Hôm nay,  

Bỏ Phố Lên Non

21/04/202115:15:00(Xem: 3163)
Nguyen Dieu Anh Trinh
Hình Thu Nguyệt và chồng (đã qua đời 06/2015)



Sau ngày 30 tháng 04 năm 1975 đã có nhiều mảnh đời tang thương. Trong số đó có cô bạn thân của tôi. Thu Nguyệt là một cô gái có khiếu thơ văn. 13 tuổi đã có nhiều bài đăng trên Nguyệt san Thiếu Nhi với bút hiệu Tê Hát Nguyệt Thi. Bạn khiến cả lớp chúng tôi ngưỡng mộ. Ngày đất nước im tiếng súng, gia đình bạn từ Trại gia binh ở phi trường Đà Nẵng phải dọn ra ngoài; sống vất vưởng nhờ cậy nhà người quen. Vì không có địa chỉ cố định, ba mẹ bạn cùng đàn con 7 đứa bị xếp vào gia đình phải đi Kinh Tế Mới đợt đầu tiên của thành phố Đà Nẵng. Năm đó tôi đang học lớp 12.

  Sau ngày tôi may mắn đi định cư theo diện HO, thư về thăm bạn, trong lá thư hồi âm Thu Nguyệt đã viết: “Nhận được thư Trinh trong đêm nay như một điều thật kỳ diệu. Giống như Trinh từ Mỹ đã trở về với gia đình mình tận trên cao của miền rừng núi, nơi chưa có đèn điện, phải chong đèn dầu viết thư khi người ta đã lên đến Sao Hỏa rồi.”

Và qua nhiều lần thư đi thư về, bạn đã trút cạn nỗi niềm.

Xin ghi lại đây câu chuyện của bạn tôi với bao cay đắng của một người đã giã biệt thành phố khi tuổi đời đang chớm mộng mơ.

***

     Buổi sáng ở vùng cao, khí hậu lành lạnh, cơn mưa đêm qua còn đọng lại những giọt nước lóng lánh trên cành lá. Những tia nắng sớm yếu ớt đang trải dài trong vườn cây. Nhìn xa, vườn cà phê thật đẹp, trông như một bức tranh được tỉ mỉ cẩn bằng những hạt trai óng ả.

Thời tiết mùa này là thế, sáng mát lạnh, đến trưa thì nóng ghê người. Tuy vậy, chỉ có cái nóng của vùng cao nguyên cấu tạo bằng loại đất đỏ bazan này mới có thể làm cho những chùm cà phê  màu xanh lục đang bám đầy cành, chuyển sang màu đỏ gạch, đó là thời kỳ trái cà phê đã chín tới. Từ lâu rồi, năm tháng đời tôi chỉ tính bằng những mùa café, những cơn mưa sáng, những bóng nắng chiều.

   Rời phố phường, cái thành phố ven biển của một thời tôi mộng mơ, cũng là vùng đất tôi vừa ươm những hạt mầm mơ ước. Lúc chuyến xe chuyển bánh rời thành phố đưa chúng tôi, đoàn người đầu tiên trong chương trình xây dựng khu kinh tế mới lên đến nơi này, nước mắt tôi nhạt nhòa, tâm tư khép kín, tôi cố tình lấp lại thật nhanh và chôn thật sâu khoảng đời đã qua.

    Những tưởng mình sẽ quên đi đoạn đời tạm gọi là vàng son đó, những tưởng ước mơ đã chết lịm từ bao giờ, nhưng thật ra nó chỉ yên ngủ, bởi có khi trong đống tro tàn nguội ngặm đó, vẫn có lúc tôi nhìn thấy lại hình ảnh của chính tôi giữa cái nắng với bụi đỏ mịt mờ, giữa những thiếu hụt triền miên, giữa những ngày mưa lầy lội, giữa những đêm đông sương mờ giăng giăng nơi triền núi, tiếng chim lạc bầy gọi nhau nghe ai oán đến đoạn trường.

    Không bao lâu sau đó, tôi liên lạc được với nhỏ bạn thân, con nhỏ còn may mắn hơn tôi là vẫn còn hồn nhiên cắp sách đến trường, con bạn an ủi và khuyên tôi nên vui với những gì đang có. Con bạn không biết và chắc không hình dung ra được cái đêm đầu tiên ngủ trong căn nhà mà gia đình tôi được cấp trên vùng kinh tế mới, chỉ là bốn cây cột trơ trụi và một mái tranh dột nát nằm giữa cánh đồng chỉ toàn cỏ tranh và đá tổ ong. Có gì đâu mà bạn bày đặt khuyên với nhủ?

