Hôm nay,  

If You Are Not Happy...

28/03/202319:27:00(Xem: 2925)
Tạp văn

maple-tree

Hễ mỗi lần nghe nói ai mới qua định cư xứ tự do, mà họ bày tỏ lòng biết ơn, cảm kích với quê hương thứ hai, tôi cũng thấy mát lòng mát dạ sao á!

 

Như trường hợp vợ chồng chị bạn thân, là người chung nhóm với tôi ở trại tỵ nạn Thailand. Anh chị gặp nhau và yêu nhau ở trại, được làm phép hôn phối tại Nhà Thờ trại Panatnikhom. Nhưng họ không được may mắn, cả hai cùng lần lượt rớt thanh lọc, khi chị mới sanh đứa con đầu lòng.

Sau một thời gian nghĩ suy bàn bạc, chị ôm đứa con trai chưa đầy năm và cái bụng… mới có bầu lần nữa về nước, anh ở lại trại tỵ nạn, khu biệt giam, quyết chí tuyệt thực, mổ bụng chống đối hồi hương, vào ra bệnh viện cấp cứu mấy lần, cuối cùng vẫn bị cưỡng bách về Việt Nam khi trại tỵ nạn khắp Đông Nam Á chính thức bị xoá sổ.

 

Về nhà, anh chị buồn quá, đẻ thêm đứa nữa, lao vào buôn bán làm ăn kiếm sống, khá chật vật cho một gia đình với năm miệng ăn. Bên cạnh đó, anh liên lục lên văn phòng Toà Đại Sứ Mỹ tại Sài Gòn kiện cáo, đấu tranh, nộp đơn khiếu nại. Lý do vì gia đình anh thuộc diện “dân hư”, vượt biên và hồi hương, bản thân anh có trong danh sách “hồ sơ đen” vì từng chống đối chương trình cưỡng bách hồi hương và đặc biệt, anh là thành viên sinh hoạt rất tích cực của tổ chức “Việt Nam Quốc Dân Đảng” trong trại tỵ nạn, nên cả gia đình anh đã bị chính quyền Cộng Sản Việt Nam gây khó dễ khi trở về hoà nhập cuộc sống. Nhờ cố gắng, bền bỉ không nản lòng suốt mười mấy năm trời, “lên bờ xuống ruộng” với Văn Phòng Toà Đại Sứ Mỹ, kết quả là cả gia đình đã được phỏng vấn, được chấp thuận qua Mỹ định cư diện “chính trị đặc biệt” giữa năm 2012.

Nhận được tin, tôi vui sướng mấy ngày liền. Vừa qua đến California, anh phone ngay cho tôi:

 

- Tạ ơn Chúa! Gia đình anh chị đã được cứu vớt lên thiên đàng. À mà không, phải nói rõ hơn là được đưa từ địa ngục lên thiên đàng. Không còn từ ngữ nào diễn tả được niềm hạnh phúc này. Được hít thở không khí dân chủ, được tự do ngôn luận, được quyền làm người.

 

Chị cũng hào hứng không kém gì chồng:

 

- Ba đứa con của anh chị đã được đi học ngay lập tức, chẳng tốn một xu học phí nào, đứa nhỏ còn có xe bus đón đưa mỗi ngày. Có tưởng tượng chị cũng không dám nghĩ đến ngày này em ơi!

 

Anh vẫn còn say sưa niềm vui lớn lao:

 

- Anh hài lòng và mãn nguyện với những gì anh đã hy sinh, kiên nhẫn đợi chờ, bù đắp lại là tương lai tươi sáng của các con, đó là điều vô giá, không có bạc tiền nào so sánh được. Bao nhiêu người ở Việt Nam có tiền tỷ nhưng đâu dễ được qua đây cả nhà năm người làm công dân xứ Hoa Kỳ? Gia đình anh còn hơn trúng số độc đắc em ơi. Tạ ơn nước Mỹ, cám ơn cuộc đời!

 

Anh chị thay phiên nhau nói liên tục, có cho tôi mở miệng được câu nào đâu nà! Mà thôi, tôi có thể hiểu được nỗi niềm lâng lâng ngất ngây ấy, nhất là anh, cứ lập đi lập lại hai câu “trúng số độc đắc” và “anh chị là …triệu phú tiền đô và tỷ phú tiền Việt Cộng, chứ còn gì nữa, phải không em?”

