Hôm nay,  

Tiệc Cưới Ở Phương Đông

14/05/202100:00:00(Xem: 3027)

dem tung manh

Trong tập Đêm, từng mảnh…




Sau khi lượn quanh co qua bao nhiêu là đường phố, đám rước dâu trở về, qua nhà cô dâu, đến nhà chú rể. Mọi người lục tục xuống xe. Những tà áo lướt thướt làm rụng mấy bông hoa giấy gắn vội bên cửa xe. Đám trẻ con xô đẩy nhau để nhặt. Mấy người đàn bà tụ tập đầu con hẻm xì xào. Lúc đi ngang cái đám lùi xùi ấy, cô nghe kẻ nào đó nói lớn, “Lỡ bỏ tiền ra mướn xe phải chạy cho nó đáng!”

Cô muốn quay lại, nhìn thẳng vào mặt từng người, dằn từng chữ; vâng, từng chữ, vào những cái mặt câng câng đang hóng chuyện ở góc hẻm. Nhưng sao câu nói ấy nghe quen quen.  Và cô nhớ ra mới hồi sáng nay, anh ruột cô, lúc khệnh khạng đi tới đi lui trên nền xi măng xám xịt, sửa đi sửa lại cái cà vạt đang siết cứng lấy cổ, đã ề à câu ấy. Ừ, lỡ bỏ tiền mướn xe phải chạy cho nó đáng chứ. Đàng nào cũng trả tiền rồi. Xe đã bao trọn buổi sáng chả lẽ chỉ chạy từ nhà cô dâu thẳng qua nhà chú rể coi sao được. Làm vậy mất giá con gái người ta chứ bộ.

Chú rể đã nói thế thì phải như thế. Đời người chỉ có một lần. Lòng cô chợt lắng xuống, như phím đàn bị ngón tay ai đó bấm trúng một nốt thật trầm. Anh cả thay đổi quá. Mới có mấy năm trời mà anh đã nói năng như bị ai đó nhập vào. Cả câu nói chỉ còn hai chữ “chứ bộ” là của anh, là của cái thời cắp sách đến trường. Cũng may là chỉ hai chữ đó thôi, đã làm lòng cô lắng xuống và hình ảnh bao nhiêu trường lớp nhập nhòe trước mắt cô.

Rồi quan viên hai họ kéo nhau nhập tiệc.

Tiệc kéo dài tưởng không bao giờ dứt. Đến khi hai đầu gối cô muốn rụng ra và hai mắt cô muốn hoa lên thì những chai rượu nếp than, rượu đế, những chai bia cuối cùng cũng cạn. Mẹ con cô gom chai lọ hết lớp này đến lớp khác, xếp đầy một góc vườn mà thực khách vẫn hung hăng thách đấu.

Cuối cùng, mẹ nói nhỏ vào tai cô, “Để tao nói cho anh mày biết.”

“Thì mẹ nói đi.”

Mẹ lầm lũi bước, cái bóng nhỏ bé loắt choắt luồn giữa đám người nhung nhúc quanh những bàn tiệc. Mẹ tới sát sau lưng anh, ngập ngừng. Rồi lặng lẽ quay lưng, lủi thủi luồn giữa những tấm lưng cánh phản, nồng nặc mùi mồ hôi, ra nhà sau.

“Sao hở mẹ?”

“Nó có nghe tao nói đâu.”

Cô hăng hái, “Để con đi với mẹ.”
 
Cô nắm lấy những ngón tay xương xẩu của mẹ. Những ngón tay khô và lạnh vạch lên trong lòng cô cái nhói buốt của một thâm tình. Và vô tình, cái cảm giác xót xa của một chia ly cuối đời; cái chia lìa không ai tránh được.

Hai mẹ con đi luồn quanh những ghế ngồi. Đắm trong mùi hành xào, mùi thịt nướng, mùi tỏi cay nồng, mùi hoi nồng của bia rượu. Một người đàn ông bất chợt vòng cánh tay ra sau chặn mẹ con cô lại. Cái tay vung vẩy đánh nhịp cho câu nói. Hai ngón tay cùn mằn sỗ sàng chạm vào ngực cô.

