Hôm nay,  

Những Câu Chuyện Bà Kể

24/01/202500:00:00(Xem: 2062)

Hoang Tu Be
Một minh họa trong sách Hoàng Tử Bé.
 
Người ta được nuôi lớn không chỉ bằng thức ăn, mà còn ở lời ru, tiếng hát, và những câu chuyện kể.

Chú bé cháu của bà thích được bà ôm vác, gối đầu lên vai bà. Có khi bà mở nhạc từ chiếc nôi cho chú nghe thay cho lời hát, chiếc nôi chú bé đã nằm khi mới lọt lòng mẹ. Có khi bà hát. Bà không ru à ơi, nhưng âm điệu dân gian len vào trong từng lời hát. Chú bé mãi rồi ghiền nghe giọng hát của bà.

Rồi thì bà kể chuyện. Từ khi chú bé chưa biết nói, bà đã kể chuyện rồi, những câu chuyện rất ngắn, rất dễ thương, có khi chỉ là tiếng chim hót, tiếng gà gáy. Chú bé tỏ vẻ lắng nghe. Và lớn dần, chú bé nghe những câu chuyện dài hơn, và chú hiểu. Chú còn biết kể lại cho bà nghe, biết hỏi lại cho bà trả lời. Những câu chuyện bà kể, luôn bắt đầu bằng câu “ngày xửa ngày xưa” như một dấu hiệu đó là truyện cổ tích.

Trong trí nhớ của bà, cũng như nhiều người bạn cùng thời, truyện cổ tích nổi bật nhất là Tấm Cám. Bởi vì bà đã được nghe biết bao nhiêu lần từ mẹ của bà. Mẹ là một kho truyện cổ tích. Nhưng cứ nghe đến đoạn cuối thì bà rất sợ. Bà hứa với lòng rằng sẽ không kể nguyên như vậy cho con cháu của mình. Cô Tấm trong truyện là một cô gái nhân hậu, chịu biết bao gian truân vì mẹ ghẻ và em gái độc ác hại mình. Cuối cùng, khi Tấm được Vua cưới về, cô lại dùng quyền lực để trả thù họ một cách ác độc gấp trăm lần. Bà đã thay đổi đoạn cuối. Bà “cho” cô Tấm xin Vua tha cho họ, rồi cô cảm hóa họ, giúp họ trở thành người tốt, có lòng nhân hậu giống như cô.

Lúc chú bé bốn tuổi, bà kể Cha Nào Con Nấy, câu chuyện dạy người ta sống hiếu thảo với cha mẹ. Chú bé ngồi vào lòng bà, nghe say mê, bởi vì trong truyện cũng có một đứa bé bốn tuổi. Cha của đứa bé ấy đã mài một cái mủng vùa, tức phân nửa cái sọ dừa khô, cho ông nội của nó ăn cơm, bởi vì ông nội đã già, đến bữa ăn thường làm rơi vỡ chén bát. Ông nội tủi thân, vừa ăn vừa khóc. Thế rồi đến một hôm, người cha thấy đứa bé vụng về mài một cái mủng vùa, hỏi để làm gì. Đứa bé nói để dành cho cha ăn cơm, khi cha già như ông nội vậy. Cha của nó bừng tỉnh, hối hận. Nghe xong, chú bé tỏ vẻ trầm ngâm. Bà hỏi:

“Con có gì không hiểu?’
Chú bé nói:
“Bà ơi, bây giờ không sợ bị bể chén đâu bà!”
“Vì sao?”
“Con thấy chén nhựa có in hình bông hoa cũng đẹp lắm, mình ăn có làm rơi cũng không sợ bể.”
Bà không nhịn được cười.
“Ừ nhỉ, cuộc sống có những cái rất dễ giải quyết. Nhưng ngày xưa, nhất là ở thôn quê nghèo khó, rất khác, con ạ.”

Hai bà cháu tạm quên câu chuyện đó, vì chú bé lại đòi bà kể chuyện khác ngay.

