Hôm nay,  

Người đánh xe của Án Tử

22/04/202313:07:00(Xem: 1995)
Truyện

reeducationcamp

Án Tử (Án Anh) là Tướng quốc của nước Tề thời Đông Châu. Ông người thấp nhỏ nhưng trí óc cực kỳ thông minh, đầy mưu lược. Người đánh xe cho ông lại là một người cao lớn, dềnh dàng. Anh này rất hãnh diện vì được làm công việc đánh xe cho vị Tướng quốc tài giỏi này. Thường ngày anh ta hay cầm ngọn roi ngựa trên tay, đi đâu cũng hò hét nạt nộ om sòm. Thời bấy giờ giới quan quyền đi đường tiền hô hậu ủng lính tráng quát nạt vẫn là chuyện quá thường. Có lẽ anh ta chỉ muốn làm cho thiên hạ biết đến oai phong của mình chứ lòng anh ta cũng không đến nỗi xấu lắm. Án Tử thông cảm điều đó nên làm ngơ không chấp thái độ của anh ta khiến anh ta càng đắc ý.

     Nhưng rồi một hôm, sau khi làm xong nhiệm vụ trở về nhà chẳng thấy cơm nước dọn sẵn như mọi khi, anh đánh xe kêu vợ hỏi:

     – Sao nàng không lo cơm nước cho ta?

     Người vợ ở trong phòng không bước ra, nói vói:

     – Chàng tự liệu lấy đi, thiếp đang bận sửa soạn đồ đạc.

     Anh đánh xe buồn bực trách:

     – Sửa soạn cái gì chứ? Nàng cũng biết ta suốt ngày hầu hạ quan Tướng quốc bận rộn, đâu có thể tự lo lắng chuyện ăn uống được!

     Vẫn giọng nói từ trong phòng phát ra:

     – Thế thì chàng cứ tìm một người nội trợ khác đi! Thiếp đang sửa soạn để xin trở về ở với cha mẹ chứ không muốn ở với chàng nữa.

     Anh đánh xe nghe vợ nói như sét đánh bên tai, hoảng hốt hỏi lại:

     – Tại sao? Ta ăn ở có gì sai trái với nàng đâu? Nàng hãy nói cho ta biết lý do!

     Người vợ bấy giờ mới chậm rãi nói:

     – Chàng muốn biết lý do xin nghe cho kỹ. Ông Án Tử là người nhỏ thó, làm đến chức Tướng quốc, thế mà lúc nào ông cũng khiêm tốn nhỏ nhẹ với mọi người, coi như mình không bằng ai. Chàng thì cao lớn dềnh dàng, lại chỉ làm một tên đánh xe, thế mà khi ra đường cứ tay vung miệng thét coi như không ai bằng mình. Cảnh đó làm cho thiếp xấu hổ nên xin trở về với cha mẹ!

     Anh đánh xe nghe qua tỉnh ngộ, vội vàng nói:

     – Thôi thôi ta biết lỗi rồi. Ta thành thật xin nàng tha thứ. Từ nay ta sẽ sửa đổi.

     Người vợ bèn bước ra vui vẻ nói:

     – Chàng phải nhớ lấy lời hứa đó nhé!

     Nói xong nàng dọn cơm cho chồng ăn.

     Quả thật từ hôm đó người đánh xe đã thay đổi tánh tình. Đi đâu anh cũng tỏ ra dịu ngọt, nhỏ nhẹ với mọi người khác hẳn ngày trước. Án Tử thấy sự thay đổi khác thường của người đánh xe lấy làm ngạc nhiên, một hôm ông hỏi:

     – Dạo này ta thấy tánh tình ngươi thay đổi nhiều đấy, đáng khen lắm. Nguyên nhân nào khiến ngươi thay đổi được như vậy?

     Người đánh xe thành thật đem câu chuyện đã xảy ra kể lại. Án Tử nghe xong khen:

     – Thật là một người vợ hiền đức! Ngươi cũng là một người chồng tốt biết sửa đổi lỗi lầm nữa!

     Thế rồi Án Tử thăng cho người đánh xe hai trật lương.

