Hôm nay,  

Về quê

7/22/202308:24:00(View: 3464)
Truyện

veque

 

Lời tác giả: Nội dung câu chuyện được ghi lại theo ký ức của một người xa quê lâu năm nhớ về “những năm tháng ấy” tại quê nhà vào giai đoạn đầu thập niên 1950, trước hiệp định Geneve 1954, ở miền Bắc nước ta.

 

***

 

Từ mấy hôm nay Thi nôn nóng chờ đợi ngày về quê thăm nhà. Nàng cứ loay hoay tính toán mãi không biết phải mua quà gì về cho mấy đứa em. Con gái đi học xa nhà, thật sung sướng và hạnh phúc biết bao mỗi khi có dịp nghỉ lễ dài để trở về sống với gia đình thân yêu. Sự sung sướng ấy hiện rõ trên nét mặt của Thi cả tuần lễ nay. Nàng nói huyên thuyên đủ chuyện với tôi về cái ngày về quê ấy. Tôi cũng thế. Chúng tôi không thể che dấu được nỗi vui mừng khi biết ngày nghỉ đó mỗi ngày một đến gần hơn.
    Chuyện gì phải đến đã đến. Hôm nay chúng tôi chuẩn bị lên đường về quê.
    Chúng tôi cùng ở một làng, chỉ cách nhau có một cái ngõ. Tôi biết Thi từ khi nàng còn nhỏ. Thi hay sang nhà tôi chơi và trèo hái những quả bưởi nho nhỏ để chơi “đánh chuyền” với những cô bạn cùng lứa tuổi. Khi Thi lên Hà Nội học, nàng học năm đầu Trung học. Thời gian đầu, nàng ở chung nhà với gia đình ông bà chủ nhà trọ. Sau một thời gian, Thi được dọn sang ở chung khu nhà trọ với tôi, và từ đó chúng tôi đã trở nên thân và có dịp gần gũi bên nhau.
    Chúng tôi đã tới bến xe khách Hà Nội–Sơn Tây. Dù mới sáng sớm, hoạt cảnh ở đây đã tấp nập, náo nhiệt và tất bật làm sao. Kẻ gồng người gánh, kẻ vác người khuân, kẻ vội vàng xuống xe người hấp tấp phóng lên. Tiếng rao quà vang cả một khu, lẫn tiếng gọi nhau ơi ới.
Tôi và Thi còn đang ngẩn ngơ với cả chục chiếc xe khách, chưa định được rõ chiếc nào mình sẽ đi. Thi, trong chiếc áo dài mầu trắng ngắn cũn cỡn vì nàng lớn quá nhanh. Chiếc áo cứ như mỗi ngày môt co ngắn lại. Thi đang ngơ ngác nhìn theo những chị bán hàng rong, nào bưởi, nào ổi, nào me, nào sấu. Chắc là Thi thèm lắm, nhưng cũng có thể nàng chỉ tò mò với những hoạt cảnh ở bến xe.
    – Thi ơi! Lại đây! Mau lên! Tôi phải réo lên thật to cho nàng nghe thấy.
    Thi tất tả chạy về phía tôi. Tôi đẩy vội nàng lên xe trước khi đám đông ùa tới chen lấn leo lên. Tôi chọn cho Thi một chỗ tốt không có ánh nắng xuyên vào khi xe chạy. Tôi ngồi cạnh Thi. Thi nhỏ nhắn, nép mình vào cửa sổ xe nhìn ra ngoài, mắt vẫn không rời khỏi mấy múi mít trên cái mẹt nhỏ được đội trên đầu người bán hàng rong đi gần đó.
    – Em muốn mua gì không?
    – Không ạ!
    Nàng trả lời nhẹ, nhưng mắt vẫn nhìn ra xa, không ngoảnh lại tôi. Tôi móc trong cặp ra cái “bánh tây” (bánh mì) nhỏ bằng nắm tay còn hơi ấm đưa cho Thi. Thi lơ đãng cầm lấy không ăn. Lạ thật, cái cô bé lúc nào cũng nhí nha nhí nhảnh thế mà sao hôm nay lại giở chứng im lặng, trầm ngâm như người mơ mộng vậy. Ấy, con gái ở cái tuổi đang lớn nó cứ biến đổi như thế đấy. Tôi giữ vẻ người anh, không chú tâm đến nàng nữa.
    Khách lên xe đã đầy. Xe bắt đầu chuyển bánh. Bác tài bấm còi xe inh ỏi. Chú “lơ xe” đập tay đùng đùng vào thành xe để mọi người dưới bến tránh ra. Bây giờ Thi mới ngoảnh lại nhìn tôi mỉm cười. Hai anh em đang chia xẻ một niềm vui chung: sắp được về nhà.
