Hôm nay,  

19/12/202011:25:00(Xem: 3234)


 Đi làm về, giày chưa kịp tháo, túi ăn vứt ngoài sân, y khệ nệ bê thùng sách vào nhà rồi vội vàng mở bung ra. Những quyển sách xếp ngay ngắn trong thùng, mùi giấy mới thơm thơm, y lấy một quyển nâng niu tựa như người ta nâng hoa. Đoạn y hít hít mùi giấy và hôn lên bià sách. Y lật ngược lật xuôi, lật xem lướt qua bên trong rồi ôm lấy quyển sách như thể một báu vật của trần gian.   Đây chẳng phải là lần đầu y in sách, nhưng cái cảm giác hồi hộp, háo hức vẫn như thuở ban đầu.

Y còn đang sung sướng lâng lâng thì nghe tiếng vợ càm ràm:

- Vậy là chuẩn bị thêm tiền để gởi sách đi, sách vở chữ nghĩa vô tích sự, chỉ tổ tốn tiền, tốn thời gian mà chả được gì! Thi sĩ, văn sĩ là cái giống gì  hổng biết? người ta làm bác sĩ, dược sĩ, nha sĩ tiền ròng bạc chảy. Bạn bè đồng trang lứa có đứa vào hàng tướng sĩ, nghị sĩ gia thế lớn, quyền lực mạnh, vợ con sung sướng nở mặt nở mày. Ông thì lẹt đẹt hậu đậu với cái mớ chữ nghĩa văn chương ấm ớ, thà rằng làm quân sĩ còn có lương lậu, làm tu sĩ được cúng dường, thậm chí làm liệt sĩ cũng còn có tiền tử tuất.

Đằng này ông làm thi sĩ, thấy mà phát rầu! 

 Cơn hưng phấn của y tự nhiên tụt xuống, mặc dù từ lâu y không tranh cãi với đàn bà, nhất là với vợ. Chuyện nhà cửa tiền nong y để mặc cho vợ làm gì thì làm, tiền lương vợ quản lý, y chỉ mỗi đi cày, cày về rồi rị mọ viết. Nhiều lần vợ bảo dẹp ba cái chuyện văn chương chữ nghĩa đi, nhưng y chẳng thể nghe theo:

 - Em bảo gì cũng được, riêng việc này thì tôi không thể chìu em được, viết lách chẳng phải là công việc, càng không phải để kiếm tiền. Nó là sự đam mê, nó là cái nghiệp, đã là nghiệp thì muốn hay không muốn cũng không được. Con chim bay được là nhờ đôi cánh, con cá lội được là nhờ vây, anh sống được là nhờ chữ nghĩa, nếu bỏ chữ nghĩa đi thì đời này vô vị lắm! Em muốn làm gì cũng được nhưng đừng can thiệp cái thú vui này của anh! 

 Vợ y lầu bầu:

 - Bọn gái lầu xanh bán thân cho khách mua vui còn có tiền, mấy ông thi sĩ vắt sức vắt hồn ra viết làm vui cho thiên hạ, chẳng những chẳng có xu nào mà còn phải bỏ tiền túi in sách, gởi tặng thiên hạ. Đời sao có thú vui lạ lùng, đem cái vui đến cho thiên hạ mà mình laị hao tài tốn của? trong muôn người may ra có vài người kiếm được chút cháo từ những giải thưởng nọ kia.

Y bảo vợ:

 - Người ta viết không phải mong đợi giải thưởng, cái được của những kẻ viết, người ngoại đạo không thể hiểu được đâu! Tỷ như đàn bà mang thai, cái mệt nhọc khổ sở ấy đàn ông không sao cảm nhận nổi. Rồi khi sanh con ra, tình thương của người mẹ dành cho hài nhi đó lớn như thế nào bọn đàn ông cũng vô phương thấu hiểu! 

