Hôm nay,  

Sợi Dây Vô Tình

6/8/202009:34:00(View: 3208)

 Rừng núi xanh mướt, không khí trong lành và hơi se se lạnh thấm vào từng chân lông kẽ tóc, len lỏi vào từng tế bào. Cái cảm giác khoan khoái thật dễ chịu, làm cho hai huynh đệ thọ nhận được sự bình an trong phút giây hiện tại. Cây cỏ xung quanh như tỏa ra một năng lượng tươi mát tràn đầy sức sống. Bất chợt sư huynh hỏi khẽ:

 - Dường như có đôi mắt nào đó đang theo dõi chúng ta?

 Cả hai dừng bước, nhìn quanh một tí thì phát hiện ra đằng sau bụi rậm có mẹ con nhà nai đang tròn xoe mắt nhìn, tai vểnh bắt sóng động của âm thanh, chúng có thể nghe được những âm thanh nhỏ nhất mà tai người không nghe được. Mẹ con nhà nai đang cảnh giác cao độ, toàn thân mượt mà vàng sậm điểm xuyết những đốm hoa màu trắng. Chúng sẵn sàng phóng đi. Sư đệ cười:

 - Những con nai đẹp và hiền lành, chúng chẳng haị ai nhưng laị là món ngon của thú ăn thịt và con người. 

 Sư huynh chưa nói gì thì sư đệ tiếp:

 - Không biết nghiệp gì mà chúng phải làm thân nai? Con người săn bắt chúng thì tạo nghiệp sát đã đành, thế những con thú ăn thịt kia có phải là tạo nghiệp chăng? 

 Sư huynh nhỏ nhẹ:

 - Động vật vốn đang thọ nghiệp súc sanh, chúng sống bằng bản năng sinh tồn thì sao có thể bảo là tạo nghiệp được! 

 - Chúng cũng có sắc thân, có cảm thọ đau hay đói khát, bình an hay nguy hiểm cơ mà- sư đệ thắc mắc

 - Nhưng chúng không có tưởng, không có thức như loài người thì không thể bảo chúng tạo nghiệp! sư huynh khẳng định

 - Hai người bước thêm vài bước nữa thì mẹ con nhà vai vụt phóng đi như mũi tên, sư huynh cười:

 - Chúng mình đến đây với cái tâm trong sáng, hiền thiện, yêu thương muôn loài, không hề có ý làm haị chúng, thế sao chúng laị sợ chúng ta? 

 Sư đệ bảo:

 - Huynh vừa nói đó, chúng không có tưởng và thức, chúng vô minh nên không biết chúng ta không có tâm hại chúng! 

 Sư huynh từ tốn:

 - Đúng thế! nhưng sâu xa hơn là những hạt giống ác tiềm ẩn trong tạng thức của chúng ta toả ra những làn sóng xấu mà tánh linh của loài vật cảm nhận được, trong khi chúng ta không thể biết, vì bản năng sinh tồn nên chúng phải bỏ chạy mà không hề phân biệt được an hay nguy như chúng ta. 

 Trảng cỏ giữa rừng xanh biếc, không gian tịch tĩch đến vô cùng. Hai huynh đệ ngồi thảnh thơi chẳng có ý dụng thiền mà hơi thở vào ra vẫn nhận biết rõ ràng. Tâm tựa như những bộ cảm ứng gắn ở cửa siêu thị, người đến đi vào ra đều nhận biết. lát sau sư đệ nằm dài trên thảm cỏ, dang cả hai tay trông như một gã du tử. Sư huynh cười cười:

 - Có phải đệ muốn nói điều chi? 

 Sư đệ quay laị nhìn sư huynh:

 - Có thể sư huynh chưa chứng đắc gì nhưng công phu thật thâm hậu, nhìn thấu được lòng người, biết tâm ý kẻ khác, hay là sư huynh có con mắt thứ ba? thật tình đệ muốn kể cho sư huynh nghe về giấc mơ đêm qua. 

