Hôm nay,  

Nối Dài Câu Nói Dối

10/01/202500:00:00(Xem: 4213)



“Mày có vợ hồi nào vậy?” chưa kịp chào, mẹ đã ném ra câu hỏi bất ngờ. Tôi lặng thinh. Cục nghẹn trong cổ họng. Tiếng mẹ đã khàn nhưng nghe vẫn quen, vẫn gần gũi, nhưng đặm chút ngạc nhiên và thấp thoáng chút phiền muộn. Hệt như lần hỏi tôi mười mấy năm trước rằng Sao con trốn học. Đường dây điện thoại chợt kêu ù ù, như thể có máy bay hay xe vận tải cơ giới hạng nặng chạy qua chỗ mẹ đứng. Cũng có thể tại tai tôi ù. Tôi cũng không chắc lắm. Giọng nói mẹ chìm vào khối tạp âm hỗn độn. Mẹ lặp lại câu hỏi trong tiếng động cơ rì rầm. Rồi tất cả im vắng bất ngờ. “Hở con?” Mẹ nói.

Tôi muốn điện thoại bị cúp ngay lúc này. Tự mình ngắt thì không dám. Mẹ mà đã hỏi thì tôi chẳng chạy đâu cho thoát.

“Mày có vợ sao không hỏi qua mẹ một câu, sao không báo cho mẹ biết,” mẹ lại hỏi. Tôi nhận ra mẹ nói Sao không hỏi qua mẹ một câu? mà không bắt bẻ Sao không xin phép mẹ? Vậy là tội của tôi xem như đã nhẹ đi một nửa.

Tôi ú ớ. Rồi tôi lặng thinh. Đường dây lại rào rào tiếng gió. Tôi chờ mẹ lạc chuyện. Mẹ có tật lan man từ chuyện này ra chuyện khác rồi quên chuyện phải nói lúc đầu. Tôi chờ cơn lốc nhỏ hay một cơn bão nhiệt đới làm rối những mối dây điện thoại trên cây cột chằng chịt những dây điện chôn đầu con ngõ vào khu xóm nhỏ bên nhà.

“Mẹ cũng hiểu con cái lớn lên thì phải có gia đình...” Mẹ bắt đầu cái điệp khúc quen thuộc.

Tôi lắc đầu. Không ai thấy tôi lắc đầu ngoài thằng bé đang ngọ ngoạy trong cái nôi kéo tới sát bàn ăn, chỗ tôi ngồi làm việc. Tôi nhìn thằng bé. Nó còn bé lắm nhưng sao tôi vẫn thấy cái miệng nó giống Tiểu Quyên. Tiểu Quyên môi hồng, tóc thả sau lưng, và chiếc răng khểnh. Tôi thấy thằng bé có nét giống mẹ nó. Chắc tại tôi tự huyễn hoặc mình. Hay tại nỗi nhớ dẫu chìm trong đáy sâu tiềm thức, vẫn khuấy động dòng sông ký ức. 

Tiếng ù ù đã lắng. Giọng mẹ lại vang vang, “Lấy ai cũng được, nhưng mà mẹ phải biết cái đứa mày muốn lấy.”

Tôi lẩm bẩm, “Con biết mà.” Rồi để chuyển hướng câu chuyện, tôi nhắc lại cái đề nghị ban đầu, “Mẹ sắp xếp qua bên này đổi gió mấy tháng nhé.”

“Qua thì cũng phải qua thôi,” mẹ nói, giọng buông xuôi, như thể bị ép uổng vào chuyện đã rồi.

Ngọ ngoạy trong nôi, thằng bé chợt bật một tiếng ho. Ở đầu dây, xa tuốt tận nửa vòng trái đất mẹ nghe được. “Nó đấy phải không?”

Tôi mừng rỡ, “Nó đó mẹ, cháu nội của mẹ đó.”

Mẹ quên ngay những câu tra vấn.

“Sao không gửi hình cho mẹ?”

“Để con lấy điện thoại di động, chụp hình cháu nội, gửi qua cho mẹ.” Tôi nhấn mạnh hai chữ cháu nội như tín đồ niệm câu thần chú, cầu mong nó đánh tan mọi sương mù chướng khí vây quanh những câu tra vấn của mẹ.

“Chắc nó dễ thương lắm,” mẹ nói.

Tôi nhanh nhảu, “Dễ thương mà lại ngoan nữa.”

“Để mẹ qua với nó.”

Tôi cuống lên, “Vâng, mẹ qua sớm nhé.”

“Thì sớm. Thằng bé có ngoan không?”

