Hôm nay,  

Chuyện tình

02/05/202214:14:00(Xem: 3593)

Truyện ngắn

couple-in-love

 

 

Đây là một câu chuyện mà các đôi uyên ương nên đọc

 

Tôi đã chia sẻ câu chuyện này với người bạn cách đây không lâu. Hôm nay tôi muốn gởi đến quý vị. Khi quý vị đã có bạn để chia sẻ cuộc sống, dù bạn đã thành hôn hay chưa, bạn nên đọc.

 

Khi tôi về đến nhà và vợ tôi đang dọn bữa ăn tối, tôi cầm lấy tay nàng và nói: "Anh có chuyện muốn nói với em". Cô ấy lặng lẽ ngồi xuống, không nói một lời và bắt đầu ăn.

 

Tôi lại thấy đôi mắt nàng lộ vẻ khổ đau.

 

Bỗng nhiên tôi cảm thấy không thể thốt lên lời nào. Nhưng tôi phải nói cho nàng biết những suy nghĩ của tôi. Tôi muốn ly dị. Tôi đề cập đến vấn đề một cách bình thản. Cô ấy trông chẳng có vẻ gì bực bội khi nghe tôi nói, mà chỉ hỏi tôi lý do tại sao?

 

Tôi làm như không nghe câu hỏi. Thế là nàng nổi giận, ném đũa về phía tôi, và hét lên: "Anh không phải là một thằng đàn ông!"

 

Buổi tối hôm đó, chúng tôi không nói với nhau lời nào. Cô ấy chỉ khóc. Tôi biết cô ấy tự hỏi chuyện gì xảy ra cho hôn nhân của chúng tôi. Nhưng tôi không thể đưa ra một lời giải thích nào ổn thỏa, trái tim tôi không thuộc về nàng nữa, nó đã bị Jane chiếm trọn rồi. Tôi không còn yêu nàng nữa, mà chỉ cảm thấy thương hại!

 

Bằng một cử chỉ thật tội lỗi, tôi đưa cho nàng giấy tờ tôi sắp xếp cho việc này, nào là tôi nhường lại xe và nhà cho nàng, và chia 30% tiền lời trong công ty của tôi. Cô ấy thoáng liếc mắt vào tờ giấy, rồi xé vụn ra từng mảnh.

 

Người phụ nữ này, người đã sống với tôi suốt 10 năm tròn, bây giờ trở nên xa lạ. Tôi thấy thật tội nghiệp cho cô về khoảng thời gian tiêu hao đi bao nhiêu sức lực để vun đắp gia đình, thật uổng phí, nhưng thật sự tôi không thể nói khác được, vì tôi thật sự yêu Jane.

 

Bỗng nhiên vợ tôi bật khóc thật to, tôi đã biết trước thế nào nàng cũng khóc như vậy. Nói cho cùng, nàng khóc làm cho tôi cảm thấy nhẹ hơn. Ý định ly hôn luẩn quẩn trong đầu tôi từ nhiều tuần nay bây giờ trở nên quả quyết và rõ ràng hơn.

 

Hôm sau tôi trở về nhà rất muộn, và tôi thấy nàng đang ngồi viết ở bàn. Tôi không muốn ăn tối, mà vào phòng và ngủ ngay vì tôi rất mệt sau một ngày bận rộn với Jane. Khi tôi tỉnh giấc, nàng vẫn còn ngồi viết. Tôi chẳng bận tâm, và lại quay ra ngủ tiếp.

 

Đến sáng, cô ấy đưa cho tôi xem những điều kiện về việc ly dị: cô nàng không muốn tôi phải đưa hoặc làm gì cho cô, nàng chỉ cần một tháng để chuẩn bị trước ngày ký giấy. Yêu cầu của nàng là trong suốt tháng đó, cả hai chúng tôi đều phải phấn đấu để sống một cách bình thường trong khả năng của mình. Lý do nàng đưa ra rất đơn giản: con trai chúng tôi phải trải qua một kỳ thi quan trọng vào cuối tháng và nàng không muốn bất kỳ lý do nào sẽ làm xao lãng con vì một cuộc hôn nhân đổ vỡ. Điều này rất tuyệt đối với tôi. Nhưng rồi nàng lại thêm một điều kiện khác nữa, nàng hỏi tôi có thể nhắc lại ngày cưới tôi đã bế nàng như thế nào vô phòng tân hôn sau khi tiệc tan không.

Điều kiện thứ hai là trong suốt ba mươi ngày đó, mỗi buổi sáng, tôi phải bế nàng từ phòng của chúng tôi ra đến ngưỡng cửa. Tôi không hiểu sao cô ta lại trở nên điên rồ như vậy. Thôi thì, để cho nàng được thoải mái trong những ngày sau cùng với tôi, tôi chấp nhận những yêu cầu kỳ quái của nàng. 

