Hôm nay,  

Tôi có tội không?

16/03/202318:18:00(Xem: 2180)

Truyện dịch

Wind


Luật sư biện hộ cho đây là do bệnh tâm thần gây nên. Có cách nào khác để giải thích cuộc mưu sát kỳ lạ này không?

 

Một buổi sáng, gần Chatou, người ta tìm thấy hai cái xác đang ôm nhau, trong đám lau sậy, một nam và một nữ, hai người có tiếng trong xã hội, giàu có, họ cũng khá lớn tuổi, mới cưới nhau năm ngoái, người đàn bà vừa góa bụa ba năm nay. Họ sống bình thường, không có người nào thù ghét họ, và họ đã không bị cướp. Có vẻ như thủ phạm đã ném họ từ bờ xuống dòng sông, sau khi đã đánh đập họ bằng một cây sắt dài.

Cuộc điều tra không khám phá được điều gì. Khi thẩm vấn những người đánh cá ở nhánh sông, họ đều trả lời là không biết gì; các cảnh sát viên đang tính ngưng cuộc điều tra thì một người thợ mộc trẻ ở làng bên cạnh, tên là Georges Louis, thường được gọi là "Trưởng Giả", tự động đến đầu thú.

 

Khi được hỏi nhiều câu, và nhiều lần, anh ấy chỉ trả lời:

 

– Tôi quen người đàn ông này được hai năm, người phụ nữ được sáu tháng. Họ thường đến nhờ tôi sửa bàn ghế cũ hư vì tôi rất khéo tay trong nghề này.

 

Và khi được hỏi: 

 

– Tại sao anh lại giết họ?

 

Anh trả lời một cách ngoan cố:

 

– Tôi giết họ vì tôi muốn giết họ.

 

Cảnh sát không thể biết thêm được bất cứ điều gì khác. Người này khi còn bé có lẽ là một đứa trẻ ngoài giá thú, trước đây được gởi cho vú nuôi ở nông thôn, rồi sau đó bị bỏ rơi. Anh ta chỉ có một tên là Georges Louis, nhưng khi lớn lên, anh ta trở nên thông minh khác thường, với phong cách và sự tinh tế bẩm sinh không tìm thấy ở các bạn bè cùng trang lứa trong làng, nên họ đặt biệt danh cho anh là: “Trưởng Giả", và mọi người chỉ gọi anh ta bằng tên ấy thôi. Anh ta được xem là rất khéo léo trong nghề thợ mộc mà anh đã theo học.

 

Thậm chí anh đã làm một số tượng điêu khắc. Anh cũng được cho là rất nhiệt tình, là người ủng hộ các học thuyết cộng sản và cả chủ nghĩa hư vô, một độc giả đam mê tiểu thuyết phiêu lưu, và tiểu thuyết có tình tiết đẫm máu, một cử tri có uy thế và diễn giả tài ba trong các cuộc họp của thợ thuyền hoặc nông dân.

 

Luật sư cho rằng việc đó xuất phát từ bệnh tâm thần của anh.

Thật vậy, làm sao có thể chấp nhận rằng người thợ này đã giết những khách hàng vào bậc nhất của mình, những người giàu có và hào phóng (anh ta thừa nhận điều đó), họ đã trả những ba ngàn đồng trong hai năm qua (sổ sách của anh đã chứng minh điều ấy).

 

Chỉ có một lời giải thích duy nhất: trong một lúc anh không tự chủ được mình, và định kiến của kẻ không thuộc vào đẳng cấp nào của xã hội, muốn trả thù hai người tư sản của tất cả bọn tư sản; và viên luật sư khéo léo ám chỉ đến cái biệt hiệu “Trưởng Giả” mà người trong làng đặt cho kẻ bị bỏ rơi này; ông ấy can thiệp:

 

– Thật là một điều trớ trêu, và lại thêm một động lực cho cậu bé bất hạnh không cha cũng không mẹ kia! Anh là một đảng viên Cộng hòa, đảng mà đơn giản đốt nhà là một nguyên tắc và giết người là một phương tiện.

