Hôm nay,  

Lá Cờ Trong Tim

27/04/202110:18:00(Xem: 2252)

1

Ngày gần cuối tháng Tư, ông ngồi với một lá cờ nhỏ trên tay. Đôi mắt ông nhắm nghiền. Những ngày tháng cũ bay vùn vụt trong trí nhớ của ông. Như những mảnh ghép, không theo thứ tự thời gian, mà theo màu.

Có một ngày, ông đã tỉnh dậy vì tiếng gọi của thằng cháu nhỏ. Tiếng gọi thất thanh: 

“Ông ơi! Ông ơi!” 

Cháu đặt vào tay ông một lá cờ bằng giấy, nhỏ bằng một trang vở, có nền màu vàng và kẻ ba sọc màu đỏ. Những sắc màu này như một liều thuốc bổ thật mạnh, khiến ông nghĩ mình không thể chết. Không thể nào chết được! Ông không biết tại sao mình lại nằm trên chiếc giường này, và nằm đã bao lâu. Ông thử, nhưng không làm nổi một động tác nhỏ nào. Ông cố mấp máy môi, nhưng không phát ra được một lời nào. Chỉ có một ý nghĩ trong đầu: “Mình không thể chết!”

…Vâng, ông đã bị stroke. Ông đã mê man trên giường bệnh gần một tuần lễ. Và ông đã trở lại. Ông phải trải qua một tiến trình lâu dài và khó nhọc để trở lại. Điều may mắn cho ông là gia đình săn sóc, khích lệ ông. May mắn nữa là thằng cháu nhỏ thường trò chuyện với ông. Cái lá cờ ông tặng cháu, lại trở thành một động lực to lớn cháu trao ông để ông can đảm chiến đấu với căn bệnh, với những khó khăn kéo dài tiếp theo. 

Ngày ấy qua đã mười hai năm. Giờ đây, thằng cháu nhỏ của ông được hai mươi hai tuổi. Cháu cũng vẫn thường trò chuyện với ông mỗi khi về nhà. Cháu cũng hay nhắc lại chuyện cháu nghe ba cháu, người con út của ông, nói rằng khi còn học trung học, ba cháu đã khóc mà xin cô giáo cho treo cờ vàng trong ngày hội, bởi vì đó là lá cờ mà những người Việt quốc gia đã giữ gìn và mang theo trên mọi nẻo đường đi tìm tự do. Và cô giáo, cũng như nhà trường, đã đồng ý. Treo cờ vàng, không phải cờ đỏ.

Có một ngày, trong thời học sinh của ông, ông ngước lên nhìn trời trong khi đang chào cờ. Bầu trời xanh ngắt. Lá cờ vàng tung bay trong gió. Chào cờ, và hát quốc ca, có lẽ người học sinh nào cũng nghĩ đó là một chuyện đương nhiên trong đời. Nhưng bầu trời xanh quá, ông muốn reo lên. Một cánh chim vụt bay qua nền xanh đó. Ông nhắm mắt lại, thưởng thức một niềm vui không tên. Và tưởng tượng, cậu học sinh lúc đó, mình là cánh chim kia, nhìn xuống sân trường để ngất ngây với một màu trắng. Màu trắng áo học trò.

Có một ngày, người thanh niên mặc vào màu áo trận. Màu xanh lá cây rừng. Nghe lãng mạn như lời trong những bài thơ, bài hát. Nhưng thực tế là súng đạn, là pháo bom, là máu lửa, là những vết thương. Là những khi reo vang vì treo được lá cờ trên những vùng tái chiếm. 

Có một ngày, không, phải nói rất nhiều ngày, trong mắt ông chỉ là màu xám và màu nâu. Màu của những bộ quần áo lao động. Màu của tủi buồn dành cho những người không bỏ anh em, không bỏ bạn bè. Màu của đất rừng những ngày khổ sai, trồng trọt, đào bới tìm chút khoai củ. Màu của đất khi những người tù phải tự đào để chôn cất bạn tù bỏ mình vì bạo bệnh. Không có hành khúc nào dành cho những người ấy. Chỉ có những vần thơ, những nốt nhạc nén chặt trong tim, tự lắng nghe trong màu đen của những đêm thao thức nhớ nhà.

Được chào cờ và hát bài quốc ca của mình, không phải chuyện đương nhiên. Điều đó, chỉ những người mất quê hương mới cảm nhận được. Những người tù như ông, chỉ còn một cách, nhắm mắt lại và hát thầm bài quốc ca, với lá cờ vàng bay bổng trong tim.


2

Bé Tú!”
Ông lại gọi thằng cháu là “Bé Tú” dù cháu đã hơn hai mươi tuổi. 

