Hôm nay,  

Dáng liễu và Xuân gầy

28/10/202307:29:00(Xem: 3044)
Tạp bút

Cheo 


Có lần, trên Facebook của mình, Nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn nhận xét rằng câu tán gái dở nhất, trong nhạc, là câu “Anh nhớ trước đây dáng em gầy gầy” (“Nắng Chiều”, Lê Trọng Nguyễn), bởi, như sau đó anh đùa, nói thế có nghĩa là bây giờ em… tròn quá.
    Mà dáng này lại là điều cấm kỵ với giới làm thơ, soạn nhạc với, có lẽ, duy nhất một ngoại lệ.
    Tìm lại những bài ca, bài thơ chúng ta sẽ tìm ra bao nhiêu là dáng gầy. Như Trịnh Công Sơn, hết “vai em gầy guộc nhỏ như cánh vạc bay về chốn xa xăm” thì “gọi nắng trên vai em gầy”, rồi “mưa thì thầm gót chân ngà”: để có gót chân ngà thì thân thể không thể nào… tròn.
    Hay Vũ Đức Nghiêm, chỉ trong một khổ nhạc 6 câu của bài “Gọi người yêu dấu” thôi, đã hết ba câu trực tiếp nói đến sự gầy:
 
    Thương yêu dáng vai gầy thanh thanh.
    Thương yêu vòng tay ghi xiết ân tình
    Thương yêu dáng em buồn bơ vơ.
    Thương yêu nét môi cười ngây thơ.
    Thương yêu tóc buông lơi dịu dàng...
    Thương em mong manh như một cành lan
 
“Dáng vai gầy” thì đã rõ, đến dáng “buồn bơ vơ” và dáng “mong manh” là gì nếu không phải dáng gầy?
    Thơ cũng vậy, như Nguyên Sa, nào là “Em gầy như liễu trong thơ cổ / Anh bỏ trường thi lúc thịnh Đường” (“Em gầy như liễu trong thơ cổ”)’, nào là “Thơ trong tà áo, em trong gió / Ta nhớ mơ hồ mây trắng bay” ("Hư ảo trăng"): em có thể lẫn vào trong gió thì em cũng phải gầy như là liễu.
    Hay, trong bài “Tám phố Sài Gòn”:
 
    Sài Gòn đi rất chậm buổi chiều
    Cánh tay tà áo sát vòng eo
    Có nghe đôi mắt vòng quanh áo
    Năm ngón thơ buồn đứng ngó theo
    […]   
    Sài Gòn nắng hay Sài Gòn mưa
    Thứ bẩy Sài Gòn đi Brodard
    Guốc cao gót nhỏ mây vào gót
    Áo lụa trăng mềm bay xuống thơ
 
Vân vân, kể sao hết những hình ảnh gầy guộc trong nhạc, trong thơ, trừ ông Xuân Diệu, qua người đẹp cuối cùng trong bài “Nhị hồ”:
 
    Tôi yêu Bao Tự mặt sầu bi
    Tôi yêu Ly Cơ hình nhịp nhàng.
    Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
    Trong cung nhớ nàng Dương Quý Phi
 
