Hôm nay,  

Đám cưới của ai?

09/12/202307:21:00(Xem: 2427)
Truyện

33814_05-eb9a2e4cc91544c5b78cc623c3c56222

Caden hí hửng mang về khoe cha mẹ tấm thiệp cưới:
    – Có nhiều mẫu thiệp cưới, con và Sophia chọn mẫu thiệp cưới này. Đơn giản dễ thương lắm.
    Chị Bông cầm tờ thiệp cưới, một mặt là hình Caden đang âu yếm kề môi hôn Sophia, mặt kia là hàng chữ:  Together With Their Families Sophia Pham & Caden Nguyen.
    Chị Bông tiếp tục đọc hết những dòng chữ trên tấm thiệp không thấy tên cha mẹ đôi bên đâu, rất sửng sốt:
    – Con quên ghi tên cha mẹ nhà trai, nhà gái hả?
    Caden ngơ ngác:
    – Kiểu bên Mỹ nhiều mẫu thiệp chỉ có tên cô dâu và chú rể.
    Chị Bông bừng bừng phản đối:
    – Thiệp cưới phải kiểu Việt nam mới đầy đủ và trang trọng. Nghe đây: Ông bà Nguyễn Văn Bông và ông bà Phạm văn Huê trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi là Caden Nguyễn và Sophia Phạm.  Hôn lễ sẽ tổ chức ngày… tại nhà hàng… Trân trọng mời ông bà, cô bác… đến tham dự chung vui với gia đình chúng tôi. Sự có mặt của ông bà cô bác là niềm hãnh diện cho chúng tôi…
    Caden ngạc nhiên:
    – Đám cưới con mà cha mẹ đứng ra mời hả?
    – Đúng thế, con ở đâu chui ra? Phải có cha mẹ mới có con cái. Bổn phận cha mẹ dạy dỗ nuôi con và dựng vợ gả chồng.
    Chị Bông khăng khăng bắt Caden phải chọn mẫu thiệp cưới khác, có tên cha mẹ đôi bên đàng hoàng.
    Đã trải qua bao cản trở và đợi chờ Caden và Sophia mới có ngày đi chọn thiệp cưới hôm nay.
Ngay từ khi Caden đang học đại học gần ra trường chị Bông đã ngắm nghé cô Mika xinh xắn nhà chị Tiên, Mika đang học dược sĩ. Chị Tiên cũng khôn khéo tinh đời lắm, chấm Caden đẹp trai cao ráo con nhà đàng hoàng cho con gái mình. Đã mấy lần chị Tiên nhờ con gái chở đến nhà chị Bông chơi, Caden và Mika đã gặp mặt nhau, đã trò chuyện. Hai bà bạn thân hí hửng đợi chờ tình yêu nảy mầm giữa đôi trẻ.
    Caden tốt nghiệp Computer Science. Gặp thời, chàng xin được công việc lương cao ngay thành phố nhà. Chị Bông bắt đầu gợi ý con trai nên tìm hiểu Mika. Thế mà một hôm Caden mang về một cô gái lạ và giới thiệu:
    – Đây là Sophia người yêu của con.
    Chị Bông chưng hửng và thất vọng, Sophia cũng là người Việt như chị Bông mong muốn nhưng Sophia không xinh đẹp và hiền dịu bằng Mika, Sophia nói tiếng Việt ngọng ngịu, cách đi đứng nhanh nhẩu như con trai. Chị Bông cho “rớt đài” ngay phút đầu gặp gỡ.
    Biết mẹ không thích Sophia, Caden tìm mọi cách lấy lòng mẹ, nào Sophia học giỏi, cùng tốt nghiệp Computer Science và xin được việc vừa ý như Caden.
    Một hôm Sophia theo Caden về nhà, nàng mang tặng chị Bông một ổ bánh bông lan tự làm vì biết chị Bông thích ăn bánh bông lan. Chị Bông từ chối thẳng thừng:
    – Cám ơn cháu tặng bánh bông lan, nhưng bác không nhận đâu, lúc này bác “cao đường” nên phải kiêng cữ ngọt. Sophia tiu ngỉu mang ổ bánh về.
