Hôm nay,  

Tết sắp về, tôi lại nhớ Tết xưa

1/19/202400:00:00(View: 2677)

tet sap ve
Hình minh họa
 
Sau dịp lễ Noel là không khí tháng chạp lấp ló đầu ngõ rồi! Thời tiết mùa đông lạnh lẽo đã dần nhường chỗ cho gió xuân về mơ màng trong sương sớm. Khoảng mùng 5 tháng chạp là mọi người đi tảo mộ đông vui. Đươc gặp bà con, họ hàng nội ngoại chào nhau tíu tít sau một năm tất bật là thấy tết đã sắp sửa cận kề. Tết không chỉ là niềm trông đợi của trẻ thơ mà còn là niềm vui của người lớn. Xưa chừ người ta thường nói vui như tết mà!
  
Khi hoa mai, hoa đào bắt đầu điểm lác đác vài nụ là mùa xuân đã về! Lòng người phơi phới sau một năm bề bộn nhưng vui nhất có lẽ là trẻ thơ và là thời thơ ấu của chúng ta mà ai cũng đã từng qua.
  
Sau 23 tháng chạp lễ đưa ông táo về trời là thấy không khí tết đã dịch chuyển tới rất gần. Nhà nhà lo sơn sửa trang trí lại cho tươm tất. Các chậu bông được bưng từ chợ hoa về sắp trước hiên nhà để khoe sắc cùng với cây mai vàng. Cây mai có lẽ được trồng từ nhiều năm trước, khi tôi sinh ra đã thấy chúng đứng đó im lìm thong thả chờ mỗi năm chỉ có một lần nở hoa. Trước đó cả tuần ông nội tôi đã trảy lá để canh cho mai nở đúng vào dịp tết.
  
Cảm giác chờ tết của con bé con 5 tuổi là tôi, qua mỗi ngày xé một tờ lịch là tết xích lại gần thêm chút nữa. Nôn nào chờ ngày tết. Và chỉ khi nào mặc đồ mới thì tết mới thực sự ùa vào nhà mình. Thật hân hoan trong bộ quần áo mới vui sướng thấy mình có vẻ lớn thêm chút nữa. Dù bộ áo quần có khi bị dài tay có khi hơi bị rộng nhưng bà tôi bảo:
  
– Không sao! Ít bữa nữa sẽ chật ngắn cũn cỡn chừ đó! “Con nít may ra mụ tra may vào” mà!
  
Còn tôi kệ! Dài rộng không quan trọng miễn đồ mới là đẹp rồi! Ngày tết tôi được theo người thân đi thăm họ hàng nội ngoại, đi chơi đây đó, được ăn các món ngon ơi là ngon với đủ thứ mứt bánh các loại, phong phú. Đến nỗi đi nhà nào cũng bày dọn la liệt, gặp ai cũng nở nụ cười tươi rói, niềm nở tay bắt mặt mừng. Mọi người chào nhau năm mới, chúc sức khỏe, an lành và những điều tốt đẹp đến với mọi nhà. Nhìn ai cũng thấy tươi hơn ngày thường. Tết người lớn cũng diện lắm nha chứ không phải chỉ trẻ em đâu. Ông nội tôi bình thường chỉ mặc bộ áo thâm mà tết cũng lấy bộ áo dài khăn đóng bằng gấm có bông chữ thọ màu xanh rin ra mặc. Ông bảo tôi:
  
– Đợi ông mặc bộ đồ vía rồi bé con đi thắp hương trên mộ ông bà cố với ông nghe!
  
Tôi vui vẻ lon ton đi cùng ông. Ông nội tôi cao 1m7 đi một bước, tôi phải chạy ba bước mới kịp nhưng vui, cứ lúc thúc theo sau lũn cũn như nụ nấm. Có lẽ nhờ vậy tôi tập cái tánh nhanh nhẹn sau này. Bà nội và ba mẹ tôi cũng vậy, tết cũng soạn đồ đẹp ra mặc, phụ nữ thì có kèm theo trang điểm kỹ hơn ngày thường đi làm. Vì vậy tết tôi thấy dường như mọi người đều đẹp hơn lên!
  
