Hôm nay,  

Mùa Mía

18/09/202117:42:00(Xem: 2558)

 


Thiên đạp xe hết tốc lực, cái sức một thằng bé mười lăm tuổi đang nhổ giò phát lớn cộng với sự háo hức chờ mấy ngày qua, chẳng mấy chốc là đến nhà nội. Nhà nội Thiên ở quê, cách thị trấn chừng ba cây số, ngôi nhà nằm giữa một vườn cây xanh mát nào là mít, ổi, xoài, chanh, khế… ra khỏi vườn cây là đến rẫy mía phía sau nhà. Rẫy mía mênh mông, mía cao quá đầu người lớn, đứng trước rẫy mía là không còn thấy gì phía trước, rẫy mía như một mê cung trong những câu chuyện cổ tích mà Thiên đã đọc qua. 

 Mỗi mùa hè về cũng là lúc vào mùa mía, năm nào Thiên cũng xin ba về nội chơi khi nhà nội bước vào mùa ép mía làm đường. Thiên theo mấy người anh họ đi vào rẫy mía, những người anh họ chặt mía còn thiên đi nhặt những tổ chim bị lộ ra khi mía bị chặt. Có nhiều loài chim mía mà Thiên không biết tên, Thiên chỉ biết có chim dồn dộc, chim sa sả, chim se sẻ...mía chặt tới đâu thì chim dáo dác ào ạt bay ra, chúng bỏ cả tổ và chim non. Những bó mía được mang đến chỗ ép mía để nấu đường, máy ép mía được gọi là ông che. Ông che nhà nội Thiên to nhất vùng, được làm bằng gỗ lim, to ơi là to. Ông che gồm một bộ mâm ở dưới, có khoét những rãnh để nước mía ép ra chảy vào một thùng hứng, giữa mân nổi lên một cù lao, trên cù lao có gắn bốn khúc gỗ lim to bằng cái vòng ôm người lớn,, đầu những khúc gỗ được đẽo thành những răng cưa để quay. Những người thợ ép mía dùng hai con bò mắc ách vào, hai con bò sẽ đi vòng tròn quanh ông che và kéo cho bánh xe gỗ quay. Hai người ngồi mỗi bên, một bên đút mía vào che và một bên lấy xác mía đã ép xong. Nước mía ép ra đem đến lò nấu đường cũng gần một bên. Chảo đường to như bồn tắm hình tròn, người ta đào cái hầm và đặt chảo lên, một cửa để nhét củi vào và cửa phía sau để thông hơi và móc tro. Lửa từ cái hầm cháy phừng phừng như hỏa ngục, chảo đường sôi sùng sục, mùi đường tỏa ra bay theo gió thơm ngọt cả một vùng.

 Anh Thông căn vặn 

- Thiên, mầy phải gọi là ông che, không được gọi là cái che hay máy che đấy nhé! Phải lễ độ như ngư dân gọi cá voi là ông vậy!

 Thiên thắc mắc tại sao thì anh ấy giải thích

- Nghe nói từ thời cụ tổ xa xưa, dòng họ đã dùng ông che này rồi. Có người cho che ăn mía bất cẩn bị che cán nát tay. Có người cà rỡn mà bị rơi vào chảo đường đang sôi. Bởi vậy từ đời ông cố đã gọi ông che, không ai dám xem thường cả.

 Thiên ngẫm nghĩ và cho đó là những tai nạn vì bất cẩn mà thôi nhưng Thiên không cãi lời anh Thông. Thiên mon men đến bên ông che và muốn thử cho che ăn mía. Nội trông thấy la lớn

- Con ra rẫy mía chơi, đừng láng cháng chỗ người lớn làm việc

- Nội, con muốn thử cho ông che ăn mía

- không được, việc nguy hiểm chứ chẳng phải chuyện chơi.

 Bác Ba đang đút mía vào che nghe thế bèn nói

- Ba, không sao đâu, để con chỉ cho thằng Thiên cách làm.

 Nội không nói gì thêm, bỏ đi đến chỗ lò đường. Bác Ba bảo Thiên ngồi xuống bên cạnh và lấy mía đút vào cái khe giữa những khúc gỗ đang quay. Tiếng kẽo kẹt của cỗ che nghiến mía, tiếng nước mía chảy lỏng tỏng từ mân che xuống cái thùng hứng phía dưới làm choThiên thích thú. Bác Ba chú ý cách Thiên đút mía vào che và nói.

