Hôm nay,  

Mai Tết

28/01/202313:38:00(Xem: 1896)
Truyện

hoa mai

Đám lá mai xanh um phủ kín mặt đất, cội mai già giờ nhìn như bộ xương khô, gốc sần sùi to chà bá mà các cành lại khẳng khiu, những nụ mai bé xíu và nhọn như đầu mũi tên. Thằng Thọ bắt cái ghế cao để lặt tiếp những cành lá còn sót ở trên cao, vừa lặt vừa lẩm bẩm:

 

- Búp quá trời luôn, tết này chắc nở rực rỡ luôn!

 

Thằng Thảo, em kề nó đang cào hốt đám lá mai, giọng trong trẻo cất lên:

 

- Anh hai, lá mai nhiều quá, giống như lá mùa thu ở xứ lạnh hén!

 

- Lo cào đi mậy! Bày đặt mơ mộng lá rụng mùa thu.

 

- Anh hai, nhà chị Mai bạn anh có hàng mai trước nhà đẹp bá cháy luôn, tết nào cũng nở vàng um cả sân. Mà nhà chị Mai toàn con gái hổng biết có ai lặt lá giùm không?

 

Thằng Thảo cà chớn, cà khịa với thằng Thọ. Nó biết anh nó thích nhỏ Mai, năm rồi thằng Thọ sang nhà nhỏ Mai lặt lá mai cả mấy buổi chiều. Nhỏ Mai học chung lớp với Thọ, hai đứa thường đi học chung đường, bề ngoài thì là bạn bè nhưng tình ý đã lắm rồi, tuy cả hai còn e dè. Đứa nào cũng giả đò vu vơ nhưng làm ánh mắt đã nói lên hết, đôi khi người ta cũng bắt quả tang hai đứa ôm nhau dấm dúi hôn lén sau gốc dừa.  Nhà thằng Thọ gần trường, vậy mà ngày nào nó cũng đèo con nhỏ ngược xuống xóm chợ sau đó mới quay về nhà. Thằng Thảo cứ mè nheo:

 

- Sao anh hai đèo chị Mai về nhà  chỉ chi cho xa vậy? Chỉ biết đạp xe mà!

 

Thằng Thọ nạt:

 

- Mầy con nít biết gì mà nói, lỡ Mai hư xe giữa đường rồi bị người ta thả dê thì sao?

 

- Vậy chứ anh đang thả dê chị Mai đó!

 

Thằng Thọ cốc đầu Thảo:

 

- Nói xàm hả mậy? anh đâu có thả dê, anh ga lăng nha mậy!

 

- Ủa, ga lăng là phải chở người ta đi học rồi phải chở dìa hả? Vậy thì mệt thấy mồ, em hổng thèm ga lăng đâu!

 

- Mầy ngon! mai mốt lớn rồi biết.

 

Hai anh em vừa nói và làm thêm một chặp nữa là tới bữa cơm, cây mai cũng lặt xong xuôi. Buổi chiều thằng Thọ qua nhà Mai để giúp lặt lá mai cho kịp tết, đã đầu tháng chạp rồi, lẽ ra phải lặt sớm hơn nhưng vì ba nhỏ Mai bận mà chị em nó thì đâu biết làm chuyện này. Cũng may thời tiết năm nay nắng ấm ít mưa nên có lặt lá trễ chút cũng còn kịp chơi tết. Thằng Thọ cặp kè với nhỏ Mai, hai đứa coi bộ xứng đôi lắm. Ai cũng nói nồi nào úp vung đó, con Mai mà ưng thằng Thảo thì rất hợp nhau, mặc dù hai đứa còn đang đi học. Thằng Thảo cao to, nhổ giò trổ mã từ năm lớp mười một, giờ trông nó chững chạc và đẹp trai như tài tử Hàn Quốc. Nhỏ Mai cũng đâu có kém cạnh gì, trắng da dài tóc, mặt chữ V xinh xắn không khác gì mấy ca sĩ Kpop. Bạn bè ghép đôi hai đứa là cặp đôi hoàn hảo.