“Còn cô út, chừng nào mới lấy chồng đây?”

Cô đứng sựng lại, co người tránh né. Mẹ từ sau bước tới, đâm sầm vào cô. Cô âm thầm nuốt nước miếng, nuốt theo cái ngượng ngập của một cánh hoa bỗng dưng phai chất mầu mơn mởn của xuân thì.

“Thì cháu nó cũng đang tính đây.” Mẹ đỡ lời con gái.

Vậy là ổn rồi. Vậy là yên rồi. Có mẹ, mọi chuyện sẽ đâu vào đó. Nhưng cái mặt tím bầm và cặp môi bóng nhờn không tha. “Định làm hàng tồn kho đấy à!”

Cô kéo mẹ lướt đi. Nụ cười nứt rạn trên môi mẹ. Khóe cười méo xệch trên môi cô. Mẹ thì thầm vào tai cô, “Bạn của anh mày toàn những thứ cô hồn các đẳng...”

Hàng tồn kho. Bụng cô quặn lên như cơn đau sau lần ăn phải thức ăn đã ôi. Cô nhớ đến người con trai cô vẫn thường hò hẹn. Chẳng biết chuyện rồi sẽ đến đâu. Người ấy rủ cô đi nhà thờ, thuyết phục cô học đạo. Người ấy kể cho cô nghe những phép lạ của Chúa. Cô bảo hai nhà cùng nghèo, lấy gì lo đám cưới. Người ấy hăng hái kể cho cô nghe cái lần Chúa đi dự tiệc cưới ở Cana. Lúc chủ nhà hết rượu, Chúa bảo chủ nhà sai gia nhân mang những bình nước lên và Chúa đã làm phép lạ cho nước thành rượu. Chỉ cần có niềm tin. Người ấy vỗ về cô. Người ấy làm cô hăng hái đi học giáo lý mỗi chiều thứ Bảy.

Tới chiếc bàn trải khăn nhựa mầu đỏ, hai mẹ con cô len lỏi giữa khoảng trống hẹp, nhích từng bước tới sau lưng ghế chú rể. Những ngón chân cô bấm xuống chiếc giầy hở mũi. Giầy không đúng cỡ, bước đi chỉ sợ tuột. Cô dừng lại sau lưng anh.

Chị dâu vẫn khóe cười chúm chím, như cánh hoa chưa nở tròn những cánh mịn màng. Cô cầm bàn tay mẹ đặt lên vai anh và lay anh như cố đánh thức một kẻ đang chìm sâu trong giấc ngủ ngày.

“Gì thế này?” Hơi thở anh vỡ bùng hơi bia.

Cô thấy mẹ nhăn mặt. Rồi mẹ cúi xuống, ghé sát tai anh.

Trong cái hỗn độn, nhào nháo của âm thanh, cô nghe được tiếng mẹ thì thào, “Nhà hết rượu rồi con ơi.”

Anh cô không nói gì, lẳng lặng quay lại bàn, đưa tay nhấc đại một chai rượu còn sấp sánh chừng vài ba ngụm. Anh lắc chai, đưa lên trước mặt, nheo mắt chăm chăm ngó vào cái vạch chất lỏng bập bềnh trong lòng chai.

“Hết làm sao được mà hết!”

Cô ấn lên tay mẹ, lắc mạnh vai anh. Cô ghé sát tai bên kia của anh, thì thầm, “Hết rượu thật rồi anh hai à.”

Sinh ra và lớn lên ở địa phương này, cô quen gọi anh cả là “anh hai” như đám bạn trong xóm. Anh hai thân với em gái út hơn bất kỳ ai trong dòng họ. Vì vậy anh là người duy nhất cô dám kể cho nghe chuyện tình cảm riêng tư. Cô kể cho anh nghe bao nhiêu lần những dụ ngôn của Chúa. Và anh là người đầu tiên bênh vực cô chuyện tình yêu không cùng tôn giáo.

Thấy anh lặng thinh, cô lại lay nhẹ vai anh.

Anh cô bật vai lên như cố ném ra một cái nhún vai nghi hoặc, “Ai bảo mày là hết?”

