Hôm nay,  

Về Lại Dòng Sông

05/06/202013:45:00(Xem: 3862)

Xe đò vừa vào Phan Rang thì kỷ niệm cũng vừa tràn về thốc tháo trong lòng bà, như làn gió nóng của miền Trung nắng cháy đang lùa vào các khung cửa xe một cách hăm hở. Bà gỡ đôi kính mát xuống để nhìn hai bên đường cho rõ hơn. Phan Rang. Con đường Thống Nhất. Bốn mươi năm. Nhưng bà ngạc nhiên vì thấy mình không đến nỗi lạc lõng sau những năm tháng dài như thế. So với nhiều thành phố khác, Phan Rang dường như không thay đổi gì mấy. Rõ ràng là con đường cũng như mấy thập kỷ qua, không được mở rộng ra chút nào. Từng hàng cây cổ thụ dễ đến trăm năm vẫn còn lác đác chạy dài theo hè phố. Nhà cửa có lô nhô nhiều căn cao hơn trước, nhưng chưa đủ để thành phố có một khuôn mặt khác lạ đối với người lữ khách lâu ngày vừa trở lại. 

Bà không còn nhớ nhà Khanh ở khúc nào. Nhớ sao được, khi thời gian đã chập chùng chồng lên nhau, chồng lên ký ức, chồng lên cảm xúc, chồng lên biết bao nhiêu cảnh vật, chồng lên biết bao nhiều con người ẩn hiện trước sau trong những đoạn đời khác nhau. Nhưng có một điều bà còn nhớ rất rõ. Đó là hình ảnh bà và Thuỷ Trúc ngại ngùng đứng trước nhà Khanh, một căn phố mặt tiền bày bán những mặt hàng tạp hoá. Bà còn nhớ cảm giác buồn buồn lúc đó, khi nắng trưa đang dần thẫm màu trên con phố ngái ngủ của đường Thống Nhất. Khanh rất ngạc nhiên khi thấy hai cô bạn cùng lớp đứng thập thò trước cửa. Thuỷ Trúc nhanh miệng chào Khanh trước và vào đề ngay:

  • Tụi này mới đi thăm Vũ ở Phước Thiện về. Đi xe ôm hai vòng hết cả tiền. Cảm phiền Khanh cho tụi này mượn một ít mua vé xe lửa về lại Nha Trang.

Bà cũng nhớ là vì Thuỷ Trúc đã nói hết những điều khó nói rồi, lúc ấy bà chỉ biết nở một nụ cười gượng gạo với Khanh như để thầm phụ hoạ với bạn. Khanh cũng biết tình cảnh đó khá tế nhị nên vồn vã mời hai cô vào uống nước, ân cần hỏi thăm về những ngày hè vừa qua của hai cô ở Nha Trang, và không quên giúi nhanh vào tay Trúc mấy tờ giấy bạc còn nguyên nếp gấp.

Không biết bây giờ Khanh còn ở đây hay không, làm gì, vợ con ra sao. Bà nghe mình thở dài thật nhẹ, hai mắt thoáng cay cay. Chiếc xe đò rời đường Thống Nhất, rẽ trái, đi thêm một đoạn rồi từ từ đỗ vào bến xe. Bây giờ cũng là buổi xế trưa như mấy mươi năm trước. Cũng là trời đất Phan Rang. Nắng vẫn còn một màu vàng như mật ong như ngày nào. Thuỷ Trúc bây giờ đã vĩnh viễn nằm trong lòng đất ở một nơi xa nơi đây lăng lắc, một thành phố nhỏ ở tiểu bang Florida. Bà đang quay lại chốn cũ. Bà đón chuyến xe khách cuối cùng trong ngày về Phước Thiện để gặp lại Vũ. Giờ này chắc ông cũng đang trông bà lắm đây.