Bà Thanh, má của Thọ kín đáo quan sát lén con Mai và bả có vẻ ưng bụng lắm. Bả nhìn thấy bóng dáng bả hồi trẻ qua dáng dấp con Mai. Hồi đó bả cũng trạc tuổi Mai bây giờ. Ông Thành, ba Thọ mê bả như trâu đực phải mùi trâu cái, cứ bám riết không rời. Học xong cấp ba, bạn bè lên Sài Gòn thi đại học, Thành thì không, nhất định đòi cưới vợ để lo làm ăn. Nội Thọ cũng khá giả và chìu con nên nhờ mai mối đi hỏi Thanh, thế rồi đám cưới cái rụp luôn, cuối năm ấy thì thằng Thọ ra đời vậy mà mãi bảy năm nữa mới có thằng Thảo.

 

Buổi chiều ông Thành đi công việc bèn kêu thằng Thọ làm mấy việc vặt trong nhà nhưng không thấy nó đâu. Thằng Thảo nhanh nhảu méc:

 

- Anh Hai qua nhà chị Mai lặt lá mai đó ba, ảnh nói nhà chị Mai hổng có đàn ông nên ảnh phải giúp.

Ông Thành giận lẫy:

 

- Cái thằng con nít, mới nứt mắt bày đặt! Việc nhà hổng làm mà đi làm việc nhà người ta.

Bà Thanh đang làm mứt tết dưới bếp bật cười:

 

- Cha nào con nấy, hồi nẳm ông cũng vậy mà!

 

Mấy dì đang phụ cắt tỉa bí đao, đu đủ để làm rim, cười chả chớt:

 

- Chời! Con hơn cha nhà có phúc đó anh Thành, con Mai đẹp gái và dễ thương nhứt xóm chợ, nó là hoa hậu đó nha. Thằng Thọ mà cua được nó là giỏi phải biết!

 

Ông Thành bực mình nhưng cũng phải phì cười:

 

- Học hành hổng lo, mới mấy tuổi đầu bày đặt yêu đương.

 

Chị Bốn Lành bên vợ cười giòn như bắp rang:

 

- Nòi tình nó vậy đó chú, hồi đó chú cũng trồng cây si cô Thanh quá trời, có thèm đi học đâu.

 

- Thì hồi đó khác, giờ khác.

 

Chị Bốn Lành chưa trả lời thì bà Bảy trầu đã hớt:

 

- Chú Thành nói vậy trớt quớt à nhen, nòi tình xưa nay y hệt chứ có khác gì đâu! Thời thế có sao thì nòi tình nó cũng chẳng thay đổi gì hết ráo. Ông bà mình nói:” Gái phải hơi trai như thài lài gặp cứt chó” còn trai mê gái rồi thì trời gầm cũng hổng buông.

 

Nói gì thì nói, cả nhà ai cũng thấy thích và ủng hộ thằng Thọ cặp con Mai. Ông Thành miệng nói vậy chứ trong bụng ổng cũng hãnh diện, bữa nhậu nào ổng cũng khoe thằng Thọ giống ổng, ổng tự hào nó cua gái giỏi tức là cũng ngầm ý bản thân ổng giỏi, hổng giỏi sao tán được bà Thanh, hồi đó bả đẹp nhất xóm đình, trai làng đứa nào cũng ngấp nghé. Thằng Thọ và con Thu bây giờ như sao y bản chánh của ổng với bà Thanh ngày xưa. Hai đứa nó còn đi học, hai nhà cũng chưa có qua lại nói năng gì nhưng mỗi khi gặp nhau đều rất thân mật, thậm chí khi người ngoài xúi vào làm sui thì hai bên cùng cười như thể chắc chắn sẽ là vậy.

 

*

 

Chuyện thằng Thọ lặt lá mai cho nhà nhỏ Mai giờ như thương hiệu bay từ xóm trên xuống xóm dưới, từ xóm chùa ra xóm chợ. Ai cũng khen thằng Thọ với con Mai, nhiều người còn nói vô mong sao hai bên tác hợp cho Thọ và Mai. Tuy nhiên cũng có người nghi ngờ:

 

- Thằng Thọ đẹp trai, học giỏi nay mai lên sài Gòn học chắc gì còn nhớ gái dưới quê?

Tiếng đến tai bà Thanh, bả chép miệng:

 

- Hơi đâu miệng đời, chín người mười ý!

