Hôm nay,  

TÀO LAO

5/7/202215:00:00(View: 3781)

Tạp bút

 

nonsense



Việc lớn thì chẳng ra sao,

Việc tào lao hay chú ý.

(Ca dao)

 

Dưới cái nắng như thiêu như đốt, tôi cố gắng cắt cho xong bãi cỏ trước nhà. Mồ hôi nhễ nhại, tôi đẩy cái máy cắt cỏ một cách nặng nề, nhẫn nại. Cái máy cứ như muốn ì ra dưới sức đẩy của tôi mỗi lúc một yếu dần đi. Mệt bá thở! Chưa cắt cỏ xong, tôi đã phải nghĩ ngay tới việc phải tìm chỗ để đổ đống cỏ vừa cắt, rồi rải thêm phân bón, tưới thêm nước cho cỏ mọc lên được xanh tươi, và để rồi tuần sau lại vác máy cắt cỏ ra cắt. Nếu lười hay quên, ông hàng xóm sẽ đem máy cắt cỏ của ông ta để ngay trước cửa nhà tôi nhắc khéo.

 

Đã bao năm nay tôi cứ lặp đi lặp lại cái công việc nặng nhọc và nhàm chán này một cách cần mẫn, nghĩa là tốn phí tiền của lẫn công sức nuôi cỏ cho lớn lên xanh tươi rồi cắt nó đi, rồi lại nuôi, rồi lại cắt một cách đều đặn. Nếu công việc này xảy ra vào những ngày mát mẻ thì chẳng nói làm gì, nhưng hôm nay dưới cái nóng bỏng của "cái nóng nung người, nóng nóng ghê" (Nguyễn Khuyến) thế này thì tôi chợt nhận ra, trong công việc của mình có cái gì mang vẻ "tào lao". Nó tào lao ngang với cái luật thành phố San Jose, nơi chúng tôi đang cư ngụ, cấm hủy bỏ hay làm chết bãi cỏ xanh trước nhà vì muốn bảo tồn vẻ đẹp của thành phố. Vào những năm hạn hán, thành phố muốn giữ cỏ xanh tươi, đồng thời lại đòi hỏi cư dân phải hạn chế tối đa hay cấm dùng nước tưới cỏ. Nếu tôi không tuân thủ? Phạt. Tào lao thế đấy!

 

Chuyện tào lao như thế thì cứ "khối" ra đấy, không phải là chuyện của trẻ con đâu mà là chuyện của cả người lớn.

 

Tào lao như câu cửa miệng của dân Việt ta ngày nay:

 

Sáng đúng chiều sai,

Sáng mai lại đúng.

Lúng túng, sáng đúng chiều lại sai,

Lai rai, chiều sai sáng mai lại đúng.

 

Tào lao như cụ Tản Đà viết thơ hỏi vợ trên trời:

 

Tình riêng trăm ngẩn mười ngơ,

Ngồi buồn lấy giấy viết thơ hỏi trời.

Xem thơ trời cũng bật cười,

Cười cho hạ giới có người “tào lao”(1)

 

Tào lao như anh nói khoác:

 

Ta con ông Cống, cháu ông Nghè,

Nói có trên trời dưới đất nghe,

Sức khoẻ Hạng Vương cho một búng

Cờ cao Đế Thích chấp đôi xe.

Nhẩy ùm xuống biển lôi tầu lại

Nhảy tót lên non dắt cọp về.

Độ nọ vào chơi trong nội phủ,

Ba nghìn công chúa phải lòng mê.

 

Tào lao như những câu chuyện đầu môi của mấy ông thợ cạo ở nước ta. Với những ông này, tào lao là một điều kiện tất yếu không thể tách rời ra khỏi nghề nghiệp của ông. Bỏ tào lao đi, ông chỉ còn biết cạo trọc đầu thiên hạ. Ta hãy tính thử xem có bao nhiêu nghề nghiệp cần đến tào lao như thế, nhiều lắm, mà đặc biệt, nghề làm chính trị. Các chính khách, lãnh tụ, đứng về phương diện nào đó để thành công, tào lao đã trở thành điều kiện “ắt có” không thể thiếu được.

