Hôm nay,  

Cây hoa hồng

26/03/202311:09:00(Xem: 2028)

Truyện dịch

stowe

Tượng bán thân nữ văn hào Harriet Beecher Stowe, tại Sảnh Vinh danh Vĩ nhân Mỹ.

 

Được biết đến nhiều nhất về một tiểu thuyết về chế độ nô lệ –Uncle Tom’s Cabin (Túp Lều của Chú Tom), xuất bản năm 1852 – tác giả Harriet Beecher Stowe, nhà văn người Mỹ gốc Âu tích cực ủng hộ chủ nghĩa bãi nô. Tác phẩm này công kích sự tàn bạo của chế độ nô lệ; tác phẩm đến với hàng triệu người trong dạng tiểu thuyết và kịch nghệ, gây ảnh hưởng lớn ở Vương quốc Anh, làm sáng tỏ các yếu tố chính trị trong thập niên 1850 về vấn đề nô lệ đối với hàng triệu người, cũng như củng cố phong trào bãi nô ở miền Bắc, nhưng lại khiến miền Nam phẫn nộ. Tổng thống Abraham Lincoln tóm tắt ảnh hưởng của tác phẩm này khi tiếp kiến Stowe, đã nói, "Vậy ra bà chính là người phụ nữ nhỏ bé đã viết cuốn sách gây ra cuộc chiến vĩ đại này!"  Bà cũng đã viết nhiều truyện ngắn. 

Câu chuyện được giới thiệu sau đây được trích từ tập truyện mang tên Flowers on The Snow (Những đóa hoa trên tuyết)

 

*

 

Cây hoa hồng mộc mạc đơn sơ ấy đang ngự trong một chiếc bình trong suốt màu xanh lá cây như chiếc lá mùa xuân, và bao quanh là giá đỡ bằng gỗ mun xinh đẹp, được đặt trước cửa sổ phòng khách. Nụ hoa hồng thật bình dị, ở giữa bức màn bằng lụa là sang trọng với vải rìa mịn như tơ, và quanh đó là những vật quý hiếm đắt tiền do bàn tay người chủ nhà giàu có trang trí, nhưng cành bông hồng đơn giản là vật đẹp nhất giữa tất cả những thứ quyền quý cao sang ấy.

 

Thật thuần khiết, trinh nguyên, với những cánh hoa màu trắng, hơi nhuộm một màu son nhẹ, tràng hoa tròn, phần trên hoa hơi nghiêng, như thể sẵn sàng hòa vào thân cây!

 

Ôi! Thật là một sản phẩm quá hoàn hảo từ bàn tay con người tác tạo nên!

 

Nhưng tia nắng xuyên qua những tấm rèm này đang chiếu sáng một nét đẹp tuyệt trần hơn cả hoa hồng. Nằm trên chiếc ghế trường kỷ, trong một góc tối và đang say sưa đọc sách, một mỹ nhân với vẻ đẹp tươi mát sánh ngang với bông hoa xinh xắn kia. Gương mặt sáng hồng, vầng trán thông minh, diện mạo xinh đẹp này biểu hiện suy nghĩ sâu sắc nhất, đôi hàng mi dài, đôi môi tỏ nét nghiêm túc, nhưng dịu dàng và nhẫn nhục, toàn bộ nét hoàn mỹ ấy, đó là một ước mơ về cái đẹp thật lý tưởng.

 

– Florence! Florence! – Một tiếng gọi vui vẻ du dương như tiếng nhạc vang lên, rồi lập lại, có vẻ nóng lòng.

 

Bạn hãy quay đầu lại đi, bạn sẽ nhìn thấy một cô bé tươi trẻ, hoạt bát, điển hình cho sức sống của con trẻ với đôi mắt linh hoạt, đôi chân nhảy nhót, lướt nhẹ trên thảm, và một nụ cười với vô số lúm đồng tiền như thể hai mươi nụ cười đang tụ lại cùng lần trong một nụ cười.