 

Tôi nói cho Jane biết những điều kiện kỳ lạ của vợ tôi về việc ly dị.

 

Jane phá lên cười và cũng nghĩ điều đó thật là điên rồ. Jane lại nói thêm một cách khinh miệt rằng cho dù vợ tôi có dùng những thủ đoạn gì đi nữa thì cô ta cũng phải đối mặt với việc ly hôn.

 

Kể từ khi tôi quyết định ly dị, vợ tôi và tôi không còn đụng chạm nhau nữa. Thế nên ngày đầu tiên khi phải bế nàng ra, cả hai chúng tôi đều thật vụng về. Con trai chúng tôi thì đi theo sau và vỗ tay, miệng không ngớt kêu lên: "Ôi! Ba đang bế mẹ kià!" Những lời đó làm cho tôi đau buồn. Từ phòng ngủ ra đến phòng khách, rồi ra đến cửa, tôi đã mang nàng trên tay khoảng 10 cây số như thế. Cô nhắm mắt lại và nhẹ nhàng yêu cầu tôi không nói đến chuyện ly hôn cho con trai. Tôi gật đầu đồng ý, và có một cảm giác kỳ lạ hầu như rất đau lòng.Tôi đặt nàng xuống, bên ngoài cửa ra vào. Nàng đến trạm chờ xe buýt để đi làm. Tôi lái xe một mình đến sở.

 

Sang ngày thứ nhì, cả hai chúng tôi đỡ vụng về hơn. Cô ấy nép sát vào bụng tôi. Tôi có thể ngửi thấy mùi nước hoa từ áo nàng thoảng bay ra. Bây giờ tôi mới nhớ lại là từ lâu nay tôi chưa ngắm nhìn người đàn bà này, và nhận ra rằng cô ấy không còn trẻ nữa. Trên mặt đã xuất hiện những nếp nhăn, còn tóc thì đã hoa râm rồi!

 

Ôi, cuộc hôn nhân của chúng tôi đã tàn phá nét thanh xuân của nàng như thế đó. Trong một thoáng, tôi tự hỏi mình đã làm gì để cô ấy nên nỗi.

 

Đến ngày thứ tư, tôi cảm nhận được sự thân thương lúc xưa đã trở lại. Chính người phụ nữ này đã hy sinh những 10 năm trong suốt cuộc đời của cô ấy cho tôi.

 

Rồi ngày thứ năm, thứ sáu, tôi nhận được sự gần gũi ngày càng trở nên thân mật hơn. Tôi không hề tiết lộ điều này với Jane. Giờ đây việc bế nàng trở nên ngày càng dễ dàng hơn khi thời gian trôi qua dần trong suốt tháng. Có lẽ công việc mỗi ngày này làm cho tôi trở nên mạnh mẽ hơn chăng.

 

Một buổi sáng nọ, khi nàng cố tìm áo quần để mặc, nàng thử vài chiếc áo, nhưng vẫn không thấy chiếc nào thích hợp. Nàng nói lẩm bẩm, ôi sao không có chiếc áo nào cả, cái nào cũng quá rộng.

Bỗng dưng tôi nhận ra rằng cô ấy đã gầy đi, và đó chính là lý do tại sao bây giờ tôi có thể bế nàng trên tay dễ dàng hơn. Điều này làm cho tôi thật bàng hoàng, cô ấy đã giấu kín bao nỗi khổ đau cay đắng trong lòng từ bao lâu nay.

 

Bàn tay tôi đưa lên chạm vào đầu nàng lúc nào không hay.

 

Ngay lúc đó con trai chúng tôi vào và nói: "Ba ơi, đến giờ phải bế mẹ ra ngoài rồi đó ba à". Bây giờ đối với cậu bé, việc đứng nhìn cha nó bế mẹ ra cửa trở nên một phần thiết yếu trong cuộc sống rồi. Vợ tôi ngoắc tay bảo con đến gần và ôm nó thật chặt. Tôi phải quay mặt đi vì tôi lo sợ trong giây phút này mình sẽ đổi ý mất thôi. Rồi tôi ôm nàng vào lòng, đi từ phòng ngủ ra phòng khách và đến ngưỡng cửa. Nàng quàng tay vào cổ tôi một cách nhẹ nhàng và quen thuộc. Tôi ghì lấy nàng thật chặt, và cảm thấy như đây là ngày cưới của chúng tôi. Nhưng thân thể gầy mòn của nàng khiến tôi thật đau lòng.

