Hôm nay,  

đi chợ hoa ngày tết…

27/01/202300:00:00(Xem: 1576)
Chợ Hoa Tết Quý Mão, Sài Gòn
Chợ Hoa Tết Quý Mão, Sài Gòn.
 
Đã mịt mù trong trí nhớ, trong ký ức về đường hoa Nguyễn Huệ mỗi độ xuân về. Nếu bảo là không nhớ gì nữa thì không đúng vì quên là nhớ nhất nên cố quên đi, tốt nhất là quên đi những kỷ niệm ngọt ngào, những ký ức thân thương khi đã là dĩ vãng, nhưng càng cố quên càng nhớ nhiều như câu thơ bất hủ của tiền bối Bùi Giáng, “uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời…” giữa dòng đời mùa xuân phía trước miên trường phía sau, trong bất lực khi nhìn lại, nhớ về, trong đời người ngắn ngủi chỉ đủ thời gian để “xin chào nhau giữa đoạn đường/ mùa xuân phía trước miên trường phía sau/ uống xong ly rượu cùng nhau/ hẹn rằng mãi mãi quên nhau muôn đời…” tri kỷ ở trong tâm chứ không ngoài cửa miệng. Người ta bảo thương nhau lắm, nhớ nhau nhiều khi trong lòng đã quên và ngược lại là quay quắt nhớ trong thầm lặng đến muôn đời…
   
Năm nay tết Việt rơi vào hai ngày cuối tuần nên thảnh mảnh hơn mọi năm, ít nhất cũng rũ bỏ được tâm lý bùi ngùi khi sáng mùng một tết cũng bưng ly cà phê, khoác cái áo lạnh ra xe đi làm. Năm nay thật thảnh thơi pha ly cà phê, bình trà, rồi đi chợ hoa… trên tivi. Đã bao năm rồi không về Việt nam thăm Sài gòn, nơi nửa đời trước đã hít thở cùng mảnh đất sinh ra và lớn lên, những cay đắng ngọt bùi cùng chia sẻ, những tưởng là mãi mãi đã không còn, những bất ngờ chợt đến chợt đi trên dòng đời trôi…
  
Vẫn là con đường Nguyễn Huệ năm nào với chợ hoa ngày tết, vẫn là tuổi trẻ với những tà áo dài thướt tha, những gương mặt xinh tươi đến hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh lọt vào khung ảnh như cất vào ký ức mai sau, trân qúy từng kỷ niệm trong lặng lẽ một phương trời của người trong ảnh, người cầm máy ghi lại khoảnh khắc đáng nhớ nhất trong đời mình.
   
Sáng nay ngồi xem chợ hoa ngày tết ở Việt nam, từ chợ bình dân đến khu nhà giàu khắp Sài gòn, lục tỉnh. Nhìn chung cành đào của miền bắc sau năm mươi năm đất nước thông thương vẫn không đi vào lòng người miền nam được. Hình như cành đào chỉ chạy theo những người bắc di cư vô nam vì mười người xem hoa đào có đến chín người nói tiếng bắc, một người mua. Trong khi mười người ngắm mai cũng chín người nói tiếng nam, nhưng được hai người mua. Không nói ai mua gốc mai hai tỷ, ai mua cành mai hai trăm ngàn vì tết ở trong lòng quan trọng hơn những gỉ mua được về nhà ăn tết. Người không nhà nhặt được cành mai gãy khi chuyên chở bằng cây đũa ăn cơm, có vài bông mai vàng rực, ông lặng lẽ ngắm nhìn cành mai như tri kỷ gặp nhau giữa chợ đời, rồi đưa về nơi ông ở dưới gầm cầu, cắm vào một góc căn phòng ông che chắn bằng những tấm cạc tông và vải nhựa để qua đêm. Một cái tết đã chính thức bắt đầu với cành mai nhặt được trong túp lều của người không nhà ngay trên quê hương mình. Người quay phim theo chân ông lão đã rộng lượng lì xì cho ông hai trăm ngàn ăn tết. Tôi thấy vui trong lòng với người bạn trẻ kiếm tiền YouTube đổ mồ hôi nhưng sẵn lòng chia sẻ với người cùng khổ, thật đúng câu ông bà nói, “quan nhất thời, dân vạn đại” người dân miền nam trong hoàn cảnh nào cũng giàu lòng nhân ái, bao dung, đúng nghĩa đồng bào nên người dân mới là trường tồn, là đời đời cùng giang sơn gấm vóc; những thể chế cầm quyền đều qua đi như bốn mùa thay lá mà thôi.
  
