Hôm nay,  

Quảng Trị trong trí nhớ

7/20/202211:15:00(View: 3604)

Bút ký / Tưởng niệm Ngày Quốc Hận 20/7


blank


Cách đây một năm thi sĩ Thận Nhiên gửi cho tôi tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972 vì anh biết tôi sưu tập sách chiến tranh. Các trang ký của các phóng viên miền Nam lập tức đem tôi về quá khứ. Lên cao nguyên xuống Bình Định ra Huế rồi về Quảng Trị. Tập ký bắt đầu với Tâm Tư Người Quảng Trị của Đoàn Kế Tường và kết thúc bằng Quảng Trị Trong Trí Nhớ của Người Xứ Huế. Đặc điểm của bài ký sau cùng này là đem chúng ta đến sát bờ sông Bến Hải, giúp nhìn thấy lại cầu Hiền Lương khi còn sơn hai màu khác biệt với mỗi đầu cầu còn cắm một lá cờ khác nhau. 

Nhìn những tấm ảnh cũ, không thể không nghĩ đến ngày Quốc Hận 20 tháng 7-1954 phân ly đất nước. Đại diện chính phủ Quốc gia Trần Văn Đỗ đã không ký vào văn bản hiệp định Genève với phản đối đặt miền Bắc dưới gông cùm Cộng Sản. Phía Việt Minh, tuy đã chiến thắng Điện Biên Phủ và kiểm soát hầu hết rừng núi từ Nam ra Bắc, vẫn phải ký dưới ép buộc của Chu Ân Lai, như trung tướng Trần Độ ghi lại trong Trận Đánh 30 Năm, Ban Ký Sự Lịch Sử Tổng Cục Chính Trị, Nxb Quân Đội Nhân Dân, 1985. Thực tế là vậy nhưng đến nay Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ còn muốn nhắc đến câu chuyện giữa Phạm Văn Đồng và ngoại trưởng Pháp Georges Bidault, bên lề hội nghị. 


Bidault than phiền khi Trần Văn Đỗ nhất quyết không ký và chính phủ Quốc gia đưa ra tuyên bố riêng: "Việc ký hiệp định giữa Pháp và Việt Minh có những điều khoản gây nguy hại nặng nề cho tương lai chính trị của Quốc gia Việt Nam. Hiệp định đã nhường cho Việt Minh những vùng mà quân đội quốc gia còn đóng quân và tước mất của (Quốc gia) Việt Nam quyền tổ chức phòng thủ. Bộ Tư lệnh Pháp đã tự ấn định ngày tổ chức tổng tuyển cử mà không có sự thỏa thuận với phái đoàn Quốc gia Việt Nam. Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận một cách chính thức rằng Việt Nam long trọng phản đối cách ký kết Hiệp định cùng những điều khoản không tôn trọng nguyện vọng sâu xa của dân Việt. Chính phủ Quốc gia Việt Nam yêu cầu Hội nghị ghi nhận rằng Chính phủ tự dành cho mình quyền hoàn toàn tự do hành động để bảo vệ quyền thiêng liêng của dân tộc Việt Nam trong công cuộc thực hiện Thống nhất, Độc lập, và Tự do cho xứ sở.”  


Bidault nói với Phạm Văn Đồng: “Các ông thấy đó, các ông cứ gọi họ là bù nhìn của chúng tôi nhưng chúng tôi không thể ra lệnh cho họ bất kỳ một mệnh lệnh nào.”


Phạm Văn Đồng: “Vì họ đã không còn là bù nhìn của các ông nữa, mà của Mỹ.”


Các sách báo Quân đội Nhân Dân ngưng ở đây, nhưng trong các bản Pháp văn còn ghi câu trả lời của Bidault: “Et vous alors?” (Còn các ông thì sao?), hàm nghĩa Việt Minh mà Phạm Văn Đồng làm trưởng đoàn, là bù nhìn của ai? Phạm Văn Đồng im lặng.


Những câu chuyện không còn quan trọng nữa vì cuối cùng rồi thì Đông Hà cũng bị tiếp thu. Nhưng các gương mặt hãnh tiến có bao giờ nghĩ đến thường dân chịu nạn, đã thiệt mạng, với nhà cửa tan nát khi khoe khoang chiến thắng với Fidel Castro như các bức hình còn lưu trữ? 


