Hôm nay,  

Đình Ông Đô

16/05/202015:38:00(Xem: 3188)

 


 Chợ Cây Da sáng hôm ấy xôn xao hẳn lên, người ta xì xầm bàn tán: “Đêm qua Ông về”, nhiều người có vẻ hả dạ: “Bọn gian thương xảo trá liệu hồn, Ông linh hiển lắm!”. Bà Ba Mập oang oang:

 - Ông Tám Nề uống rượu ăn thịt chó, nửa đêm nằm võng bị Ông đập cho mấy gậy té lăn xuống đất, giờ còn sảng thần, sốt hâm hấp kià. Vợ con ra đình cúng tạ cầu xin. 

 Đêm qua trăng sáng lắm, sáng đến nỗi tỏ cả đường chỉ tay, không gian im ắng lạ thường, tiếng côn trùng vốn nỉ non hàng đêm ấy vậy mà cũng im bặt, sự im lặng đến nghe rõ cả nhịp tim thì thụp. Chừng nửa canh giờ quá khuya thì gió bắt đầu nổi lên ào ào, dân quanh đình nhiều người nghe rõ mồm một tiếng ngựa hí, tiếng quân reo, sau đó thì tất cả bất chợt im bặt, chỉ còn tiếng vó độc mã gõ lộp cộp ở sân đình. Cả làng biết Ông về, không ai dám ló mặt ra khỏi cữa, ấy vậy lão Cường bạo gan dám hé cữa nhìn ra sân đình. Lão thấy bóng một người vận nhung phục như võ tướng trong tuồng hát, cỡi ngựa bạch, tay cầm côn dài hai thước. Bất chợt con ngựa linh cảm có người nhìn lén, nó khụy hai chân sau xuống, tung hai chân trước lên và hí vang, sau đó thì cả người và ngựa biến mất như một tia sáng xanh lè vụt qua dưới ánh trăng.

 Dân làng Hội Long xưa nay rất sùng bái ngôi đình này, chẳng biết đình dựng tự bao giờ, tên chữ là đình Vân Long nhưng dân làng vẫn quen gọi là đình Ông Đô. Tiếng là thờ thành hoàng bổn cảnh nhưng thực ra thờ đô đốc Long. Người làng cung kính kỵ húy, chỉ kêu là Ông Đô. Hàng năm xuân thu nhị kỳ cúng tế, các bô lão vẫn khấn thầm:


 Xuân thu nhị kỳ

 Chúng con kính lễ

 Cháu con hậu thế

 Ơn đức tổ tiên

 Tiền hiền liệt thống

 Đức ông hiển thánh 

 Giết giặc trừ gian

 Bảo vệ giang san

 Hộ dân hộ quốc

 Sống phò thánh tổ

 Đức độ cao danh

 Thác lưu sử xanh

 Đời đời cúng tế 


 Thời thế thay đổi, lệnh trên bảo bài trừ mê tín dị đoan, buộc mọi người phải đập phá chùa chiền, miếu mạo, đình, dinh… làng chẳng ai dám làm, chỉ có mỗi ông Tám Nề vốn là tay thô tháo xu thời làm mà thôi. Y cùng bọn vô laị trên quận xuống đập phá toang hoang các phù điêu, trụ biểu, tượng, đồ tế khí…Thế rồi y té võng, bệnh sảng thần, nói năng lảm nhảm. Vợ con phải chạy chữa, cúng vái khắp nơi. Làng laị có một người trông nho nhã lắm, ông ta là một sự đối nghịch với hình ảnh lão Tám Nề. Người thanh lịch, học rộng biết nhiều , bởi thế người làng gọi  là Hai Lịch.  Hai Lịch tìm tòi trong sách vở, tra điển cố mới biết được lai lịch đức ông. Năm ấy người làng vẫn âm thầm cúng đình, bọn chức dịch cũng biết nhưng làm lơ. Bọn chúng thấy cái gương của ông Tám Nề nên cũng sợ, có kẻ trong bọn ấy nói bâng quơ:” Cúng gì thì cúng, làm cho khéo, kẻo trên quận quở”. Sau buổi cúng đình, người làng quây quần ăn bánh hỏi cháo lòng và nghe Hai Lịch kể tích đức ông.

