Hôm nay,  

Lá Cờ Trong Tim

27/04/202110:18:00(Xem: 2295)

1

Ngày gần cuối tháng Tư, ông ngồi với một lá cờ nhỏ trên tay. Đôi mắt ông nhắm nghiền. Những ngày tháng cũ bay vùn vụt trong trí nhớ của ông. Như những mảnh ghép, không theo thứ tự thời gian, mà theo màu.

Có một ngày, ông đã tỉnh dậy vì tiếng gọi của thằng cháu nhỏ. Tiếng gọi thất thanh: 

“Ông ơi! Ông ơi!” 

Cháu đặt vào tay ông một lá cờ bằng giấy, nhỏ bằng một trang vở, có nền màu vàng và kẻ ba sọc màu đỏ. Những sắc màu này như một liều thuốc bổ thật mạnh, khiến ông nghĩ mình không thể chết. Không thể nào chết được! Ông không biết tại sao mình lại nằm trên chiếc giường này, và nằm đã bao lâu. Ông thử, nhưng không làm nổi một động tác nhỏ nào. Ông cố mấp máy môi, nhưng không phát ra được một lời nào. Chỉ có một ý nghĩ trong đầu: “Mình không thể chết!”

…Vâng, ông đã bị stroke. Ông đã mê man trên giường bệnh gần một tuần lễ. Và ông đã trở lại. Ông phải trải qua một tiến trình lâu dài và khó nhọc để trở lại. Điều may mắn cho ông là gia đình săn sóc, khích lệ ông. May mắn nữa là thằng cháu nhỏ thường trò chuyện với ông. Cái lá cờ ông tặng cháu, lại trở thành một động lực to lớn cháu trao ông để ông can đảm chiến đấu với căn bệnh, với những khó khăn kéo dài tiếp theo. 

Ngày ấy qua đã mười hai năm. Giờ đây, thằng cháu nhỏ của ông được hai mươi hai tuổi. Cháu cũng vẫn thường trò chuyện với ông mỗi khi về nhà. Cháu cũng hay nhắc lại chuyện cháu nghe ba cháu, người con út của ông, nói rằng khi còn học trung học, ba cháu đã khóc mà xin cô giáo cho treo cờ vàng trong ngày hội, bởi vì đó là lá cờ mà những người Việt quốc gia đã giữ gìn và mang theo trên mọi nẻo đường đi tìm tự do. Và cô giáo, cũng như nhà trường, đã đồng ý. Treo cờ vàng, không phải cờ đỏ.

Có một ngày, trong thời học sinh của ông, ông ngước lên nhìn trời trong khi đang chào cờ. Bầu trời xanh ngắt. Lá cờ vàng tung bay trong gió. Chào cờ, và hát quốc ca, có lẽ người học sinh nào cũng nghĩ đó là một chuyện đương nhiên trong đời. Nhưng bầu trời xanh quá, ông muốn reo lên. Một cánh chim vụt bay qua nền xanh đó. Ông nhắm mắt lại, thưởng thức một niềm vui không tên. Và tưởng tượng, cậu học sinh lúc đó, mình là cánh chim kia, nhìn xuống sân trường để ngất ngây với một màu trắng. Màu trắng áo học trò.

Có một ngày, người thanh niên mặc vào màu áo trận. Màu xanh lá cây rừng. Nghe lãng mạn như lời trong những bài thơ, bài hát. Nhưng thực tế là súng đạn, là pháo bom, là máu lửa, là những vết thương. Là những khi reo vang vì treo được lá cờ trên những vùng tái chiếm. 

Có một ngày, không, phải nói rất nhiều ngày, trong mắt ông chỉ là màu xám và màu nâu. Màu của những bộ quần áo lao động. Màu của tủi buồn dành cho những người không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Màu của đất rừng những ngày khổ sai, trồng trọt, đào bới tìm chút khoai củ. Màu của đất khi những người tù phải tự đào để chôn cất bạn tù bỏ mình vì bạo bệnh. Không có hành khúc nào dành cho những người ấy. Chỉ có những vần thơ, những nốt nhạc nén chặt trong tim, tự lắng nghe trong màu đen của những đêm thao thức nhớ nhà.

