Hôm nay,  

Tọa Độ Của Sinh Thực Khí

15/12/202300:00:00(Xem: 2377)
Ann Phong, Blue Layers. acrylic, 20x16, 2009.1
Tranh Ann Phong

Nguyễn chết lúc 3 giờ sáng. Tôi được tin trên Facebook. Nguyễn bằng tuổi Ba tôi. Ba tôi 85 tuổi, ông đang rất yếu. Nguyễn 85 tuổi, Nguyễn làm thơ. Ba tôi không làm thơ, hoặc có làm thơ nhưng chưa từng là thi sĩ.

***

Cha con tôi ít khi nói chuyện với nhau, từ hồi tôi bắt đầu lớn. Chắc do khắc khẩu. Trừ khi có chuyện gì cần thiết phải trao đổi ra, thì ít có lúc “tâm tình” với nhau, như bố và con, hay như hai người đàn ông.

Dịp này, tôi về chăm sóc ông và kẹt lại Vũng Tàu, có lẽ đây là thời gian chúng tôi thật sự ở với nhau trong suốt trên 50 năm qua. Ông giờ đã rất già, tôi bắt đầu già. Chúng tôi chỉ có thể nói chuyện với nhau thẳng thắn và chân tình khi không có ai. Đúng vậy, chỉ khi không có ai ngoài hai chúng tôi.

Buổi tối, chúng tôi ngồi ngoài sân, bên gốc cây nhãn. Tôi rót bia cho ông, tôi uống Whisky. Ông nói hơi khó khăn vì phát âm không được dễ dàng, nhưng ý tưởng rất sáng suốt. Tôi gợi chuyện cho ông nói, không như nói với đứa con trai đầu lòng, mà như một ông bạn già nói với đứa bạn trẻ hơn. Về đủ thứ chuyện, từ chính trị, chiến tranh, gia tộc, quê nhà, đánh bạc, tín ngưỡng, rượu chè, bằng hữu, vượt biên, kháng chiến, nghề dạy học, đàn bà, bắn nhau, ném lựu đạn, cộng sản-quốc gia, thời thơ ấu, Huế, Thượng đế, đức tin, Công giáo-Phật giáo, giấc mộng văn chương thời mới lớn, tập võ, trại tị nạn, nghề thông dịch viên, chống trả với hai thằng cướp xe gắn máy.... và Mẹ tôi, và cái chết.

Tôi đã dùng một số câu chuyện do ông kể cho việc viết của mình. Tôi nghĩ, may mà có thời gian này, nếu không thì sự cách biệt của hai cha con tôi có thể là mãi mãi.

Ba tôi về Việt Nam, như cách thay đổi môi trường sống cho đỡ nhàm. Mùa Đông ở Bắc Mỹ quá lạnh đối với ông, mà Sài Gòn thì quá ồn, nóng, và bụi, nên chúng tôi quyết định ông nên ra Vũng Tàu. Tôi về theo để chăm sóc và cho ông bớt buồn. Nỗi buồn của tuổi già là thứ chất lỏng, sánh đặc, mà vô hình, từ ông chảy xuôi xuống tôi. Đọng lại. Tôi nghĩ lâu ngày nó sẽ kết tinh lại thành thể rắn, trong tôi, rồi lại tan ra, sánh đặc, chảy xuôi xuống con tôi.

Chúng tôi thuê được căn nhà ba phòng ngủ, trong một khu khá yên tĩnh, cách Bãi Sau chừng 15 phút đi bộ. Hằng ngày, tôi đẩy xe lăn cho ông ra ngắm biển. Không hiểu khi ngồi trước biển thì ông nghĩ gì, nhớ gì. Ông từng đóng quân, hành quân khắp vùng Vũng Tàu - Bà Rịa trong thời chiến, từng giúp quân đội của đồng minh Úc sang Việt Nam tham chiến huấn luyện cho binh sĩ Địa Phương Quân của miền Nam. Thỉnh thoảng, khi những hồi ức thức giấc, ông chỉ tay mông lung ra ngoài khơi, bảo rằng nơi này tao đã từng kéo vào bờ hai cái xác chết vô danh, sình chương, trôi giạt ngoài khơi, kéo vào làm phước; còn dưới rặng cây kia đại đội của tao bị Việt Cộng phục kích, bên nó chết ba, bên tao chết sáu. Cuộc chiến Bắc Nam đã chấm dứt gần nửa thế kỷ nhưng nó vẫn thường xuyên mai phục và tấn công ông trong những đêm cô quạnh ở Seattle lạnh giá, hay những ngày dài trong trại tị nạn ở Thái Lan chờ tới lượt định cư, hay những chiều trên bàn nhậu tưng bừng của ông Việt kiều về du lịch ở Cà Mau. Ba năm trong quân ngũ, sáu tháng thuộc binh chủng Biệt Động Quân, chứa nhiều ký ức hơn tất cả thời gian còn lại trong đời. Bắn M-16, ném lựu đạn, và đếm xác chết của cả hai bên.

