Hôm nay,  

Chào chú…

2/14/202500:00:00(View: 4127)
 
Chao chu

Minh họa: Đinh Trường Chinh

Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.

   “Thưa chú, chú khoẻ không?”

   “Cảm ơn con, chú khoẻ…”

   “Con xin lỗi chú nha. Con nhìn chú nãy giờ, con nghĩ chú là bạn của ba con, nhưng con không nhớ được tên chú…”

   “Chuyện bình thường thôi con ơi! Bây giờ con nói tên con, chú cũng không nhớ ra con là ai? Nói tên ba con thì may ra chú nhớ…”

   “Dạ, ba con tên Tòng, họ Lý nên chú hay gọi ba con là Lý Tống… Con cũng không biết ông Lý Tống là ai, nhưng thấy chú với mấy chú bác nữa cười vui lắm…”

   “Ồ, chú nhớ rồi. Vậy con là Tuấn anh hay Tuấn em? Con còn một đứa em gái nữa, nó tên là… chú quên rồi.”

   “Dạ em gái con ở nhà tên Síu, đi học tên là Karen Ly. Con là Tuấn anh, còn thằng Tuấn em bây giờ nó bự hơn con nhiều…”

   “Ba má con khoẻ không? Lâu quá rồi chú không gặp từ hồi gia đình con dọn về Houston.”

   “Dạ đúng, gia đình con dọn về Houston. Sau đó con còn nhớ có lần nghe ba con nói điện thoại với chú, nhưng sau đó vài năm ba con bệnh… được mấy tháng thì chết.”

   “Chúa ơi, chú không hay tin. Nhưng má con vẫn khoẻ chứ, thằng Tuấn em bây giờ làm gì, con làm gì, em con…?”

   “Dạ, má con khoẻ, đã nghỉ hưu. Bây giờ sống với con Síu, coi cháu ngoại cho vợ chồng nó đi làm. Thắng Tuấn em học kỹ sư, ra trường nó làm cho công ty dầu khí dưới Houston tới giờ, nó mới cưới vợ nhưng chưa có con, mới mua nhà... Con học xong thì làm cho Bank of America. Hôm nay con lên chơi nhà bạn gái ở Dallas, không ngờ gặp lại chú.”

   “Thời gian nhanh quá, ba con với chú hồi đó cỡ tuổi con bây giờ. Không ngờ ông ấy mất rồi, chú thì…”

   “Con thấy chú khoẻ mà, lo gì chú. Ba con mất sớm vì ung thư phổi.”

   “Ba con không hút thuốc mà ung thư phổi, lạ ha!”

   “Chúa gọi thì đi thôi, ai tránh được. Tội nghiệp má con buồn lắm, tới có cháu ngoại mới đỡ buồn.”

   “Thì hai anh em con kiếm thêm mấy đứa cháu nội cho má con vui…”

   “Con không may mắn chú ơi! Con có đứa con gái sáu tuổi rồi, nhưng vợ chồng con ly dị. Con của con theo mẹ vì ông toà quyết định như vậy, làm má con rất buồn.”

   “…”
  
Chú cháu gặp lại nhau bất ngờ trong cuộc sống luôn diễn ra những bất ngờ tiếp nối những bất ngờ khác. Thằng bé hôm nào thích chơi đá banh với tôi vì ba nó chỉ biết chửi khi chú cháu tôi đá bể mấy chậu bonsai của ông ấy. Vậy mà bây giờ thằng bé cũng đã lắm thăng trầm trong cuộc sống, vui buồn trong cuộc đời. Tạm biệt Tuấn anh như một người thân để tình cờ gặp lại lần nữa hay không có lần nữa như tôi với ba nó vậy, nào ngờ bạn hữu chia tay để gặp lại vì Dallas với Houston đâu có xa xôi gì, nhưng đã không còn gặp nữa. Nhớ lại cuộc khủng bố New York năm 2001, sau đó là kinh tế suy thoái thời ông Bush con, nhiều người mất việc làm. Lý Tòng đưa gia đình về Houston vì người chị của anh có cái tiệm phở, chị em trong nhà nương nhau mà sống lúc khó khăn. Bạn bè chia tay, những cuộc vui gác lại, ai cũng phải lo công ăn việc làm khi con cái còn nhỏ. Đôi lần tôi xuống Houston hay anh lên Dallas đều có việc riêng, anh em đôi khi gặp nhau chỉ đủ thời gian ăn với nhau tô phở, uống ly cà phê rồi chia tay, hẹn gặp; cuộc sống như cỗ máy vô hình nhưng động cơ mạnh mẽ, thúc đẩy người ta tiến về phía trước để hoàn thành ít nhất là những hy vọng sau khi đã từ bỏ những ước mơ. Tôi giống anh ở điểm cùng mang hoài bão là đi học lại, nhưng ước mơ được đến trường lần nữa trong đời đã tiêu tan theo hoàn cảnh con cái ngày càng lớn nhu thì cầu của chúng ngày càng tăng nên ước mơ chỉ còn là hy vọng con cái học hành thành tài, đừng sa ngã vào những trào lưu xã hội.
  
