Hôm nay,  

Mẹ mãi là tổ ấm

09/05/202318:44:00(Xem: 1691)
Truyện

hoa-sống-đời

Minh lo nộp đơn xin việc làm dù còn vài tháng nữa mới tốt nghiệp đại học. Hôm qua mẹ Minh đã góp ý:
     – Con xin việc nơi nào gần nhà mình, không ngoài tiểu bang, không ngoài thành phố là được.
     Minh bực mình kêu lên:
     – Mẹ ơi, sao mẹ “khoanh vùng” hạn chế con vậy?  Hồi con vào đại học mẹ bắt con không được chọn trường xa, con đã chiều mẹ rồi. Nay con ra trường, mình cần job chứ job đâu cần mình, con phải nộp đơn xin nhiều nơi mới có cơ hội tìm được việc làm tốt. Nếu mẹ không thích đi xa thì cứ ở lại đây, con sẽ thỉnh thoảng về thăm mẹ.
     Vừa nghe xong mẹ đã sụt sùi kể lể:
     – Con nói thế là muốn bỏ mẹ hả. Nhà có hai mẹ con, con đi đâu mẹ theo đó như ngày xưa con từng nói mẹ con mình không thể xa nhau, mẹ luôn là tổ ấm của đời con. Mẹ đã quen đi lại trong thành phố này và quan trọng là mẹ đang có công việc tốt đẹp tại tiệm may Lily.
     Minh cũng mủi lòng thương mẹ chẳng biết tính sao. Từ bé đến giờ Minh đã từng mong muốn thế. Đâu ngờ điều này cũng thật phiền phức. Hay là ông trời đang… quả báo chàng?
     Mẹ Minh khéo tay may vá giỏi, qua Mỹ bà xin làm trong tiệm sửa quần áo của người Việt Nam, bà thay đổi vài tiệm, khi thì chủ khó tính, khi thì tiệm khá xa nhà bà đi làm thấy oải, đúng lúc này thì một bà Mỹ, khách hàng sửa đồ quen thuộc của bà giới thiệu bà đến tiệm may sửa quần áo “Lily” của người Mỹ, địa chỉ tiệm rất gần nhà là mẹ thích rồi, qua ba tháng thử việc người chủ nhận thấy sự làm việc tận tụy và khả năng tay nghề của bà nên đã nhận bà vào làm chính thức, trả lương hậu, benefit đầy đủ, ngày làm 8 tiếng rõ ràng không như tiệm Việt Nam có khi hết giờ chủ cần bà vẫn phải ở lại làm cho xong việc để giao cho khách mà chẳng được trả thêm đồng nào. Chủ tiệm Lily cần người thợ như bà và quý mến bà lắm, bà cũng mến chủ. Quen chỗ quen việc, bà muốn làm việc ở đây cho tới khi về hưu hay lúc mắt mờ tay run không cầm nổi cây kim sợi chỉ mới thôi.