 

Những ngày tháng chạp rộn ràng, công việc bù đầu. Thọ ngoài giờ đi học còn phụ má đi lấy nước để làm rim, nước giếng ở nhà bị phèn không làm rim mứt được, nhưng hễ rảnh ra là nó chạy tọt xuống nhà con Mai làm cái này phụ cái kia, riết rồi ai cũng cười:

 

- Điệu này chắc giống ông Thành, cưới vợ sớm cho rồi!

 

Hăm lăm tháng chạp, xóm chợ xôn xao có việt kiều dìa ăn tết, người ta đồn Việt kiều sang lắm, quần áo bảnh bao, tiền bạc rủng roẻn, ăn nhậu giàn trời luôn. Hổng biết ai làm mai dắt mối dẫn đến nhà Mai. Anh Việt kiều trạc bốn mấy, tóc hai bên mai và phía sau ủi thẳng, mái phía trước để dài chải vắt ngược ra sau, quần áo láng lẫy người ta nói đồ hiệu. Việt kiều đeo dây chuyền to tổ chảng, lắc tay, đồng hồ đủ thứ, người xức dầu thơm muốn bể lỗ mũi luôn. Nghe người ta nói Việt kiều tên Kevin N, ở bển làm kỹ sư hóa chất. Má Mai có vẻ hơi khớp trước mối Việt kiều, ngồi khép nép nghe Kevin và người nhà của anh ta nói và cứ dạ dạ liên tục, thỉnh thoảng cũng nói vài câu lấy lệ. Mai ngồi bên cạnh bối rối, có lẽ cũng hơi khớp trước sự sang chảnh của Việt kiều. Mai muốn rút lui xuống bếp nhưng má Mai nắm tay giữ lại. Kevin thì nhìn chằm chặp một cách thô thiển, anh ta quan sát Mai từ đầu tới chân như thể khách đi xem hàng. Kevin bất chấp cả phép lịch sự tối thiểu trong buổi đầu gặp nhau. Anh ta huyên thuyên đủ thứ, khoe có nhà, có xe, có cơ sở làm ăn, khoe đi du lịch đó đây… Cả má Mai và Mai ngồi thụ động chứ biết nói gì, vả lại những điều anh ta nói sao xa lạ với xóm chợ này quá nên có biết đúng sai đâu mà góp lời. Mai tỏ vẻ khó chịu, gỡ tay má  ra và lui xuống nhà sau, sau buổi gặp ấy, má Mai khuyên nhủ:

 

- Thằng đó coi bộ sang trọng và giàu có, lấy nó mai mốt qua Mỹ sống sung sướng, một bước lên xe xuống cộ, thoát khỏi xóm chợ này!

 

Mai vùng vằng:

 

- Con hổng lấy Việt kiều, anh ta có tiền mặc kệ ảnh, cái mặt thấy ưa hổng vô.

 

- Thì cái lối Việt kiều nó khác mình, mình ưng Việt kiều rồi từ từ mình cũng sẽ giống họ thôi!

 

- Ưng sao được, hổng có tình yêu sao sống được hả má?

 

- Nhiều người muốn lấy Việt kiều để được đi Mỹ mà đâu có được. Mình được anh ta để ý chọn cũng là may mắn, đừng bỏ lỡ cơ hội.

 

- Đi Mỹ thì ai hổng ham nhưng con thì không lấy Kevin N đâu!

 

- Thằng Thọ cũng dễ thương, đàng hoàng nhưng cơ hội có một đành phải chọn, dễ gì được đi Mỹ hả con?

 

- Con nói rồi, con không ưng Việt kiều!

 

Hôm sau Thọ ghé nhà Mai, Thọ cảm nhận má Mai bữa nay có vẻ khang khác, chỉ chào nhẹ chứ không vồn vã như mọi khi, trong lòng thấy cũng hơi nhột nhưng không biết nói sao. Thọ xin phép cho Mai đi coi hội hoa xuân, má Mai tỏ ra miễn cưỡng chứ không vui vẻ. Hai đứa đi giữa một rừng hoa muôn màu muôn vẻ, chơ hoa tết hôm nay vào cao điểm rồi, từ giờ cho đến tối ba mươi là lúc quyết định nhà vườn có lời hay thu hồi được vốn hay không. Mai cầm tay chặt tay Thọ, mắt nhìn xa xa theo dãy hàng bông giấy, miệng nói nhỏ:

 

- Hôm qua nhà em có Việt kiều đến thăm, bà Ba Bụng làm mai. Má em muốn gả em cho Việt Kiều.

