Hôm nay,  

Mái tóc yêu

06/02/202408:32:00(Xem: 1248)
Truyện

istockphoto-1467865121-1024x1024

Đi chợ về chị Bông lôi mấy quả bưởi ra gọt, anh Bông ngao ngán:
    – Tuần này là tuần thứ bao nhiêu bà bắt cả nhà ăn bưởi rồi, hết tráng miệng bằng múi bưởi đến nấu chè bưởi.
    – Mới có 4, 5 tuần chứ mấy. Mục tiêu của em là lấy vỏ bưởi nấu nước gội đầu.
    Anh Bông cằn nhằn:
    – Ngày xưa ở Việt Nam nhà quê người ta gội đầu bằng vỏ bưởi lá bưởi cây vườn nhà có sẵn, bà ở Mỹ bắt chước làm gì cho tốn công tốn tiền?
    – Anh sống bên cạnh em mà như khách đến chơi nhà chẳng hiểu gì cả. Em đang thử cách trị tóc rụng. Anh xem nè mái tóc em càng ngày càng xác xơ, tóc như lá khô mùa Thu rơi.
    Anh Bông sáng mắt lên:
    – Thì ra thế, kiểu này có…trị được hói đầu tóc sẽ mọc lại không ?
    Chị Bông thông cảm nhìn đầu hói của anh Bông tóc còn loe que mấy sợi nhưng cũng phải phũ phàng:
    – Trên Youtube chỉ nói trị tóc rụng chứ không nói tóc mọc lại đâu, mà anh đầu hói láng nhẵn như tráng xi măng thì chỗ nào cho tóc mọc lại được?
    Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như…tóc càng rụng thêm. Lần này chị thử gội đầu bằng vỏ bưởi vỏ chanh đơn giản và sạch sẽ hơn xem sao.
    Mỗi lần soi gương chải đầu chị Bông đều xót xa thương từng sợi tóc rơi rụng. Mỗi ngày trung bình người bình thường rụng 100 sợi tóc chị Bông chưa bao giờ dám đếm xem tóc mình đã rụng bao nhiêu sợi vì càng đếm lòng càng đau, chỉ biết là nhiều lắm.
    Nhìn những hình ảnh mình ngày xưa trẻ trung với mái tóc dày óng ả mà chị Bông thương tiếc vô vàn. Thuở bé mỗi lần mẹ gọi về nhà gội đầu khi bé Bông mải chơi với bạn, mẹ đều dọa:
    – Tóc dày thế này không chăm gội là có chấy rận ngay cho mà xem.
    Năm 12, 13 tuổi lần đầu tiên bé Bông đi tiệm uốn tóc. Ngày ấy bé Bông hay xem phim Ấn Độ ở rạp Lạc Xuân đối diện chợ Gò Vấp, bên cạnh rạp hát là tiệm uốn tóc ( quên tên tiệm rồi) có trưng tấm bảng trước cửa “Chú Sáng chuyên cắt uốn xấy gội đủ kiểu tóc thời trang” với hình vẽ cô gái có mái tóc uốn quăn xinh đẹp, bé Bông rất thích  và ước mơ đi uốn tóc. Vào tiệm gặp một chú, chắc là chú Sáng bé Bông liền chỉ hình ngoài cửa và nói:
    – Chú uốn tóc cháu giống như kiểu cô kia.
    – Uốn lạnh hay uốn nóng?
    – Nóng lạnh gì cũng được, nhưng chú nhớ uốn đẹp như cô kia.
    Bé Bông ngồi vào chiếc ghế cao cho chú Sáng quàng khăn cắt tóc, chú cắt soèn soẹt một chốc là xong rồi cô thợ phụ ra chấm thuốc vào từng lọn tóc, kẹp lên đó những kẹp sắt nong nóng và Bông ngồi đợi cho tóc thấm thuốc. Sau màn gội đầu xấy khô chú Sáng ra xấy lại tóc và chải tóc. Cuối cùng thì bé Bông có một mái tóc quăn to phồng như cái chảo úp lên đầu. Nhìn hình trong gương bé Bông khóc tại chỗ và bắt đền:
    – Chú uốn lại tóc cháu đi…
    – Nhỏ này ngộ chưa, tui uốn y hệt kiểu hình cô gái đó rồi.
    – Nhưng tóc cháu xù to hơn tóc cô.
    Chú Sáng dỗ ngọt:
    – Ai biểu tóc đã nhiều còn đòi uốn quăn tóc sẽ xù thêm, chỉ vài lần gội đầu tóc sẽ duỗi bớt là mái tóc đẹp như hình cô kia.
    Bé Bông đành chấp nhận mái tóc to xù, trả tiền xong bé Bông cúi xuống lượm những kẹp tăm rơi rớt dưới đất và đứng soi gương kẹp tại chỗ cho tóc xẹp bớt mới ra khỏi tiệm vì sợ người ta nhìn và chê mái tóc xấu xí.
    Trời ơi, ngày ấy bé Bông cứ “hận” mái tóc mình quá dày, khó uốn tóc chỉ ước gì tóc rụng bớt cho đẹp. Khi lớn thêm mỗi lần đến tiệm uốn tóc lại yêu cần thợ tỉa tóc cho mỏng. Ngày nay thì thèm mái tóc dày mà chỉ thấy trong mơ.
    Khi lớn lên lấy chồng, ngày đám cưới cô Bông đã kinh nghiệm không đi uốn tóc, không chải tóc phồng kiểu cọ như những cô dâu thời đó mà chỉ để tóc buông xỏa bờ vai cũng đã thấy tóc nặng vai mình.