 Sư huynh lặng im khẽ gật đầu, sư đệ khoanh hai tay gối đầu rồi thủng thẳng kể:

 -Đêm qua đệ thấy mình đột tử và tái sanh làm anh chàng Mỹ trắng ở giữa đồng quê này, cuộc sống bình yên, sung túc và ấm êm. Tháng ngày vui với cỏ hoa bốn mùa, người yêu xinh đẹp, hiền thiện và luôn thuận thảo theo ý. Mùa xuân nằm trên đồng cỏ ngắm nhìn cô ấy tết hoa dại đội đầu ca hát giữa thiên nhiên. Mùa hạ rong chơi trên thảo nguyên mênh mông bát ngát. Mùa thu đạp lá vàng, vào rừng hái hạnh nhân, nhặt hạt dẻ. Mùa đông ngồi bên lò sưởi, ôm ấp tình yêu trong vòng tay, mặc ngoài trời tuyết đổ trắng cả sơn hà. Trần gian này tưởng chừng hạnh phúc như thế là tột đỉnh rồi. Thế rồi ngày kia đệ giành được giải quán quân cuộc thi:” Golden voice of the green field”, cuộc đời đệ sang một chương mới. Đệ lên thành được săn đón chào mời như một ngôi sao và rồi thành ngôi sao ca nhạc thực thụ, sống đời một công tử hào hoa, chuỗi ngày hoan lạc như bất tận, muốn gì được nấy, thiên hạ chiều chuộng như ông hoàng, chân dài vây quanh, tiền bạc xài thả giàn, người hâm mộ đẩy đệ lên tận mây xanh. Những thành đô danh tiếng của thế gian này đều đặt lịch cho đệ đến diễn, tất nhiên là họ chấp nhận mọi điều kiện đưa ra. Đệ quên luôn người vợ hiền ở chốn đồng quê, cuộc chơi không giới hạn, tháng ngày truy hoan… Thời gian chẳng mấy chốc, thế rồi khi ánh hào quang phù hoa tan đi, giọng ca tàn, cái già đến mà tiền bạc phung phí hết sạch, tình cũng bay xa. Đệ chợt nhận ra tất cả như ánh chớp, như hoa nắng ban trưa. Một lần đệ tình cờ đọc cuốn sách nói về sự sống và cái chết của người Tạng. Đệ hiểu ra cuộc đời này như một tấn tuồng, những lớp tuồng của vở diễn thay đổi liên miên. Người đóng vai trên sân khấu rạng rỡ là thế, khi lột hết phấn son, tắt hết đèn màu…thì trở laị trần trụi bẽ bàng biết bao. Sau đó đệ tìm đến ngôi chùa Sangkla của thầy Rinpoche kunga để tham vấn và muốn xuất gia để tu giải thoát ngay trong kiếp này. Thầy Rinpoche Kunga bất thần xô đệ ngã và hét to:” Này gã điên, nói năng nhảm nhí, làm ô nhiễm Phật điện của ta!”. Đệ bất ngờ đến đỏ cả mặt nhưng kịp thời nhận ra ông thầy thử thách mình. Đệ ngồi dậy thưa:” Thầy từ bi, ngã ta ta ngã , thầy xô ta ngã ngã bỏ rồi ta biết ta ngã”, đến đây thì đệ sực tỉnh, thấy mình đang trên xe đi về miền đồng quê này.

 - Này sư huynh, trong vô lượng kiếp sanh tử, chắc có kiếp nào đó đệ đã từng sống ở đây, là cư dân của xứ sở này, nay về chơi mà đệ cảm thấy như về laị căn nhà xưa của mình. Đệ không kiềm chế được cảm xúc, quên đi thân phận đang là tu sĩ, ước gì được sống với người mình thương ở đây, quanh năm vui với đồng cỏ thảo nguyên và chim muông thú rừng. Ngày gặt hái hoa màu, đêm đốt nến làm thơ. Đèn điện là thành tựu khoa học kỹ thuât của nền văn minh hiện đaị, cái lợi ích của nó không sao nói hết, nhưng ở một góc độ nào đó ( tâm linh chẳng hạn) thì nó không bằng một ngọn nến. Đấy là lý do đệ luôn giữ ngọn nến cháy suốt ngày đêm trước tôn tượng Thế Tôn. Huynh nghĩ thử xem, trên bàn thờ Phật hay bàn thờ gia tiên, chúng ta thắp nhang điện, nến điện lập loè xanh đỏ trông thật vô duyên, vô hồn, vô cảm quá, những thứ ấy chỉ để vui mắt chứ chẳng gợi được chút gì lay động hồn mình. Đồng quê ở đây yên ả thanh bình và tịch mịch như những chốn thiền môn phải không sư huynh? Tâm đệ đang thất niệm, nó như con ngựa hoang, chạy rông rỡ trên thảo nguyên, giữa đồng cỏ. 

Sư đệ nằm đấy mà kể, dường như đang tự độc thoại chứ chẳng cần biết sư huynh có nghe hay không.