 

***


Vào năm 1980, tôi bị đưa đi lao động ở đội 37 rau xanh trại Z30C Hàm Tân Thuận Hải. Đội trưởng đội 37 lúc bấy giờ là ông Hoàng H., một cựu viên chức từng có địa vị khá cao ở sở Ngoại Vụ VNCH. Hoàng H. là một trong những người “học tập” tốt nhất theo tiêu chuẩn của trại cải tạo nêu ra. Công việc ở các đội rau xanh là trồng rau, gánh nước tưới, làm cỏ, bón phân, vun xới cho rau và thu hoạch. Sản phẩm thu hoạch được sẽ cung cấp cho cả cán bộ trại lẫn tù nhân. Đội trưởng Hoàng H. rất siêng năng, lanh lợi, có tinh thần tự giác rất cao nên được cán bộ quản giáo tin tưởng lắm. Vì thế, nhiều khi viên quản giáo bận đi việc này việc nọ, anh ta giao việc đôn đốc, kiểm soát đội cho Hoàng H. kết quả công việc vẫn trôi chảy như thường.

     Các đội viên hàng ngày phải gánh nước từ một dòng suối lên khá xa nơi trồng rau để tưới. Người tù bình thường ăn uống thiếu thốn, sức khỏe yếu kém nhiều nên hầu hết làm việc uể oải lắm. Vì thế khi tưới rau, cứ gặp cơ hội quản giáo và đội trưởng lơ là việc kiểm soát là họ tranh thủ nghỉ lén hoặc chỉ làm lấy lệ đủ che mắt kẻ có thẩm quyền! Nhưng Hoàng H. cũng là tù nên ông ta rất hiểu tâm lý cùng những mánh khóe lánh nặng tìm nhẹ của các bạn tù. Ông ta âm thầm theo dõi cả tư tưởng lẫn việc làm của từng đội viên trong đội để phòng tránh vạ lây nếu có ai đó làm điều không tốt. Ông cũng muốn đội rau xanh do ông điều khiển luôn được khen thưởng, luôn được dẫn đầu trong các cuộc thi đua làm việc. Tinh thần đó đã khiến ông ta chịu vất vả thọc ngón tay xuống từng luống đất đã tưới xong để dò xem mức độ nước đã thấm sâu được bao nhiêu. Nhờ thế ông biết ngay người được giao việc đã tưới thật tình hay tưới giả tạo qua loa. Rất nhiều lần ông buộc những người mà ông cho là tưới dối phải lo đi tưới lại. Người nào ngoan cố không chịu nghe là lập tức bị chính cán bộ quản giáo thân hành đến kiểm soát lại và tận tình “giáo dục”.

     Anh em trong đội rất bực mình Hoàng H. vì chuyện đó. Họ vẫn hay tìm cách để chửi cạnh chửi khoé ông ta.

     Đội cắt riêng hai cặp tù chuyên nhận lãnh việc đi “phi thuyền a pô lô”. Tôi là một trong bốn người đó và bắt cặp với một bạn tù rất trẻ tên Phạm Sơn, thiếu úy cảnh sát mới ra trường chưa lâu. Đi phi thuyền a pô lô là tiếng phổ biến trong trại Z30C hồi ấy dùng để chỉ việc khiêng phân tươi do tù nhân thải ra từ đầu hôm đến buổi sáng còn đang bốc hơi từ trại chính ra khu vực trồng rau xanh của đội. Hai người khiêng một thùng lớn. Người khiêng thường phải dùng vải bịt mồm mũi lại và gắng chạy thật lẹ để giảm thiểu thời gian phải “thưởng thức” mùi phân tươi. Hễ thấy phi thuyền phóng đi là mọi người từ cán bộ đến tù nhân phải lo bịt mũi tránh xa. Chúng tôi vẫn hay đùa với nhau là khi làm công việc này mình cũng còn thể hiện được một chút “oai quyền” thật sự. Trong hai người khiêng, người đi sau thường chịu thiệt thòi hơn nhiều nên chúng tôi phải chia phiên hoặc bốc thăm cho công bằng. Phần phân chao chọng đổ ra, vương vãi, người đi sau thường lãnh đủ, nhất là phần hơi bốc lên người đi sau không thể nào tránh thoát được. Để bù lại những thiệt thòi này, người đi phi thuyền đến hiện trường xong liền được xuống suối tắm giặt thoải mái cả giờ và được nghỉ làm việc những giờ lao động còn lại trong buổi sáng. Trong thời gian làm việc này, chúng tôi đã rút được một kinh nghiệm thực tế: phân người còn tươi đem tưới rau muống rất mau xanh. Tưới gốc bầu lại càng hiệu quả, rất sai trái. Có lẽ đây cũng là kinh nghiệm mà giới lãnh đạo Cộng Sản từng trải qua nên họ đã chủ trương triệt để tận dụng loại phân bắc này. Dĩ nhiên là sau khi tưới phân bắc xong còn phải tưới thêm nước thật nhiều cho loãng nó bớt. Thùng đựng phân bắc không cần mất công rửa. Cứ ngâm xuống suối một lúc là từng đàn cá nhỏ kéo nhau tới rỉa sạch.

