Hôm nay,  

Vết thương

28/04/202317:08:00(Xem: 2162)
Truyện

sad woman

Chiếc xe hơi chạy trên con đường hẹp, uốn lượn, hai bên là những cánh đồng lúa mì hầu hết đã được gặt xong, đây đó những bó rơm, cỏ khô được cuộn tròn nằm rải rác, những cánh rừng thưa xanh ngắt, những bụi cỏ lau màu tím hồng phất phơ trong gió, những trang trại với hàng chục con cừu, bò, và cả ngựa đang thong dong gặm cỏ, những căn nhà, quán rượu, nhà thờ…hầu hết được xây bằng đá đã xỉn màu vì thời gian, với những cửa sổ bằng kính có khung sơn trắng và kiến trúc đặc thù của vùng Yorkshire. Xe chạy một lúc thì tới vùng thung lũng Yorkshire Dale nổi tiếng về cảnh quan. Những cánh đồng ngút ngàn lên cao, xuống thấp, được chia cắt bởi những bức tường thấp bằng đá, từ xa trông như một bàn cờ có những ô màu lá mạ, màu xanh lá cây sẫm, màu vàng của rơm rạ, màu nâu của đất…và những khối cây to màu xanh sậm. Phía xa xa là những ngọn đồi cao thấp chập chùng, nổi bật trên nền trời trắng xám bồng bềnh mây.
     Nếu bình thường, có lẽ Lam sẽ cho xe chạy chậm để thưởng thức quanh cảnh xung quanh. Lam vốn yêu thiên nhiên và những kiến trúc cổ kính vùng Yorkshire. Nơi Lam sống cùng với Mark là một thị trấn nhỏ, “đi dăm phút đã về chốn cũ”, giống như câu hát trong bài “Còn chút gì để nhớ” của cố nhạc sĩ Phạm Duy, phổ từ bài thơ cùng tên của cố thi sĩ Vũ Hữu Định, nói về vẻ đẹp của thành phố nhỏ Pleiku vùng cao nguyên.
     Thị trấn nhỏ, chỉ có dăm con phố chính, người người quen mặt nhau, thời gian trôi thật chậm. Lúc đầu Lam tưởng mình không sao sống nổi ở một nơi như thế, khi Lam vốn ra đi từ những thành phố lớn, đông đúc xô bồ như Hà Nội, Sài Gòn. Nhưng rồi chính sự hiền hòa của thị trấn, chính sự điềm tĩnh, tình yêu và sự che chở của Mark đã đem lại cho Lam sự bình yên mà bao nhiêu năm cô tìm kiếm, đã dần dần làm lành những vết thương sâu nhức nhối trong lòng Lam. Cô cảm thấy bằng lòng với cuộc sống giản dị, một tuần chỉ làm việc bán thời gian tại một thư viện, còn lại loanh quanh với việc làm vườn, nấu nướng, dọn dẹp nhà cửa, đọc sách, nghe nhạc, và viết. Trừ khi đi du lịch, thi thoảng lắm Lam mới rời nhà đi đến những thành phố gần đó như York, Leeds, Bradford… Nhất là từ khi Diên Vĩ, tên tiếng Anh là Iris, đứa con gái duy nhất của cô và Mark đi học trường nhạc ở London thì cô lại càng ít đi đến các thành phố.
     Nhưng hôm nay thì Lam có việc phải đi tới Leeds. Và cô không có tâm trạng nào để ngắm cảnh. Lòng dạ rối bời, cô lái xe mà không hề để mắt nhìn hai bên đường, liên tục tìm cách vượt qua nếu chiếc xe phía trước chạy chậm. Nếu Mark thấy cô lái xe như thế này, anh chắc chắn sẽ lo lắng. Mark không bao giờ tin tưởng vào khả năng lái xe của cô và của phụ nữ nói chung, coi thường phụ nữ thế đấy!
     Tất cả chỉ bắt đầu từ một cái tên, một vụ án, mà tuần trước Khuê, cô cháu họ đang học Master về Kinh tế nhưng thỉnh thoảng nhận đi phiên dịch thêm trong những vụ án có liên quan đến người Việt tình cờ nhắc tới, khi ghé qua nhà Lam chơi. Vui miệng Khuê kể đã từng dịch cho bị cáo khi anh ta bị cảnh sát bắt, lần này có phiên tòa họ lại gọi nhưng Khuê không nhận được vì phải về Việt Nam nghỉ hè…
 