Tháng 7, là tháng của hiệp định Genève chia đôi đất nước. Đánh máy lại bút ký của Người Xứ Huế. [Trần Vũ]


***
 

blank


Năm 17 tuổi, tôi đã bỏ nhà phiêu lưu tận Hà Nội, Hải Phòng trong những tháng cuối cùng của kỳ hạn tập kết. Rồi theo con tàu di cư vào Nam lêu bêu giữa Saigon. Và sau đó đi lang thang lên mãi các tỉnh Cao Nguyên rồi vòng xuống miền duyên hải Trung Phần. Mười năm phiêu bạt, tôi đã biết nhiều về những vùng trời xa xôi ấy.


Nhưng còn Quảng Trị, miền đất nối liền với Huế bằng 60 cây số quốc lộ và chỉ một giờ xe chạy là tới, tôi vẫn thấy xa lạ, chưa bao giờ có dịp đến đó. Cho mãi đến năm 1965, tôi mới đặt chân tới Quảng Trị. Tôi đến vào đầu mùa mưa. Cơn mưa ở đây cũng dai dẳng sụt sùi như mưa xứ Huế. Tôi vốn là đứa con sinh ra và lớn lên trong lòng quê hương nghìn năm mưa gió, cho nên khi đến đây đứng dưới cơn mưa này, bỗng thấy lòng ấm lại vì cảm được nét quen thân. Buổi sáng lên xe ở Huế, mưa đã giăng đầy trời. Rồi cơn mưa cứ đeo đẳng chuyến xe chạy dài theo quốc lộ hướng Bắc mà đổ xuống thị xã này.


Trông bến xe, ít ai có thể nghĩ đây là cửa ngõ của thành phố. Trên bãi đất lồi lõm, chật hẹp, những chiếc xe cũ kỹ đậu ngang dọc trước một dãy hàng quán lợp tôn. Nó gợi nhớ những quận lỵ âm thầm nào tôi đã đi qua trong nhiều năm phiêu bạt. Nhưng bến xe Quảng Trị có một nét tương phản là trường Nguyễn Hoàng. Ngôi trường trung học ngày xưa tôi đến hình như vừa mới quét sơn nên trông sáng sủa, khang trang. Qua cổng nhà trường dưới làn mưa lất phất, tôi thoáng thấy những người nữ sinh cũng áo dài tha thướt, cũng mái tóc ngang vai. Một cái gì gần gũi và tha thiết. Từ ngôi trường dễ thương này, tôi theo một con đường nhựa nhỏ đi vào lòng thành phố để bắt đầu sống suốt mùa mưa ở đó.


blank


Quảng Trị quê nghèo


Tôi có cơ hội tìm hiểu đôi chút về Quảng Trị. Nhưng nét nổi bật nhất của tỉnh này vẫn là nghèo, nghèo lắm. Vài khu phố vắng lặng, hàng hóa ế ẩm. Cả khu chợ chính ở đây vào giờ hoạt động nhất trong ngày cũng chỉ lác đác người. Quảng Trị sau ngày chia đôi đất nước là tỉnh cực bắc của miền Nam. Các vận chuyển thương mãi từ Nam ra đều ngừng lại ở Đà Nẵng trù phú. Quảng Trị cứ lẻ loi dần. Thật ra cả Huế cũng không hơn gì, nhưng dù sao vì nhiều lý do khác nhau, người ta vẫn còn đến Huế. Riêng Quảng Trị thì không còn gì để níu kéo ai. Họa hoằn đôi khi có một vài phái đoàn từ đâu chạy vùn vụt qua thị xã ra tận vùng phi quân sự nhìn chiếc cầu Hiền Lương, con sông Bến Hải, chụp ít phim kỷ niệm rồi lại vội vã quay trở về.


Quảng Trị vốn đã nghèo từ mấy trăm năm trước, rồi vì hoàn cảnh đổi thay của đất nước mà cứ lẻ loi dần và nghèo thêm mãi. Phần đông các ngôi nhà lầu tương đối khang trang, những cửa tiệm có nhiều hàng hóa nhất trong thị xã lại không phải là của người Quảng Trị. Chủ nhân là dân tứ xứ đến khai thác túi tiền địa phương. Họ làm giàu rồi chuyển sự giàu có đi nơi khác.