     Hôm ấy, khi tôi tắm rửa xong lên nghỉ thì đội cũng vừa lúc nghỉ giải lao. Anh Vũ Xuân Đình, một cựu ký giả báo Chính Luận trước kia xăng xái bước tới vỗ vai tôi hỏi:

     – Này, cậu hay đọc chuyện Tàu, vậy cậu có nhớ chuyện “Người đánh xe của Án Tử” không?

     – Nhớ chứ! – Tôi trả lời.

     – Nhân giờ giải lao kể anh em nghe cho vui đi!

     Tôi hứng chí đã đem câu chuyện trên kể lại một cách trơn tru. Nhưng khi kể xong anh Vũ Xuân Đình cãi:

     – Như vậy là cậu kể sai đoạn chót mất rồi. Người vợ của anh đánh xe cho Án Tử thật sự đã cảm thấy quá nhục nhã vì có người chồng chỉ là một tên tay sai cho người ta mà cứ tưởng mình có oai quyền lớn lắm nên bà đã tự tử chết thảm chứ!

     Tôi không hiểu dụng ý của anh Đình, hơn nữa ở đó cũng chẳng có sách vở gì để làm chứng nên chỉ cười. Nhưng Phạm Sơn ngứa miệng sao đó nó thốt ra:

     – Cái thằng đó phải cho gia đình nó tan nát như vậy là vừa!

     Mấy hôm sau tôi và Phạm Sơn bị viên quản giáo gọi lên để tra hỏi về vụ một buồng chuối của đội bị ăn trộm. Anh ta cứ quả quyết là có người đã thấy rõ tôi và Phạm Sơn bẻ chuối ra từng trái bỏ vào thùng phân mang đi giấu đâu đó để ăn lần. Anh ta cũng nói có người cho biết nhiều lần thấy tôi vừa đi cầu vừa ăn chuối. Tôi nghe nói vô cùng uất ức vì bị lăng nhục quá đáng! Nước mắt tôi trào ra và tôi đã kêu trời với một thái độ sao đó tôi không còn nhớ rõ nhưng tôi biết đã có tác dụng rất mãnh liệt. Trong khi đó Phạm Sơn cũng bừng bừng nộ khí chửi thề ngay trước mặt viên quản giáo:

     – Đ.M tôi thà chết chứ không chịu nổi cái nhục này!

     Viên quản giáo thấy thái độ của chúng tôi liền nói:

     – Thôi, nói cho hai anh biết vậy thôi chứ tôi cũng chẳng bắt tội bắt tình chi hai anh đâu! Tôi rất thông cảm hai anh. Giờ thì hai anh cứ nghỉ ngơi đi, đợi khi đội nghỉ làm ra tập họp để về.

     Nói xong viên quản giáo bỏ đi. Phạm Sơn vẫn chưa nguôi cơn giận, hậm hực nói:

     – Tôi mà biết thằng nào vu cho tôi vụ này thì chết cha nó với tôi!

     Tuy biết sự rắc rối đã qua nhưng tôi vẫn chưa thỏa mãn. Viên quản giáo nói “tôi rất thông cảm hai anh” nhưng thông cảm như thế nào đây? Thông cảm chúng tôi đã bị tên nào đó vu oan hay thông cảm chúng tôi không có thăm nuôi nên sinh lòng làm bậy? Thật sự Phạm Sơn lẫn tôi rất ít được gia đình thăm nuôi. Điều này đã làm tăng nỗi khổ tâm cho chúng tôi, không phải vì thiếu ăn mà vì dễ bị những kẻ thiếu hiểu biết nghi ngờ về nhân cách. Nỗi khổ tâm đó đã làm tôi mất ngủ nhiều đêm…

