Hôm nay,  

Giáng Sinh Này, Giáng Sinh Xưa

23/12/202321:06:00(Xem: 1308)


Cho sinh nhật ldv

Ông già đi vào phòng ngủ. Hai cái gối ở đầu giường ngểnh cổ nhìn ông. Ông nheo mắt nhìn lại chúng nó. Hình như cái gối của ông còn nhoẻn miệng cười. Còn cái gối của vợ ông thì nheo một con mắt, cái kiểu đá lông nheo của cô gái nghịch ngợm. Ông khẽ lắc đầu. Và ông nhắm chặt hai mắt. Loay hoay một hồi, ông ra phòng khách, nhìn trước nhìn sau. Cái ti vi dán vào vách tường nhìn ông dò hỏi. Ban nãy ông đã tắt tiếng, chỉ để hình nên ông không hiểu nó muốn nói gì. Ông chỉ thấy hình ảnh những thiếu nữ áo dài trắng đứng bên hang đá, mấp máy những cánh môi hồng. Ông chôn chân trên nền nhà lót thảm. Lẩn quẩn một lúc, ông lết đôi dép qua phòng làm việc, đứng trước tủ sách, cau mày suy nghĩ. Lũ sách vở chen lấn nhau, cố ló mặt ra khỏi cái đám ngay hàng thẳng lối để ông nhìn thấy. Ông đứng lặng thinh. Ông không rút đại một cuốn ra để đọc vài câu rồi nhét vào chỗ cũ như mọi khi. Một lát, ông bỏ ra phòng ăn, ngẩn ngơ nhìn những ngăn tủ. Lũ ly chén lơ láo nhìn ông, như lũ học trò của ông ngày xưa vẫn xếp hàng trước cửa lớp đầu buổi học. Ông không nghe tiếng bọn học trò xì xào nhưng ông nghe ra được tiếng lanh canh của ly chén chạm nhau. Ông đứng bất động. Rồi ông lắc đầu. Lưng khòm. Mắt mỏi. Đầu gối run. Óc rối mù.

Ông lần ra phòng khách, nhìn cuốn lịch trên tường. Những con chữ bò lổm ngổm trên chân dung cô ca sĩ mắt to, môi mọng. Ông nheo mắt nhìn. Quái lạ! Mấy hôm trước cuốn lịch bảo ông sắp Giáng Sinh mà hôm nay – nghĩa là cả tuần lễ sau, ông nhớ loáng thoáng như thế - cũng vẫn chỉ sắp Giáng Sinh. Con số 20 và hàng chữ Tháng Mười Hai lao xao trò chuyện. Như vậy nghĩa là chỉ còn vài hôm nữa là lễ Giáng Sinh. Thời gian có lướt đi hay đã đọng lại và ngủ quên trên cuốn lịch? Sắp Giáng Sinh rồi. Giáng Sinh là ngày lễ quan trọng; cực kỳ quan trọng, bởi đó cũng là sinh nhật của vợ ông. Ông gõ ngón tay xương lên vầng trán nhăn như gõ cửa phòng người quản gia canh chừng trí nhớ. Và ông nhớ đã mua quà sinh nhật cùng với quà Giáng Sinh cho vợ, ông nhớ đã giấu thật kỹ để tạo bất ngờ cho bà nhưng tai họa đang chờ ông bởi ông không nhớ mình giấu món quà ấy ở đâu.

Đúng là tai họa.

Người ta gọi ông là ông già từ hồi nào ông cũng không nhớ nữa. Ban đầu ông không mấy tin, bởi ông thấy mình chưa già. Dù những thứ bệnh của người già cứ đeo dính lấy ông như lũ đỉa đói trong đầm lầy nhiệt đới. Huyết áp cao. Mỡ trong máu cao. Tiểu đường. Cườm mắt. Loãng xương. Phong thấp. Nhưng những thứ bệnh vớ vẩn ấy đến từ từ, khiến ông quen dần với chúng nó, và không còn cảm thấy bất ngờ. Có khác chăng là dạo này mọi thứ đồ vật trong nhà đua nhau chọc ghẹo ông, như cặp gối trong phòng ngủ, như lũ sách vở trên kệ, như đám ly tách trong tủ, như cái ti vi dựa vách tường. Đôi khi ông nghe được cả tiếng chúng nó cười khúc khích. 