Được chào cờ và hát bài quốc ca của mình, không phải chuyện đương nhiên. Điều đó, chỉ những người mất quê hương mới cảm nhận được. Những người tù như ông, chỉ còn một cách, nhắm mắt lại và hát thầm bài quốc ca, với lá cờ vàng bay bổng trong tim.


2

Bé Tú!”
Ông lại gọi thằng cháu là “Bé Tú” dù cháu đã hơn hai mươi tuổi. 

“Dạ, ông, mình đi bộ nhé ông!”

Đứa cháu nội thông minh, chịu tìm hiểu, dù bận việc học nhưng cũng rất gần gũi với ông. Tú ở trong trường, thỉnh thoảng về, lại cùng ông tâm sự. Sau khi bị stroke, sức khỏe của ông kém đi nhiều. Bà cũng không còn nhanh nhẹn. Các bác, các cô thay phiên nhau hoặc cử người đến giúp ông bà. Vào năm đại dịch, Tú rút về nhà học trên máy, có thì giờ ở bên ông nhiều hơn. 

Hai ông cháu đi bộ, qua những con đường quen thuộc gần nhà. Khác với ngày xưa, giờ đây ông phải dùng cây gậy. Ông tự nghĩ mình may mắn lắm rồi, vì sau thời gian tập luyện ông đã có thể tự đi, dù cũng phải cần có ai đó đi kèm khi ra ngoài.

Trên con đường hai ông cháu đi bộ trong khu xóm yên tĩnh, có nhiều nhà treo lá cờ Mỹ quanh năm. Đối với họ, treo lá cờ của nước Mỹ hầu như là một sự đương nhiên. Và mỗi khi họ chào cờ, trong tiếng nhạc hoặc trong lời bài quốc ca Hoa Kỳ, họ đưa bàn tay phải đặt lên ngực trái, nơi có trái tim. Ông chạnh lòng. Người Việt mình khi chào cờ không đặt tay lên ngực, nhưng, lòng rộn ràng theo những lời “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi!” Và như ông, bây giờ, nghe thổn thức với những lời hát này. Sống trên mảnh đất tự do, không hề lo sợ, không bị cấm đoán khi mang lá cờ vàng, nhưng ông vẫn luôn mang tâm trạng buồn nhớ, mất mát. Ông vẫn còn thiếu quê hương!

Khi về gần đến nhà, Tú nhắc ông:

“Ông ơi! Sắp đến ngày ba mươi tháng Tư…”

Ông gật đầu:

“Phải.”

“Mỗi năm đến ngày này ông đều nhắc treo cờ. Vậy con về treo cờ ha ông!”

Ông bỗng nghe như bước chân khựng lại. Ông thoáng thấy mình muốn ngã.

“Ông sao vậy ông?”

“Không sao con à! Ông chợt nhớ đến câu chuyện trao đổi với ông cụ John thôi.”

Tú im lặng. Ông cụ John, trạc bằng tuổi ông, là người hàng xóm kế bên nhà, rất dễ thương, thường chào hỏi trò chuyện với ông. Ông cụ John treo lá cờ Mỹ cũ rách trước nhà, chờ người con trai đi lính trở về để cùng thay một lá cờ mới. Vào cái ngày bạo loạn ở Điện Capitol, ông cụ John đã ra trước sân, gọi ông của Tú. Nét mặt ông hoảng hốt. Ông mở cái ipad, chỉ vào một trang tin và nói với ông của Tú:

“Ông xem, sao cái lá cờ của ông lại bị xếp vào chung với những lá cờ này?”