     Minh đang hào hứng với kế hoạch ra trường có công việc vừa ý rồi sẽ tính tới chuyện kết hôn với người yêu Scarlett. Đi bất cứ nơi đâu, mỗi tiểu bang hay thành phố lạ đều cho Minh những cảm giác tò mò thích thú. Minh sẽ làm quen nơi ấy, sẽ làm việc và xây dựng tương lai. Đối với chàng điều quan trọng là có job chứ không phải gần nhà hay bám mãi vào một thành phố như mẹ chàng. Bà không muốn thay đổi nơi chốn, không muốn phải học từng con đường con phố và xin việc làm lại từ đầu.
     Điều Minh lo ngại nữa là Scarlett là người Mỹ mà mẹ chàng mấy lần đã tuyên bố để nhắn nhủ “cảnh báo” trước với chàng:
     – Mẹ làm nghề sửa quần áo giao tiếp với hầu hết khách là người Mỹ, mẹ đã gặp nhiều người Mỹ tử tế rộng lượng cho tiền tip hậu hĩ còn hơn tiền công và nhất là chị chủ tiệm người Mỹ rất thân thiện dễ thương. Tóm lại mẹ quý mến người Mỹ lắm nhưng sau này mẹ không muốn con dâu mẹ là người Mỹ, phải là người Việt Nam.
     Bởi thế Minh chưa dám hé môi cho mẹ biết về Scarlett chứ đừng nói tới chuyện đưa nàng về ra mắt mẹ. Thế là cả hai việc trọng đại của cuộc đời Minh phải qua vòng duyệt xét vô lý của mẹ.
Cách đây vài năm mẹ con Minh ở trong khu chung cư rẻ tiền nhưng là tổ ấm của hai mẹ con kể từ khi cha Minh qua đời. Mẹ đi làm may sửa quần áo nuôi Minh ăn học. Thỉnh thoảng khi thì máy lạnh khi thì vòi nước khi bóng đèn hư thế là chú Hưng lại đến sửa. Chú Hưng làm việc full-time chuyên sửa chữa điện lạnh, ngoài ra chú còn biết thêm về điện nước nên được chủ trọng dụng, chú được cấp một căn phòng trong chung cư nên bất kể ngày đêm chung cư luôn có sẵn thợ, mỗi lần đến chú Hưng chuyện trò vài câu với mẹ thành quen, chú Hưng hay cho Minh quà, đáp lại mẹ mời chú bữa cơm khi tình cờ chú có mặt.
     Cứ như thế thì Minh quý mến chú Hưng biết bao. Nhưng một hôm Minh đi học về sớm bắt gặp chú Hưng đang nắm tay mẹ âu yếm tỏ tình thế là Minh nổi giận phản ứng dữ dội đuổi chú Hưng ra khỏi nhà mặc cho hai người đã thay phiên nhau giải thích họ yêu nhau và muốn chính thức thành vợ chồng cùng lo cho Minh tiếp tục học hành. Minh đe dọa chú Hưng nếu không tránh xa mẹ, Minh sẽ “thanh toán” chú về tội dụ dỗ bà mẹ độc thân, chia rẽ tình mẹ con. Minh đe dọa mẹ, sẽ bỏ học, bỏ nhà đi hoang cho mẹ được tự do thảnh thơi ở với người ta. Bà sợ quá đã năn nỉ con và thề hứa với con sẽ dứt khoát quên chú Hưng. Để chứng minh điều đó bà đã chuyển nhà đi thuê ở chung cư khác và cắt đứt liên lạc với chú Hưng. Năm đó mẹ 45 tuổi và Minh 17 tuổi.