Và để minh chứng cho điều nghi hoặc của mình, anh vồ lấy một chai khác nằm ngay trước mặt, đưa lên cao, dốc ngược xuống miệng mình. Cô hồi hộp nhìn anh, tưởng như mình đang nhìn ai đó, rất xa, rất lạ. Anh cả đó. Nhưng mặt anh cả không còn như ngày xưa. Mặt anh ngày xưa không bao giờ có mầu gấc chín như bây giờ. Ngôn ngữ anh không có những mày tao với cô em út. Hơi thở anh ngày xưa, cùng lắm là có chút mùi cà phê.

Bất giác, cô sợ hãi, rút bàn tay khỏi vai anh. Trước khi rút tay về, cô còn kịp nhận ra mảnh xương tròn nhô lên ở vai anh. Không một giọt chất lỏng nào rụng ra từ miệng chai. Anh ngơ ngác nhìn sâu vào lòng chai, rồi lặng lẽ đặt cái chai xuống bàn, giữa những chén bát ngổn ngang.

“Anh hai!” Cô uốn giọng cho mềm, cho du dương, như lúc hát giúp vui trong đêm văn nghệ nhà trường.

Cái cổ xoay ngược lại, hai con mắt máu bầm trợn lên nhìn cô. Nhất định không còn là ông anh học trò rụt rè, lúng túng thuở nào. Hai con mắt bắn ra trăm ngàn tia lửa nóng.

“Hết rượu rồi anh hai ơi.” Cô hoảng hốt thổi vào tai anh câu năn nỉ.

Anh quay phắt đi, đập bàn tay xuống bàn, gầm gừ trong cổ họng, “Để tao lo!”

Bát đũa chạm nhau lanh canh, cùng với ly tách ngân nga khúc đồng ca trong vắt pha lê.

Cô dâu nhỏ bé níu lấy tay anh. “Gì vậy anh? Gì vậy anh?”

Không còn gì để nói. Cô tất tả kéo mẹ bước đi.

“Cái thằng bây giờ sao mà lỗ mãng!” Mẹ lắc đầu, cắm cúi luồn lách giữa những chai không, ly cạn ngổn ngang trên nền nhà; giữa tiếng gõ muỗm vào thành ly lanh canh, những nhắc nhở sỗ sàng.

“Con út đâu rồi?”

Vừa ngồi xuống ghế, cô đã lại nghe tiếng anh hai gọi. Lẫn trong mớ âm thanh hỗn độn cười nói, lao xao, tiếng gọi của anh nghe văng vẳng như vọng lên từ đáy một vực sâu hút hồn. Cô làm ngơ. Anh bây giờ thay đổi. Ngày xưa anh đâu có gọi cô là con nọ con kia như vậy.

“Con Hạnh đâu rồi.” Cái miệng tím bầm ở giữa cái mặt tròn mầu gấc chín lại gào lên.

Mẹ bấu lấy cánh tay cô, “Anh mày nó gọi gì kìa.”

“Mặc anh ấy.” Cô mím môi.

“Lại xem nó cần gì.”

Cô vùng vằng. “Con không biết.”

Mẹ đẩy ghế đứng dậy. Cô liếc theo cái bóng nhỏ bé của mẹ. Tuổi già đeo cứng trên vai mẹ. Dáng mẹ xiêu xiêu. Cô cau mày nhìn kỹ một bên vai mẹ. Dường như vai bên phải của mẹ thấp hơn bên trái. Cái áo the thẫm mầu như thể làm những bước chân của mẹ sượng lại. Hay vì đôi guốc anh mua về từ thành phố biển nào đó. Đôi guốc có cái quai nhựa trong vắt, coi đẹp mắt nhưng cứng như miếng sừng, cộm những đầu ngón chân. Cô nhớ mấy hôm trước đám cưới anh cả, mẹ phải cắt móng chân thật sát để khỏi bị cộm.