 

Giờ đây, chị có công việc ổn định, đi làm Nails cho tiệm của một người bà con, làm cả ngày vẫn không biết mệt mỏi. Anh vì sức khoẻ yếu hơn sau mấy lần mổ bụng ở trại, nên chỉ đi làm parttime. Thằng con trai lớn, ngày xưa được sinh ra ở trại tỵ nạn, vừa ra trường về ngành Cảnh Sát, đứa con trai kế cũng sắp tốt nghiệp College và cô con út đang học Đại Học. Cuối tuần, anh chị dành thời gian lái xe ra vùng ngoại ô, ngắm cảnh, câu cá, nghỉ ngơi hoặc chăm lo vườn tược rau trái sân nhà.

 

Còn một trường hợp bên xứ lạnh tình nồng là hai người em hàng xóm cũ của tôi. May mắn thay, cách đây khoảng hơn chục năm, thời kỳ Canada mở cửa cho người vào định cư theo diện có tay nghề (không cần bằng cấp cao hay tiền bạc), mà họ được qua Winnipeg với sự bảo trợ của người cô ruột.

 

Lần gặp nhau ở thành phố Edmonton của tôi, nghe tụi nó rộn ràng tâm sự:

 

- Tụi em vẫn còn nghĩ mình nằm mơ chị à. Qua đây, con gái em đi học, nó thích lắm. Được thoải mái học hỏi những điều mới lạ, không phải lo sợ “sao đỏ học đường” theo dõi, không gò mình theo thành tích, chỉ tiêu. Hôm nọ chồng em bị đau ruột thừa, vào bệnh viện cấp cứu, được mổ và nằm viện mấy ngày, bác sỹ y tá chăm lo với trách nhiệm lương tâm và tình người. Trong bệnh viện có tủ lạnh có sữa, nước trái cây, yogurt, bánh mì, người nhà bệnh nhân nếu đói cứ việc lấy thoải mái, vậy mà khi xuất viện, tụi em chỉ việc xách giỏ ra về, không phải trả một đồng nào. Nói thiệt với chị, hai vợ chồng đi bộ ra bãi đậu xe mà không dám đi nhanh, vì nghĩ nếu họ quên thu tiền, nên có ý chờ họ kêu lại để trả viện phí.

 

Nhìn mặt chúng nó rạng rỡ như hoa mới nở, thấy thương ghê nơi. Tôi nói:

 

- Thì Canada nổi tiếng với chương trình Y Tế toàn dân mà. Còn công ăn việc làm thì sao, hai đứa có khó khăn gì không?

 

Hai vợ chồng phá lên cười, giành nhau nói:

 

- Xời ơi, chỉ sợ không đủ sức làm 2-3 jobs thôi chị! Ở xóm mình, em đã không ngại đi làm quán ăn, chồng em đi làm thợ hàn nóng nực cực khổ, thì qua đây chẳng có việc gì làm khó được tụi em hết á, chịu khó thì cái gì rồi cũng có.

 

- Vợ em ban ngày đi làm hãng thịt gà, chiều tối và weekends thì làm bánh trái thức ăn bán cho bà con đồng hương xung quanh kiếm thêm tiền, vì tụi em còn gia đình hai bên ở Việt Nam. Tụi em say mê đi làm trong niềm vui được lo cho người thân khi họ cần giúp đỡ, cảm giác đó hạnh phúc biết bao. Chúng em nhớ ơn Canada vô vàn, Canada thật tuyệt vời!

 

Cả hai trường hợp trên, họ đã mua nhà, ổn định cuộc sống, và việc trả nợ nhà cũng chỉ là vấn đề thời gian.

 

Ai cũng biết, quê hương mình, nơi chôn nhau cắt rốn của mình, vẫn là đẹp nhất. Nhưng khi quê hương bị tàn phá bởi độc đảng, bất tài, tham nhũng, hèn ác thì người dân đành dứt áo ra đi, dẫu biết cuộc đánh đổi nào cũng có mất mát, hy sinh.

Vậy mà có một số người, sau khi mỏi mòn chờ đợi, trầy trật để qua được xứ tự do, thì cứ than vắn thở dài, như là bị “trời đày”, thậm chí còn chê bai này nọ. Nếu họ là người già cả, như cây cổ thụ bị bưng gốc qua xứ khác không thể thích nghi, thì có thể thông cảm. Còn nhiều người, tiếc thay, lại than vãn những chuyện vớ vẩn, thậm chí chỉ vì tiếc món bún riêu cua đồng, bún mắm, ốc bươu luộc chấm mắm gừng, trà sữa, bánh tráng trộn… Trời ạ, có cho không biếu không tôi mấy món “Ma-dzê in Việt Nam” đó, tôi cũng xin phép “no, thanks!”.

