Hôm nay,  

Tiếng Gọi Của Lịch Sử

06/06/202016:43:00(Xem: 4440)

                                                  

 

            Sau công phu sáng, bước ra nhà bếp xé tờ lịch thì hiện ra hôm nay là ngày 6 tháng 6 năm 2020.

            Ngày 6 tháng 6, bỗng như que diêm nào bất ngờ bật lên trong ký ức tôi đã từ lâu lắng xuống.

            Tại sao hôm nay lại bật lên? Biết rằng băn khoăn cũng chẳng có câu trả lời, như mưa mới rạt rào đây mà giờ nắng đã lên rực rỡ. Muôn sự còn muôn thẳm sâu mà sự phán đoán ước lệ của suy tưởng vật lý chưa chạm tới được sự mầu nhiệm của tâm linh. Đủ duyên thì lộ, chưa đủ duyên thì ẩn. Chấp nhận vậy thôi.

            Ngày 6 tháng 6 năm 1944.

            Ngày có tên lịch sử là D-Day.

           
Hue Tran
Ngày lực lượng quân đội đồng minh đổ bộ lên bãi biển Omaha, tỉnh Normandie Pháp Quốc để ngăn chặn âm mưu thống trị toàn cầu của Đức Quốc Xã.

            Ngày D-Day lịch sử đó, tới nay vừa đúng 76 năm, hơn ¾ thế kỷ.

            Và với tôi, kẻ lang thang đặt chân tới địa danh lịch sử đó vào mùa hè năm 2000, tới nay vừa đúng 20 năm.

            20 năm trước, con dế mèn như tôi làm sao có thể phiêu lưu ký tới một nơi chốn lịch sử mà dù có nằm mơ cũng không mơ tới được.

            Số là, thời đó tôi còn quẩn quanh chốn bụi hồng, đi làm kiếm cơm nuôi thân và nuôi gia đình. Công việc kế toán trong văn phòng không khó nhọc chi, nên buổi tối, tôi ghi danh học thêm ngoại ngữ tại Cerritos College. Một, trong những môn học đó là Pháp ngữ vì tôi từng được phụ thân chỉ dạy những nét đặc thù phong phú của nền văn học này.

            Lớp Pháp ngữ tôi theo học do giáo sư Roland Bellugue hướng dẫn. Với quá “ngũ thập cổ lai hy”, có lẽ tôi là học sinh già nhất so với các bạn đồng học. Biết thế, tôi luôn cố gắng, siêng năng, không bỏ một buổi nào trong suốt 3 khóa học. Trước khi bế giảng khóa thứ ba, đó là mùa hè năm 2000, giáo sư Roland Bellugue báo tin mừng là hè năm nay sẽ có chương trình gặp gỡ, trao đổi kiến thức giữa các sinh viên từ khắp nơi, quy tụ về đại học xá tại Paris, trọn một tháng ăn, ở, tại Cité Universitaire. Thầy cho biết, ai muốn tham dự phải ghi danh sớm, và lệ phí không đến nỗi “hết hồn” như tôi tưởng!

            Đúng thời gian đó, tôi vừa đủ tuổi để có thể “về hưu non” dù bạn bè đều cản là còn sức khỏe, làm tiếp đi, sau này tiền hưu nhiều hơn. Ấy thế mà tôi can đảm “Nhiều để làm gì?”

            Ôi, còn đợi gì nữa! Nộp đơn về hưu ngay. Và ghi danh để có mặt trong nhóm 42 sinh viên mọi quốc tịch mà thầy Roland Bellugue sẽ hướng dẫn qua Pháp.

            Chương trình sẽ học văn học sử buổi sáng, ở đại học Sorbonne với các giáo sư của đại học này; buổi chiều giáo sư phụ trách nhóm nào sẽ hướng dẫn nhóm đó tham quan Paris và những vùng phụ cận. Riêng 3 ngày cuối tuần, mỗi nhóm sẽ tự chọn, tham quan xa hơn, tùy quan điểm của giáo sư hướng dẫn và sinh viên trong nhóm.

