Hôm nay,  

Chuyện tình

5/2/202214:14:00(View: 3518)

Truyện ngắn

couple-in-love

 

 

Đây là một câu chuyện mà các đôi uyên ương nên đọc

 

Tôi đã chia sẻ câu chuyện này với người bạn cách đây không lâu. Hôm nay tôi muốn gởi đến quý vị. Khi quý vị đã có bạn để chia sẻ cuộc sống, dù bạn đã thành hôn hay chưa, bạn nên đọc.

 

Khi tôi về đến nhà và vợ tôi đang dọn bữa ăn tối, tôi cầm lấy tay nàng và nói: "Anh có chuyện muốn nói với em". Cô ấy lặng lẽ ngồi xuống, không nói một lời và bắt đầu ăn.

 

Tôi lại thấy đôi mắt nàng lộ vẻ khổ đau.

 

Bỗng nhiên tôi cảm thấy không thể thốt lên lời nào. Nhưng tôi phải nói cho nàng biết những suy nghĩ của tôi. Tôi muốn ly dị. Tôi đề cập đến vấn đề một cách bình thản. Cô ấy trông chẳng có vẻ gì bực bội khi nghe tôi nói, mà chỉ hỏi tôi lý do tại sao?

 

Tôi làm như không nghe câu hỏi. Thế là nàng nổi giận, ném đũa về phía tôi, và hét lên: "Anh không phải là một thằng đàn ông!"

 

Buổi tối hôm đó, chúng tôi không nói với nhau lời nào. Cô ấy chỉ khóc. Tôi biết cô ấy tự hỏi chuyện gì xảy ra cho hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi không thể đưa ra một lời giải thích nào ổn thỏa, trái tim tôi không thuộc về nàng nữa, nó đã bị Jane chiếm trọn rồi. Tôi không còn yêu nàng nữa, mà chỉ cảm thấy thương hại!

 

Bằng một cử chỉ thật tội lỗi, tôi đưa cho nàng giấy tờ tôi sắp xếp cho việc này, nào là tôi nhường lại xe và nhà cho nàng, và chia 30% tiền lời trong công ty của tôi. Cô ấy thoáng liếc mắt vào tờ giấy, rồi xé vụn ra từng mảnh.

 

Người phụ nữ này, người đã sống với tôi suốt 10 năm tròn, bây giờ trở nên xa lạ. Tôi thấy thật tội nghiệp cho cô về khoảng thời gian tiêu hao đi bao nhiêu sức lực để vun đắp gia đình, thật uổng phí, nhưng thật sự tôi không thể nói khác được, vì tôi thật sự yêu Jane.

 

Bỗng nhiên vợ tôi bật khóc thật to, tôi đã biết trước thế nào nàng cũng khóc như vậy. Nói cho cùng, nàng khóc làm cho tôi cảm thấy nhẹ hơn. Ý định ly hôn luẩn quẩn trong đầu tôi từ nhiều tuần nay bây giờ trở nên quả quyết và rõ ràng hơn.

 

Hôm sau tôi trở về nhà rất muộn, và tôi thấy nàng đang ngồi viết ở bàn. Tôi không muốn ăn tối, mà vào phòng và ngủ ngay vì tôi rất mệt sau một ngày bận rộn với Jane. Khi tôi tỉnh giấc, nàng vẫn còn ngồi viết. Tôi chẳng bận tâm, và lại quay ra ngủ tiếp.

 

Đến sáng, cô ấy đưa cho tôi xem những điều kiện về việc ly dị: cô nàng không muốn tôi phải đưa hoặc làm gì cho cô, nàng chỉ cần một tháng để chuẩn bị trước ngày ký giấy. Yêu cầu của nàng là trong suốt tháng đó, cả hai chúng tôi đều phải phấn đấu để sống một cách bình thường trong khả năng của mình. Lý do nàng đưa ra rất đơn giản: con trai chúng tôi phải trải qua một kỳ thi quan trọng vào cuối tháng và nàng không muốn bất kỳ lý do nào sẽ làm xao lãng con vì một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Điều này rất tuyệt đối với tôi. Nhưng rồi nàng lại thêm một điều kiện khác nữa, nàng hỏi tôi có thể nhắc lại ngày cưới tôi đã bế nàng như thế nào vô phòng tân hôn sau khi tiệc tan không.