 

– Florence này! – Cô bé tinh nghịch nói, –  Hãy để cuốn sách hay tuyệt đầy cả những ý nghĩ của nhà hiền triết ấy qua một bên đi, và hãy nói chuyện với một con bé chán ngắt tội nghiệp này chị ạ. Em đang suy nghĩ không biết nàng sẽ làm gì với cây hồng khi mà chị rời khỏi nơi này, bởi vì đó là quyết định của chị; thật là hoài phí khi cây hoa ấy lại được giao lại không đúng người như em. Em rất thích nhiều loại hoa, nhưng mà phải là hoa được trình bày đẹp đẽ nghệ thuật thành bó hoa để mang đến những buổi dạ hội cơ, chứ nói đến việc chăm sóc cẩn thận thì em không thể có năng khiếu đó đâu chị ạ.

 

– Đừng lo âu về vấn đề ấy, Catherine yêu quý ạ. – Florence trả lời với nụ cười tươi tắn. – Chị không có ý để em thực hành tài năng của mình đâu: chị đã có một nơi an toàn cho cây hoa quý báu của chị rồi.

 

– Ồ, vậy chắc chị đã đoán được em muốn nói ai rồi phải không? Bà Marshall đã gặp chị rồi sao; hôm qua bà đã đến, và em đã cho bà biết rằng chị sẽ rất buồn khi phải rời xa vật báu của chị, và bà nói là sẽ rất vui thích mang cây hoa vào trong nhà kín của bà. Cây hoa đang rất sung mãn, bao nhiêu là nụ sắp bung nở ra rồi! Và em đã nói thêm rằng chị sẽ rất an tâm khi giao hoa cho bà; và em biết chị cũng rất thích bà Marshall.

 

– Rất tiếc, Catherine, nhưng chị đã muốn làm khác đi, em ạ.

 

– Ủa, vậy chỉ muốn nói đến ai vậy? Ở đây chị đâu có nhiều bạn thân đâu.

 

– Bởi vì đôi khi tính khí của chị hơi khác thường một chút em ạ

 

– Nói cho em biết ai vậy chị.

 

– A, em biết rồi mà, đó là cô bé có gương mặt trắng xinh đó, người mà thường giúp chúng ta những việc vặt.

 

– Vậy sao? Cô bé Mary Stephens ư? Thật là điên rồ! Florence à, đây lại thêm một ý tưởng già nua trước tuổi của chị đó: may áo búp bê cho trẻ em nghèo khổ, đan nón và vớ cho tất cả bọn trẻ bẩn thỉu trong làng. Em nghĩ là chị thường đến thăm những nơi dơ bẩn, những con đường hôi hám ở phía sau nhà ấy nhiều hơn là đến đường Chestnut, ở đó biết bao nhiêu người chờ đợi chị; rồi còn chưa hết sao, chị lại còn đem tặng viên ngọc quý thiên nhiên này cho một người thợ may trong khi mà một người bạn thân ngang hàng cùng lứa với chị sẽ rất hân hoan đánh giá thật cao việc ấy. Thế em hỏi chị những bọn người ấy có nhu cầu gì về hoa kia chứ?

 

– Họ cũng cần hoa như chị thôi em ạ. – Florence ôn tồn trả lời.

 

– Em có để ý rằng không lúc nào cô bé đến đây mà không liếc nhìn một cách thèm thuồng vào các nụ mầm hàm tiếu hay sao? Em có nhớ cô bé đã hỏi một cách rất nhã nhặn thương tâm rằng bé có thể đưa mẹ đến để xem cây hoa của chị bởi vì mẹ của bé rất yêu hoa không?

 

– Này, hãy suy nghĩ đi, Florence, một bông hoa quý hiếm trên một cái bàn, giữa nào là thịt, trứng, bột bèo, bị giam hãm không có khí trời trong căn phòng chật hẹp  ấy, nơi mà bà Stephens giặt giũ, lau chùi, nấu nướng, rồi còn bao nhiêu việc khác nữa...!

 

– Kate à! Nếu như chị phải ở trong một căn phòng chung chật hẹp, rồi làm đủ thứ việc lau chùi rửa dọn như em nói, nếu như chị phải làm việc tất bật trong nhiều giây phút suốt một ngày trời của chị, cảnh vật duy nhất là bức tường gạch, một căn phòng bức bí, thì một nụ hoa như thế sẽ là một niềm vui vô biên đối với chị.