***
 
Lam ngập ngừng đứng trước “Tòa án Hoàng gia Leeds” (Leeds Crown Court). Đó là một tòa nhà xây bằng gạch 2 màu nâu đỏ, cam đất, kiến trúc nặng nề, buồn tẻ. Một vài người nam có, nữ có, đang đứng bên ngoài hút vội cho xong điếu thuốc trước khi bước vào bên trong. Lam lấy hết can đảm, bước lên những bậc tam cấp, qua cánh cửa kính đang mở rộng. Bên trong là khu vực kiểm soát an ninh chia làm hai, một bên là dân thường muốn vào dự phiên tòa, một bên là các viên chức của tòa án. Theo chân những người khác, Lam lấy một cái rổ nhựa, lần lượt bỏ vào đó túi xách, điện thoại, mọi vật dụng cá nhân trong túi, cả ly cà phê giấy mới mua, và đặt trước mặt nhân viên an ninh. Anh chàng nhân viên an ninh da đen còn trẻ vui vẻ hỏi Lam đến tòa có việc gì, Lam nói tôi chỉ là dân thường muốn đến xem tòa án ở Anh hoạt động thế nào thôi. Nhân viên an ninh lịch sự xin phép trước khi khám cái túi, cẩn thận nhìn vào các ngăn, yêu cầu Lam mở cái hộp kính mát, hộp phấn ra, rồi bảo Lam nhấp một ngụm cà phê trong cái ly giấy. Sau khi mọi vật dụng cá nhân đã được kiểm tra, Lam bước qua cửa cho một nhân viên khác dùng máy kiểm tra quanh người. Trước khi rời đi, Lam cẩn thận hỏi nhân viên an ninh thứ hai phòng số 13 ở đâu. Anh ta trả lời: “Tầng 3”.
     Lam bấm thang máy lên tầng ba. Và bước vào gian sảnh rộng dẫn vào nhiều phòng xử án khác nhau, tìm đến dãy ghế ngay bên ngoài phòng số 13, ngồi xuống. Có vài người khác, không biết là người thường đến xem phiên tòa hay nhân chứng đang ngồi trước cửa những phòng khác, và hai cảnh sát. Phòng 13 hình như chỉ có mình Lam đang chờ. Lam nhìn đồng hồ. Mới có 10:00. Theo lịch phiên tòa bắt đầu vào lúc 11:00. Cô đã đến quá sớm. Một vài viên chức của tòa án đi ra, đi vào các phòng, người nào cũng mặc trang phục giống giống nhau: áo choàng đen, bên trong áo trắng có nơ, đội tóc giả màu bạch kim, Lam không sao phân biệt được ai là luật sư, ai là công tố viên, ai là thẩm phán.
     Ngồi chờ càng lâu sự hồi hộp, lo lắng, và cả buồn rầu, càng tăng, khiến Lam cứ phải đứng lên đi vào toilet mấy lần. Cái tật của cô cứ mỗi lần hồi hộp là lại muốn vào toilet, dù không đi được. Khi vừa trở ra lần thứ hai, ngồi lại chỗ cũ thì một phụ nữ người Anh cao lớn, mặc trang phục của tòa án, tay xách cái cặp dừng lại trước mặt Lam:
     – Xin lỗi, cô có phải là thông dịch viên không?
     Lam lúng túng:
     – Dạ không. Tôi là thường dân đến tham dự phiên tòa thôi.
     Người phụ nữ à lên rồi tự giới thiệu:
     – Tôi là luật sư.
     Người phụ nữ ngồi xuống ghế, mở túi xách lấy laptop ra bắt đầu làm việc. Lam lại bồn chồn đứng lên đi vào toilet. Một lúc người nữ luật sư ngẩng lên, bắt gặp ánh mắt của Lam và hỏi:
     – Có phải cô đến để ủng hộ thân chủ của tôi không?
     Lam nói rõ hợn:
     – Tôi là… nhà văn, muốn đi tìm hiểu về tòa án của Anh hoạt động như thế nào.
     Dừng lại một chút, Lam nói thêm:
     – Tôi thấy trên trang web, phiên xử tại phòng số 13 hôm nay bị cáo là người Việt, mà tôi cũng là người Việt nên… – Làm như không biết gì, Lam hỏi:  – Phiên tòa xử về tội gì thế ạ? Có phải ma túy không?
     Người nữ luật sư gật đầu. Lam:
     – Có phải đây là lần đầu bà là luật sư cho một thân chủ người Việt?
     Người nữ luật sư nhún vai:
     – Ồ không. Nhiều lần rồi.
     – Và thường là liên quan đến ma túy?
     – Phải.
     Lam ngập ngừng:
     – Bà có nghĩ là bị cáo có tội không?
     Người nữ luật sư trầm ngâm:
     – Tôi không nghĩ anh ta đáng bị kết tội. Anh ta chỉ là không hiểu luật pháp, tìm đến Anh vì muốn có một cuộc sống tốt đẹp hơn, muốn kiếm tiền gửi về nuôi gia đình…
     Lam định hỏi thêm thì một vị thẩm phán từ trong bước ra, dừng lại hỏi chuyện nữ luật sư và cả hai đi vào trong phòng xử án. Lam đành ngồi chờ tiếp.
 