    Xe chạy được ít lâu thì ra khỏi thành phố. Cảnh vật ngoại ô đã bớt đi phần tấp nập. Thỉnh thoảng những chiếc xe khách hay xe hàng đi ngược chiều, gió tạt mạnh làm chiếc xe chúng tôi đi như muốn tạt sang bờ ruộng. Mỗi lần như thế, gió hất mái tóc Thi lên, bay lòa xòa xuống mặt. Nàng khẽ nhẹ vén tóc sang bên má.
    Tôi và Thi cùng chung sống với nhau ở Hà Nội trong khu nhà trọ riêng biệt và yên tĩnh. Thi ở căn phòng biệt lập, xinh sắn có thể đủ cho hai người sống thoải mái với những tiện nghi tối thiểu dành cho một cặp vợ chồng son. Phòng nàng tọa lạc ở gần góc sân. Bên cạnh phòng nàng là dàn hoa thơ mộng ở cuối sân luôn tỏa mát. Và dưới dàn hoa, với chiếc bàn tròn nho nhỏ, vài ba chiếc “ghế đẩu” con con, tiện cho việc ngồi chơi nói chuyện hay ngắm trăng. Tôi ở trên căn gác với cầu thang gỗ ngoài trời, cũng riêng biệt và cách phòng nàng một cái sân gạch chung. Từ phòng tôi có thể nhìn xuyên thẳng xuống cửa sổ phòng nàng nếu không bị cây hoa ngọc lan mọc giữa sân che lấp một phần. Âu, chúng tôi được ở khu riêng biệt và yên tĩnh này thay vì khu tập thể vì tôi đã ở trọ lâu hơn người khác và riêng Thi, hai gia đình nàng và ông bà chủ nhà trọ là chỗ bạn thâm giao. Khi Thi mới lên Hà Nội học, nàng đã có thời gian ở chung nhà với gia đình ông bà chủ nhà trọ trước khi dọn về đây để có cuộc sống tự lập hơn.
    Tôi coi Thi như một người em gái. Thi sống bên tôi với lòng tin cậy ở sự che chở của một người anh. Những hôm ít bài vở, tôi đưa Thi đi chơi tung tăng dọc theo bờ hồ Hoàn Kiếm hay Hồ Tây vào những buổi chiều. Anh em chia nhau một ly “kem cốc” hay túi lạc rang húng lìu của chú “khách” (để gọi tắt người “khách trú”, ám chỉ người Tầu) bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Chú “khách” này, hầu như những ai có thói quen đi dạo chơi quanh bờ hồ vào những buổi chiều hay chợp tối đều biết. Lạc rang của chú rất ngon, vừa bùi lại vừa thơm. Có cái lạ là chú đong lạc rất chính xác vào gói nhỏ hình cái phễu dài cuốn bằng giấy báo nhật trình. Mỗi lần chú xúc là vừa đủ 15 hột, không bao giờ dư hoặc thiếu hột nào. Tôi đã đếm thử nhiều lần nên lấy làm lạ. Có những ngày chúng tôi thuê xe đạp đi thăm thắng cảnh Hà Nội hay ra ngoại ô thành phố hay về vùng đồng quê để hưởng những ngọn gió mát trong lành. Những lần như thế nàng thường chạy tung tăng đây đó đầy hồn nhiên với cái tuổi của nàng.
    Tôi đưa Thi đi thăm những đền đài, văn miếu, cùng những di tích lich sử văn hóa lâu đời của Hà Nội. Tôi giải thích từng chi tiết của những thắng cảnh ấy và coi nó như những dấu tích của một dân tộc có truyền thống yêu nước và trọng đạo nghĩa. Tôi cho Thi biết Hà Nội, nơi chúng tôi đang ở, không phải chỉ là một thành phố bình thường, nó không những từng là kinh đô của bao thời đại mà còn là một “viện bảo tàng” lịch sử lẫn văn hóa to lớn của dân tộc ta. Mỗi bước chân ta đi trên đường phố là ta bước lên những bước chân oai hùng của tiền nhân. Muốn biết về Hà Nội không thể chỉ là một vài ngày, chỉ một vài tháng hay chỉ một vài năm, mà phải là một phần đời của chúng ta mới có thể tìm hiểu hết được phần nào cái hay cái đẹp của thành phố này. Biết bao nhiêu người đã từng sống và lớn lên tại Hà Nội mà lại không biết gì mấy về Hà Nội, thật vô tâm quá. Thi say sưa nghe những điều tôi nói và tôi biết nàng cố nhớ hết những gì tôi giảng giải cho nàng. Những cuộc đi chơi như thế càng làm cho chúng tôi thân nhau hơn và yêu mến nhau hơn.
