Hôm nay,  

Ông Thầy

27/11/202113:26:00(Xem: 2686)

 


 Đêm trường sơn tối mịt mùng, cái tối dường như đặc quánh lại, không một tí gió thoảng, không một đọt lá lay, không cả tiếng nỉ non của côn trùng. Thời gian cô đọng đến nghẹt thở. Bầu trời đêm cao xa thăm thẳm tưởng chừng thông đến cả vũ trụ vô biên, nền trời đen thẫm hòa điệu cùng bóng đêm, sao trời mờ mịt. Duy ở phương nam xa xôi lại lấp lánh một ngôi sao lạ thường, một ngôi sao cô độc xuất hiện trên nền thẫm đen của bầu trời.

 Thiền am Bờ Này ẩn mình dưới tán thông già, nếu người tinh mắt sẽ thấy bóng thiền am tựa như tảng đá lớn hay là thạch trụ giữa ngàn thông. Lúc này trong am vẫn còn leo lét ánh đèn, đêm càng về khuya, không khí tịch mịch thâm u càng sâu thêm. Ông thầy ngồi yên đấy, thân hình bất động, thỉnh thoảng nhẹ tay lật trang sách khác, ngòi bút vẫn chạy đều đều trên trang giấy, ánh đèn soi bóng ông thầy trên vách như người khổng lồ lặng yên, chỉ cái bóng của đầu quản bút thì nhấp nhô như biểu đồ điện tâm. Đêm trường sơn người và vật hóa thạch cả, chỉ còn dòng tư tưởng của ông thầy trào dâng lênh láng khắp không gian là chưa bị hóa đá mà thôi.

 Mà nào chỉ đêm nay, đã ba ngàn đêm rồi, kể từ ngày ông thầy về trú ở am này. Am Bờ Này cũng vắng vẻ bình lặng như chủ, chẳng thấy người lai vãng hay khách viếng thăm, họa hoằn lắm mới có một vài vị tăng hay tục từ phương xa ghé đến. Dân chúng quanh vùng cũng không thấy đến am như đến những ngôi chùa khác, thậm chí nhiều người cũng chẳng biết là ở vùng mình có một cái am như thế, dĩ nhiên cũng chẳng biết có ông thầy hay pháp danh của ông thầy. Một vài người ở xóm núi có bảo nhau họ thấy một ông thầy gầy gò thường mặc áo vạt hò màu nâu hay màu lam chi đó, có kẻ còn tỏ ra rành việc xì xầm:” Ông thầy bị đi tù vì làm việc quốc sự” từ đó mọi người càng thờ ơ hơn, họ sợ liên lụy đến mình. Dân cư không biết đã đành, ngay cả những ông tăng ở mấy chùa của xứ ngàn thông cũng lơ là, có vị biết nhưng né, cũng có nhiều vị chẳng biết có một ông thầy như thế. Vì vậy mà ông thầy suốt thời gian dài một bóng trong am giữa đại ngàn. Ông thầy vẫn thản nhiên chẳng động tâm, ngày nào cũng thế, sau thời công phu sáng thì ra vườn chăm luống cà vừa trổ bông, vồng cải chớm vàng, ông thầy cuốc đất làm lụng như một nông dân chính hiệu. Cũng có khi ông thầy ngồi tấu những khúc dương cầm của Bach, Beethoven, Mozart… Ban đêm ông thầy đọc sách, dịch kinh, thời khóa dường như không có chỗ trống để biết mình đang cô tịch. Ngày đêm sáu thời tinh tấn không ngừng nghỉ.

 Đêm nay cũng thế, ông thầy cần mẫn, cẩn trọng dịch từng câu chữ, tra tìm nghĩa từng từ, so sánh đối chiếu từ bản Hán với các bản Sanskrit, Pali… Ông thầy gầy gò như lau sậy mà lại có sức dẻo dai như tùng bách ngoài sân. Đồng hồ báo thức đã canh ba, không thấy ông thầy tỏ ra mệt mỏi hay muốn đi nằm, toàn tâm trí dồn hết vào trang kinh.

