Hôm nay,  

Tết Trung Thu rước đèn đi chơi...

26/09/202309:10:00(Xem: 2074)
Tùy bút

tet-trung-thu-2_1686592640
Bất chợt một đêm, vô tình mở một kênh YouTube, lắng nghe tiếng trống múa lân rộn ràng vang lên cùng giọng hát hồn nhiên trong trẻo, gợi nhớ một thời xa lơ, xa lắc: “Tết trung thu rước đèn đi chơi/ Em rước đèn đi khắp phố phường/ Lòng vui sướng với đèn trong tay/ Em múa ca trong ánh trăng rằm/ Đèn ông sao với đèn cá chép/ Đèn thiên nga với đèn bướm bướm/ Em rước đèn này đến cung trăng...” Lại nhìn ra ngoài cửa sổ, vầng trăng thượng tuần nhô cao, như một cái dấu “bấm móng tay” treo lơ lửng. Lại ngó vào tờ lịch bàn ngay chỗ làm việc. Ôi đã là tháng tám âm lịch rồi, nhưng chưa phải 14, 15...
    Lại suy nghĩ vẩn vơ, ở cái thành phố ngụ cư, cách xa quê nhà nửa vòng trái đất. Tết Trung Thu, trẻ em có cầm đèn, rồng rắn đi khắp nơi, vui chơi như trẻ em đất Việt? Chắc chắn là không! Mà ơ, cũng lạ... đã ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” rồi, sao mình vẫn còn quan tâm, suy nghĩ đến “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi...” Phải chăng là mình đã lẩm cẩm?
    Không lẩm cẩm mà trí nhớ lại buộc phải “truy nguyên” nguồn gốc bài hát, với tên tuổi tác giả, mà biết bao thế hệ, giờ đã trở thành ông bà nội, ngoại, hay người “thiên cổ” mà thuở nào tuổi nhỏ, cứ đợi đến rằm tháng tám âm lịch, tức Tết Trung Thu, lại cùng nhau, kết bè, kết nhóm, nghêu ngao hát bài “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi” mà có đứa khi đó còn ngỗ nghịch, láu cá sửa lời là “Tết Trung Thu... đốt nhà đi chơi”, để bị cha mẹ rầy rà cho một trận!
    Bài hát có tên là “Rước đèn tháng tám” của nhạc sĩ Đức Quỳnh, sáng tác năm 1950, tức là cách nay cũng đã tròm trèm 73 năm, là một trong những bài hát thiếu nhi về Trung Thu hay nhất vẫn luôn được hát cho đến ngày hôm nay. Thuở đó, nhạc sĩ Đức Quỳnh đã có riêng một nhà xuất bản tên là Vân Thanh, và ông cũng là một cộng tác viên về âm nhạc cho Đài phát thanh Pháp Á ở Sài Gòn. Khi sáng tác bài hát “Rước đèn tháng tám”, không hiểu sao ông lại lấy tên là Vân Thanh, vì vậy, sau này có người nhầm lẫn đó là tác phẩm của nhạc sĩ “Văn Thanh”, một nhạc sĩ hiện nay còn sống ở đường Trần Huy Liệu, Phú Nhuận.
    Nhạc sĩ Vân Thanh (hay Đức Quỳnh), tên thật là Nguyễn Đức Quỳnh, sinh năm 1922 tại Hà Nội, bắt đầu sáng tác nhạc từ năm 1947, với bài hát đầu tay là “Nhớ ai”. Ông mất năm 1994 tại Sài Gòn. Sáng tác âm nhạc của ông để lại không nhiều, khoảng chừng 20 ca khúc, tiêu biểu như: Rước Đèn Tháng 8, Thoi Tơ, Xuân Mới, Trả Lại Anh, Hát Đi Em, Ba Giờ Khuya, Nhớ Quê, Hỏi Em, Tiếng Chuông Chiều, Người Kỹ Nữ Với Cung Đàn… Ngoài ra ông còn làm chủ một phòng trà mang tên Đức Quỳnh tại góc đường Cao Thắng trước năm 1975.
    Trở lại ca khúc “Rước đèn tháng tám”, tuy là một bài hát quen thuộc, nổi tiếng nhất trong các ca khúc thiếu nhi về Trung Thu thời bấy giờ như bài “Thằng Cuội” của nhạc sĩ Lê Thương (sáng tác năm 1946), bài “Ông trăng xuống chơi” của nhạc sĩ Phạm Duy (sáng tác năm 1973), song lại ít người biết đến tác giả? Cái tên Vân Thanh hay Đức Quỳnh xem vẫn còn xa lạ trong lòng những người mê âm nhạc lúc đó. Có lẽ vì Đức Quỳnh sáng tác ít và có cuộc sống im lặng, trước những “đua chen” gay gắt của các trào lưu âm nhạc thời đó chăng, và báo chí cũng ít đề cập đến?