 Sư huynh cười to:

 - Giấc mơ thú vị thật, làm anh chàng nông dân da trắng ở đồng quê của xứ sở này cũng không tệ, vật chất đủ đầy, bình yên, tháng ngày dễ sống, thiên nhiên tươi đẹp và thái hoà. Lần binh đao cuối cùng của xứ này cũng đã ba trăm năm rồi, tính từ khi cuộc nội chiến chấm dứt. Xứ sở này nói chung, đồng quê nói riêng không biết đến nỗi kinh hoàng của chiến tranh, tuy vậy cái đau khổ của chiến tranh cũng ảnh hưởng một số người. Những thanh niên bị gởi đi các chiến trường trên khắp thế gian này, khi đi trẻ trung, mạnh khoẻ, khi về có nhiều người tàn phế, có kẻ nằm trong quan tài, bởi thế đồng quê tuy thanh bình nhưng vẫn có cảnh: mẹ khóc con, vợ khóc chồng, con cái khóc cha, anh chị em khóc thân nhân…Làm anh chàng hào hoa của thành đô ở xứ này kể cũng phước báo lớn, hưởng cuộc sống mà bao người trên thế gian mơ ước… nhưng rốt cuộc rồi cũng đi đến cái khổ. Trong tâm đệ có hạt giống của chuyện này,  khi đệ ngủ  các giác quan: mắt, tai, mũi, lưỡi, thân đã nghỉ ngơi nhưng ý thì không nghỉ, nó vẫn hoạt động liên lỉ, kết hợp với chuyến về đi về đồng quê tạo cho cái thức nó sanh ra giấc mơ như thế. 

 Lúc ấy trên không trung xuất hiện con đaị bàng, nó bay vòng vòng và khép dần những vòng lượn, chứng tỏ nó đã thấy con mồi đâu đó trên mặt đất. Sư huynh nói tiếp:

 - Làm súc sanh đã khổ laị còn truy sát ăn nuốt lẫn nhau, làm kiếp người là có phước báo lớn lắm nhưng vẫn khổ, truy sát, bách haị nhau, tranh danh đoạt lợi, tranh sắc dục, tiền của và bao nhiêu thứ trên đời. Con vật chỉ săn mồi vì đói, con người haị nhau không chỉ vì ăn mà vì muôn ngàn lý do khác nữa, thậm chí không giết mà hành hạ làm cho sống không xong chết không được, làm tình làm tội để thoã mãn cái tâm sân hận, thù ghét, tật đố, tàn độc của mình. Chúng ta thật may mắn đã tỉnh ra, đã buông xuống, không còn tranh đoạt những thứ mà người đời tranh. Có điều chúng ta phải tranh đấu với chính mình, mình chính là kẻ thù của mình, những ý nghĩ  và tư tưởng ngủ ngầm trong tạng thức, những thôi thúc của cái ngã, tuy nó chịu yên nhưng khi có hoàn cảnh thuận tiện thì nó trỗi dậy rất mạnh. Có những lúc yếu lòng hoặc vô tình lơi lỏng thì rất dễ thối thất như chơi, mình thăng hay đoạ, mình tiến hay lùi không do ai cả mà là tự mình mà thôi. Mình như con thỏ kia, luôn cảnh giác kẻ thù nhưng chỉ vô tình một chút mà bị đaị bàng quắp lấy ngay. 

 Sư đệ nhỏm dậy:

 - Giá mà đủ duyên, chúng ta lập một ngôi chùa ở chốn đồng quê này! 

 Sư huynh nhìn xa xăm, mắt tận đường chân trời:

 - Kể cũng hay, lập chùa ở xứ này rất dễ nhưng cũng rất khó, dễ là vì tự do, không có ai cấm cản hay làm khó; khó là làm sao đủ tiền chi trả ban đầu và hoá đơn hàng tháng về sau. Lập chùa rồi, tâm tư bận bịu kiếm tiền chi trả thì khổ, còn đâu thời gian tu học? còn nếu nói lập chùa để lợi lạc cho người đến tu học thì cũng cần xem laị, giữa đồng quê này có mấy ai? Chùa ở thị trấn, phố xá thì nhiều rồi…Chúng ta chỉ là những tay bơi xoàng mà đòi vớt người chết đuối thì sẽ chết chìm cả hai, trước khi muốn nhảy xuống nước vớt người thì hãy học thành tay bơi cự phách. 