 Đêm trường sơn đen kịt, cái lạnh từ ngoài và trong am không có giới tuyến nào, cái lạnh và màn đêm hòa vào nhau như một, dù rằng thực thể vẫn là hai, cả trong lẫn ngoài vốn là hai nhưng giờ cũng chỉ là một, không làm sao phân biệt cho ra đâu là một với hai.  Chợt từ trên không trung rơi rơi xuống những đốm sáng, ban đầu lác đác thưa thớt nhưng dần dần về sau nhiều hơn, một lát nữa thì dày đặc như sao sa mưa băng. Vô số những đốm sáng lung linh hình dáng hoa mạn thù sa, mạn đà la, ma ha mạn thù sa, ma ha mạn đà la… Một khoảng không quanh am Bờ Này sáng rực rỡ lung linh đầy ảo diệu trong cơn mưa hoa. Từ bốn phương xuất hiện bốn vị thiên oai phong lẫm liệt sừng sững giữa không trung, bên trên vô số các thiên thần cùng Càn Thát Bà vây quanh. Dưới đất không biết từ đâu các vị địa thần, sơn thần, lâm thần cùng các lòai khẩn na la, ca lâu la, ma hầu la già… xuất hiện nhiều không đếm xuể. Bọn họ lấy làm lạ, ngơ ngác nhìn nhau, tất cả vừa cung kính ngắm nhìn mưa hoa, vừa dò hỏi nhau sự cớ gì. Âm thanh vi diệu vọng từ hư không vọng xuống, các vị Càn thát Bà tấu khúc cúng dường.

 Một vị địa thần bước ra cung kính chắp tay hướng về  phương đông:

- Thưa Thiên Vương Trì Quốc, duyên cớ gì mà đêm nay chư thiên rải hoa cúng dường xuống am Bờ Này? Xin ngài thương tình giải nghi cho chúng tôi!

 Trì Quốc Thiên Vương ôm cây đàn tỳ bà khẽ vuốt nhẹ, dòng âm thanh vi diệu thánh thót làm cho bộ chúng an vui và lòng hướng về Phật, đoạn thiên vương từ tốn:

- Ông là chủ cuộc đất này, lẽ nào ông không biết vì sao ư?

- Thưa thiên vương, tôi biết chứ, từ khi ông thầy về trụ ở đây đã khiến cho mọi sự đổi thay. Tôi và chư vị thuộc hạ hết lòng hộ vệ ông thầy. Tôi cũng nghĩ là mưa hoa cúng dường ông thầy nhưng tôi muốn thưa hỏi để tạo cơ hội cho những kẻ phàm trần được biết duyên cớ.

- Ông quả là một vị địa thần tốt, đúng như thế, chư thiên rải hoa cúng dường và tán thán ông thầy trí huệ cao thâm, giới đức hương bay xa, tinh thần vô úy dấn thân hành hoạt. Ông thầy là hy vọng của xứ sở này!

- Thưa thiên vương, xứ sở này hết chinh chiến đã lâu, tiếng là hòa bình nhưng lòng người vẫn bất hòa, bất bình. Quan lại nhũng nhiễu, dân oan ta thán, xã hội kỷ cương không ra sao. Ngoài đời thì những kẻ có tiền, có quyền mặc sức tác oai tác quái. Trong đạo nhiều vị tuy khoác cà sa nhưng làm việc ma, đem thân cho thế quyền sai xử, xu phụ quyền thế vì danh văn lợi dưỡng. Riêng ông thầy thì không, bởi vậy mà trở thành cái gai trong mắt bọn họ. Thế quyền và những pháp lữ hư ấy ra sức cô lập và mạ lị ông thầy. Thế quyền đã chụp ngục tù hình án lên đầu ông thầy, giờ ông thầy về ẩn ở am này. Địa thần tôi ngày đêm ra sức hộ trì ông thầy và những việc ông thầy làm.

 Trì Quốc Thiên Vương tán thán:

- Lành thay, lành thay, địa thần các ông làm rất tốt, công đức vô lượng. Tôi cũng dốc sức hộ trì ông thầy cùng quốc độ này.

 Trì Quốc Thiên Vương dứt lời thì trên hư không một đợt mưa hoa mạn đà la, mạn thù sa mới rơi xuống sáng lấp lánh trên mái ngói rêu phong của am. Một vị sơn thần chắp tay cung kính hướng về ngài Tăng Trưởng thiên Vương ở phương nam:

- Thưa ngài, đêm nay chư thiên rải hoa cúng dường ông thầy hay có còn ai khác nữa không?

