Hôm nay,  

Ôm Kín Nỗi Đau

07/11/202014:15:00(Xem: 3505)

Giữa sự hùng vĩ của thiên nhiên, Hằng cảm nhận được rằng đời người hay là những biến động trong cuộc đời, dù có lớn lao đến đâu chăng nữa, so ra cũng vô cùng nhỏ bé trước sự vô thường của vạn vật – huống chi căn bệnh Huntington's disease trong cơ thể của nàng! Nhận ra được điều ấy rồi, Hằng cảm thấy dường như bao mối ưu tư/phiền muộn/sợ hãi trong nàng đang từ từ tan loãn như những vùng tuyết long lanh trên đỉnh núi cao. Hồn nàng nhẹ tênh, thơ thới trong sự yên bình của ngoại cảnh.

Rời Leavenworth – thuộc Washington state – bỏ lại phía xa dòng sông sủi bọt trắng xóa, Hằng đến làng Cashmere nhỏ bé nhưng đầy dấu vết của những cuộc Tây tiến thuở xưa. Vừa qua khỏi mấy cửa hàng trang trí như trong phim xi-nê “Cao-bồi”, Hằng bỗng nhận ra nàng đang lạc vào thế giới của cây táo (apple trees).

Qua khỏi khu vực trồng táo, thấy rừng thông xanh soi mình trên mặt nước và những chiếc du thuyền nhỏ nằm cạnh nhau bên mấy chiếc cầu gỗ, Hằng chợt nhớ đến một thành phố thân thương trên miền đất đỏ với mặt hồ câm nín/với đồi trà ngát hương/với rừng thông bạt ngàn.

Bên rừng thông xanh biếc ấy, mỗi khi Thuận – chồng của Hằng – từ đơn vị về thăm, đã nói với Hằng không biết bao nhiêu lời âu yếm. Rồi những buổi chiều, Thuận và Hằng lặng lẽ đi bên nhau trong tiếng thông reo cùng tiếng lá khô xào xạc dưới chân. 

Năm 1975, sau khi Thuận đi tù cải tạo, cũng chính nơi rừng thông vắng lặng ấy, các con của Thuận và Hằng – Phượng, Thủy và Huân – vào cuối tuần hoặc ngày lễ, nghỉ học, thường đến nhặt nhánh thông khô về bán cho người ta làm củi. 

Một buổi chiều, Thủy và Phượng đi lượm củi. Trên đường về Thủy bị một loại côn trùng chích. Thấy vết chích không chảy máu, Phượng và Thủy nghĩ rằng không hại gì, cho nên chẳng cho Hằng biết. Đến khuya, vết chích sưng lên và đau nhức, Thủy khóc, Hằng mới biết.

Hằng đưa Thủy đến bệnh viện công cộng. Tại đây – vì Hằng khai Bố của Thủy đang cải tạo – y tá để Mẹ con nàng chờ cho đến sáng mà cũng vẫn không được đưa vào cho bác sĩ chẩn bệnh.

Trời sáng hẳn. Thủy vẫn nằm thiêm thiếp trên chiếc băng nhớp nhúa. Hằng vừa khóc vừa nhìn quanh. Bác sĩ và y tá bắt đầu đổi phiên. Bác sĩ Toàn đi ngang. Hằng “nhào” đến, khóc òa: 

-Bác sĩ! Làm ơn cứu con tôi! 

-Con chị đâu? Nó bị gì? 

-Thưa bác sĩ, cháu bị con chi cắn mà vết thương sưng lên và đã trở màu. Mẹ con tôi chờ từ khuya đến giờ, không ai “ngó ngàng” gì tới cháu cả. Bác sĩ làm ơn cứu con tôi. 

Bác sĩ Toàn vẫy tay, gọi y tá: 

-Đem con bé vào phòng cấp cứu ngay!

Hằng chịu ơn Toàn từ đó. Nhưng chị em Thủy lại tỏ thái độ chống đối rất mạnh mẽ mỗi khi Toàn kiếm cớ ghé nhà thăm bệnh cho Thủy để được nói chuyện với Hằng. Khi nào bị Hằng lừ mắt, bảo đi chỗ khác chơi, Phượng và Thủy cũng xúi cu út Huân chạy ra nhõng nhẽo với Mẹ.