Lịch sử Trung Hoa ghi lại hình ảnh đầy đặn của Dương Quý Phi, ái phi của Đường Minh Hoàng và khoa nhân chủng học cũng bàn về cái đẹp này, cái đẹp phồn thực với những đường cong đầy đặn hình thành từ quan niệm sống khát khao sự sinh sôi nảy nở nhằm lưu truyền nòi giống.
    Âu châu cũng một thời tôn sùng phụ nữ tròn nhưng rồi xu hướng thẩm mỹ này thay đổi với sự ra đời của điện ảnh: cái đẹp lúc này không còn bất động trên hình ảnh mà phải gắn liền với một dáng đi thanh thoát, do đó họ phải gầy. Cái đẹp này lại trở thành hình mẫu của các nữ nhân vật trong tác phẩm của các nhà văn Tự Lực Văn Đoàn một thời rồi đi vào thơ, vào nhạc, vào họa của nhiều thập niên sau đó trong văn nghệ miền Nam.
    Nhưng rồi cái đẹp mảnh mai ấy lại bị “chỉnh lý” theo ám ảnh thiếu ăn. Thời tôi chớm lớn, cuối thập niên 1970, cái thời hầu như cả nước thèm cơm, chỉ là cơm trắng thôi, sự hấp dẫn của nữ tính lại nghiêng dần về độ… “múp”.
    “Múp”, hình dung như Dương Quý Phi nói trên, là cái đẹp với những đường cong đầy đặn sự no đủ. Rồi thì ám ảnh thiếu ăn ấy cũng lùi vào hoài niệm để cái đẹp no tròn bị sự thanh mảnh đẩy lùi theo sự thống trị của kỹ nghệ thời trang. Theo mức độ phổ biến của máy truyền hình, của smartphone, của iPad, sức lôi cuối của nữ phái bây giờ tỷ lệ thuận theo chiều dài của cặp giò và, thế là, độ cao của đôi chân trở thành thời thượng. Nhan sắc và độ thanh mảnh trong thân thể nữ giới đã trở thành một thứ tài nguyên cho kỹ nghệ quảng cáo và tiếng Việt cũng bùng nổ theo với nào là “chân dài”, nào là “siêu mẫu”, “hot girl”…
    Cũng cần kể thêm, thay đổi lớn nhất, mang tính cách mạng nhất trong quan niệm về cái đẹp, theo các nhà nhân chủng học tiến hóa, lại diễn ra lúc loài linh trưởng chuyển từ tư thế bò lết sang tư thế đi đứng. Thời chỉ biết bò, biết lết, hai chi trước vẫn là hai cái chân và loài thú ấy chỉ biết làm tình từ phía sau nên chỉ chú mục vào cặp mông của bạn tình, chỉ biết dùng đến mùi để quyến rũ bạn tình. Nhưng khi đã biết đi, hai chi trước đã biến thành hai cánh tay thì tư thế làm tình đã đảo ngược về phía trước thì loài thú sắp thành người này đã biết nhìn nhau khi làm động tác yêu và sự quyến rũ bắt đầu tiến hóa từ khứu giác đến thị giác. Chúng có những đòi hỏi như thế nào đó ở bộ mặt, để gọi là “dễ nhìn”. Chúng cũng có những đòi hỏi như thế nào đó ở lồng ngực của con cái để gọi là “ngon mắt”, cái sự ngon mắt hình thành từ sự cộng hưởng giữa ý niệm phồn thực gợi lên cặp mông đầy tròn tròn thời còn làm tình từ phía sau với nhu cầu cần mơn trớn vuốt ve với những khao khát ngồn ngộn một miền cong đầy đặn. Và đến phiên mình, những con cái, cũng bắt đầu có những nhu cầu “dễ nhìn” và “ngon mắt” trên bộ mặt và, nhất là, trên bộ ngực vạm vỡ và cánh tay vững chãi của con đực, như một sự che chở an toàn!
    Trở lại với Xuân Diệu, tại sao, tại sao trong câu cuối cùng của bài thơ ấy, nhà thơ này đã bộc lộ rằng ông mê một phụ nữ rất tròn?
    Chúng ta không nên nhảy từ trang thơ ra ngoài đời với giới tính đặc biệt của ông mà nhiều người đã nói. Chỉ căn cứ vào thơ thôi, thơ Xuân Diệu tràn ngập thiên nhiên bừng bừng sức sống, một thiên nhiên đầy đặn, kiểu “Tháng giêng ngon như một cặp môi gần”, kiểu “Hỡi xuân hồng, ta muốn cắn vào ngươi". Phải chăng, vì thiên nhiên trong thơ Xuân Diệu sinh sôi nẩy nở thế nên cái đẹp sâu kín trong lòng nhà thơ này -- bất kể mỹ học về sự gầy đang thống trị của Tự Lực Văn Đoàn mà ông là một thành viên -- hẳn phải là cái đẹp phồn thực của một phụ nữ rất… tròn như là Dương Quý Phi!
    Nhìn lại, với giới chuyên trị dáng gầy thì thiên nhiên của họ chẳng hề là một thiên nhiên sinh sôi nẩy nở, chủ yếu là mùa thu tả tơi lá rụng. Như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, vạn nhất có nhắc đến mùa Xuân, mùa để thiên nhiên bùng nở đầy sức sống thì nghe cũng “trớt quớt” thế nào, như bài “Gọi tên bốn mùa”:
 