 Tăng Trưởng Thiên Vương tay cầm bảo kiếm nhưng hướng lưỡi kiếm vào trong, ngài sợ sẽ làm đau những vị hiền chúng, vương bảo:

- Ông thầy là nhân duyên chính, mưa hoa cúng dường ông thầy nhưng ánh sáng và hương thơm đâu chỉ mỗi ông thầy thọ, tất cả những vị đồng tâm, đồng giải, đồng hành như ông thầy cũng đồng thọ nhận. Giáo hội dân lập là để hoằng dương Phật pháp, điều hành tăng sự, tuy  bị thế quyền phế đi để lập hội mới hòng quản lý mọi việc theo ý đồ chính trị. Ông thầy và các pháp lữ đồng tâm can đảm đứng riêng, quyết chí phục hoạt giáo hội dân. Ông thầy là bậc đại trí, đại bi, bố thí vô úy.

 Sơn thần chắp tay thưa:

- Chúng tôi có nghe qua bức tâm thư ông thầy gởi hàng hậu học, thật thống thiết, thật từ tâm, mỗi chữ đều thể hiện tấm lòng của ông thầy đối với cơ nghiệp của Như Lai nói chung, với tiền đồ Phật giáo của xứ sở này nói riêng. Chúng tôi kính phục ông thầy lắm, cùng với địa thần và các thiện thần, chúng tôi ngày đêm không rời nửa bước chân để hộ vệ ông thầy.

- Lành thay, lành thay, đức của ông thầy mà cũng là phước của các ông. Dù biết ông thầy là bậc tòng lâm thạch trụ nhưng hàng chư thiên chúng tôi cũng mong ông thầy vững tâm, bền chí trong thời buổi pháp nhược ma cường- Tăng Trưởng Thiên Vương tán thán ông thầy không ngớt lời.

 Một vị hải thần đến sau, nãy giờ lắng nghe, trong lòng chất chứa nhiều tâm sự muốn nói bèn bước ra cung kính chắp tay hướng về bắc phương:

- Thưa ngài Đa Văn Thiên Vương, tôi thường nghe ông thầy thông minh, tài hoa và trí tuệ cao siêu, điều ấy có thật đúng vậy chăng?

 Đa Văn Thiên Vương cầm cây dù vàng, bên mình có con cầy mangut, mỗi khi mangut hả miệng ra thì bao nhiêu châu báu tuôn theo. Thiên vương chống cây dù xuống rồi bảo:

- Ông từ xa đến đây, có lẽ nghe phong thanh chứ chưa biết rõ cũng là lẽ đương nhiên. Tôi nói cho ông biết, ông thầy là một người kỳ tài hiếm thấy, mấy trăm năm chưa dễ có người thứ hai. Ông thầy là bậc pháp khí nối được chư tổ để giữ gìn và phát huy cơ nghiệp của Thế Tôn. Số lượng kinh sách mà ông thầy giảng giải, dịch nghĩa hay viết ra rất nhiều, một người bình thường khó lòng đọc hay hiểu hết được. Ông thầy tinh thông nội điển lẫn ngoại điển, không chỉ kinh sách mà ông thầy còn là một tay diệu thủ, những khúc dương cầm ông thầy tấu lên đến thần Càn Thát Bà cũng phải ngẩn ngơ lắng nghe. Ông thầy là bậc tinh hoa trong đạo ngoài đời của xứ sở này.

 Nghe Đa Văn Thiên Vương tán thán, vị hải thần khâm phục quá đỗi, nét mặt hân hoan rạng rỡ. Vị hải thần cảm thấy hạnh phúc và may mắn khi được chứng kiến chư thiên rải hoa cúng dường trên am của ông thầy. Hải thần nghĩ xứ sở này may mắn có được bậc pháp khí như ông thầy. Hải thần rơi lệ khi được biết ông thầy cũng từng bị hình án ngục tù, lưu đày, ngẫm nghĩ giây lát, hải thần lại thưa hỏi:

- Thưa ngài Đa Văn Thiên Vương, ông thầy là châu báu của xứ sở này, là tăng bảo của tứ chúng nhưng xem ra cả tăng tục ở xứ này không có mấy ai biết đến, việc này nghĩa là sao vậy?