Đôi mắt người nữ tu


Một đặc điểm khác của Quảng Trị là rất nhiều người có đạo Công giáo. Hầu hết là đạo dòng từ hơn trăm năm nay. Thế kỷ trước, triều đình nhà Nguyễn ở kinh đô Huế tìm mọi cách để tận diệt đạo Công giáo và sát hại các giáo dân. Nhưng Quảng Trị nhờ nằm hơi xa tầm mắt vua chúa và lại có cửa bể cho các cố đạo ra vào dễ dàng nên đạo nơi đây đã phát triển mạnh. Ngày nay, ngoài ngôi nhà thờ Đức Mẹ tọa lạc trên ngọn đồi La Vang nổi tiếng, còn rất nhiều nhà thờ nhỏ khác rải rác khắp làng xã Quảng Trị.


Giáo dân ở đây khá đông. Tôi không rõ số đích xác là bao nhiêu nhưng đi đâu tôi cũng gặp dân chiên của Chúa. Có một cách để tôi nhận ra ai là người Công giáo lâu đời ở đây, cứ nhìn vào đôi mắt họ có một nét gì là lạ. Ánh mắt họ xa xôi sâu thẳm như hướng về một sự huyền bí cách trở nào. Nét chung chung của người dân Quảng Trị là nước da sậm đen và khuôn mặt hốc hác vì sống gần biển lại lao lực nhiều. Nhưng đôi mắt của người có đạo dòng vẫn ánh lên niềm tin trên gương mặt phong trần đó.


Nhiều cụ già ở đây giải thích cho tôi rằng người theo đạo vì quen đọc kinh cầu nguyện, tâm trí và đôi mắt luôn hướng về cõi siêu hình, ngày lại ngày tạo cho họ một ánh mắt diệu vợi. Rồi họ sinh con đẻ cháu, đời này qua đời khác, con mắt đặc biệt đó biến thành nét lưu truyền trong dòng họ.

Có lần tôi đã bắt gặp đôi mắt huyền diệu ấy nhưng đẹp hơn hẳn những đôi mắt huyền diệu khác của các giáo dân. Đó là đôi mắt một nữ tu, hiệu trưởng một ngôi trường nhỏ ở Quảng Trị. Hôm nói chuyện với Cô trong văn phòng nhà trường, tôi thật không ngờ người đi tu lại có khuôn mặt diễm lệ và dáng dấp đài các đến thế.


Nếu thay chiếc áo dòng của Cô bằng bộ áo trần tục, tôi tin chắc người nữ tu ấy có quyền giẫm lên hàng triệu con tim đàn ông mà bước. Lúc ra về, tôi nói với anh bạn cùng đi rằng: “Không biết ai xúi dại cô ta bỏ đi tu như vậy?”


Những Kinh Kha của thế kỷ 20


Đã nhiều giáo dân, Quảng Trị lại có nhiều người theo đảng phái chính trị nữa. Đảng ở đây chống Cộng kịch liệt. Có lẽ hai yếu tố Thiên Chúa giáo và đảng phái Quốc gia đã un đúc cho đồng bào tỉnh này một lập trường dứt khoát với Cộng sản. Đó cũng là lợi thế của chính quyền địa phương.

Trong thời gian tôi lưu trú ở Quảng Trị, có khá nhiều tổ chức tình báo Việt và Mỹ gởi chuyên viên đến đây để lập các hệ thống sưu tầm tin tức hướng về nội địa Bắc Việt. Họ đã nhờ vào dân chúng địa phương rất nhiều. Các bản doanh tình báo thường đặt ở Đông Hà nằm về phía Bắc Quảng Trị và vùng phi quân sự. Đông Hà là thị trấn rất nhỏ. Ít ai ngờ cái phố thị khiêm nhường kia một dạo đã là tiền đồn chiến lược về cả quân sự lẫn tình báo.


Năm 1966, một viên đại úy từ Sài Gòn ra tuyển dụng ngay tại địa phương một vị tu xuất lớn tuổi. Ông già này hằng ngày mang nải thuốc tây đi vào các thôn ấp vùng Đông Hà, Gio Linh để chấm định và tuyển dụng các tình báo viên. Những người này đóng vai Kinh Kha của thời đại mới vượt sông Bến Hải qua đặc khu Vĩnh Linh của Cộng sản Bắc Việt. Dần dà họ đi sâu vào Nghệ An, Thanh Hóa. Một vài người bị phản gián Cộng sản bắt giết. Ông già tu xuất cũng bị thương vì đạn pháo kích của Việt cộng ở Đông Hà. Nhưng ông không chịu vào Huế điều trị như lời đề nghị của viên đại úy mà nhất quyết tiếp tục công tác.