- Khi cây mía được bánh xe che nghiến vào một phần là buông tay ra và lấy cây mía khác để đút vào khe bên kia, giữ một khoảng cách vừa đủ an toàn để không bị bánh xe che cuốn tay mình.

 Thiên làm chừng mươi phút là chán đứng dậy, bác Ba cười to

- Chán rồi phải không? Ra rẫy mía với mấy anh đi lụm chim non đi.

 Trước khi đi Thiên múc một gáo nước mía uống ngon lành, nước mía ngọt thanh làm dịu bớt cái nắng hè. Thiên nhìn hai con bò từng bước nặng nề đi vòng tròn để kéo cỗ che mà thương, nó bước đi uể oải miệng nhai không ngừng, hai bên mép bọt trắng xùi ra. Đời con bò là chuỗi ngày cực nhọc âm u, mùa lúa thì cày bừa ngoài đồng, hết mùa thì kéo xe chở đủ thứ nặng nề, mùa mía thì kéo che ròng rã. Ăn thì toàn cỏ dại, rơm khô; chỉ những con bò cái mới đẻ hoặc những con bệnh mới được bồi bổ thêm cháo trắng. Hai con bò kéo che cả buổi mới được mở ách cho nghỉ ngơi để ăn và uống, cùng là kiếp thú nhưng kiếp con bò tội quá, thương gì đâu á! 

 Giấc xế, bác Ba gái bưng một mâm đậu phộng rang và dừa bào ra, bác lấy gáo dừa múc đường nước đang sôi chế lên mân, chỉ chừng mươi phút sau Thiên và anh em họ có một mâm kẹo đậu phộng dừa. Những người thợ mía cũng ngừng tay nghỉ giải lao bâu lại ăn kẹo đậu phộng dừa, ai cũng tấm tắc khen ngon.

 Có lần đám giỗ, bác Ba kể cho Thiên và mấy anh em họ của Thiên nghe về tích của giòng họ 

- Họ Nguyễn mình vốn ở vùng Thanh Hóa – Nghệ An. Khi Nguyễn Huệ ra Bắc Hà dẹp loạn xong và trở về nam, cụ tổ họ nhà mình đã đem một nhánh gia tộc đi theo

 Hôm tháng chạp Thiên theo ba đi dẫy mả, ba chỉ cho Thiên cái mả to như ngọn đồi ở bên rẫy mía và bảo đó là mả tổ. Mả tổ xây bằng đá ong, ô dước, vôi, có tường bao quanh, phía trước là cái khám nho nhỏ dựng tấm bia và bốn trụ biểu cao vượt đầu người lớn. Mả tổ bị sập một khúc tường bao và hai trụ biểu bị đổ. Bác Ba nói hồi nẳm Mỹ bỏ bom xuống căn cứ, có một quả bom to bằng hai người ôm nổ cách đó mấy cây số nhưng vì chấn động quá mạnh nên mả tổ bị sạt một góc như thế .

Cả một vùng rộng lớn, đất An, Hội, Sơn, Thạnh… này, hầu hết là người họ Nguyễn và phần lớn đều có họ hàng gần xa với nhau. Họ Nguyễn bên nội, họ Nguyễn bên ngoại vốn là thông gia, sui gia với nhau nhiều đời, bởi vậy đi đâu cũng thấy họ hàng cả, không bên nội thì cũng bên ngoại, hoặc là cả hai bên.

 Ngày đất nước chia đôi, nội bị đi tập kết và có tìm về vùng Thanh – Nghệ để tìm vết tích tổ nhưng không tìm ra. Những tưởng đi hai năm thì về, nào ngờ kéo dài mút chỉ cà tha. Bà nội ở nhà bị hương ấp hội tề o ép quấy nhiễu không ít nhưng vẫn một lòng chờ ông.

 Ngày nội trở về, bà nội mừng như trẻ lại mươi niên, ông nội rơm rớm nước mắt, những ngày tháng sau đó thì ông dường như u uất, cả ngày lặng lẽ không nói gì cả. Ai có vô tình nhắc chuyện nước non thì ông phủi tay bỏ đi

 Ngày giỗ tổ, họ hàng đông đảo. Có người bên ngoại nói khoáy chuyện nội đi tập kết. Bên nội có người đáp trả sanh ra tiếng lại lời qua, tuy chẳng đến nỗi ồn ào nhưng dần dần lơ nhau, né nhau, xa nhau. Họ Nguyễn bên nội, họ Nguyễn bên ngoại bao đời nay là họ hàng thông gia với nhau, cùng chung sống ở vùng đất này, giờ vì chuyện thiên hạ đâu đâu mà bỗng dưng lạnh lùng xa nhau. Thiên tuy còn nhỏ nhưng cũng cảm nhận được điều này nên hỏi ba. Ba bảo

- Chuyện người lớn rắc rối lắm, mai kia con lớn lên con sẽ hiểu.