Điều kiện thứ hai là trong suốt ba mươi ngày đó, mỗi buổi sáng, tôi phải bế nàng từ phòng của chúng tôi ra đến ngưỡng cửa. Tôi không hiểu sao cô ta lại trở nên điên rồ như vậy. Thôi thì, để cho nàng được thoải mái trong những ngày sau cùng với tôi, tôi chấp nhận những yêu cầu kỳ quái của nàng. 

 

Tôi nói cho Jane biết những điều kiện kỳ lạ của vợ tôi về việc ly dị.

 

Jane phá lên cười và cũng nghĩ điều đó thật là điên rồ. Jane lại nói thêm một cách khinh miệt rằng cho dù vợ tôi có dùng những thủ đoạn gì đi nữa thì cô ta cũng phải đối mặt với việc ly hôn.

 

Kể từ khi tôi quyết định ly dị, vợ tôi và tôi không còn đụng chạm nhau nữa. Thế nên ngày đầu tiên khi phải bế nàng ra, cả hai chúng tôi đều thật vụng về. Con trai chúng tôi thì đi theo sau và vỗ tay, miệng không ngớt kêu lên: "Ôi! Ba đang bế mẹ kià!" Những lời đó làm cho tôi đau buồn. Từ phòng ngủ ra đến phòng khách, rồi ra đến cửa, tôi đã mang nàng trên tay khoảng 10 cây số như thế. Cô nhắm mắt lại và nhẹ nhàng yêu cầu tôi không nói đến chuyện ly hôn cho con trai. Tôi gật đầu đồng ý, và có một cảm giác kỳ lạ hầu như rất đau lòng.Tôi đặt nàng xuống, bên ngoài cửa ra vào. Nàng đến trạm chờ xe buýt để đi làm. Tôi lái xe một mình đến sở.

 

Sang ngày thứ nhì, cả hai chúng tôi đỡ vụng về hơn. Cô ấy nép sát vào bụng tôi. Tôi có thể ngửi thấy mùi nước hoa từ áo nàng thoảng bay ra. Bây giờ tôi mới nhớ lại là từ lâu nay tôi chưa ngắm nhìn người đàn bà này, và nhận ra rằng cô ấy không còn trẻ nữa. Trên mặt đã xuất hiện những nếp nhăn, còn tóc thì đã hoa râm rồi!

 

Ôi, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã tàn phá nét thanh xuân của nàng như thế đó. Trong một thoáng, tôi tự hỏi mình đã làm gì để cô ấy nên nỗi.

 

Đến ngày thứ tư, tôi cảm nhận được sự thân thương lúc xưa đã trở lại. Chính người phụ nữ này đã hy sinh những 10 năm trong suốt cuộc đời của cô ấy cho tôi.

 

Rồi ngày thứ năm, thứ sáu, tôi nhận được sự gần gũi ngày càng trở nên thân mật hơn. Tôi không hề tiết lộ điều này với Jane. Giờ đây việc bế nàng trở nên ngày càng dễ dàng hơn khi thời gian trôi qua dần trong suốt tháng. Có lẽ công việc mỗi ngày này làm cho tôi trở nên mạnh mẽ hơn chăng.

 

Một buổi sáng nọ, khi nàng cố tìm áo quần để mặc, nàng thử vài chiếc áo, nhưng vẫn không thấy chiếc nào thích hợp. Nàng nói lẩm bẩm, ôi sao không có chiếc áo nào cả, cái nào cũng quá rộng.

Bỗng dưng tôi nhận ra rằng cô ấy đã gầy đi, và đó chính là lý do tại sao bây giờ tôi có thể bế nàng trên tay dễ dàng hơn. Điều này làm cho tôi thật bàng hoàng, cô ấy đã giấu kín bao nỗi khổ đau cay đắng trong lòng từ bao lâu nay.

 

Bàn tay tôi đưa lên chạm vào đầu nàng lúc nào không hay.

 

Ngay lúc đó con trai chúng tôi vào và nói: "Ba ơi, đến giờ phải bế mẹ ra ngoài rồi đó ba à". Bây giờ đối với cậu bé, việc đứng nhìn cha nó bế mẹ ra cửa trở nên một phần thiết yếu trong cuộc sống rồi. Vợ tôi ngoắc tay bảo con đến gần và ôm nó thật chặt. Tôi phải quay mặt đi vì tôi lo sợ trong giây phút này mình sẽ đổi ý mất thôi. Rồi tôi ôm nàng vào lòng, đi từ phòng ngủ ra phòng khách và đến ngưỡng cửa. Nàng quàng tay vào cổ tôi một cách nhẹ nhàng và quen thuộc. Tôi ghì lấy nàng thật chặt, và cảm thấy như đây là ngày cưới của chúng tôi. Nhưng thân thể gầy mòn của nàng khiến tôi thật đau lòng.