Ngày trước, bà có hẹn lòng là sẽ tìm gặp lại Vũ khi tự thấy tình cảm của mình đã hoàn toàn nguội lạnh. Thật ra, chuyện đó xảy ra nhanh hơn bà tưởng. Thuở ấy, bà tự cho mình năm năm để quên Vũ, nhưng mới một năm sau, tình yêu của Hồ đã làm bà quên Vũ đi thật chóng vánh. Không có liều thuốc nào chữa căn bệnh tình yêu hiệu nghiệm bằng một tình yêu khác. Đến khi nhận được lá thư của Vũ gởi đi từ Việt Nam sau nhiều năm không liên lạc, bà đang ở California, mới bắt đầu bước vào tuổi bốn mươi. Bà lạnh lùng nhìn dòng chữ nắn nót quen thuộc của Vũ từ thời còn đi học. Lúc đọc thư, một lần nữa bà thấy rõ trong lòng mình không còn mảy may sót lại một chút cảm xúc nào. Lúc ấy, bà bỗng mỉm cười một mình với ý nghĩ rằng giá mấy mươi năm trước mình được diễm phúc đọc những dòng chữ của Vũ như thế này thì tuổi mới lớn của bà chắc đã vui thêm biết mấy! Sau đó ít lâu, Vũ và bà hẹn nhau ngày giờ để nói chuyện qua điện thoại viễn liên. Thời đó Internet ở Việt Nam còn hiếm hoi, Vũ phải chạy ra một quán café internet để gọi cho bà. Đường dây không nhạy, mỗi lần ai nói một câu xong phải đợi thật lâu người bên đầu dây kia mới trả lời. Chẳng khác gì một cuộc đối thoại từ hai thế giới khác nhau. Câu chuyện hai bên trao đổi thật lạt lẽo, bà nói như người không hồn, chỉ mong mau kết thúc cuộc điện đàm. Cúp máy xuống, bà bùi ngùi tiếc nhớ những cảm xúc bồng bột nhưng cũng thật nồng nàn thời thanh xuân, giờ không tìm đâu thấy nữa.

Nhưng năm tháng rồi cũng có thể đổi thay những suy nghĩ, những tình cảm sâu kín trong lòng. Cuộc sống của bà khép lại sau cuộc ly dị với người chồng trong một cuộc hôn nhân không tình yêu, không con cái. Bà lao vào những hoạt động từ thiện trong cộng đồng địa phương để bớt đi những giờ phút trống trải. Đây là lần đầu bà trở về Việt Nam, theo chân một nhóm bác sĩ chữa mắt miễn phí cho trẻ em trong các viện mồ côi ở phía Nam. Ở Sài Gòn, bà tình cờ gặp lại Vương, một bạn học cũ của bà và Vũ. Quê của Vương ở Hộ Diêm, không xa Phước Thiện của Vũ là mấy. Khi bà hỏi thăm về Vũ, Vương cho biết là Vũ vẫn khoẻ, nhưng vợ Vũ là Ái mới mất vài năm nay. Lúc chia tay, Vương cho bà số điện thoại của Vũ. 

Buổi tối hôm ấy, sau khi làm việc với nhóm bác sĩ ở một viện mồ côi ở Gò Vấp, bà trở lại khách sạn với một tâm trạng bồi hồi khó tả. Sau bữa cơm chiều ăn vội vàng, bà ngồi thẫn thờ trên chiếc sofa cạnh cái cửa sổ kính, nhìn xuống thành phố đã lấp loáng lên đèn. Xe cộ như mắc cửi ngược xuôi qua lại. Không dưng bà thấy thật lạc lõng và cô đơn trong căn phòng máy lạnh đang chạy vù vù. Trong cả nước Việt Nam mênh mông này, lần đầu tiên bà mới cảm nhận được sự cô độc của mình. Bà không còn gia đình hay bà con thân thuộc gì ở đây nữa. Bạn bè ngày xưa mỗi người một ngả. Như một phản xạ, bà với tay lấy chiếc điện thoại, tìm số của Vũ để bấm vội bấm vàng dãy số dài.

Và đó là lý do bây giờ bà đang ngồi trên chiếc xe khách nhỏ, cùng với những hành khách dường như đã mệt nhoài sau một ngày dài nóng bức. Từ Phan Rang đến Phước Thiện, bây giờ người ta có thể đi lại thuận tiện hơn trên đường tráng nhựa. Ngày xưa, bà và Thuỷ Trúc, hai cô gái mới lớn, đã thật là liều lĩnh khi ngồi sau lưng một người đàn ông xa lạ đi xe ôm từ ga Tháp Chàm về thôn Phước Thiện. Bà nhắm mắt lại, cố hình dung ra hình cảnh vừa buồn cười, vừa tội nghiệp đó. Hồi đó chiếc xe gắn máy chở hai cô gái trên đường đất, chỗ lồi, chỗ lõm, chỗ chênh vênh, hai bên gần như là đồng không mông quạnh. Bây giờ, chạy dọc theo con lộ là nhà cửa san sát, hàng quán hết cái nọ tới cái kia. Bà chợt cảm thấy xa lạ trong chiếc xe ngột ngạt, trong cảnh vật hai bên đường, mặc dù bà hiểu hết ngôn ngữ lao xao của những người chung quanh mình.

