Hôm nay,  

Đi chơi Chùa Hương – Suối Yến, Đền Trình

03/03/202409:38:00(Xem: 1851)
Truyện

giuhung 1

Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà.
     Uyên trong chiếc áo dài tơ mầu mỡ gà, khoác ngoài chiếc áo len mầu nâu nhạt. Còn Thi vẫn trong chiếc áo dài trắng học trò hàng ngày, khoác ngoài chiếc áo len mỏng mầu tím Huế. Đi leo núi mà hai cô ăn mặc thế kia thì không tiện lắm. Nhưng thôi cũng được, đi lễ chùa mà, ta cũng nên mặc áo dài cho nó trang trọng, thành kính.
      Dựa vào những tài liệu tôi có, quần thể Hương Sơn thuộc địa phận xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức (trước kia là huyện Hoài An), tỉnh Hà Đông, cách Hà nội khoảng 60 cây số về huớng tây-nam. Lộ trình đi thăm quần thể Hương Sơn, thông thường người ta có thể chia ra làm 3 tuyến đường chính mà du khách và khách hành hương đến đất Phật thường lui tới:
      -  Tuyến đường chính đưa tới chùa Hương Tích.
      -  Tuyến đường thứ hai đưa tới chùa Hinh Bồng.
      -  Tuyến đường thứ ba đưa tới chùa Tuyết Sơn.
      Trong đó, tuyến đường chính để vào động hay chùa Hương Tích là “trung tâm điểm” thu hút du khách và khách hành hương nhiều nhất.
      Với ba tuyến trên, ta không thể đi hết trong vòng một ngày, nhanh lắm cũng phải mất hai ngày, thong thả phải mất ba ngày mới tạm nói là ta đã đi gần hết những điểm chính của quần thể ấy. Tôi phác họa ngay lộ trình vào thăm chùa Hương Tích để không bị bỡ ngỡ vì đây là lần đầu chúng tôi đặt chân đến vùng “Đệ nhất Nam thiên ấy cảnh này”.
      Kề ngay bến xe Hồng Quang, thuộc Hương Sơn, là bến Đục. Từ bến Đục, ta đi bộ tới bến đò Yến. Ta xuống thuyền tại bến đò Yến. Thuyền bơi dọc theo suối Yến để ghé qua đền Trình, rồi từ đây thuyền lại tiếp tục chèo đến bến đò Trò, hay bến đò Thiên Trù, nơi đây có chùa Thiên Trù, còn gọi là “chùa Ngoài”. Từ chùa Thiên Trù ta đi bộ, lần theo đường núi để đến chùa Tiên ngay gần đó, rồi qua chùa Giải Oan có động Tuyết Quỳnh hay Tuyết Kình, rồi đến đền Chấn Song hay còn gọi là đền Cửa Võng. Rồi tiếp tục đi theo triền núi tới động Hương Tích hay còn gọi là “chùa Trong”. Sau đó chúng tôi sẽ quay trở về bến Yến, nơi xuất phát.
 
***

Từ bến xe khách Hà Nội, xe chuyển bánh vào khoảng 6 giờ sáng. Chúng tôi đến bến xe Hồng Quang vào đúng 8 giờ sáng. Các xe khách từ các nơi cũng đổ về đây làm quang cảnh bến xe có phần đông đúc nhộn nhịp hẳn lên. Các cửa hàng đã mở cửa tự bao giờ. Bên cạnh bến xe là bến Đục thuộc làng Đục Khê. Bến Đục là một bến đò trên dòng sông Đáy. Từ đây coi như ta đã bước chân vào vùng đất Phật Hương Sơn hay đúng ra là khởi đầu cho một quần thể núi, sông, chùa chiền, hang động của thắng cảnh mang tên Hương Sơn.
    Từ bến Đục, chúng tôi qua cây cầu gạch, đi bộ hơn một cây số thì tới bến đò Yến thuộc suối Yến của làng Yến Vĩ (đuôi chim Yến). Người dân làng Yến Vĩ ví làng mình mang hình dáng con chim yến (hay chim én), một loại chim của mùa xuân. Vào những ngày hội, con đường này rất đông vui.

giuhung 2
Bến đò Yến.
 