Tết là bàn thờ tổ tiên được gia đình chú trọng nhiều nhất. Từ rằm tháng chạp, bộ lư đồng đã được đánh bóng. Màu đồng xỉn và cũ được thay bằng màu vàng sáng loáng mới keng. Các bức ảnh của tổ tiên và những người đã khuất được đặt trong các khung ảnh cẩn xà cừ và phủ khăn lụa điều phía sau. Bên cạnh có hai bình bông và các quả bồng đơm chuối và các loại trái cây khác. Tết mua gì thì mua chứ nhất định phải có nải chuối thật đẹp với dãy trái đều tăm tắp, có thế đẹp, trái cong dựng lên, còn tươi xanh. Trên nải chuối có thể đặt một trái thanh long to, màu hường hay trái bưởi dựng lên cho quả bồng thêm đẹp. Kế đó đặt khay ngủ quả có mảng cầu, dừa, đu đủ và xoài…bông đơm có thể hoa ly vàng, lay ơn đỏ, hoa cúc đại đóa màu vàng tươi. Bày dọn tiếp theo là hai tầng bánh cộ (bánh in) gói trong giấy kính đủ màu sắc xây thành hình tháp có buộc nơ ruy băng trông có duyên. Những bình cúc vàng, cúc họa mi hay vạn thọ thường đơm ở am, bếp và cúng ngoài sân kèm theo vàng mã nhang đèn ở chiều 30 tết hay giao thừa,…
  
Đi chợ tết cũng là một thú vui như đi hội. Bình thường chợ đã tấp nập người mua kẻ bán rồi nhưng mà chợ tết tính từ rằm trở đi thì người đâu mà đông vậy không biết, cứ chộn rộn cả lên. Kẻ bán người mua đông gấp bội so với ngày thường. Nhất là các dãy bán trái cây, chuối cúng, các loại hoa bày ra đầy cả lối đi, tràn ra cả ngoài đường, các lối dẫn vào chợ. Các dãy bán nem chả, cau trầu, gà vịt làm sẵn cũng nhiều hơn mọi khi.
  

Từ khoảng 27-28 tháng chạp tết là đã gói bánh chưng, bánh tét. Bà nội tôi ngâm nếp và làm nhụy bánh bằng đậu xanh và thịt trước, sẵn cho ông gói bánh. Ông tôi gói bánh tét và bánh chưng rất đẹp. Không cần khuôn mà cứ đều tăm tắp, gọn gàng. Lúc gói không quá chặt tay cũng không quá lỏng tay. Mọi thao tác cứ như lập trình vừa phải. Rồi ông buộc dây lạt giang ràng rịt ngang dọc, có dây xách. Hình như có sự thỏa thuận ngầm hay sao mà bánh chưng bánh tét là do ông tôi gói còn làm các loại bánh ít lá gai, bèo nậm lọc, nấu cơm cộ, xôi, chè trôi nước … là do bà nội và mẹ tôi đảm nhận. Bắc cái nồi bự nấu bánh bằng củi ngoài vườn. Việc nấu bánh tét, bánh chưng phải thức nguyên một đêm. Trẻ con trong nhà được ngủ khì còn người lớn thay nhau canh củi lửa và chêm thêm nước. Đến gần sáng thì vớt bánh. Ông tôi bảo nấu kỹ vậy bánh mới chín mềm và để được lâu. Khi vớt bánh bao giờ cũng có vài cái dành cho trẻ con! Cảm giác mới bảnh mắt ra được gọi ra xem ông vớt bánh và được mỗi đứa một cái bánh nhỏ, có dây đeo tòng teng nóng hổi thơm nức mùi nếp, múi lá chuối, lá dong. Sung sướng lắm! Chưa ăn vội đâu mà phải xách chạy khoe một vòng trong xóm xem mấy đứa khác đã có bánh như mình chưa! Đứa nào chưa có là nó quay vào nhà hối ba mẹ nó:
  
– Mẹ coi con Bắp có bánh rồi mà nhà mình chưa gói nè, con không chịu đâu, mạ lo gói đi!
  
Rồi thì chúng tôi tụm năm tụm ba chia bánh ăn kèm theo lời dặn:
  
– Tau cho mi ăn trước mai mốt bánh mi chín nhớ chia tau với hấy!
  