 Vợ quày quả bỏ đi xuống bếp lo bữa cơm chiều, y vẫn ngồi bên thùng sách mới, mân mê, ve vuốt những quyển sách. Đoạn y lật một trang sách mà không có chủ ý lựa chọn rồi đọc:”… Chữ nghĩa muôn đời vẫn ảo diệu lắm, nó có sức hút đầy ma lực, dính vào khó mà bỏ được. Có kẻ vì chữ nghĩa mà danh nổi như cồn, cũng có kẻ vì chữ nghĩa mà vướng họa. Người đẻ ra chữ nghĩa, chữ nghĩa vận vào người, đừng lấy làm chơi! Mà rõ ràng chữ nghĩa là một cuộc chơi, cuộc chơi nhọc nhằn nhưng nhiều hứng thú. Cuộc chơi này có kẻ thanh cao nhưng cũng có không ít kẻ làm ô uế chữ nghĩa, xấu cả người chơi. Những kẻ nhân cuộc chơi chữ nghĩa để xu phụ quyền thế, uốn gối khom lưng trước thế lực chính trị, viết lời xu nịnh để kiếm rượu thịt, hoặc giả đổi trắng thay đen, ngậm máu phun người, đánh phá kẻ sĩ để kiếm lộc từ chốn quan trường, đem thân dựa quan quyền hòng được chiếu cố…” y đọc say sưa mấy trang liền, còn đang sung sướng với những con chữ trên trang giấy, tâm tư như hoà vào những dòng chữ ấy thì giật mình nghe tiếng vợ.

 - Đi tắm rửa thay đồ để ăn cơm, đọc sách không làm no bụng được đâu! 

 Lần này thì y không phân bua  gì cả, gấp trang sách laị và lặng lẽ đi vào nhà tắm.

 Nửa đêm y mơ màng, những quyển sách lung ling chấp chới như muôn ngàn cánh bướm lớn và đầy màu sác. Những quyển sách lung linh vây quanh y, ánh sáng diệu kỳ từ những trang sách tỏa ra làm cho gương mặt y rạng rỡ. Y với tay toan chạm vào những quyển sách ấy, ngón tay vừa chạm vào thì lập tức luồng ánh sáng truyền thẳng vào người y, cả thân y sáng như điện, từng tế bào loé lên, nhấp nháy liên lỉ, những tế bào sanh diệt cứ sáng tắt thay nhau. Thân thể y ảo diệu như con sứa dưới ánh đèn phản quang ở thuỷ cung. Tâm thần y sảng khoái cực độ, y như hoàng tử lạc giữa vườn địa đàng, mặc dù đang ngủ nhưng y thoáng nụ cười hạnh phúc trên môi. Khi y với tay chạm vào hình ảnh những quyển sách lung linh và ánh sáng xuyên qua người y, cứ ngỡ như cảnh tượng ngón tay của chuá chạm ngón tay Adam để tạo linh hồn cho con người, cái phút giây ảo diệu siêu thực tràn đầy hoan hỷ. Y còn ngất ngây trong cơn mơ thì nghe tiếng thì thầm.

 - Cậu chủ đã thổi hồn vào những trang giấy, cậu chủ cho ta sự sống. Mỗi cuốn sách có một sinh mệnh riêng, nếu con người thiên sai vạn biệt thì bọn sách chúng mình cũng thế, có cuốn nào giống cuốn nào đâu, đó là sự phong phú của thế giới chữ nghĩa. 

 Một quyển sách có bìa màu xanh da trời với hình minh họa của một họa sĩ nổi tiếng vẽ hình một chàng trai nằm dài trên thảo nguyên, miệng ngậm cộng cỏ, xa xa cô gái tết hoa dại đội đầu. Quyển sách thì thầm.

 - Gần đây cậu chủ làm thơ rất ít, thậm chí không muốn làm thơ nữa. Cậu chủ bảo bây giờ thơ nhiều quá, nhiều như lá thu đổ nhưng nhạt, phần nhiều tả tình vu vơ nhăng nhít, tả cảnh rất xoàng…Bọn dựa hơi chính trị thì không đáng để nói, chỉ viết ca tụng tâng bốc chứ chẳng có giá trị nghệ thuật. Cậu chủ phàn nàn bọn làm thơ tân hình thức, hậu hiện đại, siêu tưởng, trừu tượng  là những kẻ phá hoại thơ. Những loại thơ ấy đọc nghe lôm côm, chữ nghĩa lởm chởm nhưng bánh xe bị xì hết hơi mà chạy trên mặt đường sỏi đá. Bọn họ phá bỏ quy tắc ngữ pháp tối thiểu, viết tùy tiện, ngắt câu, xuống hàng lộn xộn, tên riêng cũng chẳng cần viết hoa…Bọn họ cho những cái sai ấy là sáng tạo, là hiện đaị. Hình thức là thế, nội dung thì vô nghĩa, ngô nghê, dung tục thậm chí rất bẩn thỉu… Ấy thế mà bọn họ đắc ý cho là xuất chúng, là phát minh mới…Có lẽ từ đây mà cậu chủ không muốn làm thơ nữa, khi có cảm hứng cũng viết nhưng cậu chủ giấu đi chứ không phô bày ra như trước đây.