“Có bao giờ Ba bắn trúng Việt Cộng không?”, tôi hỏi. “Ba không biết. Chắc là không trúng thằng nào. Chưa bao giờ tận mắt tao thấy mình giết ai, nhưng tao thấy họng súng khạc lửa khi nó bắn mình… Còn sống tới giờ là phúc đức ông bà để lại!” Sau thế hệ của ông nội thì gia đình tôi không có ai chết vì chiến tranh. Ở tù thì có, anh em tôi ở tù lai rai, hết đứa này tới đứa kia.

Đêm tôi ngủ cùng phòng với Ba để trông chừng và giúp nếu ông cần. Có khi ngủ quên, có khi không kiểm soát được việc vệ sinh cá nhân, ông đái luôn trên giường chứ không kịp vào toilet. Có khi ông kịp thức giấc, lồm cồm ngồi dậy, chống gậy lần mò vào toilet một mình vì không muốn đánh thức tôi, tuy nhiên việc này rất nguy hiểm vì ông thường mất thăng bằng, rồi ngã. Trước đây ông nằm nệm mút, loại này hút nước, thấm nước tiểu thì rất bẩn, sau này tôi tìm mua loại nệm hơi bằng cao-su không thấm nước, nhưng với loại nào thì cũng ngập ngụa nước tiểu, ướt đẫm cả áo quần, ra trải giường, và chăn. Vậy là phải đưa ông vào tắm, thay đồ mới, có đêm hai ba lần, cả hai cha con không ngủ ngáy gì được. Tôi mang cho ông loại tã dùng cho người già, nhưng vẫn rất bất tiện, chỉ hai lần đái là tã ướt mèm chẹp nhẹp, phải thay tã mới. Giải pháp sau cùng là một điều may mắn. Tình cờ, tôi phát hiện ra trên mạng, rồi đặt mua, một loại dụng cụ giúp nam giới đi tiểu mà không phải ngồi dậy, cứ tè thoải mái ở tư thế nào cũng được, dù nằm, ngồi hoặc đứng, mà không vấy bẩn. Nó là một cái bình cao-su, thông hai đầu, miệng tròn, bằng 2/3 chiều dài của chai bia. Một đầu có hình dạng như cái cổ chai, hơi cong cong, để úp khít vào sinh thực khí. Đầu kia thắt lại, nối với một ống nhựa trong như loại dây truyền nước biển, dài khoảng một mét, nối với một cái túi có dung tích chứa được một lít nước. Tất cả dụng cụ này được ràng dây vải ngang bụng để giữ cho khỏi rơi, và giữ cho vị trí của con cu cố định, nó phải luôn nằm trong cái cổ bình, để dòng nước tiểu không trào ra ngoài. Muốn chắc ăn thì trước khi đái người ta phải với tay xuống, vịn giữ cái bình cho nó úp khít vào con cu.

Ban đầu, Ba tôi cảm thấy khó chịu, bất tiện, vì ngoài việc nó lủng củng, lấn cấn, do phải luôn mang theo bên người, thì nó còn gây cho ông một thứ phức cảm, đúng hơn là một thứ mặc cảm, rằng ông đang trở nên bất lực với chính thân thể của mình. Khi mang bình vào thì rất khó mặc quần, vì cộm, ống quần đùi không đủ rộng để chứa nó. “Đái cũng không xong thì còn làm ăn được cái mẹ gì nữa. Tao buồn ghê.”, ông than. Khi già, con người trở lại làm hài nhi, hay tệ hơn vậy nữa, với một thân thể bất khả khiển dụng. Trò chuyện với tôi, có lúc ông xưng Ba, có lúc ông xưng tao, tùy hứng, và gọi tên tôi thay vì gọi là “con”.