Kế hoạch còn dự trù đẩy các tình báo viên đó đi sâu hơn nữa vào nội địa Bắc Việt và thiết lập các đường dây có triển vọng kéo dài tới gần Hà Nội. Nhưng sau đó vì phương tiện yểm trợ thiếu thốn nên công tác phải bỏ dở dang.


blank


Dòng sông định mệnh


Nếu tinh thần chống cộng, tinh thần sùng đạo của người dân Quảng Trị làm nên đặc tính của miền đất này thì cũng còn một đặc điểm khác ở đây mà người Việt Nam nào, người ngoại quốc nào cũng phải biết đến. Đó là con sông Bến Hải với chiếc cầu Hiền Lương. Rất nhiều du khách vượt hàng ngàn, có khi hàng chục ngàn cây số đến đây để nhìn tận mắt dòng sông lịch sử này.

Từ Quảng Trị đi theo quốc lộ 1 theo hướng Bắc qua một chặng đèo ngắn trên ấy có vài đồn bót của Ủy ban Quốc tế Kiểm soát Đình chiến, xe của du khách sẽ xuống thấp dần và đến Trung Lương nơi đặt một kỳ đài cao lêu nghêu.


Trước kia kỳ đài này thấp hơn nhiều. Một hôm người ta dựng lên một cột cờ mới cao hơn. Bên kia bờ Bến Hải, Cộng sản Bắc Việt nhìn cột cờ của họ thấy thua, họ liền dựng cột khác cao hơn của ta. Bên ta lại thi đua leo thang cột cờ. Rồi CSBV cũng hăng máu thi đua theo và cứ thế mà 2 kỳ đài Nam-Bắc lên cao mãi cho đến ngày tôi tới thăm (cuối năm 1965) thì thấy kỳ đài của ta cao hơn bên kia một tí.


Đi bộ từ đồn cảnh sát Trung Lương chừng vài trăm thước, khách có thể đứng ngay trên đầu cầu Hiền Lương phía Nam. Khách có thể trông thấy rõ ràng người lính Công an võ trang của Cộng sản Bắc Việt đứng gác bên kia cầu. Không có vật gì ngăn đôi chiếc cầu cả, ngoại trừ hai phần cầu được sơn hai màu khác hẳn nhau. Về cái màu cây cầu cũng có một lịch sử thi đua. Trước kia toàn cầu là màu đen. Bên ta thấy cầu cũ quá nên cho sơn lại, dĩ nhiên sơn nửa thân cầu phía Nam thôi. Bên Bắc Việt tức mình cũng cho sơn lại phân nửa cầu của họ nhưng lại sơn màu khác. Vì vậy, chiếc cầu Hiền Lương đã mang hai màu tượng trưng cho sự cách biệt hai miền đất nước.

Bên kia cầu, quốc lộ 1 vẫn tiếp tục chạy thẳng ra hướng Bắc. Nhiều người Hà Nội đã nói với tôi là họ thích đứng đây, nhắm con mắt lại để tưởng tượng mình đang ngồi trên con tàu xuyên Việt theo quốc lộ thẳng tắp đó mà về tận cố đô yêu dấu.


Chính cũng tại cây cầu Hiền Lương này mà trước đây tướng Nguyễn Chánh Thi đã tống khứ ra Bắc Việt các lãnh tụ trong Phong trào Hòa bình thân Cộng trong số đó có ông bác sĩ thân phụ của bà tranh đấu hung hăng Ngô Bá Thành.


Phải đứng trên đầu cầu Hiền Lương mới nhận ra tất cả cái phi lý của lịch sử. Chiếc cầu sắt rất hẹp, rất ngắn, bách bộ 5 phút là tới mà nó lại làm nên cả vạn lý trường thành ngăn đôi hai thế giới thù nghịch. Rồi phải bước xuống bãi cỏ dưới chân cầu để nhìn dòng sông êm ả trước mắt mà thấm thía hơn nỗi bẽ bàng của đất nước. Con sông quá hẹp, chỉ bơi vài chục sải tay là tới. Khách có thể điềm nhiên bước xuống rửa ráy ở bờ sông. Tôi không rõ con nước bên này và bên kia bờ có chất gì khác nhau không? Thỉnh thoảng người ta vẫn cho đàn trâu xuống trầm mình dưới sông. Nếu có con trâu nào nổi hứng lội sang bên kia bờ, liệu nó có biến thành con trâu… Cộng sản chăng?