 

Đến ngày cuối tháng, khi đã ôm nàng trong tay, tôi cảm thấy đôi chân mình nặng trịch, không lê bước nổi. Con trai đã đi đến trường. Tôi lại ôm nàng thật chặt và nói: "Anh không để ý rằng cuộc sống của em và anh lâu nay mình thiếu thân mật đến thế, em ạ".

 

Tôi vội lái xe đến sở và nhanh chóng nhảy thót ra khỏi xe mà không màng khép cổng lại. Tôi rất sợ trì hoãn thêm một giây sẽ làm tôi đổi ý, và tôi leo nhanh lên các bậc thang. Jane chạy ra mở cửa, tôi nói với cô: "Anh rất tiếc, Jane ạ, bây giờ anh không muốn ly dị vợ anh nữa".

 

Cô ấy sững sờ nhìn tôi, đưa tay lên sờ trán tôi. Anh có bị lên cơn sốt không vậy? Tôi đẩy tay cô ta ra.

 

"Anh rất tiếc, Jane ạ, nhưng anh không ly dị đâu. Cuộc sống hôn nhân giữa anh và vợ anh có lẽ trở nên chán chường bởi vì cả cô ấy và anh đều không biết đến giá trị những giờ phút bên nhau, chứ không phải tình yêu của chúng tôi đã nhạt phai. Bây giờ anh nhận ra rằng từ khi anh bế cô ấy vào căn nhà yêu thương của mình ngày hôn lễ, bổn phận của anh là phải ở bên cô ấy để lo cho cô ấy cho đến lúc cái chết chia lìa chúng tôi".

 

Một thoáng trôi qua, rồi thình lình Jane lộ vẻ thức tỉnh. Cô ấy giáng cho tôi một cái tát thật mạnh, đóng sập cánh cửa rồi bật khóc. Tôi đi xuống và lái xe về.

 

Khi về, đi ngang một tiệm hoa, tôi đặt một bó hoa thật đẹp cho vợ yêu của tôi. Cô gái bán hàng hỏi tôi muốn ghi như thế nào trên tấm thiệp. Tôi mỉm cười, đặt bút ghi rằng, "Em yêu, anh sẽ bế em ra ngoài cửa mỗi buổi sáng cho đến ngày chúng ta phải xa cách để về cuộc sống bên kia".

 

Chiều hôm đó tôi về đến nhà, cầm bó hoa trên tay, với nụ cười tươi tắn trên môi, chạy thật nhanh lên cầu thang... và rồi... nhìn thấy vợ tôi đơn độc nằm trên giường – Ngưng thở!


Vợ tôi chống chọi với căn bệnh UNG THƯ từ nhiều tháng nay, nhưng tôi đã làm gì? Tôi quá bận bịu bên Jane nên không còn nhận thấy điều gì nữa cả. Cô ấy biết rằng mình sẽ từ giã cõi đời trong thời gian rất gần, nên muốn ngăn ngừa những phản ứng tiêu cực của con trai, nếu như việc ly dị xảy ra. Nhất là đối với cháu, tôi vẫn là người chồng rất mực thương yêu vợ.

 

Bạn ạ, chính những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống là những điều quan trọng nhất trong quan hệ lứa đôi; đó không phải là căn nhà, cái xe, tài sản, ngân khoản ở nhà băng. Tất cả những thứ này chỉ tạo niềm vui với tất cả thế giới quanh ta nhưng không thể mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân mình.

 

Thế nên bạn hãy dành thời gian để làm người bạn thân thiết của vợ mình và hãy thực hiện những chi tiết ấy cho nhau, điều này mang đến sự mật thiết ấm cúng cho nhau, bạn nhé.

 

Rất nhiều người đã thất bại trong cuộc sống, chỉ vì lý do rất đơn giản, bạn biết không? Họ không nhận thức được rằng họ đang sắp chạm đến thành công mĩ mãn, nhưng lại vội buông xuôi.

 

-- Theo lavitaliteverte/indiantigre -- tháinữlan dịch.

