Hôm nay,  

Cười với nắng một ngày sao chóng thế (Tuệ Sỹ)

19/12/202313:41:00(Xem: 1969)
Tản mạn

Tue Sy at Gia Lam
Tuệ Sỹ tại Chùa Già Lam.


Vâng, chóng đến nỗi tôi nghĩ đó là giấc mộng, giấc mộng thiện hảo quý báu quá khiến tôi tiếc ngẩn ngơ sao chóng đến vậy.
    Đó là buổi ra mắt tập thơ của tôi tại quán cà phê Du Miên. – Chỉ với 50 ấn bản Bùa Hương do Ý Thức Bản Thảo ấn hành 2009 – với sự có mặt của các anh chị Đỗ Hồng Ngọc-Ngọc Bích, Lê Ký Thương-Kim Quy, anh Nguyên Minh và anh Lữ Kiều, và tôi. Bảy người, đối với riêng tôi, số 7 khiến tôi liên tưởng đến bảy sắc cầu vồng, bảy nốt trong âm nhạc, thất bảo, của một buổi sáng tuyệt vời.
    Và bản quý duy nhất, Bùa Hương, được ấn chứng bằng những chữ ký thân tình. Buổi sáng đẫm hương bằng hữu. Nó không chỉ chấm dứt vào buổi trưa khi chia tay. Nó kéo dài cho tới bất cứ lúc nào hồi ức tôi lay động.
    Sau buổi sáng, anh Lữ Kiều bảo, giờ anh sẽ đưa em đến chùa Già Lam, – Thầy Tuệ Sỹ ạ? – Ừ, mình cùng đi với Giai Hoa.
    Lòng tôi vừa bồi hồi vừa lâng lâng khó tả. Run run. Vì sắp được gặp một người mà mình nghĩ rằng khó có cơ hội được diện kiến. Chùa Già Lam. Có đóa sala rụng ở sân chùa, cầm trong tay thơm ngát. Ép vào sách, đến giờ giở ra còn nghe thơm. Thơm phút giây nhặt nó ở sân chùa, thơm vì nó cùng tham dự với tôi buổi trưa độc nhất ấy, nơi có vị sư của những lời thơ Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ/ Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn… (Tuệ Sỹ, Không Đề) Đã bao trăng tàn bên chiếc lan can này nghe Sư nói chuyện một mình? Hai bóng sáng hòa âm trong đêm, để lại cho đời những lời thơ bất hủ, theo mãi trong lòng người hình bóng một vị chân tu.
    Chúng tôi ngồi ở đó, ban công trước phòng Sư, trông xuống một vườn cảnh nhỏ, gió buổi trưa hiu mát, trái tim tôi như chiếc lá bay. Sư và anh Lữ Kiều, Giai Hoa đang bàn về chương trình buổi ra mắt tập thơ Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm, tập thơ tôi được Sư tặng sau đó.

Tue Sy. KMinh 2
Khánh Minh & Tuệ Sỹ.
Tôi tặng Sư tập thơ Bùa Hương, và tôi có được chữ của Sư trong bản duy nhất kia. Chữ của Sư, chữ Hán lẫn Việt, lấp lánh dưới nắng trưa: Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn/ Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về. Nét chữ có linh hồn của sự cương nghị bất khuất và u ẩn một điều cưu mang…
    Mỗi khi giở xem lại nét chữ ấy lòng run run như đang mở xem điều gì đó vô cùng quý báu.
    – Giai Hoa là người phụ đạo piano cho thầy.
    Anh Lữ Kiều nói. Rồi, chúng tôi được nghe và thấy Sư ngồi đàn, một Nhà Thơ gõ trên phím những nốt nhạc của tâm hồn, Sư ngồi đó, Sư đang ở đó, như vừa mới đến, như vừa ra đi trong âm ba tiếng nhạc. Không gian thời gian như nhập lại một dòng trôi vi diệu vô thường…
    Năm tháng vẫn như nụ cười trong mộng… Ôi, Như Lai đâu có đi có đến…
    Thời gian tiếng dương cầm, giờ như đang đọng từng hạt vàng trong nắng Già Lam. Đó, Ngày Mộng của tôi. Ngày Mộng khởi duyên cho bao thiện lành trong từng bước tu hướng về Người…
 
ĐỈNH ĐÁ NÀY VÀ HẠT MUỐI ĐÓ CHƯA TAN
(Tuệ Sỹ, Khung Trời Cũ)
 
Tôi kính ngưỡng nỗi u ẩn trong tình tự hạt muối chưa tan. Ôi biển đời kia xô động…
    Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư,
 
Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở
Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa trùng khơi

(Những Điệp Khúc Cho Dương Cầm)
 
Bước độc hành như sương hạt rơi khuya, như tiếng mõ trầm trầm hun hút ở rừng thẳm, ở núi cao… nhưng khó làm sao để tường tận cái chấp chới của vạt áo tỳ khưu đẫm ánh trăng đêm, của một vì sao bên khoé miệng rưng rưng, thấp thoáng ẩn hiện. Hiện lên Người và ẩn một cõi thơ tịnh tĩnh. Khó làm sao lọt được vào cõi im lặng tủy đá ấy…
    Có chăng, tôi lần theo bằng nhịp đập của trái tim thơ khởi đi từ hạt lệ mở đường,
 