 

– Florence ơi, chị thật là đa cảm; những người nghèo họ không có thì giờ đâu! Hơn nữa, em không nghĩ là nụ hoa sẽ sống lâu ở nhà họ, đây là một loại hoa cần chăm sóc đặc biệt, và phải có môi trường phù hợp nữa.

 

– Chuyện đó thì không đúng đâu em, một bông hoa không cần biết đến người chủ là giàu hay nghèo, và ánh dương chiếu vào phòng của bà Stephens cho dù qua khung cửa sổ rách nát đến đâu thì cũng toả sáng và ấm cúng như tia nắng xuyên qua cửa sổ của chúng ta đây thôi. Thượng đế rất quang minh, không phân biệt bất cứ người nào em ạ. Rồi em thấy hoa cũng sẽ xinh tươi như khi ở trong nhà chúng ta thôi.

 

– Em nghĩ thật là kỳ lạ, nếu muốn tặng cho người nghèo, thì hãy nghĩ đến những thứ mà họ rất cần như thức ăn, áo quần, chị thấy không?

 

– Có thể, nhưng khi đã tặng họ những thứ như thế rồi, tại sao ta không thêm một chút gì đó thật thú vị? Chị biết có những người bần cùng trước đó vẫn có những tình cảm về thiên nhiên, nhưng khi họ không còn ngay cả những thứ tối thiểu cho cuộc sống thì những suy nghĩ thanh cao ấy cũng thui chột mất đi. Như bà Stephens, mỗi khi nhìn thấy những đồ vật xinh xắn, như hoa, chim muông, nghe được nốt nhạc lãng mạn, bà cũng xao xuyến như chị thôi, nhưng vì không có phương tiện nên bà dành chấp nhận tất cả những thứ xoàng xĩnh xấu xí.

 

– Em có nhớ bà ấy rạng rỡ như thế nào khi chị tặng cho con của bà cái nón len viền giải ruy băng thật đẹp, và bà ấy đã cực nhọc nhiều ngày để may một cái áo xinh xắn cho ngày rửa tội của bé không? Chị nghĩ rằng khi nhận món quà xinh ấy, bà ấy sẽ mãn nguyện hơn khi được nhận một bao gạo hoặc bột, em à

 

– Chúa ơi, tất cả những điều này có thể là sự thật, nhưng em chưa bao giờ nghĩ đến điều đó, em chưa bao giờ nghĩ rằng những người làm việc cực nhọc như thế lại có thể có một chút ý tưởng về khiếu thưởng thức và nét đẹp chị ạ.

 

*

 

Trong một căn phòng rất nhỏ, ánh sáng chỉ lọt qua khung cửa sổ duy nhất, sàn lát gỗ không có thảm, trong góc là chiếc giường màu trắng, trên bàn có vài món thức ăn bày trên đĩa không đồng bộ; và trên bệ cửa sổ là cây anh đào đựng trong hộp nhỏ, là vật sáng sủa duy nhất.

 

Một người phụ nữ nhợt nhạt và ốm yếu đang ngả lưng trên một chiếc ghế dài cũ kỹ, mắt nhắm và đôi môi co lại vì đau đớn. Cô xoay mình trong vài phút, để tay lên mắt, rồi cô tiếp tục một cách uể oải công việc mà cô bắt đầu từ sáng. Cửa mở toang ra, và một cô bé mảnh mai khoảng mười hai tuổi bước vào, đôi mắt xanh thẫm thật hân hoan vì vui thích, trên tay là chậu đựng cành cây nhỏ mà họ hằng ao ước.

 

– Mẹ ơi, hãy xem nè! Một cái thì nở rồi, còn hai nụ sắp bung ra đây mẹ, rồi bao nhiêu là cành giâm đang nhô lên, thấy không mẹ! 

 

Gương mặt  bà mẹ rạng rỡ hẳn lên khi nhìn vào cây hoa, rồi lướt đến vẻ mặt của con gái mà từ rất lâu rồi bà chưa thấy ánh lên niềm vui ngập tràn như thế.