Bà có một kho truyện cổ tích. Chỉ riêng truyện cổ tích Việt cũng đã rất nhiều rồi, nhiều vô cùng, kể cả tháng cũng chưa hết. Nhưng bà gạn lọc, chọn một số truyện để kể cho chú bé, như Ăn Khế Trả Vàng, Sọ Dừa, Sơn Tinh Thủy Tinh, Sự Tích Quả Dưa Hấu, Sự Tích Bánh Chưng Bánh Dầy, Thánh Gióng, Cây Tre Trăm Đốt, Sự Tích Con Muỗi, Sự Tích Con Thạch Sùng v.v… Bên cạnh đó, bà cũng chọn lọc những truyện cổ tích Tây phương, như Cô Bé Lọ Lem, Công Chúa Ngủ Trong Rừng, Đôi Hia Bảy Dặm, Bạch Tuyết Và Bảy Chú Lùn, Cô Bé Quàng Khăn Đỏ v.v…

Bây giờ, chú bé đã lên mười. Đi học về, cơm nước xong, bài vở học rồi, gần đi ngủ chú bé vẫn thích nghe bà kể chuyện. Có những câu chuyện chú bé nghe cả trăm lần vẫn thích, và biết bình luận nữa, đôi khi làm bà phì cười, nhưng cũng lắm lúc khiến bà nghĩ ngợi. Đúng vậy, trẻ con không phải cứ nhét vào tai là chấp nhận. Mỗi một thời kỳ, mỗi một hoàn cảnh sống, ảnh hưởng rất nhiều đến cách suy nghĩ của con.

Lên mười, chú bé được nghe bà kể những truyện ngụ ngôn của Jean de La Fontaine. Bà nói những truyện ngụ ngôn ấy, bà đã được học ở trường, không phải do truyền miệng. Chú bé say mê nghe những chuyện Cô Hàng Sữa, Con Ve Và Con Kiến, Hội Đồng Chuột, Con Nhái Muốn To Bằng Con Bò v.v… Chú bé thích nhất là thấy những con vật đã được mô tả như con người, biết nói, biết suy nghĩ, biết cư xử. Bà bảo những con vật đã được “nhân cách hóa” để mang lấy những tính nết của con người, đó là lòng tham, sự ích kỷ, tính ham chơi, sự cần cù làm việc, lòng thương yêu v.v… Lên mười, chú bé đã có thể hiểu được hàm ý trong những câu chuyện như vậy.

Lên mười! Cái tuổi tưởng như còn bé dại, thật ra là dấu mốc của sự chuyển mình. Bà còn nhớ, lúc bà lên mười, đã ngâm thuộc lòng bài thơ Lửa Từ Bi của Thi sĩ Vũ Hoàng Chương, bài thơ có hơn ba trăm chữ. Mọi người trong gia đình bảo bà là con-bé-già-trước-tuổi. Có lẽ đúng. So với các bạn nhỏ cùng tuổi, bà có “già” thật! Và so với chú bé lên mười này, chắc bà ngày đó còn “già” hơn gấp bội. Bởi vậy, bà tự nhủ đừng bao giờ làm điều gì với con trẻ dựa vào chính mình ngày xưa. Thời đại đổi khác, cảnh sống đổi khác, và mỗi một con người cũng đặc biệt. Không có ai giống ai.

Chú bé cháu của bà vẫn cứ mê nghe nhạc và mê nghe kể chuyện. Cái đầu óc biết phân tích khiến chú bé hay hỏi những câu như:

“Bà ơi, sao gọi là truyện cổ tích?”

“Cổ là xưa, tích là dấu vết, là truyện. Cổ tích là dấu vết xưa, hay truyện xưa, nên người ta hay nói “ngày xửa ngày xưa” tức là những chuyện xảy ra đã lâu thật là lâu, khi mình chưa có mặt trên đời.”

“Bà ơi, trong truyện cổ tích, vật gì cũng biết nói hở bà?”

“Ừ, thường là vậy. Truyện cổ tích thì phải là những gì đã xảy ra từ rất xưa, trong đó con người, con vật như chó, mèo, hổ, sư tử, chim chóc… và cả cây cỏ cũng biết nói, con ạ.”

“Và có những ông tiên, bà tiên làm phép giúp cho mọi vật hở bà?”

“Ừ, như Ông Bụt trong truyện Tấm Cám, hay bà tiên trong truyện Lọ Lem đó!”

“Vậy ai đặt ra truyện cổ tích hở bà?”

“Ừ… thì là… người ta đặt ra.”

“Nhưng người ta đâu có sống vào lúc chuyện đó xảy ra hở bà? Nếu có, thì đối với người đặt ra, nó chẳng phải là truyện cổ tích.”

