Hôm nay,  

Giận kẻ bạc tình

05/10/202308:51:00(Xem: 2951)
Truyện

131412251_2476408459321923_8059539102128036678_n

Lê Điền là một công chức mẫn cán, vợ đẹp con ngoan, mẫu gia đình nhìn vào khối người mơ ước. Đùng một cái, người ta gọi gã là “kẻ bạc tình”. Nhưng nếu nói vậy thì cũng chưa công bằng với gã, bởi vì trước khi làm kẻ bạc tình gã cũng từng là kẻ say tình.
    Chuyện trở về thời thanh niên của gã cách nay hơn 4 thập kỷ, gã từng say như điếu đổ một cô thiếu nữ sáng sớm thường ôm cặp đi học trên con đường Nguyễn Bỉnh Khiêm ngang qua nơi Điền thường ngồi cà phê với nhóm bạn gần nhà gã. Nàng học lớp đệ tam trường Trưng Vương. Nàng duyên dáng trong tà áo dài, mái tóc buông lơi, khuôn mặt trái xoan, và đặc biệt đôi mắt đẹp như hút hồn người khác. Nhỏ vô tư chẳng biết gì còn Điền canh me, bí mật đi sau một quãng xa làm cái đuôi theo về tận ngõ nhà nàng. Cách trường không xa, chỉ khoảng cây số. Hóa ra nàng ở cùng khu phố với gã.
    Lúc này Điền đang là sinh viên năm thứ hai trường ĐH Bách Khoa. Thế rồi gã lân la làm quen trước với phụ huynh của nhỏ. Nhân lúc nhỏ đi học, Điền tới nhà nhỏ nhìn vào thấy một người đàn ông luống tuổi (Điền đoán là ba của nàng) đang ngồi uống trà bên hiên, trong sân có nhiều cây cảnh, nhiều nhất là mai. Thấy trước hiên có bàn cờ tướng. Biết Bác Hai (ba của nàng) rất thích cờ tướng. Thế là Điền tìm thầy học lớp cờ tướng. Điền đánh liều vào gặp bác Hai ban đầu vờ hỏi mua cây mai con. Rồi mắt Điền dừng lại ở bàn cờ tướng. Điền nói:
    – Bác có bàn cờ tướng thích thiệt. Con cũng có học chút ít, bác cho con đánh hầu bác vài ván và có gì nhờ bác chỉ vẽ thêm.
    Thế rồi dăm bữa, nửa tháng Điền lại tới đánh cờ tướng, không quên cắp theo lạng trà ngon biếu bác Hai. Cứ vào cuối tuần Điền và bác Hai lại nhấp ngụm trà bên bàn cờ tướng. Có đôi lần thấy nhỏ (Trúc Miên tên của nàng) đi học về, Điền lịch sự gật đầu chào. Khi ra vào đã thành thân quen, Điền mới hỏi:–
    – Nhỏ năm nay học lớp mấy rồi!
    Gã đã biết, nhưng hỏi cho có chuyện. Lâu dần nàng nghĩ bụng anh Điền là bạn cờ tướng của ba mình, ra chiều thân quen. Có những bài toán khó, Điền lại giảng giải cho nhỏ. Rồi Điền trở thành gia sư cho Trúc Miên. Càng lớn nàng càng đẹp lạ. Đôi má ửng hồng, đôi môi hình trái tim rất gợi cảm. Gã thèm đôi môi như thèm trái táo chín mọng. Mỗi lần vô tình chạm phải bàn tay thon ngà ngọc của nàng là Điền có cảm giác như có luồng điện chạy trong người gã.
    Khi gã đã ra trường xin được vào làm ở một công ty nước ngoài và vẫn tiếp tục đeo bám mục tiêu cho đến khi Trúc Miên vào đại học. Ra trường nàng đi làm công việc văn phòng. Gã thưa chuyện với ba mẹ nàng xin cho gia đình sang dạm ngõ. Đám cưới của Nguyễn Điền và Trúc Miên diễn ra vào một ngày đẹp trời trong niềm hân hoan của hai họ và bạn bè. Bây giờ họ là của nhau. Nàng cũng yêu chàng lắm. Gã và nàng đã có tuần trăng mật đáng nhớ. Khuôn mặt nàng, đôi mắt nàng, đôi môi nàng đã đẹp rồi mà thân hình của nàng đẹp như một tòa thiên nhiên với làn da trắng nõn nà, vòng eo thon nhỏ khuôn ngực đầy đặn. Gã đắm chìm trong hạnh phúc đầu đời như cuộc đời mới bắt đầu từ đây. Họ trao nhau cái hôn vồ vập và những ngọt ngào đắm say cuồng nhiệt của tuổi trẻ. Họ có cảm giác họ là một cặp trời sinh nên trong cuộc sống thường ngày hay trong tình ái với niềm hạnh phúc vô biên.