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Ca dao bình dân thì đơn giản hơn nhưng cũng rất tha thiết: ”Gió đâu gió thổi sau lưng/ Dạ đâu dạ nhớ người dưng vô cùng”. Rõ ràng cái nhớ thiết tha biết bao, tưởng chừng “Người dưng” rất xa lạ, mơ hồ nhưng lại nhớ không quên.
Mấy tháng trước đây chúng tôi đã gặp một cặp chồng Mỹ vợ Việt tại nhà thờ Saint Patrick trong buổi lễ tang của một bà đồng hương già trên 95 tuổi. Bà Th. trước 75 làm sở Mỹ có chồng lính Mỹ là người sớm nhất đến thành phố chúng tôi đang ở. Những người Việt đến sau như tôi thường đến tá túc một vài tháng đầu tiên tại nhà bà. Lễ tang của bà tập họp gần như đầy đủ người Việt đã từng quen biết bà trong đó có cặp chồng Mỹ vợ Việt nầy đến từ một thành phố khác.
Sống thế nào và sống với nhau ra sao, không dễ. Cả một quá trình tập luyện kiên trì… Ai cũng biết giữ cho “thân hình thon gọn” vừa “đẹp” vừa tốt cho sức khỏe, nhưng mấy ai có thể ăn uống kiêng khem, vận động hằng ngày năm nầy qua năm khác. Hay bước tới trước một bước thì bước lùi sau hai bước!
Thời gian gia đình còn kẹt lại Việt Nam, tuy tuổi đời còn non dại, Nga đã nhìn đời bằng tâm thức của một thiếu nữ trưởng thành. Trong khi đó, tại Hoa Kỳ, Phong được nuông chiều, cho nên, Phong rất vô tư. Thấy Nga không tỏ vẻ háo hức về tin chàng có xe mới, Phong hỏi lơ chuyện khác: -Sáng nay ai đưa Nga đến trường? -Ông xe “bus”. -Từ nay có xe mới, anh sẽ đưa và đón em thường xuyên. -Cảm ơn anh. -Đi, đi với anh ra xem xe mới. -Thôi, anh lấy xe vào đón Nga đi! -Ok, “sir”! Nhìn theo dáng người dong dỏng cao của Phong, Nga thở dài, nghĩ đến Huân – người anh xa vắng của nàng. Hình ảnh Huân đang chờn vờn trong tâm tưởng của Nga thì chiếc xe thể thao màu đỏ dừng sát lề đường. Phong chồm ra, cười. Đối với một sinh viên vừa thoát khỏi “đáy địa ngục” của cộng sản Việt Nam (csVN) vào thời bao cấp – như Nga – thì chiếc xe này phải là một giấc mơ không tưởng! Thế mà Phong không hiểu tại sao Nga vẫn tỏ vẻ dững dưng.
Chị ôm chầm lấy con. Tí giờ đây cao lớn hơn mẹ nhiều, đã ra dáng thanh niên. Nhưng Tí vẫn là đứa con bé bỏng trong vòng tay của chị. Đứa con ước ao một món quà thuở nhỏ, mà mãi đến giờ, và sẽ không bao giờ, chị có thể tặng cho con. Lòng chị dâng lên niềm thương yêu con vô bờ. Chị nghe tiếng mình thầm hứa với con: - Ba mẹ luôn luôn gần nhau để con vui mãi, nhé con yêu.
Em nhìn lên trăng qua khung cửa sổ. Đêm nay trăng đã tròn. Trăng chiếu vào nơi Bà Ngoại ngồi. Em thấy nhớ Bà Ngoại quá! Chú Cuội, Chị Hằng đi vắng rồi! Chỉ còn vầng trăng trải một màu thương nhớ. Bỗng em nghe tiếng Mẹ thì thầm. Em lắng nghe. Mẹ ở trong phòng. Mẹ đang nói chuyện điện thoại với Ba. Tiếng của Mẹ nghe khác lạ. “Có gì thì anh về nhé!”
Thiên đạp xe hết tốc lực, cái sức một thằng bé mười lăm tuổi đang nhổ giò phát lớn cộng với sự háo hức chờ mấy ngày qua, chẳng mấy chốc là đến nhà nội. Nhà nội Thiên ở quê, cách thị trấn chừng ba cây số, ngôi nhà nằm giữa một vườn cây xanh mát nào là mít, ổi, xoài, chanh, khế… ra khỏi vườn cây là đến rẫy mía phía sau nhà.
