳ. Khi Mẹ làm bài kiểm tra môn Đầu Tư và Tài Chính trong lục cá nguyệt đầu tiên, Bê mới ba tháng tuổi. Mẹ nhẩm tính, bài thi một tiếng rưỡi, đi về từ nhà đến trường thêm một tiếng rưỡi. Như vậy, Bê phải xa Mẹ ít nhất ba tiếng đồng hồ. Mẹ biết tính Bê, mỗi hai tiếng đồng hồ Bê oe oe đòi bú sữa Mẹ. Bê xấu đói lắm, đòi mà không được, Bê nhăn nhó um sùm. Ngày hôm đó, dì Thành đến giữ Bê. Dì Thành rất hồi hộp. Dì chưa có em bé, chẳng biết phải làm sao cho đúng ý Bê. Mẹ thi xong, phóng ra xe về nhà. Mẹ bắt đầu sốt ruột. Mẹ xa Bê đã hơn ba tiếng đồng hồ. Giờ này Bê chắc Bê đã thức giấc. Hy vọng Bê chịu khó nhâm nhi món trà thảo dược cho trẻ sơ sinh trong khi chờ Mẹ về. Thời đó chưa có điện thoại di động. Bởi vậy, có lo cũng để bụng, chứ Mẹ chẳng biết làm sao. Mẹ ba chân bốn cẳng chạy ba tầng lầu. Vừa đến cửa đã nghe tiếng Bê khóc ngằn ngặt.
Khi chơi những bản nhạc hay, Khang khóc theo giai điệu. Mước mắt chảy, tay kéo tình xuống lên, thân hình diệu dẻo theo cảm hứng. gần như mê cuồng, không biết mình là ai. Tôi cảm nhận được cái hay xuất thần nhưng không hiểu. Khang nói: -- “Cậu Út biết không, cái hay của âm nhạc làm cho lòng sung sướng nhưng cái đẹp của âm nhạc làm cho hồn cảm động. Khi món quà quá lớn, quá sức yêu, không thể cười, chỉ có thể khóc.” Tôi nghĩ, những lúc như vậy, Khang không chơi đàn, mà múa với hồn oan.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.