Hôm nay,  

Mưa thu xứ lạ

27/09/202210:20:00(Xem: 2233)
blank

 

Mưa thu xứ lạ

 

Ngọc Ánh

 

Trời xám xịt màu mây, những hạt mưa nhỏ lắc rắc nhưng đủ thấm lạnh người phương xa khi chúng tôi không chuẩn bị nón và áo khoác cho một ngày ẩm ướt này.

Chuyến xe lửa đến rất đúng giờ, chúng tôi đứng dưới sân gare Massy Palaiseau vùng ngoại ô của Paris, để chờ một bà đầm không họ hàng nhưng vô cùng thân thiết, bà là vợ của ông anh chồng trước đây của tôi, anh Ba du học từ năm 18 tuổi, rồi lấy vợ đầm và ở lại Pháp sinh sống làm việc hơn nửa đời người, anh mới mất năm ngoái và đó là lý do chúng tôi muốn ghé thăm ngôi nhà nhỏ nhưng rất ấm áp thân tình của anh chị.

Khi gọi phone để báo tin là chúng tôi sẽ đến, tiếng bà cười khanh khách và giọng nói vang vang líu lo một tràng tiếng Pháp mà ông xã nhà tôi phải  ráng vận dụng thứ ngôn ngữ Phú Lang Sa đã lâu không dùng của mình để hiểu rõ điều bà muốn nói, đại để là bà sẽ đến sân ga đón chúng tôi, bà đã nhận ra chúng tôi là người Việt Nam, người thân của chồng bà, bà sẽ chuẩn bị để tiếp chúng tôi tại nhà.

Vì đã gặp nhau vài lần trước đây khi chúng tôi qua Paris, nên tôi tin chắc mình sẽ nhận ra bà sau mấy năm dịch bệnh ngăn cách. Vậy mà hơn một giờ rồi vẫn không thấy bóng dáng bà đâu, đi tới đi lui trong sốt ruột trông ngóng, chúng tôi nhận ra mình không nói rõ hơn với bà đầm vị trí của sân ga, nó còn có cái cổng ở phía sau nữa, biết đâu bà ấy đang ở bên đó.

Quả thật là bà đầm đang chờ chúng tôi cũng cả tiếng đồng hồ trong kiên nhẫn mưa lạnh, chúng tôi ôm nhau thật chặt, trong lúc tôi rưng nước mắt vì xúc động khi thấy bà khòm lưng trong 2 cây gậy chống, thì bà lại cười khanh khách vì vui mừng gặp lại chúng tôi.

Lên xe bà nói huyên thuyên mà không cần biết chúng tôi hiểu được mấy câu, thỉnh thoảng bà lại thò tay ra sau để nắm lấy tay tôi thân thiết, trong khi anh xã tôi thót tim mấy lần vì tay lái gan dạ của bà đầm gần 90 tuổi trên con đường chắc cũng quen thuộc với bà mấy mươi năm ở đây.

Xe ngừng lại ở một nghĩa trang nhỏ trên đồi, bà muốn chúng tôi thăm mộ anh trước khi về nhà, nơi yên nghỉ của người đàn ông mà bà dành cả đời để yêu thương chăm sóc, bà kể mỗi ngày bà đều đến đây, đi bộ khi trời nắng và đi xe khi trời mưa, chúng tôi đứng im trước mộ anh để nghe bà đọc một bài thơ (?) có tiếng bổng tiếng trầm, dĩ nhiên là không thể hiểu hết nhưng câu cuối thì tôi biết “je t'aime pour toujours” tôi biết bà đã yêu anh ấy biết bao nhiêu, một người phụ nữ tận tụy hết lòng cho người đàn ông mà mình yêu thương. Thế mới biết tình yêu đâu có ranh giới của màu da, chủng tộc, hay rào cản của tôn giáo hoặc phân biệt giai cấp xã hội như thói đời. Tình Yêu là đi thẳng vào trái tim của người đồng điệu để rồi ở lại đó suốt đời. Bà Marie là người như thế đó.

Đứng trên ngọn đồi, nhìn xuống cỏ xanh ngút mắt, thấp thoáng mấy ngôi nhà trong tàng cây, ở đó có một mái ấm đã từng giữ một trời hạnh phúc của bà, tôi ngậm ngùi nhìn chung quanh là những ngôi mộ hàng xóm của anh và chắc chỉ có anh là người Việt Nam duy nhất. Buồn ơi, kiếp sống tha hương.