“Dạ, ông, mình đi bộ nhé ông!”

Đứa cháu nội thông minh, chịu tìm hiểu, dù bận việc học nhưng cũng rất gần gũi với ông. Tú ở trong trường, thỉnh thoảng về, lại cùng ông tâm sự. Sau khi bị stroke, sức khỏe của ông kém đi nhiều. Bà cũng không còn nhanh nhẹn. Các bác, các cô thay phiên nhau hoặc cử người đến giúp ông bà. Vào năm đại dịch, Tú rút về nhà học trên máy, có thì giờ ở bên ông nhiều hơn. 

Hai ông cháu đi bộ, qua những con đường quen thuộc gần nhà. Khác với ngày xưa, giờ đây ông phải dùng cây gậy. Ông tự nghĩ mình may mắn lắm rồi, vì sau thời gian tập luyện ông đã có thể tự đi, dù cũng phải cần có ai đó đi kèm khi ra ngoài.

Trên con đường hai ông cháu đi bộ trong khu xóm yên tĩnh, có nhiều nhà treo lá cờ Mỹ quanh năm. Đối với họ, treo lá cờ của nước Mỹ hầu như là một sự đương nhiên. Và mỗi khi họ chào cờ, trong tiếng nhạc hoặc trong lời bài quốc ca Hoa Kỳ, họ đưa bàn tay phải đặt lên ngực trái, nơi có trái tim. Ông chạnh lòng. Người Việt mình khi chào cờ không đặt tay lên ngực, nhưng, lòng rộn ràng theo những lời “Này công dân ơi, đứng lên đáp lời sông núi!” Và như ông, bây giờ, nghe thổn thức với những lời hát này. Sống trên mảnh đất tự do, không hề lo sợ, không bị cấm đoán khi mang lá cờ vàng, nhưng ông vẫn luôn mang tâm trạng buồn nhớ, mất mát. Ông vẫn còn thiếu quê hương!

Khi về gần đến nhà, Tú nhắc ông:

“Ông ơi! Sắp đến ngày ba mươi tháng Tư…”

Ông gật đầu:

“Phải.”

“Mỗi năm đến ngày này ông đều nhắc treo cờ. Vậy con về treo cờ ha ông!”

Ông bỗng nghe như bước chân khựng lại. Ông thoáng thấy mình muốn ngã.

“Ông sao vậy ông?”

“Không sao con à! Ông chợt nhớ đến câu chuyện trao đổi với ông cụ John thôi.”

Tú im lặng. Ông cụ John, trạc bằng tuổi ông, là người hàng xóm kế bên nhà, rất dễ thương, thường chào hỏi trò chuyện với ông. Ông cụ John treo lá cờ Mỹ cũ rách trước nhà, chờ người con trai đi lính trở về để cùng thay một lá cờ mới. Vào cái ngày bạo loạn ở Điện Capitol, ông cụ John đã ra trước sân, gọi ông của Tú. Nét mặt ông hoảng hốt. Ông mở cái ipad, chỉ vào một trang tin và nói với ông của Tú:

“Ông xem, sao cái lá cờ của ông lại bị xếp vào chung với những lá cờ này?”

Hôm đó, ông của Tú chỉ biết lắc đầu khổ sở. Ông cụ John hiểu ý, không nói thêm.

Cũng hôm đó, cô Tư của Tú, hớt hải chạy về nhà, trốn biệt trong phòng. Đến tối khuya, cô mới xuất hiện, và nói rằng cô đã cùng các bạn nhập vào đám đông đi “đòi công lý.” Nhưng cô đã kịp chạy tránh đi, khi thấy lá cờ vàng bay phấp phới trên nóc Điện Capitol. 

Ngày hôm ấy, một ngày đối với ông thật khủng khiếp, ông tưởng như nó cũng đen tối như cái vùng đen mà ông từng chìm trong đó. Ông bỏ cơm. Ông không nói một lời. Ông không thể tưởng tượng được cái lá cờ thiêng liêng của đất nước lại bị sử dụng như vậy. Đau khổ hơn nữa là một người con của ông, và nhiều người nữa, không hiểu giá trị của lá cờ này, nỡ dùng nó như một vật trang sức, để phô trương, để tự nhân danh những người lính cao cả của một thời. Ông từng là học sinh, từng làm thầy giáo, từng làm lính. Bài học Công Dân thấm thía vô cùng! 

Ngày hôm sau, ông cầm lá cờ vàng, cái lá cờ đánh thức ông dậy sau những ngày hôn mê, ông ngắm nghía, và ông khóc. Ông nghĩ chắc từ nay ông sẽ cất nó vào tim.