Ở chợ hoa Long xuyên, cô gái trẻ đẹp mua cội mai hai tỷ bạc. Có đến cả rừng ống kính chĩa vào cô để quay phim, và cô tự động trở thành nữ đại gia trên YouTube. Tiếng thở dài của một anh quay phim thật xót xa, “Trời ơi trời, sao bất công quá mạng vậy trời? Sao cho một người xinh đẹp đến lu mờ chợ Long xuyên sáng nay mà lại còn giàu nữa thì công bằng ở đâu hả ông trời?” Anh tiếp tục trò chuyện với người xem clip của anh, “Bà con ơi, tôi mua hôm qua cho mẹ tôi hai chậu cúc mâm xôi hết một triệu, sáng nay hai chậu còn có tám trăm ngàn. Trưa nay sẽ là sáu trăm, chiều nay sẽ là bốn trăm… Nói vậy chứ phải thương những người tiểu thương từ tỉnh lên, họ cũng cực khổ lắm. Nếu người Sài gòn cứ chờ mua hoa rẻ vào ngày ba mươi tết thì chết họ rồi…” Thật là một tâm sự giàu lòng nhân ái, có nghĩa tình đồng bào.
  
Một anh quay phim khác, tự giới thiệu là người Đà nẵng. Năm nay anh vào Sài gòn lần đầu để quay phim chợ hoa tết ở Sài gòn. Anh ăn gan cóc tía hay sao mà phát biểu linh tinh, “Qúy vị có đồng ý với tôi là Sài gòn quá đẹp, càng đẹp với những con đường rợp hoa như hôm nay. Tôi không hiểu cái chính quyền thành phố này, sao không dùng tiền in ấn, giăng mắc tràn lan những tấm biểu ngữ vô nghĩa khắp thành phố để thuê người trồng hoa dọc theo những con đường quá đẹp của Sài gòn để thu hút du khách quanh năm, tạo công ăn việc làm cho người dân thành phố thay vì đầu tư vào những tấm biểu ngữ vô nghĩa, vô giá trị vì sáo rỗng, không thực, còn làm xấu cảnh quan đẹp tự nhiên của Sài gòn với những hàng cây cao bóng mát, đường phố sạch đẹp, con người vui vẻ…” Anh ta tiếp tục càm ràm chính quyền thành phố tới tôi chột dạ cho anh vì sau cái clip này, không biết anh ta có được về nhà ăn tết với gia đình ở Đà nẵng hay vào hộp trong Sài gòn vì cái tội phát biểu linh tinh trên mạng xã hội về chính quyền thành phố Sài gòn. Anh ta còn quay cận cảnh một tấm bảng “Khu phố văn hoá” rồi sau đó quay dưới chân tấm bảng là đầu con hẻm đầy rác, chai lọ, hộp thức ăn nhanh, túi ny lon vật vờ theo gió. Ngôn ngữ điện ảnh của anh khá tinh tế, nhưng kinh nghiệm sống với lũ của anh còn quá ngây thơ khi anh post lên mạng xã hội thì cả thành phố Sài gòn, cả nước Việt nam, cả thế giới biết về khẩu hiệu và thực tế ở Sài gòn, ở Việt nam. Mong cho anh bạn chán sống giữ được mạng về với gia đình để sum họp lần cuối vào tết này vì thể nào ra giêng anh cũng bị hỏi thăm sức khoẻ.
  