***
 
Khi người cảnh sát dẫn bị cáo, một thanh niên trẻ, từ trong bước ra ngồi vào ghế của mình trong căn phòng nhỏ có kính quây chung quanh, trái tim Lam như đập hụt một nhịp. Lam không dám đưa mắt nhìn về phía bị cáo ngay. Cô nhìn thẳng về phía trước, nơi vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đang ngồi. Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa nhắc người nữ thông dịch viên người Việt-chắc cũng trạc tuổi Khuê, vẫn còn đang đứng trên bục nhân chứng để tự giới thiệu, rằng nên đến ngồi gần bị cáo để anh ta có thể nghe được lời dịch rõ hơn. Người nữ thông dịch viên vâng lời, đi về phía bị cáo. Viên cảnh sát rút chìa khóa ra mở cửa ra cho người nữ thông dịch viên bước vào trong.
     Phiên tòa bắt đầu. Vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa tóm tắt về nội dung phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Trường Hân, 21 tuổi, sinh ngày… tháng… năm 2001 tại Sài Gòn, quốc tịch Việt Nam, bị bắt giam từ tháng 3. 2022 về tội trồng cần sa. Người công tố viên bổ sung các chi tiết. Vào khoảng tháng 3.2022, sau một thời gian phát hiện những dấu hiệu bất thường tại khu nhà máy cũ đường N. bên ngoài thành phố Leeds và âm thầm theo dõi vì nghi rằng đây là một cơ sở trồng cần sa bất hợp pháp, cảnh sát đã bất ngờ thực hiện cuộc bố ráp vào ban đêm, nhưng người chủ và có lẽ một vài người thợ khác nữa đã kịp thời trốn mất, chỉ còn một mình bị cáo Hân. Bị cáo khai đã nhập cư bất hợp pháp vào nước Anh từ tháng 9.2018 và làm việc tại đây.
     Hai tai Lam lùng bùng khi nghe những thông tin cá nhân của chàng thanh niên đang ngồi trên ghế bị cáo. Khó có hai con người cùng tên, cùng năm sinh, nơi sinh như vậy. Lam đưa mắt nhìn về phía bị cáo. Một chàng trai trẻ, gầy gò, mặc một chiếc áo khoác cũ màu xanh sẫm, làn da trắng xanh có lẽ do bị giam lâu ngày thiếu ánh sáng, nét mặt không biểu lộ gì nhiều trong lúc ngồi nghe những lời người nữ thông dịch viên dịch lại. Nhưng dù gầy xanh, vẻ mặt khép kín, hai vai so lại, không giống như con người cao to, hồng hào, luôn luôn có một phong thái rất đĩnh đạc, tự tin giữa chốn đông người ấy, thì rõ ràng mái tóc xoăn tự nhiên, khuôn mặt, cái cằm và cả đôi lông mày đẹp như vẽ, là của ông ta. Lam như bị một cú đánh thẳng vào mặt vì những nét giống nhau ấy.
     Người nữ luật sư chợt đứng lên xin phép trình bày với thẩm phán là đến sáng hôm nay, bà ta mới biết bị cáo nhiều khả năng là nạn nhân buôn người, nô lệ thời đại mới, nên việc xét xử anh ta với tội danh hiện tại có lẽ là không chính xác và không công bằng cho anh ta. Cả công tố viên, cả vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đều không đồng ý. Chủ tọa phiên tòa nói nếu là nạn nhân buôn người thì phải có bằng chứng, không thể nói khơi khơi được. Công tố viên thì lưu ý chi tiết lần đầu bị bắt, cảnh sát đã đưa nạn nhân qua bên cơ quan tỵ nạn, nhưng anh ta bỏ trốn, sau đó lại bị bắt lại, ngay tại cơ sở trồng cần sa. Và từ đó đến giờ không thấy bị cáo nói rằng mình là nạn nhân buôn người gì cả. Người nữ luật sư biện hộ bị cáo là một người không được học nhiều, không am hiểu luật pháp, nên nhiều khi không hiểu mình là nạn nhân, và xin phép được làm việc thêm với bị cáo. Sau một hồi tranh luận qua lại, vị chủ tọa phiên tòa đồng ý cho người nữ luật sư thêm thời gian và phiên tòa sẽ bắt đầu trở lại vào lúc 2 giờ chiều. Nói xong ông đứng lên. Mọi người trong phòng xử lục tục đứng lên, đi ra. Riêng bị cáo được cảnh sát còng tay dẫn vào trong.
     Nhưng đến buổi chiều, sau khi tiếp tục một cuộc tranh luận ngắn nữa, cả luật sư, công tố viên, cả vị thẩm phán chủ tọa phiên tòa đồng ý hoãn phiên xử lại thêm ba tháng nữa để cảnh sát điều tra xem bị cáo có thực sự là nạn nhân buôn người hay cố tình nói dối để được khoan hồng. Trong thời gian từ đây đến ngày xử, bị cáo tiếp tục bị giam giữ, theo lời chủ tọa phiên tòa, là vì sự an toàn của chính anh ta.
     Vẫn một gương mặt khép kín không biểu lộ gì, người thanh niên đứng lên, cảm ơn nữ thông dịch viên rồi quay đi, viên cảnh sát theo sau. Lam đứng yên lặng, nhìn theo dáng đi lầm lũi, hai vai rũ xuống của người thanh niên.
 
