Hôm nay,  

Chân đi ngàn bước, cơm ngàn nhà…

20/01/202300:00:00(Xem: 2983)
Anne Khánh Vân
Anne Khánh Vân và sư thầy.
 
Anne Khánh Vân, sinh năm 1974 tại Saigon, tốt nghiệp kinh tế tại Pháp và Mỹ, hiện sống và làm việc tại miền Đông Hoa Kỳ. Tham gia VVNM từ những năm đầu của giải thưởng, tác giả nhận giải Chung Kết Viết Về Nước Mỹ 2007 với tự truyện “Duyên Nợ Với Nước Mỹ.“, nhận giải Việt Bút Trùng Quang năm 2021.

Đây là bài VVNM mới nhất của cô gửi đến Việt Báo cuối năm Nhâm Dần.
  
*
  
Cuối tuần trước tôi ra khu Eden mua một số thức ăn. Trời đã lạnh nên tôi chỉ đi thẳng đến tiệm mình cần chứ không đi dạo vòng quanh. 
 
Từ xa thấy có hàng đợi dài từ trong ra cả phía bên ngoài cửa nên tôi chỉ hướng nhanh đến phía tiệm, không nhìn những chi tiết xung quanh. Khi vừa bước vô hàng thì nghe có tiếng mời, “mua bánh tét ủng hộ chùa đi con gái.” Tôi ngước về phía có tiếng nói thì thấy một người đàn ông trong y phục của một sư thầy với một chiếc áo khoác, đầu đội nón len.  Tôi gật đầu chào và sư thầy tiếp tục nói, “thầy có bánh tét nhân đậu, nhân chay nấm đông cô đậu hũ ky và có cả bánh tét nước tro nữa con… Mua ủng hộ chùa đi con.”  
 
Thầy trông rất hiền hòa và có giọng nói rất thân thiện. Trước kia, trước mùa dịch, tôi ra khu Eden thường hơn và có thỉnh thoảng thấy một vài người ngồi phía ngoài các tiệm, giới thiệu là Phật tử công quả bán rau củ bánh trái thức ăn chay dùm chùa.  Tôi không nhớ đã từng thấy các sư cô và sư thầy tự thân ngồi bán hàng ngoài hiên, nhất là mấy hôm nay trời đã lạnh, thế nên tôi có hơi ngạc nhiên.
 
Bên cạnh chiếc ghế nhỏ thầy ngồi có một thùng giấy để đứng. Bên trên thùng đó có một thùng nhỏ để ngang qua và thầy bầy một số bánh tét và vài hộp bánh ăn vặt. Dù chưa biết thầy là ai, ở chùa nào… hình ảnh này tự dưng làm tôi xúc động. Tôi tách rời khỏi hàng đang đứng đợi và đi qua chỗ thầy ngồi. Thầy giới thiệu lại chi tiết từng loại bánh.  Tôi thích bánh ít tro và hay mua những dịp mồng năm tháng năm nhưng chưa bao giờ thấy bánh tét nước tro nên quyết định mua thử một cái. 
 
Trong lúc thầy thối tiền thì tôi hỏi thăm thầy ở chùa nào và có ai phụ thầy gói bánh hay nấu nướng không. “Có, con gái, có sư cô phụ.  Thầy ở chùa Di Đà ở Annandale. Thầy có dán số điện thoại của chùa trên lá gói, nếu con ăn thử mà thích và muốn mua thêm thì con có thể gọi đặt thầy gói thêm nghen con.”
 
*
Về đến nhà tôi ăn thử ngay bánh tét nước tro vừa mua. Quả thật bánh thầy làm rất ngon. Phần nếp trong và dẻo như những bánh ít tro và nhân đậu xanh rất dầy, mềm và dẻo, trong khi nhiều bánh ít tro có khuynh hướng nếp nhiều nhân ít. 