    Nhưng cuộc đời nó không chỉ đơn giản thế. Những ngày gần đây, tôi bỗng thấy Thi lớn, nàng không còn là cô bé con nữa. Những cử chỉ quá thân mật tự nhiên của nàng làm tôi xao xuyến, như khi nàng kéo tay tôi lôi đi cho nhanh hơn, tôi thấy như có cái gì ấm áp, dịu dàng trong đôi bàn tay ấy. Tôi thấy thật khó chịu với chính tôi mỗi khi tôi nhìn trộm Thi. Tôi cứ phải tự hỏi mình, tại sao tôi lại phải ngập ngừng khi tôi đến phòng nàng, dù chỉ là để giúp nàng giải bài toán khó. Tôi biết, tôi đang có cái gì thay đổi trong tôi. Tôi giữ kín những u uẩn ấy trong lòng đến đôi khi làm tôi trở nên lúng túng với Thi.
    Chiếc xe khách vẫn phóng nhanh trên đường liên tỉnh. Làng mạc, đồng lúa, quán hàng và những hàng cây ở ven đường cứ như đua nhau chạy ngược lại về phía sau. Có lúc xe chạy chậm hẳn lại để tránh những ổ gà. Cũng có khi xe bị tung lên, vẹo đi vì lọt vào những ổ gà lớn. Ngồi bên cạnh tôi, Thi chậm rãi “gậm nhấm” gần hết ổ bánh tây tôi đưa cho nàng lúc nẫy, trong khi mắt Thi vẫn không rời khỏi cánh đồng lúa đã lên đòng đòng. Thỉnh thoảng Thi lại ngoái đầu ra sau để theo dõi một cảnh vật mà nàng chưa kịp xem kỹ. Mỗi khi chiếc xe ngừng để đón khách dọc đường, nàng lại nhìn tôi mỉm cười. Tiếng nói chuyện của những bạn hàng, của những người nông dân cứ rù rì, thì thầm nhỏ to như những lời cầu nguyện. Có những tiếng cười đùa chợt vút lên cao ở phía cuối xe làm mọi người phải ngoái cổ lại nhìn. Có người đã ngủ. Lác đác vài người khách đã xuống xe. Người "lơ xe" ì ạch khuân những giỏ hàng chất trên nóc xe xuống.
    Con đường về làng chẳng còn bao xa nữa. Tóc Thi vẫn bay bay, xòa vào mặt nàng, bay sang cả vai tôi. Thi vẫn im lặng ngồi ngắm nhìn cảnh vật đồng quê một cách say sưa. Hôm nay tôi thấy Thi rạng rỡ quá và trong sáng quá, lại có chút gì nghiêm trang xa vắng của một thiếu nữ trưởng thành. Chắc chẳng bao giờ Thi thấy được cái u uẩn trong những ý nghĩ của tôi. Nhưng biết đâu nàng cũng đang dấu những u uẩn trong lòng nàng về tôi như thế. Ý nghĩ ấy làm tôi khoan khoái, nhẹ nhõm lẫn vui vui. Tôi mỉm cười với ý nghĩ ấy.
    Xe đã tới thị xã Sơn Tây, xe chạy chậm hẳn lại khi đi ngang qua chợ Nghệ đang buôn bán tấp nập hay qua những khu phố đông người. Xe chạy vòng theo con hào rộng lớn được đào sâu vây quanh thành cổ, qua ngang Tòa tỉnh trưởng, tiếp tục chạy từ từ qua phố Ngô Quyền, rồi theo hướng Trung Hà và để rồi xe ra khỏi thị xã. Làng tôi cách thị xã Sơn Tây khoảng 10 cây số, thuộc huyện Quảng Oai.
    – Bác tài ơi! Cho chúng tôi xuống!
    Tôi nói vọng lên về phía bác tài xế. Người "lơ xe" đập mạnh tay vào thành xe mấy cái báo cho bác tài biết là có người muốn xuống. Chiếc xe từ từ đỗ lại bên lề đường. Tôi xuống trước rồi đứng ở cửa xe đợi cho Thi xuống sau. Hai anh em vươn vai mấy cái thật mạnh và hít thở thật sâu để đuổi đi cái gò bó trong suốt con đường dài 40 cây số.