Hôm đó, ông của Tú chỉ biết lắc đầu khổ sở. Ông cụ John hiểu ý, không nói thêm.

Cũng hôm đó, cô Tư của Tú, hớt hải chạy về nhà, trốn biệt trong phòng. Đến tối khuya, cô mới xuất hiện, và nói rằng cô đã cùng các bạn nhập vào đám đông đi “đòi công lý.” Nhưng cô đã kịp chạy tránh đi, khi thấy lá cờ vàng bay phấp phới trên nóc Điện Capitol. 

Ngày hôm ấy, một ngày đối với ông thật khủng khiếp, ông tưởng như nó cũng đen tối như cái vùng đen mà ông từng chìm trong đó. Ông bỏ cơm. Ông không nói một lời. Ông không thể tưởng tượng được cái lá cờ thiêng liêng của đất nước lại bị sử dụng như vậy. Đau khổ hơn nữa là một người con của ông, và nhiều người nữa, không hiểu giá trị của lá cờ này, nỡ dùng nó như một vật trang sức, để phô trương, để tự nhân danh những người lính cao cả của một thời. Ông từng là học sinh, từng làm thầy giáo, từng làm lính. Bài học Công Dân thấm thía vô cùng! 

Ngày hôm sau, ông cầm lá cờ vàng, cái lá cờ đánh thức ông dậy sau những ngày hôn mê, ông ngắm nghía, và ông khóc. Ông nghĩ chắc từ nay ông sẽ cất nó vào tim.

3

“Bé Tú! Ông đã tám mươi tư tuổi. Bạn của ông, có người khỏe mạnh hơn ông, còn lái xe, còn chơi thể thao, còn đàn hát. Có người nằm trong nursing home. Có người đã qua đời. Bạn của ông, có người còn chưa được biết tuổi già, vì họ đã gửi mình vào đất trong thời chiến. Bạn của ông, có người trở thành tàn phế sau khi dâng tặng một phần thân thể cho đất nước. Và ông, khi ông ra khỏi những nơi gọi là “trại cải tạo” ở rừng sâu, núi cao, ông biết rằng ông đã để lại tuổi xuân của mình trong đó. 

Bé Tú! Ông chọn nơi này làm quê hương thứ hai, có thể sẽ là nơi ông gửi nắm tro tàn. Ông không có cơ hội góp phần xây dựng mảnh đất của ông cho vẻ vang hơn. Nhưng ông, cũng như đại đa số đồng bào của mình, đều trân trọng nền dân chủ tuy ngắn ngủi nhưng tốt đẹp của nước Việt Nam Cộng Hòa. Không những thế hệ của ông, hay thế hệ của các bác, các cô và ba của con, mà cả những bạn trẻ chưa từng sống trong thời gian có đất nước tốt đẹp ấy, nhưng biết tìm hiểu, biết vượt ra khỏi bức màn vô hình che mắt họ, họ đã ao ước, đã trân trọng nền dân chủ đó biết bao. Chính vì vậy mà có những người đã phải vào tù, đơn giản chỉ vì nói lên sự thật, chỉ vì muốn đem những bài học chính trị căn bản đến cho người dân. Có bạn trẻ ra tòa với chiếc áo “ba sọc” và niềm hãnh diện. Ông ngưỡng mộ họ. Họ ra tòa cộng sản chỉ vì yêu mến lá cờ này, lá cờ mà các bạn chưa hề được đứng chào. 

Chưa hết, bé Tú ơi! Có bạn được đi du học, đến đây, đã mua cho được một lá cờ vàng, giấu giếm đem về nước, coi như một báu vật. Một miền Nam tự do đã mất, nhưng sẽ sống lại, ít nhất là trong lòng người. Và khi người ta nhận rõ giá trị của cái đã mất đi ấy, người ta sẽ làm cho nó hồi sinh.