Chà, chú bé lắt léo, lý sự thật! Bà ngẫm nghĩ, nhưng bà công nhận chú bé đúng. Vậy rồi bà và cháu cũng kể đi kể lại những truyện cổ tích, kèm theo lời bình của chú bé lên mười. Kể đi kể lại hoài, mãi rồi không phân biệt truyện tây, truyện ta, vì nội dung và tình tiết khá giống nhau, như Tấm Cám và Cô Bé Lọ Lem vậy. Hoặc như những truyện ngụ ngôn của La Fontaine, qua lời dịch tài tình của Học giả Nguyễn Văn Vĩnh, đã trở thành quen thuộc như thể là chuyện kể của người xứ Việt.

Có một hôm, chú bé đặt giả thuyết, nếu trong truyện Cô Bé Quàng Khăn Đỏ, nhân vật chính không phải là Cô Bé mà là một chú bé thì có khác gì không. Rồi chú tự trả lời rằng chú bé ấy sẽ không dại mà nghe lời phỉnh gạt của một con chó sói đâu! Bởi vì… chú là con trai! Bà cũng phì cười vì ý tưởng ngộ nghĩnh đó. Nhưng thật dễ dãi, chú vẫn thích nghe cái đoạn Cô Bé Quàng Khăn Đỏ đi đến nhà Bà Ngoại, lúc đó bà đã bị Chó Sói nuốt tươi vào bụng rồi, và Chó Sói đã leo lên giường, nằm đắp chăn giả làm Bà Ngoại bệnh. Chú thích chí, bắt bà đóng vai Chó Sói, còn chú sẽ là Cô Bé Quàng Khăn Đỏ.

Chú bé hỏi:

“Bà ơi, hôm nay sao tai bà to thế?
Bà giả giọng ồ ề đáp:
“Tai bà to để bà nghe cháu nói cho rõ.”
“Bà ơi, hôm nay sao mắt bà to thế?”
“Mắt bà to để bà nhìn cháu cho rõ.”
“Bà ơi, hôm nay sao miệng bà to thế?”
“Miệng bà to để bà… ăn thịt cháu. Quàm!!!”
Mọi khi, nghe đến đó là chú bé giả vờ co rúm người lại, sợ hãi, hét lên. Nhưng lần này, đột nhiên chú bé hỏi:
“Bà ơi, sao tóc bà dài và đen thế?”
Bà giật mình, tròn mắt, ngạc nhiên, rồi bà cười xòa:
“Bà ấy hả? Bà… không biết. Ờ… chắc Ông Trời cho bà được vậy thôi!”
“Vậy bà đã gội đầu bằng gì hở bà?”
“Thì bằng dầu gội đầu bình thường, con biết đấy!”
Chú bé gật đầu, còn muốn hỏi thêm. Bà ôm chú bé vào lòng, kể:

“Con biết không, thời xưa, có một khoảng đời, bà và nhiều người khác rất khổ. Những vật dụng hằng ngày rất khan hiếm. Ngay cả xà bông cũng không có mà mua. Mua được một cục xà bông thơm cũng là chuyện xa vời. Bà đã từng pha xà bông bột giặt để gội đầu, con nghe sợ không? Bà sợ lắm, vì làm như vậy tóc sẽ rụng hết, da đầu sẽ bong ra, nhưng ở bẩn thì bà chịu không nổi. Vậy mà Ông Trời thương, cho đến tuổi bảy mươi bà vẫn nuôi được mái tóc đen và dài này.”

“Để… thỉnh thoảng bà lại cắt tặng cho các em bé bị rụng tóc hở bà?”
“Ừ.”
“Hay quá bà ơi, giống như truyện cổ tích!”
Bà ngạc nhiên:
“Là cổ tích sao?”
“Con thấy truyện cổ tích kể về những chuyện khó xảy ra.”
Bà gật gù:
“Ờ ha! Bà cũng thấy vậy. Bà cám ơn Trời.”
“Bà hay nói cám ơn Trời.”
“Đúng vậy con à! Bà luôn cám ơn Trời vì đã cho bà những điều khó xảy ra.”