Chiếc xe uể oải đậu lại ở đầu thôn khi những tia nắng cuối cùng cũng vừa buông xuống. Nhiều đứa trẻ trần trùng trục đang đá banh trên khoảng đất trống còn lại, cạnh một vài chiếc xe khác như đang thiu thiu ngủ trong nắng quái chiều hôm. Hành khách lục tục bước xuống. Vũ nhác thấy bà vừa xuống xe. Ông vội vàng đi tới, thốt lên:

  • Thuỳ Linh!

Bà nhớn nhác nhìn ông, rồi cũng khẽ nói như reo:

  • Anh Vũ!

Vũ mau mắn đỡ lấy cái túi xách trên tay bà. Ông chỉ về phía trước:

  • Xe tôi đậu đằng kia. Từ đây về nhà  đi bộ cũng hơi xa.

Xe của Vũ là một chiếc gắn máy cũ kỹ hiệu Honda. Bà vừa đi vừa mỉm cười bảo Vũ:

  • Ngày xưa Thuỷ Trúc và tôi đi xe ôm đến thăm anh. Bây giờ anh lại làm tài xế xe ôm cho tôi.

Vũ nheo mắt:

  • Chuyện gì cũng có thể xảy ra được há. Thuỳ Linh đi xe có mệt không?

Bà lắc đầu:

  • Không mệt bằng chuyến xe từ Sài Gòn ra Phan Rang đâu anh.

Vũ cột cái túi xách của bà vào yên sau xe, chừa một chỗ vừa vặn cho bà ngồi. Chiếc xe phóng đi, để lại một làn bụi mỏng phía sau. Trời nhá nhem tối, bắt đầu có những làn gió mát như để bù đắp lại một ngày oi bức của quê hương gió cát. Bà vòng tay ôm eo Vũ, nhưng chỉ giữ hờ, lỏng lẻo chứ không dám ôm chặt. Mùi đồng ruộng và mồ hôi toát ra từ chiếc áo khaki sờn rách trên người Vũ. Chợt bà lại có cái ước ao đầy tiếc nuối như cảm giác lúc đọc lá thư của Vũ, rằng giá như ngày xưa bà có dịp tựa đầu vào tấm lưng trai tráng của Vũ trong những ngày tình yêu đang là trái đắng...

Xe chỉ chạy một thoáng là đến nhà Vũ. Vẫn là căn nhà của bao nhiêu năm về trước, khi Thuỷ Trúc và bà bỡ ngỡ bước vào. Căn nhà tăm tối, ánh sáng của hai chiếc néon không đủ xua tan vẻ ảm đạm, u trầm đang bao phủ khắp nhà. Mùi ẩm mốc hăng hăng bay vào mũi bà. Bà nhìn quanh quất. Không có ai trong nhà ngoài chủ nhân của nó. Bà có cảm tưởng thời gian đã quên ghé qua căn nhà câm lặng này trong ngần ấy năm trời. Tưởng như ngày xưa lúc bà đến là một cô gái, nay bà trở lại là một phụ nữ đứng tuổi, không có gì xảy ra trong đó cả.

Vũ đặt cái túi xách của bà xuống một chiếc ghế, kéo tay bà đến gian phòng thờ ngay giữa nhà, chỉ cho bà xem một bức ảnh bên cạnh những bức đã cũ hơn:

  • Hình của Ái đó. Ái mất cũng ngót nghét ba năm rồi.

Bà hỏi xin Vũ một cây nhang. Vũ giúp bà mồi lửa. Bà chắp hai tay lại, nâng cây nhang lên ngang vầng trán, lâm râm khấn vái, thầm xin phép bà chủ nhà đến thăm gia đình. Cắm cây nhang vào bát nhang xong, bà quay lại nói với Vũ:

  • Xin chia buồn cùng anh nhé. Chắc anh không nhớ đâu, nhưng tôi vẫn còn nhớ như in ngày anh đưa tôi và Thuỷ Trúc qua thăm Ái, lúc hai ông bà sắp lấy nhau.