***
 
Những bóng ma của dĩ vãng tưởng đã được chôn vùi nay lại trở lại, vết thương một thời tưởng đã lành miệng, nay lại bị xé toang ra…
     Suốt một thời gian dài Lam tưởng mình không bao giờ có thể quên được con người đó. Con người có hai khuôn mặt, hai tính cách hoàn toàn khác nhau, giữa đám đông và lúc trên giường. Giữa đám đông, trước đám sinh viên trẻ, hay những người mến chuộng, quý trọng kiến thức của ông ta, đó là một khuôn mặt hết sức oai nghiêm, đĩnh đạc, tự tin-cái vẻ tự tin như thể không bao giờ và không cái gì có thể chạm được đến ông ta, cặp mắt sáng, vầng trán cao và cặp kính cận càng làm tăng thêm vẻ trí thức, giọng nói cố tình chậm rãi, từ tốn nhưng vẫn sang sảng, thân người cao lớn, tác phong vừa oai vệ vừa sang trọng. Giáo sư, Phó Tiến sĩ Y khoa, Hiệu trưởng của trường Đại học Y Hà Nội, hơn thế nữa, lại còn là một nhà phê bình văn học, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam. Có vô số cô nữ sinh, vô số bạn đọc si mê, sẵn sàng ngã vào lòng ông ta dù biết ông ta đã có gia đình, và người vợ thuộc về một gia đình bề thế, là con gái của một quan chức có cỡ, là một doanh nhân thành đạt mà ông ta không bao giờ dám rời bỏ. Nhưng Lam thì không nằm trong số đó. Trái tim mẫn cảm của Lam đã sớm nhận ra có một cái gì đó khiến cô cảm thấy bất an ở ông ta. Và Lam lờ mờ nhận ra ông ta để ý đến mình. Nhưng cô không mấy bận tâm.
     Lam theo học ngành Y cũng là vì chiều lòng mẹ, sự thật cô không cảm thấy mình thích hợp với nghề bác sĩ. Cô sợ máu, sợ ma, sợ xác chết, và từ bé chỉ thích làm thơ, viết văn. Nhưng Lam thương mẹ. Người mẹ đơn thân, xinh đẹp nhưng không may mắn trong tình yêu, đã làm tất cả để Lam có một cuộc sống không thua kém bạn bè, đã dành tất cả tình thương yêu cho Lam. Vốn tính rụt rè, thuở nhỏ Lam không có nhiều bạn bè, chỉ có mình mẹ và chỉ biết cắm đầu vào học và học thật giỏi, nên khi mẹ muốn Lam trở thành bác sĩ, cô đã chiều ý mẹ. Đến khi mẹ muốn ông ta hướng dẫn khóa luận tốt nghiệp cho cô với lý do hai người-mẹ và ông ta là bạn học cũ thời phổ thông và ông ta đã gặp mẹ, hứa hẹn sẽ hết sức giúp đỡ để Lam tốt nghiệp hạng giỏi và sẽ có công việc ngay sau khi ra trường do ông ta giới thiệu, “con gái Mai cũng như con gái mình”-ông ta nói với mẹ thế, thì cô cũng không dám trái ý mẹ. Khác với đa số cô gái cùng tuổi, kinh nghiệm đàn ông, kinh nghiệm tình dục của Lam cho đến khi ấy là con số không tròn trĩnh. Không phải cô xấu hay không có ai theo đuổi, trái lại là khác, nhưng như sau này Lam tự thầm nhủ, có lẽ mình thuộc loại chậm trong những chuyện bên ngoài sách vở. Thế giới của cô khép kín với trường lớp, bài vở, mẹ, văn học và âm nhạc-cả hai thứ đều thuộc loại cổ điển, như cách mà bạn bè nghĩ về cô, một cô gái “cổ điển”. Gái ngoan, như một anh chàng cùng khóa nói đùa, là một dạng sinh vật hiếm hoi gần như tuyệt chủng trong xã hội Việt Nam bây giờ.
     Lam không bao giờ ngờ được khuôn mặt thứ hai, con người thứ hai của ông ta. Bắt đầu là những cái đụng chạm làm như tình cờ, những lời gợi ý bóng gió về chuyện đánh đổi, rằng đó là chuyện bình thường, bao nhiêu cô nữ sinh khác đã ngỏ lời thẳng xin được tôi hướng dẫn bài luận tốt nghiệp và sẵn sàng trao đi tất cả, nhưng tôi chọn em vì em là con gái của người bạn mà tôi rất quý mến, những lời hứa hẹn về công việc, ở lại trường làm trợ tá, hoặc học thẳng lên Thạc sĩ v.v…Khi thấy Lam hoàn toàn không quan tâm hay hưởng ứng, ông ta liền gia tăng sức ép nhưng vẫn rất tự nhiên, khiến Lam tuy lúng túng, không cảm thấy thoải mái nhưng không đến nỗi hoảng sợ, kinh tởm. Cho đến một ngày…
     Dù đã hết sức cảnh giác, không gặp ông ta tại nhà, không đi với ông ta tới bất cứ chỗ nào vắng, mọi cuộc trao đổi, hướng dẫn chỉ diễn ra trong văn phòng của ông ta ngay tại trường, nhưng chỉ trong một giây mất cảnh giác, Lam đã cầm lấy ly nước lọc ấy… Và chỉ một lúc sau, cô đã nhận ra có cái gì đó rất khác trong người. Cơ thể cô nóng bừng, mồ hôi vã ra, người vừa mệt mỏi vừa buồn ngủ. Vẫn không hiểu chuyện gì xảy ra nhưng Lam dứt khoát đòi về. Ông ta gợi ý chở về nhưng Lam từ chối. Và đứng lên. Ngay lúc đó ông ta kéo Lam lại, ép mạnh vào tường, đôi môi cuồng nhiệt khóa chặt môi Lam trong lúc bàn tay tham lam khám phá cơ thể cô, còn cô không sao đẩy được ông ta ra dù trong đầu cô vẫn cố gắng kháng cự. Và ông ta đã cướp đi cuộc đời con gái của cô ngay trên cái bàn làm việc trong văn phòng Hiệu trưởng, mặc kệ những tiếng thì thào yếu ớt van xin và những giọt nước mắt tủi nhục của cô,
     Khi chuyện đã xong, Lam khóc như mưa và ông ta dỗ dành ngọt nhạt đủ điều, bảo vì quá yêu Lam nên mới phải làm như vậy, và hứa sẽ suốt đời yêu thương, che chở, bảo bọc cô. Nghĩ đến mẹ, đến bài luận tốt nghiêp, đến tương lai, Lam cắn răng chịu đựng, thầm nhủ khi qua kỳ thi tốt nghiệp là xong.
     Nhưng Lam không bao giờ ngờ đó chỉ là sư bắt đầu của một chuỗi dài những ngày tháng đau đớn, nhục nhã. Cũng không bao giờ ngờ đến khuôn mặt thứ hai, con người thứ hai của ông ta. Trên giường đó là một con người hoàn toàn khác. Cuồng nhiệt, dâm đãng, thô bạo. Sự ham muốn vô hạn độ của ông ta. Còn tệ hơn thế nhiều. Một kẻ bạo dâm, thích hành hạ người khác. Hiểu được bản tính nhút nhát, sợ hãi dư luận, sợ làm mẹ buồn lòng, sợ thiên hạ biết chuyện của Lam, ông ta đã khai thác tất cả những điều đó. Ngay từ lần đầu tiên và trong nhiều lần sau, ông ta đều quay phim, chụp hình Lam, cho Lam xem và nói như đe dọa sẽ giữ lại tất cả những “bằng chứng đẹp đẽ giữa hai chúng ta”, Lam rúm người lại.