Chiều 30 tết gọi là lễ rước ông bà tổ tiên về ăn tết. Bà và mẹ tôi đã làm hai mâm cơm cộ có xôi gà và các loại thức ăn kho nấu khác. Ngoài ra còn làm thêm một số loại bánh như bánh thuẫn, bánh đậu xanh như hình các loại trái cây như trái cà chua, trái ớt, trái khế, trái thơm rất nghệ thuật và có tính thẩm mỹ giống y chang trái cây, nhìn không khác chút nào. Chỉ khi cắn vào mới biết vị ngọt bùi đậu xanh, đường và thêm phụ gia. Cúng ngày 30 tết ông nội tôi áo dài khăn đóng kính cẩn thắp hương rồi lầm rầm khấn vái như nói điều gì đó với tiền nhân và cầu mong ơn trên phù hộ bình yên đến với mọi người. Mùi hương trầm phảng phất dịu nhẹ gợi cảm giác như đang được đón ông bà tổ tiên trở về trong hương trầm nghi ngút. Không khí trong nhà dường như ấm cúng hơn! Ngoài sân có một mâm cúng ngoài trời cho các cô cậu ngoại cảnh và những vong hồn thổ cư hay vãng lai.
  
Đến 11 h 30 đêm 30 là mâm cỗ giao thừa đã được bày dọn xong gồm mâm ngũ quả và các loại mứt bánh, bình bông cúc vàng cùng với nhang đèn, vàng mã… Tôi còn nhớ như in tiếng pháo giòn tan nối tiếp nhau trong xóm nổ đì đùng chào đón giao thừa. Sau này âm thanh đó không còn nữa! Do đã bị cấm để khỏi lãng phí và an toàn cho trẻ con. Tôi còn nhớ có mấy đứa nghịch ngợm thường đi lượm pháo điếc, giấu người lớn rồi ra vườn dồn lại một cục cho nổ có khi nổ toạc cả tay. Sau tết có đứa bỗng thiếu đi nửa ngón tay tiếc ơi là tiếc. Sau này dù không có pháo vẫn làm nên hương vị tết bởi còn nhiều thứ khác đem đến cho ta niềm vui. Nhà nào cũng chưng đèn thắp hương xông trầm cúng cấp thơm cả một vùng.
  
Ngày thường khoảng 9 h tối là tôi đã lăn ra ngủ một mạch cho tới sáng. Nhưng đêm giao thừa tự nhiên không buồn ngủ tý nào mà cảm giác háo hức lâng lâng một niềm vui khó tả. Sắp đến 6 tuổi, cái răng cửa lay lay đôi chút chuẩn bị thay nhưng cố giữ ra tết, chứ đi chơi tết mà sún răng thì bị quở, tụi bạn cười chết. Rút kinh nghiệm tuần trước thằng Tèo con dì Ba thay răng, khi đi ăn chạp. Ai nói gì hay nó cũng cố không cười. Lỡ cười thì đưa tay che miệng lại vậy mà cậu Út vẫn phát hiện ra hỏi:
  
– Tèo hàng tiền đạo của mi mất mô một đứa rồi rứa?
  
Nó ỏn ẻn:
  
– Cậu kệ con!
  
Bắp nghĩ bụng: Sang năm đi học! Tuổi bắt đầu thay răng sữa, đứa nào mà chẳng sún, nên khi trong lớp nhiều đứa sún thì khỏi đứa nào cười đứa nào. Còn chừ là tết mọi thứ đều phải ổn!
  
Sáng mùng 1 Tết, nhờ người xông đất hợp tuổi. Trong xóm có ông chú tốt bụng, ông tôi thường dặn chú qua sớm để đạp đất giùm. Mùng 1 Tết lúc cả nhà xuất hành cũng phải xem hướng nào hợp tuổi gì để năm mới mọi việc hanh thông may mắn!
  
Mới đó mà mấy mươi mùa xuân đã trôi qua với những cái tết thật đầm ấm ở quê nhà. Thời thơ ấu đã lùi vào dĩ vãng. Giờ đây, để phù hợp với nhịp sống thời hiện đại mọi thứ cũng thay đổi theo, không khí tết xưa cũng phôi phai ít nhiều nhưng cứ mỗi độ xuân về lòng tôi lại nao nao hoài niệm về những cái tết đã xa nhưng nó vẫn còn nguyên trong ký ức.
  
Ngược dòng kỷ niệm – lòng chất chứa nhớ nhung!
 