Mẹ dừng lại sau lưng anh. Mẹ ghé sát mặt anh. Trong màn khói thuốc mờ đục, những nếp nhăn hai góc mắt mẹ hằn xuống và môi mẹ mấp máy. Cô thấy cái mặt gấc chín vác lên. Cặp môi dầy mở ra, khép lại. Hai mắt mẹ mở lớn. Mẹ nghiêng đầu nhìn vào mắt anh. Cô thấy mũi mẹ nhăn lại. Cô thấy mẹ lắc đầu. Những đường gẫy trên trán mẹ trùng xuống. Cái nhìn trong hai con mắt mẹ lạc đi, như đôi mắt con chim bay lạc vào căn phòng chật hẹp, bị lũ trẻ hung hăng săn đuổi.


Cô nhìn thấy cả cái nhìn trẻ thơ trong đôi mắt vợ mới cưới của anh. Cô dâu níu lấy cánh tay chú rể. Chú rể gỡ tay cô ra. Những con mắt bắt đầu đổ về phía chiếc bàn dài trải khăn ny lông mầu đỏ. Những cái muỗm, những chiếc đũa gõ vào thành ly xáo động cả không gian nồng nặc khói thuốc.

Bất chợt anh đứng dậy.

“Tôi xin hát một bài mừng cô dâu chú rể.”

Ngực cô thắt lại. Anh hai say quá rồi. Anh không còn nhớ hôm nay anh là chú rể nữa sao, anh hai. Cô khóc thầm trong đầu. Mắt cô ráo hoảnh, nhưng nước mắt nước mũi cô đầm đìa trong ruột, gan, phổi, thận.

Mọi người vỗ tay. Bọn thanh niên nhốn nháo dzô dzô. Ly tách chạm nhau hỗn độn.

Cô thấy chị dâu níu cánh tay anh. Những móng tay bấu chặt tới mức lúc anh đứng dậy, cánh tay chị cũng kéo theo. Chị dâu không buông tay anh. Cô thấy con mắt chị xớn xác như kẻ gian sợ lộ tẩy một điều phi pháp. Cái miệng nhỏ xíu chu lại, đầu cánh môi nhòn nhọn, như những cái miệng búp bê thường thấy trong tủ kính cửa tiệm bán đồ kỷ niệm.

Cô đăm đăm nhìn về phía bàn cô dâu chú rể. Bàn tiệc sắp biến thành sân khấu ca nhạc. Cô thấy mẹ lui ra phía sau. Mặt ngước nhìn vào khoảng không. Cô biết mẹ đang nhìn như không nhìn gì hết. Mẹ chăm chú nhưng sẽ chẳng thấy gì. Cô biết mẹ đang nhẫn nhịn chờ đợi, nhưng chắc chắn chính mẹ cũng chẳng biết mình đang chờ đợi điều gì.

Tiếng vỗ tay, cười nói, ly chén khua động một khoảng không gian chật hẹp.

Cô nghe cái giọng khàn khàn của anh cất lên giữa vũng âm thanh nhầy nhụa. Như có bác Hồ trong ngày vui đại thắng. Anh lên giọng, xuống giọng. Anh nghiêng đầu làm duyên. Hai cánh tay vung vẩy giữ nhịp. Thỉnh thoảng anh lại luồn ngón tay trỏ vào cổ áo, nới rộng cái vòng cà vạt ra một chút cho dễ thở hơn. Cô thấy hai má chị dâu đỏ bừng. Cô thấy hàng lông mi giả của chị dâu nhấp nháy như muốn rụng xuống gò má xanh xao. Rồi anh ngừng ngang khi hát lại lần thứ nhì tới hai chữ đại thắng. Mọi người vỗ tay rầm rộ cách trình diễn đầy sáng tạo của anh. Cô nghe lòng xốn xang. Cô thấy tội nghiệp chị dâu cô. Hai mươi bốn tuổi. Không lấy chồng thì sợ muộn màng. Tự nhiên cô thấy anh chọn đúng bài hát. Lấy được chị, cũng là đại thắng cho riêng anh.

Cô thấy mẹ đứng sau lưng anh, mặt nhăn nhúm nho khô và môi căng cứng một khóe cười tượng đá.

Tiếng vỗ tay lắng xuống, mẹ lại đứng sát vào anh.