            Một, trong những cuối tuần rời Paris 3 ngày, chúng tôi đã được thầy Roland Bellugue cho cơ hội ngàn năm một thuở, là hướng về Normandie, thăm bãi biển Omaha mà ngày D-Day lịch sử năm 1944 hàng trăm ngàn quân đội đồng minh đã đổ bộ cho nền Tự Do Nhân Bản của thế giới.

       Hôm đó, trời bất ngờ đổ mưa tầm tã. Đa số chúng tôi không chuẩn bị đủ áo ấm. Tới Caen, cách bãi biển Omaha không xa, trời ngớt mưa nhưng gió và mây xám vẫn vần vũ. Chúng tôi được ghé vào bảo tàng viện ở Caen để chờ trời quang đãng hơn, và cũng là dịp thăm nơi trưng bày và lưu giữ những hình ảnh về cuộc đổ bộ vĩ đại của quân đội đồng minh ngày 6 tháng 6 năm 1944.

            Tại đây, tôi và các bạn cùng nhóm đều mua nhiều loại postcard về ngày lịch sử đó.

            Chúng tôi chỉ dừng ở Caen khoảng 2 tiếng đồng hồ, rồi lại lên xe bus để tới thăm nghĩa trang quân đội Mỹ ở bãi biển Omaha. Chính nơi đây, hơn nửa thế kỷ trước, rạng sáng ngày 6 tháng 6 năm 1944, khoảng 120 ngàn quân nhân đồng minh và hơn 20 ngàn chiến xa đã đồng loạt đổ bộ tại 5 địa điểm đã chọn sẵn.

           
Hue Tran 02
Con đường dẫn tới địa danh lịch sử đó là làng Vierville, ngôi làng nhỏ với những cánh đồng cỏ thả bò, cừu, những mái nhà thấp, những đền thờ rêu phong, nhưng trên tinh thần thì đây chính là linh hồn Normandie vì làng Vierville đã đi vào lịch sử thế giới cùng với bãi biển máu Omaha.

            Khi xuống xe bus ở trước nghĩa trang, trời lại mưa nhẹ hạt nên tôi chưa vội chụp hình, chỉ kiểm lại xem máy còn bao nhiêu phim. Nhìn thấy con số 26, tôi yên trí đây là cuộn phim 36 tấm.

            Rồi mưa cũng ngưng và trời đã sáng sủa hơn.

            Đứng trước tượng đài, nơi vinh danh những người đã chết cho Tự Do, tôi giơ máy lên, bấm một tấm. Đối diện tượng đài là một cái hồ lớn, với các loại hoa đang nở. Cuối hồ là nghĩa trang quân nhân Hoa Kỳ với 172 mẫu trải cỏ xanh ngắt mênh mông, trên đó 9,386 cây Thánh Giá trắng toát khắc tên những người đã được an táng và 307 mộ bia vô danh.

Tôi lại giơ máy lên, bấm một tấm, với lòng trân trọng người xưa.

            Dọc theo nghĩa trang này là bãi biển Omaha nơi bao người đã ngã gục trước những họng đại bác của Đức Quốc Xã!

            Tôi bỗng cảm thấy cực kỳ rung động khi nhận biết mình đang đứng trên nền đất lịch sử thế giới. Để cảm nhận đầy đủ, tôi đã cúi xuống, tháo giầy.

Khi đôi chân trần vừa chạm trên nền đất lạnh thì trời bỗng nổi gió lớn. Gió lộng ào ào như cơn lốc bất chợt từ đâu tới. Mọi người vội vã chạt rạt vào trong. Tôi nghe các bạn gọi tôi cùng chạy nhưng tôi không bước nổi! Hình như có ai đang giữ tôi lại. Không những không chạy vào, tôi còn bình tĩnh nhắm mắt lại, chờ đợi.

            Lúc đó, tôi chỉ cảm thấy mình nên đứng yên, chờ đợi, mà không biết là chờ đợi cái gì!

            Gió vẫn hú từng cơn, nhưng tôi không sợ hãi. Hình như có nhiều người xung quanh đang xô đẩy nhau. Nhiều ngôn ngữ trộn lẫn trong tiếng gió hú. Gió càng lớn, người càng đông, ngôn ngữ càng đầy … Tới một lúc, tôi nghe được tiếng thúc giục rộn rã, rất rõ ràng, lại như có ai đang phiên dịch trực tiếp cho tôi: “Tiến lên! Tiến lên đi! Tự Do ở trước mặt kia! Hãy tiến lên! Hãy tiến lên đi! …”

            Một vòng tay ôm lấy tôi.