Tôi bèn gọi điện thoại ngay cho thầy để khen cho thầy vui nhưng không ai trả lời phone. Chắc thầy vẫn còn bán hàng, chưa về lại chùa.
Chiều tối thầy gọi lại và quả thật thầy đã rất vui. Thầy gửi cho tôi xem hình khi thầy vừa vớt bánh và bầy bánh trên bàn cho ráo. Mỗi tuần sư cô và sư thầy gói 120 bánh tét.  Xem hình thật thích.
 
Mấy năm rồi tôi không thường lui tới khu Eden nên không rõ sinh hoạt thường ngày ngoài ấy. Tôi cũng không biết hết tất cả các ngôi chùa trong vùng nên không biết hết các sư cô và sư thầy. Tối hôm đó tôi nhắn tin hỏi chuyện với cô Lý. Cô Lý là Phật tử thuần thục và có văn phòng TSN ngoài Eden mấy chục năm qua. Chắc cô biết nhiều sư cô sư thầy.
 
Thế là hai cô cháu lại có dịp chuyện trò các món chay. Mỗi ngày sư cô chùa Di Đà ra Eden bỏ mối các món chay cho vài hàng quán và những ai đặt thức ăn chay với cô thầy. Cô Lý khen chả giò của chùa làm cũng rất ngon. Vài ngày sau tôi đã đến chùa mua thêm ba bánh tét nước tro và cũng mua thêm hai chục chả giò.  Sau đó tôi được biết sư cô ở cùng chùa và phụ thầy làm bánh và nấu các món chay là em ruột của thầy. 
 
 
Chùa… Chuồng Bò
 
Trước đó vài năm chúng tôi đã có duyên lành lui đến thăm chùa Xá Lợi ở Frederick tiểu bang Maryland. Một kỳ tích đáng được biết đến để khâm phục và quý trọng. Thầy viện chủ là một võ sư Nga My Phật Gia Quyền. Thầy và các võ sinh đã biến chuồng bò ở một nông trại bỏ hoang như một sở rác trở thành một ngôi chùa nghiêm trang và đầy từ hạnh. Thời gian đầu sau khi mua đất và trong lúc xây dựng chùa, thầy đi làm McDonald để có chi phí trả nợ tiền mua đất. Chùa dần được hình thành và công việc xây dựng cứ tiếp tục cho đến hôm nay, khoảng 20 năm.
Chùa vẫn còn những hình ảnh ngày xưa, khi chuồng bò còn như một sở rác. Cái cảnh mà theo cụ Nguyễn Du ngày xưa đã từng nói:
Trải qua một cuộc bể dâu
Những điều trông thấy mà đau đớn lòng…
 
*
Lúc nhỏ tôi nhớ có xem một cuốn phim kể chuyện một linh mục trong khu đạo nghèo nuôi rất nhiều trẻ em mồ côi. Ông đánh box như nguồn thu nhập để lo cho các em. Dù xem phim đã hơn ba chục năm, một cảnh trong phim mà tôi không thể nào quên là trận đấu sinh tử tưởng chừng người linh mục đã mất mạng. Ngài đã lớn tuổi và cũng không phải người đánh box chuyên nghiệp. Hôm đó ngài bị đối phương tấn công thê thảm.  Trận đấu rất căng thẳng. Mặt mày ngài sưng vù máu me. Một… Hai… Ba… Người linh mục vẫn nằm thẳng đơ.  Bảy… Tám… Chín… Và động lực vực ngài đứng lên lại được và thắng trận, có tiền đem về khi ngài nghĩ đến các trẻ em và nghe tiếng các em kêu tên mình. Chuyện phim dựa trên một chuyện thật ở Mexico.  
 
Chúng ta tận mắt nhìn thấy đầy dẫy những hành động, việc làm phung phí hàng ngày, khắp mọi nơi. Vậy nên khi chứng kiến cảnh các cha, các thầy, các sơ, các ni-cô làm việc, lao động cực nhọc để có nguồn tài chính cho chùa, cho nhà thờ, cho các công việc từ thiện… tôi như được nhắc nhớ dường như mình vẫn tiết kiệm chưa đủ.
 
