Hôm nay,  

“Mợ”*

17/02/202300:00:00(Xem: 2274)

Truyện ngắn “Sweetness” của Toni Morrison - Nobel Prize 1993.

 

Ngu Yên dịch

Toni Morrison
Toni Morrison - Tiểu thuyết gia Hoa Kỳ (1931 – 2019), Giải National Book Critics Circle Award, 1977. Giải Pulitzer Price for Beloved, năm 1987. Nobel Prize năm 1993. Lãnh huy chương Medal of Freedom năm 2012. Hiện diện trong National Women’s Hall of Frame, năm 2020.
 
Không phải lỗi của tôi. Vì vậy, tôi không thể gánh chịu. Tôi chẳng những không làm chuyện này mà còn không biết nó xảy ra như thế nào. Không mất hơn một giờ, sau khi họ kéo con bé ra khỏi giữa hai chân, lúc đó, tôi mới nhận ra có điều gì đó không ổn. Thực là sai lầm. Nó đen đến nỗi làm tôi kinh sợ. Đen nửa đêm, đen Sudan. Tôi có màu da ít đen, tóc đẹp, gọi là vàng lợt, và bố của Lula Ann cũng vậy. Không ai trong gia đình có màu da gần giống màu này. Tar là người gần giống nhất mà tôi có thể nghĩ đến, nhưng tóc của nó không hợp với da. Khác hẳn - thẳng nhưng xoăn, giống như tóc của những bộ lạc khỏa thân ở Úc. Có thể nghĩ con bé là một nhân vật tổ tiên đầu thai, nhưng đầu thai cái quái gì? Các người nên gặp bà tôi; bà theo phe người da trắng, kết hôn với đàn ông da trắng, không bao giờ nói lời nào với bất cứ con cái của bà. Nếu bà nhận được bất kỳ lá thư nào từ mẹ tôi hoặc từ các dì, chưa kịp mở, bà đã gửi trả lại ngay. Cuối cùng họ nhận được thông báo không có tin nhắn và để cho bà yên. Hầu như tất cả các loại người da trắng lai đen và lai một phần tư máu lạ đã làm nhu vậy trước đây— nghĩa là có loại tóc phù hợp. Các người có thể tưởng tượng có bao nhiêu người da trắng mang trong mình dòng máu Da đen không? Đoán. Tôi nghe nói hai mươi phần trăm. Mẹ tôi, Lula Mae, lẽ ra có thể sống dễ dàng, nhưng bà đã chọn không làm như vậy. Bà nói với tôi cái giá phải trả cho quyết định đó. Khi bà và cha tôi đến tòa án để làm lễ kết hôn, có hai cuốn Kinh thánh, và họ phải đặt tay lên cuốn dành riêng cho người da đen. Cuốn còn lại dành cho bàn tay người da trắng. Kinh Thánh! Có thể vượt lên nó không? Mẹ tôi là quản gia cho một cặp vợ chồng da trắng giàu có. Họ ăn mọi bữa ăn do bà nấu và khăng khăng đòi bà kỳ lưng khi ngồi trong bồn tắm, và chỉ có Chúa mới biết họ bắt bà làm những việc thân mật nào khác, ngoại trừ việc không đụng đến cùng một cuốn Kinh thánh.

Một số người có thể nghĩ, thật tệ khi tự phân nhóm theo màu da—càng lợt càng tốt—trong các câu lạc bộ xã hội, khu dân cư, nhà thờ, hội nữ sinh, thậm chí cả trường da màu. Nhưng làm thế nào khác để chúng ta có thể giữ một chút phẩm giá? Còn cách nào khác để không bị khạc nhổ trong hiệu thuốc, bị thúc cùi chỏ ở bến xe buýt, phải đi bộ trong rãnh nước để người da trắng có toàn thể vỉa hè, bị tính tiền xu ở cửa hàng tạp hóa cho một chiếc túi giấy, mà nó miễn phí cho người da trắng mua hàng? Đừng quan tâm đến những tên gọi. Tôi đã nghe tất cả những điều đó và nhiều, nhiều hơn nữa. Nhưng vì màu da của mẹ tôi, bà không ngừng thử mũ hoặc sử dụng phòng vệ sinh nữ trong các cửa hàng bách hóa. Và cha tôi có thể thử giày ở phần phía trước cửa hàng, không phải ra phòng phía sau. Bố mẹ tôi không uống từ đài phun nước "Chỉ dành cho da màu", ngay cả khi họ sắp chết khát.