- Ngọc trong đá dễ mấy ai biết, viên bi thủy tinh thì mọi người đều quen, tuy cả hai giống nhau nhưng thực chất khác nhau xa lắm. Ngọc châu đáng gía ngàn lượng vàng còn viên bi thủy tinh chỉ một xu. Ông thầy bị cường quyền lẫn những kẻ đồng đạo nhưng không đồng đức ra sức cô lập, che chắn, phỉ báng… nên ít người biết đến là vậy. Ông thầy thọ ấn truyền thừa nào phải vị ngôi cao, đó chỉ là phương tiện hành hoạt để hoằng dương Phật pháp, điều hành tăng sự, tiếc thay ông thầy lại bị chính những vị đồng hội đồng thuyền cản trở để tranh đoạt ấn, tất cả cũng chỉ vì cái danh hão mà ra. Này hải thần, ông có biết không? Ông thầy còn là một tay làm thơ tuyệt hảo đấy, mặc dù ông thầy không có chủ đích làm thơ. Thơ ông thầy hay đến độ một lão thi sĩ lừng danh và quái dị vào hàng bậc nhất của xứ sở ấy phải thốt lên:” Thưa đại sư, xin đại sư cứ tiếp tục làm thơ...”

 Nghe thế, Hải thần lắc đầu quầy quậy, chép miệng than:

- Ông thầy là bậc tinh hoa, là pháp khí của xứ sở này, vậy mà người bên trong trọn không hay biết, trong khi danh tiếng và đức độ của ông thầy vang khắp bốn bể, thiên hạ bao người quý mến và kính ngưỡng. Xứ sở này quả là bất tường quái dị, mà nào chỉ mỗi ông thầy, tôi thấy những kẻ có tài năng trí lực, có tâm huyết với quốc dân, có lương tri nhân phẩm… đều bị tống giam hoặc bị lưu đầy, còn không nữa thì cũng lưu vong hết cả. Có rất nhiều người tài đi đến xứ khác thì được trọng dụng trong khi xứ sở này lại chối bỏ.

 Đa Văn Thiên Vương nghe thế rơi lệ:

- Những điềm bất tường, những điều quái gở ông có nói hết đêm nay cũng không hết!

 Trong chúng có một vị biên thần, có lẽ ông ấy lần đầu đến đây nên các vị địa thần, sơn thần đều không biết. Ông ấy đến từ vùng biên ngoại cực kỳ xa xôi, theo lời ông ấy thì nhân thấy đêm phương nam chợt sáng lòa vô cùng kỳ ảo nên mới vận thần thông đến để xem vì cớ gì mà trời mưa hoa như thế. Ông đã lắng nghe vấn đáp giữa bách với các thiên vương nên hiểu cớ sự, tuy vậy trong lòng vẫn còn chút hồ nghi, bèn hướng về Quảng Mục Thiên Vương bạch vấn:

- Bạch Quảng Mục Thiên Vương, tôi là biên thần từ xa đến đây, nhân nghe chư thiên tán thán trí huệ và giới đức của ông thầy nên lòng tôi cảm kích vô cùng. Tôi cũng có chút nghi vấn, nếu ông thầy như thế, cớ sao không buông hết xuống, chuyện đời mặc cho bọn người kia tự xử lấy, ông thầy chuyên tu thôi thì sẽ dễ dàng về nước vô sanh hay đến Cực Lạc Tây Phương có phải hay hơn không?

 Quảng Mục Thiên Vương nghiêm nghị nhìn chằm chằm vào bảo tháp mà ngài mang theo, mắt ngài nhìn có thể tiêu diệt cái xấu và cái ác, bởi thế khi với người thiện thì ngài không nhìn họ, e sẽ làm tổn thương, bởi thế Tây Thiên Vương không nhìn vị biên thần:

- Rất hoan hỷ khi biết ông từ biên ngoại xa xôi đến đây, nay nhân lời ông hỏi và cũng vì tất cả chúng ở đây mà  tôi có đôi lời. Ông thầy là bậc xuất chúng vượt qua cái phàm của người đời, giả sứ ông thầy im lặng tu hành thì thế quyền sẽ lập tức phong ông ấy làm pháp chủ ngay, sẽ ban tặng bao nhiêu danh hiệu như: Sư tiến bộ, sư nhân dân, sư ưu tú… và sẽ cung phụng như một ông hoàng, rồi bọn bồi bút sẽ đưa ông thầy lên tận mây xanh. May cho con dân và đạo pháp của xứ này, ông thầy không phải là hạng người như vậy. Ông thầy buông xả tất cả, chỉ duy có mục đích tu hành để liễu sanh thoát tử, chỉ có chí hướng hoằng pháp lợi sanh mà thôi! Sở dĩ ông thầy không thể ngồi yên trong thiền thất mà phải dấn thân hành hoạt là vì lòng đại bi, vì yêu nước thương dân. Kinh Phạm Võng có câu:” Bồ tát gạt lệ xông vào chốn lầm than để cứu dân”. Đúng như thế đấy biên thần ơi! Bồ tát đâu ngự ở nơi chùa to Phật lớn, đền đài lộng lẫy. Bồ tát cũng không ở trong tháp ngà, càng không phải trong những ngôi phạm vũ nguy nga đạt kỷ lục nọ kia. Bồ tát ngay trong đời thường, đồng hành với dân, với những người khốn khổ lầm than. Bồ tát dấn thân vào những vùng oan khiên khổ nạn, thậm chí cả ngục tù. Bồ tát không phải ở những danh xưng đao to búa lớn, những lời xưng tụng bóng bẩy sáo rỗng hay những chức tước phù phiếm. Bồ tát ở những lời thật, hành vi thật cho dù những việc ấy có nguy hại đến mình nhưng miễn là ích người lợi đời. Bồ tát ở chỗ hộ pháp, hộ quốc, hộ dân mà chẳng kể đến sự thiệt thòi cho bản thân mình! Này vị biên thần kia, ông từ xa đến đây nên không biết đấy thôi! Xứ sở này từ xưa đã có truyền thống này rồi. Sa môn, tăng nhân hộ pháp, hộ dân, hộ quốc như các ngài: Pháp Thuận, Vạn Hạnh, Huyền Quang, Tông Diễn… còn nhiều lắm, tôi không thể nào kể hết nội đêm nay. Tôi cũng cho ông biết điều này, gần đây có một gã ất ơ cà lơ phất phơ nào đó của quốc độ Sa Bà đã viết:

 Ông thầy áo vải cơm chay

 Cốc keng chuông mõ tháng ngày kệ kinh

 Dân oan nước loạn mặc tình

 Phật cười uổng cả công trình bấy lâu.

 Ông thấy đấy! Đến một gã vô danh tiểu tốt tầm thường như thế mà còn thấy mấu chốt của vấn đề, tóm lại Bồ tát ắt phải hộ pháp, hộ quốc, hộ dân chứ không phải ở trong tháp ngà bảo bọc của thế quyền. Bồ tát ở trong tháp ngà thế quyền là bồ tát bằng đất qua sông. Sở dĩ ông thầy được cả thế gian biết đến, được người đời tôn kính ngưỡng mộ là do lòng từ bi, trí huệ, bản lãnh, tinh thần vô úy, sự dấn thân hành hoạt… chứ không phải ở ngôi vị hay ở văn khéo thơ hay! 

 Quảng Mục Thiên Vương dứt lời, từ không trung lớp lớp mưa hoa mới rơi xuống, những lớp hoa cũ vừa tan biến là hoa mới lấp vào ngay. Ánh sáng lung linh lấp lánh vô cùng ảo diệu, cả một vùng quang hoa sáng lạn thông suốt từ hư không đến am Bờ Này. Tứ thiên vương, chư thiên, bách thần, hội chúng đều hoan hỷ chiêm ngưỡng cho là việc hiếm có xưa nay.