 

 blank

 

Mộ anh chất đầy bình hoa tươi, không có di ảnh, chỉ có hàng chữ nhỏ đề tên anh, họ Trần, không có tên Tây nào đính kèm như một số Việt Kiều khác. Anh đã sống và chết như một người Việt, chỉ có điều anh không có cơ hội để trở về quê hương chọn nơi yên nghỉ dưới bóng dừa xanh, con sông nhỏ nơi anh đã sinh ra, khi mà thời thế đất nước có quá nhiều thăng trầm thay đổi, trước lúc mất chắc anh buồn lắm khi không kịp nhìn quê hương mình thay đổi, người dân mình thật sự hưởng hạnh phúc tự do, đó là điều anh đã từng mong đợi cũng như bao nhiêu người yêu nước khác đau đáu trong lòng khi nghĩ về Quê Mẹ điêu linh. Rồi ở một nơi nào mơ hồ sương khói, anh gặp lại tất cả những người thân yêu trong gia đình, Ba Má, anh hai, anh chị năm, anh chị sáu, anh Tài. Mọi người đoàn tụ có vui không?

Ngôi nhà im lìm lạnh ngắt khi bước vào, tôi hình dung gương mặt của anh năm nào lúc ngồi trên chiếc xe lăn đón chúng tôi tận cửa, sự trìu mến thân thương của ông anh cả dành cho những đứa em phương xa lâu ngày mới gặp.. Cái bàn này anh đã ngồi với chúng tôi, nhìn chúng tôi nói cười rôm rả, còn bây giờ anh nhìn chúng tôi bằng đôi mắt của khung ảnh trên bàn, cũng dịu dàng mà sao buồn quá.

Bà đầm mở cửa cho chúng tôi vào phòng riêng của anh, cánh cửa chắc cũng đóng kín từ khi anh mất trong nỗi buồn đau nặng trĩu, khung cảnh thâm trầm âm u vì thiếu ánh sáng bỗng bừng lên khi tấm rèm được kéo qua, chút nắng chiều lọt khe hở đọng lại trên tấm bản đồ Việt Nam mà anh đã đặt trân trọng giữa phòng, lần đầu tiên tôi cảm nhận được điều gì đó thật thiêng liêng khi nhìn thấy tấm bản đồ của đất nước mình được đặt ở một nơi xa xôi cách nửa vòng Trái Đất, trong ngôi nhà của một người Việt Nam lưu lạc hơn nữa thế kỷ trước.

Xin được cúi đầu ngưỡng mộ lòng yêu nước của anh, người mà tôi hết sức kính yêu như người anh cả trong gia đình, chính anh đã viết những bức thư đầy tình cảm, để xoa dịu nỗi buồn của tôi khi vừa mới ra khỏi trại giam với những mất mát đớn đau và cũng chính anh đã giúp đỡ tiền bạc cho tôi trong bước đầu của cuộc sống khó khăn vất vả ở quê nhà.Thật lòng nếu không có sự vận động của các anh em chồng bên Pháp thì chưa chắc gì con trai tôi được ra đi an toàn,  để ngày nay cháu sống yên ấm bởi lòng nhân ái của tổ chức thiện nguyện Thụy Sĩ chăm sóc đến suốt đời. Ơn này cũng có anh trong đó.

Nhìn quanh quất trong căn phòng đầy sách vở của anh, bất chợt tôi nhận ra cái ca nhựa đã phai màu thời gian của Tài được đặt kín đáo  trên nóc tủ. Ôi cái ca tầm thường dùng để đựng cơm trong trại giam nhưng đối với anh em chúng tôi thì nó rất quý giá, bởi vì nó là kỷ vật còn giữ lại sau cái chết oan nghiệt của anh ấy, trên cái ca đã được Tài khắc hai bài thơ để tặng tôi, những dòng chữ sắc nét và đầy khẩu khí của một tử tù chính trị, ngoài ra cũng có cả lời yêu thương mà tôi dành cho Tài trong tháng ngày buồn hiu ấy.