     Suốt gần hai năm trời Lam trở thành món đồ chơi của ông ta, là nô lệ tình dục của ông ta. Ông ta hoàn toàn khống chế tinh thần Lam. Lam không hề dám hé môi nói sự thật với mẹ hay với bất cứ ai. Biết bao nhiêu lần Lam tìm cách tự tử, khi thì nốc hàng đống thuốc ngủ, khi thì cắt cổ tay, và bao giờ mẹ cũng là người kịp cứu cô. Không hiểu chuyện gì xảy ra với con, mẹ Lam đau lòng nhìn đứa con gái xinh đẹp, học giỏi, hồn nhiên, trong sáng ngày nào bây giờ ủ rũ, trầm cảm, khép kín, vô hồn. Mẹ Lam nghỉ việc đi dạy ở một trường trung học chỉ để ở nhà chăm sóc, canh chừng con.
     Ông ta đã giữ đúng lời hứa, Lam tốt nghiệp với một bài luận có lời phê cực tốt, có được việc làm tại một Bệnh viện ngay tại Hà Nội. Nhưng chỉ sau một thời gian ngắn đi làm là cô phải bỏ việc vì không sao tập trung được, cứ như người mất hồn. Mẹ Lam lại nghĩ có lẽ suốt một thời gian dài mình ép con học quá sức, rồi làm việc quá sức nên mới thành ra thế, vì vậy bà không trách cô bỏ việc mà lại tự trách mình và càng chăm sóc cô nhiều hơn. Lam đau lòng vì nói dối mẹ nhưng cô không sao mở miệng nổi để thú thật tất cả những gì đã xảy ra.
     Một mặt Lam căm thù ông ta, kinh tởm những trò chơi bẩn thỉu ông ta bày ra trên giường, nhục nhã vì bị ông ta hành hạ, nhưng mặt khác, cô vẫn là một người đàn bà với những khát khao thể xác đã bị ông ta đánh thức. Một vài ngày ông ta không gọi là cô đã chịu không nổi. Từ thái độ cuồng si ban đầu ông ta dần dần chuyển sang vờn cô như mèo vờn chuột, còn cô như một con chó quỳ dưới chân ông ta. Lam không sao quên được ánh mắt, nụ cười đểu giả của ông ta vì đã nhận ra tất cả những cảm xúc giằng xé ấy trong cô. Và cô cảm thấy đau đớn, nhục nhã, dằn vặt, không chỉ vì ông ta đã cưỡng hiếp, đã lạm dụng cô suốt một thời gian dài, mà vì chính bản thân mình đã không đủ sức để thoát ra. Cho tới khi Lam có mang.
     Không hề có kinh nghiệm, lại sức khỏe yếu, kinh nguyệt thất thường, Lam không hề biết mình có mang, đến khi biết thì cái thai đã hơn 5 tháng mà bụng cô vẫn nhỏ xíu. Cô van xin ông ta tìm cách giải quyết cho cô. Ông ta ném ra một xấp tiền và bảo cô đến bệnh viện phụ sản. Nhưng Lam quá sợ hãi khi người bác sĩ nói cô cân nhắc hậu quả vì cái thai đã quá lớn. Quỳ dưới chân mẹ, Lam khóc và nói sự thật, nhưng vẫn không dám nói tác giả cái thai là ai, chỉ bảo một lần đi sinh nhật bạn quá say, ai đó đã làm bậy mà mình không biết. Đau đến đứt từng khúc ruột, nhưng nhìn đứa con gái duy nhất héo rũ như tàu lá, mẹ Lam quyết định phải cứu con. Bà đưa cô vào Sài Gòn chờ ngày sinh đồng thời bán tống bán tháo ngôi nhà ở Hà Nội và mua một căn hộ ở Sài Gòn. Lam sinh khó, phải mổ, lại bị hậu sản suýt chết. Nhưng cô cũng kịp biết đứa bé là trai, kịp đặt cho nó một cái tên. Và mẹ Lam đã lẳng lặng làm thay cô tất cả, ký thay cô giấy cho con. Khi hoàn toàn hồi phục, Lam không bao giờ hỏi về đứa bé. Dù day dứt, cô và mẹ đã quyết định không thể giữ và nuôi đứa nhỏ vì sẽ khiến Lam mãi mãi không quên được những bóng ma của quá khứ.
     Cũng chính mẹ Lam khuyên cô đi học xa ở nước ngoài, vài năm cho thay đổi. Số tiền bán ngôi biệt thự cổ do ông bà ngoại để lại, mua xong căn hộ nhỏ ở Sài Gòn vẫn còn dư để bà mở một cái shop bán quần áo và cho Lam đi học. Vậy là Lam lên đường sang Anh. Cô chọn học ngành Văn chương Anh.
     Ngày mẹ mất đột ngột vì đột quỵ, Lam không về kịp. Lam đau đớn tột cùng như chưa bao giờ đau đến thế. Gần nửa đời người mất mẹ vẫn là đứa trẻ mồ côi…Ôm chiếc bình đựng tro mẹ rải xuống sông Sài Gòn xong, cô lại ra đi, và lần này biết rằng còn lâu mới quay về, vì mối liên hệ gắn bó nhất với Việt Nam trong cô không còn nữa mà những nỗi đau cũ thì vẫn chưa hoàn toàn nguôi.
     Mark gặp cô chính vào lúc cô đang chuẩn bị bay về Việt Nam khi nghe tin mẹ mất. Một buổi chiều mưa. Trong một quán cà phê giữa phi trường Heathrow. Chuyến bay của Lam bị trễ hơn một tiếng đồng hồ. Như sau này anh kể lại, anh lập tức chú ý đến cô, người phụ nữ châu Á dáng dấp mảnh mai, nhỏ bé như một thiếu niên, ngồi khóc lặng lẽ không ngừng. Trong cái dáng cô gái ngồi khóc, có một vẻ gì đó cô đơn, tuyệt vọng đến nỗi trái tim Mark thắt lại. Từ trước đến giờ anh vốn không phải là người dạn dĩ làm quen hay tán tỉnh phụ nữ, nhưng lúc đó anh đã đi đến trước mặt cô, lặng lẽ chìa ra nguyên một hộp khăn giấy mềm anh vừa mua để cô lau nước mắt, và một ly trà chanh nóng. Khi cô ngước cặp mắt đẫm lệ lên ngơ ngác nhìn anh, anh lúng túng bảo:
     – Khi khóc, uống nước trà nóng sẽ cảm thấy tốt hơn. – Anh nói thêm: – Đó là mẹ tôi thường nói vậy.
     Anh không ngờ câu nói vụng về ấy lại chạm ngay đúng tim cô, cô òa lên khóc, lắp bắp:
     – Mẹ tôi vừa mất ở Việt Nam, mà tôi không về kịp.
     Cô cứ vừa khóc vừa nhắc đi nhắc lại mẹ tôi mất mà tôi không về kịp, anh bối rối rút mấy tờ khăn giấy ra cho cô lau nước mắt, rồi nói:
     – Mẹ tôi cũng mất, và lúc đó tôi cũng không ở bên cạnh bà. Lúc đó tôi đang đi du lịch xa.
Họ bắt đầu câu chuyện như thế. Và khi tới giờ bay, thì Lam đã nguôi nguôi bớt, thậm chí còn mỉm cười khi Mark kể chuyện khôi hài. Lúc chia tay, Mark cố nài nỉ xin cô số điện thoại. Lam ngập ngừng, dù nhận thấy anh chàng người Anh này chân tình, dễ mến nhưng vết thương và nỗi sợ hãi đàn ông trong lòng cô còn quá nặng nề, nên cô phịa ra một số điện thoại giả. Ngược lại, ngay từ lúc đó Mark biết mình đã yêu cô gái này.
     Không có gì khó để Mark phát hiện ra số điện thoại Lam đưa là giả và tìm ra cô. May mắn là anh có người quen làm ở phi trường Heathrow và cái may mắn thứ hai là trên chuyến bay đó chỉ có hai phụ nữ là người Việt, nhưng một người là trung niên. Sau này Mark vẫn nói đùa tất cả là do ông trời sắp xếp, em phải thuộc về anh. Và Lam đã sửng sốt như thế nào khi đúng một tuần sau quay trở lại London, cú điện thoại đầu tiên gọi đến mobile phone của cô là của Mark.
 