    Em đứng lên mùa Xuân vừa mở
    Nụ xuân xanh cành thênh thang
    Chim về vào ngày tuổi em trên cành bão bùng
    Rồi mùa Xuân không về…
 
Không chỉ Trịnh Công Sơn. Xuân của Nguyên Sa cũng vậy, không hề tươi tắn thiên nhiên, như cái cảnh:
 
    Mùa xuân buồn lắm em ơi
    Anh vẫn đạp xe từ Saigon lên trường đua Phú Thọ
    Đạp xe qua nhà em
    Nhìn vào ngưỡng cửa
    Nhà số 20
    Anh nhớ em má hồng..
    (“Mùa xuân buồn lắm em ơi”)
 
Để rồi, trong “Thơ xuân áo vàng”, cũng lại là dáng “vai gầy”:
 
    Mùa xuân em mặc áo vàng,
    Ở trong thơ cổ chim hoàng hạc bay.
    Em vừa xoay nhẹ vai gầy…
 
Mà cả tôi, hình như, cũng vậy, vào cái tuổi mười bảy, mười tám nhưng gầy gò vì thiếu dinh dưỡng: giữa sự lên ngôi của cái đẹp no tròn mang tên là “múp” mà, nhìn lại, những dấu in hằn đậm trong ký ức vẫn là dấu chân từ những dáng gầy.
    Đó, phải chăng, là do Xuân?
    Bởi, với tôi, những mùa Xuân của tuổi ấy, vào cuối thập niên 1970, lại là những Xuân buồn, những mùa Xuân gầy gò, tả tơi, không tươi tắn chút nào, những cái Xuân không hể sinh sôi, nẩy nở…
 