Ông thương lá cờ đó như thương tuổi hoa niên trong sáng của mình. Lá cờ bằng vải, bằng giấy, hay chỉ là ba sọc đỏ Bắc Trung Nam vẽ trên nền vàng, in trên khăn quàng, trên áo, đều là biểu tượng của một đất nước đáng tôn vinh. Và giờ đây, trên những xứ sở cưu mang người Việt, lá cờ đó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do, của những người Việt tử tế, biết trân quý nền dân chủ của quê hương thứ hai. Lá cờ ấy cũng phải qua nhiều lần đấu tranh khó khăn để được công nhận.”

Tú yên lặng lắng nghe ông. Thuở đặt lá cờ vào tay ông, Tú chỉ biết đó là hạnh phúc của ông. Bây giờ, Tú đã hơn hai mươi tuổi, Tú biết thêm nỗi đau mà ông mang theo cùng lá cờ đó. 

Cô Tư của Tú đứng ở cửa, trên tay cầm lá cờ vàng mà nhà ông thường treo trong những dịp đặc biệt.

“Ba! Ba cho con treo lá cờ để tưởng niệm ngày ba mươi tháng Tư?’

Ông gật đầu:

“Ừ, con treo đi! Bé Tú, phụ cô Tư nghen con! Chắc chắn, sẽ có những người đi đường dừng lại và hỏi chúng ta nhiều câu khó trả lời. Nhưng các con đừng ngại. Hãy giải thích cho họ hiểu. Đây là lá cờ di sản đáng hãnh diện của người Việt chúng ta.”