Vốn là người chỉnh tề, thậm chí còn hơn cả chỉnh tề. Thời còn trai trẻ ông luôn ăn vận đẹp nhất, trẻ trung nhất, bất cứ khi nào có thể. Ngay cả sau 1975, để giữ cho cả nhà khỏi chết đói, Mẹ tôi phải mang bán dần những chiếc áo dài đẹp của bà, và áo vest, cà-vạt, sơ-mi, quần tây của ông, thì ông vẫn giữ lại một bộ khá tươm tất để mặc khi có dịp. Cái thời cả nước đều lẹp xẹp dép nhựa hay dép lốp, áo bỏ ngoài quần, khăn rằn quấn quanh cổ theo kiểu cán bộ lãnh đạo xuề xòa với nhân dân, thì ở vùng cư xá nơi chúng tôi sống, người ta thường thấy ông và ông bạn, là đạo diễn Kỳ, lửng thửng đi uống cà phê với phong cách rất phong lưu. Hai ông vẫn áo sơ-mi trắng bỏ vào quần, thắt lưng da, giày đen tuy sờn cũ nhưng cũng là giày da, thứ dấu vết của tàn dư tư bản. Bác Kỳ dáng người cao, đi thẳng lưng, đường hoàng, khiến những người chưa biết ông phải ngoái đầu nhìn theo. Kẻ ngưỡng mộ, kẻ bực dọc. Quán cà phê của một thiếu phụ khá đẹp dựng bên vĩa hè, bàn gỗ ghế đẩu, tựa vào vách tường có kẽ dòng chữ “Nhân Dân Cảnh Giác Với Bọn Đầu Sỏ Phản Động!” Bọn thanh niên thường gọi là quán “Đầu Sỏ”. Tôi không biết cô chủ quán Đầu Sỏ có yêu ai trong hai người không, nhưng cô chăm chút cho hai ly cà phê đen và mấy điếu thuốc lá lẻ của họ một cách trân trọng hơn hẳn bọn khách đàn ông loàng xoàng, những kẻ xu thời đừng hòng được cô để mắt đến. Cô vẫn giữ được nét kiêu kỳ, đài các. Tôi không nhớ là quán bị dẹp lúc nào. Thời ấy, người ta hiện ra, yêu nhau, rồi biến mất. Biến mất lặng lẽ. Vài năm sau Ba tôi vượt biên. Gia đình bác Kỳ cũng đi định cư theo diện ODP. Sau khi ở Washington D.C vài năm thì bác qua đời.  Thỉnh thoảng họ gọi điện thoại viễn liên thăm nhau, nhưng hai người bạn không có dịp gặp lại lần nào.

Ở truồng, ban đầu Ba tôi mắc cỡ, nhưng rồi cũng quen.  Từ khi có cái bình tiểu, chúng tôi đỡ khổ rất nhiều. Ông mang nó cả ngày, chỉ trừ khi ngồi ăn hay khi tôi đẩy xe lăn cho ra ngoài đi chơi. Ông nằm trong phòng, tôi ngồi viết và đọc ở ngoài sân, dưới bóng cây nhãn. Cứ khoảng một giờ, tôi vào kiểm tra. Điều đầu tiên là xem ông còn thở không. Tôi ý thức rất rõ rằng ông có thể “đi” bất cứ lúc nào. Tôi không muốn trong giây phút cuối cùng, giả biệt trần gian, ông phải đi một mình. Tôi mong ông đi êm thắm, nhẹ nhàng. Tôi muốn nắm tay ông trong lúc ấy. Những gì cần nói với nhau thì chúng tôi đã nói hết rồi. Chẳng còn gì để gọi là trăn trối. Tôi từng đôi lần chứng kiến cảnh người ta hấp hối. Có lúc cơn hấp hối kéo dài cả ngày. Điều khó chịu nhất là sự níu kéo bất lực của thân nhân hơn là sự ra đi của người đang chết. Tôi tưởng tượng mình sẽ phải làm gì trong giây phút đó. Có lẽ sẽ cầm tay ông và chúc ông đi vui, và bình an. Nếu có kiếp sau thì không chừng chúng tôi sẽ tái ngộ. Tôi sẽ không đọc kinh. Không hẳn là do tôi không tin vào ơn Cứu Chuộc, mà tôi tin rằng Chúa sẽ nhận cha tôi cho dù có đọc kinh và gọi Ngài hay không. Tôi chỉ không muốn mình xao lãng hay chia sẻ với ai trong giây phút sau cùng, kể cả với Chúa. Nhìn lồng ngực ông còn phập phồng, tôi yên tâm, ừ vậy là chưa tới lúc, rồi tôi giở cái mền lên kiểm tra xem dây nhợ có an toàn và hiệu quả không, dòng nước tiểu có chảy xuống bình không, nếu có giọt nào rơi ra thì lấy khăn giấy lau cho sạch. Tôi thường hài lòng. Để cho ông bớt cảm giác khó chịu khi mang bình vào người thì tôi thường nói đùa để làm cho ông quên việc khó chịu ấy đi.