Thọ chưng hửng, trong lòng bối rối cực độ, vừa thương vừa lo không biết sự thể ra sao. Tâm tư Thọ ngổn ngang những cảm xúc không biết nên nói gì nên nín thinh, cả hai cứ như thế đi giữa hội hoa mà không nói gì thêm, chừng mươi phút sau thì Thọ cố gắng phá vỡ cái không khí như đông cứng giữa hai đứa:

 

- Vậy ý em thì sao?

 

Thọ hỏi mà lòng lo sợ pha lẫn chút ghen, Thọ thương Mai, thương dữ lắm, tất nhiên là Thọ không muốn bất cứ ai khác được quen Mai chứ đừng nói chi là sẽ cưới Mai. Thọ nói trong sự lo âu và phập phồng chờ Mai, chẳng cần đợi lâu. Mai dùng cả hai tay để bóp bàn tay Thọ:

 

- Em không lấy Việt kiều.

 

Thọ im lặng, lòng mừng thấp thỏm nhưng sự hồi hộp đâu dễ cất bỏ đi. Mai không thấy Thọ nói gì bèn ghẹo:

 

- Sao im lặng vậy? Anh ghen hả?

 

Thọ chối và bày tỏ thật thà:

 

- Đâu có ghen, chỉ sợ mất Mai thôi!

 

- Em tin anh nên mới nói cho anh nghe, Việt kiều mặc kệ Việt kiều, em nhất định không ưng Việt kiều!

Mai bẹo má Thọ, nhìn vào mắt Thọ:

 

- Anh ghen sao? Hổng tin em?

 

Thọ xưa nay vốn không giỏi nói, giờ lại càng thấy khó nói hơn nên lời cụt lủn:

 

- Đâu có ghen, mà lấy Việt kiều đi Mỹ cũng sướng.

 

Nói thì nói vậy chứ lòng Thọ như lửa đốt, Thọ sợ mất Mai, Thọ sợ cái hào nhoáng bóng bẩy của Việt kiều sẽ làm Mai xiêu lòng. Thọ cũng biết người ta đồn đãi Việt kiều nhiều tiền lắm, mà ở đời thì nhiều tiền thì gì cũng mua được. Cái mác Việt kiều có giá cao và hấp dẫn, bao nhiêu con gái phụ tình để lấy Việt kiều cho bằng được. Nước Mỹ xa xôi tận đâu đâu nhưng nó có ma lực kinh khủng, ai cũng muốn lấy Việt kiều để được đến nước Mỹ. Người ta sẵn sàng bỏ người mình yêu để lấy người mình không yêu cũng vì để được đi Mỹ. Lòng Thọ bất an, Mai cũng cảm nhận được, biết Thọ đang lo lắng và đau buồn. Mai bóp chặt tay Thọ hơn nữa, dường như muốn truyền tín hiệu yêu thương thật lòng của mình để Thọ hiểu. Một lần nữa Mai nói như đinh đóng cột:

 

- Em không lấy Việt kiều đâu, anh đừng lo!

 

- Ý má em thì sao?

 

- Dĩ nhiên là má em muốn em lấy Việt kiều,  ba má nào mà hổng muốn con cái mình có cuộc sống giàu sang sung sướng. Tuy nhiên má em không thể ép em được, em chỉ yêu mình anh thôi! Mình học xong sẽ cưới nhau nha, sống với anh dù nghèo em cũng hạnh phúc!

 

Thọ bất thần ôm chầm lấy Mai bất chấp đang ở giữa thiên thanh bạch nhật, giữa chợ hoa với biết bao người qua lại. Thọ thì thầm như khóc vì xúc động cực độ:

 

- Cảm ơn em, anh thương em nhiều lắm! Trong lòng anh chỉ có em thôi, đôi mắt em trong hồn anh, mùi thơm của em trong giấc ngủ anh.