Nước Sạch
 
Thời gian còn làm việc với AECOM International Development, hàng tháng chúng tôi luôn được thông báo những cập nhật về kết quả của các công trình phát triển kinh tế ở những nước đang phát triển, nào là công trình làm tàu điện ngầm, xây đường xa lộ, phát triển hệ thống nhà thương… Tôi đặc biệt quan tâm theo dõi tiến triển của dự án phát triển hệ thống nước và làm sạch nước ở Châu Phi.  Hình ảnh trong các email gửi ra cho nhân viên xem là do chính nhân viên của công ty đã ghi nhận lại khi công tác bên ấy.

Đọc các mẩu chuyện trên phúc trình và xem hình ảnh mỗi ngày các em nhỏ, các gia đình chỉ hứng được một sô nước vàng đục để dùng cho cả nhà trong ngày, rất xúc động. Những dịp đó, công ty kêu gọi mọi người nên tập tiết kiệm nước sạch.
 
Trong đời sống hằng ngày, chúng ta có rất nhiều cơ hội để tiết kiệm.  Ở xứ lạnh, mùa lạnh, nước cần xả ra một chút trước khi nước được nấu ấm chảy đến đầu vòi. Bao nhiêu trong chúng ta hứng lại nước sạch đó để dùng cho việc gì khác hữu dụng sau đó?  Hay là chúng ta cứ để cho nước sạch đó chảy ào ào xuống cống?
Trong những buổi hội họp, mỗi người được phát một bình nước. Nhiều quan khách chỉ mở ra hớp một miếng và bỏ lại. Khi dọn dẹp sau buổi hội họp, chúng ta giải quyết những bình nước đó ra sao?
 
Mùa hè năm 2000 khi Đức Giáo Hoàng John Paul đệ nhị và Roma đón chào khoảng hai triệu bạn trẻ từ khắp nơi trên thế giới đến dự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới, tôi cũng lẫn lộn trong số các bạn trẻ đó. Chúng tôi rảo bộ mấy chục cây số mỗi ngày trên các đường phố, con hẽm, viện bảo tàng, nhà thờ,… ở Roma. Vì số lượng giới trẻ khách tham dự quá lớn, Đức Giáo Hoàng và Roma đã tận dụng hết tất cả chỗ trống trong các trường học, sân vận động, trung tâm sinh hoạt cộng đồng… làm nơi cho chúng tôi tá túc ngủ nghỉ trong suốt tuần lễ dự đại hội.  Lo cơm nước ba bữa mỗi ngày cho hai triệu người đã là cả một việc lớn. Làm sao giải quyết chuyện tắm giặt hàng ngày cho cái bọn cuối ngày người đứa nào cũng chua lòm, mồ hôi rít hít áo vào da?
 
Bạn có thoáng nghĩ ra giải pháp chăng?
 
Không tắm sẽ không thể ngủ được dù có mệt rã rời cách mấy. Chúng tôi phải xếp hàng và mỗi đứa sẽ được hứng một xô nước khoảng hai gallon. Nước lạnh! Không có nhiều nước, và cũng không có thời gian để mỗi người tắm lâu hơn ba phút. Tắm nhanh, sạch và đi ra để người sau đi vô. Mỗi địa điểm như vậy có đến mấy trăm người. Đêm đầu còn vụng về và tắm sót. Chỗ ướt chỗ khô. Sang đêm thứ hai tự dưng biết cách xoay sở với mớ nước giới hạn đó và từ đầu xuống chân đều trôi sạch mồ hôi. Mát mẻ, sạch sẽ, khỏe khoắn… chui vào túi ngủ san sát bên nhau và thi nhau ngáy… o o vô cùng hạnh phúc.
 