    Hôm nay trời nắng nhẹ. Bầu trời xanh trong suốt, điểm vài cụm mây trắng bay lờ lững tít trên cao. Con lạch đào rộng khoảng ba thước, uốn khúc, chạy vòng vèo trong cánh đồng lúa, phản chiếu ánh sáng lóng lánh trông như con trăn bạc trườn mình. Vài con trâu đang chăm chỉ gặm cỏ trong bãi cỏ xanh. Có con ngửng lên ngơ ngác nhìn trời, lắc nhẹ cái đầu để đuổi đàn ruồi đang bám vào nó rồi lại lặng lẽ cúi xuống tiếp tục ăn. Gió đồng nội thổi vừa mát vừa thơm, thơm mùi lúa, mùi cỏ, lẫn trong những mùi thân quen của đồng quê.
    Từ đây về làng, chúng tôi phải đi thêm một quãng đường khoảng chừng cây số. Cổng làng xây gạch, màu vôi vàng sậm pha lẫn mầu rêu như đã hiện ra ở phía xa xa. Trong nắng mát, Thi đi nhanh như có ai đuổi đằng sau. Nàng đi sát bờ đường, thỉnh thoảng thò tay vuốt dọc theo bông lúa đòng đòng đã chớm đổi thành mầu vàng nhạt. Nàng không ngắt mà chỉ để cho những bông lúa chạy trong lòng bàn tay, rồi buông rơi xuống thân lúa đong đưa. Cánh đồng ruộng lúa có nơi đã vàng ửng trải dài ra như thảm. Những cơn gió làm cánh đồng lúa gợn sóng, từng gợn từng gợn xô nhau đùa chạy về tận cuối chân trời. Thi tung tăng hết chỗ này tới chỗ kia. Một con nhái nhẩy tõm xuống vũng nước ruộng, hay con chim bất chợt vỗ cánh bay vụt lên từ ruộng lúa làm Thi thảng thốt giật mình. Mỗi khi như thế nàng lại ôm tay truớc ngực nhìn về phía tôi cười như nắc nẻ. Tiếng cười của nàng trong suốt vang lên trong cái yên tĩnh của cánh đồng.
    Tôi thấy Thi ngồi sụp xuống bên đường, loay hoay cái gì không biết. Hình như nàng vừa bắt được con cào cào. Nàng nắm nó trong lòng bàn tay rồi mở ra, con cào cào vội bay vù. Mỗi khi gặp cơn gió lớn, hai tà áo dài của nàng bay phần phật như múa. Vài đứa trẻ chăn trâu đứng nhìn chúng tôi một cách tò mò. Đi bên cạnh tôi, dưới nắng, mặt nàng hây hây đỏ trong nắng như phảng phất hình bóng của một đóa hoa hồng mới nở trong ánh sáng mai. Nàng như con chim khuyên nhỏ chuyền cành, líu lo ríu rít.
    Chúng tôi vui chân, chẳng mấy chốc đã tới đầu làng. Chiếc cổng làng sừng sững trước mặt. Cây đa già tủa rễ chằng chịt, bóng rợp tỏa che cả một khoảng đất rộng. Dân làng khi đi ngang qua đây, thường dừng chân trú nắng dưới bóng đa trong chốc lát vào những buổi trưa hè. Cổng làng cũng như cái đình làng, là những hình ảnh biểu tượng của làng quê miền Bắc. Ai đi xa lâu ngày, về đến cổng làng cũng thấy quyến luyến, nhớ lại những ngày tháng còn sống trong lũy tre xanh. Cổng làng không những là nơi chứng kiến những sinh hoạt hàng ngày mà còn là một phần linh hồn thiêng liêng trong những ngày lễ hội cũng như giống ở đình làng.
    Tôi và Thi tạm ngồi nghỉ chân trên nhánh rễ lớn của cây đa mọc bò trên mặt đất. Nàng ngồi cạnh tôi, nhặt chiếc lá đa khô phe phẩy làm quạt. Trên mặt Thi lấm tấm vài hạt mồ hôi nhỏ ẩn dưới mấy sợi tóc mây. Tôi ngồi nhìn ngắm chiếc cổng làng thân yêu và liên tưởng tới biết bao nhiêu kỷ niệm của thời thơ ấu, thuở còn học ở trường làng. Ngồi trước cảnh xưa, lòng không khỏi bâng khuâng.
. . .
Ngày nay dù ở nơi xa,
Nhưng khi về đến cây đa đầu làng,
Thì bao nhiêu cảnh mơ màng
Hiện ra khi thoáng cổng làng trong tre.
(Bàng Bá Lân)