 

- Em cũng thương anh nhiều lắm, mai này sống với anh dù ăn mắm em cũng vui lòng.

Hai đứa mãi tâm sự mà quên cả ngắm hoa, chợ hoa cuối năm đông đảo và ồn ào dễ sợ. Người bán rao hàng chào mời, người mua trả giá ì xèo. Người đi ngắm hoa chen chân khắp mọi ngả đường. Thọ cầm chặt tay Mai, hai đứa đi giữa dòng người trẩy hội hoa xuân mà lòng hạnh phúc vô bờ. Thọ đang bay bổng, nên thấy cả chợ hoa này không có loại hoa nào đẹp bằng hoa của lòng mình, Mai là đóa hoa đẹp nhất trần đời.

 

Sáng mùng một tết, mai vàng nở rực rỡ cả sân nhà Thọ, hàng mai nhà Mai cũng rạng rỡ sáng cả một vùng. Mai chưng trong phòng khách làm căn phòng như thể cả màu xuân đang hiện hữu. Sắc mai tươi rói trên gương mặt Thọ và Mai. Hai đứa xúng xính trong tà áo dài có họa tiết cành hoa mai. Hai đứa lễ ông bà xong xin phép đi trẩy hội xuân.

 

– Tiểu Lục Thần Phong

(Ất Lăng thành, 0123)