Anh lúc lắc cái đầu, anh gật gù cái cổ. Rồi cô thấy rõ ràng anh đẩy mẹ ra. Cái mặt anh hầm hừ. Hàm răng anh nghiến lại. Anh xua tay vẫy mẹ đi như người ta đuổi một kẻ ăn mày.

Tiếng chó cắn lộn nhào nháo trước sân kéo theo sự chú ý của mọi người.

“Con khoang cắn con vàng. Tam khoang tứ đốm. Cứ bỏ vào nồi hết là xong.” Tiếng một người đàn ông vang động.

Mọi người cười hùa theo ầm ĩ.

Mẹ tất tả trở về bên cô, “Lại anh mày nó nhờ cái gì đó.”

“Con không lại đâu.” Cô phụng phịu.

Mẹ nhìn cô đăm đăm. Cái nhìn làm tim cô hụt đi vài ba nhịp. Cô thấy rõ ràng óng ánh trong ánh sáng ban ngày hai viền nước mỏng mảnh dài theo mi mắt mẹ. Cô vội vã đứng lên.

Anh xoay hẳn người lại ngay khi cô vừa tới phía sau lưng như thể đã chờ sẵn. Cô gật đầu với chị dâu. Chị mỉm cười với cô. Chị dâu dễ thương. Ý nghĩ thoáng qua đầu cô. Chị dâu hiền ơi là hiền. Chị em mình sẽ không bao giờ lo chuyện chị dâu em chồng. Chỉ trong vài giây đồng hồ, chừng ấy ý nghĩ lướt qua tâm tư cô. Và cô mỉm cười với chị.

Anh đưa ngón tay trỏ ngoắc cô cúi xuống nghe anh nói. Cô ngoan ngoãn làm theo. Mùi rượu xoáy vào óc cô. Cô nín thở. Một cơn nhức vắt ngang thái dương. Cô thở trở lại, nhưng chậm và thận trọng. Chiếc quạt xoay phía trước rải gió lên mặt cô, những sợi tóc lòa xòa trên trán.

“Mày còn đi nhà thờ không?”

Cô nghiêng đầu nhìn anh rồi khẽ gật đầu.

“Học đạo đến đâu rồi?”

Cô ngần ngừ tìm câu trả lời. Anh ngước nhìn cô, con mắt van nài, long lanh ngấn nước, “Mày nghĩ bây giờ Chúa có còn làm phép lạ không?”

Cô cắn môi suy nghĩ. Không biết Chúa có nề hà việc làm một phép lạ ở phương đông.

“Biết mấy cái hũ ngày xưa mẹ làm mắm không?”

Cô ngơ ngác, “Dạ biết, nhưng...”

“Rửa sạch đi.”

Cô cau mày.

“Nghe không?” Anh gắt.

“Dạ nghe.”

Anh hạ thấp giọng, như thì thầm vào tai cô, “Rồi đổ nước vào, đem lên đây cho tao.”

Cô sững sờ ngước lên. Những đầu người lố nhố trước mắt cô. Những bóng người nghiêng ngả. Một lũ sâu rượu. Bao nhiêu rượu cũng hết. Bao nhiêu két bia cũng cạn. Không có rượu thì chúng nó làm loạn. Mẹ nhằn vào tai cô từ sớm tới giờ.

“Nghe không mà còn đứng lì ra đấy.”

“Nhưng...”

Bàn tay anh vồ lấy cái chai không, “Đi ngay!”

Cô hốt hoảng bước đi. Cô luồn trong khoảng trống hẹp giữa đám bàn ghế lỏng chỏng, giữa những đầu người gật gưỡng, giữa những thân hình ngả nghiêng. Cô đi vòng ra xa để tránh người đàn ông đã gọi cô là hàng tồn kho.

Cô ngồi xuống, kéo mẹ sát lại gần, ghé vào tai mẹ, tức tưởi kể cho mẹ nghe cái điều tai quái. Cô lập lại từng câu từng chữ những điều anh hai nói với cô. Rồi cô ngừng lại, nhìn mẹ, chờ đợi một cơn thịnh nộ.