 Thiên nghe thế thì không hỏi gì nữa, chạy ra sân chơi với những người anh em họ của cả bên nội lẫn bên ngoại

 Ngày giỗ ông cao ở từ đường bên ngoại, Thiên theo má về ăn giỗ. Từ đường họ Nguyễn bên ngoại là một ngôi nhà cổ to lớn nhất vùng, rất nhiều phòng ốc kho lẫm. Thiên khoái ngồi chơi và trượt trên tấm phản gỗ của ngoại, nó láng như gương và lên nước bóng rất đẹp, thứ nữa là chơi ở cái chỗ giếng trời giữa nhà, mấy con cá hóa long gắn ở đầu máng xối, mỗi khi mưa xuống là nước từ miệng cá xối xả tuôn ra, bên hông nhà có cây khế to hai người ôm, mỗi mùa khế chín, bọn chim két kéo về tranh ăn  đánh nhau kêu chí chóe cả góc vườn. Thiên hỏi má.

- Chim két ăn khế có trả vàng không?

 Má Thiên cười

- Đó là chuyện cổ tích dân gian.

 Lớn hơn chút nữa, Thiên được gởi lên thành trọ nhà người bà con để đi học. Ở quê, ruộng vườn, rẫy mía, đất hương hỏa từ đường...bên nội, bên ngoại đều bị buộc vào hợp tác xã hết ráo dù cả hai bên đều chẳng ai ký bất cứ giấy tờ gì. Ruộng bên ngoại, đất bên nội giờ thành của chung của thiên hạ nhưng thiên hạ là ai thì cũng chẳng ai biết. Vì của chung nên chẳng ai làm, có làm cũng làm qua quýt lấy có, từ đó ruộng không còn nhiều lúa như ngày xưa, mặc dù vẫn đất ấy, giống ấy, vẫn con bò ấy kéo cày. Rẫy mía cũng không còn mía, giờ trồng mì, ông che cũng thất nghiệp luôn. Bác Ba lấy tấm vải dù của lính Mỹ ngày xưa nhảy dù phủ lên và để ở nhà kho. Có người bên ngoại trách.

- Đi với người ta làm chi để giờ ruộng bị người ta lấy, rẫy mía không còn, ông che bỏ chỏng chơ ở nhà kho?

 Nội vốn lặng lẽ bao lâu nay, chưa bao giờ thanh minh hay đính chính điều gì, vậy mà đột nhiên lớn tiếng

- Xã hội nhiễu nhương, hoàn cảnh đưa đẩy, có ai làm chủ được mệnh mình? Mấy người giỏi sao không chọn lấy một con đường?