Tôi ghét phải nói ra điều này, nhưng ngay từ đầu trong phòng hộ sinh, đứa bé, Lula Ann, đã làm tôi xấu hổ. Làn da khi mới sinh của con bé nhợt nhạt như tất cả trẻ sơ sinh, kể cả trẻ em châu Phi, nhưng nó thay đổi nhanh chóng. Tôi tưởng mình phát điên khi nó chuyển sang màu xanh đen ngay trước mắt. Tôi biết mình đã phát điên trong một phút, bởi vì—chỉ trong vài giây thôi—tôi đã trùm chăn lên mặt nó và ấn chặt xuống. Nhưng không thể làm thế, dù đã ước gì con bé không sinh ra với màu sắc khủng khiếp đó. Thậm chí, còn nghĩ đến chuyện đưa nó đến trại trẻ mồ côi ở một nơi nào. Nhưng sợ trở thành một trong những bà mẹ để con ở bậc thềm nhà thờ. Mới đây, nghe nói, một cặp vợ chồng ở Đức, da trắng như tuyết, sinh đứa con da ngăm đen mà không ai giải thích được. Tôi tin là sinh đôi - một da trắng, một đen, nhập lại. Nhưng không biết nếu chuyện này là sự thật. Tất cả những gì biết được, đối với tôi, cho con bé bú giống như để con chim chích chòe mút vú. Tôi chuyển sang cho nó bú bình ngay khi về đến nhà.

Chồng tôi, Louis, là một người khuân vác, khi anh bước ra khỏi chỗ làm, anh nhìn như thể tôi thực sự bị điên và đứa bé giống như đến từ hành tinh sao Mộc. Anh không phải là người hay chửi thề, nhưng khi ấy, anh nói, “Mẹ nó! Cái quái gì đây?” Tôi biết chúng tôi đang gặp rắc rối. Đó là điều đã xảy ra - điều đã gây mâu thuẫn giữa tôi và anh ta. Nó đã phá vỡ cuộc hôn nhân thành từng mảnh.

Chúng tôi có ba năm tốt đẹp sống bên nhau, nhưng khi con bé chào đời, anh đổ lỗi cho tôi và đối xử với Lula Ann như thể người xa lạ—hơn thế nữa, là một kẻ thù. Anh chưa bao giờ chạm vào nó.

Tôi không bao giờ thuyết phục anh ta, tôi chưa bao giờ lẳng lơ với người đàn ông khác. Anh ta tin chắc như đinh đóng cột là tôi nói dối. Chúng tôi tranh luận mãi cho đến khi phải nói, màu da đen của con bé đến từ phía gia đình anh, không phải bên tôi. Đó là lúc mọi chuyện trở nên tồi tệ, tệ đến mức anh đứng dậy, bỏ đi, còn tôi phải tìm một nơi khác rẻ tiền để thuê ở. Đã làm hết sức mình. Tôi biết đủ, không đưa con bé theo khi đến nộp đơn cho chủ nhà, gửi nó cho đứa em họ tuổi vị thành niên giữ giùm. Dù sao thì tôi cũng không đưa nó ra ngoài nhiều, bởi vì, khi đẩy nó trong xe nôi, mọi người sẽ cúi xuống nhìn vào để nói điều gì đó tốt đẹp rồi giật mình hoặc nhảy lùi lại trước khi cau mày. Việc như vậy gây tổn thương. Tôi có thể làm người trông trẻ nếu màu da của chúng tôi bị đảo ngược. Chỉ là một người phụ nữ da màu - thậm chí là một người da vàng lợt - cố gắng thuê nhà ở một khu đàng hoàng trong thành phố đã đủ khó rồi. Quay trở lại những năm 1990, khi Lula Ann ra đời, tuy luật cấm phân biệt đối xử với người đi thuê nhà, nhưng ít chủ nhà chú ý đến luật này. Họ tạo ra lý do để gạt người da màu ra ngoài. Nhưng tôi đã gặp may với ông Leigh, mặc dù biết ông ấy đã tăng tiền thuê nhà bảy đô la so với những gì ông đã quảng cáo, và ông ấy sẽ nổi cơn tam bành nếu chậm trả tiền một phút.