Tôi lâng lâng như đắm chìm, ngây ngất về những kỉ niệm xưa ở nơi này. Mọi thứ như hiện rõ ra trước mắt tôi. Thi ngồi bó gối mơ màng. Bỗng Thi giật giọng hỏi tôi:
    – Anh có nhớ trường không?
    Nàng vừa hỏi vừa chỉ về phía ngôi trường ẩn hiện xa xa, lấp ló sau rặng tre bao quanh. Nó đứng riêng biệt như một ốc đảo giữa biển sóng vàng bao la của lúa. Làm sao tôi quên được nơi ấy. Tôi quên làm sao được những bóng dáng của thầy cô, bạn bè. Tôi làm sao quên được những bài học đầu tiên. Và như hiển hiện trước mắt tôi với những lớp học đang vang lên tiếng ê a đâu đó lẫn với tiếng gõ thước kêu chan chát lên bảng đen. Nào những buổi sáng mai, tiếng trống trường dục dã trộn lẫn với tiếng nô đùa, chạy nhảy. Nào những đám học trò nhỏ chạy túa ra lúc tan trường. Nào những hình ảnh thập thò sau váy mẹ, lo sợ, rụt rè của những em lần đầu tiên đi học trong buổi khai trường.
    Tôi quên làm sao được bài văn "Tôi Đi Học" của nhà văn Thanh Tịnh:
    "Hằng năm cứ vào cuối thu, lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỷ niệm hoang mang của buổi tựu trường.
Tôi không thể nào quên được những cảm giác trong sáng ấy nẩy nở trong lòng tôi như mấy cành hoa tươi mỉm cười giữa bầu trời quang đãng. Những ý tưởng ấy tôi chưa lần nào ghi trên giấy, vì hồi ấy tôi chưa biết ghi và ngày nay tôi không nhớ hết. Nhưng mỗi lần thấy mấy em nhỏ rụt rè dưới nón mẹ lần đầu tiên đến truờng, lòng tôi lại tưng bừng rộn rã.
    Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học."
    Nhớ lại đoạn văn của nhà văn Thanh Tịnh, tôi như thấy có tôi trong ấy. Với tôi, bài văn này còn hay hơn bài "La rentrée" của nhà văn Pháp Anatole France mà tôi phải học thuộc lòng khi nhỏ. Trường học luôn luôn là những hình ảnh quyến rũ và thân thương được ví như những giọt sữa ngọt ngào đầu đời chảy từ vú mẹ. Hình bóng của ngày khai trường không những ăn sâu vào tâm khảm của những cô cậu học trò, mà nó cũng còn khắc sâu vào những vần thơ mà mỗi khi đọc lên, ta không khỏi xúc động dù ở bất cứ tuổi nào.