Hằng không hiểu tại sao ngày ấy Huân thường nhõng nhẽo, vòi vĩnh đủ điều để Toàn bực mình phải đi về; còn ngày nay, trước sự phản bội của Thuận, Huân – trong lần từ Yale University về thăm nhà – đã trả lời Hằng: 

-Con nghĩ Ba có thể nghe lời con trong những vấn đề khác; còn vấn đề tình cảm của Ba, làm sao con có thể xen vào được? 

Vì lúc ấy Hằng chưa biết nàng mắc phải chứng Huntington's disease cho nên Hằng muốn tìm mọi phương cách để giữ Thuận: 

-Nếu con không khuyên giải, rủi Ba mê bà Ngọc rồi bỏ mẹ con mình, con nghĩ sao?

-Ba mê bà Ngọc, đó là quyền của Ba. Ba bỏ mẹ con mình, đó cũng là do ý của Ba, con đâu làm gì được! Con nghĩ đây là chuyện của Ba Mẹ, Ba Mẹ nên giàn xếp với nhau. Trong đời, chỉ có Ba và Mẹ là hai người con thương nhiều nhất; con không thể bênh người này mà bỏ người kia.

-Biết Ba làm điều sai mà con không bênh Mẹ được sao, Huân?

-Con không nói những gì Ba làm là đúng. Nhưng không phải vì những điều không đúng đó rồi con không thương Ba. Mẹ hiểu con muốn nói gì không?

-Con nói vậy, nếu gia đình mình đổ vỡ, con có vui không?

-Dĩ nhiên là con không vui; nhưng con cũng đâu làm gì được!

-Tại sao con không làm gì được? Con tìm lời khuyên Ba. Ba cưng chìu con, Ba sẽ nghe lời con. Ba sẽ vì các con mà trở về với gia đình, để gia đình khỏi tan vỡ

-Con nghĩ, phải vì Mẹ mà Ba trở về thì Ba Mẹ mới có hạnh phúc. Còn nếu vì tụi con mà Ba trở về thì Ba Mẹ chỉ sống một đời gượng ép bên nhau thôi. Nếu Ba Mẹ không thương nhau nữa, hãy giải quyết với nhau một cách công bằng và êm thắm; đừng vì đàn con mà sống như tù ngục. Như trường hợp của Mẹ, Mẹ nên sống cho Mẹ, Mẹ không nên sống cho bất cứ người nào khác.

-Nếu Mẹ quan niệm giống như con thì ngày đó, từ trại cải tạo, Ba gửi thư về miệt thị Mẹ không tiếc lời, Mẹ đã chấp nhận bác Toàn là chồng rồi. Con nhớ không? Chính con không chấp nhận sự hiện diện của bác Toàn mà! 

-Dạ, con biết. Con nhớ. Nhưng dạo đó con chỉ là đứa bé con, sống trong một môi trường khác cho nên nhân sinh quan của con tùy thuộc vào bối cảnh chung quanh. Bây giờ con hấp thụ nếp sống ở đây, lối suy nghĩ và cách hành xử của con linh động và thực tế hơn.

-Hay là con còn giận Mẹ về chuyện bác Toàn?

-Dạ không. Thật ra, dạo đó tụi con có buồn và giận Mẹ về việc bác Toàn. Nhưng, sau này nghĩ lại, tụi con thấy tụi con bất công đối với Mẹ. Giữa một xã hội mà người phụ nữ – nhất là những phụ nữ thuộc vào những gia đình khuê các như Mẹ – lúc nào cũng bị đặt vào vị thế thụ động và không bao giờ hấp thụ được tinh thần tự lập thì người phụ nữ đó làm được gì để nuôi con và nuôi thân khi bất ngờ người đàn ông trong gia đình không còn hiện diện? Vì vậy, con nghĩ, những người phụ nữ rơi vào tình cảnh như Mẹ đáng thương hơn đáng trách.

Không phải chỉ có Huân mới suy luận và phân tích vấn đề một cách vô tư và rộng lượng, mà ngay cả Phượng cũng có những ý nghĩ rất mới, rất thực tế, như hầu hết người trẻ lớn lên trong xã hội Âu-Mỹ.