    Tôi hoàn toàn không biết đời mình rồi sẽ trôi về đâu … con bạn chắc chắn không biết rằng, muốn có nước sạch để nấu cơm chị em tôi phải lội bộ hơn hai cây số đường núi để ra suối vì ngày ấy hoàn toàn không có một giếng nước nào nơi đây. Con bạn cũng không thể nào biết tôi rời Đà Nẵng, lên đây, để rồi cuộc đời phải làm bạn với những người thiểu số chưa thạo tiếng nói người Kinh nhưng rất thạo cách so đo công trạng bởi chính họ là những người đã góp công, góp sức, góp xương máu đem hòa bình trở về cho đất nước. So với dân tộc thiểu số, chúng tôi bỗng nhiên trở thành những kẻ đi giành giật đất đai của dân bản làng, vì thế mọi ưu tiên chỉ dành cho họ.

    Khai khẩn được một vùng đất mới, tưởng sẽ được bình yên lạc nghiệp? Không, bao nhiêu chủ trương của “quy hoạch” hay của chương trình xây dựng Khu Nông Trường cho tập thể đều để nhường lại cho những người anh em dân tộc thiểu số, chúng tôi phải đi vào vùng sâu hơn, cao hơn. Biết bao gian nan hiểm trở, bao nhọc nhằn và thiếu thốn nơi rừng thiêng nước độc dường như đã vượt quá sức chịu đựng, bên cạnh đó là những chèn ép của thành phần quan chức địa phương … có nhiều gia đình đã trốn về thành phố, buôn bán lặt vặt tạm bợ cho qua ngày đoạn tháng.


    Gia đình tôi thì chẳng còn nơi nào để bám ở thành phố nên cả nhà đành phải học khai hoang, học trồng trọt. Mồ hôi và nước mắt ướt đẩm những luống đậu, luống khoai mì. Rồi những vuông đất trồng café đầu tiên cũng được hình thành. Từ khi vùng này còn là một vùng rừng núi hoang sơ, hàng xóm hầu hết là dân tộc miền núi, tiếng Kinh mới bập bẹ, còn lại số ít là những người từ thành phố, thuộc thành phần thất cơ lở vận trôi dạt lên đây, số phận như nhau. Dần dà các khu công nghiệp, các nông trường cà phê hợp tác Việt Đức được ra đời, dân từ những vùng Thanh Hóa, Nghệ Tĩnh cũng di dân vào. Người Kinh càng lúc càng đông hơn người bản xứ, họ trở lại là đám thiểu số nên càng có nhiều quyền lợi, ưu tiên hơn chúng tôi.

   Có những năm mưa thuận gió hòa, đời sống dần dần được cải tiến, chồng tôi vào làm bảo vệ cho khu nông trường Café. Khu đất gần đó được chia ra thành từng vuông để làm khu nhà ở cho gia đình công nhân nông trường. Những hàng chè tàu xanh mướt mới được trồng lên để làm hàng rào ngăn nhà nọ với nhà kia. Chúng tôi cuối cùng cũng có được một mảnh đất nhỏ để làm nhà, gọi là … “an cư” sau nhiều năm “lạc nghiệp” một cách bắt buộc với công việc trồng trọt chăn nuôi.

    Mỗi khi có dịp về Đà Nẵng, nhìn cảnh xô bồ của phố phường tôi đâm ra ngán ngẩm. Ở đây tuy buồn nhưng đôi khi tôi cũng cảm thấy tâm hồn thơ thới. Sáng sáng thức dậy, hít thở mùi hương hoa đồng nội, mùi cỏ cây dịu dàng, chiều về lắng nghe tiếng suối nước róc rách, tiếng lá cây xào xạc vọng về từ rừng già; nếu chợt quên đi những cơ cực đang vây bám gia đình một cách khó gở, có khi tâm hồn tôi cũng hòa mình với thiên nhiên một cách nhẹ nhàng. Tôi đã nhận ra cái đẹp đến mê mẩn của khu vườn café không phải từ những lợi nhuận mà nó mang cho đời sống cơm áo hàng ngày mà từ mùi hương của hoa tinh khiết nồng nàn, của trái café chin đỏ đầy cành, đẹp như những viên ngọc bích trong mắt tôi.