Chiều ba mươi tết, tràn lan trên YouTube là những phóng sự buồn. Chợ hoa trong nước năm nay ế cả nước, ế đều từ bắc vô nam. Khi những công viên giải trí cho thuê mặt bằng để bán hoa tết đã yêu cầu người bán trả lại không gian công viên cho người dân đi chơi tết, những tiểu thương lôi hoa ra lề đường bán gỡ vốn. Hai chậu cúc mâm xôi có giá ban đầu là ba triệu vào ngày chợ hoa bắt đầu thì anh quay phim ban nãy mua một triệu vào ngày hai mươi chín tết. Đúng như anh dự đoán sáng ba mươi còn tám trăm ngàn, chiều ba mươi chưa tới vì mới xế trưa mà hai chậu cúc tuyệt đẹp đã rớt giá xuống bốn trăm, rồi hai trăm. Bỏ qua mức giá sáu trăm ngàn vì quá ế cho tới chiều thì hai chậu cúc mâm xôi chỉ còn giá năm mươi ngàn, không đủ tiền vốn hai cái chậu nhựa chứ nói gì tới chậu làm bằng xi măng. Người qua đường mua hai chậu cúc mâm xôi tuyệt đẹp với giá năm mươi ngàn vui sướng trong bụng bao nhiêu thì người bán xót xa bấy nhiêu khi phải ném lên xe rác hằng trăm chậu cúc đẹp như thế. Người quản lý công viên đã đúng, ông ra lệnh cho đội ngũ bảo vệ công viên của ông ném hết lên xe rác, không cho những người đi xin hoa tết chứ không mua, không cho ai hết để tạo thói quen cho người Sài gòn sang năm không mua hoa mà chờ chiều ba mươi đi nhặt những chậu hoa của người bán bán không hết nên bỏ lại công viên.
  
Ôi, không sao tả hết nỗi buồn trên những gương mặt lặn lội từ miền tây lên Sài gòn bán hoa. Ai buôn lớn lỗ lớn, ai buôn nhỏ lỗ nhỏ vì năm nay không có người mua do suy thoái toàn cầu, trong khi xăng dầu mắc mỏ nên tiền vận chuyển quá cao hơn năm ngoái. Xót xa cho những cây đào từ vài chục triệu một gốc đào, từ Hải dương chở vào Sài gòn làm người đến sau, cành mai gãy rơi rớt có người vô gia cư nhặt về gầm cầu làm bạn đêm giao thừa, nhưng cây đào cao to chẳng ai màng. Người chủ quyết định gọi cho chùa thì chùa chỉ lấy một hai cây, những ông sư đi mua hoa chiều ba mươi đều được cho không, những người chủ đã lỗ sặc gạch vẫn cúng dường cho sư thầy những chậu bông vạn thọ, hoa giấy nào thầy muốn đưa về chùa. Sau vị sư cho xe đến chở về chùa hai gốc đào to lớn, còn cả trăm gốc đào bạc triệu đều bị ông chủ Hải dương cho quân sĩ dùng gậy tầm vông đập nát hết hoa, người thì ngả những cây đào to lớn xuống đất để giẫm nát như xé bỏ bạc triệu, nhân cho hằng trăm gốc lên thành tiền tỷ. Những gốc đào lặn lội từ bắc vào không được hoan nghênh nên vào xe rác hết. Người ngồi xem tivi từ hải ngoại còn xót xa thì người lỗ lã đậm một chuyến làm ăn cuối năm trong nước còn đau lòng đến đâu. Từ cha sanh mẹ đẻ, tôi chưa từng thấy cảnh dùng gậy tầm vông đập nát hoa đào, giẫm nát hoa đào, chưa từng thấy hằng mấy chục người bảo vệ công viên thi nhau kéo những chậu cúc đại đoá thật đẹp, cúc mâm xôi, hoa mào gà đỏ tươi, những chậu hoa hướng dương vàng kiêu sa… đủ thứ hoa, hằng ngàn chậu hoa đẹp thi nhau lên xe rác nghiền xác một đời hoa. Bẽ bàng, phũ phàng đến đau lòng người xem tivi. Những người thương hoa tiếc ngọc, đi chợ hoa ba mươi tết chỉ để nhặt những bông hoa tươi đẹp vương vãi trên thảm cỏ rồi ngậm ngùi, xót xa cho một đời hoa. Những chậu mai đẹp như bến Ninh kiều bị người ta cắt trụi lủi chỉ còn trơ gốc, lên xe tải về vườn chờ độ sang năm ra lá ra cành, đâm chồi nẩy lộc để nâng niu, để xuýt xoa, để hét giá trên trời tới chiều ba mươi tết mà không có chủ mới sẽ bị cạo trọc cành nhánh tới tang thương, nhưng dù sao cũng an ủi hơn những gốc đào thê thảm hơn nàng Kiều. Thật ra hoa đào đẹp lắm, không đẹp sao Thôi Hộ đời Đường bên Tàu có thể viết câu thơ bất hủ, “nhân diện bất tri hà xứ khứ/ đào hoa y cựu tiếu đông phong.” Câu thơ hay đến động lòng người. Nếu ai đã từng thấy hoa đào trên miền tây bắc Việt nam cũng khó không dừng chân chiêm ngưỡng hoa đào tim tím, xinh xinh trong mây bay, sương mờ nơi núi rừng trùng điệp. Hoa đẹp tinh khiết, tinh khôi đến ngây ngất lòng người. Nhưng hoa đào vào Sài gòn thì thật là không hợp với không gian thời gian, thời tiết và con người năng động ở Sài gòn. Hoa đào là tiên nữ của núi rừng, không sánh được với hoa mai mộc mạc nhưng dễ nhìn, dễ có thiện cảm ở vùng sông nước miền nam.
  