Thì cứ cho là ông đã già với mắt nhìn kèm nhèm, tai nghe lõng bõng, nhưng ông vẫn tin là mình chưa già mấy. Bởi ông vẫn yêu thương vợ ông, yêu hơn cái thời hai mươi tuổi. Vậy là ông chưa già. Trái tim còn nguyên vẹn. Ông định nghĩa tuổi tác qua cách hành xử của trái tim. Năm nào gần Giáng Sinh ông cũng mua cho vợ vài món quà nho nhỏ, vừa để mừng lễ, vừa để tặng sinh nhật bà. Và ông nghĩ còn yêu thương được là vẫn còn rất trẻ. Điều làm ông bận tâm là dạo này trí nhớ ông hơi loạc choạc. Ông hay quên. Quên nhiều nhất là những chuyện vừa xảy ra. Đơn giản như vừa uống thuốc xong, quay đi quay lại, đã băn khoăn không biết mình đã uống thuốc chưa. Thuốc của ông lại là thứ độc hại, bỏ một ngày là thấy phiền phức ngay. Ngày nào vợ ông cũng phải nhắc ông uống thuốc. Định lục tủ kiếm quyển sách nào đó nhưng bước vào phòng làm việc, ông ngẩn ngơ không biết mình vừa định làm gì. Thật lâu sau mới sực nhớ lại là định đi tìm một cuốn sách. Nhớ được rằng mình đi tìm cuốn sách nhưng lại quên mất tên cuốn sách ban nãy muốn tìm. Cứ loanh quanh lẩn quẩn như thế mà hết ngày.

Và hôm nay cái tật hay quên làm ông cuống lên. Quà Giáng Sinh và quà sinh nhật của bà ông lén đi mua về rồi ông giấu ở đâu không nhớ nữa. Biết lục ngăn nào trong trí nhớ để tìm bây giờ! Thông thường khi cần tìm cái gì đó mà không thấy thì ông hỏi bà, nhưng chuyện này làm sao mà hỏi được.

Ông đã từng tìm tòi, nghiên cứu sách vở để tìm phương thức chống lại chứng hay quên của mình. Và ông đã tìm ra được cách tốt nhất để chế ngự nó. Ông áp dụng cách ấy. Phương pháp của ông là khi định làm gì thì miệng nhắc liên tục đến việc ấy, cho đến khi làm xong. Như muốn tìm cái áo thì khi đi đến tủ áo, miệng sẽ luôn lẩm bẩm "cái áo, cái áo, cái áo." Khi tìm thấy cái áo rồi thì miệng mới thôi lẩm bẩm.

Mới hồi sáng cái tật chóng quên đã chọc ghẹo ông một cách sỗ sàng. Ấy là thời tuổi trẻ, đôi khi ông cũng có thơ đăng báo. Bây giờ không còn bận tâm với vần với điệu nữa nhưng thỉnh thoảng, bất chợt ông cũng nghĩ ra được một câu nghe như thơ, và ông quyết định lấy bút viết cái câu hay ho ấy xuống. Ông lẩm bẩm "cái bút, cái bút, cái bút" trong khi bước vào phòng làm việc để lấy bút. Nhưng rồi khi tìm được cái bút thì câu thơ trong đầu đã tan biến như vạt sương mù sớm mùa thu trên khóm lá đường phong trước nhà.

Trí nhớ của ông cứ mòn dần, và đầu óc ông nhiều lúc trôi dạt đến tận nơi nào xa lắc. Và bây giờ ông đâm ra hoang mang. Mình giấu quà cho bà ấy ở đâu. Nhà rộng, ngõ ngách lung tung, biết đâu mà tìm. Nhưng mà có khi nào năm nay chưa mua mà trí nhớ mình lẫn lộn với năm ngoái năm xưa nên cứ nghĩ là đã mua quà cho bà ấy rồi không?