–  Hoàng Thị Bích Hà
 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Một ngày cuối tháng tám, vợ chồng tôi chở anh chị đi chơi, ăn uống; đang ăn bỗng dưng anh nhìn xa xăm, nói vu vơ như không cần người nghe: - Tôi cần một phương pháp trợ tử! Tôi giật mình lo lắng đưa mắt nhìn chị, nước mắt đong đầy trong hốc mắt, chị nhẹ nhàng tâm sự: - Ai cũng phải đến ngày đó thôi! Anh đã chịu đựng đau đớn mỗi lần lọc thận về, ăn uống không được ngon miệng nữa, ngủ nửa đêm thức giấc vì nóng hay lạnh quá, không được uống quá nhiều nước cho dù có khát cách mấy vì thận đã không làm việc nổi. Anh lại thương chị mỗi khi thấy chị cực giúp anh làm vệ sinh cá nhân. Con cái ở xa, chúng có cuộc sống riêng, đâu thể lúc nào cũng kề cận lo cho cha mẹ mãi được, khi cần chúng có thể đến giúp có hạn mà thôi…
Tuy không còn ở đó nhưng hắn vẫn thường nhớ những chiếc lá vàng trên cây khế nhẹ rơi, giàn hoa giấy rực rỡ cười với nắng trước mưa chiều. Cái máy hát cũ kỹ với băng đĩa nhão vừa hợp với nhạc sến, “tình chỉ đẹp khi còn dang dở…” Hắn gởi gió cho mây ngày bay một đoạn đời hư thực huyền ảo như lời nhạc rả rích từ cái máy hát lớn tuổi hơn hắn lúc bấy giờ khi những toan tính về tương lai chưa có đáp số thì bài toán một với một đã không bao giờ là hai từ khi em lấy chồng.
Chiếc Airbus A380 của hãng hàng không Emirates từ từ đáp nhẹ nhàng xuống phi trường quốc tế Tokyo Narita. Airbus A380 là loại máy bay khổng lồ, có thể chứa trên 500 hành khách, chỗ ngồi rộng rãi, thoải mái và bay rất êm...
Tuy Hòa, nơi tôi sống quãng đời thơ ấu, là một thành phố nhỏ hiền hòa nằm sát bờ biển, giống như nàng “Mỹ Nhân Ngư” phơi tấm thân kiều diễm trên bãi cát trắng tinh. Nàng dựa đầu trên núi Chóp Chài, đôi mắt mơ màng nhìn ra biển Đông, nghe gió thổi vi vu qua những bãi thùy dương dày đặc trên bãi biển Đại Lãnh, đầu đội vương miện hình Tháp...
Hôm nay, tôi lại có dịp ghé vào “cõi riêng” của tôi để lau dọn, quét bụi. Nhìn thùng sách nằm nơi góc phòng, tôi nhớ anh Quang, không dám mở thùng sách ra, rồi chẳng hiểu sao, lại tha thẩn ngồi xuống ngắm nghía những cuốn albums và tủ sách của riêng mình. Tôi nhẹ nhàng lấy ra từng cuốn sách, xem tựa đề, để tâm hồn lại lang thang trôi về quá khứ.
Có nhiều người tự hỏi là tại sao sang đến xứ tự do tạm dung này lại có những chuyện buồn như thế xảy ra cho người đàn ông, thay vì chỉ thường thấy xảy ra cho người đàn bà khi chúng ta còn ở quê nhà. Chắc rất nhiều người trong chúng ta, nhất là phái nam, đều hiểu rõ có nhiều nguyên nhân rất sâu xa, tế nhị, phức tạp, không tiện nêu ra ở đây, nhưng câu chuyện tình buồn được kể lại sau đây là một trong những trường hợp điển hình
…Khi anh tới cổng viện dưỡng lão, trời đã chạng vạng tối, chỉ còn bà mẹ anh và bà thư ký ngồi co ro trên ghế đá… họ đợi anh, bà thư ký vội báo cho anh hay là anh hãy canh giữ, nuôi bà cụ khoảng một tháng, chờ tình hình dịch bệnh tăng giảm ra sao, rồi thành phố sẽ quyết định và nhà già sẽ liên lạc với anh ngay sau đó. Bà thư ký đi khỏi, anh quay lại ngó mẹ và đau lòng thấy bà cụ co dúm như một mớ giẻ rách khô… anh đỡ mẹ ra xe, và nhỏ nhẹ khuyên trấn an: - Mẹ cứ về ở với con ít lâu, coi tình hình ra sao?