    Một hôm khác, cuối tuần Caden đưa Sophia về ăn cơm với gia đình, ăn uống xong Sophia ra rửa chén bát nhưng chị Bông gạt đi:
    – Cháu cứ để đấy bác rửa.
    Sophia ngoan ngoãn vâng lời, nàng ra sofa ngồi chơi với Caden, hai đứa chuyện trò cười nói trong khi chị Bông cặm cụi với đống bát trong bồn rửa chén đĩa. Sau đó chị Bông đã tức tối phê phán với chồng:
    – Con Sophia không có “ý tứ” gì cả, vụ bánh bông lan em từ chối đáng lẽ nó phải… năn nỉ mời mọc em và để ổ bánh lại, ai dè nó bưng về luôn. Vụ rửa bát đáng lẽ nó phải “giành” với em để rửa bát cho bằng được chứ. Mai mốt vào làm dâu nhà mình em sẽ dạy bảo nó.
    Anh Bông bênh vực Sophia:
    – Nó sinh ra và lớn lên ở Mỹ nghe sao hiểu vậy, làm sao hiểu bụng dạ lắt léo của em, em đừng dạy nó kiểu người Việt mình nói một đàng làm một nẻo, nói có là không, nói không là có.
    Chị Bông càng chê Sophia càng tiếc rẻ Mika xinh đẹp mặc cho Caden và Sophia đã luôn tìm cách lấy lòng chị. Anh Bông dứt khoát:
    – Em yêu Mika thì… em cưới Mika cho em đi, còn Caden yêu Sophia nó phải cưới Sophia.
Thế là chị Bông đành chịu thua, hai vợ chồng chị Bông đến nhà gặp cha mẹ Sophia nói chuyện cho đôi trẻ nên duyên. Chị Bông đã cất công hỏi mấy nhà hàng, những món ăn, giá cả và chọn được một nhà hàng Việt Nam ưng ý nhất để tổ chức tiệc cưới rồi.
    Hôm sau Caden mang về một mẫu thiệp cưới khác, chàng lại hí hửng tưởng mẹ sẽ ưng ý. Chị Bông kiểm duyệt ngay:
    Mr. & Mrs. Hue Pham with Mr. & Mrs. Bong Nguyen
    Request the honor of your presence at the marriage of their children
     Sophia Pham & Caden Nguyen
    Chị Bông vẫn chê:
    – Tên cha mẹ hai bên đã theo kiểu Mỹ không bỏ dấu lại nhỏ xíu ở trên ai mà để ý, chưa kể tên nhà gái để bên trái, nhà trai “lép vế” bên phải. Thiệp kiểu Việt Nam tên nhà trai bao giờ cũng đứng bên trái trên đầu tấm thiệp. Người ta sẽ đọc từ trái sang phải, từ trên xuống dưới. Caden giải thích:
    – Ở Mỹ nữ trước rồi mới đến nam mà mẹ.
    Anh Bông nói với Caden:
    – Thiệp cưới đầy đủ tên hai bên cha mẹ, chữ to nhỏ, bên phải bên trái không thành vấn đề. Ba đồng ý các con in thiệp kiểu này.
    Chị Bông vội cản lại:
    – Khoan, khoan, còn vụ nhà hàng em chưa đọc tới. Xem nào, sao lại tổ chức đám cưới ở trong tòa nhà “Center Music Hall” mà không là nhà hàng Việt Nam hả con? Con mà đặt món ăn tây không thích hợp với khách mời của cha mẹ đâu, người Việt mình ăn cưới quen với những món như súp măng cua, bò lúc lắc, chả đùm, gỏi ngó sen tôm thịt, cơm chiên Dương Châu…
    Anh Bông ngắt lời chị Bông. Hỏi:
    – Đám cưới này là của ai vậy em?
    – Dĩ nhiên là đám cưới Caden và Sophia.