Buổi tối, trước khi đi ngủ, ông đi vào phòng làm việc, miệng lẩm bẩm “mắt kính, mắt kính…” và ông loay hoay tìm mắt kính để vào giường thấy đường mà đọc sách. Không tìm ra chỗ giấu quà chắc ông sẽ chẳng thể nào ngủ được, mà không ngủ được thì đành thức đọc sách dỗ giấc chứ biết làm gì khác hơn được. Nhưng vừa bước qua cửa phòng làm việc ông đã quên bẵng đi mình phải làm gì. Vậy là ông cứ đi tới đi lui, lật cái này, đẩy cái kia để tìm và miệng vẫn lẩm nhẩm. Nhưng đầu óc không nối kết được với những chữ mà cái miệng đang lẩm bẩm. Ông không còn biết mình vào phòng để làm gì nữa.
Cứ thế. Tay lục lọi, miệng lép nhép và thỉnh thoảng ông bật lên một cơn ho và đứng sựng lại ngẩn ngơ như người mất trí.
Chờ lâu không thấy ông vào ngủ, vợ ông đi tìm.

Bà thấy ông đứng ngẩn trong phòng làm việc, miệng lẩm bẩm, mắt ngơ ngác nhìn quanh. Bà nghiêng đầu lắng nghe. Bà tập được tính kiên nhẫn từ mấy mươi năm chung sống. Bà biết ông không còn sáng suốt như thời trai trẻ. Bà đã chuẩn bị cho cái ngày hình ảnh bà nhòe đi trong trí nhớ ông, và ông ngập ngừng nhìn bà, nói với bà bằng cái giọng rụt rè quen thuộc, "Xin lỗi, bà là ai; tôi có quen bà không?"

Bà nhìn ông. Giọng ông khàn khàn. Môi ông mấp máy. Như tín đồ tụng kinh. "Mắt kính. Mắt kính. Mắt kính."

“Ông tìm cái gì thế?” Bà hỏi nhỏ. Bà không muốn ông giật mình.

Ông ngẩn người ra, “Tôi cũng không biết nữa.” Ông nói lí nhí như đứa bé bị bắt quả tang làm điều sai trái. Và miệng ông lại lẩm bẩm, “Mắt kính, mắt kính…”

“Nói chuyện với ai mà cứ lải nhải 'mắt kính, mắt kính' thế?” Bà nói.

Như nghe được câu thần chú, ông tỉnh hẳn, “Đúng rồi, bà nhắc tôi mới nhớ, tôi tìm mắt kính. Không có bà chắc tôi chết quá!”

Ông lê từng bước, tới sát bên, choàng tay lên vai bà. Bà đứng lặng. Ông kéo một cánh tay bà, vắt lên vai ông, để có một vòng ôm như những ngày hai người còn trẻ. Tình còn nở hoa. Quên gì thì quên nhưng ông vẫn nhớ những vòng ôm thời tuổi trẻ của hai người. Những vòng ôm ấm áp. Không có bà chắc tôi chết quá. Câu nói của ông làm bà cảm động. Tự dưng bà muốn khóc. Dạo này bà cũng dễ cảm động. Hơi một chút là rơi nước mắt. Thời trẻ đâu có vậy. Nhưng bà cố nén cơn xúc động.

“Tìm mắt kính làm gì?" Bà hỏi, nhìn sâu vào mắt ông. Qua lớp thủy tinh của cặp kính lão ông đeo trên mặt, đôi mắt ông hiền như mắt vị thiền sư. Bà kéo tay ông, “Vào ngủ thôi. Khuya rồi.”

Ông níu tay bà lại, “Nhưng phải tìm mắt kính, không có mắt kính làm sao đọc sách.”

Ấy là thói quen của ông. Vào giường bao giờ cũng phải đọc vài trang sách rồi mới ngủ. Hôm nay lại thêm nỗi hoang mang - không biết đã giấu quà Giáng Sinh và quà sinh nhật của vợ ở đâu, hay là chưa mua mà cứ yên trí đã mua rồi. Nỗi hoang mang ấy nhằng nhịt như màng nhện dăng đầy trong óc, ông sẽ chẳng cách nào ngủ được.

“Tôi đánh mất mắt kính rồi!” Giọng ông nghe như tiếng thở dài.