 

Tào lao như bảng thống kê thăm dò ý kiến của viện Harris Poll bỏ tiền của và công sức ra để hỏi về giới tính (sex) của Thiên chúa; hay lý do những người đàn ông Mỹ ra khỏi giường vào ban đêm, kết quả cho thấy: 35% vào toilet, 15% đi làm việc ca đêm, 50% mặc quần áo đi về nhà mình.

 

 Cứ dựa vào những điều tôi vừa kể thì tào lao, đứng về phương diện trà dư tửu hậu, là những câu chuyện nói cho sướng miệng, cho giết thì giờ, cho câu chuyện thêm vui, thêm tức, hoặc nói cho qua rồi bỏ; đứng về phương diện việc làm hay hành động thì tào lao là những việc làm có tính cách vô bổ, ruồi bu, vớ va vớ vẩn hay ngớ nga ngớ ngẩn chẳng đâu vào đâu hoặc chẳng đâu ra đâu cả. Có khi nó còn trở thành trống đánh xuôi, kèn thổi ngược mà cái hậu quả của nó khiến người ta cứ tức mình anh ách. Không nhịn được nhau sẽ có thể xảy ra chuyện lớn: đánh nhau vỡ đầu hoặc có chiến tranh.

 

Những sự việc tào lao hay có vẻ tào lao xảy ra không ít, nó bao trùm trong mọi lãnh vực kể cả vật chất lẫn tinh thần, tâm linh lẫn văn hóa, chính trị... của loài người. Cũng có khi tào lao được diễn ra ở bình diện quốc gia lẫn quốc tế như khi ông Tổng thống cường quốc nọ đem quân đi đánh nước kia vì nghi nước đó có bom hóa học. Đánh xong thì mới "OOPS !!!", cả thế giới xúm lại tìm, chẳng thấy bom đâu. Ông hùng hồn tuyên bố cuộc chiến xảy ra là vì vấn đề dân chủ, dân quyền, nhất định không phải là vì dầu hỏa hay bom. Tào lao chăng? Thật khó hiểu. Tìm hiểu sự thật, âu đôi khi cũng là chuyện tào lao.

 

Tào lao còn được thể hiện dưới nhiều hình thức khác nhau tùy thời điểm, nơi chốn hay đối tượng nữa. Mức độ tào lao cũng tùy vào hoàn cảnh chủ quan hay khách quan của sự việc. Tào lao có tính chất tương đối, cả về ý niệm, như chuyện tào lao lúc này trở thành chuyện không tào lao lúc khác, và ngược lại chuyện không tào lao lúc nọ lại trở thành chuyện tào lao lúc kia. Những chuyện như thế phải kể đến câu chuyện của nhà “bác vật” Gallilée, trong khi cả nhân loại tin là quả đất hình vuông, riêng ông cho là quả đất hình cầu nên ông chết thảm vì nhân loại tưởng ông tào lao. Nói lên sự thật không đúng lúc, đúng người, đúng hoàn cảnh hay thời đại, âu đó cũng là chuyện tào lao chết người vậy.

 

Cũng thế, ta cũng cứ tưởng Đức Phật tào lao khi ngài nói: “Ta thuyết pháp trong khoảng bốn mươi chín năm mà ta chưa từng nói một lời nào”. Hay trong kinh, ngài dậy: “Cái gọi là Phật pháp, tức chẳng là Phật pháp, nên gọi là Phật pháp . . . Phật nói chúng sinh, tức chẳng phải là chúng sinh, cho nên mới gọi là chúng sinh”. Tưởng ngài tào lao mà lại chẳng phải tào lao, tưởng tào lao chỉ vì ta không hiểu ngài thôi. Như “Kinh thượng thừa” phải là kinh “vô tự”, bám vào “tự” ta sẽ lạc lối về, ngài dặn: “Kìa đệ tử hãy xem theo ngón tay ta mà thấy mặt trăng, nhưng nên nhớ, ngón tay ta không phải là mặt trăng”.

 

Và vì tính chất uyển chuyển, đa dạng của tào lao nên ít ai nghĩ đến chuyện cần phải "cải sửa" tào lao như người ta cố cải sửa việc làm xấu để trở thành người tốt cả. Cải sửa bản tính tào lao đôi khi lại cũng trở thành công việc của tào lao.