Thật vậy, hôm đó, trong người không được khỏe, Hằng xin nghỉ làm, về sớm. Vào nhà bằng cửa sau, Hằng vô tình nghe tiếng Phượng từ trên lầu: 

-Không phải con ăn hạc cơm do đồng tiền ông Toàn cho rồi con bênh Mẹ hay bênh ông Toàn. Nhưng ba nghĩ đi, Mẹ lấy ông Toàn để có tiền nuôi Ba trong tù, nuôi tụi con ăn học và dành dụm tiền đưa tụi con vượt biên, ai nỡ kết tội Mẹ?

-Ba không dính dấp gì đến đồng tiền thối tha, nhơ nhớp đó

-Ba nhầm. Ba ở tù bao lâu và Mẹ đi thăm nuôi Ba bao nhiêu lần trước khi cô Hai viết thư mách Ba? 

-Khốn nạn! Nếu biết vậy, tao thà chết chứ không thèm nhận một xu!

-Ba nói như vậy là Ba chỉ nói về phần Ba. Còn Mẹ và tụi con thì sao?

-Thiếu gì bà phải buôn gánh bán bưng mà vẫn nuôi chồng trong tù và nuôi con đi học.

-Con biết có nhiều phụ nữ Việt-Nam đáng qúy như vậy. Nhưng không phải bất cứ người phụ nữ Việt-Nam nào cũng có thể gồng, gánh, lao lực chân tay được. Mẹ là một trong những người rơi vào vị thế đó. Nhưng cái vị thế đó không phải do Mẹ tạo nên mà là do hoàn cảnh xã hội và quan niệm sống thời bấy giờ đã tạo nên. Ba nghĩ lại đi. Những người có địa vị như ba có bao giờ muốn, hoặc được Cha Mẹ chấp thuận, cho phép thành hôn với một cô gái ít học, lam lũ, con nhà nghèo hay không? Không! Lúc nào những người như Ba cũng muốn, hoặc bị gia đình ép buộc để thành hôn với những cô con nhà quyền thế, giàu sang, càng trưởng giả càng tăng phẩm giá. Trong những gia đình như vậy, người con gái thường ỷ lại; vì lúc nào cũng có người khác để sai bảo/để nhờ cậy. Đến khi lấy chồng, người chồng vì tự ái, vì muốn nắm quyền trong gia đình, không cho vợ đi làm. Như vậy, người phụ nữ có được chuẩn bị để đối phó với những bất trắc khi người đàn ông bất ngờ khuất bóng hay không?

Im lặng. Hằng hồi hộp chờ tiếng quát tháo của Thuận; nhưng tiếng Phượng lại vang lên: 

-Thưa Ba! Mỗi khi gặp bạn, Ba thường khoe rằng tụi con học tại các đại học danh tiếng của Mỹ. Những lúc đó, có bao giờ Ba nghĩ đến sự hy sinh và sự chịu đựng của Mẹ hay không? 

-Con thử đi hỏi tất cả người Việt-Nam xem có ai nói người vợ ngoại tình trong khi chồng ở tù mà lại được gọi là hy sinh thì con sẽ có câu trả lời.



-Ba! Hồi đó Ba cưới Mẹ là Ba cưới vợ cho Ba hay là Ba cưới vợ cho người Việt-Nam?

-Ba tiêm nhiễm tư tưởng Khổng Mạnh. Con ảnh hưởng lối suy nghĩ của người Tây phương. Cha con mình không nên bàn luận về vấn đề này nữa.

-Con nghĩ, thà mổ xẻ vấn đề để đi đến kết luận chứ Ba tìm cách tránh né cũng không được

-Vấn đề con muốn mổ xẻ là vấn đề gì? 

-Vấn đề giữa Ba, Mẹ và bà Ngọc. Con nghĩ, giữa hai người đàn bà Ba chỉ có quyền chọn một, để người kia còn lo liệu cho tương lai của người đó. Ba không nên – cùng một lúc – làm khổ hai người đàn bà.

Sau một thoáng im lặng, Phượng tiếp:

-Ba không thể thương yêu Mẹ được nữa vì một người đàn ông khác đã đi qua đời của Mẹ, đúng không?