Tôi bảo con bé gọi tôi là “mợ” (sweetness) thay vì “mẹ” (mother) hay “má” (mama). Như vậy, an toàn hơn. Con bé đen như vậy và đôi môi quá dày mà gọi tôi là “mẹ” sẽ khiến mọi người bối rối. Bên cạnh đó, nó có đôi mắt có màu sắc ngộ nghĩnh, màu đen như mỏ quạ với ánh xanh—điều gì đó rất phù thủy ở trong đôi mắt.

Vì vậy, chỉ có hai chúng tôi trong một thời gian dài, và không cần phải kể cho ai biết đời sống của người vợ bị bỏ rơi khó khăn như thế nào. Tôi đoán Louis cảm thấy xấu xa sau khi bỏ rơi chúng tôi, bởi vì vài tháng sau, anh ấy biết nơi tôi  ở và bắt đầu gửi tiền mỗi tháng một lần, mặc dù tôi chưa bao giờ yêu cầu, cũng không đến tòa án để xin trợ cấp. Các phiếu chuyển tiền năm mươi đô la của anh và công việc ban đêm của tôi tại bệnh viện đã khiến tôi và Lula Ann không được hưởng phúc lợi. Đó là một điều tốt. Tôi ước họ ngừng gọi là phúc lợi và quay trở lại danh từ họ đã sử dụng khi mẹ tôi còn thiếu nữ. Hồi đó, họ gọi là "cứu trợ." Nghe có vẻ hay hơn, giống như đó chỉ là một khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn hạn trong khi điều chỉnh bản thân. Còn nữa, những nhân viên phúc lợi có ý nghĩa như nhổ nước bọt. Cuối cùng khi có việc làm và không cần đến họ, tôi kiếm được nhiều tiền hơn họ từng làm. Tôi đoán, sự hèn hạ đã lấp đầy những tấm séc lương ít ỏi của họ, đó là lý do tại sao họ đối xử với chúng tôi như những kẻ ăn xin. Đặc biệt là khi họ nhìn Lula Ann rồi quay lại nhìn tôi—như thể tôi đang cố gian lận hay làm chuyện giấu giếm gì đó. Mọi thứ đã tốt hơn nhưng vẫn phải cẩn thận. Rất cẩn thận trong cách nuôi dạy con bé. Tôi phải nghiêm khắc, rất nghiêm khắc. Lula Ann cần học cách cư xử, cách cúi đầu và không gây rắc rối. Tôi không quan tâm nó đổi tên bao nhiêu lần. Màu sắc của nó là cây thánh giá mà nó sẽ luôn luôn mang theo. Nhưng đó không phải là lỗi của tôi. Đó không phải lỗi của tôi. Không thể.

Ồ đúng rồi, đôi khi tôi cảm thấy tồi tệ về cách đối xử với Lula Ann khi con bé còn nhỏ. Nhưng các người phải hiểu: tôi cần bảo vệ nó. Con bé chưa biết gì về thế giới bên ngoài. Với làn da đó, không có lý do gì để trở nên cứng rắn hay hỗn xược, ngay cả khi mình đúng. Không phải trong một thế giới có thể bị tống vào trại giam dành cho trẻ em vị thành niên vì dám cãi lại hoặc đánh nhau ở trường, một thế giới mà bạn là người cuối cùng được tuyển dụng và là người đầu tiên bị sa thải. Con bé không biết bất kỳ điều gì trong số đó hoặc làn da đen của nó sẽ khiến người da trắng sợ hãi như thế nào hoặc khiến họ cười và cố lừa cô ấy ra sao. Tôi đã từng nhìn thấy một cô bé đen không bằng Lula Ann. Không quá mười tuổi bị vấp ngã bởi một trong nhóm các cậu bé da trắng. Khi cô cố bò dậy, một cậu bé khác đã đạp vào lưng và hất cô ra, nằm sấp bằng phẳng. Mấy đứa đó ôm bụng cười nghiêng ngả. Rất lâu sau khi cô ấy đi, họ vẫn cười khúc khích, rất tự hào về bản thân. Nếu không nhìn qua cửa sổ xe buýt thì tôi đã giúp cô ấy, kéo cô ra khỏi thùng rác màu trắng đó. Thấy chưa, nếu tôi không huấn luyện Lula Ann đúng đắn thì nó không biết cách băng qua đường và tránh những cậu bé da trắng. Nhưng những bài học tôi dạy cho nó đã được đền đáp, và cuối cùng nó khiến tôi tự hào như một con công xòe đuôi.