 

Có những chuyện tào lao ảnh hưởng đến một người, một nhóm người, hay cả nhân loại. Như cái tào lao không tưởng của Karl Max, đã bị một đám người vận dụng lý thuyết ấy để nhận chìm một phần nhân loại xuống bẩy từng địa ngục. Cũng may nhân loại văn minh đã sớm bức tử nó.

 

Tào lao là chuyện dài "bất tận", vui buồn... lẫn lộn.

 

Tôi nói tào lao một chút cho vui và để các bạn đừng nhăn mặt, nhăn mũi về những điều tôi nói tôi làm. Trong Thánh kinh có một câu chuyện kể về một người đàn bà phạm tội bị đám đông đem đến trước mặt Đức Chúa Jesus xin ngài xử tội ném đá người đàn bá ấy. Đức Chúa Jesus hỏi lại: “Trong tất cả mọi người ở đây, ai là người chưa từng làm tội lỗi thì có quyền ném viên đá đầu tiên”. Khi nghe lời phán ấy, đám đông bỏ đi. Các bạn nghĩ sao về câu chuyện này mỗi khi kết tội tôi là kẻ tào lao.

 

Tôi hỏi lại các bạn, “Có bạn nào chưa một lần tào lao thì có quyền ném vào tôi viên đá đầu tiên!” Chưa nói hết câu, cô hàng xóm nhà tôi nhặt hòn đá ném vào đầu tôi cái cốp, rồi đứng cười ngặt nghẽo. Tôi hỏi tại sao cô ném. Cô trả lời tỉnh bơ: “Ném cho bõ ghét!” Đúng là câu trả lời lãng nhách, tào lao.

 

Gân cổ lên để cãi đúng sai về một câu chuyện đã được xác định là “chuyện Tào Lao” như đề tựa bức thư này, ấy mới chính thật là ĐẠI TÀO LAO.

 

Nghĩ cho cùng, có bao nhiêu chuyện trên đời này là không tào lao nhỉ? (Cười).

 