Vũ nhìn bà đăm đăm:

  • Linh nhớ gì?

Bà nhìn thẳng vào bức chân dung của Ái. Đôi mắt của người chết trong ảnh lúc nào cũng như thật có hồn, luôn luôn hướng về người đang nhìn ảnh, dù người đó đang đứng chỗ nào đi nữa. Bà nói như đang trong giấc mơ:

  • Tôi nhớ Ái thật dịu dàng, có phần nhút nhát nữa. Ái xưng hô với tôi và Thuỷ Trúc rất trịnh trọng. Tôi còn nhớ là ngay lúc đó, Ái đang nghe một bài nhạc Pháp trong máy cassette mà tôi rất thích.

Vũ hỏi, giọng cũng như đang mê ngủ:

  • Linh còn nhớ bài đó là bài gì không?

Bà say sưa đáp:

  • Làm sao tôi quên được. Bài đó là bài « Ensemble » do Art Sullivan hát. Bài hát đó trở thành một ám ảnh của tôi, cùng với bài  « Une belle histoire » của Michel Fugain.

Bà quay lại nhìn Vũ :

  • Ở bên Mỹ, lâu lâu có dịp nghe lại một trong hai bài này, lúc nào tôi cũng nghĩ đến những ngày chúng ta còn đi học với nhau.

Vũ nhìn lại bà, rồi nhìn chân dung vợ trên bàn thờ :

  • Tôi cũng thích hai bài này lắm. Chính tôi đã tặng cho Ái băng cassette đó. Tôi biết là hôm ấy Ái cố tình để nhạc lúc Linh và Trúc ghé chơi.

Đoạn Vũ nhắc bà :

  • Linh vào trong rửa mặt cho khoẻ. Tôi dọn cơm ra ăn nhé.

Lúc bà trở ra, khoẻ khoắn trong bộ pyjama màu hồng, Vũ đã ngồi đợi sẵn bên mâm cơm đạm bạc : một dĩa rau muống luộc, hai khứa cá kho và một tô canh bí với tôm khô, lỏng bỏng nước nhiều hơn cái. Vũ mời bà cầm đũa :

  • Ở Mỹ lâu năm về, hy vọng Linh đừng chê cơm nhà quê nhé !

Bà nhìn Vũ :

  • Nãy giờ tôi chưa hỏi thăm con cháu anh thế nào.

Vũ vừa xới cơm vào chén cho bà, vừa đáp :

  • À, hai thằng con trai của tôi ở cũng gần đây thôi. Thằng lớn có ba đứa con, thằng nhỏ hai đứa. Con gái út của tôi ở Sài Gòn, mới lấy chồng năm ngoái.

Bà cười nhẹ :

  • Vậy anh là ông nội của năm đứa cháu lận !

Vũ nheo mắt :

  • Ông nội này bây giờ ốm o gầy mòn,  không còn là «gấu bông» như cô Thuỳ Linh ngày xưa vẫn thường gọi đùa nữa đâu !

Sau bữa ăn, mọi việc diễn ra gần giống như mấy mươi năm trước, giống một cách dị thường. Cũng là một đêm có trăng, Vũ và bà cũng ngồi trên bậc thềm trước nhà. Chỉ thiếu Thuỷ Trúc. Bà ngậm ngùi kể lại cho Vũ nghe vì sao Thuỷ Trúc chết. Khi đêm sâu lắng hơn, cả hai không nói gì thêm nữa. Trăng đã lên thật cao. Vũ đưa bà vào chiếc giường mà ngày xưa bà đã ngủ lại, cùng với Thuỷ Trúc. Bà lại nằm thao thức trong bóng đêm, như ngày xưa đã từng thao thức. Rồi bà chợt tự hỏi : « Tại sao ta lại trở về nơi đây ? Một nơi ta đã về và đã trốn chạy như trốn cái bóng của chính mình ? » Bà nằm miên man mãi như thế rồi mới chợp mắt được một chút khi tiếng gà trong thôn đã bắt đầu eo óc gáy.

Khi bà mở choàng mắt, ánh nắng đã vào sâu trong gian phòng ẩm thấp. Bà nằm lặng đi một chút mới định thần biết mình đang ở đâu. Lần này bà đang thật sự ở Việt Nam, không như bao nhiêu giấc mơ trước bà thấy mình về lại quê nhà, tưởng là thật rồi cuối cùng tỉnh dậy cũng chỉ là một giấc mơ. Vũ đi ngang qua phòng, đứng lại ở ngưỡng cửa, nói vọng vào :

  • Thuỳ Linh dậy chưa ? Sửa soạn rồi mình đi ăn sáng nhé.