 

Tôi có một bác họ xa, trước đây được con cái bảo lãnh qua Mỹ từ thập niên 80s. Mấy năm trước vợ bác qua đời, bác quyết định về Việt Nam sinh sống với số tiền hưu rủng rỉnh, vì bác nhớ quê nhà, nhớ chòm xóm thân yêu, nhớ cảm giác mỗi sáng bước ra ngõ ngồi nhâm nhi ly cafe và tô phở nóng, xem thiên hạ đi qua đi lại cũng thấy vui. Rồi dịch Covid bùng nổ, bác loay hoay thấp thỏm mãi bên Việt Nam vẫn chưa có cơ hội được chích vaccine, và may mắn thay, bác đã kịp bay về Mỹ chích vaccine trước khi cơn dịch tàn phá bao người dân Việt Nam vô tội vì bọn chính quyền chỉ giỏi nổ nhưng ngu và tham trên cả mạng sống của người dân.

Bác tâm sự, tôi cứ nghĩ về Việt Nam hưởng tuổi già cuối đời, nhưng vài lần phải vào bệnh viện xếp hàng chen chúc chật chội, nếu không có “phong bì” sẽ bị quát tháo, ghẻ lạnh, nay thêm vụ Covid vaccine đã cho tôi thức tỉnh. Lần này tôi thề sẽ không bao giờ rời bỏ quê hương thứ hai của tôi nữa.

Mong rằng bác giữ lời hứa, cũng như xưa kia nhiều người xuống tàu vượt biên, trước bàn thanh lọc phỏng vấn cũng thề hứa đủ điều …À mà thôi, chuyện đó sẽ nói sau, trong một bài viết khác.

 

Riêng tôi, hễ nằm ngủ mơ thấy ngôi nhà cũ cùng cha mẹ anh chị em ruột rà, hàng xóm thân thương, hoặc kỷ niệm dưới mái trường với bạn bè, với người xưa thì không sao. Chớ đêm nào mơ thấy “màu vàng xanh” của mấy tên công an khu vực, “màu xám đặc cán mai” của các cán bộ mặt mỡ bụng phệ chèn ép người dân, “màu tương lai tối thui” của đồng bào Thủ Thiêm, Lộc Hưng, hoặc “màu đỏ máu” của màn “tự té lầu” trong nội bộ “đồng chấy đồng rận”… là mồ hôi hột của tôi vã ra như tắm. Bừng tỉnh dậy sau cơn ác mộng, nhìn qua cửa sổ thấy tuyết đang rơi, nhéo người cùng giường một cái cho chắc ăn, tôi mới hoàn hồn sung sướng, biết mình đang ở Canada.

 

Tôi bỗng nhớ câu nói nổi tiếng của một Tổng Thống Mỹ từng nói cách đây không lâu: “Không ai ép buộc các bạn phải đến Mỹ cả, nếu bạn không hài lòng với đất nước mới này, bạn có thể rời khỏi nơi đây!”

Còn câu nói sau đây là của… tôi:

 

“Tôi thề, sẽ không năn nỉ níu kéo, và sẽ tiễn bạn ra đến tận cổng phi trường”.

 

Xin thề!

 