Tôi đi chợ hoa trên tivi suốt ngày ba mươi tết, tới tận giao thừa, xem bắn pháo bông ở bến Bạch đằng khá đẹp. Có điều ngoài tưởng tượng là người ta ở đâu ra mà đông người đến khủng khiếp ở bến Bạch đằng. Tôi tự đón giao thừa một mình trên sofa đến gần sáng thức giấc vì lạnh quá, vẫn hỏi lòng mình: Những người dưới miền tây lên Sài gòn bán hoa năm nay đã về tới nhà chưa? Chuyện làm ăn có thành thì có bại, năm nay nhìn chung hoa tết về Sài gòn chỉ bán được ba mươi phần trăm. Không có nhà vườn nào tránh được lỗ lã nên tôi xin chia buồn, và cảm ơn họ lời cảm ơn thật lòng đầu năm là những người quay phim, làm YouTube hơi bị thiếu tế nhị khi cứ đeo bám họ để hỏi những câu không nên hỏi, đại loại như: Năm nay ế quá hả chú, chú lỗ nặng không, chừng bao nhiêu triệu? Tôi nhớ những năm sau 1975, những người buôn bán đang ế ẩm, lỗ vốn, mà hỏi họ những câu vô duyên như thế sẽ rất dễ bị chửi. Nhưng những nhà vườn bây giờ vẫn vui vẻ trả lời, còn có vẻ thật tình. Tôi vui mừng người Việt trong nước bây giờ giao tiếp có vẻ ôn hoà hơn những năm sau 1975. Cảm ơn người Sài gòn quê tôi bây giờ về việc tôi xem tivi suốt ngày ba mươi tết ở hải ngoại mà không nghe một tiếng chửi thề. Cảm ơn những người phu khuân vác, những người phu quét đường đã làm việc cực nhọc suốt ngày nhưng làm việc với nụ cười trên môi. Tôi thích nhất hoạt cảnh một anh phụ việc bán hàng, anh ta làm công việc cột chậu mai lên xe gắn máy cho người khách là phụ nữ. Chị nọ nôn nóng rời đi nên hối thúc, nhưng cuối cùng chị cũng biết nghe lời nói phải của anh ta, “Chị gấp thì ai không gấp ngày ba mươi tết rồi. Nhưng chị phải để tôi ràng buộc cho cẩn thận cho chị vì cây mai chị mua hơi cao và chậu xi măng khá nặng chứ không phải chậu nhựa. Tôi không muốn chị bị tai nạn ngày ba mươi tết đâu!” Thật là ấm lòng đứa con xa khi nghe người nhà trong nước bây giờ đối xử với nhau đã trở lại tinh thần Gia huấn ca của cụ tổ Nguyễn Trãi.
   