 

Những luận thuyết đau buồn ấy giờ đây đã được đón nhận trong những buổi hội họp, đã khiến cho người bạn đây mất phương hướng. Anh ta đã nghe những phụ nữ, vâng chính những phụ nữ muốn đòi nợ máu nào là ông Gambetta này, ông Grevy nọ; đầu óc bệnh hoạn của anh đã chao đảo; anh chỉ muốn đòi nợ máu của giới trưởng giả!

 

Kẻ bị buộc tội không phải là anh ta, thưa quý tòa, mà chính là Cộng đồng!

 

Dưới cử tọa râm ran tiếng tán thành lập luận của luật sư. Có vẻ như ông ta đã thắng kiện.

 

Công tố viên không có phản ứng gì.

 

Quan toà liền đặt câu hỏi thường tình:

 

–  Bị cáo, anh có thêm gì để bào chữa không?

 

Anh ta người nhỏ thó, tóc vàng ươm, đôi mắt trong xám, ánh mắt nghiêm nghị. Vừa nghe thấy anh cất tiếng nói là những ý nghĩ không tốt về anh tan biến mất. Giọng anh to và chững chạc, dùng lời lẽ có vẻ hoa mỹ nhưng rất rõ ràng đến cuối căn phòng rộng lớn người ta cũng có thể nghe được:

 

– Thưa quan toà, tôi không muốn vào nhà thương điên, tôi muốn bị treo cổ hơn, nên tôi sẽ khai tất cả sự thật. Tôi đã giết người đàn ông và người phụ nữ ấy bởi vì họ là cha mẹ của tôi.

Bây giờ, xin hãy nghe và phán xét tôi. Một người đàn bà sinh ra một bé trai và gởi nó đi một nơi xa giao cho vú nuôi. Bà ấy có biết rằng người a tòng với bà đã đem sinh vật nhỏ bé vô tội kia đi đâu, sống một cuộc sống đốn mạt như thế nào, lý do là sự nhơ nhuốc của một đứa con không hợp lệ, và còn tệ hơn thế nữa: nó gần kề với cái chết, bởi vì nó đã bị bỏ rơi, người vú nuôi không còn nhận được phụ cấp, để cho nó chết mòn, đói khát, không ai chăm sóc? Người phụ nữ nuôi tôi thật sự là một người tốt, thật sự tốt, cao cả, có đức tính phụ nữ, có tình mẫu tử hơn người đã sinh ra tôi, người mẹ của tôi. Bà ấy đã nuôi nấng tôi; bà ấy đã sai khi làm bổn phận của bà. Có lẽ tốt hơn là nên để cho những kẻ khốn cùng như tôi tiêu tùng, bị ném đến những ngôi làng ở ngoài thành, y như người ta vứt rác ra ngoài bìa rừng.

 

Tôi lớn lên với cảm giác mơ hồ là tôi mang một nỗi nhục nào đó. Một hôm các bạn gọi tôi là “con hoang”. Chúng không hiểu từ đó có nghĩa gì, một đứa nào đã nghe ba mẹ nó nói; tôi cũng không hiểu rõ, nhưng tôi cảm nhận được.

 

Tôi có thể nói cho quý vị biết tôi là một trong những học trò thông minh nhất trong làng. Thưa quan tòa, tôi có thể là một người lương thiện, một con người cao thượng, nếu như cha mẹ tôi không phạm trọng tội là bỏ tôi. Trọng tội ấy, chính họ đã phạm với tôi; tôi là nạn nhân, họ là thủ phạm. Tôi không được bảo vệ, còn họ thì không có được sự tha thứ.