     Bây giờ Minh mới biết mình đã ích kỷ, đã quá đáng, mẹ còn trẻ, mẹ cũng cần có cuộc đời riêng của mẹ. Chàng tiếc rẻ và ân hận, giá ngày ấy Minh đừng cấm cản, để mẹ tái giá với chú Hưng thì ngày nay mẹ có chú Hưng bên cạnh thương yêu và chăm sóc đỡ đần, cuộc đời đỡ cô đơn và mẹ sẽ tự tin hơn, bao dung hơn. Mẹ không cần bám theo Minh từng bước trong cuộc sống nữa và Minh cũng yên tâm sống cuộc đời riêng của mình.
     Minh chợt lóe lên một ý tưởng sẽ đến tìm chú Hưng. Chàng cầu mong chú vẫn chưa lấy ai, còn kịp cho chàng giúp mẹ nối lại chuyện tình dang dở, hay ít ra chú cho mẹ chàng những lời khuyên vì  mẹ từng quý mến chú Hưng, tin cậy và nghe lời chú lắm. Trở về căn chung cư cũ với hi vọng mong manh Minh vừa mừng vừa cảm động nhớ lại bao kỷ niệm nơi đây. Chàng vào office hỏi  thăm về chú Hưng thợ bảo trì của chung cư. May quá chú vẫn còn làm việc ở đây.
Chú  giống mẹ có năng khiếu nghề nghiệp, tận tụy với nghề và làm việc nơi nào vừa ý thì ở lại dài lâu, có lẽ vì thế mà họ hợp nhau, yêu nhau. Biết đâu tình yêu của chú dành cho mẹ cũng chung thủy dài lâu như thế, chú vẫn yêu thương mẹ như mẹ vẫn yêu thương chú.
     Minh hồi hộp ngồi đợi. Khi vừa thấy Minh với vẻ mặt căng thẳng chú Hưng lo ngại:
     – Chú không còn liên lạc với mẹ cháu từ lâu rồi, cháu đừng tìm chú làm bậy à nhe.
     Minh phải cười cười cho chú an tâm:
     – Cháu ghé hỏi thăm chú giờ này sống ra sao thôi mà.
     Chú Hưng vẫn dè dặt:
     – Bình thường…
     – Ý cháu muốn hỏi chú lập gia đình nữa chưa?
     Bây giờ chú Hưng mới thực sự yên tâm, chú tâm sự:
     – Chú chưa yêu được người phụ nữ nào như đã yêu mẹ cháu. Thà ở vậy còn hơn lấy đại cháu à, đời chú đã một lần gãy đổ nên chú sợ lắm.
     Minh cũng tâm sự với chú Hưng, chàng xin lỗi chú Hưng và mong muốn hai người nên nối lại tình xưa.
 