Sáng mồng một bật tivi coi tiếp, anh công nhân sở vệ sinh thành phố trẻ măng, đẹp trai hơn cần thiết cho công việc anh làm đã trả lời người quay phim làm YouTube  - ngay từ sáng mồng một đã khai nghệ, “Em làm việc suốt đêm qua, không về nhà đón giao thừa với gia đình được vì rác quá nhiều. Tôi liên tưởng đến đàn anh xưa là lính không về ăn tết với gia đình được vì Việt cộng lăm le tấn công Sài gòn, thì những người trẻ bây giờ cũng không về nhà được đêm giao thừa vì giặc rác. Đúng là yêu nước, yêu Sài gòn không cần biểu ngữ giăng mắc vô nghĩa, chỉ cần hy sinh niềm vui cá nhân, chỉ cần tận lực làm cho thành phố sạch đẹp là yêu nước rồi. Tôi tiếp tục lắng nghe hỏi đáp của họ, thì ra anh sinh viên ra trường nhưng không tìm được việc làm nên đi làm công nhân sở vệ sinh để bớt gánh nặng cho gia đình trước, rồi tính sau… Cảm ơn người bạn trẻ biết suy nghĩ, mong bạn sớm tìm được việc làm phù hợp với văn bằng. Cảm ơn cuộc đời không quên ai từ những người vất vả ở quê nhà tới những người ray rứt ở xa quê…
 