            Tôi mở choàng mắt ra.

            Đó là một người bạn cùng nhóm. Bạn vừa lắc mạnh vai tôi, vừa hỏi:

-         Are you OK?

-         Yes, I am

Nhưng không thể kìm giữ cảm xúc, tôi ôm mặt, òa khóc.

-         Are you sure you OK?

-         Yes,

-         Why are you crying?

-         I am really moved by their courage.

Người bạn gật gù, lẩm bẩm “It is sad!”

Tôi biết chắc rằng, cái cảm giác “sad” của bạn mình không thể nào so sánh  với cơn lốc mà tôi vừa trải qua. Cái cảm giác “sad” nhẹ nhàng quá, mà cơn lốc thì mãnh liệt vô cùng. Cơn lốc đó là tim óc, là máu xương của bất cứ ai còn biết khát khao Tự Do và Nhân Quyền khi hai thứ đó bị tước đoạt.

Trước khi rời bãi biển Omaha, trời đã chạng vạng tối. Tôi giơ máy, bấm một tấm. Không thấy ánh flash!  Nhìn vào máy thì hỡi ơi, phim vẫn nằm ở số 26, có nghĩa, đây là cuộn phim 24 tấm, số tăng tới 26 chỉ là 2 tấm phụ trội thông thường mà tôi đã xử dụng rồi!

Trời hỡi, trong chuyến đi, tôi đã chụp biết bao cuộn phim, sao lại có thể sơ sót đến thế! Sao lại có thể không có một tấm nào ở nơi đầy di tích lịch sử như thế này!

Rời Normandie, mọi người đều nao nức vì điểm tới là St. Malo, một thành phố cổ kính ven biển mà chúng tôi sẽ nghỉ đêm tại một khách sạn trong tỉnh.

Lấy phòng xong, ai cũng vội vã ra phố chơi. Chỉ có tôi ngồi lại, buồn bã giở xấp card postal mua ở Caen ra xem. Ngay tấm đầu tiên, trong một xấp lộn xộn đủ loại, là tấm card ghi lại 2 phần, phần trên, cảnh tượng đài trước hồ và phần dưới là cảnh nghĩa trang với những cột Thánh Giá trắng toát, lạnh lẽo.


Hue Tran 03
Đây chính là hai nơi tôi muốn lưu lại hình ảnh trong máy của mình trước khi lên xe bus, mà máy đã hết phim!

Một tấm cart postal, ghi đúng 2 cảnh này, không thêm, không bớt, không gì khác nữa!

Tôi buông cả xấp cart còn lại xuống mặt giường, không xem gì nữa! Đã quá đủ! Đã quá đủ rồi!

Có phải đây là tín hiệu cho tôi? Có phải những người năm xưa, trong một phút giây thiêng liêng mãnh liệt đã bắt gặp tấm lòng trân trọng nơi tôi?

Sự trùng hợp quá lạ lùng khiến tôi càng nhìn tấm card, càng tin như thế. Chính tấm carte postal này là thông điệp thầm lặng cho tôi biết rằng, cơn lốc bất chợt trên bãi biển Omaha và những tiếng thúc giục huyền bí không phải là ảo tưởng…

Khi đi qua cửa phòng tôi, thấy còn ánh đèn, giáo sư Roland Bellugue đã gõ nhẹ. Thầy luôn quan tâm tới những gì thấy hơi bất thường ở đám học sinh.

Tôi mở cửa, mời thầy vào, đưa thầy xem tấm postcard và nói với thầy về những xúc động đầy ắp trong tôi.

Tôi sẽ không ngạc nhiên nếu thầy cho rằng tôi quá nhạy cảm mà tưởng như thế. Nhưng tôi đã sửng sốt khi thầy dịu dàng nhìn tôi, nói rằng, có thể, tôi đã vừa được “gặp” họ.