***
 
Chiều thứ bảy Minh nhờ mẹ làm một bữa cơm để đãi hai người bạn. Bà tưởng là hai đứa bạn thân của Minh thỉnh thoảng có đến chơi nhà. Bà đã  vui vẻ làm vài món ăn thật ngon. Khi tiếng chuông cửa reo Minh biết ngay là người khách thứ nhất: chú Hưng, chàng đã rút lui vào trong phòng. Người ra mở cửa là mẹ chàng. Vừa thấy người xưa bà ngạc nhiên và hoảng hốt kêu lên:
     – Trời ơi! Sao anh đến đây?! Tôi đã thề với con và cấm anh không được tìm tôi mà.
     – Hãy nghe anh nói…
     Mẹ Minh vẫn khăng khăng gạt đi:
     – Anh khỏi cần nói, ra khỏi nhà tôi ngay nếu không muốn đổ máu. Thằng Minh nó đang ở nhà đó. Tôi van anh, tôi xin anh.
     – Anh nhớ em quá… Hơn 5 năm trời anh mới gặp lại em.
     Giọng bà nghẹn lại:
     – Chính xác cho đến ngày hôm nay là 5 năm 2 tháng và 13 ngày. Nhưng tôi vẫn phải… mời anh ra khỏi nhà.
     Minh xuất hiện, reo lên trêu chọc mẹ:
     – Mẹ ơi, một là mẹ có trí nhớ tuyệt vời, hai là mẹ vẫn thương yêu chú, đếm từng ngày xa cách chú. Chính con tìm chú và mang chú trả về cho mẹ. Con xin lỗi đã làm mất đi mấy năm trời tươi đẹp của hai người.
     Nói xong Minh đi vào trong phòng cho hai người cùng mừng vui tái ngộ. Lát sau lại có tiếng chuông cửa reo, mẹ Minh lại là người ra mở cửa, thấy một cô gái Mỹ bà hết sức ngỡ ngàng, hoang mang và lẩm bẩm: “Không lẽ cô này là khách hàng sửa quần áo ở tiệm Lily, hôm nay tiệm đóng cửa cô ta  tìm đến tận nhà mình phàn nàn mắng vốn? Mà sao cô ta biết địa chỉ nhà mình nhỉ?” Trong nghề nghiệp may sửa quần áo là làm dâu trăm họ, dù khéo léo đến đâu cũng không thể vừa lòng hết mọi người mọi lúc, bà đã vài lần bị khách bắt đền phải sửa đi sửa lại, thậm chí có người hối hả đòi lấy ngay, lấy gấp. Bà luống cuống:
     – What is… your name?
     Cô gái Mỹ còn đang ngẩn ngơ bà lịch sự hỏi thêm:
     – Tell me what’s wrong with your clothes. I will fix ít…
     Minh lại từ trong phòng đi ra, chàng vui vẻ chỉ cô gái và giới thiệu:
     – Mẹ ơi, không phải khách hàng sửa quần áo của mẹ đâu. Đây là Scarlett bạn học cùng với con và cũng là… người yêu của con.
     – Ủa cô gái này là… là… là bạn gái con hả? Vậy mà làm mẹ hết hồn.
     Scarlett cúi đầu chào lễ phép như một cô gái Việt Nam dù tiếng Việt của cô còn ngọng nghịu líu ríu:
     – Con… kính… chào… bác… ạ.
     Bà có chút cảm động khi thấy cô gái xinh đẹp người Mỹ nói tiếng Việt lúng túng.. Minh tiếp tục lấy cảm tình của mẹ:
     – Vâng Scarlett là bạn gái của con, cô ấy đang học tiếng Việt và học nấu nướng các món ăn Việt để hòa đồng trước là với nhà mình sau là với cộng đồng Việt đó mẹ.
     Mẹ Minh mỉm cười nhìn Scarlett:
     – Sit down. Please… À quên… cháu hiểu tiếng Việt mà. Mời cháu ngồi.
     Rồi bà trách yêu Minh:
     – Con mời hai người khách làm mẹ thật bất ngờ.
     Cả nhà cùng ngồi vào bàn ăn vui vẻ. Minh đã chuộc lỗi với mẹ và chú Hưng. Chàng đã hiểu tình yêu của chú Hưng dành cho mẹ và tình yêu của mẹ vẫn y nguyên cho chú Hưng kể từ ngày bị chàng phân ly. Tương lai đang ở phía trước. Minh tin rằng chàng và chú Hưng sẽ giúp mẹ hiểu, chấp nhận Scarlett là con dâu tương lai, cô ấy sẽ là nàng dâu ngoan hiền như cô gái Việt trong ước mơ của mẹ và nhất là Minh sẽ có thể nộp đơn xin việc bất cứ nơi đâu.
     Chàng sẽ là con chim tung cánh vào cuộc đời và mẹ mãi mãi vẫn là tổ ấm yêu thương.

 