Nhạc sĩ Đức Quỳnh
Nhạc sĩ Đức Quỳnh.
    Còn nhớ, những năm xửa xưa, khi còn ở lứa tuổi nhi đồng và cả lứa tuổi thiếu niên, thanh niên, vẫn luôn nao nức rạo rực mỗi khi tháng tám về, cùng với nhịp trống lân, vang lên ở các con đường, góc phố, lũ học trò nhí chúng tôi đã được các thầy, cô thông báo chuẩn bị cho việc làm lồng đèn “dự thi” vào đêm rằm sắp tới. Đứa có tiền dành dụm, thì đập ống heo lấy tiền mua tre, trúc, giấy màu bóng kiếng làm lồng đèn. Đứa nhịn ăn, góp tiền chung, hùn để mua hay làm lồng đèn, tệ nhất cũng là cái lồng đèn xếp, hay lồng đèn ngôi sao, để có cái xách đi trong đêm rước đèn. Có đứa không đủ tiền mua giấy màu, lại ku-ky một mình, cũng ráng tìm giấy báo, hoặc xé giấy tập, dán cái lồng đèn... bánh ú để “vui với người ta”. Tiếp đó là tổ chức văn nghệ, hát ca, múa với hoạt cảnh rước đèn mà bài hát đồng ca chủ yếu là bài hát “Rước đèn tháng tám”, thường các bạn lớp lớn thì hát các bài như “Thằng Cuội” với những ca từ chân chất, nhưng cũng đầy mơ mộng như “Ánh trăng trắng ngà, có cây đa to, có thằng Cuội già, ôm một giấc mơ”, hay “bản lĩnh” hơn thì với bài hát theo kiểu đồng dao, vui nhộn, đầy những hình ảnh “cho, nhận” của Phạm Duy, như “Ông trăng xuống chơi học trò, thì học trò cho bút. Ông trăng xuống chơi ông Bụt, thì ông Bụt cho quà...” Song có lẽ, cái lung linh, giản dị đầy màu sắc của những ca từ “Đèn xanh lơ với đèn tím tím/ Đèn xanh xanh với đèn trắng trắng/ Trông ánh đèn rực rỡ muôn màu...” mới thực sự hấp dẫn đám con nít, lẫn choai choai, mới lớn, rồng rắn nhau rước đèn với đủ trò chơi tinh nghịch của tuổi thơ, vẫn luôn hằn sâu và nhớ mãi. Đó là chen lấn, chia quà, đến rách cả chiếc áo mẹ mới mua. Hay làm cháy cái lồng đèn con bướm, cưng như trứng mỏng, thậm chí làm khét cả mái tóc cô bạn nhỏ, làm rưng rưng những ngấn lệ trên đôi mắt đen, to tròn, dỗ dành mãi không thôi... thút thít...
    Rằm tháng tám, một thời, ai không nhớ những ngọn đèn, ngọn nến lung linh trong chiếc lồng đèn, con thỏ, ngôi sao và cả lung linh trong trái tim mình bên cạnh những người bạn thời niên thiếu? Và nhớ cả những câu hát “Tết Trung Thu rước đèn đi chơi” của nhạc sĩ tài hoa Đức Quỳnh của một thời niên thiếu.