Buổi chiều, người dân Trung Lương vẫn xuống đây giặt giũ, tắm rửa. Dù sao, Bến Hải vẫn là con “sông nhà” của họ.


Hải Lăng, quê hương của những cung tần mỹ nữ


Trên một chuyến xe đò nào đó trong quá khứ, có một ông khách lớn tuổi đã tỉ tê với tôi rằng Hải Lăng là nơi sản xuất nhiều gái đẹp và lãng mạn nhất miền này. Một số ái phi, cung tần mỹ nữ của vua chúa nhà Nguyễn vốn xuất thân từ Hải Lăng. Ông khách qua đường còn hóm hỉnh thêm rằng người trai phương xa nào đến đây nếu muốn lấy vợ Quảng Trị thì phải tìm cho ra con gái Hải Lăng mà lấy. Tôi đã cười và sau khi xuống xe cũng quên chuyện vu vơ đó. Nhưng mùa mưa năm ấy, tôi đã gặp và yêu một nữ sinh trường Nguyễn Hoàng ở thành phố Quảng Trị. Sự tình cờ nàng lại là con gái Hải Lăng.


Những ngày cuối tuần, tôi đã đi về trên chặng đường mười mấy cây số, suốt hai bên là ruộng đồng và cỏ nội, nối liền thị xã Quảng Trị với quận lỵ Hải Lăng. Cái quận lỵ cực Nam của tỉnh mà trước kia nhiều lần chạy xe qua đó tôi chưa hề để ý vì quận nằm vào một vị trí e ấp. Đi qua đây, bên một sườn dọc của quốc lộ 1, khách chỉ thấy tấm bảng đề Chi Khu Hải Lăng ở trước vài căn nhà đơn sơ dùng làm trụ sở. Còn chợ búa, nhà cửa dân chúng… thì lùi đằng xa, ẩn hiện sau những lùm tre nghiêng ngả bên kia lối mòn băng qua một thửa ruộng dài.


Những ngày gió mưa lầy lội, tôi đã băng qua thửa ruộng đó. “Một yêu là sự đã liều…” Hãy đi vào lối chợ. Hãy lần bước trên những đường đất quanh co đầy lá tre xào xạc. Hãy nhìn vào các căn nhà kín đáo âm thầm. Nhìn những mái tóc, những khuôn mặt thanh thoát, những ánh mắt sao quá đa tình gặp một lần rồi nhớ mãi.


Dạo về Hải Lăng, nhìn vào Lâm, tôi thật không còn ước mơ nào hơn nữa. Lâm và hình như một số thiếu nữ khác ở Hải Lăng cũng vậy, có nước da nõn nà không giống người các vùng khác của Quảng Trị. Một người bạn ngoài đó có lần nói với tôi: “Mày mà lấy con Lâm thì sẽ nguy hiểm lắm”. Tôi hỏi vì sao? Anh ta bảo: “Có ngày mày phải ngạt thở mà chết vì bộ ngực của nó”. Tôi mỉm cười sung sướng vì câu nói đùa hàm ý khen tặng Lâm. Ngoài khuôn mặt phúc hậu, nàng còn được trời cho một thân hình nảy nở với gò ngực căng phồng, êm ả.


Hôm đầu tiên bước vào nhà Lâm, tôi thấy ngay ở giữa nhà treo một bức hoành lớn sơn son thếp vàng. Tôi hỏi mẹ Lâm rằng bốn chữ Tứ Đại Đồng Đường này được vua ban bao giờ vậy? Mẹ Lâm ngạc nhiên và sung sướng nhìn tôi hỏi: “Ủa, anh cũng biết đọc chữ Hán nữa à?” Tôi mỉm cười nói với bà: Thật là một phúc lớn. Tôi biết mẹ Lâm kiêu hãnh lắm cũng như một số gia đình khác ở Hải Lăng vẫn kiêu hãnh về những gì được vua ban tặng. Thật tình tôi không biết chi về Hán văn cả nhưng tôi ở Huế đã gặp một số bức hoành có bốn chữ Tứ Đại Đồng Đường vua ban như vậy nên quen mắt đi thôi. Các cụ già giảng giải rằng ngày xưa dòng họ nào có đủ bốn thế hệ còn sống (từ ông cố, ông nội, đến cha con, chắt chít) thì coi như nhà đại phước và được vua ban thưởng bốn chữ quý hóa đó.