– Nguyễn Thị Thanh Dương

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tháng 5, tháng diễn ra lễ mừng Mother Day ở nhiều nước trên thế giới. Đó là ngày nhắc nhở để nhân loại biết tôn vinh người Mẹ và tình mẹ...
Gửi đến Mẹ tình yêu của con / Mong Mẹ nơi xa ấm linh hồn / Đời con kể từ khi vắng Mẹ / Chẳng còn nỗi buồn nào buồn hơn...
Bên ngoài trời mưa tầm tã. Cửa đóng kín nhưng trong nhà vẫn nghe tiếng gió giật từng cơn. Vinh nhìn lên đồng hồ treo tường thấy đã chín giờ tối, như vậy cơn mưa đã kéo dài hơn hai tiếng. Nếu trời không mưa giờ này chắc Vinh vẫn còn ngồi ở quán cà phê nói chuyện với anh em cho qua thì giờ vì vợ con đã về quê, hết giờ làm về nhà thấy trống vắng buồn bã. Cầm ly trà lên, Vinh uống hết một chút còn lại...
Sau ngày chính quyền VNCH sụp đổ, chồng tôi phải đi tù bảy năm. Mãn tù, theo yêu cầu của chính quyền địa phương, chồng tôi đưa gia đình đến sống ở một xã kinh tế mới thuộc tỉnh Phước Tuy cũ, đó là xã Xuân Sơn. Hồi ấy, xã này mới được khai phá, đất đai còn hầu hết là núi đồi hoang dã, ngay cả cái tên xã cũng còn xa lạ không mấy ai biết đến. Nhưng xã Xuân Sơn lại nằm giáp cạnh một cái xã khác danh đã nổi như cồn, gần như cả miền Nam đều có nghe tới: xã Bình Giả...
Mấy năm qua bị con Virus Corona hoành hành, một phần bị cách ly một phần sợ bi lây nhiễm nên tôi phải bó gối nằm nhà, bế môn tỏa cảng, không dám đi đâu, bạn bè không thăm, người thân không tới. Trong truyện kiếm hiệp của Kim Dung có anh chàng "độc cô cầu bại" thuộc loại đệ nhất cao thủ võ lâm mỗi lần đấu võ chỉ cầu thua mà không được, tôi làm "độc cô cầu bạn" sáng nghe chim hót, chiều ngắm hoa nở, tối về ôm sách vở, cầu gặp được bạn bè thân thiết mà không được. Nên khi vừa hết cách ly tôi liền tới thăm người bạn thâm niên của tôi...
Từ New York, tôi bay về San Jose thăm mẹ. Trong bữa cơm tối, lòng tôi nặng trĩu lo nghĩ nên im lặng không gợi chuyện như thường lệ. Đã mấy tháng trời, ngày nào cũng bão tuyết, hàng họ ế ẩm, tiệm vắng không một bóng người. Khủng hoảng kinh tế lan tràn làm nhiều khách của tôi dè dặt, không dám ăn xài. Tôi về nhà hy vọng sẽ khuây khoả, để quên hết những phiền phức, để không khí ấm cúng gia đình xoa dịu những ưu lo đã khiến tôi khó ăn khó ngủ.
Đến ga kế sau ga Dresden, một người đàn ông có tuổi vào bên trong toa của tôi. Ông ấy lịch sự chào tôi, ngồi xuống, nhìn tôi và gật đầu chào như thể vừa gặp một người bạn lâu năm không gặp. Ông giới thiệu tên mình và tôi chợt nhớ rằng đây là một người bán đồ cổ rất nổi tiếng ở Berlin, tôi đã từng đến mua thủ bút và sách ở tiệm của ông...
Khoảng đầu thế kỷ 21, tôi quen ông Song Thao. Nói quen cho oai, chứ đấy chỉ là tình một chiều. Thuở ấy, mỗi khi có tờ nguyệt san Thế Kỷ 21 trên tay, tôi nhanh nhẹn dò mục lục, tìm bài Phiếm của ông Song Thao, đọc ngấu nghiến...
Nhà báo, nhà văn Chu Tử vào thập niên 1960, chủ nhiệm nhật báo Sống, tác giả những cuốn tiểu thuyết chỉ một chữ với tác phẩm đầu tay như Yêu (1963) đến Sống (1963), Loạn (1964), Ghen (1964), Tiền (1965)...
. Các bài viết về Phật giáo đang được dịch sang tiếng Anh nơi đây là một nỗ lực hộ pháp, sẽ tập trung vào hai lĩnh vực: giáo lý và sáng tác văn học.
Tôi quen chị vào những năm cuối đời dậy học của tôi, sau 75, hai chúng tôi và một số bạn nữa, được gọi là giáo viên lưu dung, mới đầu xem văn bản CS tiếp thu trường và viết cho các thầy cô, tôi cứ tưởng là lưu lại giữ lại để dùng, hóa ra không phải, mà họ giải thích lưu dung là do lòng bao dung mà họ dùng chúng tôi...
Quá nửa đời người rong ruổi giữa dòng đời, một ngày kia y soi kiếng chợt nhận thấy những sợi tóc bạc xuất hiện lẫn lộn trong mớ tóc đen. Y giật mình lẩm bẩm: “Rồi, sứ giả của quỷ vô thường đã gởi tin nhắn”.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.