Nay những hy vọng nhỏ nhoi của người di dân đã thành hiện thực, con cái đã trưởng thành cũng đồng nghĩa với cha mẹ đã già, những hụt hơi trong quá khứ đã có thời gian để thở thì anh lại tắt thở. Cuộc gặp đưa tôi về mấy chục năm trước. Cuối tuần, tôi với Lý Tòng hay đi ăn sáng rồi đi nông trại, khi mua chục con gà vườn về nấu ăn cho hai gia đình vào tuần tới. Tuần thì mua nguyên con dê về làm món nhậu, rủ bạn bè tới uống bia xem banh cà na trên TV. Nghỉ lễ thì mua luôn con bê về ăn phủ phê bê thui, phở bê, lòng bê xào cải chua, xào sa tế, món xào thành công nhất là xào đọt mướp, bông bí… Những kỷ niệm vui tràn về làm tê tái chuyện hợp tan trong cuộc sống chạy theo cơm áo gạo tiền, bỏ lại sau lưng biết bao kỷ niệm. Khi cuộc sống chỉ còn sự im lặng là tử tế, người ta cố quên đi quá khứ để sống với hiện tại, bình tâm với được mất trong đời để bình an. Nhưng gặp lại ai đó trong đời như gặp lại mình trong quá khứ vậy, vui buồn vẫn đầy cảm xúc, được mất vẫn tiếc thương sau khi đã nghe, đọc nhiều về buông bỏ, nhưng thực sự của buông bỏ vẫn ngoài tầm với của lý trí nhỏ bé, sức lực của đôi tay đã hao mòn…
  
Trên đường trở về nhà, ngang qua chùa Đạo Quang thì gặp người quen. Tôi hỏi, “Hôm nay lễ gì mà chùa đông vậy?” Thì ra hôm nay là ngày giỗ sư trụ trì đã qua đời là thầy Tịnh Đức. Vị sư già tôi quen, thầy từng tặng tôi tập thơ của thầy. Tôi nhớ bài thơ “cuộc đời”, nhớ câu thơ về cuộc đời mà ai chắc cũng vậy, đọc qua một lần là nhớ mãi cái nhìn cuộc đời của một nhà sư, thầy viết, “đời cũng chỉ là những sân ga rải rác/ của kiếp người vô định trước và sau…” Kính bái thầy nhân ngày giỗ kỵ, xin mượn thầy câu thơ tưởng nhớ người bạn Lý Tòng như một lời hẹn gặp khi đã âm dương cách biệt…
 
Phan
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
Tôi thuộc lứa sinh viên “tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu, còn đỗ cử nhân thì phải đợi đến… Giáp Dần...
Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến...
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku...
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
Nhà Trần đã khởi nghiệp với năm vị vua liên tiếp đều là những bậc anh hùng. Mặt ngoài các ngài đã lập được những chiến công hiển hách, đẩy lùi được mấy cuộc xâm lăng của lũ cường khấu phương Bắc. Mặt trong các ngài lại giỏi việc văn trị, cố gắng lo cho muôn dân được sống trong cảnh no ấm, yên vui. Thời kỳ vinh quang, thịnh vượng đó đã kéo dài gần một trăm năm...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.