Tại bến đò Yến, chúng tôi thuê một chiếc đò “tam bản” đan bằng tre. Ở đây có cái lạ là người ta thuê thuyền theo ngày chứ không theo chuyến. Du khách muốn xuống chỗ nào thì thuyền neo đợi. Khi khách trở ra, thuyền sẵn sàng đưa khách đi tiếp. Cô lái đò của chúng tôi còn trẻ, vui tính, rất thân thiện và phải nói thêm là duyên dáng nữa.
      Cô lái đò giúp chúng tôi ngồi an vị trên thuyền. Uyên và Thi có lẽ đây là lần đầu tiên đi thuyền trên sông, suối nên hai cô tỏ ra hơi sợ mỗi khi thuyền chòng chành. Nhưng chẳng mấy chốc chúng tôi cũng đã làm quen được với chiếc thuyền nan này.
      Thuyền từ từ lướt nhẹ theo dòng suối Yến. Nước vỗ vào mạn thuyền nghe thật vui tai. Cảnh vật ở đây, đúng là cảnh thiên thai, đẹp như một bức tranh sơn thủy. Trước là núi, hai bên là núi, trên cao là trời xanh, ở giữa là dòng suối lững lờ trôi một cách êm đềm, bình thản.
      Núi có cái đẹp của núi. Núi không cao nhưng trùng trùng điệp điệp, lớp trước lớp sau, lớp tỏ lớp mờ, lớp ẩn lớp hiện. Mầu sắc của núi biến đổi luôn luôn theo ánh sáng mặt trời đang lên.       Nước có cái đẹp của nước. Suối Yến không sâu nhưng mở rộng ra như thể không bờ. Nếu có bờ, cũng chỉ là bờ của những thửa ruộng đồng ngập nước. Từ lòng suối ngoi lên những mảng “cỏ xanh”. Thêm vào đó, những đám rong rêu lay động, lập lờ trong lòng suối như tóc tiên buông xõa cuốn nhẹ lấy mái chèo.
 
Trong làn nước nhẹ mọc rêu xanh,
Như gấm mơ hồ dưới thủy tinh.
Chèo khỏa, chèo lên, chèo lại khỏa,
Thuyền đi trên vạn sắc màu xinh.
(Trích bài “Thăm Cảnh Chùa Hương” của Xuân Diệu)
 
Hình bóng phản chiếu trên nước của núi và mây như quyện lại với nhau một cách hài hòa và cùng trôi chẩy theo chiếc thuyền nan. Qua mỗi khúc ngoặt hay quanh co của suối, cảnh vật lại đột ngột thay đổi. Quang cảnh thật hùng vĩ nhưng vẫn dung dị êm đềm như thơ, vẫn mang cái tinh khiết thoát tục của nơi đất Phật. Ai đặt chân đến đây cũng thấy lòng mình thanh thản, xa hẳn cõi bụi trần. Người ta đến đây, với cảnh trí này, không phải chỉ để ngắm cái cảnh đẹp của thiên nhiên mà còn tự muốn bỏ đi những vướng mắc, trần trượt của bản thân mình trong đời sống hàng ngày.
      Cả ba chúng tôi đều yên lặng để được tận hưởng, chìm đắm trong cái lâng lâng, buông thả và bay bổng của tâm hồn. Thỉnh thoảng cả Uyên và Thi lại “ồ” lên mấy tiếng trước những cảnh đẹp hiện ra bất ngờ. Như khi thấy những mỏm núi chìa hẳn ra ngoài suối với hình thù ngộ nghĩnh. Hay ngay trên đỉnh của ngọn núi nhỏ nằm sát bên bờ suối có một chiếc miếu nhỏ nằm chênh vênh trên đó nhưng lại tuyệt đẹp, thanh thoát, in bóng vươn lên trên nền trời cao. Hay bất chợt, cùng bắt gặp những hang động hiện ra với những mảng dây leo buông tỏa xuống như mành. 
      Khung cảnh nên thơ này không phải chỉ là cái đẹp của núi, của suối và của mây không thôi, mà nó còn được tô điểm bởi những rặng cây thẳng tắp mọc trên triền núi cùng với cái dáng vươn cao của những cây gạo. Người ta nói, những cây gạo này, hoa sẽ đỏ rực như những đốm lửa đỏ in trên nền trời xanh vào mùa hè.
      Vài con trâu hững hờ ăn cỏ trên đồng, cùng hình ảnh vài ngư phủ đang bì bõm đánh dậm trên cánh đồng chiêm, hay hình ảnh của người tiều phu đang lom khom vác củi rừng trên triền núi, tất cả đều là những nét chấm phá khá đặc biệt của vùng Hương Sơn. Những nét chấm phá ấy còn hòa trong tiếng chuông trầm buồn ngân lên từ những ngôi cổ tự hay những tiếng ríu rít của đàn chim sáo trên cành cây cổ thụ.
  