 Một quyển sách khác với bià màu vàng tươi, những bông hoa li ti lấp lánh như hoa nắng, những đoá hoa nhỏ xíu nhưng đủ màu sắc góp lời:

 - Cậu chủ thường viết bài với khí vị thời gian và phong thái vô cùng lãng đãng, man mác tình sầu, nước non u mặc… nên không được nhiều người thích. Thời đại hôm nay người ta thích sắt đá máu lửa, mãnh lực quyền tiền, tình thù bá đạo… không chạy theo thị hiếu thị trường, cậu chủ đi con đường riêng của mình, dẫu có vắng vẻ độc hành nhưng cậu chủ quyết không đổi thay.

 Cứ thế, các quyển sách lần lượt nêu tâm sự, giấc mơ hồng cứ kéo dài cho đến khi đồng hồ báo thức reo vang. Sáng chủ nhật trời thật đẹp, quán cà phê đầy nhóc khách. Y cùng với nhóm bạn thân ngồi nhâm nhi ly cà phê và tán gẫu, một người trong nhóm nói.

 - Nghe nói văn sĩ in sách mới, có bán được quyển nào chưa vậy? thời đaị công nghệ thông tin bùng nổ, mạng Internet phủ sóng khắp mọi nơi, thế mà các ông văn sĩ, thi sĩ còn in sách làm chi hổng biết nữa? quả là gan như chiến sĩ. Nếu bọn họ viết chuyện cười, chuyện hài hước, tiếu lâm, chuyện cà kê dê ngỗng thì là tếu sĩ. Còn giả như bọn họ dám viết về dân oan nước loạn, quan quyền nhũng nhiễu, côn đồ kết cấu với các thế lực chính trị, triều đình khi dân, đạo đức suy đồi, văn hoá lai căng… thì bọn họ quả là có tấm lòng nghĩa sĩ, can đảm như dũng sĩ, chí khí tựa tráng sĩ, sử sẽ nhìn nhận họ là kẻ sĩ. 

 Một người bạn khác thêm vào

 - Trong số các thi sĩ, văn sĩ ấy cũng có một số ít trở thành tử sĩ vì ngòi bút của họ 

Có một người bạn xưa nay vốn ít nói, kiệm lời, phần nhiều bạn bè gặp nhau ai cũng nói tràng giang đại hải mà anh ta chỉ lắng nghe, đôi khi tủm tỉm cười chứ anh ta chẳng bao giờ phân trần hay nói năng chi. Mấy người bạn kia lắm lúc bực mình, quát

 - Ai cũng góp lời cho vui, sao mày chỉ biết nghe mà không chịu nói? Mày có phải con cò đâu mà chỉ biết lắng cổ nghe.

 Bị chửi mà anh ta vẫn cười chứ chẳng cãi, vậy mà hôm nay bất thình lình lên tiếng:

 - Bọn họ đa phần chỉ viết chuyện tình, chú trọng nghệ thuật, ca ngợi cái đẹp, tạo tác cái đẹp để dâng cho đời kể cũng là nghệ sĩ. Tôi biết trong số họ có một số người sáng tác để thể hiện cái tâm, nói lên cái chí của mình. Những người ấy xem nhẹ cuộc đời này, tự coi mình như kẻ lãng du, đến ở tạm rồi đi. Họ chẳng tranh đua giành giật gì với người đời, có những thứ người đời cho là quý thì những tay du sĩ ấy cười khẩy. Bọn họ là những tay du sĩ trong cõi đời nhiễu nhương ô trọc này. 

 Một người bạn khác vốn là đaị gia mới nổi, anh ta thành công trên thương trường. Hôm nay bạn bè gặp mặt, anh ta cũng tranh thủ đến tham gia và cái chính là để khoe sự giàu có của mình, nghe mọi người bàn về sĩ, anh ta hợm mình:

 - Sĩ gì thì sĩ, nhưng có thực mới vực được đạo. Đời cũng thế, phải có tiền, không tiền thì đời khi dễ mình. Văn sĩ, thi sĩ là cái danh hão, hữu danh vô thực, chi bằng anh theo tôi chơi chứng khoán, làm đại lý buôn sỉ thì may ra mới ngóc đầu dậy được, lúc đó thì anh tha hồ in sách, cầm bằng cứ rị mọ viết lách thì suốt đời chỉ là anh hàn sĩ mà thôi! 

