Hôm nay,  

TÀO LAO

5/7/202215:00:00(View: 3693)

Tạp bút

 

nonsense



Việc lớn thì chẳng ra sao,

Việc tào lao hay chú ý.

(Ca dao)

 

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, tôi cố gắng cắt cho xong bãi cỏ trước nhà. Mồ hôi nhễ nhại, tôi đẩy cái máy cắt cỏ một cách nặng nề, nhẫn nại. Cái máy cứ như muốn ì ra dưới sức đẩy của tôi mỗi lúc một yếu dần đi. Mệt bá thở! Chưa cắt cỏ xong, tôi đã phải nghĩ ngay tới việc phải tìm chỗ để đổ đống cỏ vừa cắt, rồi rải thêm phân bón, tưới thêm nước cho cỏ mọc lên được xanh tươi, và để rồi tuần sau lại vác máy cắt cỏ ra cắt. Nếu lười hay quên, ông hàng xóm sẽ đem máy cắt cỏ của ông ta để ngay trước cửa nhà tôi nhắc khéo.

 

Đã bao năm nay tôi cứ lặp đi lặp lại cái công việc nặng nhọc và nhàm chán này một cách cần mẫn, nghĩa là tốn phí tiền của lẫn công sức nuôi cỏ cho lớn lên xanh tươi rồi cắt nó đi, rồi lại nuôi, rồi lại cắt một cách đều đặn. Nếu công việc này xảy ra vào những ngày mát mẻ thì chẳng nói làm gì, nhưng hôm nay dưới cái nóng bỏng của "cái nóng nung người, nóng nóng ghê" (Nguyễn Khuyến) thế này thì tôi chợt nhận ra, trong công việc của mình có cái gì mang vẻ "tào lao". Nó tào lao ngang với cái luật thành phố San Jose, nơi chúng tôi đang cư ngụ, cấm hủy bỏ hay làm chết bãi cỏ xanh trước nhà vì muốn bảo tồn vẻ đẹp của thành phố. Vào những năm hạn hán, thành phố muốn giữ cỏ xanh tươi, đồng thời lại đòi hỏi cư dân phải hạn chế tối đa hay cấm dùng nước tưới cỏ. Nếu tôi không tuân thủ? Phạt. Tào lao thế đấy!

 

Chuyện tào lao như thế thì cứ "khối" ra đấy, không phải là chuyện của trẻ con đâu mà là chuyện của cả người lớn.

 

Tào lao như câu cửa miệng của dân Việt ta ngày nay:

 

Sáng đúng chiều sai,

Sáng mai lại đúng.

Lúng túng, sáng đúng chiều lại sai,

Lai rai, chiều sai sáng mai lại đúng.

 

Tào lao như cụ Tản Đà viết thơ hỏi vợ trên trời:

 

Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ,

Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời.

Xem thơ trời cũng bật cười,

Cười cho hạ giới có người “tào lao”(1)

 

Tào lao như anh nói khoác:

 

Ta con ông Cống, cháu ông Nghè,

Nói có trên trời dưới đất nghe,

Sức khoẻ Hạng Vương cho một búng

Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe.

Nhẩy ùm xuống biển lôi tầu lại

Nhảy tót lên non dắt cọp về.

Độ nọ vào chơi trong nội phủ,

Ba nghìn công chúa phải lòng mê.

 

Tào lao như những câu chuyện đầu môi của mấy ông thợ cạo ở nước ta. Với những ông này, tào lao là một điều kiện tất yếu không thể tách rời ra khỏi nghề nghiệp của ông. Bỏ tào lao đi, ông chỉ còn biết cạo trọc đầu thiên hạ. Ta hãy tính thử xem có bao nhiêu nghề nghiệp cần đến tào lao như thế, nhiều lắm, mà đặc biệt, nghề làm chính trị. Các chính khách, lãnh tụ, đứng về phương diện nào đó để thành công, tào lao đã trở thành điều kiện “ắt có” không thể thiếu được.