 

– Xin Thượng Đế ban ơn lành cho cô ấy! Bà mẹ vô tình thốt lên.

 

– Cô Florence phải không mẹ! Tất nhiên rồi mẹ ạ, con biết thế nào mẹ cũng nghĩ về cô ấy. Mẹ cảm thấy thật nhẹ nhàng sảng khoái khi nhìn đóa hoa phải không mẹ? Giờ đây thì mẹ không cần phải nhìn ngắm một cách thèm thuồng bao nhiêu là hoa hồng ở chợ nữa, vì cây hồng này đẹp tuyệt vời hơn hẳn tất cả những đóa hoa mà ta đã trông thấy từ xưa nay phải không mẹ? Bao nhiêu là nụ, rồi còn mùi thơm nữa! Bây giờ mình đặt nó ở đâu nhỉ?

 

Rồi cô bé vừa nhảy nhót vừa đặt cây hoa chỗ này, rồi thụt lùi để ngắm, rồi lại mang đặt nơi khác, cứ thể cho đến khi mẹ bé bảo rằng hoa chỉ sống và trở nên xinh đẹp khi có ánh mặt trời.

 

– Cô Florence thật dễ thương biết chừng nào phải không mẹ? Cô ấy đã tặng chúng ta bao nhiêu là quà, nhưng con nghĩ món quà này là đẹp nhất!

 

Rồi bà Stephens quên hẳn đi những lo âu và bệnh hoạn của mình khi nhìn thấy con gái hạnh phúc như thế.

 

Florence không thể nào ngờ rằng, khi cô tặng món quà này, một sợi chỉ vô hình được dệt từ đó để định mệnh của cô được hình thành.

 

*

 

Vào một buổi chiều mùa đông lạnh giá, một người kỵ sĩ cao lớn thanh lịch đến ngôi nhà của hai mẹ con cô bé để nhân bộ áo quần anh đã nhờ họ may sửa. Anh là một người từ nơi khác đến, được vài người quen giới thiệu công việc của bà Stephens. Anh ta đang chuẩn bị bước ra cửa, bỗng nhìn thấy cây hoa hồng và nhìn ngắm một cách thích thú.

 

– Cây hoa mới đẹp làm sao! – Anh buột miệng thốt lên.

 

– Dạ vâng thưa ông, cô bé Marie trả lời, đó là quà của một tiểu thư cũng xinh đẹp yêu kiều như cánh hoa cô tặng mẹ con cháu đó ạ.

 

– À vậy sao!

 

Người lạ mặt nói, vừa nhìn cô bé bằng đôi mắt đen sáng với vẻ mặt vui mừng và kinh ngạc.

 

– Và tại sao cô ấy lại tặng cho bé, hở cô bé nhỏ xinh?

 

– Bởi vì mẹ con cháu rất nghèo và mẹ cháu bị bệnh, và mẹ sẽ không thể mua được một bụi hoa hồng đẹp như vậy. Mẹ và cháu trước đây đã có một khu vườn, và cả mẹ và cháu đều rất yêu hoa; cô Florence biết được điều này, và cô ấy đã tặng bông hồng cho mẹ cháu.

 

– Florence ư? – Người thanh niên hỏi lại.

 

– Vâng, cô Florence l'Estrange, một cô gái rất xinh đẹp. Người ta bảo cô ấy không phải là người ở thành phố này; tuy nhiên, cô ấy nói tiếng Anh giống như những người phụ nữ khác, nhưng giọng nói nhẹ nhàng hơn.

 

– Bây giờ cô ấy còn sống ở đây không? ở thành phố này? – Ông ấy tiếp tục hỏi.

– Thưa không ạ, cô ấy đã đi nơi khác được vài tháng, bà góa phụ trả lời, bà vừa nhận thấy nét mặt đăm chiêu thất vọng của vị khách.

 

Nhưng rồi bà nói thêm:

 

– Ông có thể biết được tin tức về cô ấy đây ạ. Địa chỉ nhà dì của cô ấy là ... số 10 đường...