Tôi không phải là một mẹ tồi, các người phải biết điều này, nhưng tôi có thể đã làm một số điều gây tổn thương cho đứa con duy nhất vì tôi phải bảo vệ nó. Phải. Tất cả chỉ vì đặc quyền của làn da. Lúc đầu, tôi không thể nhìn qua tất cả màu đen để biết con bé là ai và chỉ đơn giản là yêu nó. Nhưng tôi đã làm. Thực sự làm. Tôi nghĩ bây giờ cô ấy đã hiểu. Tôi nghĩ như vậy.

Hai lần trước tôi gặp cô ấy, rất nổi bật. Loại táo bạo và tự tin. Mỗi lần cô đến gặp, tôi quên mất cô thực sự đen như thế nào vì cô đã tận dụng điều đó để làm lợi thế cho mình trong bộ quần áo trắng đẹp đẽ.

Đã dạy cho tôi một bài học mà lẽ ra tôi phải biết từ lâu. Chúng ta nên làm gì với trẻ em, chuyện đó rất quan trọng. Và họ có thể không bao giờ quên. Ngay khi có thể, cô ấy bỏ mặc tôi một mình trong căn hộ tồi tệ đó. Cô tránh xa tôi hết mức có thể: trang điểm kỹ lưỡng và kiếm một công việc quan trọng ở California. Cô không gọi điện hay thăm hỏi nữa. Thỉnh thoảng gửi tiền và đồ đạc cho tôi, nhưng  không gặp nhau trong bao lâu, tôi không nhớ.
Tôi thích nơi này - Winston House - hơn là những viện dưỡng lão lớn, đắt tiền bên ngoài thành phố. Phòng của tôi nhỏ, ấm cúng, rẻ hơn, với y tá 24 giờ và bác sĩ đến hai lần một tuần. Tôi mới sáu mươi ba tuổi - còn quá trẻ để chăn thả gia súc - nhưng tôi đã mắc một số bệnh nan y về xương, vì vậy việc tự chăm sóc trở thành quan trọng. Sự buồn chán còn tồi tệ hơn cả sự yếu đuối hay đau đớn, nhưng các y tá rất đáng yêu. Một người vừa hôn lên má tôi khi tôi nói với cô, tôi sắp lên chức bà ngoại. Nụ cười và lời khen của cô phù hợp với một người sắp đăng quang. Tôi cho cô ấy xem bức thư trên giấy màu xanh mà tôi nhận được từ Lula Ann—à, con gái đã ký tên là “Cô dâu,” nhưng tôi không bao giờ chú ý đến điều đó. Lời nói của cô ta nghe có vẻ ngông cuồng. “Đoán xem, mẹ. Con rất, rất vui khi được thông báo tin này. Con sắp có em bé. Con quá vui mừng và hy vọng mẹ cũng vậy." Tôi cho rằng, điều hồi hộp là đứa bé chứ không phải cha nó, bởi vì cô  không hề nhắc đến anh ta. Không biết anh có đen như cô không. Nếu vậy, cô không cần phải lo lắng như tôi đã bị. Mọi thứ đã thay đổi một chút so với thời tôi còn trẻ. Màu xanh đen xuất hiện khắp nơi trên TV, trên các tạp chí thời trang, quảng cáo, thậm chí là trong các bộ phim điện ảnh.