 Đức ông người họ Đặng tên Long, vốn là người Bắc Hà di cư vào vùng này lập nghiệp. Nhà họ Đặng vốn có nghề rèn nhưng ông rất khảng khái và khí tiết cao ngất, tánh tình phóng khoáng, thích ngao du sơn thuỷ hơn là lập nghiệp lập danh. Sau một thời gian ổn định cuộc sống,  ông laị quay về phương Bắc, dấu chân ông in khắp mọi vùng, ông thăm thú di tích cổ xưa, leo lên đỉnh Yên Tử, vào chốn thị tứ… không đâu là không đến, có khi lên tận Bắc Hà, Cao Bằng. Một lần về trấn Bắc Qua, ông ngồi uống rượu ở quán lạ trong trấn, chợt một bọn côn đồ hung hãn tràn tới, chúng cướp giật đồ đạc những người đang bán mua ở đấy, chúng giở trò sàm sỡ đàn bà con gái giữa thiên thanh bạch nhật. Bọn lính lệ ngồi ăn uống trong quán vẫn điềm nhiên như không có chuyện gì xảy ra. Dân chúng bất bình nhưng không dám làm gì. Ông lẳng lặng huơ côn đánh giạt cả bọn côn đồ. Chúng ỷ đông hè nhau vây ông, tiếc thay chúng gặp phải cao thủ trong nghề, chẳng mấy chốc bọn chúng bưu đầu sứt trán cả, liệu thế không xong bèn bỏ chạy. Tên đầu đảng còn quay laị đe nẹt:

 - Liệu hồn mày, chúng ông sẽ quay laị xẻ thịt lột da mày! 

 Dân kẻ chợ hoan hô vang dội, cảm ơn ông rối rít. Bọn lính lệ nãy giờ ngồi im, một tên trong bọn có lẽ là đội trưởng, y đứng dậy chĩa giáo vào mặt ông:

 - Mày là thằng nào? Dám đến đây làm loạn à? 

 Ông khẽ gạt ngọn giáo, nhìn thẳng mắt y, giọng đanh laị, rành rọt từng tiếng:

 - Ơn vua, lộc nước, thuế dân ăn đủ, cớ sao giặc cướp lộng hành laị làm ngơ? chấp pháp mà dung chứa trộm cướp thì tội gì? 

 Hắn ta tái mặt, biết là gặp phải tay cứng cựa bèn hậm hực phẩy tay gọi bọn lính lệ bỏ đi. Trước khi ra khỏi quán, chúng còn vớt vát:

 - Lần này ông bỏ qua, lần sau gặp laị đừng trách ông nhé! 

 Sau khi bọn lính lệ bỏ đi, có một người trông rất tráng kiện và oai phong bước đến bàn ông:

 - Xin được mời tráng sĩ bát rượu này!

 Ông nhìn người kia giây lát rồi bưng lấy uống cạn, người kia laị hỏi:

 - Dám hỏi tráng sĩ danh tánh là chi? 

 Ông tự rót một bát nữa, uống cạn rồi thủng thẳng:

  - Thưa huynh, tôi vốn người Bắc Hà nhưng vì ngao ngán triều chính bết bát, quan laị nhũng lạm hà hiếp dân…Tôi đã đưa cả gia đình vào xứ đàng trong sinh sống. Chuyến này tôi về đây là thăm thú non sông, chuyện gặp phải côn đồ mà bất bình ra tay cũng là bất đắc dĩ. Thế còn huynh thì sao?

 Vị tráng sĩ kia cũng từ tốn thưa:

 - Thưa huynh, tôi vốn người Sơn Hạ, đậu tạo sĩ năm dần, đời Cảnh Hưng mười ba, làm quan được tám tháng thì bỏ. Tôi chịu không nổi cảnh chúa Trịnh lộng quyền, vua Lê nhu nhược, triều đình hủ baị, quan laị toàn một lũ sâu dân mọt nước. Là ngôi cao, lộc trọng lẽ ra phải hộ dân hộ quốc, đằng này chúng xử dụng tôi và quân binh như một loaị kiêu binh chỉ để phục vụ riêng cho chúng mà thôi. Vì vậy tôi cởi nhung phục trả triều đình, tháng ngày rong ruổi khắp sơn hà.
 