Năm nay đứng giữa thủ đô Sài Gòn, nghe tin khói lửa bốc cháy trên xóm làng Hải Lăng, tôi bồn chồn nghĩ về vùng đất heo hút kia với bao nhiêu kỷ niệm thân yêu bừng sống dậy.


Có khi tôi buông mình theo giấc mơ làm người lính chiến có mặt trong quân đoàn trở lại Hải Lăng, cái quận lỵ mà có lần tôi đã nói với bạn bè ở Quảng Trị là nếu sau này làm quốc trưởng tôi sẽ cho đổi tên thành quận Hải Lâm, chỉ vì người con gái tôi yêu ở đó mang tên Lâm. Nhưng dù cho hai điều mơ ước đó có thực hiện được chăng nữa thì cũng chỉ là dã tràng xe cát biển đông. Từ sau bữa cơm chia tay ở nhà Lâm, trước ngày tôi đi nhập ngũ cuối năm 65, thì đường đời đã diệu vợi. Rồi ngày 31 tháng trước đây, Lâm đi lấy chồng. Rồi những biến cố quân sự đột khởi, rồi loạn lạc chết chóc và không còn tin tức gì nữa về người xưa. Đó có lẽ là một kết thúc quá tầm thường trong thời buổi loạn ly bây giờ.


Nhưng sao tôi vẫn khao khát trở về đó, nhìn lại Hải Lăng trong tai biến… Lâm và bao nhiêu người con gái đẹp thuần hậu như Lâm, hình hài đã bị dập vùi đâu đó dưới bờ tre, ruộng lúa của quê hương. Tôi muốn trở về Hải Lăng xem có còn không ngôi nhà của Lâm với bốn chữ Tứ Đại Đồng Đường vàng son kiêu hãnh, với bờ giậu chè tàu xanh ngắt thật cao che kín khuôn sân rộng có nhiều cát xám. Khuôn sân mà sau bữa cơm chia tay, Lâm tiễn tôi đi ngang qua đó, trời chiều đã tạnh mưa, mẹ Lâm đem mấy cánh áo ra phơi. Tôi muốn tự dối mình rằng cảnh cũ người xưa vẫn còn đó, vẫn sống mãi huyễn hoặc như trong thơ Trần Dạ Từ:


Em mười sáu tuổi, trăng mười sáu

Áo lụa phơi buồn sân gió xưa.


Người Xứ Huế
[1972]

(Trần Vũ đánh máy lại từ “Tuyển tập Bút ký Phóng sự Chiến trường 1972”, Nxb Văn Nghệ Dân Tộc in 1973.) 


Hình ảnh thêm:


blank


blank

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Tháng ba, dường như mùa đông chỉ mới bắt đầu sau một tháng thời tiết ấm áp. Nấc đo màu đỏ của hàn thử biểu nằm trên dương độ và có khi vượt qua khỏi con số mười. Mọi người hân hoan cho rằng Paris năm nay không có mùa đông. Nhưng những cơn mưa ướt át, những luồng gió lạnh lẽo từ một cơn bão nào đó đã ào ạt thổi về trên phố từ mấy ngày nay. Con đường trước nhà lúc nào cũng vắng hay tôi chỉ nhìn thấy nó mỗi khi không còn ai. Thói quen trước khi vào giường ngủ và thức dậy khi đêm chuẩn bị tạ từ. Đèn vàng và sương mù, những ngôi nhà, cây cành đổ bóng ngoài khung cửa là nơi của quá khứ tôi, nơi hồi tưởng, dù vui dù buồn. Nhớ lại trong đêm nay… cả trăm điều muốn khóc1, một lời hát lấy từ một bài thơ của một nhà thơ quá cố mà tôi rất thích và tôi nghĩ đâu phải riêng tôi mới có cả trăm điều muốn khóc. Của chúng ta, bao người ly hương, làm gì lại chẳng có những đêm nhớ lại với trăm điều.
Thứ hai 6 tháng 4 South Carolina tiểu bang cuối cùng của các tiểu bang nằm dọc theo phía Đông của sông Mississippi (giòng sông dài thứ nhì của Bắc Mỹ) ban hành lệnh "Shelter in place". Cùng lúc, Indiana kéo dài "lệnh cấm túc" thêm 14 ngày nữa trên toàn tiểu bang.
Bài viết này lấy cảm hứng từ tựa đề của một tác phẩm nổi tiếng trong nền văn học Việt Nam Cộng Hoà. Đó là tựa đề “Những người không chịu chết” (1972), một trong những vở kịch nổi tiếng của kịch tác gia Vũ Khắc Khoan. Lúc vở kịch ra đời, tôi hãy còn nhỏ lắm, nhưng cũng phần nào đủ trí khôn để thưởng thức vở kịch này. Tôi được đọc vở kịch trước rồi sau mới xem kịch trên truyền hình. Đã mấy mươi năm rồi nên bây giờ tôi chỉ còn nhớ lờ mờ rằng vở kịch đó nói về một nhóm tượng người mẫu, cứ đêm đêm đêm lại trở thành người, sống, ăn nói và sinh hoạt như bao con người bình thường khác, với đầy đủ tham, sân, si, hỉ, nộ, ái, ố, thất tình lục dục. Bài viết này mượn cảm hứng đó để nói về—không hẳn chỉ là những con người—mà còn là những thực thể khác, cũng không hề chịu chết, qua dòng lịch sử nghiệt ngã của nước Việt, tính từ ngày 30 tháng Tư năm 1975.
Tiếng giày cao gót lụp cụp tiếp theo sự xuất hiện của một cô gái làm Vinh ngơ ngẩn đến lặng người. Trời ơi! Sao trên đời lại có người đẹp thế này! Nàng mặc nguyên cái áo dài màu xanh da trời đồng phục của tiếp viên hàng không Air VietNam với huy hiệu rồng vàng nổi bật trên cổ áo ôm lấy một bờ ngực vun đầy và vòng eo chết người. Gương mặt trái soan với đôi má hây hây điểm trên làn da trắng mịn màng, bờ môi mộng đỏ hình trái tim, cộng thêm đôi mắt bồ câu đen long lanh với viền mi cong vút dài rậm(thiệt đúng là chí lớn trong thiên hạ không đong đầy đôi mắt mỹ nhân). Tất cả như muốn nhốt cả hồn Vinh trong ngây dại chìm đắm.
Tiếng niệm chú rì rầm trầm hùng vang rền cả đại điện, bóng các tăng sĩ trong màu áo huyết dụ lắc lư, tay lần tràng hạt trong ánh đèn bơ lung lay trông thành kính vô cùng. Toàn bộ mọi người như nhập thần vào câu chú, thân người ngồi đó mà thần thức như ở cung trời nào chứ chẳng phải trên mặt đất này. Khói trầm phảng phất bay lên, pho tượng Phật trên toà tay bắt ấn kiết tường, mắt mở to như nhìn thấu những tấn tuồng của trò đời, thông suốt những nỗi đau của chúng sanh, biết tường tận tâm can của của mỗi người.
Chiếc đồng hồ treo trên vách gõ nhịp nhàng hai tiếng thảnh thót giữa đêm khuya tĩnh mịch. Từ đàng xa, vài con chó trong xóm vắng gầm gừ sủa ma nghe thấy lành lạnh người. Tiếng gió đưa xào xạc mấy hàng dừa bụi chuối bên hè cộng thêm giọng ểnh ương oàng oạc tạo thành khúc nhạc êm ái đặc biệt hắt hiu của đồng quê miền Nam. Mùi hương hoa bưởi hoa cau cũng nương theo làn gió đêm len lén vào nhà nghe thoang thoảng nhẹ nhàng. Cho tới giờ này mà Phi vẫn chưa ngủ được, nó cứ nằm lăn qua trở lại với nỗi buồn nhức thịt nhức da, đau buốt tâm can vì sáng mai này nó phải chia tay với con Hồng Thắm, người chị láng giềng lớn hơn nó hai tuổi và cũng là người mà nó thân thiết nhất xóm, còn hơn cả con Mai em gái của nó nữa . Mà nói nào ngay thì Hồng Thắm có đi xa xôi cách trở gì cho cam, chị chỉ qua Mỹ Tho học mà từ nhà tụi nó ở ngay chợ Ngã Tư An Khánh-Bình Đại (Bến Tre) qua có cái Bắc Rạch Miễu là đã tới nơi rồi.