Nhưng mẹ chỉ nhẹ nhàng đặt cái bàn tay xương xẩu lên vai con gái út. Giọng mẹ khô nhưng quá đỗi dịu dàng, “Thôi, cũng cứ làm theo cho nó vui. Ngày vui của nó. Cả đời người chỉ có một lần. Để mẹ phụ với con một tay.”

Cô theo mẹ ra sau bếp. Đám lu hũ da lươn mẹ để dành làm mắm nằm lỏng chỏng bên hàng giậu. Con chó vàng hàng xóm lẩn quẩn theo bước chân cô. Cô xua nó đi chỗ khác rồi cúi xuống những chiếc hũ đã cùng với mẹ bán buôn một thời.

Một con ếch trong lòng hũ lõ mắt nhìn cô. Cô tự hỏi không biết con ếch nghĩ gì khi thấy bóng cô che lấp cả một khoảng trời nhỏ bé đang có. Cô nghiêng hũ cho con ếch nhảy ra. Con ếch xanh lốm đốm những chấm vàng quăng mình vào bụi cây dâm bụt, mất tăm.

“Anh ấy say lắm rồi mẹ à!” Cô nhỏ nhẹ.

Mẹ im lặng cầm miếng giẻ rách chăm chú lau lớp da lươn trơn bóng.

“Con làm cho mẹ vui đấy thôi.” Cô cằn nhằn.

“Mai kia tới đám cưới con...”

Cô tò mò, “Đám cưới con thì sao?”

Mẹ lặng thinh. Chắc mẹ không có câu trả lời. Đời sống này có trăm ngàn câu hỏi không có câu trả lời.

“Đời người chỉ có một lần.” Mẹ lẩm bẩm. “Chỉ cần nó vui là mẹ mừng.”

Cô khệ nệ bưng cái hũ da lươn đựng đầy nước mưa vào nhà. Anh hai cô đứng dậy, loay hoay dẹp chén đĩa qua một bên, lấy chỗ cho cô đặt hũ xuống bàn. Anh cố nhướng hai mí mắt dầy như hai miếng mo cau lên, ném tia nhìn ra đám quan khách đang ngả nghiêng trên những chiếc ghế xộc xệch không còn hàng lối. Giọng anh ề à, “Rượu tới rồi, nhậu tiếp nghe bà con.”

Tiếng vỗ tay rời rạc nổi lên.

Cô đi ra đi vào như người máy. Cô thấy những cái đầu gật gù. Cô thấy những con mắt dán vào cô. Cô nghe những cái miệng nồng nặc hơi men đếm nhịp cho cô bước đi. Một hai ba bốn. Một hai ba bốn.

Khi đặt chiếc hũ thứ sáu lên bàn, cô lủi ra sau. Mẹ nắm tay cô, kéo cô về chỗ ngồi.

Cô cúi gầm đầu xuống bàn. Cô không muốn nhìn ai. Cô không dám chứng kiến bất cứ điều diệu kỳ hay tai họa nào sắp xảy ra. Cô tự hỏi Chúa có bao giờ làm phép lạ cho đứa con gái yêu một người là con chiên ngoan đạo. Cô nghe tiếng anh hai lè nhè, “Để mừng cô dâu chú rể, tôi xin...”

Rồi giọng anh im bặt.