 Sáng hôm ấy, dân chúng quanh vùng cứ kháo nhau và dò hỏi nhau: “Am ông thầy trên đồi thông có hội hoa đăng đêm qua?”. Có những lời ai đó bác:” Ông thầy lâu nay ẩn cư một mình, có ai lai khứ đâu mà tổ chức hoa đăng?”. Duy có một điều ai ai cũng đồng ý là không hiểu sao quanh am Bờ Này đêm qua rực rỡ sáng lòa như hội hoa đăng. Người này hỏi người kia nhưng chẳng ai biết thật sự đó là sự việc gì. Thiền am vẫn tịch mịch bên đồi thông, ngoài tiếng thông reo vi vu thỉnh thoảng những khúc dương cầm tấu lên hòa cùng. Ông thầy vẫn lặng lẽ như  ngàn thông bên đồi, những lời đồn đại về đêm hoa đăng ở thiền am của ông thầy không có căn cứ gì nhưng vẫn loang đi khắp nơi. Những tay mật vụ lẫn bọn lon ton tép riu được lệnh canh gác ông thầy cũng hoang mang lắm, nhiều kẻ trong bọn chúng cũng thấy đêm hoa đăng ở am ông thầy. Bọn chúng ngỡ ông thầy lén tổ chức hoa đăng hay hội họp chi đấy, tuy nhiên chúng kiểm tra nghiêm ngặt nên không thấy có dấu vết xe đến đi hay người lui tới. Đi dò hỏ quanh vùng thì mọi người cũng chẳng biết chuyện chi, mặc dù nhiều người đều xác nhận đêm ấy quanh am ông thầy sáng rực rỡ lung linh.