Hôm nay là buổi khai trường
Học trò tấp nập lên đường xôn xao
Chúng tôi vui sướng khác nào
Bầy chim thấy tổ xiết bao vui mừng.
(Trần Trung Phương, trích trong tập thơ Những Vần Tươi Sáng)

Cũng như tôi, chắc Thi như đang nhìn thấy rõ hình ảnh của mình trong buổi tựu trường hay trong những giờ tan học. Nàng nhặt hòn sỏi ném nhẹ ra xa, rồi ngồi lẳng lặng nhặt những bông cỏ may bám vào ống quần.
    Chúng tôi cũng chẳng vội vàng về. Đây đã là cổng làng rồi. Đường về nhà không còn mấy bước. Trong cái yên tĩnh, gió man mát thổi hây hây, tôi định dựa mình nhắm mắt lim rim đưa hồn mình vào những kỷ niệm xa hơn thì Thi vụt đứng dậy chạy tới khóm tre trước mặt tìm ngắt những lá tre xanh thật to đem về chỗ tôi ngồi nhờ tôi kết hộ cho nàng những hình “củ ấu”. Nàng khua chân, múa tay nói huyên thuyên về những kỷ niêm nơi trường học trong khi tôi yên lặng tạo những hình bằng nắm lá tre nàng vừa đem tới.
    Thi không còn ngồi mơ mộng như vài phút trước đây. Nàng cười nói hồn nhiên, say sưa nhắc về cô bạn này rồi đến cô bạn khác với những kỷ niệm của thời nàng còn học ở trường làng. Có những chuyện nàng kể làm hai anh em cười chảy cả nước mắt. Trong lúc mải vui với câu chuyện, tôi giơ tay cốc dứ đầu Thi, nàng né tránh, chạy ra xa. Tôi nhặt hòn đất nhỏ ném theo. Nàng nhặt viên đất ấy định ném lại tôi, nghĩ thế nào lại ném xuống đất, lấy vạt áo dài lau nước mắt. Tiếng nàng cười vang đi xa làm mấy con chim đang đậu trên cây sung bên bờ ao gần đấy vụt bay đi. Tôi thủng thẳng đứng dậy, đưa cho Thi mấy “củ ấu” kết bằng lá tre tôi vừa làm xong.
    – Ta về nhà đi thôi!
    Nàng ngoan ngoãn đi bên tôi. Ngang qua cổng làng, chúng tôi lững thững đi trên con đường làng lát gạch. Làng tôi không giầu mà cũng không nghèo, thuộc bậc trung trung. Chúng tôi đi dưới bóng mát của những rặng tre trồng dọc theo đường gạch. Trong ao nhỏ bên đường, dăm ba con vịt đang bơi thảnh thơi, thỉnh thoảng vẫy đuôi kêu "cạc cạc" mấy tiếng rời rạc như để gọi nhau. Vài tiếng "à ơi . . ." ru con buồn bã đưa vọng lại từ xa. Con trâu nằm lười biếng dưới khóm tre trệu trạo nhai lại miếng rơm nó đã ăn trước đó. Thỉnh thoảng nó vẫy mạnh đuôi để đuổi đám ruồi bám trên lưng. Mùi phân trâu đối với tôi là mùi quen thuộc, mùi của hương đồng cỏ nội. Con chó đứng lang thang ngoài ngõ, trông thấy chúng tôi, vẫy đuôi lại gần. Thi hơi sợ, vội kéo vạt áo dài che phía trước. Tôi khẽ nhếch mép mỉm cười. Chắc cái mỉm cười ấy phải chứa đựng điều gì hóm hỉnh.
    Chúng tôi rẽ sang tay phải khi tới một cái ngõ thứ hai. Từ đây, đường không còn lát gạch nữa, con đường đất gồ ghề trộn lẫn mầu đỏ đá ong. Con đường đất này cũng mang cho chúng tôi biết bao kỷ niệm của những ngày tháng cắp sách đến trường làng vào những ngày mưa gió. Ngoài Bắc, có những trận mưa phùn kéo dài tới mấy ngày, có khi cả tuần hay nửa tháng. Mưa thối đất. Mưa cứ rỉ rả rơi, nhẩn nha không vội vã và không gian luôn trở nên mờ đục. Mọi thứ như ẩn hiện dưới làn mưa mỏng. Mưa như thế thì buồn lắm, chỉ vui cho những kẻ yêu nhau và được ở bên nhau.
    Những con đường làng ấy không chỉ mang cái hình ảnh buồn bã của mưa phùn mùa đông. Chúng cũng rực sáng lên sau những cơn mưa rào của mùa hè. Những trận mưa rào như xối nước xuống quét sạch những rác rưởi trên đường. Những cây cau, khóm tre, cây mít… như được tắm rửa, đổi lá, thay màu. Chim trên cành cất tiếng hót vang.
    Chẳng còn mấy bước chúng tôi phải chia tay nhau. Đến trước cổng nhà, nàng cười với tôi nói nhẹ:  
    – Em về!
    Giơ tay chào tôi rồi nàng tự dùng thân mình đẩy nhẹ cánh cổng gỗ, lách người vào. Trước khi khép cánh cổng lại, nàng khẽ đưa tay ra vẫy chào tôi lần nữa rồi khuất sau cánh cổng ấy. Tôi lững thững tiếp tục đi, lòng thấy bâng khuâng, rộn rã niềm vui. Tôi với tay ngắt bông hoa “dâm bụt” mầu đỏ tươi bên hàng rào, tung cao lên trời. Tiện chân, tôi đá cục gạch nhỏ bắn đi xa rồi rảo bước về nhà không xa mấy.