giuhung 3

Hương Sơn đã làm rung động tâm hồn của biết bao bậc thi nhân từ cổ chí kim và đã đóng góp không ít cho nền văn học, thi ca nước nhà.
      Cô lái đò lên tiếng làm quen:
      - Ba anh chị mới tới Hương Sơn lần đầu?
      - Đúng thế cô ạ! Chúng tôi chỉ biết chùa Hương qua sách vở hay nghe kể lại thôi. Hôm nay chúng tôi mới có dịp đến đây để coi tận mắt cảnh đẹp nổi tiếng của quê hương mình.
      Bây giờ tôi mới ngửng lên nhìn kỹ cô lái đò. Cô trạc tuổi Uyên có nước da hơi sạm nâu, khuôn mặt dễ thương, có đôi môi dày tình tứ, lại có má lúm đồng tiền mỗi khi cô cười. Với thân hình khỏe mạnh của một cô gái đồng quê, chứng tỏ cô đã quen thuộc với công việc nặng nhọc đồng áng hay đưa đò này.
      Cô cho biết, những cô gái ở vùng này, ngoài công việc thường ngày làm ruộng hay trồng dâu, nuôi tằm, dệt tơ. Nhưng vào mùa xuân, các cô làm thêm nghề lái đò đưa đón khách hành hương trên suối Yến.
      - Em ghé vào đền Trình để ba anh chị vào lễ Thánh nhé.
      Tôi vui vẻ trả lời:
      - Cám ơn cô!
      - Em đậu thuyền ở đây chờ. Khi nào các anh chị ra, em sẽ đón để đưa các anh chị đi tiếp.
      Cô lái đò từ từ tắp thuyền vào bến đền Trình. Bên bờ suối, vài cô gái đang giặt quần áo và chiếu. Mấy cô dừng tay nhìn chúng tôi vẫy tay cười chào. Chúng tôi vẫy tay chào lại.
      Tôi xuống thuyền trước đỡ cho Uyên. Thi cứ đứng trên thuyền không chịu xuống. Tôi đưa tay ra đỡ nhưng nàng nhất định từ chối.
      Thi cười với cô lái đò:
      - Em muốn nhẩy lên bờ, được không chị?
      Cô lái đò nhìn Thi chỉ mỉm cười không nói. Tôi vội ngăn lại:
      - Em đừng nhẩy! Ngã đấy!
      Tôi chưa kịp ngăn lại, Thi đã nhẩy ào lên bờ. Vừa đặt chân tới đất, Thi đã vỗ tay tự khoe:
      - Em giỏi chưa!
      Chưa đứng vững, Thi bỗng bổ nhào lao vào người tôi làm tôi loạng choạng tý nữa ngã theo. Với phản ứng tự nhiên tôi ôm chầm lấy Thi đề nàng khỏi ngã sấp xuống đất. Khi hoàn hồn, tôi thấy tình thế trông thật bất tiện, Thi đang nằm gọn trong vòng tay tôi. Tôi vội buông vòng tay ra khi Thi vừa lấy lại được thăng bằng. Mặt Thi đỏ ứng, ấp úng xin lỗi:
      - Em xin lỗi! Em xin lỗi!
      Uyên chạy lại chỗ Thi hỏi đùa:
      - Hai “cô cậu” làm gì mà tý nữa ngã bổ chổng ra với nhau vậy?
      - Em vấp phải hòn đá cuội to nên mất thăng bằng. Em xin lỗi! Thi cười gượng nói.
      Để đánh trống lảng cho Thi đỡ ngượng, tôi nhìn cô lái đò nheo mắt nói to:
      - Không phải lỗi tại em đâu! Lỗi tại cô lái đò kia kìa!
      Với cái nheo mắt của tôi, biết là tôi chỉ nói đùa nên cô lái đò cũng cười vui vẻ lên tiếng:
      - Phải rồi! Lỗi tại em! Lỗi tại em! Thôi, các anh chị vào đền lễ Thánh đi. Em đợi!
      Cả ba chúng tôi đi về hướng đền Trình, lên mấy bậc thang gạch rồi vào sân đền. Uyên đi trước, cách chúng tôi đủ xa, Thi lại nói:
      - Em xin lỗi anh!
      Tôi nhìn Thi rồi ghé vào tai nàng nói nhỏ:
      - Em thấy chị Uyên em lên mặt “bà chị” với anh rồi đấy. Chị em dám hỏi hai “cô cậu” làm gì vậy. Em có nghe thấy không? Tôi hỏi đùa Thi.
      Thi không nói gì mà chỉ ngửng lên nhìn tôi mỉm cười. Vừa đi, Thi vừa tìm bàn tay tôi bóp nhẹ mấy cái thật nhanh như biểu lộ sự đồng tình, rồi nàng buông tay tôi ra ngay. Thi chạy lại với Uyên phụ chị mua vàng nhang và hoa quả để lên chiếc khay đem vào đền lễ Thánh.
      Đền Trình, tên tự là “Ngũ Nhạc linh từ”, có kiến trúc bề thế như một ngôi đình làng. Trong sân, trước cửa đền có con voi đá đóng yên cương và ghế kiệu trên lưng. Một lư lớn bằng xi măng cũng được đặt ngay giữa sân để đốt vàng hương. Tuy chúng tôi đi chùa Hương sớm trước ngày mở Hội nhưng thấy du khách đã đổ về đây không phải là ít. Trong đền thờ, khói nhang nghi ngút đến nghẹt thở, có con ngựa gỗ to sơn son và trên bệ thờ có tượng tướng quân thời vua Hùng. Chung quanh chùa, vài cây si lâu đời mọc rễ chằng chịt với những hình thể uốn lượn rất đẹp, đẹp không thua gì những cây si ở phủ Tây Hồ của thành phố Hà Nội. Ngay sau đền là tòa nhà hai tầng có tháp vươn lên khỏi hàng cây cao trông rất đẹp.
      Khách hành hương thường đều đến đền Trình như một sự “trình diện” hay “cáo kiến” với các vị thánh, thần ở đây trước khi vào chùa Hương để mong khi vào chùa cầu xin, họ tin rằng những điều cầu khẩn những điều tốt lành sẽ được có kết quả hơn.
 