 Y chiêu một ngụm nhỏ cà phê, cái đắng thấm đầu lưỡi lan toả vào từng tế bào, may nhờ cái vị ngọt của sữa đặc dung hoà bớt cái đắng, mùi thơm của cà phê quả thật khó cưỡng, dù đắng, dù cồn cào trong bụng nhưng y vẫn thích uống cà phê mỗi sáng. Cứ như thế, y cầm ly cà phê trên tay, thỉnh thoảng laị hớp ngụm nhỏ và lắng nghe đám bạn bàn luận, góp ý. Lâu lâu y cũng thốt lên:” thế à” để mọi người biết là y còn uống cà phê chứ chưa ngủ gục. Y tuyệt nhiên không bàn luận dù là đồng tình hay phản đối, những lời góp ý dù nghịch tai hay thuận tai y cũng cười khì mà thôi. Kể cũng lạ, đám bạn thao thao bất tuyệt, người nào cũng cho là mình phải, nói lời thật, mà hình như bọn họ cứ nói chứ không hề quan tâm có ai nghe hay không nghe. Những bàn bên cạnh khách khứa cũng oang oang không kém, tiếng nói, tiếng cười hoà với tiếng nhạc xập xình, màn hình ti vi loang loáng cảnh ca sĩ 8x, 9x nhảy múa uốn éo loạn xà ngầu. Nhóm ca sĩ nhuộn tóc vàng, đeo kính áp tròng mắt xanh, quần áo te tua, giọng lớ lớ, ngọng nghịu, ca từ ngô nghê… y cố nghe để hiểu nhưng không biết bài hát muốn nói gì. Những ca sĩ, kịch sĩ, vũ sĩ cứ như hình nhân nhân bản hàng loạt, tất cả  na ná như nhau cả. Y không tài nào phân biệt được ai với ai, nghe giọng hát thì càng chịu thôi, cứ ngỡ từ một họng mà ra. Những nhạc sĩ bây giờ vốn sống không có, vốn từ nghèo nàn, ngôn ngữ lệch lạc hiểu biết ít ỏi… cho nên sáng tác ra những ca khúc dú ép chín non. Người nghe đôi khi cũng ư ử hát theo chứ thực tình cũng chẳng để ý ca từ hay nội dung. Người nghe ở quán này hay quán khác, ở thành phố này hay thành phố khác của xứ sở này cũng đều như thế cả! Nghe có mà nghe, miễn có âm thanh xập xình, tưng tưng là đủ rồi. Đôi lúc y cũng lẩm nhẩm theo lời nhạc, cũng gật gật như thẩm thấu nhưng thực tình y cũng mù âm nhạc, có biết gì nhạc lý đâu, chẳng qua y lắng nghe ca từ thôi. Y còn miên man nghĩ vẩn vơ, đời bây giờ nhiễu nhương lắm, đòi hỏi chất lượng là việc không thể có. Những bậc nhân sĩ, chí sĩ như sao buổi sáng, người liêm sỉ càng hiếm, duy có bọn bệnh sĩ ( diện) thì nhiều vô số. Bạn bè của y đa số cũng là những tay bệnh sĩ nặng nề, nào khoe nhà to xe lớn, làm ăn phát đạt, con cái thành tài, du hí đông tây…cái bọn bạn bệnh sĩ ấy nhìn y cũng khác, có kẻ còn tế nhị giữ cái sĩ cho người khác, nhưng cũng có đứa thô lỗ lắm.

 - Sách của anh có nấu chín nổi nồi chè không? tiền của tôi thì có thể đấy! 

 Y không trách gì kẻ ấy nhưng y biết anh ta cũng có chút thật, quả thật anh ta có thể lấy tiền nấu chín nồi chè như chơi, anh rất giàu. giàu kinh khủng lắm, bao nhiêu rừng cây cạo sạch, núi đồi san xẻ để bán, sản vật tự nhiên biến thành biệt phủ, thành tài khoản lớn trong nhà băng…Việc anh ta đem tiền nấu chè quả thật dễ như chơi. Thói đời càng giàu bệnh sĩ càng cao, càng mạnh vì gạo bạo vì tiền, biết thế nên y chẳng thèm trách chi. Khi mới viết lách, y những tưởng sách mình sẽ được bạn bè ủng hộ, sẽ được thiên hạ trân qúy nào ngờ sự thật phũ phàng quá, từ đó y không còn dám khoe sách nữa, có in thì cũng chỉ in chút chút để giải toả cái tình mê sách mà thôi! 