Khoảng mười lăm phút sau, Vũ và bà tản bộ trên con đường chính trong thôn. Buổi sáng ở thôn quê khá êm ả, một vài người đi ngang tò mò nhìn người đàn bà ăn mặc khác với những cô gái quê cần mẫn, làm lụng suốt ngày. Vũ đưa bà đến một quán nhỏ ở giữa thôn, gọi cho hai người bữa sáng. Một cô bé loắt choắt mang đến cho hai người cà-phê và hai dĩa trứng ốp-la kèm hai ổ bánh mì nóng hổi. Bà thích thú ngắm nghía cái phin cà-phê mà lâu rồi bà không nhìn thấy. Vị cà-phê nồng nàn làm bà tỉnh táo hẳn. Vừa ăn, bà vừa hỏi thăm Vũ thêm về các con cháu của Vũ. Vũ cũng hỏi lại về gia cảnh của bà. Bà vừa trả lời vừa nghịch những vụn bánh mì trên tay :

  • Không biết phải nói là hên hay xui, nhưng tôi đã gặp vài người đàn ông, mà rốt cuộc cũng chẳng trọn vẹn với ai. Tôi sống một mình ở bên Mỹ, không con cái gì hết.

Câu trả lời của bà khiến không khí trở nên nặng nề một chút. Khi hai người đã  uống hết cà-phê, Vũ đứng dậy bảo :

  • Bây giờ tôi đưa Linh đi một vòng thăm thú xem Phước Thiện ngày nay khác với hồi xưa Linh về chơi thế nào nhé.

Hai người đi một quãng xa mới đến một vườn cây rậm rạp, sum sê những trái đủ màu, vàng có, cam có, đỏ có. Vũ chỉ vào những lùm cây xanh mướt, nói với bà :

  • Sắp đến mùa thu hoạch hạt điều rồi đó Linh. Hồi giờ Linh đã thấy trái đào lộn hột chưa ?

Bà cười nhẹ :

  • Có, anh ạ. Ngày xưa tôi tưởng hột điều và trái đào lộn hột là hai thứ không ăn nhập gì đến nhau cả.

Vũ nói, giọng đều đều :

  • Bao nhiêu năm nay, nhà tôi phải thay đổi canh tác theo xu hướng của thị trường. Ngày trước tôi trồng thuốc lá, lúc Linh với Trúc về đó. Sau tôi đổi qua trồng nho một thời gian. Bây giờ hột điều là mặt hàng xuất cảng phổ biến nên tôi chuyển qua loại này từ mấy năm nay.

Ông khẽ thở dài, nói tiếp :

  • Tôi cũng sắp giao lại mảnh đất này cho hai cháu, để cho tụi nó lo. Lâu nay làm lụng như vậy cũng đủ rồi.

Bà làm thinh nghe Vũ nói. Bà như say nhè nhẹ trong bầu không khí thinh lặng, bàng bạc mùi hương của cây trái, lẫn với mùi nồng nồng của đất. Cả hai quay trở lại, đi ngang ngôi nhà thờ cổ kính trong thôn. Bà chợ nhớ lại ngày xưa, bà hay theo Thuỷ Trúc đi nhà thờ chỉ vì... Vũ. Vũ lúc ấy là một chủng sinh tại một chủng viện phải giải tán vì chính quyền cộng sản địa phương thời đó không mặn mà gì với một cơ sở như vậy. Bà vừa ngó về phía nhà thờ, vừa nói với Vũ :

  • Chắc anh Vũ không ngờ ngày xưa tôi hay đi nhà thờ với Thuỷ Trúc mặc dù không không có đạo.

Đoạn bà cười to trước khi nói :

  • Bây giờ tụi mình già hết rồi, tôi mới có thể thú thật với anh. Ngày xưa tôi yêu anh lắm. Anh là mối tình đầu của tôi. Nói một cách sến sủa, đó là một mối tình đơn phương !

Vũ cười tủm tỉm :

  • Tôi biết chứ.