“Ngoan lắm, dễ cưng lắm mẹ ơi,” tôi nhanh nhảu đáp lời.

Mẹ vẫn nghĩ ngoan tức là không quấy khóc, là cho bú xong thì lăn ra ngủ, không thức giấc nửa đêm, không ốm đau quặt quẹo. Dễ nuôi như tôi hồi còn bé. Mẹ vẫn khoe với mọi người về tôi như thế. Cứ bú no là lăn ra ngủ, chẳng quấy rầy ai. Nếu tính như vậy thì thằng bé này rất ngoan. Con bị mẹ bỏ rơi thì phải vậy thôi. Tôi thầm nghĩ.

“Để mẹ qua với nó,” mẹ lặp lại.

Tôi mừng như trúng số. Tôi thở phào. Vậy là thoát cái màn tra vấn. Nhưng mẹ tiếp ngay, “Nhưng sao mày lấy vợ mà không báo cho mẹ biết?”

“Thì con đang cho mẹ biết đây.”

“Bây giờ thì còn nói làm gì nữa?”

Thế là tôi gấp rút lo giấy tờ bảo lãnh mẹ đi du lịch. Vì giấy khai sinh của tôi thất lạc hồi chạy loạn, tôi phải làm giấy cam kết mẹ-tôi-đúng-thật-là-mẹ-của-tôi. Tốn một số tiền để luật sư thị thực. Rồi qua cái cửa ải gian nan nhất để người ta xác nhận mẹ thực sự là công dân nước Việt. Cửa ải ấy là Tòa Lãnh Sự Việt Nam. Chúng tôi sẽ tạo điều kiện cho anh đoàn tụ với bà cụ. Họ lặp đi lặp lại điệp khúc ấy. Họ bắt tôi xác nhận bằng giấy tờ của Bộ Tư Pháp và Luật Sư Đoàn rằng ông luật sư thị thực chữ ký cho tôi thực sự là luật sư dù giấy chứng nhận của ông có con dấu nổi. Tôi cũng chẳng trách họ. Ở cái xứ sở mà giấy tờ giả, bằng cấp giả là chuyện bình thường thì họ không tin bằng luật sư của Canada là đúng rồi. Rồi tiền nọ tiền kia. Giấy này giấy nọ. Ngày này qua ngày khác. Bao nhiêu cú điện thoại. Bao nhiêu giây phút chờ. Bao nhiêu thứ cần bổ túc. Người này chuyển sang người kia. Người kia hôm nay không có mặt. Anh gọi sớm quá người kia chưa tới. Không may cho anh, người kia vừa mới ra về. Họ hành tôi đến độ phát khùng. Gian nan vô vàn.

Nhưng cuối cùng rồi mẹ cũng qua tới.

Tôi lái xe tám chục cây số, đến phi trường đón mẹ. Tôi đi một mình, nhờ Nancy - người đàn bà thuê nhà của tôi - ở nhà trông dùm thằng bé.

Kẹt xe cả tiếng đồng hồ trên xa lộ, tôi đến muộn. Nhìn mẹ đứng lớ ngớ, tim tôi hụt đi một nhịp.

“Tao tưởng mày bỏ tao ở đây rồi!” Mẹ nói. Tôi luống cuống không thốt nổi một câu giải bày.

Trên xe mẹ kể đủ thứ chuyện bên nhà. Lan man qua chuyện cái bà ngồi cạnh mẹ trên máy bay. Cái bà nhiều chuyện, hết khoe con đến khoe cháu. Toàn những bác sĩ, những luật sư tương lai. Rồi mẹ thở dài, “Con cháu người ta thì như thế…”

Tôi trấn an, “Mẹ đừng lo, cháu nội của mẹ rồi cũng chẳng kém ai.”

Xe ngừng trước cửa, mẹ loay hoay mở cửa xe. Chuyến bay dài gần hai chục tiếng đã rút cạn kiệt sinh lực của mẹ, vậy mà vừa thấy thấp thoáng bóng Nancy bồng cháu nhỏ trên tay, mẹ đã hối hả chạy vào, “Cháu của tôi đây rồi!”

Mẹ nhìn Nancy thật nhanh, mỉm cười với nàng, rồi đỡ vội thằng cháu trên tay nàng.

“Thằng cháu ngoan của bà đây.” Và mẹ quay qua Nancy đang đứng lớ ngớ bên cạnh, “Con dâu của mẹ đây phải không nào? May quá, con là người Việt chứ không thì mẹ không biết làm sao mà nói chuyện.”