Không có địa chỉ trả lại trên phong bì. Vì vậy, tôi đoán mình vẫn là người mẹ tồi bị trừng phạt mãi mãi cho đến ngày chết vì mục đích tốt và trên thực tế là cách cần thiết mà tôi đã nuôi dạy đứa con gái. Tôi biết con mình oán hận mình. Mối quan hệ phụ thuộc vào việc cô ấy gửi tiền. Phải nói rằng tôi rất biết ơn vì số tiền đó, vì không phải xin thêm như một số bệnh nhân khác. Nếu muốn bộ bài mới riêng để chơi solitaire, có thể mua và không cần chơi với bộ bài bẩn thỉu, sờn rách trong phòng khách. Và có thể mua kem bôi mặt đặc biệt. Nhưng tôi không bị lừa. Tôi biết số tiền cô gửi là một cách để tránh xa và xoa dịu chút lương tâm còn sót lại.

Nếu tôi tỏ ra cáu kỉnh, bạc bẽo, một phần vì ẩn sâu trong đó là sự hối hận. Tất cả những điều nhỏ nhặt tôi đã không làm hoặc làm sai. Nhớ khi cô ta có kinh lần đầu tiên và cách tôi phản ứng. Hay những lần tôi hét lên khi cô vấp ngã hoặc đánh rơi thứ gì đó. Đúng vậy. Tôi thực sự rất khó chịu, thậm chí còn ghê tởm bởi làn da đen khi cô ta sinh ra và lúc đầu tôi nghĩ đến việc . . . Không. Tôi phải đẩy những ký ức đó đi—nhanh lên. Không ích gì. Tôi biết tôi đã làm điều tốt nhất cho cô ta trong hoàn cảnh như vậy. Khi người chồng bỏ rơi chúng tôi, Lula Ann là một gánh nặng. Một cái nặng, nhưng tôi đã chịu đựng kiên trì.

Vâng, tôi đã rất khó với cô ấy. Các người có thể cá cược tôi thắng. Khi cô mười hai, sắp mười ba tuổi, thậm chí tôi còn phải cứng rắn hơn. Cô thường cãi lại, không chịu ăn những gì tôi nấu, không muốn tôi chải tóc. Tôi thắt bím, khi cô đến trường sẽ cởi bím ra. Không thể để cô trở nên tồi tệ. Tôi đóng nắp điện thoại lại và cảnh cáo một số tên mà cô đã gọi. Tuy nhiên, một số dạy dỗ của tôi chắc hẳn đã bị rơi rụng. Bây giờ, thấy chưa, cô đã như thế nào? Một cô gái có sự nghiệp giàu sang. Tôi có thể hơn chăng?

Bây giờ cô đang mang thai. Tốt lắm, Lula Ann. Nếu con nghĩ rằng làm mẹ chỉ có nấu ăn, mặc quần áo và thay tã thì con sẽ bị sốc nặng. Con và bạn trai, hoặc chồng, hoặc người bán hàng không tên- bất cứ ai - hãy tưởng tượng, A aa! Đứa bé! Cúc cu! cúc cu!

Lắng nghe mẹ. Con sắp sẽ phải tìm hiểu nó cần những gì, thế giới của nó như thế nào, nó hoạt động ra sao và nó sẽ thay đổi khi con làm mẹ. Chúc may mắn và xin Chúa giữ gìn đứa trẻ.
 
Toni Morisson, Ngu Yên dịch
 
Ghi chú:
(*) “Sweetness” danh từ lóng dùng để gọi. Có thể dịch là “cưng” cho những vai vế nhỏ hơn, như cục cưng; hoặc cho tình nhân, như em cưng, anh cưng. Nhưng không thể sử dụng thay thế vai trò người mẹ. Tiếng Việt không có từ tương đương. Tôi tạm dùng từ “mợ” để tránh từ trực tiếp “mẹ” “má” như tác giả muốn mô tả trong truyện.
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau dịp lễ Noel là không khí tháng chạp lấp ló đầu ngõ rồi! Thời tiết mùa đông lạnh lẽo đã dần nhường chỗ cho gió xuân về mơ màng trong sương sớm. Khoảng mùng 5 tháng chạp là mọi người đi tảo mộ đông vui. Đươc gặp bà con, họ hàng nội ngoại chào nhau tíu tít sau một năm tất bật là thấy tết đã sắp sửa cận kề. Tết không chỉ là niềm trông đợi của trẻ thơ mà còn là niềm vui của người lớn. Xưa chừ người ta thường nói vui như tết mà!
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.