    Mái tóc yêu đã theo chị Bông suốt thời bé, thời thanh xuân, tha hồ làm tóc các kiểu, tóc kẹp phía sau bằng kẹp ba lá căng phồng vì tóc quá dày, khi bé Bông chơi nhảy dây kẹp ba lá…chịu không nổi phải bung ra, tóc buộc đuôi ngựa tung tẩy theo mỗi bước đi nhanh, tóc chia hai, cột nơ hai bên, tóc bện đuôi sam lủng lẳng sau lưng, tóc cài “băng đô” và tóc xỏa che vầng trán trước mắt cho ra vẻ sầu mộng. Khi bận rộn làm việc gì thì tóc cột dây thun cho lẹ. Ôi, mái tóc đã bao lần thay hình đổi dạng theo ý cô chủ, nay nó “phản chủ” tự ý rụng rơi mặc cho chị Bông bồi hồi đau xót.
    Có bị rụng tóc, mái đầu lưa thưa mới thấu hiểu tâm can của người khác khi mất đi mái tóc thời tuổi trẻ, mà có người còn trẻ vì lý do di truyền hay vì lý do sức khỏe họ đã ngậm đắng nuốt cay lãnh chịu nỗi buồn này, như hoàng tử Anh Williams đẹp trai mà đầu hói sớm đã làm chàng bớt đẹp trai đi và già trước tuổi, hoàng tử thì thiếu gì quyền, thiếu gì tiền nhưng cũng không cách nào mang tóc trở về được. Tóc chàng đã đi xa.
    Quý ông bị hói đầu trông ngộ nghĩnh làm sao, người thì hói khoảng trước trán, phía sau tóc còn đầy đủ, người thì hỏi ngay chính giữa đầu xung quanh tóc vẫn đủ đầy. Nhiều ông chán quá bèn…xuống tóc cạo trọc luôn cho khỏi nham nhở chứ không phải ông muốn vào chùa đi tu.
    Bạn bè cùng sinh hoạt trên diễn đàn, các chị cũng đau khổ vì tóc chứ nào riêng chị Bông. Người nọ hỏi người kia gội đầu shampoo gì, uống thuốc gì để hạn chế rụng tóc và mọc lại tóc. Vài nhãn hiệu shampoo, thuốc quảng cào đầy trên báo chí, trên mạng nghe ngon lành lắm nhưng chắc không hiệu quả gì vì chị Bông vẫn thấy xung quanh mình những người nhiều tuổi, đàn ông đàn bà đều có mái tóc mùa Thu lá bay. 
    Sau khi tốn tiền mua bưởi, bắt chồng ăn bưởi không ngừng nghỉ để gội đầu năm lần bảy lượt với vỏ bưởi vỏ chanh tóc vẫn rụng chị Bông chán nản không thèm chữa trị gì nữa, chỉ vớt vát chút xíu là uống thuốc viên Biotin may ra bồi dưỡng chân tóc đỡ rụng được chút nào hay chút đó. Anh Bông an ủi:
    – Các cách trị rụng tóc cho người còn trẻ, không thể hiệu nghiệm với người già như bà đâu. Tóc cũng như  người, tóc lão hóa đau bệnh và về chầu trời, thôi thì hẹn nhau kiếp sau gặp lại.
    Anh Bông có vẻ đúng, chị Bông đành an phận tóc có nhiêu xài nhiêu không đòi hỏi gì thêm. Tới một ngày nào đó không còn đủ tóc để xài thì sẽ có…tóc giả cứu nhân độ thế.
    Xem những hình ảnh bạn bè, quý bà quý ông trung niên, lão niên họp mặt biết ngay ai tóc thật tóc giả, ai tóc nhiều tóc ít. Mỗi khi đi đâu bà nào cũng thừa hiểu phải gội đầu, tóc mới gội sẽ bồng bềnh thêm, chị Bông cũng có kinh nghiệm đó.
    Các doanh nghiệp tha hồ kiếm tiền vụ làm tóc giả vì ai cũng cần thẩm mỹ bề ngoài. Tóc giả cho quý bà thì dễ rồi, đủ kiểu, tóc nguyên đầu, nửa đầu. Tóc giả cho quý ông phần nhiều là trước “hiên nhà” ông cao niên nào có phần mái trước trán bồng bềnh là …nghi lắm ! biết ngay không phải hàng thật. Ngoài ra còn có cách khác để “cứu bồ” cho mái đầu thiếu tóc là những chiếc mũ.    Quý ông quý bà, có nhiều kiểu mũ để đội khi ra đường khi giao tiếp với bạn bè vừa thời trang lịch sự vừa che giấu một niềm đau.
    Thấy chị Bông ngồi hoài bên computer anh Bông tò mò:
    – Mỗi lần thấy bà vùi đầu vào computer là bà đang có chuyện gì đó?
    – Đúng thế, mái tóc em….
    Anh Bông rụng rời cắt ngang:
    – Mái tóc em… Trời, bà đã công nhận là hết cách chữa rụng tóc rồi. Nay lại có cách khác nữa sao? Hết bưởi nay tới gì?
    – Anh bình tĩnh nghe em nói hết câu đã. Mái tóc em xơ xác quá nên em đang lên mạng tìm mua kiểu mũ nào đẹp để đội khi ra đường cho tóc gió bớt bay, bớt xác xơ thôi mà.