    Khi các con tôi đã lớn, chúng tôi cố gắng lo cho con ăn học, giấc mơ đời tôi không thực hiện nổi, tôi chắp cánh vào đời con mình. Đã bao mùa café được vươn chồi nấy lộc, bao mùa tiêu lá xanh lá vàng, bao mùa rẩy, bao mùa ruộng khô ruộng nước, bao công trình cải tiến kỹ thuật được hô hào dựng xây nơi này? Những tưởng đã qua rồi một thế hệ đời tôi phải ngậm ngải tìm trầm, qua rồi sự phân biệt về nguồn gốc gia đình để đưa đến một thế hệ mới, lớp con cháu tôi sẽ có được sự cảm thông của “thế giới đại đồng”…

Nhưng …

....Con tôi ra trường, thằng bé đang phơi phới với mảnh bằng Đại Học đành gục đầu trước thực tế chua xót … không có nhiệm sở để thực hiện hoài bảo. Giấc mơ tuy nhỏ bé của vợ chồng, con cái tôi vỡ tan tành khi lò mò tìm hiểu phải có mấy chục triệu đồng lót tay mới được về làm việc ở đây. Vùng khỉ ho cò gáy này là đất của dân tộc thiểu số nên công trình cống hiến cho vùng đất này chỉ ưu tiên dành riêng cho người thiểu số. Con tôi tuy sanh ra ở đây, giấy khai sinh ghi rõ sinh quán, trú quán là vùng đất núi non này, vậy mà thằng nhỏ đành ngậm ngùi như tôi năm xưa, trước những thực tế chua xót.

Người ta nói, đất đai của người miền núi, của bản làng, chúng tôi là dân thành phố kéo nhau lên đây khai khẩn là đã giành giật miếng cơm manh áo của họ nên bây giờ những công việc hành chính nhẹ nhàng cũng phải ưu tiên cho họ. Nếu muốn, chúng tôi phải mua lại những ưu đải ấy bằng tiền.

    Ngày xưa … dân miền núi sống thành bộ tộc hiền hòa chân chất lắm, họ không biết xài tiền. Mọi mua bán đổi chác chỉ bằng hiện vật, họ không tin tưởng vào tờ giấy in xanh, đỏ màu mè lại có giá trị lớn lao như thế, có thể mua đất bán nhà và cả mua quan bán chức. Có phải đó cũng là lỗi của chúng tôi, những người dân thành phố vì thất cơ lỡ vận an phận lên đây, mang theo bao thói hư tật xấu đã làm hư hao khung cảnh thiên nhiên và cả con người nơi rừng núi heo hút này?

Tôi cố gắng nhưng vẫn không nhớ được tác giả hai câu thơ:

“Mai bỏ phố phường đi xa lăng lắc
Anh cũng dần quên cổ tích đời mình”

    Xin hãy đọc những dòng tâm sự buồn vui này của tôi như là chuyện cổ tích, bởi tôi đã xa rồi, đã bỏ phố phường mà đi.

Xin hãy đọc, rồi … quên như tôi đã từng cố quên.