Rõ ràng là sự phung phí hay tiết kiệm đều do thói quen và có thể luyện tập và thay đổi thích nghi rất nhanh. Cho đến hôm nay, tôi vẫn còn thói quen dùng nước rất tiết kiệm.
 
*
Thụt lùi khoảng bốn chục năm trước khi tôi còn ở cái xóm nghèo An Phú Cống Bà Sếp, Hoà Hưng, mỗi lần đi theo nội đi chợ, thỉnh thoảng tôi có được thấy những đoàn khất sĩ đi qua. Các ngài đầu trần chân đất bước đi thật chậm rãi, đều đặn và ngừng lại mỗi khi được thí thực. Có khi đoàn khất sĩ đi vào trong các xóm nhỏ. Khi đi ngang qua nhà, nội tôi chạy ra, mở nắp khăn trên bình bát, để bánh trái vào và đậy khăn lại. Các khất sĩ lại chậm rãi bước đi và ngừng lại vài chục giây trước mỗi nhà.  
 
Nội giải thích các thầy đi khất thực đồng thời tạo cơ hội cho chúng sinh tạo Phước khi cúng dường chia sẻ. 
Những hình ảnh thật an bình đó luôn khắc ghi trong trí nhớ thời thơ ấu của tôi. Và tôi luôn rất xúc động mỗi khi nhìn thấy những hình ảnh tương tự.  
 
Giây phút khi ngước lên nhìn thấy cảnh thầy ngồi bên hiên bán bánh tét, tôi đã nhớ lại hình ảnh đoàn khất sĩ năm xưa.  Ngày nay, khi mọi thứ không còn bị giới hạn bởi biên giới đất liền hay thông tin truyền thông, hình thức khất sĩ của các quý cha, quý thầy cũng thích nghi hơn với hoàn cảnh. Có thể là những chuyến đi giảng pháp, chia sẻ lời Chúa… từ châu lục này sang châu lục khác; có thể là những đêm không ngủ vì phải đợi máy bay bị trở ngại vì bão tuyết; có thể là những món ăn chay gieo duyên ăn chay…
 
Cảm ơn quý thầy, quý cha, quý sơ, quý cô… đã cho con có cơ hội được ủng hộ, được chia sẻ… và quan trọng hơn khi con đã được nhắc nhớ những thói quen mà ngày xưa nội ngoại đã gieo mầm trong con.
 
Có những nơi dư thừa phương tiện, nơi khác vô cùng hạn chế. Có những nơi khá giả, thừa thãi; nơi khác túng thiếu đói rét… Và chỉ khi mọi thứ giới hạn và khi chúng ta biết chi tiết quá trình từng thứ được tạo ra, và nhận biết khi không có là như thế nào, thì mình mới thật biết trân quý. 
 
Ông ngoại Cả Viên của tôi thường nói, “chờ đến khi mình dư giả mới chia, mới cho… thì có thể người ta đã chết, hoặc chẳng còn cần nữa!”  Dư giả và chia sẻ tạo phước mười thì nếu khó khăn mà vẫn tập tiết kiệm và chia sẻ thì tạo phước gấp bội. Tôi luôn nhớ ông dạy như vậy.
 
Chân đi ngàn bước, cơm ngàn nhà…
Một bình bát, một cà sa
Một bầu khất thực, ơn là trăm năm!
 