 

Đường đi của đồ vật coi rất đỗi  tầm thường này cũng không kém phần ly kỳ, đầu tiên ai đó cho tôi cái ca nhựa màu đỏ, tôi viết vào đó chữ “Tài yêu” và nhờ người bạn tù chuyển vào phòng biệt giam cho anh, sau đó vài ngày thì nó được trả lại cho tôi với những dòng chữ khắc chi chít trong đó, tôi nhớ rất rõ bài thơ anh đã viết , nói lên tâm trạng của anh lúc bị gông cùm trong biệt giam.

Hổ kia sa cơ đành khuất nhục

Kêu gào gầm thét thấu trời xanh

Nay ta thất thế bị giam cầm

Cắn răng ngậm miệng nuốt hờn căm

Một lòng vì nước vì dân tộca

Thì có xá chi chút ngục tù

Chung thân,án tử cơn gió thoảng…”

Và còn nhiều nữa bài thơ anh tặng riêng cho tôi , những dặn dò tha thiết mà mỗi chữ mỗi lời đã khiến nước mắt tôi rơi vì thương anh ấy.

Giữa bốn bức tường trại giam không biết cất giấu vào đâu để cái ca tránh bị thu giữ, tôi bèn ném nó qua hàng rào kẽm gai cho một người quen thân tin cậy vì anh ta sắp mãn hạn tù với lời nhắn gửi mang về Sài Gòn trao tận tay anh chị chồng tôi, rồi không biết bằng cách nào anh chị lại chuyển được nó qua Pháp, vì trong thời điểm đó sự qua lại Sài Gòn - Paris rất khó khăn, và ông anh của Tài đã cất nó trên nóc tủ suốt 40 năm nay như giữ gìn nguyên vẹn một kỷ vật của gia đình.

Bây giờ thì tôi đã nhìn thấy nó, để hăm hở bắt ghế leo lên mang cái ca xuống, rưng rưng xúc động khi cầm nó, cảm giác giống như được nắm cánh tay anh ấy ngày xưa, sao mà gần gũi thân thương quá đỗi.

Bằng thứ  tiếng Pháp Google, tôi giải thích với bà đầm về những dòng chữ kỷ niệm ghi trên đó và xin bà cho tôi được giữ nó như một ân huệ cuối cùng mà tôi mong bà không từ chối.

Marie trầm ngâm một lúc, bà rất yêu chồng và cũng muốn giữ lại tất cả những gì thuộc về chồng của bà trong căn phòng riêng tư này, nhưng bà cũng đồng cảm với tâm trạng của tôi, một người Việt xa lạ xuất hiện trong ngôi nhà này, nhưng hình như đã gắn bó với nhau lâu đời cái duyên kỳ ngộ, hai người đàn bà có cùng một nỗi đau mất mát khi người chồng thân yêu của mình đã ra đi mãi mãi về cõi vĩnh hằng.

Bà tìm một bao giấy gói cái ca lại cẩn thận và trao nó cho tôi, giống như nghi thức xếp cờ và trao cho người quả phụ có chồng đã hy sinh ngoài mặt trận. Tôi mang ơn bà về nghĩa cử này như tôi đã từng mang ơn anh ba, người anh đáng kính của Tài đã dành cho tôi mọi yêu thương trong suốt những năm tháng đã qua.

Ra về mang theo ánh mắt dịu dàng của anh trên khung ảnh, mang theo những cánh hồng đẫm nước mưa rơi rụng trước thềm nhà, mang theo gói quà quý giá vừa  được bà thương tặng.

Chúng tôi ôm nhau từ giã, thân hình bà gầy gò yếu đuối trong lớp áo khoác, nhưng tôi biết trái tim bà đã mạnh mẽ biết bao nhiêu khi phải sống trong ngôi nhà vắng lặng này với bóng hình người chồng thân yêu lúc nào cũng như quanh quẩn đâu đây. Thật lòng không biết lúc nào chúng tôi mới có dịp gặp lại bà khi khoảng cách địa lý quá xa xôi, và với tuổi cao sức yếu của cả hai bên thì liệu bà có thể đợi chờ để gặp lại chúng tôi lần nữa?

Nghĩ như vậy thôi mà đã thấy buồn hiu hắt rồi

 

Ngọc Ánh

Paris tháng 9 /2022

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.