***
 
Tất cả câu chuyện là như vậy. Lam chốt lại câu cuối cùng. Em xin lỗi anh vì bao nhiêu năm nay chỉ kể một phần mà không kể toàn bộ sự thật với anh. Mark bóp nhẹ tay vợ an ủi rồi trầm ngâm hỏi:
     – Em tin chắc thằng bé là con trai của em?
     Lam khẽ gật đầu.
     – Bây giờ em định thế nào? – Mark hỏi.
     – Em không biết. – Lam thở dài, nhắc lại: – Em không biết là mình có nên gặp thằng bé không, chưa chắc nó đã thèm chấp nhận em, nhưng em muốn làm một cái gì đó. Anh nghĩ em có nên gặp luật sư của thằng bé để ướm hỏi xem có thể làm được gì không?
     – Nên lắm. Ít nhất em có thể nói với luật sư để bà ấy thêm vào những chi tiết là con nuôi, bị mẹ ruột bỏ rơi, biết đâu sẽ làm mủi lòng quan tòa, hoặc em có thể tìm hiểu về hoàn cảnh gia đình cậu ấy để xem có giúp được gì. Em có những người bạn là nhà văn, nhà báo ở Việt Nam đúng không, họ sẽ giúp em tìm được gia cảnh của cậu ấy, nếu cậu ấy hay luật sư vì bí mật nghề nghiệp mà không tiết lộ với em.
     Lam nói nhỏ:
     – Cảm ơn anh.
     Mark đưa tay quàng qua vai Lam, kéo cô vào lòng:
     – Tại sao trước đây em không kể hết với anh? Em không đủ tin vào tình yêu của anh hay sao?
     – Không. Chỉ là em muốn quên, như muốn xóa bỏ một phần đời của mình. Nhưng em đã lầm, quá khứ đã quay trở lại.
 