Phan

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hôm thứ Ba vừa rồi, vợ chồng tôi đến ga NTG đón hai mẹ con người bạn vào chơi trên chuyến tàu Bắc-Nam SE7 dự kiến sẽ đến ga lúc 9h15 AM, Chúng tôi ngồi ở phòng đợi cùng với những hành khách đón tàu xuôi các ga phía Nam...
Tôi đạp xe về nhà với cõi lòng lâng lâng. Chẳng biết từ lúc nào tôi đã thương mến thầm anh Phượng hàng xóm, anh hơn tôi chừng 7, 8 tuổi, hát hay đàn giỏi, thỉnh thoảng buổi tối anh ngồi trước cửa nhà đàn hát, tiếng hát ngọt ngào của anh đã rót vào trái tim 16 tuổi trăng tròn của tôi những tình cảm bâng khuâng. Anh đi lính, xóm vắng anh, vắng cả những đêm khuya tiếng hát tiếng đàn...
Ở vùng quê người ta vẫn dùng một vài thứ lá như lá vối, lá "ngấy" (không phải lá ngái), lá bò bò, dây lá nhãn lồng (có nơi gọi lá mắm nêm) kiếm từ rừng rẫy về xắt ra, phơi khô trữ từng bao để nấu uống dần thay lá chè (trà). Nước các thứ lá ấy ai cũng dùng được, cả nhà sẽ uống suốt ngày...
Tôi sắp kể một chuyện thật ghê sợ, kể một cách không màu mè. Tôi chẳng mong đợi ai tin chuyện tôi kể cả. Quả vậy, có điên mới mong như vậy, vì chính những giác quan thật của tôi cũng phủ nhận sự hiển nhiên này. Phải.Tôi không điên và chắc chắn là tôi không nằm mơ. Nhưng ngày mai tôi không còn sống, và hôm nay tôi phải cất đi gánh nặng này trong tâm hồn. Mục đích trước mắt của tôi là trình bày một chuỗi các sự việc một cách rõ ràng, ngắn gọn, không bình luận. Bởi hậu quả của nó, những sự việc này đã làm tôi hoảng sợ, đã hành hạ tôi, đã hủy hoại tôi. Sau này có thể ai đó điềm tĩnh hơn, có đầu óc lập luận hơn tôi và không dễ bị kích động như tôi, sẽ hiểu được trường hợp của tôi không có gì khác hơn là luật nhân quả thông thường và rất tự nhiên.
Tuổi học trò là tuổi mang nhiều kỷ niệm khôn nguôi. Chúng ta nghĩ về thuở xa xưa đó như nghĩ về sân đá banh, suối Đốc Học, suối Mu-ri (Maury), thác Nhà Đèn, hồ Piscine, hồ Trung Tâm hay cột đèn ba ngọn, kể cả con chim, con dế, một thứ keo dính chặt trong trí nhớ học trò...
Trực thăng vừa đáp, cánh quạt thổi cát bụi tung mịt trời, cỏ tranh bên dưới ngã rạp, thân dập dềnh như sóng. Thăng nhảy xuống trước tiên, đảo mắt quan sát chung quanh rồi quay người lại giơ tay cho Chinh bám lấy để bước xuống. Cũng chiếc máy truyền tin cũ đeo sau lưng, nhưng hôm nay có vẻ nặng hơn vì gương mặt Chinh đanh lại chứ không nhìn Thăng cười và khẽ gật đầu như những lần đổ bộ trực thăng trước. Chinh mang máy cho Thăng đã ba năm, đeo hạ sĩ gần một năm. Thầy trò đã kề cận, cùng vào sinh ra tử không biết bao nhiêu lần, chưa bao giờ Chinh biểu lộ sợ hãi kể cả những lúc nguy khốn nhất, bị địch vây hãm phải mở đường máu để triệt thoái...
Chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối mùa Hè năm 1956, trước cổng trường Võ Tánh Nha Trang, Trọng nhìn theo mái tóc dài thả sau hai bờ vai và tà áo dài trắng, và gọi lớn tên nàng nhưng Thu Nguyệt vẫn lặng lẽ tiếp tục đạp xe đạp, không đáp lại lời kêu gọi của Trọng, ngay cả ngoái đầu nhìn lại nhau lần cuối...
Sau khi đưa được gia quyến sang Tàu, Trần Ích Tắc đã được Nguyên chủ Hốt Tất Liệt cấp một dinh thự tại Ngạc Châu để ở. Nguyên chủ cũng ban cho ông nhiều bổng lộc nên gia đình ông vẫn có một cuộc sống sung túc...
Chị Bông gởi tâm sự cho chị Ngân Bình phụ trách mục “Tình Chàng Ý Thiếp” của một tuần báo. Chị than thở chuyện tình cảm hai vợ chồng già nhà chị lúc nào cũng xung khắc cãi nhau. Ông ấy lát gạch vườn sau chỗ cao chỗ thấp làm chị Bông vấp ngã mấy lần đã không biết điều xin lỗi còn mắng vợ xớn xác. Chị Bông tiết kiệm ngân quỹ gia đình, ở nhà chuyên mặc đồ thừa của con gái thì ông ấy nói quần áo ngắn cũn cỡn, váy màu mè xanh đỏ như bà đồng bóng...
Hình như có cái gì đó cần phải suy nghĩ cho trọn vẹn kỹ càng? Tôi dừng lại. Bắt gặp ánh mắt của tôi, người đàn bà tấp xe vào lề, mời mua vé số. Tôi lục tìm tất cả những đồng bạc lẻ. Xác suất rất nhỏ cho hạnh phúc rất lớn, thậm chí có thể đổi đời. Xác suất rất lớn cho nỗi thất vọng rất nhỏ – nhỏ đến độ thường bị lãng quên đâu đó ở ngăn ngoài chiếc ví, trong túi áo quần…
Con gái của tôi, làm Registered Nurse trong một bệnh viện. Bữa đó, nó bước vào phòng thăm một bệnh nhân nam, cỡ tuổi gần 70, đang truyền đạm truyền nước vì gặp vấn đề tiêu hoá, đúng lúc bác ấy đang facetime nói chuyện với người ở nhà bằng Tiếng Việt. Nó sinh ra ở Canada, nhưng có khiếu Tiếng Việt, nghe và nói khá rành rẽ, chỉ có đọc và viết thì nó không biết...
Năm 1972 là quãng thời gian với nhiều lo âu cho tôi và các bạn nam sinh cùng lớp vì hết niên học chúng tôi phải qua kỳ thi Tú tài I, đậu hay rớt tương lai sẽ là những khúc rẽ cuộc đời...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.