Tôi mở lớn mắt, khiến thầy phải bổ túc thêm điều thầy muốn chia sẻ, là những người năm xưa đó, cũng như vạn hữu này, không có sinh, cũng chẳng có diệt. Nếu nhìn bằng sự trong suốt của tâm linh, ta có thể thấy được sự sinh diệt, còn mất chỉ là chuyển hóa, Sự chuyển hóa không ngừng nên đủ duyên gặp đồng tâm thì giao cảm, qua sát na đó, lại nhẹ như mây, hòa vào vạn hữu, theo giòng chuyển hóa.

Ngay khi đó, tôi không hiểu rõ lời giáo sư Roland Bellugue vì tôi đã để cái lăng kính phân biệt của mình bận rộn với những ngạc nhiên và thắc mắc, rằng giáo sư là người Tây Phương, sao cũng mang những tư tưởng sâu sắc về Đông Phương như vậy? Nếu tôi không quá nông cạn và khờ khạo thì cơ duyên hôm đó, có thể tôi còn được giáo sư chia sẻ bao điều thâm thúy hơn là những đề tài giới hạn trong bài học ở trường lớp!

Từ Pháp Quốc dẫn đám học trò về lại Hoa Kỳ, giáo sư Roland Bellugue không còn đứng lớp nữa. Thầy bị ho nhiều và được chẩn bệnh là ung thư phổi, thời kỳ chót!

Tang lễ thầy có mặt hầu hết những học sinh đã được thầy tận tụy giảng dạy. Trước linh cữu thầy, tôi nghe đáy lòng mình thầm thổn thức “Thầy đang chuyển hóa! Thầy đang chuyển hóa thôi mà!”

Và một buổi chiều, ngồi dưới gốc bưởi trong vườn sau, tôi đã chợt mỉm cười với một bóng mây bay qua.

Vì đó có thể không chỉ là bóng mây.

Vì đó có thể là giáo sư Roland Bellugue.

Thầy sẽ ôm tập bài soạn bìa xanh quen thuộc, bước vào lớp, vui vẻ bắt đầu buổi học bằng câu “Bonjour tout le monde”.

76 năm lịch sử đã qua.

20 năm tình cờ lưu dấu.

Nhìn lại thì dường như:

“Không năm, không tháng, không ngày

Thời gian là hạt bụi bay vô thường”

 

Huệ Trân

(dăm sát na tưởng niệm)

 