    Trúc Miên yêu chồng, đảm đang chu toàn, biết vun vén gia đình. Gã cũng lo làm ăn và họ xây được tổ ấm với căn nhà khang trang trong nội đô. Công việc làm ăn của hai vợ chồng đều thuận lợi, thu nhập ổn định, nàng ngoài công việc chính ở văn phòng còn nhận thêm việc về nhà làm thêm, ngoài ra nàng còn làm cộng tác viên của một số tờ báo. Nàng sinh được hai đứa con kháu khỉnh dễ thương! Cuối tuần gia đình nàng lại về ngoại, lúc về nội. Các con học hành khôn lớn. Ngoảnh đi ngoảnh lại các con đã trưởng thành, có công việc ổn định. Gia đình như vậy hạnh phúc, viên mãn.
    Nhưng cuộc đời ai biết được chữ ngờ. “Ăn no rững mỡ” là câu nói trong dân gian. Nghiệm lại quả đúng vậy. Thời bao cấp kinh tế khó khăn, nghèo mà thương nhau, khi đổi mới, đời sống của người dân có khá lên, đặc biệt gã từ công chức nhà nước đã bước lên chức vụ mới đứng đầu một cơ quan, khi gần nghỉ hưu gã lại xin thêm được công việc mới ở trung tâm xúc tiến việc làm chuyên tuyển người đi lao động xuất khẩu, có cả du học nước ngoài. Công việc đưa đến cho gã thu nhập cao.
Thế rồi một hôm có một phụ nữ đẹp, đôi mắt ướt tình tứ, hình thể hấp dẫn, ngực nở, eo thon cặp mông đầy nhấp nhô theo nhịp chân. Nàng đến trung tâm liên hệ cho con đi du học. Qua câu chuyện được biết cô tên là Mỹ Nga, hiện là giáo viên mầm non, trạc tuổi ngũ tuần nhưng thân hình bốc lửa lắm! Câu chuyện qua về dần dần quen biết đã nảy ra một mối quan hệ mới. Và ngày càng khăng khít hơn khi thấy gã quen biết rộng, ngoài việc đưa con nàng du học rồi còn nhận làm giúp làm thẻ đỏ cho nàng. Nàng cảm động lắm!
    Họ hẹn nhau tại quán cà phê vườn cây xanh mát. Gã ý tứ chọn bàn khuất sau một cây phát tài lá sum suê. Nàng đưa mắt tình tứ ngước nhìn gã. Đôi má ửng hồng e ấp. Bỗng nàng làm rơi chùm chìa khóa xuống sàn nhà. Nàng cúi xuống nhặt, chiếc cổ áo rộng để lộ đôi ngực đầy vun, trắng nõn sau tà áo mỏng tanh. Gã nhìn đắm đuối, nuốt nước bọt đầy ứ trong miệng gã. Tiếng nhạc du dương êm đềm như đưa gã vào mộng. Gã ngồi dịch sát lại bên nàng. Làn da nàng ấm lên, gã chạm vào bàn tay nàng rồi nắm chặt, nàng để yên trong tay chàng nỏng bỏng, đưa gã vào cảm giác đê mê, gã đặt lên bờ môi gợi tình của nàng một nụ hôn sâu. Họ như bay bổng lên chín tầng mây. Những cuộc hẹn của họ sau đó diễn ra ở một nơi khác kín đáo hơn. Họ lao vào nhau như không còn biết trời trăng gì nữa. Gã gục mặt vào đôi gò bồng đảo của nàng, bàn tay của gã lướt như chạm trên phím đàn dường như có bản nhạc tình đưa hồn gã từ vùng đồi núi đến hải đảo, đến cả bờ cỏ xanh ở thung lũng mượt như nhung. Nàng cũng ghì chặt lấy gã cuồng nhiệt không kém. Từ đó gã say và nàng cũng say. Họ nghiện nhau như nghiện á phiện. Cũng từ đó họ đặt cho nhau cái nickname mới: Bò Mộng và Cỏ Non (gọi vậy cho thơ mộng chứ tuổi nàng không còn “cỏ non” nữa). Và họ thường nhắn tin qua lại cho nhau:
    Bò Mộng: Em làm gì đó?