– Kim Loan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Suốt thời gian qua, với những biến động đáng sợ trên thế giới về dịch Covid-19 – do người Trung Hoa tạp ăn gây ra – bà Trang cảm thấy uất hận nhà cầm quyền Trung cộng nhiều hơn chứ không thể nương vào lòng nhân đạo để bào chửa hoặc bênh vực cho Trung cộng trong sự kiện này.
Bác sĩ gốc Việt Alyssa Nguyễn Phước làm việc trong Phòng Cấp Cứu – ER (Emergency Response) của một bệnh viện tại New York (bà không muốn nêu tên vì lý do tế nhị). Dưới đây là bài phỏng vấn của phóng viên TuAnh Dam, đăng trên tờ NY City Lens ngày 26/3/2020; ianbui dịch lại từ tiếng Anh. Q: Bác sĩ thấy sự khác biệt nào trong phòng cấp cứu trước và sau khi dịch COVID bùng phát? A: Thông thường người ta vô ER vì bất cứ lý do gì. Dập ngón chân, xét nghiệm mang thai, u đầu cách đây hai tuần nay bỗng thấy chóng mặt… Vô gia cư, tâm thần, những thứ mà trong ER chúng tôi thường gặp – tất cả đều biến mất từ ngày có các ca COVID-19 đầu tiên.
Nhà văn Thảo Trường tên thật là Trần Duy Hinh, sinh năm 1936 (giấy tờ ghi 1938) tại Nam Định, Bắc Việt. Ông di cư vào Nam năm 1954, tốt nghiệp trường Bộ binh Thủ Đức, rồi mới bắt đầu cuộc đời cầm bút. Thử Lửa là tác phẩm đầu tay của ông được xuất bản năm 1962. Sau đó ông được mọi người biết đến với các tác phẩm khác như Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Vuốt Mắt (1969), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972), Cát (1974)…
Cả thế giới đang quay quắt trong mùa cúm Vũ Hán (Wuhan Virus). Tôi thích ông ngoại trưởng Mỹ gọi thẳng tên con cúm một cách rạch ròi, cái tên của thành phố từ một đất nước và con người đã và đang mang đại họa đến cho nhân loại. Không cô Vy cô Viếc gì cả. Cũng không mắc công quảng cáo cho bia Corona của Mễ. Loài người có óc kỳ thị. Cứ tai họa nào của thiên nhiên giáng xuống là gán cho giới phụ nữ trong khi ngày 8 tháng 3 mới cách đó vài ngày. Không ai gọi nó là “thằng cúm” mà gọi nó là “con cúm”. “Con cúm” độc địa đang tung hoành khiến loài người trên trái đất này sống trong tâm trạng đang an bình nay đã thành bất an, đang bình thường nay trở thành lo âu, sợ hãi. Nó càng lây lan thì mọi người càng hoảng loạn.
Ánh nắng ban mai xuyên qua khung cữa sổ lớn lấp loáng lung linh trong căn phòng trắng tinh khôi, cậu chủ vẫn còn vùi mình trong chăn ấm nệm êm. Hôm nay là chủ nhật, không phải đi làm nên ngủ nướng. Jack tự thưởng cho mình một ngày chủ nhật thoải mái nhất mà cậu ta có thể, cứ như những ngày chủ nhật khác. Jack sẽ ngủ đã đời rồi dậy vệ sinh, ngồi tịnh tâm trước tôn tượng bổn sư, ăn sáng và bước ra vườn.
Anh từng ghé lại Cau Lạc Bộ anh nói chuyện với anh em với tất cả hào khí của người lính. Anh khẳng định:”Sống là chiến đấu, là chấp nhận thử thách”. Đôi khi đời không hiểu ta, ta cũng phải ôm nó vào lòng, ôm chặt nó, há miệng cắn vào nó như xích của tank cạp lấy mặt đường, bùn lầy, tiến về phía trước, tiến về mục tiêu đã qui định.
Sau một lúc nhìn đoàn ghe nằm san sát đang nhấp nhô nhè nhẹ trên triền sóng của “biển không”(1) và nghe tiếng giây cáp chạm vào cột buồm bằng kim loại tạo nên chuỗi âm thanh trong vắt, đều đặn, Thúy-Quýnh ngẫng mặt, mắt hơi khép lại, hít đầy phổi luồng không khí mát rượi của vịnh San Diego êm đềm.
Vì ngươi là tuổi trẻ, ngươi cần phải làm một việc gì đó, tự do của ngươi đã bị lấy mất từ ngày thành phố đóng cửa. Nhưng ở đây có ai được tự do đâu, và nhiều thành phố khác, hình như hơn năm chục thành phố khác cũng đang bị đóng cửa.
Tôi nói với lũ học trò, hôm nay là buổi học cuối cùng, cô cho các em nghỉ. Ai có trò gì vui thì biểu diễn cho cả lớp xem rồi về ăn Tết. Lũ trẻ la hét om sòm. Hoan hô cô. Cô hát cho tụi em nghe đi. Cô đau cổ, đau tận trong cái cuống họng này, không hát được. Em nào tình nguyện lên hát? Con gái hát trước. Con trai hát sau. Những cái đầu, chân tay, ngó ngoáy bên dưới làm tôi muốn chóng mặt.
Tim thông cảm với Dawson, nó làm quản lý vô cùng bận rộn, mọi việc đổ lên đầu nó, trên thì chủ la rầy, dưới thì nhân viên cứng đầu. Nó phải làm sao cho vừa lòng chủ mà cũng không phải căng thẳng với nhân viên. Mọi việc phải chính xác, nếu có sai sót gì thì nó là người đầu tiên chịu trách nhiệm.
Từ lầu cao, ngồi nhìn nắng chiều chiếu sáng rực rỡ cả một vùng rộng lớn nóc phố Chicago và đỉnh tháp Sears Tower, Trọng suy nghĩ về Thạch Hùng, một bịnh nhân mà anh vừa gửi đến bác sĩ Fournier cách đây mươi phút. Anh nhớ lại trong buổi hội chẩn với bác sĩ Fournier về Thạch Hùng cách đó có mấy tháng
Mẹ tôi yêu hoa thiên lý như yêu chồng con. Chả biết mầu xanh dìu dịu của lá và hương thơm nhẹ nhàng của hoa thiết tha là bao mà mẹ tôi âu yếm nó thế.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.