    – Vậy mà anh tưởng đám cưới… chị Bông chứ, em chọn “ngày lành tháng tốt”, em đòi hỏi tên anh chị Bông phải in to, em đòi hỏi kiểu in thiệp cưới, kiểu nhà hàng và món ăn thích hợp với khách mời của em. Chúng ta sống ở Mỹ thì theo kiểu Mỹ đi, Caden và Sophia là nhân vật chính, chúng ta là cha mẹ chỉ góp ý kiến chứ không thể toàn quyền quyết định giùm con cái.
    Thấy chồng luôn ủng hộ Caden chị Bông hậm hực:
    – Để em gọi phone bàn bạc với anh chị suôi gia cho cha con anh biết ai đúng ai sai.
    Chị Bông gọi ngay cho chị Huê, kể lại đầu đuôi vụ tấm thiệp cưới và nơi tổ chức tiệc cưới. Chị Huê nghe xong mới thong thả lên tiếng:
    – Con Sophia cũng mang về tấm thiệp vợ chồng tôi xem rồi, ưng ý hết sức chị ạ. Đám cưới của chúng chứ của mình đâu mà nó phải theo ý mình.
    Chị Bông cụt hứng và ngạc nhiên:
    – Ủa… Chị nói y hệt như anh Bông nhà tôi.
    – Tôi kể chị nghe chuyện một gia đình tôi quen biết nhé: Cô gái xinh đẹp học giỏi con nhà giàu, tốt nghiệp bác sĩ đang nội trú, là niềm hãnh diện và hạnh phúc vô bờ của cha mẹ. Cha mẹ cô đang mơ một đám cưới, đang kén chọn một chàng rể học cao hiểu rộng tương xứng với con gái mình.
    Chị Bông xuýt xoa:
    – Chứ còn gì nữa…
    – Bỗng cô mang về nhà giới thiệu người yêu, chàng là nhạc sĩ, gia đình gốc Ý di dân sang Mỹ, chàng chơi nhạc trong một Night Club mà thỉnh thoảng những lúc học hành căng thẳng cô vào đấy giải khuây. Cha mẹ cô đau đớn bàng hoàng như từ 9 tầng mây bị thảy rớt xuống đất, phản đối kịch liệt bắt cô phải bỏ ngay thằng nhạc sĩ quèn kia. Càng bị cha mẹ cấm cản cô bác sĩ càng yêu anh nhạc sĩ hơn. Họ đã sống chung như vợ chồng và sinh một đứa con. Bây giờ cha mẹ phải xuống nước năn nỉ cô và chàng nhạc sĩ làm đám cưới để khỏi bị miệng đời khinh chê. Thế mà chúng nó vẫn không thèm làm đám cưới. Cho đến nay họ cũng chưa biết mặt mũi ông bà suôi gia là ai.
    Chị Bông tiếc rẻ:
    – Trời, cành vàng lá ngọc vậy mà tình cho không biếu không.
    Bên kia đầu dây chị Huê tươi cười :
    – Caden và Sophia con chúng ta đã học hành xong, đã trình diện cha mẹ đôi bên và tổ chức đám cưới là chúng tử tế ngoan ngoãn hơn cả ước mơ. Chúng nó ở Mỹ làm đám cưới kiểu Mỹ cứ để chúng như ý thoải mái. Gia đình đôi bên chúng ta thảnh thơi tới ngày đi dự tiệc là vui vẻ sung sướng rồi anh chị Bông nhé.
 
– Nguyễn Thị Thanh Dương
( November 24, 2023)

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông Tư và ông Năm có một những ngày tuổi thơ rất xanh màu da trời và rất hồng màu ráng chiều, nghĩa là ở một vùng quê có dòng suối Sầu Đâu và dòng sông Tam Mỹ. Dòng suối chảy vòng vòng qua những làng trên xóm dưới. Dòng suối cạn nên hai đứa bé cởi bò, bơi qua suối trong những ngày mùa gặt, cả khu Đồng Đất ồn ào rộn rịp, ca bài ca gánh gánh gánh gánh thóc về...
... Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư...