“Đố Ba người ta gọi cái này là những tên gì?” Tôi nhẹ nhàng nâng cái vật thể đã góp phần tạo ra sự hiện hữu của mình trong cuộc đời lên. Giờ đây tuy mềm oặt, rũ rượi, bèo nhèo nhưng nó vẫn có kích thước to hơn 90% con cu của những người Việt có vóc người trung bình mà tôi có dịp thấy. Đám lông quăn queo, xơ xác, lốm đốm chuyển từ màu đen sang nâu và bạc, phần lớn là bạc. Làn da mỏng trên cái chóp tròn nổi lên vệt xám, sậm màu như màu của một cái bớt. Mẩu da bao quy đầu thun lại nhùng nhằng. Ngày xưa, hẳn ông từng ngắm và có thể đã mân mê con cu của tôi, cái vật thể sẽ làm nên sự truyền giống cho gia tộc; giờ thì tôi mân mê con cu của ông, lòng dấy lên một thứ cảm giác và ý nghĩ kỳ lạ, nó không phải chỉ là của ông, mà còn là của tôi. Tôi chẳng những đồng sở hữu nó với Ba tôi, mà còn sở hữu, còn chịu trách nhiệm với cả những lịch sử của nó, niềm kiêu hãnh từ nó, và cả những rắc rối về đạo đức và tập quán do nó.

“Con cu… con cặc… dương vật… sinh thực khí…” Ông trả lời.
“Còn gì nữa?”
“Con giống…”
“Còn gì nữa?”
“Đại bác!”
“Đại bác hả?”
“Ừ, đại pháo. Loại chuyên dụng để công thành.”
“Rồi, thì đại bác. Còn gì nữa?”
“Chịu. Ba không nhớ nổi.”

Ông Cố tôi chỉ có một người con là ông Nội tôi. Ông Nội có hai người con, một là Ba tôi, một là cô tôi. Giờ, Ba tôi có đến chín đứa con và chắc sẽ có hàng chục đứa cháu. Tất cả khởi đầu là từ cái khúc gân thịt dài hơn một lóng tay này mà ra.

“Con gọi nó là hung khí nhé?”
“Cái gì?”
“Hung khí!”
“Hung khí là gì? Sao lại là hung khí?”
“Hung khí là khí cụ được sử dụng để gây án. Ba từng mang cái hung khí này đi gây án khắp nơi!”

Thấm ý, ông bật cười ha hả. “Mày chơi đểu tao hả, thằng con?” Không mấy khi cha con tôi có những lúc cười đùa như vầy.

“Ngày xưa Ba còn gọi con cu của con là củ thìu biu, nhớ không?”
“Nhớ.”
“Củ thìu biu là củ gì?”
“Là củ cặc.”
“Vì sao gọi nó là thìu biu?”

Ông trầm ngâm một lúc, “Chắc cũng giống như ông Hoàng Cầm gọi lá diêu bông, có điều nó là củ chứ không phải là lá. Mà củ thì vừa thơ mộng vừa rắn chắc hơn là lá!”

***
Nguyễn qua đời. Nguyễn sinh cùng năm với Ba tôi, năm con trâu. Nguyễn nằm liệt giường một thời gian dài. Khi xác chưa lạnh thì lũ kiến bò quanh thành những vệt dài trên vách đe dọa. Người thân lấy bốn tập thơ của Nguyễn kê dưới bốn chân giường. Lũ kiến bu quanh nhưng không có con nào bò lên các tập thơ. Nguyễn không nhắm mắt dù ai vuốt cũng không nhắm. Sau cùng, người con gái mà ông thương nhất xé một trang trong cuốn thơ đầu tay của ông phủ lên mặt. Dưới những dòng thơ là đôi mắt thao láo, vô hồn.