 Hai huynh đệ đi bách bộ giữa thảo nguyên mênh mông, từ trên ngọn đồi nhìn xa xa thấy những ngôi nhà giữa đồng quê yên ả thanh bình, trông đẹp là vậy nhưng nó đang biến hoại hàng ngày. Gia chủ phải gia công tu bổ liên tục, khi thì sơn phết, khi thì thay mái, đóng vách…Nếu không duy tu thì mưa nắng tháng năm sẽ làm cho nó hư mục và sụp đổ nhanh thôi. Thỉnh thoảng gặp những ngôi nhà bỏ hoang, mái sập, tường bể, cỏ và dây leo rậm rạp. Sư huynh nhìn sư đệ:

 - Cái bóng mắt biếc má đào vẫn lung linh trong tâm đệ, hãy cẩn thận! nó giúp đệ viết được những vần thơ hay, nhưng với người xuất gia thì nó dễ âm thầm lèo lái đệ đi ngược chí hướng người tu. 

 Sư đệ im lặng, trong tâm rõ ràng có sự xao động, điều ấy hiện trên gương mặt. Cả hai đi ngang qua một trang trại, ngoài cổng treo tấm biển nhỏ bằng gỗ thông khắc hai chữ: Golden Garden, nhìn vào thấy bạt ngàn hoa, giữa trang trại là một ngôi nhà gỗ sơn trắng. Lối kiến trúc thời thuộc địa, hàng hiên rộng có mấy chiếc ghế bập bênh và xích đu, hàng cột gỗ và lan can đều bằng gỗ sơn trắng… Nhìn vào dễ liên tưởng một thời lịch sử mở cõi lập quốc. Sư huynh chỉ sư đệ:

 - Đẹp quá phải không, bình yên quá phải không? một điểm dừng giữa dòng đời, ở trong ấy chứa bao nhiêu yêu thương lẫn những cảm xúc tiêu cực, hạnh phúc và khổ đau, đầm ấm với hợp tan… đến một lúc nào đó khi những đứa con đủ lông đủ cánh chúng sẽ bay xa, cha mẹ sẽ về laị đất để nuôi những đóa hoa vàng kia, ngôi nhà sẽ hư hao hoặc sập đi…duy chỉ có sợi dây ràng buộc những thành viên vẫn không hề suy hao. Nó sẽ tiếp tục buộc ràng dù những thành viên ấy đã mang thân phận và danh tự khác. Sợi dây ràng buộc vĩnh viễn không thể hư hoại. Chỉ có những người như huynh đệ ta, cắt ái từ thân, ly gia đoạn dục thì mới có thể thoát được sợi dây vô hình ấy! 

  Đồng chiều man mác, bóng nắng nhạt nhoà đổ dài, những mảng sáng màu vàng xen kẽ những mảng sẫm xanh màu vì ngọn đồi, bóng cây che khuất ánh nắng đã tạo ra một bức tranh khổng lồ trên mặt đất, đẹp đến nao lòng. Huynh đệ ra về, con đường chạy giữa đồng cỏ, trang trại dài miên man cứ ngỡ dẫn đến tận chân trời. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 062020

 