 

Đến ngày cuối tháng, khi đã ôm nàng trong tay, tôi cảm thấy đôi chân mình nặng trịch, không lê bước nổi. Con trai đã đi đến trường. Tôi lại ôm nàng thật chặt và nói: "Anh không để ý rằng cuộc sống của em và anh lâu nay mình thiếu thân mật đến thế, em ạ".

 

Tôi vội lái xe đến sở và nhanh chóng nhảy thót ra khỏi xe mà không màng khép cổng lại. Tôi rất sợ trì hoãn thêm một giây sẽ làm tôi đổi ý, và tôi leo nhanh lên các bậc thang. Jane chạy ra mở cửa, tôi nói với cô: "Anh rất tiếc, Jane ạ, bây giờ anh không muốn ly dị vợ anh nữa".

 

Cô ấy sững sờ nhìn tôi, đưa tay lên sờ trán tôi. Anh có bị lên cơn sốt không vậy? Tôi đẩy tay cô ta ra.

 

"Anh rất tiếc, Jane ạ, nhưng anh không ly dị đâu. Cuộc sống hôn nhân giữa anh và vợ anh có lẽ trở nên chán chường bởi vì cả cô ấy và anh đều không biết đến giá trị những giờ phút bên nhau, chứ không phải tình yêu của chúng tôi đã nhạt phai. Bây giờ anh nhận ra rằng từ khi anh bế cô ấy vào căn nhà yêu thương của mình ngày hôn lễ, bổn phận của anh là phải ở bên cô ấy để lo cho cô ấy cho đến lúc cái chết chia lìa chúng tôi".

 

Một thoáng trôi qua, rồi thình lình Jane lộ vẻ thức tỉnh. Cô ấy giáng cho tôi một cái tát thật mạnh, đóng sập cánh cửa rồi bật khóc. Tôi đi xuống và lái xe về.

 

Khi về, đi ngang một tiệm hoa, tôi đặt một bó hoa thật đẹp cho vợ yêu của tôi. Cô gái bán hàng hỏi tôi muốn ghi như thế nào trên tấm thiệp. Tôi mỉm cười, đặt bút ghi rằng, "Em yêu, anh sẽ bế em ra ngoài cửa mỗi buổi sáng cho đến ngày chúng ta phải xa cách để về cuộc sống bên kia".

 

Chiều hôm đó tôi về đến nhà, cầm bó hoa trên tay, với nụ cười tươi tắn trên môi, chạy thật nhanh lên cầu thang... và rồi... nhìn thấy vợ tôi đơn độc nằm trên giường – Ngưng thở!


Vợ tôi chống chọi với căn bệnh UNG THƯ từ nhiều tháng nay, nhưng tôi đã làm gì? Tôi quá bận bịu bên Jane nên không còn nhận thấy điều gì nữa cả. Cô ấy biết rằng mình sẽ từ giã cõi đời trong thời gian rất gần, nên muốn ngăn ngừa những phản ứng tiêu cực của con trai, nếu như việc ly dị xảy ra. Nhất là đối với cháu, tôi vẫn là người chồng rất mực thương yêu vợ.

 

Bạn ạ, chính những chi tiết nhỏ nhặt trong cuộc sống là những điều quan trọng nhất trong quan hệ lứa đôi; đó không phải là căn nhà, cái xe, tài sản, ngân khoản ở nhà băng. Tất cả những thứ này chỉ tạo niềm vui với tất cả thế giới quanh ta nhưng không thể mang lại niềm hạnh phúc cho bản thân mình.

 

Thế nên bạn hãy dành thời gian để làm người bạn thân thiết của vợ mình và hãy thực hiện những chi tiết ấy cho nhau, điều này mang đến sự mật thiết ấm cúng cho nhau, bạn nhé.

 

Rất nhiều người đã thất bại trong cuộc sống, chỉ vì lý do rất đơn giản, bạn biết không? Họ không nhận thức được rằng họ đang sắp chạm đến thành công mĩ mãn, nhưng lại vội buông xuôi.

 