 

Đáng lý ra họ phải thương yêu tôi: đằng này họ đã ruồng bỏ tôi. Tôi có được cuộc sống là nhờ họ, nhưng cuộc sống có phải là món quà không? Đối với tôi, dù sao đi nữa, cuộc sống chỉ là tai họa. Sau khi bị họ bỏ rơi một cách nhục nhã, điều mà tôi chỉ có thể đáp lại là trả thù… Và với tôi, họ đã thực hiện hành động vô nhân đạo nhất, kinh khủng nhất, bỉ ổi nhất đối với một sinh vật.

 

Tôi đã bị cướp, bị lừa dối, bị đọa đày, bị xúc phạm, bị sỉ nhục, hơn tất cả những người mà quý vị có thể du di tha thứ được.

Tôi đã trả thù, tôi đã giết. Đó là quyền hợp lý của tôi. Tôi đã lấy đi cuộc sống hạnh phúc của họ để bù lại cuộc sống khủng khiếp mà họ đã buộc tôi phải sống.

 

Quý vị cho tôi là phạm tội giết cha mẹ ư! Họ có phải là cha mẹ tôi không, hay tôi chỉ là một gánh nặng ghê tởm, một nỗi kinh hoàng, một vết nhơ nhớp; sự ra đời của tôi là một tai họa, và cuộc sống của tôi là một mối đe dọa cho họ? Họ chỉ biết lòng ích kỷ; họ đã có một đứa con không mong đợi. Họ vứt bỏ đứa trẻ. Bây giờ đến lượt tôi cũng làm như vậy đối với họ.

Quý vị biết không, ngay cả thời gian gần đây tôi cũng có cảm tình với họ. Cách đây hai năm, người đàn ông ấy, lần đầu tiên cha tôi đến nơi tôi làm việc. Tôi không nghi ngờ điều gì, ông đặt làm hai cái tủ. Sau đó tôi biết được qua cha xứ rằng ông ấy đã lần mò tìm ra tin tức của tôi. Rồi ông ấy trở lại vài lần, và trả tiền rất khá cho tôi, có khi nói chuyện này nọ, và tôi thấy mình có cảm tình với ông. Rồi sau đó ông đem vợ của ông đến, bà mẹ của tôi. Khi bà mới bước vào cửa, bà ấy run rẩy dữ dội làm tôi tưởng bà ấy lên cơn bịnh thần kinh. Rồi bà ngồi, và uống nước, và trả lời không đầu đuôi mỗi khi ông ấy hỏi điều gì. Khi họ ra về, tôi nghĩ bà ấy có vẻ lẩn thẩn rồi.

 

Sau đó họ trở lại vài lần.Tôi cũng không đoán biết điều gì; nhưng bỗng một hôm bà ấy hỏi về cuộc sống của tôi, về tuổi thơ, về cha mẹ của tôi. Tôi trả lời: “Thưa bà, cha mẹ tôi là những kẻ khốn nạn đã bỏ rơi tôi!” Vừa nghe như thế, bà ấy ngã ra bất tỉnh. Tôi liền biết ngay đây là mẹ của mình, nhưng bề ngoài tôi không lộ vẻ gì khác thường. Tôi muốn bà ấy sẽ trở lại.

 

Về phần tôi, tôi đi hỏi thăm đây đó và biết rằng họ mới cưới nhau vào tháng bảy vừa rồi, bà ấy mới trở nên góa bụa từ ba năm nay. Người làng bàn tán rằng hai người này đã đi với nhau từ lúc người chồng trước của bà còn sống, nhưng không ai có bằng chứng. Chính tôi là bằng chứng, một bằng chứng mà lúc đầu người ta giấu nhẹm đi, rồi sau đó hy vọng sẽ tiêu huỷ.

 

Tôi đợi chờ. 