Thì Nancy là người Việt nhưng Nancy chẳng phải con dâu của mẹ đâu. Cô ấy chỉ là người thuê nhà thôi. Tôi muốn nói với mẹ như thế nhưng có cái gì đó chặn ngang cổ họng tôi. Nancy tròn mắt ngạc nhiên, miệng lí nhí, “Con chào bác. Bác đi máy bay có mệt không?”

“Mệt lắm cô ơi,” mẹ trả lời vội rồi cúi xuống thằng bé.

Vừa kéo cái va li của mẹ qua cửa, tôi nói vội, “Cháu cưng của mẹ đó.”

Nancy mỉm cười, lấy mảnh khăn tay chùi vệt sữa trên má thằng bé, rồi phụ tôi khiêng cái túi xách của mẹ vào phòng tôi.

Thủ tục chào hỏi đã qua, Nancy vội vã đi làm, nhà chỉ còn hai mẹ con và thằng bé, mẹ thắc mắc, “Sao vợ mày nó không hỏi han gì mẹ hết vậy?”

Tôi lúng túng, “Cô ấy không phải vợ con.”

Mẹ trợn mắt, “Mày nói gì?”

“Cô ấy là người thuê nhà.”

Mẹ lặng người đi cả mấy phút đồng hồ. Đầu óc tôi trống rỗng. Tôi không nghĩ ra được câu gì để nói.

“Mày cho nó thuê nhà như thế coi sao được. Người ngoài người ta nói ra nói vào, nghe cho mà điếc cái lỗ tai,” mẹ cằn nhằn.

“Ở đây có người Việt nào đâu mẹ.” Tôi nói và tôi tin mình nói đúng. Tôi ở đây lâu lắm rồi, nhưng ngoài Thục Quyên – cô gái mà tôi dan díu biết bao lâu – không còn người Việt nào khác. 

Mẹ đổi đề tài, “Ờ mà sao mày chọn ở cái chỗ khỉ ho cò gáy như thế này?”

Thành phố này đúng ra chỉ là một thị trấn nhỏ nằm ven bìa một khu rừng. Nhà tôi ở cuối con đường chính của thị trấn, nơi cái ngõ cụt có lối mòn dẫn vào khu rừng cây cối rậm rạp.

“Được cái yên tĩnh mẹ ạ, với lại con có thể vào rừng lấy củi về đốt lò sưởi.”

“Rừng có gấu hay cọp beo gì không?”

Câu hỏi bất chợt làm tôi điếng người. Từng mảng ký ức xoay vòng như xấp giấy vụn quay cuồng trong cơn lốc. Câu hỏi quen quá là quen. Lúc gặp nhau lần đầu ở lối vào khu rừng sau nhà, có người đã hỏi tôi câu ấy. Người ấy bây giờ ở đâu?

“Mẹ hỏi sao mày không trả lời? Chắc có cọp beo phải không? Đừng cho thằng bé ra sân, kẻo cọp beo đến tha nó đi đấy.”

Tôi bật cười, “Có con cọp. Một hôm nó tha thằng bé này, bỏ ở cửa nhà cho con nuôi nó đấy.”

Mẹ thở ra, “Mày vẫn cái tật bông đùa. Thế mẹ thằng cháu đâu? Vợ mày đâu?”

Tôi loay hoay tìm câu trả lời.

“Vợ mày đâu?” mẹ lại hỏi. “Sao nó không ở nhà với chồng, với con.”

Mẹ sẽ không bao giờ tưởng tượng ra được cuối một mùa vui kia, đứa con gái ấy bồng đến cho tôi một đứa bé kèm theo mảnh giấy có một câu dặn dò, rồi biến đi. Tôi có biết cô ấy đi đâu để mà cho mẹ câu trả lời.

“Nhà con nó đi học xa, mẹ ạ,” tôi nói đại, may ra mẹ sẽ vừa ý với câu trả lời ấy.

“Học cái gì?”

“Học... đại học.”

“Học đại học thì cũng phải về nhà chứ.”

Tôi chợt nghĩ ra câu nói dối, “Phải nội trú thì mới tốt nghiệp được.”

Im lặng được vài phút, mẹ lại hỏi, “Vợ mày đi học xa. Mày rước đàn bà khác về nhà ở chung nhà mà vợ mày nó để yên à?”

Tôi ngập ngừng. Mãi mới nghĩ ra được câu trả lời, “Có gì đâu mẹ.”

“Sao không.”

Không khí căn phòng chợt cô đặc. Tôi lắng nghe tiếng gió bên ngoài nhưng dường như gió cũng ngưng đọng trên những ngọn cây của khu rừng rậm sau nhà.