     Mãi sau này khi đội trưởng Hoàng H. đã được tha tôi mới biết được ai là người đã vu vạ cho chúng tôi và nguyên nhân gây ra vụ vu oan này. Hóa ra trước khi anh Vũ Xuân Đình bảo tôi kể chuyện “Người đánh xe của Án Tử” đã xảy ra một vụ gây gổ nhau giữa anh em trong đội với đội trưởng Hoàng H. Anh Đình đã khéo mượn câu chuyện kể của tôi để bồi cho Hoàng H. thêm một vố. Khi hai bên gây gổ nhau tôi bận đi tắm rửa nên đâu có biết gì. Vì thế nên tôi đã vô tình kể chuyện trên theo lời yêu cầu của anh Đình. Việc đó đã làm Hoàng H. tưởng tôi toa rập với anh Đình để chửi xéo ông ta. Nhiều người trong đội biết rõ chuyện đó nhưng không ai dám nói với Sơn và tôi vì ngại chúng tôi bực mình đòi làm cho ra lẽ thì họ không tránh khỏi bị liên can phiền phức. Bởi thế mãi đến khi Hoàng H. được thả rồi họ mới tiết lộ chuyện. Chắc hẳn Hoàng H. cũng đau lắm nên mới nặng tay với tôi và Phạm Sơn đến thế. Nghĩ lại, tôi rất thông cảm nỗi đau của ông ta khi ông ta bị vận vào vị trí “Người đánh xe của Án Tử”.

     Đời này, hạng người như “Người đánh xe của Án Tử” nhiều không sao đếm xiết. Đáng tiếc là những người vợ hiền đức như vợ người đánh xe ấy lại rất hiếm!

     Trong những quốc gia dân chủ thứ thiệt, hạng đánh xe này nếu có chẳng qua cũng chỉ làm chướng tai gai mắt thiên hạ một tí không đáng kể. Ngược lại, đối với những nước chậm tiến hoặc những nước độc tài Cộng Sản thì hạng đánh xe này vì không có được những người lãnh đạo tài đức xứng đáng để noi gương, cũng không có được những người vợ hiền đức để khuyên răn, cảm hóa, họ đã trở thành một tầng lớp thật đáng sợ. Chúng ta hãy tưởng tượng từ anh du kích địa phương, anh thu thuế ở một chợ nhỏ, cả đến anh đưa thư ở xã thôn nữa cũng đều có quyền nạt nộ, hống hách trừng phạt hay ban ơn ban phước cho đám dân đen xem sao! Ở đấy, hạng đánh xe này đã quả là một loại “phong mề đay” làm ngứa ngáy xã hội cùng cực chưa có thuốc trị!

 