NDAT
Thân tặng bạn thân Thu Nguyệt

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Sau dịp lễ Noel là không khí tháng chạp lấp ló đầu ngõ rồi! Thời tiết mùa đông lạnh lẽo đã dần nhường chỗ cho gió xuân về mơ màng trong sương sớm. Khoảng mùng 5 tháng chạp là mọi người đi tảo mộ đông vui. Đươc gặp bà con, họ hàng nội ngoại chào nhau tíu tít sau một năm tất bật là thấy tết đã sắp sửa cận kề. Tết không chỉ là niềm trông đợi của trẻ thơ mà còn là niềm vui của người lớn. Xưa chừ người ta thường nói vui như tết mà!
Con tàu rú lên tràng còi thất thanh. Âm thanh chuyển từ trầm đục sang cao chói. Chuyện gì vậy. Mọi người hỏi nhau. Sao bỗng dưng còi tàu gầm thét như con thú bị thương vậy. Tàu bỗng dưng chạy chậm hẳn lại. Và tiếng rít của bánh sắt trên đường rầy như mũi khoan nhọn xoáy vào lỗ tai. Người soát vé tất tả chạy trên lối nhỏ giữa hai hàng ghế. Chuyện gì thế ông ơi. Những câu hỏi nhao nhao. Something wrong, very wrong. Mọi người vui lòng ngồi yên tại chỗ. Người soát vé nói vội trước khi mất hút sau khung cửa nối sang toa kế tiếp. Khủng bố hay cầu đường xe lửa bị sập. Mưa lũ đã mấy hôm rồi. Người ta xớn xác hỏi nhau. Tin tức truyền miệng lan nhanh như đám cháy rừng. Không ai biết chắc chuyện gì. Chỉ biết tàu không thể tiếp tục chạy. Nhìn qua cửa sổ, chỉ thấy rừng cây đang vùn vụt dạt về phía sau bỗng chậm dần.
Đọc thơ “nhớ nhà” của Nguyễn Thị Vinh càng thêm nhớ! Ai cũng bảo rằng mùa xuân làm ấm lòng người, nhưng chưa chắc gì. Mùa xuân đó là mùa xuân ở bên ấy, bên Việt Nam họa chăng có ấm lòng, chứ mùa xuân rơi vào tiết mùa đông lạnh lẽo bên trời tây này lạnh vô cùng...
Bà Hai Kỹ lơ mơ ngái ngủ thò chân xuống giường, chợt giật nảy cả người, nước đâu mà linh láng ngập đến tận ống quyển vậy trời. Bà tỉnh ngủ hẳn, hoảng hốt la to: – Dậy, dậy mau, nước vô ngập nhà rồi!
Anh muốn về thăm Việt Nam, chị cũng vậy. Anh nói với chị: Em à, cũng hai năm rồi, tụi mình chưa về thăm Việt Nam. Anh thấy nhớ quá, nhớ hàng cây dâm bụt, gốc ổi, cây dâu đất ngoài quê anh. Nhất là ngôi nhà có bức tường thành và cái cổng bằng xi măng. Anh đã đem theo hình ảnh đó suốt mấy mươi năm rồi, nhưng lúc nào cũng nhớ nó. Mình đi về thăm một chuyến em hè...
Lần này, 2023, tôi chọn đi xem Tuy Hòa (Phú Yên) và Qui Nhơn (Bình Định) hai thành phố nhỏ, không mấy nổi tiếng với hy vọng nhìn thấy, cuộc sống tỉnh lẽ vẫn còn đằm thắm hiền hòa, chưa huyên náo chật chội như Hội An, nơi mỗi ngày có cả chục chuyến xe buýt thả nườm nượp khách du lịch xuống bến...
Những ngày cận tết trời Sài Gòn se se lạnh. Cái lạnh mang theo chút nắng hanh làm đẹp hơn bao chiếc áo len buổi sáng những con đường. Khóa học cuối năm chấm dứt bằng đêm văn nghệ toàn trường của đại học sư phạm...
Ngày Tết ai ai cũng nhớ đến bánh chưng, bánh dầy. Bánh chưng là biểu hiệu của đất trời, là tất cả của vũ trụ và của lòng hiếu thảo, có tự truyện từ lâu đời, từ đời vua Hùng Vương xa xưa. Người trong Nam còn gọi là bánh tét, có lẽ là do chữ tiết hay Tết, ý là bánh của ngày Tết...
Hôm rồi, gia đình chúng tôi bảy người, có đặt bàn tại nhà hàng The Keg (the steak house and bar nổi tiếng ở Canada ) lúc 7.30 pm. Gần tới giờ, chúng tôi phone hỏi nếu chúng tôi đến 7pm được không, họ trả lời ok, và chúng tôi liền chạy xe đến, có mặt trước 15 phút...
Mấy cái rễ chết khô này là những gì còn lại của cây mít mà tự tay tôi trồng mấy chục năm trước, bên mép một hố bom. Chúng đã theo tôi qua chặng hành trình hơn bảy ngàn cây số từ một vùng quê Quảng Nam đến thành phố lớn nhất của nước Úc. Thời chiến quê tôi là vùng đất không người và, có lúc, là vùng “tự do oanh kích”. Trở về đó sau tháng Tư năm 1975, khu vườn xưa của tổ tiên đã là một cái rừng rậm, màu xanh chồng lên màu xanh, mấy tầng, mấy lớp với những táng cây cao thấp chằng chịt dây leo, những chùm chìm bìm phủ từ trên xuống và những bụi đơm xôi đầy gai góc cố thủ bên dưới chờ chực cơ hội ngóc đầu lên, chỉ trừ màu đất sét đỏ quạch của cái hố bom sâu hoắm ở góc vườn, dấu tích của một trận oanh tạc cách đó ba năm, trong “Mùa hè đỏ lửa”.
Đầu tháng 12, nhân dịp vợ chồng người bạn sang Pháp du lịch, chúng tôi hẹn hò nhau, rong chơi Paris vài ngày. Khi cả nhóm đang đi dạo, cười nói xôn xao, điện thoại của tôi reo. Nhìn vào màn hình nhỏ, thấy tên Manager của tôi. Tôi nhíu mày, mình đang nghỉ phép, bà ấy gọi làm gì...
Người Việt tị nạn đã có một đóng góp to lớn vào văn hóa ẩm thực nhân loại: một thức ăn mang đậm bản sắc dân tộc Việt. Thức ăn dó là Phở. Mùi Phở thơm ngon hấp dẫn, nóng hổi, hợp với mọi khẩu vị đã chinh phục bao tử mọi người thuộc mọi tôn giáo. Hễ nơi nào có bước chân con dân xứ Việt ở thì nơi đấy có Phở...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.