Có nhiều người sợ hãi khi nghĩ đến cái chết, nhưng thật ra nếu nghĩ thường xuyên đến cái chết là một việc hết sức tích cực và giúp cho người già rất nhiều. Mỗi khi nghĩ đến cái chết giúp cho ta thức tỉnh và sống trở lại giây phút hiện tại và quán chiếu xem mình phải làm gì trước khi nhắm mắt lìa đời. Nghĩ đến cái chết giúp ta dừng lại, xem xét những việc mình đang làm, những gì mình ước mong thực hiện và những tham vọng về tiền tài, chức phận, vật chất để được hưởng thụ. Khi tuổi về già chúng ta không nên tránh né nghĩ đến cái chết, mà nên nghĩ đến nó thường xuyên và nhất là nên chuẩn bị cho cái chết. Khi chuẩn bị cho cái chết ta sẽ suy nghĩ chín chắn hơn những gì nên và không nên làm trước khi qua đời và mình sẽ tự giúp tránh những việc vô ích, không có ích cho ai và mất thì giờ, để dành cho những việc quan trọng hơn, có ích lợi
Xâu chuỗi ngọc. Những viên đá quý. Tôi lại mỉm cười. Quý hay không quý tôi cũng không biết. Tôi không biết gì về vàng bạc, nữ trang. Tôi chỉ biết là tôi thích những tia màu phản chiếu lấp lánh phát ra từ những hạt đá nhỏ trong xâu chuỗi. Những tia màu như những câu chào hỏi rộn ràng. Cũng có thể xâu chuỗi làm bằng những hạt đá giả bằng nhựa. Bởi chúng rất nhẹ. Người đàn bà làm tôi xiêu lòng. Tôi sẽ mua tặng người yêu như lời bà ta nhắc nhở, dù tôi không chắc là đến ngày tháng này tôi đã có người yêu hay chưa. Tiểu Quyên là người nữ duy nhất trong thế giới tôi. Nhưng Tiểu Quyên với tôi là hai người bạn, hay đúng hơn là hai chú cháu.
Chiếc xe đò rẽ vào ngả ba Lộ Tẻ, chạy chậm lại rồi ngừng hẳn. Trên xe một số người nhốn nháo, ló đầu ra cửa sổ xem có chuyện gì. Anh phụ xe nhảy xuống vội vàng chạy về phía trước. Đã hơn 2 giờ chiều, trong xe hầm nóng và trở nên ồn ào. Vài phút sau, anh phụ xe trở lại và báo tuyến đường về Rạch Giá đã đóng vì nước lũ về ngập một số đoạn đường dài phía trước. Tất cả bà con phải xuống xe, hoặc tìm nhà nghỉ tạm chờ nước rút, hoặc bao đò máy về Rạch Giá. Đó là một buổi chiều giữa mùa nước nổi, tôi theo dòng người bước xuống xe, trời hanh nắng và đứng gió. Đường xá, đò ghe tôi không biết rành, chắc là phải tìm nhà xin trọ, chờ nước rút.
Rứa là tui được hưởng hai cái bánh nhỏ thanh tao dòn rụm, bột họ pha răng mà mê rứa không biết, kèm mấy lát vả, lát khế, rau sống chấm nước tương pha chế ngon ơi là ngon. Tỉnh táo bao tử rồi hắn chở tui đi vòng thành phố Huế, qua khu Thương Bạc, ủa bữa ni răng mà người đông rứa, bớt vẻ yên tĩnh như ngày xưa, tiệm quán cũng mọc lên khó còn đất trống. Vừa đi hắn vừa kể nỗi gian khổ lúc trẻ, nay thì hậu vận quá tốt, con có địa vị thành công, chồng cưng yêu nhiều hơn lúc tuổi xế chiều, mà nhìn kỹ hắn tươi đẹp mặn mà ghê, chắc hạnh phúc gia đình biến sắc thêm xinh hè. Đi nửa ngày hắn thả tui về nhà” tau bận chút chuyện, sẽ gặp mi sau nữa nghe. Tui cám ơn hắn, gần 50 năm tuy xa mà hắn vẫn nhớ, vẫn đầy tình bạn thân thiết như hồi mô.
Sàigòn cũng như Phan Rang không có 4 mùa, nhất là mùa Thu. Nhưng Sàigòn cũng như Phan Rang đều có những đêm trăng Thu mờ ảo đẹp và buồn giống như mắt của em.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.