    Cỏ Non: Ngồi nhớ anh.
    Bò Mộng: Giờ làm sao cho hết nhớ?
    Cỏ Non: Chúng ta gặp nhau chỗ cũ nghe.
    Nhiều đoạn tin nhắn của gã và nàng không hiểu sao lại bay về nguyên xi không sót một dòng vào điện thoại của Trúc Miên. Trúc Miên đọc xong bàng hoàng, Trái tim đau thắt như ngàn mũi kim đâm vào rướm máu. Nàng lảo đảo khuỵu xuống, cảm thấy trời đất như sụp đổ. Nét mặt chị thất thần, tiếp theo những ngày sau đó, cuộc sống thật buồn như tận thế! Trúc Miên không thiết ăn uống nữa, thấy cuộc đời vô nghĩa quá khi không ngờ người chồng đầu ấp tay gối cùng nhau chia sẻ ngọt bùi gần nửa thế kỷ – từ tuổi thanh xuân cho đến nay tóc ngả màu phai bây giờ lại trở chứng. Chị buồn và tức vì bị chồng phản bội. Điều đó Trúc Miên chưa bao giờ nghĩ đến. Nàng yêu chồng lắm! Gia đình bên ngoại ai cũng quý chàng. Tại sao bây giờ lại đổ đốn ra như vậy. Không muốn tin nhưng những dòng tin nhắn ngày ngày vô tình hay cố ý lại tới tấp chuyển tiếp về máy của chị. Trúc Miên thì nghĩ rằng do mình thường lên chùa cầu nguyện “xin cho con thấy rõ sự thật” nên có đấng vô hình độ nội dung những cuộc hội thoại về máy nàng chăng? Hay là mấy đứa con giỏi công nghệ, nó chuyển tiếp tin về cho má nó đọc? Cũng không thể! Vì mấy đứa ngoan và hiền lắm! Mẹ nó báo với 2 đứa nhưng tụi nó không nói gì. Mặt tỉnh rụi à! Nó cũng chẳng lên kế hoạch gì phụ má nó cả.
    Và họ lại có những cuộc hẹn hò đầy mặn nồng:
    Sáng dậy, Cỏ Non nhắn: Anh ăn sáng chưa?
    Bò Mộng: Chưa! Sáng nay con gái anh nấu bún nhưng anh không ăn.
    Cỏ Non: Sao vậy?
    Bò Mộng: Nhìn mặt bả anh nuốt không vô.
    Cỏ Non: Vậy thôi tới đi ăn với em!
    Rồi hai người lại bên nhau. Các tin nhắn lại bay về tra tấn con tim vợ gã. Một hôm, sau khi đã suy nghĩ lung lắm Trúc Miên quyết định gọi gã vào phòng khách nói chuyện, pha bình trà kèm dĩa trái cây. Vợ gã phân tích phải trái cho gã nghe. Rồi chị gặp mặt cô tình nhân để dàn xếp, khuyên nhủ. Mỹ Nga cũng chỉ tỏ ra nhún nhường ầm ừ cho qua chuyện. Trúc Miên cũng đã tìm hiểu, hẹn gặp gặp chồng Mỹ Nga để nói chuyện. Hai kẻ bị chồng (vợ) phản bội khuôn mặt đau khổ đã kể cho nhau những gì họ đã biết. Trúc Miên cũng đã gặp ba má cô ấy. Ba má cô ấy cũng là người đàng hoàng, họ rất buồn và cảm thấy mình là phụ huynh có lỗi không dạy được con.
    Sau những nỗ lực hàn gắn của Trúc Miên và hai gia đình, gã và Mỹ Nga đã buông nhau ra. Hứa không gặp nhau nữa!
    Gã lúc đầu cũng sợ mất mặt, mất uy tín có xuống nước, xin lỗi vợ và các con. Ở nhà một thời gian nhưng ngày nào nỗi nhớ nhung nhân tình như cào xé ruột gan gã. Những nụ hôn nồng cháy nàng dành cho gã, thân hình gợi cảm cứ hiển hiện trong tâm trí gã. Hình như bứt rứt, nên gã ngày nào cũng gây gổ với vợ gã. Không thể chịu nổi nên Trúc Miên đành bất lực cho gã tự do, muốn đi đâu thì đi.