 

Một buổi tối, bà ấy đến, và cha tôi cũng đi cùng. Hôm ấy bà có vẻ xúc động hơn thường ngày, tôi không hiểu tại sao. Lúc ra về, bà nói: “Ta muốn cho chú mày sống tốt, vì chú mày có vẻ lương thiện và siêng năng; một ngày nào đó chú em sẽ cưới vợ, và ta sẽ giúp chú em tìm một cô gái thích hợp với chú, một lần ta đã bị ép gả cho một người mà ta không thích, và ta đã biết thế nào là đau khổ. Bây giờ ta giàu có, và không có con. Ta tặng chú món tiền để làm vốn”. Bà đưa cho tôi một bì thư lớn có niêm phong. Tôi nhìn bà chằm chằm và hỏi: “Bà là mẹ tôi phải không?” Bà bước lùi ra xa và lấy tay che mặt để khỏi nhìn thấy tôi. Còn ông ấy, người cha của tôi, vịn đỡ bà và la lên: “Mày điên rồi à!” Tôi trả lời: “Tôi không hề điên chút nào, thưa ông. Tôi biết rõ ông bà chính là cha mẹ của tôi. Không dễ lừa tôi đâu. Hãy thú thật điều đó, và tôi sẽ giữ bí mật, tôi không làm gì ông bà đâu; tôi vẫn là một người thợ mộc như hiện nay, sẽ không có gì thay đổi”.

 

Ông ấy thụt lùi phía cửa, vẫn ôm bà vợ đang khóc. Tôi liền chạy đến khóa trái cửa lại, cất chìa vào túi quần, và nói tiếp:  “Hãy nhìn bà ta đi và tiếp tục chối rằng bà không phải là mẹ của tôi”. Ông ấy liền nổi giận, mặt mày xanh lét, kinh hoàng vì nghĩ rằng việc im lặng từ xưa nay bây giờ có thể bùng phát tai tiếng, và trong một thoáng thì danh dự của họ sẽ bị tan nát, ông ấy lắp bắp: “Mày chỉ là đồ vô lại, mày muốn làm tiền phải không?” Mẹ tôi thì cuống cuồng không ngớt la lên: “Thôi ta hãy đi thôi, đi về nào!” Rồi khi thấy cửa đã bị khóa, ông ấy hét lên: “Nếu mày không mở cửa ra, tao sẽ cho tống mày vào tù về tội đe dọa và bạo lực!” Tôi mở cửa ra và họ liền lao vào trong đêm tối.

 

Và bỗng dưng tôi cảm thấy mình vừa mới bị mồ côi, bị bỏ rơi, bị ném vào cống rãnh. Một cảm giác u buồn não nề, chen lẫn hận thù ghê tởm, xâm chiếm lấy tôi; trong tôi bỗng dấy lên sự đòi hỏi về công lý, chính nghĩa, danh dự, khi tình cảm bị từ chối.

 

Tôi chạy nhanh theo dọc bờ sông Seine vì họ phải theo con đường ấy để đến nhà ga. Chẳng mấy chốc tôi đã đuổi theo kịp họ.

 

Bây giờ màn đêm đã trở nên dày đặc.

 

Tôi bước đi nhè nhẹ, rón rén trên cỏ để họ không nghe thấy. Mẹ tôi vẫn khóc nức nở. Cha tôi thì nói: “Lỗi của em đó. Tại sao em cứ nằng nặc đòi đến thăm nó? Với tình trạng hiện nay của chúng ta, đó là một việc điên rồ. Chúng ta có thể lo cho nó mà không cần phải chường mặt đến như thế. Chúng ta không thể nào nhận nó làm con một cách chính thức, tại sao phải dấn thân vô những việc nguy hiểm như thế?” Nghe đến đây, tôi liền lao đến trước mặt họ, dáng điệu cầu khẩn. Và tôi lắp bắp:

“Thấy chưa, ông bà thật sự là cha mẹ của tôi rồi. Trước đây các người đã vứt bỏ tôi, bây giờ các người còn muốn hắt hủi tôi nữa sao?” Thế rồi, dạ thưa quan toà, ông ấy đã giương cao cánh tay lên, tôi xin lấy danh dự mà thề, trên luật pháp, trên chính quyền, thưa quý vị, và ông giáng xuống người tôi. Vâng ông ấy đã đánh tôi, và khi tôi nắm lấy cổ áo ông ta, ông rút khẩu súng lục từ túi ra.