 Vị tráng sĩ dừng lời, ông rót bát rượu đầy uống cạn rồi tiếp:

 -  Cả nhà tôi vào đất mới dung thân, Đàng trong đất rộng người thưa, sản vật phong nhiêu, đất đai trù phú… rất dễ sống, tiếc là mấy năm nay bị nạn quyền thần Phúc Loan.  Đất Tây Sơn có người hào kiệt đã dựng cờ khởi nghĩa. Tôi với y thờ chung sư phụ, y là tay anh hùng, nhìn xa trông rộng, tánh tình hào sảng, văn võ đều hơn tôi rất nhiều, tài thao lược của y thiên hạ này không có người thứ hai. Y và hai người anh em lập căn cứ trên thượng đạo, hào kiệt tụ về nhiều lắm. Tôi thuận lời mời của y, giúp rèn binh khí cho nghĩa quân. Y cầm quân đánh đâu thắng đó, chặn quân Trịnh từ Bắc Hà vào, đuổi quân Nguyễn ra tận bể Xiêm La. Lần đầu y đem quân ra Bắc Hà, dẹp yên cả Trịnh, Lê và bao nhiêu dư đảng khác dễ như thò tay vào túi lấy kẹo. Cái đám kiêu binh loạn tướng, hủ baị ấy đâu phải là đối thủ của con mãnh sư!  Lòng tôi còn tưởng nhớ Bắc Hà nên không tham gia với y, duy có giúp rèn binh khí thôi! Tôi e một ngày kia y kéo quân ra Bắc Hà lần nữa thì mất cả non sông. Bởi vậy tôi từ tạ ra đi, Bắc Hà lừng lẫy lắm, nhưng hơn hai trăm năm baị hoại bởi vua chúa, giờ như con bệnh dở sống dở chết, nho sĩ hủ lậu, hào kiệt không còn, bọn giá áo túi cơm nhan nhản trong triều ngoài nội, bọn quan laị kết cấu côn đồ rông rỡ, ngông cuồng. Bắc Hà như mảnh đất vô thiên vô pháp. 

 Nói đến đây ông ngồi trầm ngâm, hai tay bưng bát rượu không xoay xoay. Người kia laị hỏi:

 - Thế những ngày sắp tới huynh tính sao?

 Ông thật thà:

 - Ta cũng chưa biết ra sao, thời thế thế naỳ thì tính được gì, như nùi canh hẹ! 

 Tháng chạp thăng Long còn lạnh lắm nhưng không khí xuân đã bắt đầu rộn ràng, các phường thủ công làm đồ tết cả ngày đêm, người kẻ chợ lo mua sắm tấp nập. Chợt một sáng có tin dữ từ Lạng Sơn cấp báo về: Giặc Mãn Thanh đã tràn qua biên giới, nội trong vài ngày chúng sẽ kéo vào Thăng Long! Dân chúng kinh hoàng, mọi người nháo nhác như ong vỡ tổ. Riêng bọn quan laị theo phò Duy Kỳ thì hí hửng ra mặt, chúng lập tức trả thù những người trước kia theo Tây Sơn, cướp bóc, hãm hiếp loạn cả kinh kỳ. Ông thấy nguy cấp bèn rủ cả người bạn mới về Nam. Đến Tam Điệp thì đúng lúc Quang Trung hội quân ở đấy, nghe tin ông đến, chúa công bèn cho người mời:

 - Ông biết tin gì rồi chứ? Lúc trước ông bỏ đi vì sợ tôi cướp thiên hạ của vua Lê. thật tình tôi ra Bắc Hà dẹp loạn, định yên thiên hạ, lập Duy Kỳ làm vua, trả Bắc Hà cho y… tiếc rằng y quá nhu nhược bất tài, laị đớn hèn để loạn tướng phá nát triều chính và giang sơn, sau đó rước giặc Tàu về giày mả tổ. Nay Mãn Thanh đã tràn sang, ông tính sao? kẻ hào kiệt nỡ ngồi nhìn quốc diệt dân vong? 