    Lại nói về lúc làm có tiền rủng rỉnh bởi gã có nguồn thu nhập khá từ công việc mới gấp đôi tiền lương hưu của gã, khoản này gã tiêu riêng, ngoài ra Trúc Miên trả lại cái thẻ lương hưu cho gã nữa. Cũng là một sự giải thoát buông bỏ cho nhẹ lòng. Kể từ đây Trúc Miên khỏi bận lòng chăm sóc gã như trước. Gã lại tung tăng những tháng ngày ngọt ngào đắm say của gã và tình nhân.
    Lại nói về Mỹ Nga, sau khi gặp gỡ gã, nàng ngày càng chán chồng. Trước sự níu kéo của chồng và gia đình, nàng không lay chuyển. Nàng đã làm đơn li dị chồng. Chồng nàng lại về cung cúc sống với mẹ. Còn nàng đưa hai con về ngoại làm một cái nhà trong vườn đầy đủ tiện nghi, trang trí bắt mắt. Mẹ nàng nói với vợ gã là không biết gã làm gì mà nhiều tiền thế, cung cấp cho con gái bà không thiếu thứ gì. Ban đêm khi có dịp đi qua trước nhà nàng trúc Miên thấy sang chảnh sáng rực cả khu xóm.
    Như vậy, ở tuổi người ta không còn trẻ nữa nhưng người ta vẫn cứ say nhau đến lạ. Với vợ bây giờ mà nói thì gã là kẻ bạc tình. Nhưng với nhân tình mới thì gã vẫn là kẻ say tình. Gã chắc mẩm đây mới là tình yêu đích thực chờ đợi gã gần nửa thế kỷ. Gã cảm thấy ngày xưa Từ Thức có vào động tiên thì cũng chỉ đến thế là cùng. Hay như Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi cũng chỉ say nhau đến vậy thôi. Dù cả hai đều đã đi qua những lần đò. Rồi gã nghĩ mối tình Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi đã đi vào lịch sử tình ái nhân loại đấy thôi! Họ đâu còn trinh nguyên khi đến với nhau mà vẫn si mê không thể nào cưỡng nổi. Bên nàng, gã mới thấy thiên đường và khi gã trườn trên tấm thân ngọc ngà cuồng nhiệt của nàng, gã tưởng tượng mình là Đường Minh Hoàng đã tìm được “Dương Quí Phi” của đời mình.
    Trúc Miên dù rất yêu chồng nhưng đành bất lực buông bỏ. Đợi khi các con lập gia đình ra riêng, nàng về phường Bến Nghé sống với ba má nàng lúc này đã trên 80 tuổi. Hằng ngày Trúc Miên lo chợ đò cơm nước chăm sóc ba má, rồi rằm, mùng 1 cùng má đi chùa tụng kinh niệm Phật. Hi vọng cuộc sống trở lại bình yên trong tâm trí nàng.

 

– Hoàng Thị Bích Hà

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sài Gòn Nhỏ được mệnh danh là thủ đô của người Việt hải ngoại, một thủ đô nhỏ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sài Gòn Nhỏ hình thành từ sau khi những lớp người Việt di tản đầu tiên được đưa về quận Cam (Orange County)… và từ đó dần dần thành hình vóc dáng và tầm cỡ như ngày nay. Ở đây hầu như tụ hội đầy đủ các cơ quan truyền thông Việt ngữ, các văn nghệ sĩ danh tiếng một thời của miền Nam, trong số đó có tờ Việt Báo là một tờ báo lớn nhất, lâu đời nhất của người Việt hải ngoại. Sáng lập tờ Việt Báo là nhà văn Nhã Ca và nhà thơ Trần Dạ Từ...
Có lúc nào anh ngộ ra rằng: Tại mình mua lấy những đa đoan?
“Tánh anh nóng nảy, nổi cộc lên thì coi hung lắm, phải đi chùa cho nó trầm tính lại”. Đã một thời, nhiều lần vợ tôi đã nhận xét và đề nghị như vậy...