Yêu em anh hóa yêu đời

Theo em chấp cánh tung trời bay cao.

 

– Nguyễn Giụ Hùng

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Khoảng gần ba giờ chiều tôi rời khách sạn Ninh Kiều, cuối đường Hai Bà Trưng, nhìn ra sông Cần Thơ. Trời hanh nóng và đứng gió. Giấc ngủ trưa dài sau bữa ăn nhẹ, khiến tôi tỉnh táo và phấn chấn hẳn lên. Hãy còn sớm, hai giờ nữa tôi mới có hẹn với gia đình người bạn thân ở nhà hàng Hoa Sứ. Thời gian đủ để tôi dạo chơi và ghé chợ Cần Thơ tìm mua một vài thứ đồ lưu niệm… Vài cơn gió nhẹ mang theo hơi nước từ dòng sông thổi dọc theo công viên thật dễ chịu. Bến Ninh Kiều ngày nay thật khang trang và đẹp. Đi dọc mé sông, từ đây tôi có thể nhìn thấy chiếc cầu treo Cần Thơ sừng sững, hiện đại. Phía trước khách sạn là nhà hàng nổi và không xa là chiếc du thuyền nhà hàng lộng lẫy về đêm. Du khách vừa ăn tối vừa dạo cảnh quanh sông và có cảchương trình văn nghệ thật đặc sắc của miền Tây sông nước
Nàng tỉ tê với nhỏ bạn về những cuộc “thảo luận” sôi nổi của vợ chồng nàng. Bằng mọi giá, nàng muốn giữ cho đứa con có tuổi thơ tươi đẹp, hạnh phúc. Bao năm qua, đã có lúc nàng buồn rầu nghĩ, mình như con gà đẻ trứng vàng. Chỉ được việc, nhờ biết đẻ trứng vàng. Nàng không dám đề cập đến chuyện tiền bạc, sợ làm chồng buồn, cho rằng nàng cậy sức mạnh kim tiền lấn áp chồng. Nàng rất may mắn trong cuộc sống ngoài xã hội. Chưa ra trường, nàng đã nhận được hợp đồng làm việc với một trong những hãng hàng đầu của nước Đức. Ngược lại, chồng nàng quá lận đận. Cả năm trời, anh chạy đôn, chạy đáo tìm việc, mà vẫn phải nằm nhà. Nàng tự nhủ, tài lộc trời ban, gia đình sống thoải mái, chứ tính toán chi mà mất hòa khí vợ chồng. Tháng tháng, nàng thanh toán nợ to, nợ nhỏ, hàng hàng lớp lớp chi phí tất yếu của xã hội văn minh.
Xíu tiếp tục cuộc hành trình bất tận của mình, đừng tưởng Xíu chơi hoang hay đi rông, phiêu bạt giang hồ vô tích sự. Chính sự lang bạt kỳ hồ của Xíu và anh em nhà Xíu đã đem lại mưa thuận gió hòa, đem lại nguồn sống cho loài người và vạn vật muôn loài. Lần này Xíu quay về lại góc Đông Nam Á châu, nơi có dòng sông thiêng liêng chảy qua.
Tôi không phải là thi sĩ, nhưng chắc cũng giống như những thi nhân của đất Việt, thường gửi gấm tâm tình u uất vào những vần thơ của mình. Những bài thơ viết xong, tôi cặm cụi chép vào nhật ký, xen vào những lời than thân trách phận, hờn mây khóc gió. Cuốn nhật ký, tôi cất kỹ trong ngăn kéo ở cái table de nuit cũ kỹ bên cạnh chiếc giường nhỏ trong phòng ngủ. Cũng may là má chưa lục ra đọc lần nào...
Cuối cùng, vợ tôi cũng đồng ý một cách vui vẻ cho tôi lấy vợ bé. Một hành động vượt ra ngoài quan niệm ái tình nghiêm túc của bà. Vợ bé tên Hà, do vợ lớn đặt. Tên khai sinh của Hà là Đỗ thị 451. Vợ lớn nói, số này hên, cộng lại là 10. Hà lai Ái Nhỉ Lan. Ở lứa tuổi gần ba mươi, chưa lấy chồng, không có con, một thân hình phước đức cho bất kỳ người đàn ông nào, sáu mươi bảy tuổi, như tôi.
Kế hoạch của anh ấy thật là hợp lý: anh ấy sẽ giấu tôi phía sau cốp xe Austin-Healey, một chiếc xe dạng rất thấp mà anh vừa mới mua bên Áo và đã tháo kính che gió ra. Chúng tôi chỉ cần đi qua bên dưới rào chắn, trong khi mấy tên cảnh sát nhân dân Vopo*2/ thì bận lo kiểm tra giấy tờ như thường lệ. Rolf đã tính toán nhiều lần, tính đi tính lại, anh lại còn xì bớt hơi các bánh xe: như thế cái xe sẽ không vượt quá 90 cms bề cao. Anh chỉ cần cúi đầu xuống, nhấn mạnh vào cần tăng tốc, thế là chúng tôi sẽ qua bên kia địa phận đất Mỹ! Một "bờ thành" nhỏ làm bằng gạch sẽ bảo vệ tôi khỏi những lằn đạn có thể xảy ra. Và rồi sau đó là tự do...