 Ông quỳ tâu:

 - Bẩm chúa công, ngài đã thấu tận tâm can của tôi, tôi xin tạ tội và quyết theo ngài đi dẹp giặc! Bắc Hà hai trăm năm nay vô thiên vô pháp. Bắc triều muôn đời nay muốn cướp mảnh đất Đaị Việt này, đã bao lần kéo quân sang nhưng trước sau cũng đaị baị. Nay mượn cớ tràn sang, thế nào cũng theo vết xe đổ mà thôi! Chúa công là người xuất chúng trong thiên hạ, điều binh kkhiển tướng như thần, dưới trướng toàn những tay anh hùng hào kiệt, quân binh khí thế ngất trời, chính nghĩa quang minh như thế naỳ thì giặc Bắc phương ắt sẽ sớm baị vong!

 Quang Trung nói:

 - Ngay từ lúc còn học chung với giáo Hiến, ông đã tỏ rõ là tay xuất sắc hơn người, chí khí cao, tánh tình khảng khái. Nay ông chịu giúp nước ấy là phước cho dân! 

 Nói xong cho người mang một bộ nhung phục, một thanh kiếm và cờ tiết ra. Đích thân Quang Trung trao tận tay ông

- Tôi thân chinh chỉ huy trung quân, giao cho ông thống lĩnh hữu quân. Các cánh quân kia do các đô đốc Lộc, Tuyết, Diệu, Xuân, Dũng… chỉ huy. Chuyến này sẽ dẹp giặc nhanh thôi. Bọn chúng kiêu căng ngạo mạn vì vào Thăng Long dễ dàng như vậy. Chúng chỉ lo vơ vét, ăn chơi và hưởng thụ, quân lệnh trễ nãi. Tôi thề với các ông, quân ta sẽ vaò Thăng Long ngày mùng bảy tết. 

 Thế rồi mới mùng năm Quang Trung đã dẫn đaị quân vào Thăng Long. Trăm họ vui mừng hết cỡ, bày hương án tế sống Quang Trung, đem hết lương thực ra khao quân. Thăng Long ngàn năm chưa bao giờ hào hùng và rạng rỡ như thế cả. Quang Trung liền phong thưởng cho các tướng và những người có công. Ông được gia phong làm đaị đô đốc, chẳng bao lâu thì ông dâng sớ  xin về quê. Quang Trung triệu ông đến:

 - Tôi biết ông là người cao nhã, tánh tình phóng khoáng, áo xiêm ràng buộc không phải là  ông, quan trường laị càng không phải là chí ông . Quốc gia tạm yên, thiên hạ đã định nhưng ngặt còn dư đảng hậu Lê đang âm mưu quấy phá, cát cứ. Tôi mong ông nán laị một thời gian, ra tay lần nữa dẹp loạn. Sở dĩ tôi tin cậy ở ông vì ông vốn là người Bắc Hà, rành địa chí, biết phong tục, rõ lòng người. Nay lần nữa nhờ ông! 

 Thế là ông laị ngược lên Đà Giang, Lạng Sơn, chẳng mấy chốc dẹp tan dư đảng của Duy Kỳ. Ông chưa kịp về Nam thì nghe hung tin Quang Trung băng hà. Ông khóc ba ngày đêm, sau đó lên chùa lập đàn cầu nguyện cho chúa công. Đàn hoàn mãn thì ông cũng biệt tích luôn, kể từ đó không ai biết ông đi về đâu nữa cả! 

 Gia Long năm thứ nhất, y làm lễ hiến phù, tận pháp trả thù những người liên can với nhà Tây Sơn. Quan chấp pháp đọc tên ông, xử khiếm diện, chờ khi bắt được sẽ gia hình. Gia Long tung tay chân bộ hạ ráo riết truy tìm ông nhưng vẫn bặt âm vô tín. Triều đình treo cao giải thưởng cho ai bắt hay giết được ông nhưng cũng chẳng có ai làm được. Giang hồ hành hiệp thì vẫn đồn đaị khi thì thấy ông ở mạn Đà Giang, kẻ thì bảo sang Bồn Man, thậm chí có người còn cả quyết ông đã sang Xiêm. Có lần có một người lạ mặt nói bâng quơ:” Nơi nguy hiểm nhất laị là nơi an toàn, ông đang ẩn danh sống trên đất chúa công khởi nghiệp” dù bao lời đồn đaị nhưng tuyệt nhiên chẳng ai nói với tai mắt của triều đình cả.