– Ngô Viết Trọng

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, tôi mới được một tuổi; đến nay, tôi 49 tuổi, coi như đã sống một nửa thế kỷ. Nhìn lại quãng đời vừa qua, tôi thấy đời tôi thật sung sướng, cho đến năm 48. Nhưng năm nay 49 thì, như nhiều người nói, bốn chín chưa qua năm ba đã tới, tôi gặp tai nạn, do chính tôi gây ra, khiến từ nay tôi không còn muốn chường mặt ra xã hội.
Sáng nay tôi thức dậy và tôi đã lên ba tuổi rồi. Mẹ đánh thức tôi bằng nụ hôn và ôm choàng lấy tôi. Mẹ đã làm bánh kếp(*). Ôi! Ngon quá! Trời rất đẹp và chúng tôi đi dạo bây giờ đây. Ánh nắng mặt trời chói lọi mơn man trên mắt tôi. Đến công viên, tôi gặp bạn bè của tôi. Cuộc đời đẹp làm sao!
Mẹ tôi, con gái quê Sơn Tây, sống cùng thời với thi sĩ Quang Dũng, nổi tiếng với bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây”. Mẹ đi lấy chồng, gia tài vỏn vẹn một con lợn nái. Mẹ kể mỗi khi ăn no, nó lại nằm ịch ngay giữa nhà, ụt ịt chờ mẹ xoa bụng. Bà ngoại mua để mẹ nuôi, lớn lên bán được số tiền to làm vốn xem như của hồi môn lúc ra riêng...
Vấn là bạn sách đèn thân thiết với Thạnh từ thuở bé. Cha Thạnh với mẹ Vấn cũng là anh em cô cậu ruột. Do vậy, anh chị em Thạnh dù lớn hay nhỏ đều là vai trên của Vấn. Vấn lại rất hiền lành nên cả nhà Trúc đều thương mến. Suốt tuổi học trò Vấn vẫn hay đến nhà Thạnh, nơi đầy đủ tiện nghi cho hơn ở nhà để cùng Thạnh học hành...
Ngày cuối tuần nào cũng như ngày hội, đường phố khu thủ đô tỵ nạn nầy đông khách lạ lùng. Thiên hạ các vùng chung quanh đổ xô đến, thi đua cùng với du khách từ những tiểu bang khác về. Nam thanh nữ tú thướt tha. Áo quần màu mè đủ vẻ đủ dáng. Những tiếng cười dòn tan yêu đời khắp chốn...
Chiếc xe hơi chạy trên con đường hẹp, uốn lượn, hai bên là những cánh đồng lúa mì hầu hết đã được gặt xong, đây đó những bó rơm, cỏ khô được cuộn tròn nằm rải rác, những cánh rừng thưa xanh ngắt, những bụi cỏ lau màu tím hồng phất phơ trong gió, những trang trại với hàng chục con cừu, bò, và cả ngựa đang thong dong gặm cỏ, những căn nhà, quán rượu, nhà thờ…hầu hết được xây bằng đá đã xỉn màu vì thời gian, với những cửa sổ bằng kính có khung sơn trắng và kiến trúc đặc thù của vùng Yorkshire...
Kéo dài được hai năm, cuối cùng thì hắn cũng quyết định bỏ trường để về nhà đi buôn. Đây là một việc cân não mà hắn đã dằn vặt vật vã suốt một thời gian dài. Hắn là sinh viên giỏi, vốn được tuyển thẳng vào trường sư phạm, thật tình mà nói thì hắn muốn vào Bách Khoa chứ chẳng phải sư phạm, chọn sư phạm vì được miễn học phí nên miễn cưỡng chấp nhận...
Em yêu dấu: Anh sẽ kiến giải câu nói thời danh của Marcel Proust (*) để qua đó em có thể cầm nắm được trái tim nóng bỏng của anh trên tay. Marcel Proust nói rằng "Tình yêu là đem không gian đổi lấy thời gian”...
Suốt cả tuần nay Tokyo chỉ có một ngày nắng, hôm nay mưa đã tạnh thì khăn gói về vùng Kyoto/Osaka. Hai tuần nữa khi về lại đây thì những cây đào mượt mà nầy chỉ còn những cành cây cằn cỗi, phủ đầy rêu, trơ trụi. Vì thế mà chuôi kiếm của người samurai thường khắc cánh hoa đào để biểu tượng cho cuộc đời hào hùng, đẹp đẽ mà ngắn ngủi, đầy bất trắc.
Thành phố đầu tiên chúng tôi dự tính đến thăm là Thành phố Philadelphia, một thành phố đã từng là thủ đô của Hoa Kỳ trong thời kỳ đầu lập quốc mà nay nó đã trở thành cố đô. Sau đó chúng tôi sẽ đi thăm một vài di tích lịch sử, văn hoá và thắng cảnh đặc biệt của Tiểu bang Pennsylvania nếu thời gian cho phép...
Thầy ngồi trên kia, sau cái bàn rộng, chỉ có một quyển sách mỏng trước mặt và không thấy ông mở ra. Như thói quen, ông không viết bài, viết dàn bài trên bảng, phấn với bảng ít khi ông dùng tới, có thể tất cả đã được sắp xếp chuẩn bị chu đáo và có lớp lang trong đầu ông. Đúng vậy, ông vẫn từ tốn nói theo những ý nghĩ dường như vẫn có sẵn trong tâm trí. Ông nói không vấp váp, từ từ, lôi cuốn và thuyết phục. Ông có một « schéma » trình tự đi tới, đi tới không hề áp đảo...
Sau 1975 những người còn ở lại miền Nam Việt Nam không biết những ai đã nghĩ ra và những ai đã là người đầu tiên ra khơi vượt biển đi tìm tự do, để cho dòng người đi sau tiếp nối không bao giờ ngừng nghỉ nếu các trại tị nạn không đóng cửa chấm dứt chương trình cưu mang những người vượt biển. Ai cũng mơ ước, cũng tính đường đi tìm tự do tùy theo hoàn cảnh khả năng tài chính của mình. Bao nhiêu người đã may mắn đến bến bờ và cũng bao nhiêu người bất hạnh bỏ xác ngoài biển khơi!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.