giuhung 4
Đền Trình                  Cầu Hội
 
Bên đền Trình có năm ngọn núi gọi là núi Ngũ Nhạc, cho nên đền này còn được gọi là đền Trình-Ngũ Nhạc. Gọi như thế cũng để phân biệt với đền Trình-Phú Yên nằm trên tuyến đường suối Tuyết. Suối Tuyết sẽ đưa du khách đi thăm khu vực quần thể động Tuyết Sơn và chùa Bảo Đài (trên tuyến đường thứ ba đến chùa Tuyết Sơn).
      Sau khi Uyên và Thi vào đền thắp hương trở ra, cả ba chúng tôi lại cùng lên thuyền để tiếp tục cuộc hành trình.
      Thuyền càng vào sâu, cảnh vật càng đẹp và nên thơ. Có những áng mây trắng vương trên đỉnh núi. Bóng núi và mây in trên mặt nước, đôi khi làm ta cứ lầm tưởng như trên mặt suối đương phủ một lớp sương mù bay bay. Tiếng nước vỗ mạn thuyền nghe thật êm ả làm sao. Thi ngồi bên tôi, đưa bàn tay xuống suối cho dòng nước cuốn lên cổ tay. Nàng vốc nước lên rồi đổ lại xuống suối, những hạt nước lóng lánh như thủy tinh. Uyên cứ mải mê với cảnh vật xung quanh, thỉnh thoảng lại thảng thốt kêu lên: “Ô kìa! Cảnh đẹp quá! Đẹp quá!”.  
      Chẳng mấy chốc chúng tôi thấy một chiếc cầu bắc ngang qua suối Yến. Cô lái đò chỉ cho chúng tôi:
      - Đó là cầu Hội.