Thắp đèn khuya ngồi kể chuyện trăng tàn
 
Cô quạnh và tự tại của hạt lệ đèn hòa thanh ánh trăng, và câu chuyện gì khiến thế gian nhỏ lệ? Đọc thơ Người thấy mình nhỏ bé quá dưới cái huyễn lộng, hay chỗ nào, vì sao hay, hỏi như hỏi mây xanh bay, theo như đuối dòng nước trôi hoài kia. Chuyện trăng tàn là chuyện gì, chưa nghe thấu nỗi đã rúng động. Trăng tàn giật mình sững sờ cái núi lạnh biển im, tấm lòng băng khiết?

    Từ núi lạnh đến biển im muôn thuở
    Đỉnh đá này và hạt muối đó chưa tan…
   
Hỏi, tại sao, vì đâu lòng muối kiên định… để bất khuất chưa tan? Tưởng chỉ là Phút vội vã bỗng thấy mình du thủ, bỗng vầng trăng vụt sáng mới hay Lãng du ai ngỡ cô liêu bạc đầu! (Tóc huyền) Cô liêu tóc trắng ấy cũng ngang ngửa với cái cô quạnh nghìn năm viên đá cuội. Nghe quá cảm khái trong câu hỏi hồn tôi đâu
   
Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh
Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường?
(Dạ Khúc)
 
Hay đó là mênh mang sầu của cánh mỏng về đâu, là chiếc lá xa mùa đau lòng phận nước?
 
Con bướm nhỏ đi về trong cánh mỏng
Nhưng về đâu một chiếc lá xa mùa…

(Mưa cao nguyên)
Tôi sứ giả hư vô
Xin gởi trong đôi mắt bà
Một hạt cát

(Hạt cát)
 
Sứ giả của hư vô, gửi vào đôi mắt một hạt cát, để khơi lệ huyễn mộng rực rỡ không dấu chấm hết? Một hạt cát chứa vô biên không gian thời gian.
    Tất cả câu hỏi về thơ Người, chỉ có thể tìm được câu trả lời qua những bước chân cô độc kiên trì trên con đường dài Người đã đi, qua tấm lòng băng khiết Người đã sống với Đạo với Đời, qua nếp sống giản dị thanh bạch của hạt cát tinh tuyền, giờ hạt cát ấy đã lồng lộng hư vô, nhưng âm thanh của cát vẫn vang động. Nếu chúng ta cùng nghe được âm vang của một hạt cát thì sứ giả hư vô ấy là trái tim son sắt của Người.
 
NHỚ BUỔI NGHE SƯ ĐÀN
 
Cùng nhà thơ Lữ Kiều và Giai Hoa, 20.9.2009, tại cốc của sư trong vườn chùa Già Lam
 
Buổi trưa ngồi nghe sư đàn
Trăm con lá rớt. Tình tang cõi ngoài
Mùa đâu hốt đã thu phai
Một phương viễn mộng. Đọa đày*. Bao thu
Viên đá cuội nghìn năm*. Ru
Niềm cô quạnh. Dấu biệt mù. Âm xưa
Trăng tàn nhỏ lệ đèn khuya
Hắt con bóng dựng đá chờ nước non
Áo tỳ khưu. Dặm mỏi mòn
Trùng khơi. Hạt muối đó còn chưa tan…
 
– Nguyễn Thị Khánh Minh

* Thơ Tuệ Sỹ: Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở/… Viên đá cuội mấy nghìn năm cô quạnh/ Hồn tôi đâu trong dấu tích hoang đường…