3

“Bé Tú! Ông đã tám mươi tư tuổi. Bạn của ông, có người khỏe mạnh hơn ông, còn lái xe, còn chơi thể thao, còn đàn hát. Có người nằm trong nursing home. Có người đã qua đời. Bạn của ông, có người còn chưa được biết tuổi già, vì họ đã gửi mình vào đất trong thời chiến. Bạn của ông, có người trở thành tàn phế sau khi dâng tặng một phần thân thể cho đất nước. Và ông, khi ông ra khỏi những nơi gọi là “trại cải tạo” ở rừng sâu, núi cao, ông biết rằng ông đã để lại tuổi xuân của mình trong đó. 

Bé Tú! Ông chọn nơi này làm quê hương thứ hai, có thể sẽ là nơi ông gửi nắm tro tàn. Ông không có cơ hội góp phần xây dựng mảnh đất của ông cho vẻ vang hơn. Nhưng ông, cũng như đại đa số đồng bào của mình, đều trân trọng nền dân chủ tuy ngắn ngủi nhưng tốt đẹp của nước Việt Nam Cộng Hòa. Không những thế hệ của ông, hay thế hệ của các bác, các cô và ba của con, mà cả những bạn trẻ chưa từng sống trong thời gian có đất nước tốt đẹp ấy, nhưng biết tìm hiểu, biết vượt ra khỏi bức màn vô hình che mắt họ, họ đã ao ước, đã trân trọng nền dân chủ đó biết bao. Chính vì vậy mà có những người đã phải vào tù, đơn giản chỉ vì nói lên sự thật, chỉ vì muốn đem những bài học chính trị căn bản đến cho người dân. Có bạn trẻ ra tòa với chiếc áo “ba sọc” và niềm hãnh diện. Ông ngưỡng mộ họ. Họ ra tòa cộng sản chỉ vì yêu mến lá cờ này, lá cờ mà các bạn chưa hề được đứng chào. 

Chưa hết, bé Tú ơi! Có bạn được đi du học, đến đây, đã mua cho được một lá cờ vàng, giấu giếm đem về nước, coi như một báu vật. Một miền Nam tự do đã mất, nhưng sẽ sống lại, ít nhất là trong lòng người. Và khi người ta nhận rõ giá trị của cái đã mất đi ấy, người ta sẽ làm cho nó hồi sinh.

Ông thương lá cờ đó như thương tuổi hoa niên trong sáng của mình. Lá cờ bằng vải, bằng giấy, hay chỉ là ba sọc đỏ Bắc Trung Nam vẽ trên nền vàng, in trên khăn quàng, trên áo, đều là biểu tượng của một đất nước đáng tôn vinh. Và giờ đây, trên những xứ sở cưu mang người Việt, lá cờ đó là biểu tượng của cộng đồng người Việt tự do, của những người Việt tử tế, biết trân quý nền dân chủ của quê hương thứ hai. Lá cờ ấy cũng phải qua nhiều lần đấu tranh khó khăn để được công nhận.”

Tú yên lặng lắng nghe ông. Thuở đặt lá cờ vào tay ông, Tú chỉ biết đó là hạnh phúc của ông. Bây giờ, Tú đã hơn hai mươi tuổi, Tú biết thêm nỗi đau mà ông mang theo cùng lá cờ đó. 

Cô Tư của Tú đứng ở cửa, trên tay cầm lá cờ vàng mà nhà ông thường treo trong những dịp đặc biệt.

“Ba! Ba cho con treo lá cờ để tưởng niệm ngày ba mươi tháng Tư?’

Ông gật đầu:

“Ừ, con treo đi! Bé Tú, phụ cô Tư nghen con! Chắc chắn, sẽ có những người đi đường dừng lại và hỏi chúng ta nhiều câu khó trả lời. Nhưng các con đừng ngại. Hãy giải thích cho họ hiểu. Đây là lá cờ di sản đáng hãnh diện của người Việt chúng ta.”