(Viết cho bằng hữu tháng tư 1954. Chúng tôi 300 thanh niên trình diện trại Ngọc Hà động viên vào Đà Lạt cùng hát bài ca Hà Nội ơi, năm 20 tuổi chưa từng biết yêu. Sau 21 năm chinh chiến, tháng tư 75 khóa Cương Quyết hát tiếp. Bao nhiêu mộng đẹp, tan ra thành khói, bay theo mây chiều. Ngày nay, tháng 7-2024 vào nursing home thăm bạn cùng khóa. Ba anh bạn đại tá lữ đoàn trưởng mũ xanh mũ đỏ cùng đại đội võ bị ra đánh trận Quảng Trị chỉ còn Ngô Văn Định. Ghé lại bên tai nghe Định hỏi nhỏ. /Bên ngoài còn mấy thằng,/ Còn liên lạc được 4 thằng. Ngoài 90 cả rồi.Tôi báo cáo./ Thằng Luyện mới đến thăm./ Định nói./ Luyện nhảy Bắc 21 năm biệt giam mà còn sống. Hay thật./ Tôi nói./ Bạn yên tâm. Ngoài này còn thằng nào chơi thằng đó./ OK bạn còn sống lo cho anh em.)
Năm Giáp Ngọ 1954 có thể gọi là năm đại diện cho tuổi thơ tôi. Chỉ trong một năm 1954 đã có quá nhiều biến cố xảy ra dồn dập trước mắt chú bé mười hai tuổi mà suốt trong đời chưa có thời điểm nào đặc biệt như vậy...
Dẫn nhập: chuyện này được viết khi sắp tròn nửa thế kỷ Sài gòn bị mất tên. Qua một phần đời của một vị Thầy dạy Toán, gắn liền với nhiều thăng trầm của lịch sử từ Việt Nam đến Mỹ, cùng nhìn lại những vết chân xưa với hy vọng các thế hệ kế tiếp học hỏi được nhiều điều để đưa được đất nước trở về vị trí "minh châu trời Đông"
Cây Phượng Vĩ Hoa Vàng có tên khoa học là Delonix regia var plavida thuộc họ Fabaceae có nguồn gốc từ Myanmar được sư trụ trì chùa Huyền Không Sơn Thượng mang về Việt Nam, đầu tiên được trồng ở Huế một số cây dọc theo con đường ở phố Ngô Quyền, ngã ba Phan Bội Châu, Lê Lợi... đã thu hút nhiều du khách đến ngắm cảnh và chụp hình. Hoa phượng vĩ vàng có tuổi đời lên đến 5, 6 chục năm, cây nhỏ hơn hoa phượng đỏ, ít lá và hoa có màu vàng tươi bắt mắt, thường nở từ tháng giêng, tháng hai và nở rộ và khoảng cuối tháng ba, đầu tháng tư, nên còn gọi là loài hoa “ chào mùa hè”. Hoa nở rụng tạo thành một “thảm hoa vàng” trên đường đi, gây nhiều ấn tượng cho những ai đi dạo trên những con đường này. Năm 2005, Công ty công viên cây xanh Sài Gòn mang về trồng một số nơi ở Sài Gòn nhưng chưa được nhiều.
Mùa hè quê tôi không có hoa phượng rơi, mà bắt đầu một mùa nước nổi. Nước lên cao, mênh mông ngập khắp cánh đồng và cả khoảng sân nhà mẹ. Những cơn gió trở mùa mát dịu dàng bao đêm dài mộng tưởng. Ngày sẽ lên, đời ập tới cho dù chúng ta có chờ đợi hay lãng quên. Mẹ tôi báo tin, “Tháng tới là đám cưới con Lệ. Cũng mừng cho con nhỏ, gia đình chồng giàu có. Chỉ tội là nó phải theo chồng đi xa”. Tôi nghe tin, thấy lòng trống trải vô cùng. Một khoảng trống mênh mông, cứ tràn ngập mỗi ngày một lớn. Tôi biết mình đã yêu chị thiết tha...
Trước giờ thi, một cô học trò láu táu, “Thầy bao nhiêu tuổi hả thày?” Câu hỏi từ cặp môi đỏ chót và cái nháy mắt từ cặp lông mi lướt thướt làm cả lớp cười ồ. Hồi ấy tôi vừa mới ba mươi, và tôi là ông thầy giáo bị hỏi câu ấy ngay trong lớp học, cái lớp học có quá nửa số học sinh là nữ, và tôi bị hỏi khi đang giúp học trò ôn bài thi cuối khóa. Quá bất ngờ, ông thầy sựng lại một giây, rồi thong thả trả lời, “Cái này đâu có trong đề thi.” “Em hỏi là tại vì hồi đêm em nằm chiêm bao thấy thày,” cặp môi cong chậm rãi giải thích. Cả lớp chăm chú lắng nghe. Cô học trò gật gù như chờ cho mọi người theo kịp rồi mới tiếp, “Vì vậy em cần biết tuổi thày để mua số đề.”
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.