 

Và sau đó, Florence nhận được một lá thư, khi nhìn thấy nét chữ viết, cô thật xao xuyến.

 

Trong những năm đầu của thời thơ ấu, khi cô cùng gia đình cư ngụ ở Pháp, cô đã quen thuộc với nét chữ này. Cô ấy đã yêu như một người phụ nữ như cô biết yêu – chỉ một lần. Nhưng quá nhiều trở ngại từ người thân, bạn bè, sự chia cách lâu dài, nhiều năm đau khổ đã trôi qua, đến nỗi cô tin rằng đại dương đã khép lại giữa cô và đôi tay yêu quý này; và đó là lý do tại sao khuôn mặt diễm kiều của cô lại mang những nét hằn vì buồn đau.

 

Nhưng bức thư này cho cô biết rằng anh vẫn ở gần đây, rằng anh đã tìm ra được cô và theo bước chân của cô, như người ta phát hiện ra lòng sông có nước trong suốt và tinh khiết lâu ngày đã bị cây xanh che khuất, khi anh dõi theo bao nhiêu việc từ thiện cô đã gieo trên mọi nẻo đường, và rằng cô là thiên thần của bình an và hạnh phúc.

 

… Và có lẽ đoạn kết của câu chuyện thần tiên này đã thật thơ mộng, phải không ạ?

 