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Tháng Tư, 2021




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Hai hình ảnh tương phản này có thể chẳng bao giờ thấy nhau. Không có người nhà giầu nào lại dùng cái bát đã sứt mẻ; cũng như, cái bát nào trong bếp người nhà giầu mà chẳng may bị mẻ thì số phận nó nhiều phần sẽ nằm trong thùng rác! Nhưng, vốn chẳng có chi tuyệt đối, nên buổi chiều nay, mới khác những buổi chiều từng qua. Nắng đã tắt nhưng cái nóng còn oi ả, lết theo bước chân mệt nhọc của một gã thanh niên nghèo khó. Gã có vẻ là một kẻ ăn xin, với y phục rách rưới, lôi thôi, trên tay lại ôm cái bát bẩn thỉu đã sứt mẻ. Hình như gã đã đói lả, vì bước chân xiêu vẹo, ngả nghiêng, tiến được một, lại lùi hai! Cuối cùng, chịu không nổi nữa, gã dựa vào cánh cổng một dinh thự.
Chiều hôm ấy, một buổi chiều cuối mùa Hè năm 1956, trước cổng trường Võ Tánh Nhatrang, Trọng nhìn theo lọn tóc bỏ sau hai bờ vai và tà áo dài trắng, Trọng gọi lớn tên nàng nhưng Thu Nguyệt vẫn lặng yên tiếp tục đạp xe đạp, nàng không đáp lại lời kêu gọi của Trọng, ngay cả ngoái đầu nhìn lại nhau lần cuối.
Thưa ba, mỗi năm ngày báo hiếu từ phụ, lại cận kề Ngày Quân Lực 19 tháng 6 của Việt Nam Cộng Hòa, rồi ngày lễ Tạ Ơn. Con xin gởi ba tấm lòng thành ghi nhớ ơn tiền nhân, nhớ ơn ba trong ngày báo hiếu từ phụ, ngày lễ Tạ Ơn. Ba đã cho con dáng dấp hình hài lành lặn nầy. Ba cho con tâm hồn tươi vui, khỏe mạnh nầy. Ba đã cho con tất cả, tất cả những gì con hiện có… Con đã làm những việc thiện, và những việc... mà ba đã dặn dò chỉ dạy...
Từ những ngày đầu tiên khi bắt đầu có bệnh nhân COVID-19 ở Mỹ, đầu tháng 3, Nic Brown, 38 tuổi, một chuyên viên IT ở vùng ngoại ô Tuscarawas County, tiểu bang Ohio, đang khỏe mạnh, bỗng dưng thấy khó thở, và sốt cao. Anh tự lái xe đến một urgent care clinic ở gần nhà. Tại đây, Nic được điều trị với phương pháp dành cho một bệnh nhân có tiền sử bệnh suyễn, và thỉnh thoảng tim "đập lỗi nhịp" không bình thường. Chỉ trong vài phút, tình trạng xấu đi, Nic bất tỉnh. Anh được xe cấp cứu đưa đến Cleveland Clinic Union Hospital ở Dover, Ohio. Ở bệnh viện, anh được xác định là đã bị nhiễm Coronavirus.
Sáng nay như những buổi sáng khác, cô gái theo thói quen đi dạo dọc bờ biển, vừa để hít thở không khí trong lành của buổi sớm mai, vừa để tập thể dục. Trên bãi biển lác đác vài người chạy bộ, hoặc đi xe đạp. Quang cảnh bình yên, gió thổi nhè nhẹ, từng con sóng bạc đầu xô vào bờ êm đềm như hát rồi nhẹ nhàng xoá đi những vết chân in hằn trên cát trả về cho cát sự phẳng lì và mịn màng vốn có. Nơi xa xa mặt trời đỏ rực đang nhô lên từ dưới biển, mặt biển và bầu trời được nhuộm một màu đỏ cam đẹp đẽ xen kẽ những đám mây và sắc xanh của nền trời buổi sớm mai tạo thành một bức tranh vô cùng hoàn mỹ. Cô gái bỗng dừng chân, tầm mắt nhìn về hướng cách cô không xa, một người đàn ông cao lớn đang nắm tay một bé gái nhỏ xinh đi ngược về phía cô, bé gái kéo cha đuổi theo con sóng rồi vội vã chạy lên bờ như sợ sóng đuổi kịp, cả hai đều cười đùa vui vẻ. Nhìn cảnh thân thương ấy tự nhiên con bất chợt muốn khóc, có thứ gì dâng nghẹn trong cổ. Có một nỗi nhớ như máu thịt trong con,
Hồi tôi đi lính, sau 9 tuần làm tân binh ở trung tâm huấn luyện Quang Trung, tôi được chuyển lên Đà Lạt. Đà Lạt với tôi chỉ là trong mơ, trong mộng, trong trí tưởng. Tôi không nhớ những năm tháng ấy (1968), tân nhạc Việt Nam đã có những bản nhạc ca tụng Đà Lạt chưa? Như "Ai Lên Xứ Hoa Đào, Đà Lạt Hoàng Hôn, Thương Về Miền Đất Lạnh?"