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 09/2021



Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Nghe chương trình 70 Năm Tình Ca của nhà báo Hoài Nam là một trong những tiết mục giải trí giúp tôi “quẳng gánh lo đi mà vui sống”. Đi làm về, vội vàng cho xong những việc thường nhật ở nhà, tôi mở máy nghe nhà báo Hoài Nam kể chuyện. Nhà báo Hoài Nam dẫn dắt thính giả đi qua mấy chục năm tình ca Việt Nam...
Tôi và Hùng học chung lớp với nhau suốt thời cấp ba, nhà hai đứa cùng xóm cách nhau nửa cây số. Nhà Hùng mặt tiền phố chợ, má Hùng bán một xe chè đậu xanh đậu đỏ bánh lọt rất đông khách...
Hôm nay ở nhà một mình, tôi mở máy CD, nghe bài ca Malaguena Salerosa, bản nhạc gốc Mexico được hát bởi giọng ca khàn khàn nhưng mạnh mẽ của nữ ca sĩ Bạch Yến với phần đệm nhạc guitar flamenco. Âm điệu vừa trầm buồn vừa giục giã như cuốn hút người nghe vào cơn đam mê đầy lãng mạn của một chàng thanh niên nghèo yêu một cô gái trẻ đẹp. Cuộc tình một chiều đầy vô vọng nhưng không đắng cay, không oán hận vì chàng biết thân phận của mình và điều mà chàng muốn là hát lên những lời ca tụng vẻ đẹp huyền diệu của nàng...
Nhân chuyến về thăm ba má bệnh, tôi ghé thăm ngôi chùa xưa ở chốn làng quê ngày trước. Dân quanh vùng xưa nay quen gọi tên thông dụng là Bàu Lương, chẳng có mấy ai gọi tên chữ Khánh Lâm. Chùa được tổ Toàn Tín khai sơn vào năm Tân Sửu đời Cảnh Hưng 1781, năm 1941 được vua Bảo Đại sắc tứ và đến 1952 thì Pháp dội bom phá hủy hoàn toàn. Năm 1955 hòa thượng Tấm Ấn từ tổ đình Hưng Khánh đứng ra tái thiết lại...
Huế có nhiều loại chè ngon tôi rất thích, như chè đậu ngự, chè đậu ván, chè bắp, dù không cần thêm nước cốt dừa như chè miền Nam. Gia đình chúng tôi chuyển nhà từ Huế vào Phan Thiết, rồi định cư tại Sài Gòn lúc tôi 6 tuổi. Tôi quen ăn các loại chè miền Nam có nước cốt dừa béo ngậy, nhưng vẫn thích chè Huế ở vị bùi của đậu, hương thơm của lá dứa...
Khi tôi viết bài này thì giải World Cup Qatar 2022 đang vào đoạn cuối hồi hộp căng thẳng. Dù chưa kết thúc, nhưng biết bao cảm xúc buồn vui đã đến với người hâm mộ (cũng như các cầu thủ) qua từng trận đấu. Tôi xin viết lại những chuyện bên lề xung quanh World Cup của tôi.
Tại kinh thành Lạc Dương có một tay, trước là thương buôn sau chuyển sang nghề cờ bạc. Nhờ lanh lợi trong mánh lới buôn bán, gã học được nghề bịp rất nhanh. Tài bịp của gã giỏi tới mức không một ai biết mà chỉ cho rằng gã “số đỏ” hoặc “thiên tài”. Bao nhiêu tiền ngày hôm nay đều do cờ bạc mà có. Thế nhưng không hiều sao, có thể do ‘tổ trác” hay do “hết thời” mà gã thua liên tiếp, mất 50 lượng vàng tại một sòng bài lớn. Vừa tiếc của, vừa tức giận, vừa xấu hổ, gã cho mời viên quản lý ra, lớn tiếng
Tôi mới được người bạn gửi cho một câu hát, gợi nhớ đến một bài ca từ lâu đã trốn vào quên lãng: “Ta yêu cô Hằng đêm xưa xuống trần…” Than ôi! Lâu rồi sao không còn thấy ai hát bài "Chú Cuội" của Phạm Duy nữa?...
Hễ nghe một đứa báo động, bọn trẻ con lại túa ra vừa cười vừa chạy vừa chỉ trỏ vừa bắt đầu hát lên bài "Vè vẻ vè ve..." Đằng kia, một người đàn ông rách rưới, hốc hác, chân nam đá chân chiêu nghênh ngang đi lại. Miệng gã cứ lầm bầm chửi rủa...
Những ngày tháng hai, cô luôn nhớ anh da diết. Và cô không hiểu tại sao. Một số năm về trước, cũng vào một ngày tháng hai, cô đã bắt đầu một câu chuyện về anh trên blog của mình, tựa đề "Mối tình thứ nhất", nhưng với tính dông dài tỉ mỉ cố gắng ghi lại như nhật ký của mình cô chưa bao giờ kể được qua cái lần họ đi Crown xem phim với nhau, bộ phim "Một vụ giết người hoàn hảo" dù cô vẫn nhớ như in bầu trời Melbourne trắng nhợt lúc mười hai giờ đêm đó...
Ba ơi, chúng con cảm ơn ba đã cho chúng con niềm hạnh phúc đó. Và hạnh phúc càng trọn vẹn hơn khi ba là niềm tự hào của chúng con, là Tấm Chắn vững chãi cho mỗi chúng con. Tấm Chắn đó được nung đúc bằng chất liệu yêu thương, nhân từ, độ lượng, tin cậy. Tấm Chắn đó vững chãi đến độ, dù chúng con đứa đã có con có cháu, vẫn cảm thấy bé bỏng khi chạy về ôm lưng ba, dụi đầu vào đó mà hít thở hương thơm tình phụ tử...
Không biết ở các xứ lạnh khác thì sao, chứ ở Canada, khi mấy tháng cuối năm chuyển mùa, đón mùa đông lạnh lẽo thì hễ gặp nhau, câu đầu tiên người ta nói với nhau là về... tuyết!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.