 

Tào lao như bảng thống kê thăm dò ý kiến của viện Harris Poll bỏ tiền của và công sức ra để hỏi về giới tính (sex) của Thiên chúa; hay lý do những người đàn ông Mỹ ra khỏi giường vào ban đêm, kết quả cho thấy: 35% vào toilet, 15% đi làm việc ca đêm, 50% mặc quần áo đi về nhà mình.

 

 Cứ dựa vào những điều tôi vừa kể thì tào lao, đứng về phương diện trà dư tửu hậu, là những câu chuyện nói cho sướng miệng, cho giết thì giờ, cho câu chuyện thêm vui, thêm tức, hoặc nói cho qua rồi bỏ; đứng về phương diện việc làm hay hành động thì tào lao là những việc làm có tính cách vô bổ, ruồi bu, vớ va vớ vẩn hay ngớ nga ngớ ngẩn chẳng đâu vào đâu hoặc chẳng đâu ra đâu cả. Có khi nó còn trở thành trống đánh xuôi, kèn thổi ngược mà cái hậu quả của nó khiến người ta cứ tức mình anh ách. Không nhịn được nhau sẽ có thể xảy ra chuyện lớn: đánh nhau vỡ đầu hoặc có chiến tranh.

 

Những sự việc tào lao hay có vẻ tào lao xảy ra không ít, nó bao trùm trong mọi lãnh vực kể cả vật chất lẫn tinh thần, tâm linh lẫn văn hóa, chính trị... của loài người. Cũng có khi tào lao được diễn ra ở bình diện quốc gia lẫn quốc tế như khi ông Tổng thống cường quốc nọ đem quân đi đánh nước kia vì nghi nước đó có bom hóa học. Đánh xong thì mới "OOPS !!!", cả thế giới xúm lại tìm, chẳng thấy bom đâu. Ông hùng hồn tuyên bố cuộc chiến xảy ra là vì vấn đề dân chủ, dân quyền, nhất định không phải là vì dầu hỏa hay bom. Tào lao chăng? Thật khó hiểu. Tìm hiểu sự thật, âu đôi khi cũng là chuyện tào lao.

 

Tào lao còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thời điểm, nơi chốn hay đối tượng nữa. Mức độ tào lao cũng tùy vào hoàn cảnh chủ quan hay khách quan của sự việc. Tào lao có tính chất tương đối, cả về ý niệm, như chuyện tào lao lúc này trở thành chuyện không tào lao lúc khác, và ngược lại chuyện không tào lao lúc nọ lại trở thành chuyện tào lao lúc kia. Những chuyện như thế phải kể đến câu chuyện của nhà “bác vật” Gallilée, trong khi cả nhân loại tin là quả đất hình vuông, riêng ông cho là quả đất hình cầu nên ông chết thảm vì nhân loại tưởng ông tào lao. Nói lên sự thật không đúng lúc, đúng người, đúng hoàn cảnh hay thời đại, âu đó cũng là chuyện tào lao chết người vậy.

 

Cũng thế, ta cũng cứ tưởng Đức Phật tào lao khi ngài nói: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm mà ta chưa từng nói một lời nào”. Hay trong kinh, ngài dậy: “Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng là Phật pháp, nên gọi là Phật pháp . . . Phật nói chúng sinh, tức chẳng phải là chúng sinh, cho nên mới gọi là chúng sinh”. Tưởng ngài tào lao mà lại chẳng phải tào lao, tưởng tào lao chỉ vì ta không hiểu ngài thôi. Như “Kinh thượng thừa” phải là kinh “vô tự”, bám vào “tự” ta sẽ lạc lối về, ngài dặn: “Kìa đệ tử hãy xem theo ngón tay ta mà thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ, ngón tay ta không phải là mặt trăng”.

 

Và vì tính chất uyển chuyển, đa dạng của tào lao nên ít ai nghĩ đến chuyện cần phải "cải sửa" tào lao như người ta cố cải sửa việc làm xấu để trở thành người tốt cả. Cải sửa bản tính tào lao đôi khi lại cũng trở thành công việc của tào lao.