***
 
Người nữ luật sư:
     – Cậu không muốn gặp mẹ ruột sao? Bà ấy rất tha thiết muốn gặp cậu.
     Sau khi nghe người nữ phiên dịch thông dịch lại, Hân lắc đầu:
     – Không. Tôi không muốn gặp bà ấy. Tôi chỉ muốn gặp mẹ tôi ở Việt Nam, nhưng tất nhiên là bà không có tiền để đi sang đây. – Rồi Hân lo lắng hỏi: – Tôi sẽ không bị tù lâu chứ?
     Người nữ luật sư an ủi:
     – Cảnh sát vẫn đang điều tra. Chúng ta sẽ cố gắng hết sức cho phiên tỏa sắp đến.
 
***
 
Ngày ấy Lam hận đến mức xuýt nữa thì đặt tên con là Nguyễn Trường Hận, nhưng phút cuối cùng nghĩ lại cô đổi thành Nguyễn Trường Hân. Hai mươi mốt năm cuộc đời của đứa con trai mang cái tên ấy không được may mắn, nhưng cũng không phải là quá tệ như Lam lo sợ. Hân đã được một gia đình tử tế, khá sung túc đem về nuôi, nhưng rồi một lần nữa cậu lại không may, khi cha mẹ nuôi mất đột ngột vì một tai nạn giao thông vài năm sau đó và bà vú nuôi Hân từ bé, xót thương thằng bé mồ côi đã đem Hân về nhà. Từ đó Hân lớn lên trong một gia đình nông dân đông anh em, cuộc sống không giàu có sung túc gì nhưng êm đềm, cha mẹ nuôi thứ hai là những người nông dân chất phác, tốt bụng. Chỉ đến khi người cha nuôi bị đột quỵ nằm một chỗ, mảnh đất của gia đình và nhiều nông dân khác trong vùng bị nhà nước thu hồi, cưỡng chế cho một dự án kinh tế thì hoàn cảnh của họ mới bắt đầu thực sự khó khăn. Hân đã chọn con đường nhập cư lậu vào Anh cũng chỉ vì muốn kiếm tiền giúp đỡ gia đình, cái gia đình mà Hân thực sự xem là ruột thịt và người mẹ duy nhất mà anh thương yêu chính là người phụ nữ nông dân lam lũ ấy. Nhưng cuộc sống bất hợp pháp ở nước người không bao giờ là thiên đường…
 
***
 
Phiên tòa diễn ra, với tất cả những bằng chứng tìm được và lần này có cả sự cộng tác tích cực hơn của Hân, tòa xác định Hân là nạn nhân buôn người, và do đó chỉ bị kết án 1 năm tù, bằng đúng thời gian tạm giam nên Hân được thả ngay tại tòa. Và bị trục xuất về nước.
     Người mẹ nuôi của Hân ôm chầm lấy con trai, nước mắt giàn giụa. Thông qua luật sư, bà chỉ biết có một người đồng hương tốt bụng đã mua vé cho bà sang dự phiên tòa và cũng chính ân nhân giấu mặt đó đã gửi tặng bà một số tiền đủ để có một cái vốn nho nhỏ làm ăn, làm gì thì sẽ tính sau nhưng dứt khoát là mẹ con ở nhà với nhau, không đi đâu nữa, quá đủ rồi.
     Lam không vào phòng xử án vì sợ Hân cảm thấy không thoải mái, nhưng cô vẫn nắm được thông tin từ người luật sư. Khi hai mẹ con Hân ôm nhau bước ra khỏi phòng xử án thì Lam lặng lẽ quay ra chỗ gửi xe, lái xe về nhà.
     Một câu hỏi cứ đay đi đay lại nhức nhối trong cô. Nếu ngày ấy cô không cho con đi chỉ vì sự hèn nhát, ích kỷ của mình, cuộc đời của Hân chắc có lẽ sẽ khá hơn? Một chút sự giúp đỡ của cô bây giờ cũng chẳng thay đổi được nhiều cuộc sống của Hân. Cô mong là theo thời gian, với sự nhẫn nại của cô, cuối cùng rồi Hân và mẹ nuôi cũng sẽ mở lòng đón nhận thiện chí của cô, để cô có thể làm được nhiều hơn, cho Hân.
     Còn ông ta? Ông ta không hề biết đến sự tồn tại của đứa con trai có ngoại hình giống mình như tạc và nếu có, chắc chắn ông ta cũng chả bao giờ áy náy gì. Lam tin rằng trước mình, sau mình, đã, đang và vẫn còn có những nạn nhân khác của cái con người ấy, và biết đâu cũng có một người con gái khác, vì “tai nạn ngoài ý muốn” lại sinh ra một đứa trẻ khác. Con người ấy vẫn tiếp tục leo cao, thành đạt, được xã hội trọng vọng. Thỉnh thoảng Lam lại đọc thấy, nhìn thấy hình ảnh ông ta đĩnh đạc, nói những lời đạo đức, những lời đẹp đẽ ở chỗ này chỗ kia trên những trang báo, và bao giờ những hình ảnh đó, những lời nói đó cũng khiến cô thực sự buồn nôn. Suy cho cùng thì có biết bao con người khác cũng tương tự như ông ta, những kẻ có cái vỏ đạo mạo, đạo đức, thành đạt, danh tiếng, tự cho mình có quyền thụ hưởng nhiều thứ, có quyền chà đạp cuộc đời của nhiều người khác nhưng lại gọi đó là một sự trao đổi, có qua có lại, bình thường và tự nhiên, trong một xã hội mà mọi thứ-từ thể xác, nhân phẩm, bằng cấp, chức vụ, học hàm, học vị…đều có thể đổi chác được, mua bán được.