Thuận gật đầu. Phượng cười: 

-Vậy thì, Ba cho con hỏi, bà Ngọc đến với Ba trong tư thế nào? Bà Ngọc cũng đã có chồng có con, nghĩa là cũng đã có đàn ông đi qua cuộc đời bà ấy rồi, tại sao Ba lại chấp nhận?

-Ông bà mình có câu: “Lấy đĩ về làm vợ; không ai lấy vợ về làm đĩ” con biết không?

-Con nghĩ, nếu trong khi đang sống yên ấm với chồng con mà người đàn bà lang chạ thì nên lên án. Còn nếu, ngoài lũ con dại, người chồng không để lại cho vợ bất cứ điều chi khác, người vợ phải chịu làm đĩ nuôi con ăn học thì đó là người phụ nữ biết hy sinh, biết sống cho người khác. Ba không nên quan niệm rằng người phụ nữ được sinh ra chỉ để sống và chết cho một người đàn ông!

Thuận lại thở dài, im lặng. Phượng kết luận: 

-Ba đừng giận con. Con chỉ nói những gì con nghĩ chứ không phải con cố tình nói để Ba tha thứ cho Mẹ; vì Mẹ chẳng có lỗi gì để Ba phải tha thứ. Lỗi là lỗi ở xã hội và lỗi ở Ba; vì không ai trang bị cho những phụ nữ như Mẹ số hành trang cần thiết trước khi “thảy” họ vào đời!

Hằng cảm thấy ấm lòng khi nghe những lời chí tình của Phượng. Nhưng, sau khi bác sĩ cho biết kết quả thí nghiệm, không biết bao nhiêu đêm Hằng khóc một mình và cũng không biết bao nhiêu lần Hằng muốn nói với Thuận. Nhưng, nghĩ lại, Hằng đã gây ra ấn tượng nhơ nhớp trong lòng Thuận; nay, Hằng không muốn Thuận thấy cơ thể của nàng phải chịu sự hủy diệt khủng khiếp của căn bệnh này! Và Hằng cũng không dám nói với các con; vì Hằng cảm thấy như Hằng có lỗi với các con, dù rằng Hằng chưa biết các con có thể bị di truyền mầm mống của căn bệnh quái ác này hay không! Và đó là điều xâu xé tâm hồn Hằng nhiều nhất.

Hằng tiếp tục cuộc ngoạn cảnh bằng tỉnh lộ 13, rồi quẹo trái, vào xa lộ 153. Cuối cùng, Hằng dừng xe ngay giữa làng Winthrop. Nơi đây, du khách và người địa phương – trong những chiếc quần jeans bó sát hoặc cắt ngắn và những đôi dày cao cổ – cứ thư thái đi hoặc đứng/ngồi ngay trên vỉa hè bằng gỗ. Âm vang những bản dân ca được ban nhạc sống trình bày thoát ra từ một “saloon” như làm sống lại những nét hào hùng của thời chinh phục miền viễn Tây.

Rời Winthrop, Hằng theo xa lộ 20, tiến về núi Liberty Bell. Vừa xa hồ Ross bằng một khúc quanh, Hằng chợt bàng hoàng trước màu xanh lạ lùng của mặt hồ Diablo phía dưới xa. 

Hằng rẽ vào hồ Diablo. Nhìn mấy đỉnh núi tuyết vây quanh hồ Diablo, Hằng bỗng lặng người khi thấy tuyết trên đỉnh Pyramid mang tất cả góc cạnh của khuôn mặt một người đàn ông da đỏ đang ngẩng mặt nhìn trời. Nghĩ rằng mình giàu tưởng tượng, Hằng đổi vị trí trong khi một áng mây mỏng sà xuống đỉnh Pyramid. Khi Hằng nhìn đỉnh Pyramid từ vị trí mới thì chính áng mây mờ đã tạo nên những đường nét thống hận, uất hờn trên khuôn mặt và ánh mắt của người đàn ông da đỏ!

***

Bên khóm thông già nơi khúc quanh của dòng Skagit êm đềm, Thuận và Hằng yên lặng ngồi bên nhau, trên bậc cấp bằng đá, phía sau căn nhà Hằng thuê. 

Biết Hằng đang ngắm chú chim Hummingbird vờn quanh đóa hoa dại màu đỏ chứ chẳng để ý chi đến chàng, Thuận thở dài, trầm ngâm. Từ hôm qua đến giờ, đầu óc Thuận quay cuồng với không biết bao nhiêu điều khó nghĩ.