Ơn Thầy dừng lại
Cho con chung phần…
 
Anne Khánh Vân
Những ngày cuối năm Nhâm Dần
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
Trong buổi họp chuẩn bị cho ngày liên hoan Tết năm ấy, cô giáo trẻ sung sức là tôi, cao hứng giao cho nhóm lớp trưởng lớp phó lo phần trang trí, mua bánh kẹo, nước uống, còn tôi sẽ nấu một nồi chè bà ba và một hũ đậu phộng rang...
Kể từ năm 1558, con ông Nguyễn Kim là chúa Nguyễn Hoàng vào cai trị Thuận Hóa, gọi là Đàng Trong. Đàng Ngoài là ngoài Bắc vẫn thuộc quyền của chúa Trịnh. Họ chia đôi đất nước, lấy sông Gianh làm giới tuyến. Rồi Trịnh Nguyễn đánh nhau suốt 200 năm vẫn không phân thắng bại, con sông Gianh oan nghiệt là đề tài cho bao nhiêu đau thương, bao nhiêu than vãn...
Bà vợ của Martsa đã ra khỏi phòng với thằng bé, còn lại tôi đối mặt với Martsa, không khí trong phòng như cô đặc lại. Toàn bộ sự chú ý của tôi tập trung vào bàn tay phải, tôi nắm chặt cây dao găm. Tôi xua hết ý nghĩ trong tâm trí, chỉ còn trong đầu một ý kiến: giết Martsa để trả thù cho chàng Khampa và cha anh ta...
Đã gần đến Tết. Trời vẫn rét căm căm nhưng có lẽ mùa đông năm nay Seattle không có tuyết. Nhiều năm giờ này băng giá đã phủ kín các cành cây khẳng khiu trụi lá. Toàn cảnh như một cánh rừng bằng pha lê lóng lánh, trông đẹp như trong cảnh thần tiên, nhưng bước ra ngoài trên mặt đất giá băng lại rất nguy hiểm. Trượt té gẫy xương là chuyện thường...
Mấy ngày nay John cứ như một cái xác vô hồn, vẫn ăn uống, vẫn đi làm như mọi người nhưng John chỉ làm theo quán tính; toàn bộ mọi hoạt động và nói năng cứ như thể lập trình sẵn trong người máy chứ không hề có mộtc cảm xúc gì về việc mình làm. Đâu phải chỉ tuần này, đã lâu rồi, cái tình trạng này trong John tiếp diễn khi thì lên cao lúc xuống thấp. John thấy đời mình vô vị và vô nghĩa quá, chẳng biết sống để làm gì...
Không có đồng hồ đeo tay nên tôi chẳng biết Oanh đã vào chợ được bao lâu rồi. Con nhỏ định để tôi chết đứng ở đây. Trời đã trưa, khu chợ vắng dần. Ôm cặp, áo dài trắng đứng trước chợ giờ nầy, chướng ơi là chướng. Tôi cúi mặt, không dám nhìn ai vừa rủa thầm con nhỏ...
Có lời bái hát xưa nào đó mà tôi còn nhớ loáng thoáng trong đầu, “ngoài kia tuyết rơi đầy, sao em không đến bên tôi chiều nay…” chỉ nhớ mỗi câu ấy thôi nên ngân nga cho đỡ buồn khi mỏi mắt nhìn ra cửa sổ… ngoài kia tuyết rơi đầy. Dù sao cũng đỡ nản hơn nhìn vào chỗ làm là những hàng bàn làm việc dài im lặng, những hàng ghế ngồi có bánh xe xếp ngay ngắn; tiếng nói cười của đồng nghiệp hoà quyện vào âm thanh phát ra từ máy móc đã lui về quá khứ như một triều đại huy hoàng đã lụi tàn. Mọi thứ chưa đóng bụi thời gian đã thành phế tích của nền kinh tế đã chết trước cả chính quyền điều hành nó là thực tế nước Mỹ.
Tôi lái xe về nhà, trong lòng nặng trĩu nỗi buồn, thương cho Vi và giận chồng của Vi quá, tôi đâm xe thẳng vào garage và xồng xộc đi vào nhà, chồng tôi có lẽ vẫn đang lúi húi trong bếp nên không thấy tôi. Thay quần áo, nằm lăn trên giường, tôi nghĩ đến những lời Thu nói, nếu như tôi lấy phải một người chồng như của Vi?
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.