“Để tôi tìm cho,” và bà đưa tay, nhẹ nhàng gỡ cặp kính lão ra khỏi mắt ông. "Đang đeo trên mắt mà còn đi tìm đâu nữa!"

Trên khuôn mặt nhăn nheo của ông nở ra một nụ cười ngây ngô. Nụ cười của đứa bé lên ba, lên bốn. Tuy nhiên nỗi băn khoăn vì những món quà thất lạc cứ xoay vòng trong óc ông như cơn lốc.

Ông đã lẫn thật rồi, bà thầm nghĩ, nhưng vẫn còn may mắn bởi ông vẫn còn nhận ra bà, người vợ của hiện tại và người tình của ba mươi mấy năm xưa. Bà níu lấy tay áo ông như thuở mới quen và nói với ông cái câu bà vẫn nói mỗi tối, “Vào ngủ sớm cho khỏe.”

Ngang qua phòng khách bà dừng lại, nhìn màn hình ti vi một lát, rồi vói tay tắt máy và lẩm bẩm, “Giáng Sinh qua cả tuần rồi mà họ vẫn chơi nhạc Giáng Sinh.”   

Ông giật mình, nghiêng đầu hỏi, “Bà nói gì?”

“Tôi nói Noel qua lâu rồi mà Ti Vi vẫn chơi nhạc Giáng Sinh… À mà cuốn sách với cái khăn quàng cổ ông tặng tôi đắt tiền quá, năm tới gom chung quà sinh nhật với quà Giáng Sinh thành một món thôi cho bớt tốn tiền ông à.”

231215

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư...
Tôi là con nhỏ Bắc di cư, nên hết Hè năm 75 tôi học xong đại học, chuẩn bị đi dạy. Ai dè ngày 30/4 ập đến, tất cả sinh viên miền Nam tạm ngưng việc học, để đi làm lao động công ích, dọn dẹp đường phố, phụ việc đổi tiền, đào kênh…
Có một lần, tôi gặp bài của một tác giả viết về nước Mỹ, rất hay rất cảm động, bà ấy nói về chồng bà và gọi ông là « y của tôi », cái cụm từ thật thân mật, y của tôi, nghe hợp thời hơn chồng tôi, anh tôi, nhà tôi… nhứt là trong trường hợp mà tôi đang muốn nói về chồng của bạn mình, thì còn tiện và hay hơn nữa. Thí dụ: Chồng của bạn Liên, tôi gọi là y Liên, chồng của bạn Dung, thì tôi gọi là y Dung, chồng của bạn Thu, thì tôi gọi là y Thu…
Thế là thiên hạ thoát khỏi cơn đại dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn còn sệt, một số giới chức và bọn truyền thông quen lối bé xé ra to và hù dọa cứ tung tin linh tinh. Tất nhiên cũng có những trường hợp tái nhiễm virut nhưng không có gì nghiêm trọng. Dịch đã trở thành bình thường như những loại cúm theo mùa...
Chị Bông vào diễn đàn Cô Gái Việt đọc bài thơ của chị Hoài Mộng mà ngậm ngùi với những lời thơ thương nhớ người chồng đã khuất mấy năm nay, không có anh cùng uống trà mỗi buổi sớm mai, không có anh cùng đi chùa những ngày rằm ngày lễ lớn, v.v. Trong diễn đàn còn có chị Hiền Thảo vừa mới mất chồng chưa tròn năm...
Mùa này trời tối nhanh, Tết sắp đến, trên con đường làng vắng vẻ, hai bên là những mái tranh nghèo xơ xác, thấp thoáng vài ngọn đèn dầu tù mù, nhìn xa như những đốm ma trơi thoắt ẩn hiện sau những hàng rào tre, càng làm tăng cái vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Ở đây, người dân lo ăn cơm cho nhanh trước khi mặt trời đi ngủ để còn thấy đường dọn dẹp và rửa chén; hơn nữa là để tiết kiệm nhiên liệu vì tiêu chuẩn mỗi gia đình một tháng, chỉ mua được 1 lít dầu hôi thắp đèn...
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, tr
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.