Khởi đầu, Hằng bảo nàng muốn dùng hai tuần phép thường niên để đi chơi xa một mình, Thuận rất hài lòng; vì Thuận nghĩ Thuận sẽ được tự do vui thú với Ngọc. Vài hôm sau Hằng điện thoại về, bảo Hằng thích ở lại Newhalem, Thuận cứ đinh ninh rằng Hằng ghen, giận, bỏ đi xa, nay gọi về làm “nư”, dọa Thuận. Khoảng hơn một tuần sau, Hằng lại gọi về, bảo đã tìm được việc làm và có chỗ ở tốt, Thuận cảm thấy hụt hẩng như chàng vừa mất một cái gì thân thiết lắm!

Thuận đưa các con đến năn nỉ Hằng về. Và Thuận tự tin rằng Hằng sẽ cảm động và vui sướng để trở về; vì được Thuận “xuống nước” năn nỉ. Nhưng khi Hằng từ chối mà không viện dẫn lý do chính đáng, các con không thắc mắc; vì thấy quả thật Hằng có việc làm tốt, nơi trọ an ninh. Và điều quan trọng nhất là các con nhận thấy Hằng không còn vẻ đau khổ như lúc ở nhà với Thuận.

Thuận lại khác. Sau nhiều lần thuyết phục Hằng không được, hôm nay Thuận chẳng biết phải nói gì/làm gì để Hằng đổi ý trước khi Thuận đưa các con trở về để kịp sáng mai các con trở lại trường. 

Trong khi Thuận và Hằng ngồi bên nhau như hai pho tượng thì, nơi khúc sông cạn, Thủy và Huân – với chân trần và quần jeans xắn cao – đang bước nhè nhẹ, tìm nhặt những viên đá cuội nhỏ xíu, hình tròn. Và bên kia bờ, trên phiến đá phẳng, Phượng ngồi đọc sách, chân đong đưa trong dòng nước.

Lâu thật lâu, Thuận quay sang, gọi “Hằng!” Hằng nhìn Thuận. Thuận tiếp:

-Anh đồng ý với em. Khung cảnh nơi đây rất thích hợp với những người thích thiên nhiên và ưa sự tĩnh lặng, như em. Nhưng làm thế nào dòng sông đầy đá cuội và mấy đỉnh núi tuyết vô hồn kia lại có thể thay thế được anh và các con, trong lòng em?

-Em đã giải thích tất cả với anh và các con rồi. Các con đã chấp nhận một cách dễ dàng và bình thản, tại sao bây giờ anh lại cố tình làm cho em áy náy?

-Anh còn thương em, Hằng ạ! Nhưng anh không ngờ, đối với em, anh không còn là gì cả!

Hằng không còn trầm tĩnh được nữa, vội bậm môi, cúi mặt để khỏi bật khóc. Khuya hôm qua, trong căn nhà trọ một phòng ngủ, lúc rón rén xuống bếp uống nước, Hằng thấy Thuận nằm đâu chân với Huân trên chiếc xa-lông hình chữ “L”. Hằng kéo mền đắp cho Huân và Thuận. Chính lúc đó Hằng cảm thấy thương Thuận vô cùng, chỉ muốn ôm Thuận mà khóc/mà san sẻ niềm sợ hãi/nỗi đau thương nàng đang âm thầm gánh chịu. Nhưng chợt nhớ đến Ngọc, lòng Hằng bỗng lạnh băng! Hằng lủi thủi trở vào phòng nằm với Phượng và Thủy. Bây giờ nghe giọng Thuận như than van, Hằng lại mềm lòng, chưa kịp thố lộ nỗi lòng thì Thuận tiếp:

-Hằng! Em biết tính anh. Chưa bao giờ anh năn nỉ ai; vậy mà anh đã năn nỉ em hết lời rồi. Bây giờ, em hãy trả lời dứt khoát: Em có còn tý tình cảm nào cho anh và các con hay không?