Bà nghe như tim mình mới thoát khỏi một sợi dây vô hình buộc vào một tảng đá nặng mấy chục năm trời. Bà miên man nói tiếp :

  • Tôi có hai điều muốn hỏi anh về ngày xưa, lúc tụi mình còn đi học chung lớp ở Nha Trang. Anh còn nhớ lúc đó mình chơi với nhau khá thân, phải không ? Vậy mà hôm đi lao động ở Suối Dầu, tại sao có bữa anh đột ngột giận tôi không duyên cớ gì hết vậy ? Cho đến mấy tuần sau luôn. Thế rồi, điều thứ hai tôi muốn hỏi anh, tại sao ngay trong bữa liên hoan trong lớp trước khi mọi người nghỉ hè, anh lại mang một dĩa bánh ngọt đến cho tôi để làm hoà và nói lời xin lỗi tôi ? Hai câu hỏi này ám ảnh tôi bao nhiêu năm trời nay, anh có biết không ?

Vũ tránh không nhìn bà, vẫn hướng mắt về phía trước, hắng giọng mấy cái rồi mới đáp:

  • Thuỳ Linh à, tôi không ngờ hôm nay tôi lại có dịp bộc bạch về những điều khi chúng ta còn là con nít như ngày xưa đó. Linh cũng biết là sau năm học đó, tôi về nhà cưới Ái làm vợ. Ở nhà quê này chuyện lấy vợ lấy chồng khi chưa tròn đôi mươi là chuyện thường tình. Ái và tôi chơi với nhau từ khi còn thò lò mũi xanh. Hai gia đình coi như chuyện chúng tôi lớn lên, trở thành vợ chồng là điều cố nhiên. Nếu như Linh vừa thố lộ là ngày xưa Linh có yêu tôi, thì tôi cũng phải thú thật rằng hồi đó tôi cũng có cảm tình rất nhiều với Linh. Tình cảm đó có lên tới mức tình yêu chưa thì tôi không chắc, nhưng nhất định nó đã vượt qua tình bạn bình thường. Linh còn nhớ cái đêm ở Suối Dầu, khi mọi người kéo nhau đi qua xã bên cạnh coi phim, chỉ có mình tôi và Linh ở lại trại để nói chuyện với nhau không ? Sau đêm đó tôi thấy lòng mình thật xao xuyến, và tôi cảm thấy có lỗi thật nhiều với Ái khi để trái tim mình đi lạc như vậy. Tôi đã cố giải quyết sự giằng xé đó bằng cách hết sức trẻ con là làm mặt giận với Linh, để hai bên khỏi có cơ hội nào mà gần gũi với nhau nữa.

Bà nghe mắt mình cay cay và giọng mình nói với Vũ như một lời kêu thương :

  • Anh ác lắm, anh biết không ? Cái ác độc của anh vẫn còn làm tôi đau ngay trong giây phút này. Nỗi đau mà tôi tưởng đã quên mất từ lâu. Nhưng tại sao anh lại làm hoà với tôi chứ ?

Vũ quay qua nhìn bà :

  • Bộ Linh tưởng tôi sung sướng lắm khi phải giả vờ giận Linh sao ? Chính vì bị giày vò với việc đó mà tôi nghĩ phải xin lỗi Linh, cho dù tôi biết sau hôm đó có thể chúng ta sẽ không bao giờ gặp lại nữa. Ít nhất giữa chúng ta còn có được một kết thúc đẹp, còn hơn là chia tay một cách khó chịu như vậy.

Bà đưa tay lên ngăn một giọt nước mắt sắp lăn xuống má, cố phá lên cười một cách gượng gạo :

  • Anh Vũ nè, giá bây giờ mà có đứa cháu nội nào của anh nghe được câu chuyện của hai ông bà già mình, chắc nó tưởng đang coi phim « Luỵ Tình Chưa Dứt » quá !

Vũ cũng cười theo. Mặt ông nhăn nheo, da đen sạm vì thời gian, mưa nắng. Bà thầm nghĩ, còn đâu chú Gấu Bông trắng trẻo, tròn trịa, thư sinh ngày xưa đã làm mình một thời điên đảo. Vũ nhìn lại bà. Thuỳ Linh còn đẹp lắm, nhưng bây giờ xa cách với ông làm sao, tuy đang đi sánh đôi với mình. Ông giấu tiếng thở dài, không biết nói gì hơn. Bà bỗng nói :

  • Ô, anh Vũ đưa tôi ra thăm lại dòng sông một chút nhé.