Chiến tranh qua rồi, nạn phá rừng vẫn tồn tại. Một người bạn tôi được giao một đại đội đào binh làm nhiệm vụ vỡ hoang hai cánh rừng gỗ tếch để trồng sắn. Thu hoạch xong vụ đầu tiên, anh toát mồ hôi: công lao của bấy nhiêu con người cả năm trời chỉ đủ mua ba cây tếch, nhiều nhất là ba cây rưỡi. Tôi hỏi anh đã báo cáo lên cấp trên cách anh tính toán chưa, anh nói anh không dám. Người ta đã báo cáo thành tích khai hoang rồi, nói thế có mà chết. Những cái đầu đất phá rừng để lấy thành tích khai hoang chưa kịp chết thì lũ con buôn đã thế chỗ. Chúng nhân danh phát triển kinh tế, đẩy mạnh xuất khẩu gỗ, đốn bất cứ cây nào bán được.
Hồng Linh đã về tới quê hương trong chuyến đi hoàn toàn bất ngờ. Một chương trình trao đổi kỹ thuật đặc biệt về tin học với các nước Châu Á, khi cô đang ở trong lãnh vực này. Chặng đầu tiên sẽ dừng ở miền Bắc, Việt Nam trong hai tuần lễ. Hai tuần lễ ở Hà Nội, ngoài những buổi hội thảo, Linh lang thang tìm thăm những địa danh mà mẹ cô thường nhắc. Hà Nội là nơi mẹ cô chào đời, nhưng khi mẹ mới mười tuổi thì ông bà ngoại đã phải dắt mẹ, cùng các cậu, các dì của cô vào miền Nam để lánh nạn Cộng Sản. Mới mười tuổi thôi, nhưng mẹ cô đã nhớ nhung, đã ôm ấp, đã cưu mang gìn giữ biết bao nhiêu là hình ảnh, là kỷ niệm thân thương về quê ngoại, với làng Đồng Du thuộc tỉnh Hà Nam và quê nội, với thôn Phương Viên, huyện Đan Phượng thuộc tỉnh Hà Đông.
Vừa ngồi được phút chốc thì thấy một thiếu phụ lên xe, nhìn cái bụng lum lum có bầu biết là chị ta khó nhọc lắm. Nó uể oải đứng dậy nhường chỗ cho chị ta, mặc dù nó đã đứng suốt ngày trong xưởng, hai chân mỏi muốn rũ ra. Xe buýt đầy nhóc, mọi người chen chân đứng như thế mà chị còn mang cái bầu nữa thì mệt phải biết. Nghĩ mình nhường ghế cho chị cũng là một hành vi đẹp nên dù có mệt nó vẫn thấy vui vui và thoải mái trong lòng.
Không ai (kể cả các nhà khoa học, các giáo sư Bác sĩ giỏi) có thể tiên đoán chính xác khi nào đại dịch chấm dứt? Bao giờ thì có thuốc chủng ngừa? Cũng chẳng dám kỳ vọng mọi thứ sẽ quay về như cũ, trước khi có đại dịch. Nhưng hy vọng những điều căn bản tồn tại nhiều trăm năm như bắt tay nhau, như vỗ vai nhau... sẽ trở lại sau đại dịch như "sau cơn mưa trời lại sáng". Hơn lúc nào hết, người ta cần có hy vọng để sống, để thêm nghị lực cùng nhau vượt qua đại dịch, và phân cách.
Rừng núi xanh mướt, không khí trong lành và hơi se se lạnh thấm vào từng chân lông kẽ tóc, len lỏi vào từng tế bào. Cái cảm giác khoan khoái thật dễ chịu, làm cho hai huynh đệ thọ nhận được sự bình an trong phút giây hiện tại. Cây cỏ xung quanh như tỏa ra một năng lượng tươi mát tràn đầy sức sống. Bất chợt sư huynh hỏi khẽ: - Dường như có đôi mắt nào đó đang theo dõi chúng ta? Cả hai dừng bước, nhìn quanh một tí thì phát hiện ra đằng sau bụi rậm có mẹ con nhà nai đang tròn xoe mắt nhìn, tai vểnh bắt sóng động của âm thanh, chúng có thể nghe được những âm thanh nhỏ nhất mà tai người không nghe được. Mẹ con nhà nai đang cảnh giác cao độ, toàn thân mượt mà vàng sậm điểm xuyết những đốm hoa màu trắng.
Chiều nay khi những giọt nắng đang lao xao ngoài song cửa, những tán cây thầm thì trong gió chuyện nhân gian, anh bỗng nhẹ nhàng nhớ đến em, người con gái "vội cất bước quên dấu yêu ngọt ngào" ngày ấy. Anh trầm mình trong ký ức về “từng góc phố bâng khuâng dịu êm”. Anh tình cờ biết được một bản tình ca mà tác giả của nó cảm giác rằng nó bị thất lạc khá lâu rồi như chuyện chúng mình vậy đó em: "Lời hát ấy hôm nao miên man, ru em một thời Từng ánh mắt bao dung đam mê, cho em ngọt bùi"
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.