Một lát mẹ lại hỏi, “Vợ mày nó có biết chuyện này không?”

“Chuyện gì hở mẹ?”

“Chuyện mày rước đàn bà khác đến ở trong nhà.”

Mẹ cứ lặp đi lặp lại chữ “rước” làm tôi thấy mình bệ rạc hẳn lên. Tôi lặng thinh. Tôi nhớ lúc ôm thằng bé về cho tôi, và gặp Nancy lần đầu, Tiểu Quyên đã thì thầm, “Chú với chị ấy xứng đôi quá!” Như vậy có lẽ nếu có gì thì Tiểu Quyên cũng sẵn sàng chấp nhận chuyện Nancy và tôi. Thành ra tôi quả quyết, “Vợ con nó chịu, mẹ à.”

Mẹ tôi im lặng. Vậy là êm xuôi. Tôi thở phào. Nhưng im lặng chưa đầy một phút mẹ đã nói tiếp, “Tao không hiểu vợ mày nó là loại người gì mà lại chịu như thế.”

Tôi loay hoay thay tã cho thằng bé. Mẹ ngồi ở sa lông, thắc mắc, “Sao con Nancy ấy nó lại cho thằng bé bú vậy?”

Tôi giật mình, “Đâu có.”

“Lúc mình vừa về tới nó đang cho thằng bé bú nó.”

“Không có đâu.”

“Mày đừng hòng che mắt tao. Tao thấy rõ ràng. Nó còn lấy khăn lau sữa trên má thằng bé.”

Tôi cũng nhớ quả thật Nancy có chùi vệt sữa trên má thằng bé.

“Nó không đẻ con thì lấy đâu ra sữa?” Giọng mẹ gay gắt.

Tôi muốn nói với mẹ rằng thằng bé làm thay đổi bao nhiêu thứ trong đời sống tôi. Tôi muốn nói với mẹ rằng nó cũng làm thay đổi luôn con người của Nancy. Nó biến nàng từ người đàn bà không chồng không con, khô khan như ruộng đồng mùa hạn hán, bỗng dưng sông suối tràn trề. Tôi muốn giải thích cho mẹ rằng khi mẹ thằng bé bỏ đi, nhờ Nancy cho bú thằng bé mới nguôi cơn khóc, rồi cho bú hoài đến lúc tự nhiên có sữa. Chuyện ấy tôi không chứng minh được tôi chỉ biết đó là chuyện có thật. Thằng bé biến Nancy từ người phụ nữ độc thân thành người mẹ hết lòng với con mình.

Tôi nói, “Mẹ nghĩ xem, mẹ ruột nó ở xa, có cô ấy, có hơi đàn bà, nó bớt khóc. Trẻ con cần hơi mẹ. Thằng bé cần hơi phụ nữ.”

Tôi ngưng lại. Tôi có cần hơi phụ nữ như thằng bé này không? Tôi là đàn ông. Và tôi còn thở. Tôi còn đang sống. Tôi cần nhiều thứ, không chỉ riêng hơi hướm đàn bà.

Trong bữa cơm chiều, cả ba chúng tôi ngồi ở bàn ăn. Nancy suýt soa khen món thịt kho của mẹ. Tôi không có lời khen nào bởi tôi còn bận ăn. Biết bao lâu mới lại được thưởng thức món thịt kho mẹ nấu.

Cái nôi thằng bé đặt cạnh bàn ăn. Đưa tay vuốt má thằng bé, mẹ nói, giọng mềm và kéo dài ở cuối câu, “Cưng cháu nội của bà quá.”

Cô bạn chớp mắt, nói nhỏ, “Cháu ngoại chứ.”

“Tôi là mẹ của bố nó thì tôi là bà nội chứ, bà ngoại làm sao được,” mẹ tôi phản đối.

Nancy xoay qua tôi, tròn xoe con mắt.

Lúc chỉ có hai chúng tôi sau bếp, nàng thì thầm vào tai tôi, “Cháu ngoại mà mẹ anh cứ khăng khăng là cháu nội.”

Trong đầu Nancy, thằng bé là con của Tiểu Quyên, mà Tiểu Quyên (tôi đã nói dối với Nancy) là em gái út của tôi thì nó phải là cháu ngoại của mẹ tôi. Nhưng tôi không biết (hay không dám) giải thích thế nào cho Nancy hiểu. Càng giải thích tôi sẽ càng phải nối dài những câu nói dối.

Nhưng Nancy đã kết luận dùm tôi, “Chắc mẹ anh lẫn rồi!” 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.