Cô đứng bật dậy, luồn lách giữa những bàn ghế, chai lọ, tuông chạy ra sân. Cô nghe tiếng mẹ xớn xác, đi đâu thế, con bé này. Cô quăng mình vào khoảng sân hẹp. Gió thổi vù vù bên tai. Gió mát vỗ lên da mặt tươm mồ hôi làm cô nổi gai vì lạnh. Cô phóng ra ngõ, chìm vào đám đông xe cộ. Tiếng còi xe xé gió xuyên thủng lỗ tai. Cô đâm sầm vào bao nhiêu người đi đường. Cô chạy vào sân nhà thờ xứ đạo. Cửa nhà thờ mở hé. Cánh cửa gỗ nặng nề. Cô đẩy cửa bằng hết sức lực mình có được. Cô chuồi người vào khoảng tối nhá nhem. Cô đứng lại ở lối đi giữa hai hàng ghế. Cô nhìn người đàn ông trên thập giá. Vệt máu bầm đọng trên gò má. Hai con mắt đầy tròng trắng nhắm hờ. Cô cắn môi. Máu ứa ra trên cánh môi hồng. Cô cố tìm một câu gẫy gọn để cầu nguyện. Người ấy dạy cô học đạo mà quên dạy cô cách vái van. Cô ngập ngừng. Cả đời người chỉ có một lần. Bỗng dưng cô nghe mình lập lại trọn vẹn câu mẹ nói với cô trong bàn tiệc. Và nước mắt cô tuôn theo những lời thì thầm. Chúa ơi. Cả đời anh hai con chỉ có một lần...
 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Lúc đầu tôi không biết chị bị bệnh tâm thần. Về sau tôi được nghe kể về cuộc đời của chị từ một người phụ nữ Việt Nam khác, tên Loan, đã sống ở đây nhiều năm. Nhưng những chi tiết về cuộc đời ấy hầu như ngay tức khắc trượt ra khỏi trí nhớ của tôi, tôi chỉ còn nhớ người phụ nữ mắc bệnh ấy sống ở thành phố này có lẽ ít nhất cũng hai mươi năm, nhiều người bảo chị khá đẹp khi còn trẻ, bây giờ nhìn cũng vẫn hình dung được điều đó...
Bầu không khí trong phòng giam lúc nào cũng ngột ngạt khó chịu. Nỗi khó chịu ấy cứ liên tục bao trùm đến nỗi mọi người phải quen đi như một lẽ tất nhiên. Tôi càng khổ sở hơn nhiều vì đã vướng phải bệnh ghẻ mấy tháng nay. Ghẻ mỗi ngày mỗi lan ra trên tấm thân gầy còm của tôi kéo theo luôn cả sự tàn tạ về sức khỏe. Mới vài hôm đây tôi lại mắc thêm chứng tê bại, cử động tay chân rất khó khăn. Thuốc men quá thiếu, ăn uống cũng quá thiếu, tình trạng chữa trị đối với tôi thật là bi quan...
Mùa xuân 2023. Ngoài chuyện nhớ lại mùa xuân cách nay 48 năm với “Tháng Ba Gãy Súng” (1) và “Tháng Tư Mất Nước” (2) tôi còn nhớ đến nhiều chuyện khác nữa, nhớ nơi tôi sinh ra, nhớ nơi tôi lớn lên và học hành, nhớ nơi tôi từng công tác, nhớ Sài Gòn, nhớ Đà Lạt, nhớ Nha Trang, nhớ Cần Thơ, nhớ An Giang, nhớ đèo Hải Vân, nhớ sông Vàm Cỏ…và nhớ nhớ nhiều lắm. Nằm trong bộ nhớ của tôi còn có rất nhiều người bạn – bạn thân – bạn rất thân nữa. Một người bạn rất thân là Nguyễn Đức Quang, cùng xứ, cùng trường, cùng chơi Hướng Đạo, cùng hát Du Ca…
Từ ngày ông bà cha mẹ rời miền Bắc 1954, mãi gần 70 năm sau, ngày 18 tháng hai, năm 2023, khi tôi cũng gần nửa đời người, mới lần đầu tiên được về thăm quê cha đất tổ. Đáp xuống sân bay Nội Bài vào xế trưa. Hà thành bận rộn đông đúc hơn là tôi đã mường tượng. Sau buổi chiều dạo quanh Hồ Tây, thăm các phố phường, thưởng thức vài đặc sản của Hà Nội, chúng tôi lên xe có giường nằm để ngủ qua đêm, bắt đầu cuộc hành trình trở về cội nguồn của… yêu thương. Xe chạy suốt đêm. Nhìn ra ngoài chỉ toàn một màu đen xen kẽ những chấm đèn vàng. Mọi người trên xe ai cũng có vẻ ngủ say,… Riêng tôi thì lòng lại cứ nôn nao bồi hồi khó tả!