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Khi chiến tranh chấm dứt vào năm 1975, tôi mới được một tuổi; đến nay, tôi 49 tuổi, coi như đã sống một nửa thế kỷ. Nhìn lại quãng đời vừa qua, tôi thấy đời tôi thật sung sướng, cho đến năm 48. Nhưng năm nay 49 thì, như nhiều người nói, bốn chín chưa qua năm ba đã tới, tôi gặp tai nạn, do chính tôi gây ra, khiến từ nay tôi không còn muốn chường mặt ra xã hội.
Sáng nay tôi thức dậy và tôi đã lên ba tuổi rồi. Mẹ đánh thức tôi bằng nụ hôn và ôm choàng lấy tôi. Mẹ đã làm bánh kếp(*). Ôi! Ngon quá! Trời rất đẹp và chúng tôi đi dạo bây giờ đây. Ánh nắng mặt trời chói lọi mơn man trên mắt tôi. Đến công viên, tôi gặp bạn bè của tôi. Cuộc đời đẹp làm sao!
Mẹ tôi, con gái quê Sơn Tây, sống cùng thời với thi sĩ Quang Dũng, nổi tiếng với bài thơ “Đôi Mắt Người Sơn Tây”. Mẹ đi lấy chồng, gia tài vỏn vẹn một con lợn nái. Mẹ kể mỗi khi ăn no, nó lại nằm ịch ngay giữa nhà, ụt ịt chờ mẹ xoa bụng. Bà ngoại mua để mẹ nuôi, lớn lên bán được số tiền to làm vốn xem như của hồi môn lúc ra riêng...
Vấn là bạn sách đèn thân thiết với Thạnh từ thuở bé. Cha Thạnh với mẹ Vấn cũng là anh em cô cậu ruột. Do vậy, anh chị em Thạnh dù lớn hay nhỏ đều là vai trên của Vấn. Vấn lại rất hiền lành nên cả nhà Trúc đều thương mến. Suốt tuổi học trò Vấn vẫn hay đến nhà Thạnh, nơi đầy đủ tiện nghi cho hơn ở nhà để cùng Thạnh học hành...
Ngày cuối tuần nào cũng như ngày hội, đường phố khu thủ đô tỵ nạn nầy đông khách lạ lùng. Thiên hạ các vùng chung quanh đổ xô đến, thi đua cùng với du khách từ những tiểu bang khác về. Nam thanh nữ tú thướt tha. Áo quần màu mè đủ vẻ đủ dáng. Những tiếng cười dòn tan yêu đời khắp chốn...
Chiếc xe hơi chạy trên con đường hẹp, uốn lượn, hai bên là những cánh đồng lúa mì hầu hết đã được gặt xong, đây đó những bó rơm, cỏ khô được cuộn tròn nằm rải rác, những cánh rừng thưa xanh ngắt, những bụi cỏ lau màu tím hồng phất phơ trong gió, những trang trại với hàng chục con cừu, bò, và cả ngựa đang thong dong gặm cỏ, những căn nhà, quán rượu, nhà thờ…hầu hết được xây bằng đá đã xỉn màu vì thời gian, với những cửa sổ bằng kính có khung sơn trắng và kiến trúc đặc thù của vùng Yorkshire...
Kéo dài được hai năm, cuối cùng thì hắn cũng quyết định bỏ trường để về nhà đi buôn. Đây là một việc cân não mà hắn đã dằn vặt vật vã suốt một thời gian dài. Hắn là sinh viên giỏi, vốn được tuyển thẳng vào trường sư phạm, thật tình mà nói thì hắn muốn vào Bách Khoa chứ chẳng phải sư phạm, chọn sư phạm vì được miễn học phí nên miễn cưỡng chấp nhận...
Em yêu dấu: Anh sẽ kiến giải câu nói thời danh của Marcel Proust (*) để qua đó em có thể cầm nắm được trái tim nóng bỏng của anh trên tay. Marcel Proust nói rằng "Tình yêu là đem không gian đổi lấy thời gian”...
Suốt cả tuần nay Tokyo chỉ có một ngày nắng, hôm nay mưa đã tạnh thì khăn gói về vùng Kyoto/Osaka. Hai tuần nữa khi về lại đây thì những cây đào mượt mà nầy chỉ còn những cành cây cằn cỗi, phủ đầy rêu, trơ trụi. Vì thế mà chuôi kiếm của người samurai thường khắc cánh hoa đào để biểu tượng cho cuộc đời hào hùng, đẹp đẽ mà ngắn ngủi, đầy bất trắc.
Thành phố đầu tiên chúng tôi dự tính đến thăm là Thành phố Philadelphia, một thành phố đã từng là thủ đô của Hoa Kỳ trong thời kỳ đầu lập quốc mà nay nó đã trở thành cố đô. Sau đó chúng tôi sẽ đi thăm một vài di tích lịch sử, văn hoá và thắng cảnh đặc biệt của Tiểu bang Pennsylvania nếu thời gian cho phép...
Thầy ngồi trên kia, sau cái bàn rộng, chỉ có một quyển sách mỏng trước mặt và không thấy ông mở ra. Như thói quen, ông không viết bài, viết dàn bài trên bảng, phấn với bảng ít khi ông dùng tới, có thể tất cả đã được sắp xếp chuẩn bị chu đáo và có lớp lang trong đầu ông. Đúng vậy, ông vẫn từ tốn nói theo những ý nghĩ dường như vẫn có sẵn trong tâm trí. Ông nói không vấp váp, từ từ, lôi cuốn và thuyết phục. Ông có một « schéma » trình tự đi tới, đi tới không hề áp đảo...
Sau 1975 những người còn ở lại miền Nam Việt Nam không biết những ai đã nghĩ ra và những ai đã là người đầu tiên ra khơi vượt biển đi tìm tự do, để cho dòng người đi sau tiếp nối không bao giờ ngừng nghỉ nếu các trại tị nạn không đóng cửa chấm dứt chương trình cưu mang những người vượt biển. Ai cũng mơ ước, cũng tính đường đi tìm tự do tùy theo hoàn cảnh khả năng tài chính của mình. Bao nhiêu người đã may mắn đến bến bờ và cũng bao nhiêu người bất hạnh bỏ xác ngoài biển khơi!
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.