 Một đêm nọ, khi còn mơ màng trong cơn ngái ngủ, y nghe tiếng vợ cảnh báo:

 - Tiền lương tháng rồi anh giấu ở đâu? có phải đem in sách mới? em xin ông văn sĩ tha cho em, đừng lấy tiền lương in sách nhé! Em không muốn bọn chủ nhà băng thâu hồi nhà, xe đâu! đời em lỡ lấy anh rồi, không chừng sẽ thành khất sĩ thì tội thân em.

 

TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 12/2020

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
“FIFA World Cup 2022,” Giải Vô Địch Bóng Đá Thế Giới lần thứ 22 đang diễn ra tại Qatar, vùng đất của thế giới Ả Rập và Hồi Giáo. Những rộn ràng sôi nổi của bạn bè xung quanh, toàn là người hâm mộ môn túc cầu, những trận đấu trực tiếp trên TV Mỹ, và những bảng kết quả từ các trận đấu được các đài truyền hình Mỹ Việt, báo chí khắp nơi loan tải từng ngày, từng giờ, đã đưa Uyên trở về với tuổi thơ, về những kỷ niệm xưa, và về cái thuở người dân miền Nam khắp nơi ham mê môn bóng tròn...
Đây là ngôi làng tiêu biểu của người Amish sinh sống ở vùng này. Làng được dựng lên để giới thiệu với du khách ghé thăm những sinh hoạt hàng ngày và những sản phẩm tiểu công nghệ có tính cách cổ truyền đặc thù của người Amish...
Khi tôi về làm dâu mợ, bà còn khá trẻ, khoảng năm mươi. Bà lanh lẹ, vóc dáng nhỏ và có khuôn mặt vui với nụ cười tươi. Bà luôn niềm nở cởi mở với mọi người. Bà như thế đó, chưa bao giờ làm buồn lòng ai và cũng chẳng ai quấy phiền chi bà...
Tôi đành vay mượn tên nhạc phẩm “Con đường mang tên em” của Trúc Phương để đặt cho con đường nhà tôi vì quá hợp lý luôn, không thể đặt tựa đề khác được. Con đường này dài hơn một cây số nhưng chỉ một đoạn đường ngắn nơi khu buôn bán gần những trại lính thật khó mà tin nổi 9 căn nhà liên tiếp nhau đã có 3 người con gái tên Thanh, thật ngẫu nhiên chúng tôi cùng lứa tuổi mới lớn, lại ngẫu nhiên nữa là có hai người cùng họ Nguyễn Thị…
Cuối tuần rảnh, cú phonetalk hai chị em cỡ chừng… hai tiếng chớ nhiêu! Chị hơn tôi 8 tuổi, cùng trang lứa với mấy ông anh tôi, nhưng vì hai chị em đã có dịp đi vượt biên (hụt) với nhau một chuyến, có hơn một tuần lễ vi vu Miền Tây, ăn ngủ cùng nhau, tâm sự đủ điều. Nhất là đêm cuối cùng chờ tàu lớn ra khơi, cả hai thao thức suốt đêm, nghe cả tiếng lục bình vật vờ trôi sông, rồi kể nhau nghe “chuyện con tim”…
Dường như con người có thể phát tiết ra khả năng kỳ lạ để thích ứng với môi trường và hoàn cảnh sống mà có lẽ chính họ đôi khi cũng không ngờ. Khi một người bị khuyết tật từ thuở ấu thời thì họ có thể phát triển một thứ khả năng kỳ diệu đến mức bất khả tư nghì đề bù đắp lại phần bị mất mát. Người chị Thứ Ba của tôi là điển hình như thế. / It appears to be that people can foster an uncanny capacity to adjust to conditions and circumstances that they may not know about. When a person has a disability since childhood, they can have an incredible ability to compensate for the loss. My Third Sister is such an example.