-- Theo lavitaliteverte/indiantigre -- tháinữlan dịch.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con Mén đi ngang, mùi hương bông bưởi từ mái tóc tỏa ra thoang thoảng. Thằng Mễn hít lấy hít để, laị lấy tay quạt quạt như muốn gom hương vào mũi, tụi thằng Chí, thằng Ròm… cười ngặt nghẽo làm con Mén thẹn thùng. Con Mén liếc một cái sắc lẻm.
Mau quá anh nhỉ, mới đó đã hai mươi chín năm. Không ngờ đi ăn cưới người cháu vợ ở Cali, gặp lại anh ở phố Bolsa sau gần ba mươi năm.
Tôi không có thói quen viết về những nhân vật nổi tiếng đã qua đời; dù để “dựa hơi” hay là trút tất cả bất bình/phẫn nộ cho những người không thể nào tự biện minh được! Do đó khi hay tin nhà văn Mai Thảo qua đời, tôi chỉ biết âm thầm niệm kinh/cầu nguyện cho linh hồn anh Mai Thảo được về cõi Vĩnh Hằng!
Y Uyên tên thật Nguyễn Văn Uy, sinh năm 1940 tại làng Dục Nội (nay thuộc xã Việt Hùng), huyện Đông Anh, tỉnh Phúc Yên, Bắc Việt. Là con cả trong gia đình có 9 người em, năm 1954 cùng gia đình di cư vào Nam, cư ngụ tại Hạnh Thông Tây, Gò Vấp. Học trung học tại các trường Nguyễn Trãi, Chu Văn An (Sài Gòn). Tốt nghiệp trường Quốc gia Sư Phạm Sài Gòn năm 1964, dạy học tại Tuy Hòa, Phú Yên từ 1964 - 1968.
Yasunari Kawabata sinh năm 1899 và mất năm 1972. Gia đình ông sung túc có truyền thống văn hóa cao. Cuộc đời ông nhiều tang tóc. Ông sớm mồ côi cả cha lẫn mẹ. Lên bảy, ông mất bà nội. Người chị độc nhất cũng qua đời khi ông mới lên chín. Tang tóc làm tuổi thơ ông không bình thường, và phải chăng đã tạo ra nét mất mát bơ vơ trong văn chương ông.
Đây là tựa đề một tác phẩm văn học rất dễ thương của nhà văn Vũ Bằng. Ông bắt đầu viết từ tháng Giêng 1960, tiếp tục viết 1965, và hoàn thành vào khoảng 1970 – 1971. Hơn mười năm cho một quyển sách, có thể là dòng suy tưởng của tác giả bị gián đoạn do công việc mưu sinh, có thể tác giả chưa nắm bắt được sự rung cảm của riêng mình.
Cái tin khoa học gia Alan D chế tạo siêu máy tính với hệ điều hành cực kỳ tân tiến làm chấn động cả thế giới, hệ điều hành mới với trí thông minh nhân tạo giờ đây sẽ giải phóng con người. Con người chẳng cần phải làm gì nữa, bọn robot sẽ thay người làm tất cả mọi việc từ sản xuất trong hãng xưởng, nông trại, việc nhà… thậm chí cả ra trận luôn.
*Alfred D. Sulfridge, bác sỹ Trung Tá Không Lực Mỹ tại phi trường Trà Nóc, Cần Thơ. Hồi năm 1970 anh thường đến hợp tác làm việc với tôi tại bịnh viện Thủ Khoa Nghĩa, Cần thơ. Bác sĩ Sulfridge là người bạn của tôi về chuyên môn, phẫu thuật, mặc dầu anh ta nhỏ hơn tuổi 2 tuổi.
Ngoài sảnh cả một biển người loi nhoi dáo dác tìm người thân của mình, Dean D mũ lệch, kiếng đen bước đi khệnh khạng ra vẻ lắm, nhiều ánh mắt nhìn theo tỏ vẻ thèm thuồng pha lẫn ngưỡng mộ.
Hùng mơ màng, suy nghĩ. Đã nhiều lần anh chàng tự nhủ, ừ, tại sao lại không, tại sao lại không nghĩ nhỉ. Không có gì quý hơn độc lập tự do, thì tại sao lại không tận hưởng cái quyền độc lập và tự do không giới hạn này, nghĩ. Nghĩ thế, Hùng cứ một mình tiếp tục ung dung suy nghĩ, đố đứa nào báo cáo, chúng mày có giỏi thì kiểm thảo xem.
Trong suốt một thời gian dài, gần như những năm cuối trung học, gia đình tôi không có một kỳ nghỉ hè nào vui vẻ bên nhau. Tất cả đã chấm dứt từ cái mùa nghỉ hè năm lớp chín, khi bố tôi phải lòng cô thư ký của ông. Mà cô thư ký ấy lại chính là cô giáo cũ của tôi, người tôi rất quý mến.
Nhà văn Võ Hồng sinh ngày 2/12/1922 (khai sinh ghi 5/5/1921) tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên. Ông sớm mồ côi mẹ. Thuở nhở Võ Hồng ng học trường làng, trường phủ Tuy An, trường tỉnh Sông Cầu, rồi trường Collège Quy Nhơn. Năm 1939 khi đang học Đệ Tam, ông cùng bạn bè viết bích báo và ông chọn một trong số những truyện đó gửi cho báo Tiểu Thuyết Thứ Bảy là tờ báo có nhiều độc giả nhất lúc đó tại Hà Nội.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.