***
THẬN NHIÊN
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông Tư và ông Năm có một những ngày tuổi thơ rất xanh màu da trời và rất hồng màu ráng chiều, nghĩa là ở một vùng quê có dòng suối Sầu Đâu và dòng sông Tam Mỹ. Dòng suối chảy vòng vòng qua những làng trên xóm dưới. Dòng suối cạn nên hai đứa bé cởi bò, bơi qua suối trong những ngày mùa gặt, cả khu Đồng Đất ồn ào rộn rịp, ca bài ca gánh gánh gánh gánh thóc về...
... Cũng vì vậy, đọc thơ Tuệ Sỹ, tôi cứ thấy hình ảnh con đường dài, và muôn dặm bóng cô lữ một khung trời viễn mộng dằng dặc nỗi ưu tư...
Phi trường Heathrow ấm dần trong không khí nhộp nhịp vào những tuần đầu tiên của mùa lễ hội lớn nhất trong năm. Cứ mỗi lần được đến Vương Quốc Anh, tôi có thêm nhiều kỷ niệm với đất nước có nền văn minh lâu đời này. Câu hát "giấc mơ trở thành hiện thực" ("your dream comes true") được cất lên với giai điệu nhẹ nhàng làm ấm cả không gian trắng như tuyết phủ...
Trước cổng nhà, bác bầy một cái tủ kính nhỏ, đã nói là bác khéo tay lắm, trong tủ kính bán bánh mì đó, bác bán bánh mì kẹp thịt đỏ, xá xíu, pâté gan và đồ chua, tất cả là do hai bàn tay thiện nghệ của bác sáng tạo… và bán rất đắt hàng, bán rẻ mà...
Mỗi khi ngày lễ Noel về, hồn chúng tôi ngây ngất với biết bao hoài niệm của thuở thiếu thời. Nhớ về một Sàigòn xa xưa như nhớ về một thiên đường đã mất. Nhà thờ Đức Bà-Notre Dame Cathédrale vẫn sừng sững trong trí nhớ, nơi chúng tôi đã từng đứng trong giáo đường nghe thời gian rơi theo từng hồi chuông nhà thờ đổ. Con đường Catinat, phố Bonnard, phố Nguyễn Huệ... biết bao lần thay đổi, nhưng cái nét Hòn Ngọc Viễn Đông từ ngàn xưa của Sàigòn không một phai mờ...
Thấm thoát Quán Văn đã ra được trăm số báo... Còn niềm vui nào hơn!
Về tới nhà, chúng tôi vội vàng thay quần áo để chuẩn bị ăn sáng. Uyên luôn tỏ ra nhanh nhẹn trong việc bếp núc. Chỉ một thoáng chúng tôi đã có sẵn sàng một bữa cơm ngon. Nói là ăn sáng, nhưng đúng ra, với những món ăn được đặt trên bàn phải được gọi là bữa ăn trưa mới đúng...
Canada năm nay kỳ thiệt à nghen! Đó là tôi đang nói đến chuyện thời tiết, mà cụ thể là chuyện “tuyết rơi mùa Đông”, bởi nói đến Canada mà không nói chuyện nàng tuyết thì còn biết nói chuyện gì...
Cơn mưa bất chợt đến mang theo nỗi buồn vô cớ. Nỗi buồn chầm chậm len vào tim vào phổi rồi thoát ra thành hơi thở nóng hòa nhịp tiếng mưa rơi. Tiếng hát Thái Thanh vút lên, dội lại những hình bóng nhập nhòa kỷ niệm. Những hình bóng cũ, những hò hẹn xưa. Ngày mưa tháng nắng theo nhau qua...
Bố Nisha người Ấn, mẹ Nisha người Việt, người bắc Hà Nội. Nisha là một cô bé thật xinh với giọng nói dễ thương, có chút màu sắc Quảng Ngãi. Chị của Nisha kể một giai thoại vui. Nisha vào Sài Gòn, ở nhà bên ngoại, buổi sáng, các bác gọi Nisha xuống điểm tâm. Từ trên lầu Nisha trả lời...
Bông và ông bà Phạm văn Huê trân trọng báo tin lễ thành hôn của con chúng tôi là Caden Nguyễn và Sophia Phạm. Hôn lễ sẽ tổ chức ngày… tại nhà hàng… Trân trọng mời ông bà, cô bác… đến tham dự chung vui với gia đình chúng tôi. Sự có mặt của ông bà cô bác là niềm hãnh diện cho chúng tôi…
Nghe tin tiểu thuyết của nhà văn Nguyễn Đình Toàn được Người Việt Books cho in lại 2 tập: Nguyễn Đình Toàn – Tiểu thuyết 1 & 2. Tôi chỉ đọc những giới thiệu trên nhật báo Người Việt và Web Diễn Đàn Thế Kỷ, nhưng tôi chưa được nhìn qua hai đứa con tinh thần này của nhà văn Nguyễn Đình Toàn bằng xương bằng thịt. Định trong lòng một ngày đẹp trời nào đó sẽ đến thăm ông, vấn an sức khoẻ của ông, và sẽ mua 2 cuốn sách này...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.