Send comment
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu.Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Your Name
Your email address
)
Chúng ta “ăn để mà sống” hay “sống để mà ăn”? Tôi vẫn nghĩ rằng, mọi người đều phải trải qua cả hai giai đoạn kể trên, khi còn trẻ sung sức thì “sống để ăn”, và khi tuổi về xế chiều thì “ăn để sống”...
Ở nhà thường gọi là chị Xíu. Tên của chị là Lan Vy, chị họ của tôi. Chị em tôi chơi thân với nhau như chị em ruột. Tôi không có chị gái nên hình mẫu để tôi học hỏi chính là chị. Chị nổi tiếng xinh đẹp và hiền thục ngay từ lúc còn là nữ sinh đệ nhất...
Tôi đứng ngay tại Ngã Ba Hàm Rồng nhìn dáo dác chung quanh. Buổi trưa nắng chang chang. Thỉnh thoảng một cơn gió nổi lên cuốn theo những đám bụi đỏ mù trời. Tôi dụi mắt mấy lần cố tìm những gì thân quen của một quá khứ yêu dấu xa xưa...
Người Việt Nam chúng ta cũng có một bài thơ sống động mà có vẻ như ngôn ngữ của thi ca không thể nào diễn tả hết nét đẹp. Đó là những tứ thơ diễm lệ, đẫm đầy tình yêu và sự hào hùng của những người trẻ, những thủ lĩnh Việt Nam Quốc Dân Đảng, trong chuyến xe ra pháp trường Yên Bái ngày 17 tháng 6 năm 1930...
Tôi nhìn sững vào con bé đen (nên gọi là con bé hay là cô bé đây). Nó đang đứng nói chuyện với một người đàn ông Mỹ lớn tuổi, cũng đen như nó, ở trước cửa phòng ra vào khu tập thể dục. Con bé chừng mười bảy, mười tám tuổi là cùng, nước da đen cáy trông như một pho tượng đồng đen...
Tôi vốn mê đọc từ thuở còn rất nhỏ. Dĩ nhiên, mê bất cứ thứ gì cũng đều không tốt, vì nó sẽ hình thành một thứ nghiệp gì đó. Thêm nữa, chữ bao giờ cũng mơ hồ. Chữ là ký hiệu, là biểu tượng, là ngón tay chỉ trăng. Dù vậy, trong khi chữ là một hàng rào ngăn cách chúng ta với thực tại, chữ lại là một phương tiện để hiểu nhau, để cảm thông và để hoằng pháp.
Cách đường lớn có mấy mươi mét mà con hẻm 69/3/17 này là cả một thế giới khác. Chùa Ông Bổn nằm ngay ngã ba giao nhau của mấy con hẻm luôn, từ đây tỏa ra và chạy quanh quẹo sâu vô trong những xóm nhỏ khác nữa. Những con hẻm ở đây cả ngày chẳng có nắng giọi, chỉ trừ lúc giữa trưa, những ngôi nhà cao tầng bao quanh ở mặt tiền che chắn hết nắng trời. Cái không khí mát dịu hơn bên ngoài nhưng cũng rất ủm thủm ẩm thấp...
Chị Bông đi shopping về vội vàng lo sửa soạn bữa cơm chiều xong chợt nhớ ra hôm nay chồng sơn lại cái hàng rào patio nên ra vườn sau xem kết quả, chị tưởng tượng đến những hàng rào song sắt màu nâu mới mà lòng rộn ràng...
Tháng 10 năm 2019, tôi có tới bốn thân hữu của trên dưới sáu mươi năm quen biết, họ đã cùng nhau bỏ ra đi vào cõi vô cùng: Du Tử Lê, Nguyễn Tường Quý, Nguyễn Văn Trung và Trần Tuấn Kiệt. Thời gian ấy, tâm tư xáo trộn, thẫn thờ cả tháng. Chưa bao giờ tôi bị xúc động mạnh đến thế; và dĩ nhiên, chẳng có thể viết ra được một lời nào về họ!
Ở đâu không biết, chứ ở giáo xứ của tôi, thành phố của tôi, mùa hè là mùa nhộn nhịp đi vacation, hay nói đúng hơn là mùa hè thì đi nhiều hơn các mùa còn lại trong năm. Đám trẻ tuổi còn sức lao động hăng hái thì tôi không bàn tới, tôi muốn nói đến lứa tuổi sồn sồn, trung niên, ngấp nghé về hưu và bắt đầu về hưu...
Chồng tôi bị bạo bệnh qua đời được vài năm thì tôi quyết định bán căn nhà cũ và văn phòng địa ốc của anh ấy để dời đi nơi khác, cố quên đi môt dĩ vãng đau thương. Tôi đã quá mệt mỏi với công việc làm ăn mà xưa kia anh ấy luôn gánh vác những phần nặng nhọc nhất. Chồng tôi là một người hiền hòa, hoạt bát rất lo cho vợ con, cho nên sự ra đi của anh ấy đã mang theo không những một chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi mà cả linh hồn và thể xác của tôi...
Ở một nơi có toàn đàn bà, toàn con gái thì phải, mà toàn là những cô gái đẹp, chẳng có ai xấu cả; họ cao lớn, thân hình mình dây chắc chắn, cân đối, khỏe mạnh. Họ lanh lẹ, tháo vát nhịp nhàng mà rất trong sáng, không xô đẩy, gạt chân nhau, không muốn ăn gian mánh khóe mà vẫn rất duyên dáng làm sao họ đẹp thiệt, da dẻ trắng hồng, mắt to xanh lơ màu trời, tóc blond vàng áng như tơ. Họ thiệt đẹp, chẳng có một khuyết điểm nào. Cứ nhìn họ mà mê mẩn cả người, có bát cơm trên tay ăn mãi không hết...
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.