 

– Song Chi

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 5, tháng diễn ra lễ mừng Mother Day ở nhiều nước trên thế giới. Đó là ngày nhắc nhở để nhân loại biết tôn vinh người Mẹ và tình mẹ...
Gửi đến Mẹ tình yêu của con / Mong Mẹ nơi xa ấm linh hồn / Đời con kể từ khi vắng Mẹ / Chẳng còn nỗi buồn nào buồn hơn...
Bên ngoài trời mưa tầm tã. Cửa đóng kín nhưng trong nhà vẫn nghe tiếng gió giật từng cơn. Vinh nhìn lên đồng hồ treo tường thấy đã chín giờ tối, như vậy cơn mưa đã kéo dài hơn hai tiếng. Nếu trời không mưa giờ này chắc Vinh vẫn còn ngồi ở quán cà phê nói chuyện với anh em cho qua thì giờ vì vợ con đã về quê, hết giờ làm về nhà thấy trống vắng buồn bã. Cầm ly trà lên, Vinh uống hết một chút còn lại...
Sau ngày chính quyền VNCH sụp đổ, chồng tôi phải đi tù bảy năm. Mãn tù, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, chồng tôi đưa gia đình đến sống ở một xã kinh tế mới thuộc tỉnh Phước Tuy cũ, đó là xã Xuân Sơn. Hồi ấy, xã này mới được khai phá, đất đai còn hầu hết là núi đồi hoang dã, ngay cả cái tên xã cũng còn xa lạ không mấy ai biết đến. Nhưng xã Xuân Sơn lại nằm giáp cạnh một cái xã khác danh đã nổi như cồn, gần như cả miền Nam đều có nghe tới: xã Bình Giả...
Mấy năm qua bị con Virus Corona hoành hành, một phần bị cách ly một phần sợ bi lây nhiễm nên tôi phải bó gối nằm nhà, bế môn tỏa cảng, không dám đi đâu, bạn bè không thăm, người thân không tới. Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung có anh chàng "độc cô cầu bại" thuộc loại đệ nhất cao thủ võ lâm mỗi lần đấu võ chỉ cầu thua mà không được, tôi làm "độc cô cầu bạn" sáng nghe chim hót, chiều ngắm hoa nở, tối về ôm sách vở, cầu gặp được bạn bè thân thiết mà không được. Nên khi vừa hết cách ly tôi liền tới thăm người bạn thâm niên của tôi...
Từ New York, tôi bay về San Jose thăm mẹ. Trong bữa cơm tối, lòng tôi nặng trĩu lo nghĩ nên im lặng không gợi chuyện như thường lệ. Đã mấy tháng trời, ngày nào cũng bão tuyết, hàng họ ế ẩm, tiệm vắng không một bóng người. Khủng hoảng kinh tế lan tràn làm nhiều khách của tôi dè dặt, không dám ăn xài. Tôi về nhà hy vọng sẽ khuây khoả, để quên hết những phiền phức, để không khí ấm cúng gia đình xoa dịu những ưu lo đã khiến tôi khó ăn khó ngủ.
Đến ga kế sau ga Dresden, một người đàn ông có tuổi vào bên trong toa của tôi. Ông ấy lịch sự chào tôi, ngồi xuống, nhìn tôi và gật đầu chào như thể vừa gặp một người bạn lâu năm không gặp. Ông giới thiệu tên mình và tôi chợt nhớ rằng đây là một người bán đồ cổ rất nổi tiếng ở Berlin, tôi đã từng đến mua thủ bút và sách ở tiệm của ông...
Khoảng đầu thế kỷ 21, tôi quen ông Song Thao. Nói quen cho oai, chứ đấy chỉ là tình một chiều. Thuở ấy, mỗi khi có tờ nguyệt san Thế Kỷ 21 trên tay, tôi nhanh nhẹn dò mục lục, tìm bài Phiếm của ông Song Thao, đọc ngấu nghiến...
Nhà báo, nhà văn Chu Tử vào thập niên 1960, chủ nhiệm nhật báo Sống, tác giả những cuốn tiểu thuyết chỉ một chữ với tác phẩm đầu tay như Yêu (1963) đến Sống (1963), Loạn (1964), Ghen (1964), Tiền (1965)...
. Các bài viết về Phật giáo đang được dịch sang tiếng Anh nơi đây là một nỗ lực hộ pháp, sẽ tập trung vào hai lĩnh vực: giáo lý và sáng tác văn học.
Tôi quen chị vào những năm cuối đời dậy học của tôi, sau 75, hai chúng tôi và một số bạn nữa, được gọi là giáo viên lưu dung, mới đầu xem văn bản CS tiếp thu trường và viết cho các thầy cô, tôi cứ tưởng là lưu lại giữ lại để dùng, hóa ra không phải, mà họ giải thích lưu dung là do lòng bao dung mà họ dùng chúng tôi...
Minh đang hào hứng với kế hoạch ra trường có công việc vừa ý rồi sẽ tính tới chuyện kết hôn với người yêu Scarlett. Đi bất cứ nơi đâu, mỗi tiểu bang hay thành phố lạ đều cho Minh những cảm giác tò mò thích thú. Minh sẽ làm quen nơi ấy, sẽ làm việc và xây dựng tương lai. Đối với chàng điều quan trọng là có job chứ không phải gần nhà hay bám mãi vào một thành phố như mẹ chàng. Bà không muốn thay đổi nơi chốn, không muốn phải học từng con đường con phố và xin việc làm lại từ đầu...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.