Vũ nhếch miệng cười :

  • Dòng sông bây giờ khác lắm rồi. Linh ra xem sẽ rõ.

Hai người đi đến một dãy hàng quán nằm chắn ngang trước mặt, Vũ nhìn bà nói:

-     Dòng sông nằm sau dãy nhà này đó Linh.

Bà đưa hai tay lên ôm ngực. Trời đất, ngày trước, bờ sông rộng thênh thang, thoáng đãng. Bà còn nhớ cùng Thuỷ Trúc lững thững đi dọc ven bờ, nhìn bọn trẻ chơi đùa, hay những cô gái ngồi giặt bên sông. Bây giờ, bà và Vũ phải len lách qua một lối đi chật hẹp giữa hai quán ăn, mặt đất lầy lội, bẩn thỉu. Dòng sông buồn bã hiện ra trước mắt bà, nhếch nhác, đầy rác rưởi, mặt nước đen ngòm. Vũ ngậm ngùi nói:

-      Con sông êm đềm ngày xưa đã mất rồi Linh ạ, giống như những tháng ngày học trò hồn nhiên của chúng ta vậy, không sao tìm lại được nữa.

Lúc hai người quay trở lại, bà nói, giọng khô khốc;

-      Anh Vũ à, tự nhiên tôi có một ý nghĩ hết sức ích kỷ là tôi phải tìm lại dòng sông này, phải tìm lại anh để hỏi cho được những điều tôi hằng thắc mắc. Một lần thôi, để rồi tôi không còn phải nuối tiếc gì nữa. Trong giây phút này, tôi thấy như một cánh cửa vô hình nào đó của quá khứ vừa khép lại, để tôi không còn vương vấn gì đến nó nữa.

Vũ nói, giọng bâng khuâng:

-      Rồi Thuỳ Linh lại trở về bên đó à? Linh nhận nước Mỹ làm quê hương sao?

Bà nhìn về phía trước như nhìn vào khoảng không:

-      Anh Vũ biết quê hương mới tìm thấy của tôi là ở đâu không? Đó chính là thân xác của tôi đây này. Cho dù tôi có đi đâu cùng trời cuối đất đi nữa, tôi vẫn ở trong quê hương tôi. Anh biết không, mỗi buổi tối khi tôi được lên giường nằm sau những công việc hằng ngày, tôi thấy đó là thời khắc an bình nhất. Lúc đó tôi hoàn toàn thuộc về tôi. Không ai có thể bắt tôi làm điều gì trong lúc đó nữa. Tôi đã trở về quê hương của tôi hằng đêm như vậy đó, lúc thân xác và tâm hồn lắng đọng lại thành một. Cảm giác đó thật tuyệt vời. Cố nhiên, cho đến một ngày nào, rồi tôi cũng bỏ quê hương đó mà đi, như bao nhiêu người khác...

Ánh nắng buổi xế trưa ở thôn Phước Thiện chợt đậm đặc lại một chút, y như nắng trên đường Thống Nhất ở Phan Rang. Xin giã từ Phước Thiện. Giã từ Vũ. Giã từ những giấc mơ vụng dại ngày xưa. Bà chợt nhớ đến câu hát “Dòng sông trước kia tôi về, bỗng giờ đây đã khô không ngờ” của Trịnh Công Sơn. Dòng sông Phước Thiện chưa khô cạn, nhưng cũng không còn như ngày xưa nữa. Gấu Bông không còn nữa. Thuỷ Trúc không còn nữa. Thuỳ Linh cũng coi như không còn nữa. Chỉ có màu nắng vàng như hỗ phách bây giờ là dường như từ trước đến giờ chẳng hề nhạt phai.

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Con người ngậm kín cái tốt vào lòng. Để khỏi mua lấy vạ hiềm nghi ghen ghét. Tôi nhìn đứa bé từ sau lưng, sự rung động khẽ của đôi vai nhỏ bé, vẻ hạnh phúc của cái gáy nhỏ xíu măng tơ. Phút này qua phút khác, có lẽ lâu lắm, cho đến khi đứa bé bắt đầu thỏa mãn, bú chậm lại, nhưng nó vẫn ôm lấy bầu ngực của người đàn bà lạ, ngủ thiếp đi.
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
DB Derek Trần: Tôi làm tất cả để bảo vệ cộng đồng mình trong vấn đề di trú

NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.