Có thể nói ai cũng có lần nói lái ở trong đời, đôi lúc chỉ vô tình thôi. Nếu bạn buột miệng nói “đi giữa trời nắng cực quá” hoặc khi đèn điện không sáng mà bạn nói “điện sao lu quá chừng”, người nghe sẽ cho là bạn nói tục, có oan cũng đành chịu vì, dù bạn không cố ý nhưng nắng cực, điện lu nói lái nghe tục thật. Tương tự như thế, hãy cẩn thận đừng nói dồn lại, dồn lên, đồn láo, đồn lầm…
Không biết có phải do được học tập và làm việc trong môi trường lập trình điện toán nên tôi cứ nghĩ rằng mọi việc xảy ra trên thế gian này đều được an bài qua việc lập trình sẵn. Có người cho rằng sự lập trình sẵn này là định mệnh, là do ông trời sắp đặt hay do thượng đế an bài. Tuy nhiên, sau khi được tiếp cận với giáo lý nhà Phật, tôi cho rằng không ai lập trình sẵn cho cuộc đời mình, tất cả đều do nhân duyên.
Cách nay mười năm tôi có một chuyến sang Nhật Bản vào mùa xuân. Chọn đi vào dịp này là để xem anh đào ngoài chuyện viếng các thắng cảnh nổi tiếng như núi Phú Sĩ, Kim Các Tự, các đền đài, cổ thành, hào lũy… qua các thời trị vì của các tướng quân cũng như thăm một số thành phố như Tokyo, Kyoto, Kobe, Nagoya, Osaka…
Hễ mỗi lần nghe nói ai mới qua định cư xứ tự do, mà họ bày tỏ lòng biết ơn, cảm kích với quê hương thứ hai, tôi cũng thấy mát lòng mát dạ sao á!
Được biết đến nhiều nhất về một tiểu thuyết về chế độ nô lệ –Uncle Tom’s Cabin (Túp Lều của Chú Tom), xuất bản năm 1852 – tác giả Harriet Beecher Stowe, nhà văn người Mỹ gốc Âu tích cực ủng hộ chủ nghĩa bãi nô...
Thuở xưa, theo lệ thường, những cô gái được tuyển vào cung bao giờ cũng phải được các vị nữ quan hoặc các viên thái giám dạy dỗ qua một hai khóa về lễ nghi để biết phép tắc cư xử trong cung, để ôn lại bổn phận người đàn bà, v.v... Một phụ nữ từ dân giả được tuyển vào cung, dần leo lên tới địa vị quốc mẫu lẽ nào lại không trải qua những khóa giáo dục đó? Khi đã được giáo dục mà không chịu theo phép tắc, hành động vượt lễ nghi đến nỗi gây tai tiếng trong dân gian thì khó ai chấp nhận được. Những động lực thúc đẩy mấy người “đàn bà yếu đuối” ấy dám đạp đổ cả lễ nghi của triều đình thường là tình yêu, tình dục, lòng tham... Liệt kê những phụ nữ này vào hạng “lộng hành phép nước” chắc hẳn không oan!
Ở Việt Nam, hồi xa xưa đó, cuộc sống giản dị nên rất ít nhà tư có mắc điện thoại, điện thoại công cộng đặt ở các bưu điện nhưng người dân ít quen sử dụng. Khi có việc cấp bách thì đánh điện tín. Ở công sở, trường học có trang bị điện thoại, nhưng thường chỉ có các sếp lớn gọi nhau đi họp hẹn hò cờ bạc hay hoạt náo cuối tuần...
Khi tình yêu đến độ mùi mẫn, khi hai tâm hồn hòa hợp đến mức không thể xa nhau, khi trái tim đã thuộc về nhau… Người con trai cất lời: “Em bằng lòng làm vợ anh không?” Đây là giây phút tuyệt đẹp, đẹp nhất đời, đây là cái khoảnh khắc tuyệt diệu nhất của kiếp người. Tình yêu thăng hoa bay bổng, hai người quyết định về với nhau, gắn bó với nhau, bây giờ thế giới của hai người là cả một cung trời mộng, mặt đất này là cõi địa đàng bướm hoa...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.