Cam Li Nguyễn Thị Mỹ Thanh

Tháng Tư, 2021




Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Police Officer Brezik không viết giấy phạt cô Kambia về tội lái xe bất cẩn. Khi nhìn thấy hai đứa trẻ ngây thơ, con của vợ chồng cô Kambia, ông chợt nghĩ đến các con của mình. Và quyết định quyên góp từ bạn bè của mình ở Garland Police Department để giúp gia đình bốn người này. Nhờ tấm lòng của Brezik và đồng nghiệp của ông, hai ngày sau, vợ chồng cô Kambia Hart nhận được một gift card $450.00 để đi chợ Walmart, một khoảng tiền mặt đủ để vợ chồng Cô trả tiền thuê nhà tháng 7, và mấy món đồ chơi cho hai đứa con còn nhỏ của Cô từ Sở Cảnh sát Garland.
Trên thế gian này trong đời sống hàng ngày, ai cũng có những lúc thăng trầm trong đời sống riêng tư của mỗi người, lúc gian nan khốn khó, lúc thành công hay thất bại, lúc hạnh phúc hay đau khổ, nhưng nhờ vào những vị ân nhân có lòng bác ái, giúp đỡ lẫn nhau một cách trực tiếp hay gián tiếp, để cùng nhau vượt qua được những sự gian nan thử thách trên trần gian này, rồi cùng nhau tiến tới sự thành công trong tương lai mà không một ai có thể biết trước được. Do đó, không ai trong chúng ta là không có những vị ân nhân giúp đỡ chúng ta, nếu không về vật chất thì cũng về tinh thần, ít nhất cũng phải là một lần trong đời chúng ta nhận được sự giúp đỡ này.
Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ con đường Alexandre De Rhodes đượm mùi hoa sứ, có bóng mát và tiếng sóng rì rào của biển, con đường đưa tôi đến trường Kim Yến hàng ngày. Mỗi lần nhớ lại NhaTrang, tôi nhớ Doãn, người bạn cùng lớp, một gã thư sinh đam mê văn chương, triết học và âm nhạc. Doãn mang đôi kính cận dày cộm, một thoáng Doãn trông giống Jean Paul Satre. Doãn rất đam mê đàn dương cầm và một chút tham lam tình yêu...
Kỷ niệm nhớ nhất của tôi là bay trực thăng với Cảnh Sát tư pháp bắt đầu từ city ở miền Nam bay lên miền Bắc của Orange County rồi bay xuống hướng Nam với những cánh rừng mênh mong bát ngát, bay lên miền Bắc với Disneyland với rừng người như đi trải hội, người về từ khắp nơi trên thế giới.
Từ cửa sổ trên lầu, nhìn chuyến xe lửa chạy chầm chậm trong màn mưa xám đục, không thể nào bà Loan không nhớ lại hình ảnh của Khiết – người yêu đầu đời của bà khi bà còn là một nữ sinh trung học – đang chồm người, một tay vịn vào thành cửa sổ của toa xe, một tay vẫy vẫy về phía Loan trong khi con tàu đang từ từ lăn bánh, rời ga xe lửa Dalat. Vừa nhìn theo Khiết, Loan vừa đưa ngón tay quẹt nước mắt, cố nén vào lòng nhiều nỗi nhớ thương.
Từ tháng 7 năm ngoái, khi bệnh Alzheimer của ông Steve Daniel trở nặng ở tuổi 66, bà Mary Daniel không còn lựa chọn nào khác hơn là phải đưa chồng vào sống ở Memory Care Center Rosecastle at Deerwood (Assisted Living and Alzheimer) thuộc thành phố Jacksonville, Florida. Mỗi ngày bà vào thăm ông vào buổi chiều tối. Hai vợ chồng cùng coi TV như những ngày ông còn ở nhà. Rồi bà cho ông uống thuốc an thần, sửa soạn giường ngủ cho ông, giúp ông đi vào giấc ngủ của một người tâm trí đã bị hao mòn nhanh hơn độ tuổi; trước khi trở về nhà.
Út Cọt tợp ly đế quốc lủi nghe kêu cái ót, mắt lim dim, thóp bụng, phồng ngực lấy hơi ca:” …Đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng cô đơn, đời tôi cô đơn nên yêu ai cũng không thành…”. Thằng Dĩ nhà kế bên lập tức đấu liền:”…lá rơi đắp mộ cuộc tình…”. Thằng Thuận nhà đối diện cũng “Đắp mộ cuộc tình” theo. Hai đứa hăng máu, thằng Dĩ tăng âm một nấc nữa thì thằng Thuận tăng hết cỡ luôn. Hai đứa thi nhau “đắp mộ cuộc tình”, đắp hoài mà vẫn không xong. Bên này rên rỉ róng riết thì bên kia năm nỉ ỉ ôi, khi thì âm tress chói lói, lúc thì âm bass thì thụp muốn bể cả tim. Hai đứa chơi cái giàn loa karaoke kẹo kéo, suốt ngày tra tấn lỗ nhĩ bà con trong con hẻm này. Thằng nào cũng gầm ghè nhau, người ta nói “ Con gà tức nhau vì tiếng gáy” là vậy.