 

Nguyễn Thị Thanh Dương

(Jan. 10, 2024)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm đi Cần Thơ, đứa cháu gọi bằng chú kể chuyện đi Hòn Kẽm- Đá Dừng, ranh giới tự nhiên hiện nay giữa 2 huyện Quế Sơn-Hiệp Đức, một địa danh mà thời trung học và đến mãi sau này tôi vẫn nghĩ là vùng núi non hiểm trở phía thượng nguồn sông Thu Bồn, nơi được biết đến nhiều bởi trận lụt kinh hoàng ở Quảng Nam năm Giáp Thìn 1964...
Mùa hè một chín bảy hai, cha tôi tử trận ở Long Mỹ, để lại một vợ và bốn con. Mẹ lúc đó mới ba mươi sáu, tôi mười lăm và thằng Thanh vừa bảy tuổi. Sau gần ba tháng bàng hoàng, tang thương mẹ tôi trở lại với cuộc sống cơm áo đời thường với đàn con nhỏ dại...
Ngồi trên bãi biển Nha Trang khi thủy triều xuống cuốn nước xa bờ để lại vạt cát dài màu trắng mịn, và lúc nắng chiều chiếu xiên trên mặt biển gợn sóng lăn tăn, trông như dải lụa dát vàng lung linh đến tận các hải đảo xa mờ mây nước, khách nhàn du sẽ mê mẩn với sắc màu kỳ diệu của buổi chiều tà mà quên hết cảnh huyên náo chung quanh...
Buổi tối hôm ấy, Quân đến nhà Phượng chơi như thường lệ. Sau vài câu thăm hỏi tình hình bệnh của má Phượng, chàng thầm thì...
Mấy nay phân xưởng Debug của hãng máy tính nhận người vô liên tục, hàng hóa đang cần gấp. Hoài Hương lướt web và thấy hãng IMF đang cần nhiều người làm việc, có thể làm bán thời gian hoặc toàn phần...
Hoạt đạp chiếc xe đạp cà tàng đi lang thang trên khắp những con đường Sài Gòn để mua đồ phế liệu...
Tôi thuộc lứa sinh viên “tú tài Mậu Thân, cử nhân Nhâm Tý”, nhưng chỉ được vế đầu, còn đỗ cử nhân thì phải đợi đến… Giáp Dần...
Căn phòng này / chiếc bàn này / nơi chúng ta đã từng ngồi / nâng ly / chúc mừng một bức tranh vừa hoàn tất / chúc mừng một cuốn sách vừa in xong / chào mừng một người bạn từ phương xa đến...
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku...
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
Nhà Trần đã khởi nghiệp với năm vị vua liên tiếp đều là những bậc anh hùng. Mặt ngoài các ngài đã lập được những chiến công hiển hách, đẩy lùi được mấy cuộc xâm lăng của lũ cường khấu phương Bắc. Mặt trong các ngài lại giỏi việc văn trị, cố gắng lo cho muôn dân được sống trong cảnh no ấm, yên vui. Thời kỳ vinh quang, thịnh vượng đó đã kéo dài gần một trăm năm...
Cầu Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay bị cắt ngang hoặc che lấp...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.