Hai bà cháu cùng im lặng. Bỗng dưng bà nhớ đến một người bạn thân đã viết một bài văn ngắn, nhắc đến truyện cổ tích kể về một người mẹ mất đi để lại một đứa con quá nhỏ, thằng bé phải sống với một bà mẹ ghẻ. Bị bà mẹ ghẻ đày ải và hà khắc, nó đi chăn bò và luôn phải ăn cơm hẩm. Bà mẹ ghẻ thấy nó ăn cơm hẩm mà vẫn mập mạnh, bà cho con ruột của mình đi chăn bò với nó một bữa để theo dõi. Thằng con bà về kể, tới giờ ăn trưa thằng bé kia tới dưới bụng con bò mẹ, kêu "Mẹ ơi!" thì có một mâm cơm ngon lành hiện ra. Con của bà mẹ ghẻ cũng có ăn nữa, giây sữa ra áo đem về cho bà coi. Nghe kể, bà mẹ ghẻ giết con bò, quăng xương ở gốc cây. Tới trưa, thằng bé ra gốc cây ngồi khóc, mâm cơm lại hiện ra. Cứ thế, cho đến khi đứa bé trưởng thành. Khi nó tự kiếm sống được thì nghe trên không có tiếng mẹ nó giã từ.

Người bạn viết tiếp: “Một truyện cổ tích trong rừng cổ tích của tuổi thơ, tôi đọc và quên bẵng đi mấy mươi năm, cho đến khi má tôi mất. Má tôi mất, tôi không khóc, nhưng lòng không sao nguôi ngoai được.

Một khuya kiểng thức chúng, tự nhiên tôi nghe như tiếng má tôi gọi tôi. Tôi bật dậy, bàng hoàng, chợt nhận ra truyện cổ tích có thật. Lòng tôi nhẹ bổng, thương nhớ như nguôi ngoai. Má vẫn ở cạnh tôi, chăm chút tôi như bao giờ…” (1)
 
****
Tuổi thơ của bà tràn đầy những điều tưởng tượng, do dó mà phong phú. Nhà anh em đông, đồ chơi lại không nhiều, bà tự chế ra các món đồ chơi. Bà cũng biết xếp lồng đèn, vẽ thiệp Nô-en, thiệp Tết. Nào có biết đến sinh nhật hay Nô-en!  Rồi bà cũng làm Ông già Nô-en, rón rén đi cho quà những người trong gia đình. Bà cũng làm cô giáo dạy học một đám học trò tưởng tượng. Bà nghĩ, nếu không có tưởng tượng, cuộc sống của con người ta sẽ khô đét, như cái cây không được tưới.

Nhưng tưởng tượng nhiều quá thì có nên chăng? Không nên chút nào! Như bà thuở bé hay mơ mộng nhìn lên mặt trăng và nghĩ về chú Cuội ngồi gốc cây đa, đó cũng là qua những câu chuyện kể. Nhưng khi đã biết về sự thật trên mặt trăng, bà không kể cho các bé nghe về chú Cuội cây đa nữa. Bà kể về những bước chân kỳ diệu của con người đặt lên mặt đất cung trăng. Nói bằng cách nói của chú bé, đó cũng là những điều khó xảy ra. Nhưng điều khó xảy ra đó lại có trong đời thật. Rất tuyệt vời!

Đến lượt chú bé đặt ra những câu hỏi cho bà suy nghĩ.

“Bà ơi, vậy ngoài cái thế giới của bà cháu mình, và thế giới bao la của vũ trụ, còn có thế giới nào nữa không?”
“À… Có! Là cái thế giới mà bà đã làm việc cùng.”
“Là gì vậy bà?”
“Một thế giới của những sinh vật bé nhỏ li ti, mắt thường của bà và cháu không thể nhìn thấy được.”
“Làm sao để thấy?”
“Không khó. Phải dùng kính hiển vi phóng to lên để thấy. Đó là thế giới của vi sinh vật.”
“Nó có khác biệt với mình không hở bà?”

“Không mấy khác biệt. Vi sinh vật cũng sống, cũng cần thức ăn, cần được nuôi dưỡng tốt. Chúng cũng phát triển, cũng già, cũng chết. Có những loại gây hại cho con người, thú vật và cây cỏ. Nhưng đã có những loại thuốc chống lại chúng. Và cũng có những loại vi sinh vật làm lợi cho con người. Thế giới của chúng cũng có tốt có xấu như thế giới của mình vậy,”

“Bà ơi, vậy bà có nhân cách hóa những con vi trùng của bà không?”