-- Nguyễn Hoàng Văn

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ông Sáu Cửu mở cửa ra mua mấy ổ bánh mì rồi quay ngay vào trong. Ông Sáu Cửu vốn cao to, râu tóc dài trông rất nghệ sĩ và sang, có lẽ hồi trẻ ông rất đẹp trai và phong độ. Ông sống với một người con trai ở trong ngôi nhà ba tầng lầu, giá cả giờ cỡ mười lăm tỷ bạc.
Cùng một sự việc giống như nhau, nhưng tùy theo tuổi tác, hoàn cảnh mà sự việc đó đôi khi được nhìn, được cảm nhận, được nhận thức hay bị phê phán, khen chê một cách khác nhau do những biến đổi tâm sinh lý của chúng ta tác động lên nó. Để làm thí dụ cho điều này tôi xin kể với các anh câu chuyện về Dì Tồ của tôi...
Ông già vừa bới rác vừa chúm môi hót như chim. Tiếng hót líu lo thắp lên giữa không gian xám ngoắt cái không khí mùa xuân rực rỡ. Thằng bé cùng lũ trẻ theo ông già vào bới đống rác trong chợ, lượm những củ khoai sùng, những miếng sắn sượng, miếng đưa hấu ôi, cùi bắp non lởm chởm những hột sần sượng, lá cải sâu ăn lỗ chỗ, héo quay héo quắt... rồi tranh nhau bỏ vào bọc ny lông cho ông già.
Sau khi đọc đoạn văn trên của em, tôi nhớ đến câu chuyện thật của tôi sau đây, về số phận của một học trò lớp Đệ Tam A. Đó là câu chuyện mà khi trở về Pháp tôi kể nhiều lần nhất...
Tôi tra tấn người tôi yêu / bằng cách đọc thơ tôi cho nàng nghe / cái giọng Quảng Nam sai bét trọng âm / khàn khàn vịt đực...
Một truyện ngắn viết với khí hậu phi thực của tác giả Trần Hạ Vi. Tuy phi thực nhưng vẫn trăn trở không ít về những vấn đề rất thực của đời sống hiện đại, mà nặng nề nhất là cuộc sống của con người với những bất an, bất ổn và những khao khát mâu thuẫn gần như tuyệt vọng. Lần đầu tiên đến với Việt Báo, Trần Hạ Vi đã chứng tỏ một tài năng văn chương độc sáng, một bút pháp mới mẻ, một tư duy chín muồi. Xin trân trọng giới thiệu.
Đã từ lâu, Thiếu Lâm Tự hay chùa Thiếu Lâm đã đi vào đời sống xã hội Việt Nam, nhất là môn võ Thiếu Lâm, được nhiều người VN yêu thích và tập luyện. Võ Thiếu Lâm, cũng như các môn võ khác như Nhu đạo (Judo), Thái Cực Đạo (TaeKwando) hay quyền Anh, đã thuộc về văn hóa và tài sản của thế giới, chớ không còn ở trong phạm vi nước Trung Hoa, Nhật Bản hay Đại Hàn nữa. Võ Thiếu Lâm đã gắn liền với tên tuổi của những người lập ra và phổ biến nó.
Tôi gặp chú Long Hồ lần đầu tiên trong buổi họp mặt của gia đình Mũ Xanh năm 2018. Năm ấy, chú vừa được bầu làm Tổng Hội Trưởng của Tổng Hội TQLC QLVNCH...
Trời Edmonton mấy hôm nay đẹp quá, tôi cảm thấy hứng khởi, chạy qua tiệm Canadian Tire mua một mớ fertilizer về bón mấy cây trong sân sau và mấy bụi hoa sân trước. Chu choa, người ra vào tấp nập, rộn ràng, ai cũng hớn hở. Những khuôn mặt này, hồi mùa đông tái tê, chắc đã từng nhăn nhó, than thở, bí xị mà bây giờ cười tươi rói, như là “chưa hề có cuộc giá băng”...
Bây giờ nhắc lại chuyện “dọn nhà... dọn cửa” trong những buổi “party” lúc về hưu thì, chắc theo các anh cho tôi đang ngồi nói chuyện đời xưa. Dọn nhà dọn cửa thì có gì để nói nhỉ? Ai mà chẳng biết! Ấy vậy, đối với tôi thì lại khác đấy nhé, “khối” chuyện phải nói, phải kể, phải viết ra để than thở, thở than cùng với các anh...
Về Đức, tôi ngẫm nghĩ, nếu muốn “di dân” qua bển, phải biết nói tiếng Ét-pa-nhôn. Đang trong cơn “say” xứ Cờ Hoa, tôi ba chân bốn cẳng phóng ra thư viện thành phố, khuân ngay một lô sách, Học Tiếng Tây Ban Nha Trong 30 Ngày, Tiếng Tây Ban Nha Sơ Cấp, Tiếng Tây Ban Nha Cấp Tốc... Đêm đêm chong đèn i tờ. Học văn phạm, ngữ vựng, luyện giọng...
Mùa xuân Nhâm Tý, thành Hạc Hoa tưng bừng khai hội, thiên hạ dập dìu xe ngựa kéo về. Tiếng đồn hội hoa đã lừng danh, người ta bảo rằng ở đấy không thiếu bất cứ loại hoa nào trên thế gian này, thậm chí có những loài mà chưa từng xuất hiện ở bất cứ nơi đâu...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.