Pháo bông rực rỡ trên bầu trời, phản chiếu đẹp lung linh trên dòng sông Hudson River chạy dọc theo “thành phố trái táo”, xứng đáng là trung tâm thương mại, văn hóa của thế giới. Thị trưởng Bill de Blasio và ban tham mưu của ông khéo léo ngăn chận tụ tập đông người ở nơi "phồn hoa đô hội", có mật độ dân số rất cao bằng cách chỉ cho đốt pháo mỗi 5 phút ở một địa điểm khác nhau trải dài theo thành phố lớn nhất nước Mỹ. Địa điểm đốt pháo cũng không được công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông như thường lệ . Quyết định rất thông minh này đã giữ cho New Yorkers an toàn, không có số bệnh nhân tăng vọt như các thành phố khác ở Mỹ sau lễ Độc lập .
Hai mươi ba tháng Chạp. Hình như năm nay Tết sắp về mà không ai đợi chờ. Sài Gòn bây giờ đang sống trong những ngày mới mẻ. Một cái mới lạ lùng, khó chịu, vì thành phố và cả miền Nam đang ngột ngạt trong một nếp sống lạ lẫm sau ngày phần còn lại của đất nước đã lọt vào tay chính quyền miền Bắc. Người lớn nhìn nhau bằng cặp mắt lo âu, thì thầm trao đổi với nhau những lời lẽ bi quan trước viễn cảnh đen tối của dân tộc. Nhưng tuổi trẻ dường như không bị chi phối bởi thế giới rắc rối của người lớn. Giọng nói, tiếng cười của chúng vẫn ròn rã, trong vắt, không gợn chút ưu tư. Gần như hầu hết bầy trẻ trong cả cư xá đang rộn ràng chuẩn bị cho các tiết mục văn nghệ cuối năm. Thuý và Bảo cũng bị cuốn hút vào không khí tưng bừng đó.
Câu chuyện nhỏ, do cơ duyên, xảy ra đã lâu, dường như lâu tới hơn hai thế kỷ! Lâu vậy, mà như không lâu, câu chuyện, ngỡ bình thường mà lại không bình thường nếu người trong cuộc không có tên là Thomas Jefferson. Đó là một buổi chiều mùa đông lạnh giá tại miền Bắc Virginia. Con đường hun hút không một bóng người, dẫn tới bờ sông dòng nước hung hãn chảy xiết là nỗi tuyệt vọng của một lão ông đơn độc, đang nhìn thấy thần chết mỗi lúc mỗi đến gần. Không có phương tiện nào để qua sông trong mùa này. Lão ông biết vậy, nhưng không thể biết hết những bất ngờ mà ông lại phải trở về nhà ngay, đành cố lết tới bờ sông, hy vọng ai đó có phương tiện qua bên kia, sẽ giúp đỡ. Lão ông đã ngồi đó, từ khi mặt trời đứng bóng và bây giờ, mặt trời đang lặn ở phương tây.
Đã tự nhủ lòng không xem giờ, nhưng thỉnh thoảng con mắt vẫn cứ liếc nhìn vào cái góc màn hình, thời gian trôi qua sao mà chậm dễ sợ, cứ như rùa bò sên chạy. Hải lấy mảnh giấy nhỏ dán lên góc màn hình, che con số hiển thị để khỏi phải uể oải sốt ruột. Thời gian trong hãng dài lê thê, dù chỉ là giờ hành chánh chứ có phải làm thêm chi đâu, những lúc bận bịu thì còn đỡ, công việc khoả lấp thời gian, những lúc rảnh rỗi thì thời gian chẳng biết làm gì cho hết. Người ta thường lý luận: "Thời gian tâm lý không khớp với thời gian vật lý” là vậy. Không ngờ Hải laị “nếm vị" của nó một cách thấm thía như thế.
Có nhiều cách để mừng sinh nhật của nước Mỹ. Năm nay, có lẽ “ở yên trong nhà” là quà mừng sinh nhật lớn nhất mà "nữ thần tự do" và "uncle Sam" mong muốn. "Stay home, save lives, please”. Mất một ngày vui họp mặt gia đình, bạn bè. Hay có thể mất đi một người thân, một người bạn vì tụ tập đông người; và làm chậm đi tiến trình hồi sinh của đất nước. Bạn có lựa chọn nào? Đất nước có thể có những sinh nhật rực rỡ năm sau, và nhiều, nhiều năm sau nữa. Nhưng nếu bạn mất một người thân, một người bạn thì mãi mãi bạn sẽ không tìm lại được. Xin hãy nghĩ đến điều này trước khi quyết định bạn sẽ mừng sinh nhật thứ 244 của Mỹ như thế nào.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.