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trước đây, trong một bài viết, tôi có nói về mùa đông Canada nói chung và tại thành phố Edmonton của tôi nói riêng, bắt đầu từ tháng mười một cho đến tháng hai năm sau. Nhưng tháng mười một chỉ là cái lạnh đầu đông nên không thấm thía gì với dân Cà Na Điên, tháng mười hai cuối năm bận rộn cho những ngày lễ nên cũng chóng qua, tháng hai thì chỉ có …28 ngày ngắn ngủi, lại vào dịp Tết âm lịch và Valentine ấm áp trái tim, thành ra đối với tôi, mùa đông thực sự chỉ có …tháng một mà thôi...
Qua Thiền tông, chúng ta có một số chuyện thiền được lưu truyền để nhằm mục đích diễn giải triết lý thâm sâu của đạo Phật dưới hình thức chuyện thiền hay giai thoại về các bậc thiền sư...
Tôi là con nhỏ Bắc di cư, nên hết Hè năm 75 tôi học xong đại học, chuẩn bị đi dạy. Ai dè ngày 30/4 ập đến, tất cả sinh viên miền Nam tạm ngưng việc học, để đi làm lao động công ích, dọn dẹp đường phố, phụ việc đổi tiền, đào kênh…
Có một lần, tôi gặp bài của một tác giả viết về nước Mỹ, rất hay rất cảm động, bà ấy nói về chồng bà và gọi ông là « y của tôi », cái cụm từ thật thân mật, y của tôi, nghe hợp thời hơn chồng tôi, anh tôi, nhà tôi… nhứt là trong trường hợp mà tôi đang muốn nói về chồng của bạn mình, thì còn tiện và hay hơn nữa. Thí dụ: Chồng của bạn Liên, tôi gọi là y Liên, chồng của bạn Dung, thì tôi gọi là y Dung, chồng của bạn Thu, thì tôi gọi là y Thu…
Thế là thiên hạ thoát khỏi cơn đại dịch, tuy nhiên nhiều người vẫn còn sệt, một số giới chức và bọn truyền thông quen lối bé xé ra to và hù dọa cứ tung tin linh tinh. Tất nhiên cũng có những trường hợp tái nhiễm virut nhưng không có gì nghiêm trọng. Dịch đã trở thành bình thường như những loại cúm theo mùa...
Chị Bông vào diễn đàn Cô Gái Việt đọc bài thơ của chị Hoài Mộng mà ngậm ngùi với những lời thơ thương nhớ người chồng đã khuất mấy năm nay, không có anh cùng uống trà mỗi buổi sớm mai, không có anh cùng đi chùa những ngày rằm ngày lễ lớn, v.v. Trong diễn đàn còn có chị Hiền Thảo vừa mới mất chồng chưa tròn năm...
Mùa này trời tối nhanh, Tết sắp đến, trên con đường làng vắng vẻ, hai bên là những mái tranh nghèo xơ xác, thấp thoáng vài ngọn đèn dầu tù mù, nhìn xa như những đốm ma trơi thoắt ẩn hiện sau những hàng rào tre, càng làm tăng cái vẻ đìu hiu, quạnh quẽ. Ở đây, người dân lo ăn cơm cho nhanh trước khi mặt trời đi ngủ để còn thấy đường dọn dẹp và rửa chén; hơn nữa là để tiết kiệm nhiên liệu vì tiêu chuẩn mỗi gia đình một tháng, chỉ mua được 1 lít dầu hôi thắp đèn...
Điều đáng nể phục và cũng đáng yêu quý là, sau trận cháy rừng năm 2019/2020, vùng thác Fitzroy tiêu điều tàn tạ – nhưng chỉ trong vòng 1 tuần sau đám cháy, trên cây khuynh diệp cổ thụ này đã có những chồi lá thật tươi non, đầy sức sống lại ngông nghênh nhô ra từ lớp vỏ cây xù xì đã cháy xém…
Hầu như người Việt nào cũng biết câu, “nhân sinh thất thập cổ lai hy”. Tuổi thọ ngày xưa thật đúng là khó có người sống qua bảy mươi tuổi vì điều kiện sống, chế độ dinh dưỡng, chăm sóc y tế còn hạn chế, là chưa nói tới tâm lý người lớn tuổi được sống vui với con cháu, xóm làng, hay tuổi già neo đơn vì hoàn cảnh cũng tác động nhiều đến tuổi thọ. Ngày xưa, người sáu mươi tuổi đã được con cháu mừng thọ dịp sinh nhật thứ sáu mươi. Ai tới bảy mươi là con cháu mừng ông (bà) đại thọ. Hiếm hoi có người sống tới tám mươi thì con cháu mừng thượng thọ. Qua tám mươi cũng có nhưng rất hiếm vì bảy mươi đã được coi là hiếm hoi - cổ lai hy. Nhưng nay đời sống sung túc hơn, hiện đại hơn, và y học tiến bộ hơn nên những lão ông, lão bà bảy mươi bây giờ còn khoẻ re vì họ còn có thể vui chơi, du lịch, tham gia sinh hoạt xã hội, cộng đồng… bệnh tật của họ có bác sĩ chăm sóc với y khoa hiện đại. Đời sống tinh thần vui hay không cũng tùy người, tùy suy nghĩ cá nhân vì người thấy nhà vắng con cháu thì buồn, tr
Hè năm ấy tôi dấn thân vào một việc mà kể từ nhỏ tới lớn tôi chưa từng làm. Dĩ nhiên là không có tý kinh nghiệm nào và vô cùng mạo hiểm. Nhưng người xưa có câu “đói thì đầu gối cũng phải bò”. Thôi kệ phải liều, biết đâu “không thành công, cũng thành nhân”. Sống là trải nghiệm mà...
Mỗi lần đi mua quà cho ai đó, kể cả quà Giáng Sinh, tôi thường bị tẩu hoả nhập ma, có khi đi cả buổi chẳng mua được gì. Chọn quà tân gia càng khó hơn, tôi đi hết tiệm này qua tiệm khác, suy nghĩ về “gia chủ” để đoán xem họ thích quà loại nào, cuối cùng tôi cũng phải chọn một món khi trời đã quá trưa...
Có nhiều lý do để tôi không thích và thường tránh né khi phải lái xe vào khu trung tâm thành phố. Một trong lý do chính là hầu hết các con đường trong trung tâm thành phố trên toàn nước Mỹ đều là đường một chiều...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.