Hằng lại cúi mặt, quẹt nước mắt. Hằng biết, nếu nàng “thua cuộc” bây giờ thì bao nhiêu ước muốn/bao nhiêu dự tính của nàng từ bấy lâu nay sẽ vỡ tan! Và trong tương lai gần, với căn bệnh bất trị của nàng, nàng cũng sẽ là kẻ “bại trận” trong cuộc “chạy đua” với Ngọc để giành tình yêu của Thuận! Thôi, chi bằng nàng can đảm thêm tý nữa để sau này khỏi phiền lụy các con và cũng để giữ mãi trong lòng Thuận hình ảnh xinh đẹp của nàng trước khi căn bệnh Huntington's disease tàn phá cơ thể nàng. Hằng quyết liệt:

-Em phải sống cho em nữa, anh ạ! 

Thuận đứng lên, gằn giọng:

-Phải rồi! Qua đây học đòi theo cá nhân chủ nghĩa của Mỹ, bà nào cũng đòi sống cho mình. Hèn chi đàn ông Việt-Nam về xứ cưới vợ “rần rần”!

Nói xong Thuận giận dữ bỏ đi về phía dòng sông, gọi các con ra xe, chuẩn bị đi về.

Nhìn theo Thuận, Hằng không giận cho sự hiểu lầm của Thuận mà Hằng lại cảm thấy tái tê trong hồn, nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Nhưng, chỉ một chốc sau, niềm xúc động lắng xuống, Hằng lau nhanh nước mắt, cảm thấy nhẹ nhõm trong lòng; bởi vì, nếu Thuận cứ tiếp tục năn nỉ, ngọt ngào, Hằng không hiểu nàng có thể ôm kín nỗi đau được bao lâu nữa!

Xa xa, Phượng, Thủy và Huân vừa bước lui vào bờ theo tiếng gọi của Thuận vừa nhìn lại dòng Skagit lặng lờ như còn luyến tiếc niềm vui riêng!

 