Không hiểu lý do nào ông bà Hai lấy tên Hụi để đặt cho con mình. Lúc còn nhỏ, Hụi trông khôi ngô sáng sủa lắm. Hụi lại ít bị bệnh hoạn và rất chóng lớn. Năm lên bốn tuổi, Hụi đã lớn kịp anh ruột mình là Hùng, lớn hơn Hụi hai tuổi. Hai anh em cũng ham chơi, cũng nghịch ngợm như bao trẻ con cùng trang lứa trong vùng...
Thật ra, cho đến ngày "tan hàng" khăn gói đi tù, Nhạc chưa có một căn nhà cho vợ con chui ra, chui vào. Là một sĩ quan ở đơn vị tác chiến, anh chẳng có phương tiện gì để làm ra tiền, ngoài một đám lính chỉ biết bóp cò, gài mìn và hô xung phong, khi đụng trận. Với số lương trung úy, cộng thêm một vợ, ba con, được khoảng bốn chục ngàn đồng một tháng, mà tiền để xây hay mua một căn nhà nho nhỏ cũng gần hơn triệu bạc, nên Nhạc cứ khất đi, khất lại hoài, với Hậu...
Người Việt bị người Tàu đô hộ hàng ngàn năm, các triều đại phong kiến Tàu ra sức hủy diệt văn hóa Việt, đồng hóa người Việt, sáp nhập đất Việt vào đất Tàu. Lịch sử cho thấy họ không thể làm được việc đó. Người Việt vẫn giữ được nước và bản sắc văn hóa riêng của mình, tuy nhiên bị ảnh hưởng nặng nề về văn hóa, ngôn ngữ, lịch sử, tư tưởng, thể chế chính trị…
Buổi sáng thênh thang. Nắng dịu dàng vướng trên những ngọn cây. Được nghỉ hai giờ đầu, thằng bé học trò chạy xe qua Phú Nhuận, thả dài lên Tân Định hóng gió. Sài Gòn sớm mai như cô gái vẫn còn ngái ngủ. Tóc mượt mà đen thẫm trên mặt gối trắng tinh. Thằng bé học trò không biết đi đâu. Một tay cầm chắc tay lái chiếc Honda Dame, tay kia thỉnh thoảng lại đưa lên đẩy cặp mắt kính cận cứ chực tuột xuống. Cặp mắt kính thay đã lâu lắm rồi, bây giờ nhìn mọi thứ đã bắt đầu mờ ảo, nhưng chưa dám xin tiền bố mẹ để thay. Con đường Hai Bà Trưng ngập nắng. Chợt một tấm biển quảng cáo phía trên một cửa tiệm đập vào mắt thằng bé học trò. Và nó sực nhớ đã đến lúc phải khám, phải đo xem mắt có tăng độ hay không rồi. Hai con mắt không cận thị bằng nhau, một bên ba độ rưỡi, một bên hai độ bảy mươi lăm. Và cả hai bên nhìn cuộc sống đều nhòe nhoẹt như nhau.
An lớn lên bên cạnh mẹ từ tấm bé, đến khi có trí khôn hiểu biết em cũng chỉ thấy có mẹ. Em không thắc mắc dù trên khai sinh của em tên cha là vô danh. Một đôi lần hiếm hoi lúc mẹ con gần khít bên nhau, rảnh rang như đi hè, ngồi trên bãi biển, trời cao gió mát, biển mênh mông, An vô tình hỏi mẹ vô danh là gì? Mẹ trả lời là không có tên, rồi mẹ cũng giải thích thêm là, ba đi buôn bán xa, tận ngoài Bắc hay đâu đó, bên tàu bên tây, đi lâu quá là lâu rồi, cũng quên liên lạc về nhà nên phải khai như vậy, đặng con có giấy khai sinh đi học...
Thỉnh thoảng, tôi vẫn hồi tưởng lại thời gian hai năm dịch Covid hoành hành, chuyện khẩu trang, cách ly, hand sanitizers, vaccine Pfizer, Astrazeneca... đặng mai mốt còn kể lại cho đám cháu chắt nghe. Chúng sẽ không thể tưởng tượng nổi những cảm xúc mà chúng ta đã trải qua, lo lắng, buồn phiền, âu sầu với những hệ lụy còn kéo dài sau đó. Nhưng hôm nay tôi xin nhớ lại chuyện vui, dẫu sao cũng là chút “điểm sáng vui vẻ” trong những tháng ngày u ám đó...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.