Trần Hoàng Vy



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi ngồi trong vọng gác của đài quan sát trên đỉnh Torkham, đưa viễn vọng kính từ trái qua phải nhìn xuống vùng đồi núi thấp phía trước. Xa xa dưới chân những rặng núi trùng điệp là vùng thung lũng Jalalabad, con sông Kameh chảy ngang qua êm đềm. Mùa xuân trời còn hơi lạnh, nắng vàng trải đều trên cả vùng thung lũng. Thấp thoáng những mái nhà ẩn hiện hai bên bờ sông...
May muốn gặp anh em chú bác cô dì một lần. Cũng đã hơn bốn mươi lăm năm, hơn bốn mươi lăm năm anh em thất tán, kẻ xiêu lạc ngõ này, người xiêu lạc ngõ kia. Nghĩa là qua cuộc đổi đời...
Trăng thu, màu gợi nhớ dĩ vãng. Chỉ có một màu trăng mịn đẹp và huyền ảo óng ả là màu trăng ở quê nhà Việt Nam mà thôi. Dưới ánh sáng trăng thuần túy, nhà cửa, cây cối, sóng nước, vườn hoa, công viên, bãi cát… tất cả tạo vật như được bao phủ bởi một lớp lụa mỏng màu trứng sáo. Rồi trăng thanh đến thì có gió mát, hoa lá đong đưa và ngoài sân có tiếng trẻ nhỏ cười tíu tít ngồi nghe bà kể chuyện đời xưa...
Một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Bảo Trương. Khí hậu truyện ma mị, huyền ảo, với lời văn trầm tĩnh như lời kể chuyện thầm thì trong đêm tối thâm sâu, xoáy vào tâm tư khiến người đọc không khỏi dao động, bồi hồi. Việt Báo trân trọng giới thiệu...
Buổi sáng vừa ra cửa đi làm, chợt nghe thoáng lạnh, tôi vội quay vào khoác chiếc áo choàng loại nhẹ. Trời lại bắt đầu vào thu. Thoáng chốc, trôi nhanh “trăm năm là mấy, một ngày dài ghê”. Những chiếc lá khô vàng đã bắt đầu rụng rải rác phía sau nhà.Thời gian chợt như trêu ghẹo, đùa cợt với chúng ta. Nhiều lúc soi gương, tôi cứ tưởng mình đang nhìn một người khác...
Lê Điền là một công chức mẫn cán, vợ đẹp con ngoan, mẫu gia đình nhìn vào khối người mơ ước. Đùng một cái, người ta gọi gã là “kẻ bạc tình”. Nhưng nếu nói vậy thì cũng chưa công bằng với gã, bởi vì trước khi làm kẻ bạc tình gã cũng từng là kẻ say tình...
Ôi, cái xứ tư bản “giẫy chết” này cho tôi hết bất ngờ này đến ngạc nhiên khác...
Một truyện ngắn đặc sắc của nhà văn Bảo Thương. Lấy bối cảnh là những năm sau cuộc chiến, vết thương đau đớn của dân tộc lúc ấy nhức nhối, và sau nửa thế kỷ nó vẫn chưa lành... Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Hà Nội của tôi đẹp lắm, đẹp hơn hẳn lên vì Hà Nội có Thi. Thi và Hà Nội như quyện vào nhau. Tôi có Thi để tôi đưa nàng đi thăm viếng những danh lam thắng cảnh và kể cho nàng nghe về những cái hay cái đẹp của văn hóa thủ đô văn vật này cùng với những thăng trầm trong chiều dài lịch sử nghìn năm của Thăng Long-Hà Nội...
Cũng giống như nhiều thành phố khác của Canada và của các xứ lạnh trên thế giới, Edmonton của tôi đón mùa thu vàng xao xuyến lòng người mỗi độ “gió heo may lại về”...
Cái vòng tròn vô hình lại quay trọn môt vòng, mùa thu lại về với đất trời Bắc Mỹ. Dùng ngôn từ để ca ngợi vẻ đẹp của mùa thu thì có khác gì lấy thước thợ may đo trời đất. Dùng âm nhạc để tụng ca thì cũng chỉ là khích thích tâm tưởng cứ như dùng thuốc thế thôi...
Ông ta hất mẹ té xuống đất, phóng người ra khỏi nhà bằng ngả sau, nhìn trước nhìn sau rồi biến mất. Mẹ không sao thốt nổi nửa lời, hàng nước mắt long lanh, quẹt nhanh. Vội vàng run rẩy quơ hết đống bạc trên bàn cho vào một cái túi nhỏ giấu dưới đáy tủ, sợ lỡ có ai nhìn thấy thì lại mắc họa vào thân. Tôi ghì cái mền vào lòng, cắn chặt đôi môi cho khỏi bật khóc thành tiếng, hi hí mắt giả ngủ, nằm yên, thầm khẩn cầu Trời Phật cho ông ta biến mất khỏi cuộc đời khốn khổ của mẹ con tôi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.