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 11/21

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Người ta nói: “Hết quan là hoàn dân” và chỉ mong có vậy, đừng hết quan hoàn…tàn phế” thì buồn quá! Hôm nay lão Dụng đã tự ngồi dậy được. Lão không nhớ là mình đã nằm như khúc gỗ mục, bất động bao lâu rồi! “Mới đó mà đã lại sang một năm mới. Thời gian bây giờ có nghĩa gì đâu chứ!”: Lão lẩm nhẩm một mình!...
Trong một căn phòng motel nhỏ sạch sẽ gọn gàng chăn ga gối trắng, trên giường phủ một tấm trải lớn có thể dùng làm chăn đắp màu lông chuột, một người phụ nữ nằm khóc, và người đàn ông đang ra sức dỗ dành. Cô gái mếu máo “Anh à, anh X đã bỏ đi rồi!”...
Những ngày cuối tháng tư quân trường Trung Tâm Huấn Luyện Quang Trung vẫn đang cắm trại, chồng tôi chưa về, nhưng trước khi đi anh đã bảo tôi ở nhà có gì thì bám theo cha mẹ và các em để đùm bọc lẫn nhau. Gia đình cha mẹ tôi ở gần nên hai nhà như một...
Tôi bồn chồn liếc mắt nhìn đồng hồ, rồi lại nhìn chừng về phía hội trường đầy ấp hơi người và ồn ào tiếng cười nói. Đã hơn tám giờ mà chương trình vẫn chưa bắt đầu. Chưa bao giờ tôi thấy khó chịu về chuyện giờ giấc như lúc nầy. Thấp thoáng trong đám đông, tôi thấy Khánh đang chạy đôn đáo chừng như kiểm điểm sự có mặt của một số khách “nồng cốt”, để bắt đầu chương trình...
Tiếng hát Cẩm Vân trong trẻo, vút cao, nghèn nghẹn đầy xúc cảm. Tôi buông thả Mi7 và chuyển vội La thứ như chưa muốn ngừng những âm vang cuối. Nốt dứt đoạn ngân dài, tất cả lặng yên, bên ngoài có tiếng gió đêm Sài Gòn vội về, bất chợt...
Tố Như tiên sinh đã để lại cho hậu thế câu thơ tháng ba đẹp như tranh trong truyện Kiều, “cỏ non xanh tận chân trời/ cành lê trắng điểm một vài bông hoa…” Đọc xong câu thơ thì nửa số người đọc đã nhắm mắt lại để hình dung ra bức tranh mùa xuân vẽ bằng thơ; với hai màu xanh, trắng vào tay hoạ sĩ, chúng ta có bức tranh chiêm ngưỡng bằng mắt, nhưng với nhà thơ chúng ta có bức tranh trong trí tưởng tuyệt vời… Tôi nói với ông bạn mê thơ đang ngồi chung bàn cà phê mà mọi người đang nói chuyện thời sự nên không phù hợp với một sáng tháng ba trời mát lạnh vì mưa đêm qua rả rích tới sáng, anh em rủ nhau ra ngoài trời ngồi uống cà phê cho mấy ông bạn còn hút thuốc được thỏa mãn thú tính. Thế là những ông đã giã từ làn khói mỏng bị những ông còn hút thuốc giận cho, rồi cãi nhau.
Đầu tháng Tư, hoa tulip đã vội gõ cửa mọi nhà sau giấc đông miên ngắn ngủi. Mùa Xuân cũng theo hoa tulip trở về, mở ra khúc giao mùa. Trong gió Xuân đầu mùa còn lạnh, ngoài xa trên cánh đồng rừng quê muôn vạn búp non đang nẩy lộc đâm chồi. Cỏ non, cây rừng già vẫn mạnh mẽ vươn lên tràn đầy sức sống. Đàn cá hồi thức giấc bắt đầu vượt thác trở lại quê hương nguồn cội...
Một thời gian ngắn sau Hiệp Định Genève tháng 7, 1954, gia đình chúng tôi rời Phủ Cam dọn vào ở trong khuôn viên trường Đồng Khánh. Măng chúng tôi dạy môn Nữ Công Gia Chánh, và có lẽ vì là một quả phụ với 6 con, nên được Bà Hiệu Trưởng Nguyễn Đình Chi, ưu ái giúp đỡ cho gia đình được sống trong 2 căn phòng trên lầu Ba (bên phải, nếu từ cổng trước nhìn vào). Cùng ở trên lầu Ba sát cạnh gia đình chúng tôi là gia đình của bà quả phụ Trần Thi, mà chúng tôi thường kêu là Dì Hoàn vì Dì là bạn của Măng tôi từ khi 2 người học chung với nhau tại trường Đồng Khánh trong thập niên 30. Gia đình Dì cũng đông không kém gia đình tôi – 7 người. Dì ít cười và có vẻ nghiêm khắc. Các nữ sinh nghỉ trưa tại trường rất sợ gặp “Bà Thi”, dễ bị Bà la rầy hay cho “kỷ luật”, nhất khi bị bắt gặp đi lang thang trong hành lang thay vì phải ở trong phòng học.
Hạo chỉ có cậu Tân là người cậu duy nhất. Mẹ Hạo là chị cả trong gia đình có bốn người con. Mẹ, dì Hiên, cậu Tân và dì út Hậu. Cậu Tân vốn là một nông dân chính hiệu. Hình như cậu học mới qua bậc tiểu học là cậu bỏ cây bút để cầm cái cày, cái cuốc. Đến năm cậu trên bốn mươi, cậu đã có bảy người con, bốn trai, ba gái. Có lẽ cậu thấy cuộc sống làm một người nông dân quá cực hay sao mà cậu nhảy ra tham gia chánh quyền. Cậu được bầu làm xã trưởng...
Những chuyến xe ngập ngừng, chậm chạp lăn trên con đường gập ghềnh để chuyên chở đoàn người đi thăm cha, anh, em, con, chồng ở khắp nơi trong những trại tù, nơi mà lớp người mới gọi là "Trại Học Tập Cải Tạo" nghe ngược ngạo, chua chát nhiều đắng cay. Từ Quốc Lộ 1, phải đi khoảng chừng 2 cây số, trên một con đường mòn, xuyên qua rừng cây gỗ quý cẩm lai là đến trại tù cải tạo Hàm Tân...
Cuộc hôn nhân ngắn ngủi vài năm của Bình với người vợ cũ tan vỡ. Mộng Điệp là người phụ nữ vật chất, đứng núi này trông núi nọ, tính nết đanh đá chua ngoa luôn có những lời nặng nhẹ chê bai chồng không biết kiếm tiền giỏi như người ta...
Chuỗi dài thời gian của quá khứ ta còn giữ được. Giữ được mãi mãi cho đến khi trí đã mòn sức đã kiệt. Giây phút hiện tại coi như chẳng có gì. Nó vuột khỏi tay ta từng sát na rồi cũng tan biến vào quá khứ đề xếp hàng cùng với chuỗi thời gian đã qua. Tương lai là điều chưa có, chưa đến nên ta cũng chẳng làm chủ được gì của những điều ở cõi xa thẳm diệu vợi...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.