 

Tôi nhìn thấy màu đỏ, tôi cũng không biết nữa, tôi liền lấy cái com-pa trong túi ra; rồi tôi cứ thế mà đâm vào ông ta, đâm và đâm liên tục, hết sức mình. Thế rồi mẹ tôi la toáng lên: “Cứu tôi với! Cứu tôi với! Giết người!” vừa nắm lấy râu cằm của tôi. Rồi hình như là tôi cũng đã giết bà ấy.

 

Trời ơi, lúc đó tôi còn biết tôi đã làm gì hở trời?

 

Sau đó, khi nhìn thấy cả hai đều nằm bất động, tôi đã mang họ ném xuống sông Seine, không nghĩ ngợi gì nữa…

 

Sự việc là như thế đó. Bây giờ, xin hãy phán xử tôi đi.

 

Bị cáo ngồi xuống. Sau khi nghe lời thú tội như thế, phiên tòa được dời lại vào hôm sau. Và tòa sẽ xét xử thôi.

 

Đối với một vụ án như thế, nếu chúng ta là quan tòa, hoặc trong ban hội thẩm, thì chúng ta sẽ xử như thế nào đây?

 

– Guy de Maupassant

tháilan dịch

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Tôi xin kể bạn nghe câu chuyện về hai ngôi làng, một của người Bahnar và làng kia của người J’rai trên vùng cao nguyên Trung phần Việt Nam, bây giờ được nhập chung là tỉnh Gia Lai-Kontum. Nói rõ hơn một chút, Làng Hồ, ngôn ngữ Bahnar là Kontum; Làng Đuôi, tiếng J’rai là Pleiku...
Làm người Huế là đã mang một cái “nghiệp” tha hương. Vì đất thì chật mà lòng người thì rộng lớn nên không giữ được những bước chân ôm mộng viễn xứ sông hồ. Huế kỳ cục, ở thì không thấy thương mà đi xa rồi mới quay quắt nhớ. Nhớ đất, nhớ quê có khi di lụy cả một đời…
Nhà Trần đã khởi nghiệp với năm vị vua liên tiếp đều là những bậc anh hùng. Mặt ngoài các ngài đã lập được những chiến công hiển hách, đẩy lùi được mấy cuộc xâm lăng của lũ cường khấu phương Bắc. Mặt trong các ngài lại giỏi việc văn trị, cố gắng lo cho muôn dân được sống trong cảnh no ấm, yên vui. Thời kỳ vinh quang, thịnh vượng đó đã kéo dài gần một trăm năm...
Cầu Hội có dáng “hình thang” thật đơn giản, cao và thông thoáng. Chỉ là chiếc cầu gỗ mảnh khảnh nên nó lại phù hợp, hài hòa với sự êm đềm lắng đọng của cảnh vật chung quanh. Vì cầu Hội cao và thông thoáng nên thuyền qua lại ngược xuôi dưới gầm cầu được dễ dàng. Dưới gầm cầu, bóng núi và mây vẫn lung linh, trôi chảy theo dòng suối mà không bị vướng mắt, hay bị cắt ngang hoặc che lấp...
Tim, mối tình đầu của Lily vừa chia tay, anh ta đã có người yêu khác. Lily đang thất tình đang đau khổ. Tim làm việc ngành tài chính ngân hàng, chàng trai có công việc tốt, đẹp trai, lịch sự đỏm dáng, luôn khéo ăn nói làm vừa lòng mọi người...
Như Ý đã trên bốn mươi, nhan sắc trung bình hay hơn trung bình một tí. Khuôn mặt trái soan, mái tóc dài, cao trên thước sáu đã níu lại được cái dáng đi hấp tấp, nhanh lẹ của cô.
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.