 

(Còn tiếp)

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi không phải là thi sĩ, nhưng chắc cũng giống như những thi nhân của đất Việt, thường gửi gấm tâm tình u uất vào những vần thơ của mình. Những bài thơ viết xong, tôi cặm cụi chép vào nhật ký, xen vào những lời than thân trách phận, hờn mây khóc gió. Cuốn nhật ký, tôi cất kỹ trong ngăn kéo ở cái table de nuit cũ kỹ bên cạnh chiếc giường nhỏ trong phòng ngủ. Cũng may là má chưa lục ra đọc lần nào...
Cuối cùng, vợ tôi cũng đồng ý một cách vui vẻ cho tôi lấy vợ bé. Một hành động vượt ra ngoài quan niệm ái tình nghiêm túc của bà. Vợ bé tên Hà, do vợ lớn đặt. Tên khai sinh của Hà là Đỗ thị 451. Vợ lớn nói, số này hên, cộng lại là 10. Hà lai Ái Nhỉ Lan. Ở lứa tuổi gần ba mươi, chưa lấy chồng, không có con, một thân hình phước đức cho bất kỳ người đàn ông nào, sáu mươi bảy tuổi, như tôi.
Kế hoạch của anh ấy thật là hợp lý: anh ấy sẽ giấu tôi phía sau cốp xe Austin-Healey, một chiếc xe dạng rất thấp mà anh vừa mới mua bên Áo và đã tháo kính che gió ra. Chúng tôi chỉ cần đi qua bên dưới rào chắn, trong khi mấy tên cảnh sát nhân dân Vopo*2/ thì bận lo kiểm tra giấy tờ như thường lệ. Rolf đã tính toán nhiều lần, tính đi tính lại, anh lại còn xì bớt hơi các bánh xe: như thế cái xe sẽ không vượt quá 90 cms bề cao. Anh chỉ cần cúi đầu xuống, nhấn mạnh vào cần tăng tốc, thế là chúng tôi sẽ qua bên kia địa phận đất Mỹ! Một "bờ thành" nhỏ làm bằng gạch sẽ bảo vệ tôi khỏi những lằn đạn có thể xảy ra. Và rồi sau đó là tự do...
(Viết cho bằng hữu tháng tư 1954. Chúng tôi 300 thanh niên trình diện trại Ngọc Hà động viên vào Đà Lạt cùng hát bài ca Hà Nội ơi, năm 20 tuổi chưa từng biết yêu. Sau 21 năm chinh chiến, tháng tư 75 khóa Cương Quyết hát tiếp. Bao nhiêu mộng đẹp, tan ra thành khói, bay theo mây chiều. Ngày nay, tháng 7-2024 vào nursing home thăm bạn cùng khóa. Ba anh bạn đại tá lữ đoàn trưởng mũ xanh mũ đỏ cùng đại đội võ bị ra đánh trận Quảng Trị chỉ còn Ngô Văn Định. Ghé lại bên tai nghe Định hỏi nhỏ. /Bên ngoài còn mấy thằng,/ Còn liên lạc được 4 thằng. Ngoài 90 cả rồi.Tôi báo cáo./ Thằng Luyện mới đến thăm./ Định nói./ Luyện nhảy Bắc 21 năm biệt giam mà còn sống. Hay thật./ Tôi nói./ Bạn yên tâm. Ngoài này còn thằng nào chơi thằng đó./ OK bạn còn sống lo cho anh em.)
Năm Giáp Ngọ 1954 có thể gọi là năm đại diện cho tuổi thơ tôi. Chỉ trong một năm 1954 đã có quá nhiều biến cố xảy ra dồn dập trước mắt chú bé mười hai tuổi mà suốt trong đời chưa có thời điểm nào đặc biệt như vậy...
Dẫn nhập: chuyện này được viết khi sắp tròn nửa thế kỷ Sài gòn bị mất tên. Qua một phần đời của một vị Thầy dạy Toán, gắn liền với nhiều thăng trầm của lịch sử từ Việt Nam đến Mỹ, cùng nhìn lại những vết chân xưa với hy vọng các thế hệ kế tiếp học hỏi được nhiều điều để đưa được đất nước trở về vị trí "minh châu trời Đông"