– Harriet Beecher Stowe

Tháilan phỏng dịch

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hải đảo Ga Lang vào thời điểm 1978. Hải âu bay rợp trời. Cơm xấy, cá khô, đậu hộp và là những món ăn quen thuộc của người việt tị nạn trên đảo. Cứ đến giờ là mọi người xếp hàng đi ăn, có khi không phải là đói mà vì cả thói quen, kể cả thói quen chờ đợi, chờ đợi được làm giấy tờ. Chờ đợi được ra đi đến một quốc gia nào đó… Mỹ, Pháp, Úc, Đức… đâu cũng được thôi. Quê hương Việt Nam đã rời bỏ đi rồi, thì nổi trôi đến đâu bám tới đó...
Vài tháng nay rất nhiều bạn bè thân hữu, và nhiều sinh viên, học trò cũ, những người đã từng ngồi chung giảng đường với Nhà Tôi điện thoại hay điện thư hỏi thăm chúng tôi nhưng chúng tôi không đủ sức khỏe cũng như thì giờ để đáp lễ từng người xin Quý Vi thông cảm và vui lòng tha lỗi. Cũng xin hết lòng cảm ơn Giáo Sư Tiến Sĩ Tr. H. Bích, người rất uyên bác văn chương kim cổ đã có nhã ý muốn nhuận sắc bài viết, nhưng biết Ông rất bận rộn nên tôi không dám làm phiền Ông.
Lúc đầu tôi không biết chị bị bệnh tâm thần. Về sau tôi được nghe kể về cuộc đời của chị từ một người phụ nữ Việt Nam khác, tên Loan, đã sống ở đây nhiều năm. Nhưng những chi tiết về cuộc đời ấy hầu như ngay tức khắc trượt ra khỏi trí nhớ của tôi, tôi chỉ còn nhớ người phụ nữ mắc bệnh ấy sống ở thành phố này có lẽ ít nhất cũng hai mươi năm, nhiều người bảo chị khá đẹp khi còn trẻ, bây giờ nhìn cũng vẫn hình dung được điều đó...
Bầu không khí trong phòng giam lúc nào cũng ngột ngạt khó chịu. Nỗi khó chịu ấy cứ liên tục bao trùm đến nỗi mọi người phải quen đi như một lẽ tất nhiên. Tôi càng khổ sở hơn nhiều vì đã vướng phải bệnh ghẻ mấy tháng nay. Ghẻ mỗi ngày mỗi lan ra trên tấm thân gầy còm của tôi kéo theo luôn cả sự tàn tạ về sức khỏe. Mới vài hôm đây tôi lại mắc thêm chứng tê bại, cử động tay chân rất khó khăn. Thuốc men quá thiếu, ăn uống cũng quá thiếu, tình trạng chữa trị đối với tôi thật là bi quan...
Mùa xuân 2023. Ngoài chuyện nhớ lại mùa xuân cách nay 48 năm với “Tháng Ba Gãy Súng” (1) và “Tháng Tư Mất Nước” (2) tôi còn nhớ đến nhiều chuyện khác nữa, nhớ nơi tôi sinh ra, nhớ nơi tôi lớn lên và học hành, nhớ nơi tôi từng công tác, nhớ Sài Gòn, nhớ Đà Lạt, nhớ Nha Trang, nhớ Cần Thơ, nhớ An Giang, nhớ đèo Hải Vân, nhớ sông Vàm Cỏ…và nhớ nhớ nhiều lắm. Nằm trong bộ nhớ của tôi còn có rất nhiều người bạn – bạn thân – bạn rất thân nữa. Một người bạn rất thân là Nguyễn Đức Quang, cùng xứ, cùng trường, cùng chơi Hướng Đạo, cùng hát Du Ca…
Từ ngày ông bà cha mẹ rời miền Bắc 1954, mãi gần 70 năm sau, ngày 18 tháng hai, năm 2023, khi tôi cũng gần nửa đời người, mới lần đầu tiên được về thăm quê cha đất tổ. Đáp xuống sân bay Nội Bài vào xế trưa. Hà thành bận rộn đông đúc hơn là tôi đã mường tượng. Sau buổi chiều dạo quanh Hồ Tây, thăm các phố phường, thưởng thức vài đặc sản của Hà Nội, chúng tôi lên xe có giường nằm để ngủ qua đêm, bắt đầu cuộc hành trình trở về cội nguồn của… yêu thương. Xe chạy suốt đêm. Nhìn ra ngoài chỉ toàn một màu đen xen kẽ những chấm đèn vàng. Mọi người trên xe ai cũng có vẻ ngủ say,… Riêng tôi thì lòng lại cứ nôn nao bồi hồi khó tả!
Có thể nói ai cũng có lần nói lái ở trong đời, đôi lúc chỉ vô tình thôi. Nếu bạn buột miệng nói “đi giữa trời nắng cực quá” hoặc khi đèn điện không sáng mà bạn nói “điện sao lu quá chừng”, người nghe sẽ cho là bạn nói tục, có oan cũng đành chịu vì, dù bạn không cố ý nhưng nắng cực, điện lu nói lái nghe tục thật. Tương tự như thế, hãy cẩn thận đừng nói dồn lại, dồn lên, đồn láo, đồn lầm…
Không biết có phải do được học tập và làm việc trong môi trường lập trình điện toán nên tôi cứ nghĩ rằng mọi việc xảy ra trên thế gian này đều được an bài qua việc lập trình sẵn. Có người cho rằng sự lập trình sẵn này là định mệnh, là do ông trời sắp đặt hay do thượng đế an bài. Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận với giáo lý nhà Phật, tôi cho rằng không ai lập trình sẵn cho cuộc đời mình, tất cả đều do nhân duyên.
Cách nay mười năm tôi có một chuyến sang Nhật Bản vào mùa xuân. Chọn đi vào dịp này là để xem anh đào ngoài chuyện viếng các thắng cảnh nổi tiếng như núi Phú Sĩ, Kim Các Tự, các đền đài, cổ thành, hào lũy… qua các thời trị vì của các tướng quân cũng như thăm một số thành phố như Tokyo, Kyoto, Kobe, Nagoya, Osaka…
Hễ mỗi lần nghe nói ai mới qua định cư xứ tự do, mà họ bày tỏ lòng biết ơn, cảm kích với quê hương thứ hai, tôi cũng thấy mát lòng mát dạ sao á!
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Ở Việt Nam, hồi xa xưa đó, cuộc sống giản dị nên rất ít nhà tư có mắc điện thoại, điện thoại công cộng đặt ở các bưu điện nhưng người dân ít quen sử dụng. Khi có việc cấp bách thì đánh điện tín. Ở công sở, trường học có trang bị điện thoại, nhưng thường chỉ có các sếp lớn gọi nhau đi họp hẹn hò cờ bạc hay hoạt náo cuối tuần...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.