“Có chứ! Mỗi khi làm phản ứng về chúng, bà thường thuận theo sở thích của chúng, vì bà hiểu chúng như hiểu tính con người. Con biết không, chúng cũng thích ăn ngọt như mình vậy, nhờ đó mà bà định danh chúng dễ dàng.”

“Hay quá! Con thích học về chúng, như bà vậy!”

Bà ôm chú bé vào lòng, âu yếm:

“Con học về chúng, hoặc con học về vũ trụ, đều hay cả. Con mong muốn, con sẽ được.”

Chú bé lại tỏ vẻ suy nghĩ…

 “Bà ơi, con muốn tất cả các bạn nhỏ như con đều được nghe kể những chuyện như bà kể.”

Bà im lặng. Có vẻ như chú bé đang nghĩ đến những điều vượt xa cái thực tại của chú. Bà biết nói sao đây, về những em bé sống ở vùng chiến tranh, về những em bé chưa lớn đã thấy súng đạn, về những em bé sinh ra và lớn lên trong cảnh đói nghèo? Quả thật, thế giới vẫn cần có những Ông Bụt của cô Tấm, những Bà Tiên của Lọ Lem. Vâng, những Ông Bụt Bà Tiên bằng người thật.
 
****
Bà từng nghĩ chỉ kể những truyện cổ tích cho chú bé vui. Nhưng chú bé đã tỏ ra biết suy nghĩ và lý luận nhiều. Cho nên bà đã thêm vào “kho” truyện kể cho chú bé, một truyện mà bà rất thích: Hoàng Tử Bé (2). Bà đã dùng lối kể đơn giản thay vì đọc những lời dịch cao siêu thâm thúy của Học giả Bùi Giáng. Có khi bà dùng những chữ trong bản tiếng Anh cho dễ hiểu. Chú bé đã tự đúc kết được những ý chính mà tác giả chuyển tải đến cho người đọc, theo cách nghĩ non nớt của chú, và cũng rất đúng với ý muốn của bà.

“Bà ơi! Ai cũng cần có bạn phải không bà?”

“Đúng vậy. Và cần lắm, những người bạn thiết, con ạ!”

“Muốn có bạn thiết, cần phải làm sao?”

“Cần phải tuần dưỡng (3) – Bà dùng chữ “tuần dưỡng” của cụ Bùi Giáng–  Quen biết không phải là tuần dưỡng. Tuần dưỡng là tạo nên sợi dây liên lạc, muốn vậy phải dành thì giờ cho nhau, hiểu biết về nhau.”

“Như bà cháu mình phải không bà?”

Bà bật cười:

“Đúng rồi! Nhưng xa hơn nữa, như trong truyện, Hoàng Tử Bé và Con Chồn đã tuần dưỡng nhau, và trở thành bạn thiết, vì họ đã dành thì giờ rất nhiều cho nhau, nói chuyện rất nhiều với nhau, hiểu nhau, và cần nhau.”

“Con hiểu rồi! Bà ơi, ai cũng cần có trách nhiệm với một cái gì đó phải không bà?”
“Phải. Như Hoàng Tử Bé có trách nhiệm vĩnh viễn đối với cái gì chú đã tuần dưỡng một phen. Hoàng Tử Bé và Đóa Hồng bé nhỏ của chú ấy đã tuần dưỡng nhau. Cho nên Hoàng Tử Bé quyết có trách nhiệm vĩnh viễn với Đóa Hồng của chú ấy. Bằng mọi cách, chú phải quay về với Đóa Hồng của mình.”
 
Thật đơn giản! Chú bé hiểu hết. Bà đã không nói chuyện với chú bé như nói với một cô-bé-già-trước-tuổi. Bởi ý niệm của truyện rất giản dị, nên dễ hiểu. Khi chú bé lớn lên, ở từng thời điểm của cuộc đời, chú bé sẽ hiểu theo những cách khác nhau, và áp dụng cũng khác nhau. Chú bé sẽ hiểu về trách nhiệm, hay nói cách khác là lòng trung thành với một tình bạn, với một tình yêu, với một đất nước, hay với một lý tưởng… là như thế nào.
 