Cây Phượng Vĩ Hoa Vàng có tên khoa học là Delonix regia var plavida thuộc họ Fabaceae có nguồn gốc từ Myanmar được sư trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng mang về Việt Nam, đầu tiên được trồng ở Huế một số cây dọc theo con đường ở phố Ngô Quyền, ngã ba Phan Bội Châu, Lê Lợi... đã thu hút nhiều du khách đến ngắm cảnh và chụp hình. Hoa phượng vĩ vàng có tuổi đời lên đến 5, 6 chục năm, cây nhỏ hơn hoa phượng đỏ, ít lá và hoa có màu vàng tươi bắt mắt, thường nở từ tháng giêng, tháng hai và nở rộ và khoảng cuối tháng ba, đầu tháng tư, nên còn gọi là loài hoa “ chào mùa hè”. Hoa nở rụng tạo thành một “thảm hoa vàng” trên đường đi, gây nhiều ấn tượng cho những ai đi dạo trên những con đường này. Năm 2005, Công ty công viên cây xanh Sài Gòn mang về trồng một số nơi ở Sài Gòn nhưng chưa được nhiều.
Mùa hè quê tôi không có hoa phượng rơi, mà bắt đầu một mùa nước nổi. Nước lên cao, mênh mông ngập khắp cánh đồng và cả khoảng sân nhà mẹ. Những cơn gió trở mùa mát dịu dàng bao đêm dài mộng tưởng. Ngày sẽ lên, đời ập tới cho dù chúng ta có chờ đợi hay lãng quên. Mẹ tôi báo tin, “Tháng tới là đám cưới con Lệ. Cũng mừng cho con nhỏ, gia đình chồng giàu có. Chỉ tội là nó phải theo chồng đi xa”. Tôi nghe tin, thấy lòng trống trải vô cùng. Một khoảng trống mênh mông, cứ tràn ngập mỗi ngày một lớn. Tôi biết mình đã yêu chị thiết tha...
Trước giờ thi, một cô học trò láu táu, “Thầy bao nhiêu tuổi hả thày?” Câu hỏi từ cặp môi đỏ chót và cái nháy mắt từ cặp lông mi lướt thướt làm cả lớp cười ồ. Hồi ấy tôi vừa mới ba mươi, và tôi là ông thầy giáo bị hỏi câu ấy ngay trong lớp học, cái lớp học có quá nửa số học sinh là nữ, và tôi bị hỏi khi đang giúp học trò ôn bài thi cuối khóa. Quá bất ngờ, ông thầy sựng lại một giây, rồi thong thả trả lời, “Cái này đâu có trong đề thi.” “Em hỏi là tại vì hồi đêm em nằm chiêm bao thấy thày,” cặp môi cong chậm rãi giải thích. Cả lớp chăm chú lắng nghe. Cô học trò gật gù như chờ cho mọi người theo kịp rồi mới tiếp, “Vì vậy em cần biết tuổi thày để mua số đề.”
Năm 2015, Milana đã ba mươi tuổi, đang làm việc trong một công ty Network ở California. Mẹ nàng tỏ ra lo lắng tại sao tuổi này mà không chịu lấy chồng, mà cũng ít thấy có bạn trai; bà e rằng phụ nữ sau ba mươi lăm tuổi khó sanh nở. Nhưng nàng có lý do riêng không nói được với ai...
Cái tên Pulau Bidong nghe rất đỗi thân thương và gần gũi với nhiều người vượt biển Việt Nam lánh nạn cộng sản từ sau năm 1975 và cũng là biểu tượng của ngưỡng cửa Tự Do mà nhiều người mơ ước. Mảnh đất nhỏ bé này là một hải đảo, cách xa tiểu bang Terengganu của Malaysia khoảng một giờ đi thuyền. Nếu có cơ hội, những người thuyền nhân năm xưa nên trở lại, chỉ một lần thôi, thực hiện một cuộc hành hương trở về vùng đất Thánh. Dù không phải là một cựu thuyền nhân tạm dung nơi hải đảo hoang vu này, đôi chân lạ lẫm không quen của tôi đã đặt chân lên Pulau Bidong trong một chuyến du lịch ngẫu hứng, cho ký ức quãng đời tỵ nạn ngày xưa lần lượt trở về trong tôi.
Tả sao cho hết cảnh cổng lớn đồ sộ. Từ chân lên đến đỉnh, tràn ngập mặt nạ treo kín mít. Đủ loại mặt nạ tượng trưng cho thiện ác, xấu đẹp, đúng sai. Có cả mặt nạ Chúa, Phật, thánh thần, hiền nhân, ác tặc, vân vân. Dọc bên dưới là những thùng lớn chứa vô số mặt nạ theo kiểu treo bên trên. Người nào đi vào, tự động lựa cho mình một loại mặt nạ hợp với tính tình, mang lên, rồi mới được tiếp tục đi. Mỗi người có hai mặt nạ, một thật đã thói quen thành giả và một giả thật chồng lên.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.