Phi trường Heathrow ấm dần trong không khí nhộp nhịp vào những tuần đầu tiên của mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Cứ mỗi lần được đến Vương Quốc Anh, tôi có thêm nhiều kỷ niệm với đất nước có nền văn minh lâu đời này. Câu hát "giấc mơ trở thành hiện thực" ("your dream comes true") được cất lên với giai điệu nhẹ nhàng làm ấm cả không gian trắng như tuyết phủ...
Trước cổng nhà, bác bầy một cái tủ kính nhỏ, đã nói là bác khéo tay lắm, trong tủ kính bán bánh mì đó, bác bán bánh mì kẹp thịt đỏ, xá xíu, pâté gan và đồ chua, tất cả là do hai bàn tay thiện nghệ của bác sáng tạo… và bán rất đắt hàng, bán rẻ mà...
Mỗi khi ngày lễ Noel về, hồn chúng tôi ngây ngất với biết bao hoài niệm của thuở thiếu thời. Nhớ về một Sàigòn xa xưa như nhớ về một thiên đường đã mất. Nhà thờ Đức Bà-Notre Dame Cathédrale vẫn sừng sững trong trí nhớ, nơi chúng tôi đã từng đứng trong giáo đường nghe thời gian rơi theo từng hồi chuông nhà thờ đổ. Con đường Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ... biết bao lần thay đổi, nhưng cái nét Hòn Ngọc Viễn Đông từ ngàn xưa của Sàigòn không một phai mờ...
Thấm thoát Quán Văn đã ra được trăm số báo... Còn niềm vui nào hơn!
Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng...
Canada năm nay kỳ thiệt à nghen! Đó là tôi đang nói đến chuyện thời tiết, mà cụ thể là chuyện “tuyết rơi mùa Đông”, bởi nói đến Canada mà không nói chuyện nàng tuyết thì còn biết nói chuyện gì...
Trong tiểu thuyết kiếm hiệp của Kim Dung, tôi thích nhất nhân vật Hồng Thất Công, bang chủ Cái Bang (kế thừa là Kiều Phong), ông già tính khí trẻ con. Tôi thích vì rất hợp tạng. Nói cách khác, tôi rất sợ những chuyện nghiêm túc. Ở đây bạn đọc sẽ bắt gặp mọi chuyện: chính trị, xã hội, kinh tế, văn chương, thi ca, nghệ thuật…, kể cả những chuyện tầm phào như gái trai, rượu chè hoang đàng nhăng nhít... Nói gọn, mảnh vườn "Ba Điều Bốn Chuyện" này luôn rộng cửa, bạn đọc hãy cùng tôi rong chơi. Xin giới thiệu truyện ký của nhà văn Thận Nhiên. (Khánh Trường)
Cơn mưa bất chợt đến mang theo nỗi buồn vô cớ. Nỗi buồn chầm chậm len vào tim vào phổi rồi thoát ra thành hơi thở nóng hòa nhịp tiếng mưa rơi. Tiếng hát Thái Thanh vút lên, dội lại những hình bóng nhập nhòa kỷ niệm. Những hình bóng cũ, những hò hẹn xưa. Ngày mưa tháng nắng theo nhau qua...
Bố Nisha người Ấn, mẹ Nisha người Việt, người bắc Hà Nội. Nisha là một cô bé thật xinh với giọng nói dễ thương, có chút màu sắc Quảng Ngãi. Chị của Nisha kể một giai thoại vui. Nisha vào Sài Gòn, ở nhà bên ngoại, buổi sáng, các bác gọi Nisha xuống điểm tâm. Từ trên lầu Nisha trả lời...
Nghe tin tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn được Người Việt Books cho in lại 2 tập: Nguyễn Đình Toàn – Tiểu thuyết 1 & 2. Tôi chỉ đọc những giới thiệu trên nhật báo Người Việt và Web Diễn Đàn Thế Kỷ, nhưng tôi chưa được nhìn qua hai đứa con tinh thần này của nhà văn Nguyễn Đình Toàn bằng xương bằng thịt. Định trong lòng một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến thăm ông, vấn an sức khoẻ của ông, và sẽ mua 2 cuốn sách này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.