Tháng 1/2025
Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh
(1) Cổ Tích, tác giả: Thuần Chánh
(2) Nguyên tác: Le Petit Prince, tác giả:  Antoine de Saint-Exupéry
(3) tame (E), apprivoiser (F)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm đó, tôi qua Arlington,Texas thăm gia đình, rồi ghé Dallas thăm người hàng xóm cũ thân thiết từ khi còn ở Việt Nam . Chú Thím ấy đónvợ chồng tôi nồng hậu như mọi khi, bữa ăn đặc sản món Huế như tôi yêu cầu, sau đó kéo nhau ra phòng khách ăn bánh uống trà . Rồi Thím gọi cháu ngoại: - Thiên Ân ơi, ra đây ca hát cho hai bác Canada nghe đi con.-Cô bé hai, ba tuổi tung tăng ngoan ngoãn khoanh tay chào chúng tôi, rồi bạo dạn chạy ra giữa phòng, tay giả bộ cầm micro phone, rồi nhún nhảy tự nhiên hát một bài hát Tiếng Việt thật rõ ràng .
Ngày xưa rất xa xưa, ở vùng quê thôn dã, người dân sống giản dị, đơn sơ, mộc mạc; người ta trồng tỉa những vườn rau cải, vườn ngô, vườn cà… lấy hoa lợi để sống. Thường thường có chim chóc kiếm ăn đến phá phách, dãi dãi, mổ mổ những hạt mới ươm trồng hay những nụ hoa mới ra, chúng ăn, với con người trồng tỉa lấy hoa lợi là chúng nghịch ngợm và phá hoại, ăn khín. Mới đầu chúng đến một vài con, sau rủ nhau đến nhiều hơn, cả nhà cả đàn chim chóc… và người gia chủ trồng tỉa phải tìm cách bảo vệ hoa màu của họ, nguồn sống của họ.
Người đàn bà với tay kéo tấm bạt vải phủ hai mặt bàn thấp và lổng chổng mấy cái ghế úp lại phía trên. Buổi chiều tháng chín nhả vài vệt nắng vàng sậm trên mấy lùm cây mắm khẳng khiu mọc hoang dại bên hông. Căn nhà chia làm hai, phía trên mặt lộ làm quán lộ thiên, phần còn lại là căn nhà sàn nằm doi ra mặt bờ kinh Cụt. Mặt quán cũng được biến dạng mỗi ngày. Sáng có cà-phê, hàng xôi và thuốc lá. Buổi trưa là quán cơm bình dân cho đám khách hàng chợ Giữa, đến từ các huyện xa xôi. Tối đến, chỉ còn vỏn vẹn thùng thuốc lá bán lẻ. Tất cả sinh hoạt biến dạng dưới bàn tay của người đàn bà và đứa con gái nhỏ. Người ta nhìn thấy trong đôi mắt nâu đen của hai má con in đậm hình ảnh căn nhà chật chội, bày biện lượm thượm những ghế bàn buồn bã, lạnh lùng. Bóng dáng người đàn bà và bếp lửa áo cơm, vẫn không đủ vẽ lên khung cảnh đầm ấm của một gia đình. Đứa con gái mười bốn tuổi, giống má, lầm lũi như chiếc bóng trong nhịp đời hờ hững.
Ai cũng có những hoài niệm mang theo cả cuộc đời, hoài niệm ngày càng nhiều theo tuổi tác dâng lên, người may mắn có nhiều hoài niệm vui hơn buồn để khi chợt nhớ thấy lòng vui vui. Ai cũng có những ước mơ thầm kín để khi hoài niệm thấy mình còn là người, giả như ước mơ cho người yêu cũ có cuộc sống hạnh phúc. Điều ấy nói ra ai tin nên xếp vào ước mơ thầm kín, còn những ước mơ nói ra được chỉ là hoang tưởng nhất thời như thấy chiếc xe đẹp lướt qua, ước gì mình có chiếc xe ấy. Nhưng giả sử ngày mai trúng số, có tiền mua chiếc xe ấy thì ước mơ nói ra được hôm qua đã thay đổi thành chiếc xe mắc tiền hơn nữa và đẹp hơn nữa vì là chiếc xe của hôm nay, của người mới trúng số. Khác với ước mơ thầm kính vui buồn riêng mang coi vậy mà theo ta như hình với bóng, càng thầm kín càng bền lâu sau nỗi buồn chia xa đã gặm nhấm tâm can theo tháng ngày, nghe tin người xưa không hạnh phúc thì nỗi buồn tăng lên gấp đôi nhưng nói ra ai tin trong trời đất bao la này…