ĐIỆP MỸ LINH

https://www.diepmylinh.com/

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Như Ý đã trên bốn mươi, nhan sắc trung bình hay hơn trung bình một tí. Khuôn mặt trái soan, mái tóc dài, cao trên thước sáu đã níu lại được cái dáng đi hấp tấp, nhanh lẹ của cô.
Ở đất Sài Gòn, vào những đêm giao thừa xa xưa hầu như gia đình nào cũng bỏ lệ nhắc bọn trẻ đi ngủ sớm. Ở nhà tôi, trong khi mấy đứa em được tha hồ xem chương trình ti-vi đặc biệt chủ đề mừng năm mới, tôi được phụ mẹ tôi chuẩn bị mâm cúng đón giao thừa đúng 12 giờ khuya. Rồi khi mẹ tôi cùng mấy bà hàng xóm đi Lăng Ông Bà Chiểu, tôi cũng được tháp tùng.
Từ tờ mờ sáng, chúng tôi đã chuẩn bị xong và sẵn sàng cho cuộc đi chơi hôm nay. Mỗi người trong chúng tôi đều đeo trên vai một chiếc ba-lô nhỏ, trong đựng vài bộ quần áo đủ để thay đổi đôi ngày. Chúng tôi không quên sắp thêm chút ít thức ăn dọc đường, thêm vài ba chai “nước suối” nhỏ và ít trái cây trước khi ra khỏi nhà...
LTG: Viết chưa xong bài viết hàng tuần đã nhận tin nhà thơ Phan Xuân Sinh vừa qua đời ở Houston do bệnh tim mạch ngày 28 tháng 02 năm 2024. Thêm một người anh xứ Quảng ra đi. Cha sanh mẹ đẻ anh nguyên vẹn, nhưng chiến tranh đã lấy mất của anh một bên chân khi anh làm sĩ quan Thám báo bên bờ sông Thạch Hãn năm 1972. Anh không oán hận gì vì từ trong khói súng mịt mù của mùa hè đỏ lửa anh đã từng viết cho người lính Bắc phương, “Nếu có thể ta gầy thêm cuộc nhậu/ bày làm chi trò chơi xương máu/ để đôi bên thêm mầm mống hận thù/ ta chán lắm rồi ba chuyện ruồi bu/ chỉ có bạn, có ta là người thua cuộc…” Bây chừ thì anh đã có thể đi uống rượu thoải mái với những người anh em bên kia chiến tuyến cho thoả lòng anh không thích hận thù, tâm anh chỉ thấy anh em một nhà chém giết lẫn nhau làm đau lòng cha ông dựng nước… Chúc anh lên đường khoẻ nhẹ tâm linh sau cuộc đời nhiều uẩn khúc, thiệt thòi với chiến tranh và hoà bình trên quê hương chúng ta.
Khoảng chín giờ tối, tôi lặng lẽ rời trường đi về hướng giếng Cây Trâm như lời hướng dẫn. Đèn đường lưa thưa, nên đoạn đường tối lờ mờ không nhìn rõ mặt người. Đêm như lặng lẽ bắt đầu với vài cơn gió hanh hanh mùi rạ khô dọc ven đường...
Từ sáng sớm tinh mơ, chúng tôi đã thức dậy để chuẩn bị cho chuyến đi chơi chùa Hương hôm nay. Nhìn Thi, ở cái tuổi lăm, mười sáu trăng tròn tôi không thể không nhớ tới bài thơ “Chùa Hương”...
Cô Tư tôi (tên cô là Ngọc Quỳnh) dáng người thanh thoát, gương mặt sáng, đôi mắt đẹp, đài các. Năm nay bước qua tuổi thất thập nhưng vẫn khỏe mạnh nhanh nhẹn, dấu ấn thời gian vẫn chưa xóa hết nét xuân sắc một thời. Cô có một mối tình “thời xa vắng” thật lâm ly, và bi văn đát. Hôm nay giấu cô, tôi kể lén cho mọi người nghe chơi...
Sau cái ngày mắc dịch 30 tháng 04 năm 1975, tôi bị tống cổ khỏi trường trung học ở Sài gòn vì chạy giặc trước đó và khai hộ khẩu ở ngoại thành sau hoà bình nên phải về học ở ngoại thành. Đúng là trời bắt phong trần phải phong trần/ cho thanh cao mới được phần thanh cao… Mẹ tôi dụng câu Kiều để an ủi tôi hay chửi xéo: Mày ăn ở làm sao mà ra nông nỗi? Thôi thì ý trời biết đâu mà cãi, lòng mẹ bao la như biển Thái bình, chắc mẹ thương cảm mình đó! Nên từ đó tôi yên tâm được biết cây lúa, con trâu… và Thùy.
Từ ngày May về sống với anh. May và Ngạc là cặp đôi trùng phùng do dây tơ hồng nào đâu định liệu, kết lại thành keo dán với nhau. Ơ, có ai biết thời này là thời đại nào rồi, mà hai người tự thề non hẹn biển, kết nối, giao ước sống đời, mà chưa tỏ tường biết rõ mặt nhau. May giới thiệu mình qua điện thoại (thiệt hay giả cũng chẳng biết đâu mà mò). Em không đẹp, chỉ nhìn tàm tạm, bắt mắt với người này nhưng không bắt mắt với người kia. Em chỉ được nước da trắng thôi...
Tiếng hát khàn đục, nghẹn ngào của người ca sĩ da đen phát ra từ chiếc loa nhỏ, cũ kỷ tình cờ ở một góc đường thành phố New York. Họ là những ca sĩ đường phố, hát lang thang đây đó để bán những đĩa hát của mình...
Mẹ và hai chị em tôi đã chuẩn bị xong một bữa ăn ngon lành. Chiều nay nhà có khách. Gia đình bác Hải từ tiểu bang California đến Salt Lake City du lịch và sẽ ghé nhà tôi, mục đích chính là cho trưởng nam của hai bác là anh Nhân gặp Kim Thịnh chị tôi...
Trời xanh lơ, dịu dàng. Chơi vơi đôi ba cánh ưng chao liệng tìm mồi. Rừng thông bát ngát xanh kín rặng núi trùng điệp xa xa. Con đường đất từ ngôi nhà ra đến khu rừng chỉ vừa hai người đi lọt, cỏ tranh mọc um tùm hai bên. Đến bìa rừng, con đường bỗng doãng ra thành khu đất trống, trên đó trơ trọi một mái nhà nhỏ cũ kỹ làm toàn bằng thân gỗ thông trông như nơi trú ẩn của những người liều mạng đi khai phá đất đai, tìm vàng thuở miền đất này còn hoang vu, yên ắng...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.