Ngày cuối tuần tôi theo đám trẻ đi rước đèn tháng Tám. Đàn em bé ca hát rộn ràng những bài hát Trung Thu của Sài Gòn ngày trước. Những cái đèn giấy đủ mọi hình dạng. Có thật nhiều đèn cá chép. Những con cá chép mập ú, tròn quay, có ngọn nến lung linh mờ ảo bên trong. Đám rước chỉ thiếu những chiếc đèn làm bằng giấy bóng kính trong suốt. Những chiếc đèn đủ sắc màu. Lũ trẻ một tay níu tay mẹ, tay bà, tay bố, tay anh, tay chị; một tay cầm khúc que ngắn với chiếc đèn treo ở đầu. Ríu rít theo chân nhau đi dọc theo đoạn đường ngắn ngủn bọc quanh ngôi chùa, dưới ánh đèn đường nhạt nhòa. Những chiếc đèn trung thu, bầy trẻ nhỏ, những câu hát quen, giọng trẻ thơ ê a đưa tôi về những ngày thơ ấu.
Trong một dịp cùng đi hướng dẫn thực tập Chánh Niệm (Mindfulness) cho một liên đoàn hướng đạo ở Quận Cam, tôi có tâm sự với anh bạn trẻ Bạch Xuân Phẻ rằng có lẽ một trong những nơi thanh thiếu niên cần thực tập chánh niệm nhất chính là Việt Nam. Ước gì những buổi hướng dẫn chánh niệm như thế này được tổ chức rộng rãi ở những đoàn thể của thanh thiếu niên Việt Nam trong nước. Ước muốn được thì làm cũng được. Trong một chuyến về Việt Nam năm 2018, tôi liên lạc trước với chị T., một người bạn thân lâu năm của gia đình. Chị T. là Giám Đốc Điều Hành của WWO Việt Nam, một tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ chuyên giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt. Chị là một người có đầu óc cởi mở, thích học hỏi cái mới. Dưới tay chị là một đội ngũ nhân viên trẻ, hàng ngày phải đối mặt với những hoàn cảnh đáng thương trong xã hội. Tôi nói với chị T. là muốn có một buổi hướng dẫn thực tập chánh niệm cho nhân viên WWO, vì điều này có thể đem lại lợi lộc cho các bạn trong môi trường làm việc mà tâm lý dễ bị
Một ngày nọ Chàng Lười Peter hay biết có một ngôi làng đang tổ chức hội chợ. Chàng ta biết chắc rằng nhiều dân quê sẽ tới đây để bán ngựa, bò và những gia súc khác và thế nào họ cũng có nhiều tiền. Mặc dù rất cần tiền nhưng chàng ta có thói xấu là không chịu làm việc để kiếm tiền. Chàng ta, đầu đội chiếc mũ đỏ ba cạnh, tìm cách mò đến ngôi làng.
Tiếng trống thì thùng vang khắp xóm chợ, xóm chùa, xóm đình… Âm thanh trống lân giục giã đầy hào hứng tỏa đến từng nhà, lọt vào lỗ nhĩ thằng Tí. Tiếng trống kích thích nó, làm cho nó và cơm thật lẹ, đoạn nó chan canh vào chén để húp cho xong, dường như nó nuốt chứ hổng có nhai. Cô Hai nhìn nó rồi đưa mắt cho chú Hai: - Thường ngày đâu có vậy, nó ăn nhơi nhơi cả buổi hổng hết chén cơm, vậy mà bữa nay nó ăn nhanh như lân ăn bắp cải.
Buổi sáng định mệnh đó, thầy giáo lớp 5 của Max, nhận được một cú điện thoại. Max còn nhớ khuôn mặt thầy tái đi sau cú điện thoại đó, Thầy bảo Max thu dọn cặp sách lên ngay văn phòng của trường. Max kinh ngạc nhưng vâng lời Thầy thu xếp ra về. Ở cửa văn phòng, Mẹ của Max đứng đó, khuôn mặt nhợt nhạt, thất thần còn hơn cả Thầy giáo. Cho đến tận bây giờ, mỗi khi có ai đó nói với Max "chúng tôi rất tiếc, ba của bạn đã qua đời", người đàn ông 30 tuổi đã buồn bã trả lời "Không, ông bị giết chết bởi không tặc."
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.