Truyện HOÀNG CHÍNH - Thứ Mùa Màng Không Có Thật
Má Chanh mất rồi, đưa vô bệnh viện bị má khó thở, rồi bà đi rất mau, đi ngay trong phòng khám. Ông nói một hơi rồi lặng lẽ khóc… khóc ấm ức, nghẹn! Cứ nhìn ông già khóc vợ nghẹn lời, mà nhớ lại nhiều lần ông còn như muốn kể lể: Cuộc tình của ba với má Chanh gián đoạn rồi kết nối nhiều lần mà không đáng buồn vì là cuối đời ba vẫn yêu quý má, má vẫn yêu thương ba như ngày đầu mới gặp…
Thật khó mà nói về mình khi bước vào tuổi 90-cái tuổi lớn nhưng không thừa, đôi khi lại thiếu- Ở tuổi 90, sức khỏe xuống cấp, lôi theo sự trì trệ thoái hóa của não bộ, trở nên bảo thủ. Đôi khi lại phấn chấn, một chút quá khích, muốn bước thêm những bước dài nữa thì bị hụt hơi. Ngày xưa hăm hở viết, cứ tưởng mình đắc thủ tư tưởng cổ kim nhiều lắm. Bây giờ ở tuổi 90 lại thích đọc, như tim về nơi trú ẩn, tự an trí mình.
Câu chuyện ngày nay kể về một chuyện ngày xưa, một ngày của thuở hồng hoang loài người; hằng triệu năm trước, khi một mảnh đất trên địa cầu, sau cơn địa chấn, tách ra và trôi dạt về phương Nam, ngày càng xa thẵm và nó trôi đến phía cực Nam của trái đất, dừng lại một nơi chốn tận cùng, rồi một biên giới được dựng lên bởi bức tường Băng Tuyết vĩnh viễn. Trên mảnh đất xa xôi, ngàn năm cô đơn ấy, một loài chim Cánh Cụt ríu rít sống bên nhau, yêu thương che chở nhau cho đến chết vì nhau.
Lúc tôi đậu thanh lọc, được chuyển từ trại “cấm” sang trại tự do, tinh thần vui vẻ, tôi không có ý định tiếp tục công việc ở post office mà muốn thử công việc mới, làm thiện nguyện 3 jobs không hề mệt mỏi . Sáng sớm dạy lớp English Vỡ Lòng cho người lớn tuổi tại trường ESL, sau đó chạy “show” qua trường Việt Ngữ dạy Tiếng Việt cho các em nhỏ, và thời gian còn lại trong ngày làm việc là dành cho Văn Phòng Cao Ủy Định Cư.
Tôi đang đổ xăng, bỗng có người thanh niên tiến đến nên tôi cảnh giác xem anh ta muốn gì? Anh ấy không có thái độ gây hấn hay gì hết, ngược lại là nụ cười xã giao dễ mến và và hành lễ khoanh tay là điều đã hiếm thấy ở giới trẻ Việt trên nước Mỹ bây giờ.
Nhân tuần lễ kỷ niệm 49 ngày Khánh Trường rời cuộc thế gian, tờ Ngôn Ngữ số đặc biệt tháng Hai dành trọn số báo tưởng niệm người họa sĩ, nhà văn, nhà thơ, nhà báo tài hoa Khánh Trường, do nhà thơ Luân Hoán và bạn hữu nhóm Ngôn Ngữ ưu ái thực hiện. Mời đọc bài viết của Trần Yên Hòa trích nhà phê bình văn học Thụy Khuê như một nén nhang tưởng nhớ người họa sĩ/nhà văn tài hoa.
Có thể nói cuộc đời của những du học sinh thời VNCH như tôi trải qua khá nhiều truân chuyên từ dạo ấy, sau tháng Tư đen 1975, từ khi cộng sản Bắc Việt thống trị Nam Việt Nam. Khác với quyết định đi tìm Tự Do, đi tìm sự sống trên cái chết qua hình thức vượt biên vượt biển của đồng hương sau 1975, chúng tôi may mắn hơn, đơn thuần chỉ phải chọn lựa một trong hai: về Việt Nam hay ở lại nước ngoài. Nếu quyết định về VN thì phải cúi đầu phục tùng nhóm sinh viên đoàn kết và toà đại sứ Việt Cộng. Còn ngược lại nếu quyết định ở lại nước ngoài thì phải chấp nhận xa quê hương, xa gia đình, bạn bè anh em và không biết khi nào mới gặp lại!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.