 Mùa xuân năm tý, lão võ sư làng Long Vân qua đời, khi khâm liệm người làng phát giác một thẻ kim bài có khắc hàng chữ: Đaị đô đốc Đặng Văn Long và dấu ấn chìm Quang Trung đệ nhất niên. Người làng lập tức bỏ vào áo quan và đóng nắp luôn, sau bảy tuần thất,  các bô lão trong làng làm sớ xin lập đình để thờ tiền hiền nhưng hàng năm vẫn đọc văn tế xong thì thầm khấn vía Ông. 


TIỂU LỤC THẦN PHONG

Ất Lăng thành, 03/2020

 

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Từ muôn đời nay tình yêu là một giấc mộng đẹp giữa đời thường cuộc sống. Có tình yêu, cuộc sống của con người ý nghĩa hơn vì mọi hỷ, nộ, ái, ố cũng như... thất tình sẽ "được" tình yêu mang đến cuộc sống của chúng ta một cách nhanh chóng và "đầy đủ"...
Cơn mưa đột ngột buổi chiều vào ngay giờ cao điểm đông xe, đông người trên phố. Trở lại công việc ngay mùng Ba Tết, bữa nay thì phải chạy giao hàng từ sáng sớm, tôi mệt mỏi tách chiếc ‘cánh én’ cà tàng của mình ra khỏi luồng xe, tấp đại vô một mái hiên. Một chiếc hai bánh khác cũng tấp theo và một cặp trai gái hối hả bỏ xe chạy vô đứng cạnh tôi...
Từ mấy ngày nay, chợ Đầm đã rộn rịp cho bốc thăm, chia lô để làm chợ Tết. Năm nay, theo lệnh nhà nước, Tết đến sớm hơn mọi năm một tháng. Như để nhắc nhở, lịch năm mới được bày nhan nhản khắp các cửa tiệm. Đặc biệt là các cửa hàng quốc doanh thì lại chẳng có cuốn lịch nào, vì lịch đã chui ra ngoài cả rồi. Lịch năm nay trông tiến bộ lắm, thôi thì các tài tử tha hồ mặc đủ loại áo quần thời trang từ nước ngoài gửi về, nghiêng bên này, liếc bên kia, õng ẹo không kém gì các minh tinh màn bạc Hồng Kông. Có cô còn cầm trên tay một trái táo đỏ nhập theo hàng hoá của các tàu buôn chở đến, ra cái điều sung túc lắm. Ngự Chiêu và Thư Hương nắm tay nhau đi thơ thẩn qua các cửa hiệu, vừa chỉ trỏ các cô tài tử trên lịch, vừa cười khúc khích phê bình vô tội vạ. Thư Hương cười đến suýt ngất khi thấy hình một cô gái miền Bắc mặc áo dài cổ cao thật là cao kiểu một ngàn chín trăm... hồi đó!
Sáng hai mươi tám tết, tôi đạp xe xuống quán cà phê Quỳnh Giao ở gần nhà. Quỳnh Giao học sau tôi hai lớp ở trường trung học vài năm trước, nay thì mức độ nổi tiếng của cô ấy như vết dầu loang ra khỏi vùng ngoại ô, lên tới cổng trường đại học bên Sài gòn vì nhan sắc hơn người. Quỳnh Giao đẹp rực rỡ trong mấy chị em gái đều xinh xắn, nhưng tính nết dễ gần của cô được lòng người lớn kẻ nhỏ hơn chị em trong nhà có quyền thế trước biến cố lịch sử. Họ cắn răng chịu đựng cuộc đổi đời hơn là thả lỏng để hoà vào cuộc sống đã đổi thay nhiều như Quỳnh Giao.
Vài cái Tết thuộc những năm người dân cả nước ‘ăn độn’ trong thập niên 1970 thế kỷ trước đã để lại trong tâm khảm tôi dư vị rất chua chát. Nay ngồi chợt nhớ lại mà không khỏi chạnh lòng, vừa sượng sùng vừa tội nghiệp chính mình...