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Năm tôi lên mười, O Xưa đã trên ba mươi. Ở con đường Nam Giao, thành phố Huế, từ đầu dốc tới cuối dốc, O Xưa đi lên đi xuống hằng ngày giống như một cái bóng, vì hình như O không sống với người. O Xưa sống với ma, người chồng ma của O vô hình, ở đâu đó, trên cây, trong cỏ, trên lá, trong vòm trời, trong bóng mây, O kể lể vậy. Có thể nhìn thấy O Xưa vào buổi sáng, vào giờ công chức đi làm, học sinh đi học và các bà nội trợ Huế ngồi xúm xít bên gánh bún bò ngon nổi tiếng của mụ Dục, bên gánh cơm Hến của mụ Khế, gánh bánh canh từ Nam Phổ của mụ Cau. Buổi trưa, lúc O Xưa đi từ trên con dốc xuống, đầu đội nón thì mấy bà nội trợ đang ngồi lê đôi mách với nhau ở cái quán tre đầu một con hẻm.
Với tôi, tháng Hai là tháng mùa đông tàn phai, chuẩn bị tâm hồn phơi phới cho những ngày sắp tới. Các bạn tôi giãy nảy lên, xúm vào bảo tôi “nói thách” sớm quá, vì tháng Hai vẫn là mùa đông, nhiệt độ vẫn ở độ âm dưới zero, tuyết vẫn rơi bao la, vậy tàn đông cái nỗi gì!
Hôm thứ Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đến ga NTG đón hai mẹ con người bạn vào chơi trên chuyến tàu Bắc-Nam SE7 dự kiến sẽ đến ga lúc 9h15 AM, Chúng tôi ngồi ở phòng đợi cùng với những hành khách đón tàu xuôi các ga phía Nam...
Tôi đạp xe về nhà với cõi lòng lâng lâng. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7, 8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát, tiếng hát ngọt ngào của anh đã rót vào trái tim 16 tuổi trăng tròn của tôi những tình cảm bâng khuâng. Anh đi lính, xóm vắng anh, vắng cả những đêm khuya tiếng hát tiếng đàn...
Ở vùng quê người ta vẫn dùng một vài thứ lá như lá vối, lá "ngấy" (không phải lá ngái), lá bò bò, dây lá nhãn lồng (có nơi gọi lá mắm nêm) kiếm từ rừng rẫy về xắt ra, phơi khô trữ từng bao để nấu uống dần thay lá chè (trà). Nước các thứ lá ấy ai cũng dùng được, cả nhà sẽ uống suốt ngày...
Tôi sắp kể một chuyện thật ghê sợ, kể một cách không màu mè. Tôi chẳng mong đợi ai tin chuyện tôi kể cả. Quả vậy, có điên mới mong như vậy, vì chính những giác quan thật của tôi cũng phủ nhận sự hiển nhiên này. Phải.Tôi không điên và chắc chắn là tôi không nằm mơ. Nhưng ngày mai tôi không còn sống, và hôm nay tôi phải cất đi gánh nặng này trong tâm hồn. Mục đích trước mắt của tôi là trình bày một chuỗi các sự việc một cách rõ ràng, ngắn gọn, không bình luận. Bởi hậu quả của nó, những sự việc này đã làm tôi hoảng sợ, đã hành hạ tôi, đã hủy hoại tôi. Sau này có thể ai đó điềm tĩnh hơn, có đầu óc lập luận hơn tôi và không dễ bị kích động như tôi, sẽ hiểu được trường hợp của tôi không có gì khác hơn là luật nhân quả thông thường và rất tự nhiên.
Tuổi học trò là tuổi mang nhiều kỷ niệm khôn nguôi. Chúng ta nghĩ về thuở xa xưa đó như nghĩ về sân đá banh, suối Đốc Học, suối Mu-ri (Maury), thác Nhà Đèn, hồ Piscine, hồ Trung Tâm hay cột đèn ba ngọn, kể cả con chim, con dế, một thứ keo dính chặt trong trí nhớ học trò...
Trực thăng vừa đáp, cánh quạt thổi cát bụi tung mịt trời, cỏ tranh bên dưới ngã rạp, thân dập dềnh như sóng. Thăng nhảy xuống trước tiên, đảo mắt quan sát chung quanh rồi quay người lại giơ tay cho Chinh bám lấy để bước xuống. Cũng chiếc máy truyền tin cũ đeo sau lưng, nhưng hôm nay có vẻ nặng hơn vì gương mặt Chinh đanh lại chứ không nhìn Thăng cười và khẽ gật đầu như những lần đổ bộ trực thăng trước. Chinh mang máy cho Thăng đã ba năm, đeo hạ sĩ gần một năm. Thầy trò đã kề cận, cùng vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, chưa bao giờ Chinh biểu lộ sợ hãi kể cả những lúc nguy khốn nhất, bị địch vây hãm phải mở đường máu để triệt thoái...
Chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối mùa Hè năm 1956, trước cổng trường Võ Tánh Nha Trang, Trọng nhìn theo mái tóc dài thả sau hai bờ vai và tà áo dài trắng, và gọi lớn tên nàng nhưng Thu Nguyệt vẫn lặng lẽ tiếp tục đạp xe đạp, không đáp lại lời kêu gọi của Trọng, ngay cả ngoái đầu nhìn lại nhau lần cuối...
Sau khi đưa được gia quyến sang Tàu, Trần Ích Tắc đã được Nguyên chủ Hốt Tất Liệt cấp một dinh thự tại Ngạc Châu để ở. Nguyên chủ cũng ban cho ông nhiều bổng lộc nên gia đình ông vẫn có một cuộc sống sung túc...
Chị Bông gởi tâm sự cho chị Ngân Bình phụ trách mục “Tình Chàng Ý Thiếp” của một tuần báo. Chị than thở chuyện tình cảm hai vợ chồng già nhà chị lúc nào cũng xung khắc cãi nhau. Ông ấy lát gạch vườn sau chỗ cao chỗ thấp làm chị Bông vấp ngã mấy lần đã không biết điều xin lỗi còn mắng vợ xớn xác. Chị Bông tiết kiệm ngân quỹ gia đình, ở nhà chuyên mặc đồ thừa của con gái thì ông ấy nói quần áo ngắn cũn cỡn, váy màu mè xanh đỏ như bà đồng bóng...
Hình như có cái gì đó cần phải suy nghĩ cho trọn vẹn kỹ càng? Tôi dừng lại. Bắt gặp ánh mắt của tôi, người đàn bà tấp xe vào lề, mời mua vé số. Tôi lục tìm tất cả những đồng bạc lẻ. Xác suất rất nhỏ cho hạnh phúc rất lớn, thậm chí có thể đổi đời. Xác suất rất lớn cho nỗi thất vọng rất nhỏ – nhỏ đến độ thường bị lãng quên đâu đó ở ngăn ngoài chiếc ví, trong túi áo quần…
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.