Lâu lắm rồi chúng tôi – Nguyễn Hoàng Văn, Nguyễn Hưng Quốc, Lê Văn Tài và Võ Quốc Linh – mới có dịp hẹn nhau ở Sydney, tâm tình qua tô phở nóng và ly cà phê lạnh. Đang nhâm nhi cà phê, Võ Quốc Linh bảo phải chụp chung mấy tấm hình bởi, biết đâu được, đây có thể là lần cuối!
Có một dạo tôi thắc mắc mãi về dung mạo của Cúc Tiểu Muội, người đàn bà khiến Nguyễn Tuân, dù chỉ nghe kể qua thôi, cũng phải thốt lên: “Tôi hết sức bị kích thích. Chắc nàng phải đẹp quá. Đẹp hơn cả Mỹ Thuật”...
Tôi đã chuẩn bị mọi thứ để ngày mai chiên chả giò tham dự tiệc lễ Tạ Ơn với lớp ESL do cô giáo Linda tổ chức. Lớp học ESL gần 20 người, một nhóm người Lào thì hùn tiền nhau order món gà tây nướng lò bán trong chợ, còn lại kẻ thì mang giấy napkin, mang nước ngọt, trái cây, bánh kẹo...
Cách nay đã hai tuần lễ, hôm đó là cuối tháng mười dương lịch, 30 tháng 10, mùng 1 tháng 11, dịp lễ hội Halloween. Chúng tôi đi mua bánh biscuit gói nhỏ nhỏ, loại petit beure pocket, kẹo chocolat đủ loại đủ màu, tất cả làm thành từng gói để chờ tối ngày lễ Halloween làm một màn phát quà cho các em nhỏ gõ cửa các nhà làm ma xin quà. Chúng tôi đã sẵn sàng sửa soạn hai bọc khá lớn để góc nhà chờ đợi...
Một chữ ơn tưởng chừng đơn giản và nhỏ bé, ấy vậy mà cả đời không đáp được, có chăng cũng chỉ hời hợt chút chút gọi là. Chữ ơn hàm ý cao cả và thâm sâu, dù nói thế nào cũng không tả hết. Con người ở đời tương tác với nhau, ơn nghĩa với nhau là lẽ đương nhiên, tuy nhiên với những cái ơn hoàn toàn chỉ có thi ơn mà không hề mong báo đáp bao giờ, chẳng hạn như: Ơn Phật, ơn ông bà cha mẹ. Phật và ông bà cha mẹ có bao giờ đòi hỏi chúng ta phải báo đáp, phải nhớ ơn mình? nhớ hay không là tự thân mỗi người chúng ta, điều này cũng thể hiện được nhân cách, văn hóa và giáo dục mà chúng ta có...
"Nghề giáo không được cái gì cả, chỉ được hai điều, thứ nhất là tình thầy trò, thứ nhì là tình đồng nghiệp.” -- Nhà Giáo & Nhà Văn Doãn Quốc Sỹ.
Một buổi sáng đầu đông được ủ ấm bởi những vạt nắng vàng mơ màng như màu lụa Hà Đông. Tôi thầm biết ơn màu xanh mênh mông của những đám mây, màu vàng thắm của lá phong còn lưu luyến mùa thu, màu tím biếc của hoa dại, màu lam nhạt của con đường mến bước chân qua và màu giao cảm từ mỗi nụ cười chào nhau của những người bộ hành mà tôi được gặp. Tôi gọi không gian quen thuộc này là ngọn đồi cổ tích vì nơi đây cho tôi nguồn năng lượng bình an để bắt đầu mỗi ngày mới.
Chúng tôi cũng đã đến rặng Thiên Sơn, như chàng chinh phu của Lê Thương nhưng ở phía bên này của miền Trung Á, xứ Kyrgyzstan. Không vất vả cưỡi ngựa hay lội bộ hàng năm trời, nhưng phải chuyển ba chuyến bay và mất gần 30 giờ. Từ Seattle, một thành phố ven biển Thái Bình Dương, phía Bắc nước Mỹ, chúng tôi bay qua New York, theo ngả Thổ Nhĩ Kỳ, chờ ở Istanbul khá lâu để bay tiếp đến thủ đô Bishkek của xứ Kyrgyzstan...
Dưới đây là hai phân đoạn trong cuốn tiểu thuyết “Đường về thủy phủ” của nhà văn Trịnh Y Thư, với bối cảnh là cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất. Với phong cách viết phân mảnh thành từng khối của nhà văn, độc giả có thể đọc hai phân đoạn này như một truyện ngắn. Việt báo trân trọng giới thiệu.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.