An cười, nhưng chợt khựng lại với ý nghĩ không biết bao giờ mới có thể cùng Mẹ đến những chỗ đông vui như vậy. Hơn hai tuần lễ thực hiện điều “ở yên trong nhà” mà thấy lâu như cả năm. Mặc dù An đã kéo hết công việc về làm tại nhà, không phải đi đến sở, An thấy vẫn còn nhiều thì giờ trống. Chính là những lúc trước đây dành cho việc chạy bộ tập thể dục, là những lúc đẩy xe cho Mẹ đi dạo để hít thở chút khí trời trong lành, là những buổi họp mặt bạn bè, đàn ca hát xướng cho vui… Nhiều lắm! Khi bình thường không ai để ý những điều đó, đến khi phải sống trong một bầu không khí mới, sẽ thấy có sự khác biệt rõ ràng.
Thắp nhang tụng thời kinh công phu buổi sáng, tôi mỉm cười đón tia nắng mai đầu Xuân đang lạnh tràn lên chiếc áo tràng và thành tâm cầu nguyện “âm siêu dương thái, dịch bệnh tiêu trừ” cho đệ tử và chúng sanh không phân biệt. Tiếng chuông hồi hướng đưa tôi vào ngôi chùa Tự Tại để được sống thêm một giờ, một ngày hay bao lâu nữa cũng được trong thanh tịnh và an vui.
Để tưởng nhớ đến các đồng bào Việt Nam đã bỏ mình trên bước đường đi tìm tự do Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees: 250,000 boat people died at sea; 929,600 reached asylum . Bà Elizabeth Becker trong quyển sách "Khi chiến tranh đã chấm dứt , 1986" dẫn chứng lời của vị Đặc Ủy Tối cao Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc: 250.000 thuyền nhân chết trên biển cả; 929.600 người được tỵ nạn. Tâm trạng hắn lúc đó thật là phức tạp. Hắn vừa hồi hộp, vừa lo lắng, vừa bùi ngùi đứt ruột vì phải xa lìa đất mẹ, nhưng đồng thời hắn cũng cảm thấy vô cùng phấn khởi náo nức khi nghĩ đến mỗi bước đi tới sẽ là những bước đưa gia đình hắn đến gần một chân trời mới đầy tự do và hy vọng… Tất cả mọi người đều bị ếm trong khoang ghe, không được gây tiếng động. Mấy cháu bé đều bị cho uống thuốc ngủ trước đó hết. Trong khoang ghe, tất cả được chia nhau ngồi chen chúc dọc theo hai bên vách. Mọi người đều im lặng.
Biển mùa hạ xanh biếc, màu xanh tưởng chừng như thông suốt từ đáy biển lên tận bầu trời, cái màu xanh mát mắt lạ thường, chỉ nhìn thôi đủ thấy khoan khoái, bao nhiêu bực dọc và phiền não như tan trong làn gió. Hàng ngàn người đang vùng vẫy trong làn nước xanh mát ấy.
Mỗi lần mùa đông trở về với Cali, tôi lại bồi hồi nhớ lại những mùa đông ở một nơi khác. Không phải là những mùa đông êm ả, thân quen của Đà Lạt, nơi tôi sinh ra và lớn lên, mà là những mùa đông lạnh lẽo, vô cùng khắc nghiệt ở một nơi khác, xa lăng lắc. Nơi chốn đó đã cho tôi bao nhiêu kỷ niệm vui buồn, nhớ nhung của tuổi thanh xuân. Thành phố nhỏ bé đó có tên là Komsomolsk, ở tận xứ Ukraine xa tít mù, nơi tôi đã sống và làm việc trong suốt bốn năm trời, và cũng là nơi đã hun đúc nên một tình yêu cho mãi đến bây giờ.
Trong tình hình "cấm túc tại gia", hầu hết mọi người ở nhà, không lái xe đi xa, tai nạn xe cộ gần như không có, vì đường nhỏ, đường lớn đều "đường thênh thang gió lộng một mình ta", công ty AllState sẽ hoàn lại 600 triệu tiền bảo hiểm cho những người mua bảo hiểm xe hơi của họ. Hy vọng AAA, Công ty bán bảo hiểm lớn và lâu đời nhất ở Mỹ cũng sẽ theo bước chân của AllState . Điều buồn nhất là theo nhiều ý kiến chuyên môn, phải mất một khoảng thời gian dài, rất dài trước khi cuộc sống trở về bình thường. Coronavirus không chỉ đến rồi đi, mà còn ở lại và tung hoành ngang dọc. Đời sống vốn buồn nhiều hơn vui,trong tình hình này dường như phải đổi thành đời sống vốn dĩ buồn lo.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.