– Nguyễn Giụ Hùng

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Năm 1620 xa xưa con tầu Mayflower đã chở các gia đình người Anh từ Anh Quốc vượt Đại Tây Dương đến châu Mỹ để tìm đất hứa. Ngày nay con tầu này cũng đưa chúng tôi rời khỏi VN để đi tìm một vùng đất hứa như vậy. Chúng tôi đi trong Tháng Tư nên tên tàu April Flower được khai sinh từ đó
Bằng ngôn ngữ không chủ từ, bằng câu kệ không đầu đuôi, tôi cố thuyết phục bệnh nhân rằng chết không phải là chọn lựa thích hợp, rằng đâu đó trên thế gian này vẫn còn một người yêu thương cô hơn yêu thương chính mình, rằng trong những thứ con người có được, không gì quý bằng mạng sống. Tôi nói cho một mình tôi nghe. Tôi kể chuyện mẹ tôi. Tôi kể chuyện cha tôi. Tôi kể chuyện em gái tôi. Tôi kể chuyện nửa đêm tôi quýnh quáng lại nhà người bệnh. Con mắt đứa bé đã đứng tròng, chân tay co giật từng hồi. Muộn lắm rồi. Nhưng người mẹ khóc lóc nài van. Chích cho cháu mũi thuốc hồi sinh. Hay thuốc gì cũng được. Miễn là có chích. Biết đâu cháu nó lại không chết. Mũi kim nhọn ánh lên dưới ánh đèn dầu trong đêm tăm tối. Vậy mà thằng bé lại sống, cô Thắm biết không. Bây giờ cô Thắm biết thằng bé ấy đang làm gì không. Nó học y tá. Nhà nó nghèo không vào trường y được nhưng nó nhất định làm y tá để cứu người. Cô gái vẫn nằm nghiêng quay mặt vào tường. Lạnh băng tượng gỗ. Đôi vai khẽ chuyển động như v
Lão Honda Accord đã quá già, hơn hai trăm ngàn dặm rồi chứ ít sao. Lão đã gắn bó với cậu chủ mười mấy năm nay. Ngày mới về với cậu chủ, lão còn mới toanh, cậu chủ cưng như trứng hứng như hoa, một tí trầy xước trên thân lão cũng đủ làm cậu chủ đau lòng, mỗi tuần cậu chủ tắm rửa đánh bóng lão… Ấy vậy mà giờ cậu chủ chẳng ngó ngàng gì đến lão nữa, lão già và trở nên xấu xí, đôi khi còn giở chứng nữa.
Bất cứ ai sống trên đời, không nhiều thì ít, đều có những kỷ niệm đặc biệt vui buồn in sâu trong tâm trí. Một trong những kỷ niệm này cũng là khi mình từng được lãnh nhận những món quà xem như những kỷ vật tinh thần vô giá được lưu trữ từ đời này đến đời nọ cho con cháu sau này.
Tiếng chuông chùa đòng vọng, vang xa trong không gian buốt lạnh của một chiều cuối Đông khiến quang cảnh quanh chùa trông thật tịch liêu. Mặt trời nghiêng về phía quê xưa. Những tia nắng mong manh nhẹ nhàng ve vuốt từng phiến đá gầy trước sân chùa.
Đăng lại nhớ chuyện con chó bơi qua sông trong một truyện ngắn của sư Giới Đức. Con chó ở chùa nghe chuông, ăn cơm chay, quanh năm quấn quýt với thầy. Một hôm kia nó nghe mùi thịt nướng bên kia sông nên bơi qua bên ấy, bơi đến giữa giòng thì nghe tiếng sư phụ gọi nên bơi quay về, gần tới bờ thì lại thèm mùi thịt nướng nên lại bơi ngược qua sông, cứ như thế nó bơi qua bơi lại đến khi kiệt sức thì chết đuối giữa giòng.
Tôi vẫn tin rằng tương lai một dân tộc, một đất nước sẽ khá hơn khi những công dân trẻ tuổi đặt câu hỏi này cho bản thân. Bởi vì những bạn trẻ đã tự vấn như vậy sẽ không để cho cuộc sống quí giá của mình trở nên lãng phí.
Khi nó mở mắt tỉnh dậy thì có cảm giác cả thân mình nó bị lôi ngược. Nó cố vùng vẫy nhưng cái đuôi có sợi dây buộc. Nó nhướng mắt nhìn về sau thì thấy hai con tàu màu xanh với những sọc đỏ chạy dọc hai bên lườn đang kéo nó ra khơi. Muosa cũng được hai con tàu khác lôi ngược ra xa. Khi cả thân mình to lớn của nó vẫy vùng dễ dàng trong làn nước biển thì sợi dây buộc ở đuôi được tháo ra. Nó ngoái đầu lại kêu “hoop hoop hoop” liên hồi. Nó không biết nói tiếng của loài người, nó cảm ơn những con tàu đã kéo nó về biển sâu bằng âm thanh của nó.
Vốn đã đóng góp nhiều cho một số tổ chức thiện nguyện hàng năm, đặc biệt là tổ chức "Raise Hope for Congo"(Phi Châu), trong đại dịch Aaron Rodgers đã trích một triệu đồng từ tiền túi của mình để giúp đỡ cho 80 cơ sở thương mại ở sinh quán của anh, thành phố nhỏ Chico ở miền Bắc California.
Vẫn như có sẵn định mệnh cho từng người, không ai chọn lựa được đâu! Ai mà biết được mình sẽ chết vì cái gì, chết lúc nào và chết ra sao? Có lẽ vì đã chứng kiến quá nhiều người chết nên Ái có một cách nghĩ cho riêng mình. Đó là làm việc bằng tinh thần của một người lính. Giường bệnh là chiến trận. Người lính chỉ có một con đường là chiến đấu.
Ngoài sân tuyết lất phất bay, tôn tượng bổn sư bằng đá trắng như hòa vào trong tuyết trắng, những dây cờ ngũ sắc như viền quanh chùa một vòng kiết giới an lành. Trên đường lài xe về, Sơn nghe ca khúc “ Xuân này con không về” mà khóe mắt cay cay. Bản nhạc tha thiết đầy ắp nỗi niềm của những người con xa quê.
Khi Diên chào, bắt tay từ giã Dinh, Dinh nhìn vào mắt Diên – chính lúc đó Dinh cảm nhận được niềm thương yêu vô bờ dâng ngập trái tim chai sạn của chàng. Dinh bịn rịn, không muốn rời tay Diên. Nhưng, Trang đưa tay đón, chiếc xe đò dừng lại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.