 

Có những chuyện tào lao ảnh hưởng đến một người, một nhóm người, hay cả nhân loại. Như cái tào lao không tưởng của Karl Max, đã bị một đám người vận dụng lý thuyết ấy để nhận chìm một phần nhân loại xuống bẩy từng địa ngục. Cũng may nhân loại văn minh đã sớm bức tử nó.

 

Tào lao là chuyện dài "bất tận", vui buồn... lẫn lộn.

 

Tôi nói tào lao một chút cho vui và để các bạn đừng nhăn mặt, nhăn mũi về những điều tôi nói tôi làm. Trong Thánh kinh có một câu chuyện kể về một người đàn bà phạm tội bị đám đông đem đến trước mặt Đức Chúa Jesus xin ngài xử tội ném đá người đàn bá ấy. Đức Chúa Jesus hỏi lại: “Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi thì có quyền ném viên đá đầu tiên”. Khi nghe lời phán ấy, đám đông bỏ đi. Các bạn nghĩ sao về câu chuyện này mỗi khi kết tội tôi là kẻ tào lao.

 

Tôi hỏi lại các bạn, “Có bạn nào chưa một lần tào lao thì có quyền ném vào tôi viên đá đầu tiên!” Chưa nói hết câu, cô hàng xóm nhà tôi nhặt hòn đá ném vào đầu tôi cái cốp, rồi đứng cười ngặt nghẽo. Tôi hỏi tại sao cô ném. Cô trả lời tỉnh bơ: “Ném cho bõ ghét!” Đúng là câu trả lời lãng nhách, tào lao.

 

Gân cổ lên để cãi đúng sai về một câu chuyện đã được xác định là “chuyện Tào Lao” như đề tựa bức thư này, ấy mới chính thật là ĐẠI TÀO LAO.

 

Nghĩ cho cùng, có bao nhiêu chuyện trên đời này là không tào lao nhỉ? (Cười).