Thật ra mỗi năm đến Tết Ba Má đều xếp vàng bạc để cúng và đặc biệt nhớ tới ông bà và cha mẹ, chứ mình không có tin dị đoan con ạ! Người chết là hết, vàng bạc đối với họ đâu có ý nghĩa gì! Ý nghĩa là với người sống thôi! Sống sao cho đẹp, đó là mình đã làm cho họ vui lòng.
Chị Bông gọt sát vỏ bưởi vỏ chanh, nấu nước lấy tinh dầu gội đầu. Xem mấy Youtube và bạn bè chỉ dẫn chị Bông đã từng làm theo, từ dễ cho đến khó: nào gội đầu bằng baby shampoo ít hóa chất để bảo vệ da đầu trẻ em thì cũng tốt cho da đầu người lớn, nào hạn chế nhuộm tóc, hạn chế gội đầu xấy tóc thường xuyên, nào massage đầu với dầu ô liu, nào massage đầu với dầu dừa rồi quấn khăn lại ủ tóc 15 phút, công phu và khó chịu như thế chị Bông cũng kiên nhẫn làm đến hết chai dầu ô liu xong hết cả hũ dầu dừa organic cũng chẳng thấy kết quả gì mà hình như tóc càng rụng thêm...
Tôi còn nhớ một cái Tết năm xưa, tôi lái xe đưa gia đình từ Seattle xuống Tacoma một thành phố lân cận để đến lễ đầu năm tại một ngôi chùa và chọn cho đúng hướng xuất hành năm mới. Ngôi chùa này và nhà sư trụ trì còn trẻ, lại là một nhà thơ mà tôi đã nghe một người bạn nhắc đến và đây là lần đầu chúng tôi đến lễ...
Dù có nao nức đợi chờ hay hững hờ thờ ơ, dù có mong mỏi hay chẳng cầu vọng thì mùa xuân vẫn hiển hiện trong đất trời, trong lòng người. Nhớ ngày xưa còn bé, như muôn vạn đứa trẻ khác trên đời này, gã cũng mong chờ, nao nức tết để được lì xì, được mặc áo mới, được đi chơi thoải mái mà không bị la, được nghỉ học và không phải học bài…
Gần nửa thế kỷ rồi, mà giờ đây, nhắc tên Nguyên, trong trí nàng hiện lên hình ảnh nhà Hường, êm đềm, thân thiết. Lệ thường, khi nàng đến, Hường lôi tuồn tuột nàng vào phòng học. Ngang qua phòng khách, “giang sơn” của bạn bè anh Hưng, nàng liến thoắng chào hỏi các anh...
Ông bóc tờ lịch cuối cùng của năm 2023. Giao thừa bước vào 2024 đã qua năm phút, ông hồi hộp chờ chuông điện thoại reo. Từ năm Canh Thìn 2000 đến nay Giáp Thìn 2024, đã hai mươi bốn năm, mỗi năm ông đều nhận được hai cuộc điện đàm từ Paris vào giao thừa tây lịch và giao thừa âm lịch...
Tôi may mắn hơn nhiều người Việt sống bên ngoài Việt nam là được sống trong một thành phố không cần biết tiếng Anh vì mọi dịch vụ đều có người Việt phục vụ đồng hương. Dịch vụ mới nhất tôi nghe được trong chiều ba mươi từ người bạn bị mất việc hôm tháng trước, anh giao hết cho dịch vụ trương bảng nhận khai thuế nhưng có làm thêm dịch vụ xin tiền thất nghiệp, nghĩa là lo khâu xin việc mỗi tuần ở những hãng xưởng khác nhau theo yêu cầu của Sở thất nghiệp TWC để được hưởng tiền thất nghiệp hàng tuần nhưng bảo đảm không ai gọi đi làm đâu mà sợ. Tiền thất nghiệp cứ chuyển vào tài khoản nhà băng người thất nghiệp mỗi tuần, không phải lo gì hết ngoài việc trả cho dịch vụ vài chục bạc. Nghe xong không biết nên vui hay buồn với cộng đồng mình vào một chiều cuối năm ở hải ngoại.
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.