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Một bài tùy bút về chiếc bánh ít, một món ăn chơi tuyệt ngon và tuyệt thú của đồng bào ta từ Bắc vào Nam. Tác giả Trần Hoàng Vy gửi đến quý độc giả đôi điều chung quanh chiếc bánh ít, và không quên ghi chép ít giai thoại về lịch sử của nó. Mời đọc.
"Tín nhiệm dễ mất khó tìm, Một lần bất tín, vạn lần bất tin". -- Một bài tùy bút về chữ "tín" của nhà báo/ doanh nhân Kiều Mỹ Duyên. Việt Báo mời đọc.
Viết với tấm lòng kính yêu những bậc cha mẹ vì tương lai đàn con mà chọn sống cho ra người. Cuộc sống các bậc cha mẹ này chọn sống là tương lai trong đó con cháu các vị sẽ sống mà không lo mình sẽ lạc loài khỏi vết tích tốt tiền nhân để lại, có mà theo… – Tác giả Lý Khánh Hồng có đôi lời phi lộ như thế trong truyện ngắn lấy bối cảnh Nam bộ trong thời kháng Pháp. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Một bài viết xoay quanh vấn đề từ nguyên của từ "tấm mẳn", để từ đó tác giả Trần Hoàng Vy bày tỏ lòng cảm khái đối với những công lao khó nhọc của tiền nhân mở mang bờ cõi đất nước vùng Nam bộ. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Tháng Giêng, nàng rời Việt Nam, khi đang năm cuối Đại Học Sư Phạm, Sài Gòn. Từ đó, mỗi tháng đầu năm nơi xứ người, nàng bồi hồi đếm. Lại thêm một mùa xuân tha hương. .. -- Một truyện ngắn nhưng cũng có thể là tản mạn hồi ức về thời "Tuổi Ngọc" êm đềm, của nhà văn Hoàng Quân. Việt Báo trân trọng mời đọc.
Dòng người tấp nập lại qau trên khu phố, những nam thanh nữ tứ cầm tay nhau tung tăng đi mua sắm, ngoài trục đường chính những dòng xe xuôi ngược như mắc cửi. Quán cà phê Starbucks nằm ngay vị trí đắc địa nhất, tiện lợi cho người bộ hành trên đường lẫn khách mua sắm trong các khu thương xá. Ở xứ này các quán cà phê đều na ná như nhau, hầu hết là chung một thương hiệu nhượng quyền kinh doanh vì thế cách trang trí, điều hành, giá cả đều đồng nhất, tất cả phải theo sự chuẩn thuận của chủ thương hiệu. Quán Starbucks ở ngã tư Ponce De Leon này cũng không ngoại lệ...
Một truyện ngắn của nhà văn Trần C. Trí, vẽ lại không khí buồn bã, tăm tối của một ngày cuối năm tại quê nhà khi mọi hy vọng tin yêu vào cuộc sống như bị giập nát trong cuộc đổi đời lịch sử tàn bạo. Việt Báo hân hạnh giới thiệu.
Phác họa chân dung văn học và tiểu sử một cây bút danh tiếng quốc tế, nhà văn Linda Lê. Bài của tác giả Đào Như. Việt Báo trân trọng giới thiệu.
Những ngày cuối năm nhiều kỷ niệm quá khứ vui buồn hiện về. Tuy sức khỏe yếu kém tôi muốn viết để cảm tạ những người đã đi cùng tôi và Anh Phạm Cao Dương trong một đoạn đường đời, những người đã có ảnh hưởng sâu đậm trong cuộc đời chúng tôi. -- Tác giả Khánh Vân, với những lời lẽ tâm tình chân thực, viết về người bạn đời của bà, nhà Sử học danh tiếng Phạm Cao Dương. Việt Báo trân trọng mời đọc.
Cuối năm vợ chồng tôi từ vùng Vịnh San Francisco bay xuống Quận Cam, thủ đô của người Việt tại Hoa Kỳ, thăm bạn sau ba năm không có dịp gặp và đi lòng vòng Little Saigon xem có gì lạ. Đến Coffee Factory, điểm hẹn của văn nghệ sĩ và giới truyền thông trong vùng, gặp hai bạn học thời cấp 1 và cấp 2. Nhờ Facebook mà những năm gần đây nối kết được với nhau, liên lạc được với Đinh Văn Nhan cách đây vài năm và hè năm ngoái đã cùng nhau ăn phở, uống cà phê ở khu Grand Century, San Jose. Sáng nay gặp lại Hoàng Xuân Hùng là sau nửa thế kỷ từ khi chúng tôi rời trường Thánh Tâm. Cả ba muốn gặp lại Mai Bình Minh mà không liên lạc được.
Anh thoát xa chỗ súng đạn, anh men theo xóm làng lạ lẫm vắng vẻ về quá Bà Rịa. Khá lâu có lẽ đã 3,4 giờ sáng. Anh không dám dừng lại dù ở một vài nơi thấy có ánh đèn leo lét. Khi thấy mình đã vượt xa, thật xa chốn lâm nguy, anh Luận đi chầm chậm lại để thở và bất ngờ anh đụng Tam quan một ngôi chùa cổ quạnh hiu… bên trong tối om, anh ngồi tựa cổng chờ. Một lúc lâu không nghe động tịnh gì nguy hiểm vây quanh, anh bạo dạn gõ cửa chùa, thôi đây là cửa Phật, anh tự nghĩ ta cùng đường rồi, phó thác thân vào chốn Từ Bi ! May ra… Tiếp đón anh, sau một lúc lâu, cửa hé mở là một chú tiểu trẻ, năng nổ mau mắn dắt anh vô gặp thầy trụ trì.
Như là một cuốn truyện hư cấu, nhưng lại là một truyện thật, và câu chuyện này đã kéo dài bẩy chục năm. Chị sinh năm 1926, năm nay đã 95 tuổi. Chị hơn tôi 10 tuổi. Với từng đó tuổi, vào những quãng thời gian đó, chị đã đi vào những biến cố xa hơn tôi rất nhiều. Chúng tôi đều sinh ra trong thời nước Việt Nam còn có vua, nhưng lại là thuộc địa của người Pháp. Tôi nhớ lại thời đó là một thời thanh bình. Rồi chúng tôi đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh triền miên suốt hơn ba mươi năm trời.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.