Hôm nay,  

Đợi…

21/02/202000:00:00(Xem: 4660)
Cogai&cabien_tranh Nguyen Trung
Tranh sơn dẫu Nguyễn Trung - Cô Gái & Biển Cả


Bây giờ là mùa xuân, chỉ sau Tết mới tròm trèm mươi ngày, nghĩa là khí dương đang mạnh và mọi thứ đang sinh sôi nảy nở. Nàng nhớ da diết vườn cải hoa vàng nơi góc quê. Cái màu vàng miên man như một dòng ánh sáng dắt con người lùi dần vào một nơi chốn nào đó khuất lấp và sáng dịu, một thứ ánh sáng đã bị bọc kín bởi hoài niệm, xa xôi sương mù. Và đương nhiên phía sau liếp cải vàng sẽ là căn nhà bằng tre, đất sét trát tường và có hai cửa sổ nằm đăng đối, mỗi cửa sổ có một khuôn gió cũng bằng những thanh tre đan vuông góc với nhau. Đó cũng là nơi con mèo vàng của nàng hay đùa giỡn, có nhiều lúc nàng tức giận vì nó nhảy vào liếp hoa cải làm đổ rợp, màu vàng rơi lã chã.

“Em sẽ đợi, cho đến ngày những hạt cải kia được hong khô”. Nàng đã nói như thế khi lời cầu hôn của y thốt lên và y chỉ thấy buồn bởi hình như y mơ hồ nhận ra rằng thứ gì mà nàng quan tâm nhất đều không giống y, nàng mong manh và dễ bị gió mùa thổi lạc. Và cũng hình như chỉ có nàng mới cho y được cái cảm giác chờ đợi của một con người. Y nhớ như in những ngày đầu dậy thì, y bắt đầu mọc lông, và y ngồi trên cái cầu ngang ao cá, nghe tiếng cá đớp lách chách, y nhìn xuống nhúm lông măng và y nghĩ rằng y sẽ chờ đợi cho đến bao giờ đám lông này trở thành rừng rậm, y sẽ được hiểu thế nào là mùi đàn bà. Và tuổi trẻ, cái tuổi mới lớn trở nên rấm rứt, râm ran khó tả. Hình như con người sinh ra để chờ đợi nhiều hơn là đi tới và chạm vào một thứ gì đó hay là nắm bắt lấy nó.

Một cô gái lúc dậy thì, có lẽ cũng chờ đợi cái ngày được gã trai tặng cho một nhắm bông cỏ may hoặc một cái lược hoặc hiện đại hơn, có lẽ các cô bây giờ chờ đợi một đại gia nào đó xuất hiện ngoài ngõ với chiếc Lamborghini mới cóng và cả xóm phải loét mắt thèm thuồng, đại gia đó không có thói quen chơi hoa hồng và cũng không có thói quen tặng hoa cho ai, ông ta quen xếp những đồng bạc trăm đô hoặc năm trăm ngàn thành những pháo đài nhỏ và chơi trò giúp người đẹp ẩn náu. Hình như các cô chân dài đều mong như vậy. 

Nàng thì khác, nàng không chờ đợi giống như các cô và hình như nàng cũng không chờ đợi giống bất kỳ ai. Nàng chờ con mèo vàng trở nên ngoan ngoãn hơn và nó biết thương luống cải vàng giống như nàng, nàng chờ đợi hình ảnh con mèo vàng vờn nhau, nô đùa với lũ bướm vàng trong buổi chiều xuân bảng lảng, nàng chờ đợi một lúc nào đó nàng trưởng thành hơn và nàng cũng chưa hiểu được thế nào là trưởng thành.

“Muốn trưởng thành hơn, em phải có tình yêu” Y nói.

“Nhưng rốt cuộc tình yêu thì có liên quan gì tới trưởng thành?” Nàng hỏi vặn.

“Ờ…!” Y không thể trả lời thêm được. Y không thể nói với nàng là khi yêu, người ta sẽ cảm nhận được mùi thơm da thịt của nhau và cái mùi thơm đó là chất xúc tác khiến cho hệ thống trưởng thành hoạt động. Hay nói khác đi, giả sử như sự trưởng thành là một cỗ máy bắt buộc khi bước vào xã hội thì chính cái mùi thơm, hơi thở thổn thức nhục dục phát ra từ tình yêu sẽ là loại xăng có sức đốt cực mạnh để cỗ máy đó hoạt động. Nhưng đó là quan niệm của y. Vẫn không thiếu người nói với y rằng mùi thân thể, da thịt của người yêu chỉ là một phần nhỏ cảm hứng để người ta bật nổ cái máy trưởng thành, còn chất đốt thực sự của trưởng thành lại là những cái nhà, cái xe và tiền bạc rủng rỉnh, người ta có thể mua sắm bất kỳ thứ gì. Đương nhiên, y chỉ mong người nói ra câu này có cơ hội trưởng thành thêm chút đỉnh dù theo nghĩa nào đó.

*

Hình như nàng chờ đợi cũng đã lâu, những vết nheo mờ trên khóe mắt mỗi khi cười của nàng chỉ cho y thấy điều đó. Và thời gian cũng giúp y gần gũi với nàng tựa như con mèo vàng của nàng, nàng nói rằng nàng không muốn y bước đi xăng xái như gã lực điền, nàng muốn y tập lại bước chân cho vững chãi hơn và dáng đi phải tự tin hơn. Điều này cũng giống như nàng đã chờ đợi một sự dịu dàng ẩn chất lòng yêu thương và trắc ẩn của con mèo vàng mỗi khi nó gặp lũ bướm. Bây giờ không còn vườn cải hay liếp giậu như thuở trước, mọi thứ đã được bê tông hóa và cha mẹ nàng cũng không ngoại lệ. Họ đã phá bỏ đi nếp nhà tranh để xây một căn nhà bằng bê tông với gạch, lợp ngói đỏ au, nơi liếp cải ngày xưa là một vườn hoa hồng và những cội mai già được bứng về từ rừng. Góc sân con mèo hay đùa giỡn với đàn bướm là gara xe của em trai nàng, mọi thứ đã đổi đời. Nhưng nàng vẫn chờ đợi.

“Em vẫn chờ cái ngày ấy”.

“Cái ngày đó là ngày gì?”.

“Em cũng không định hình. Nhưng phải chờ, con mèo của em cũng bắt đầu biết chờ đợi”.

Nghe tới đây thì y phì cười, bởi con mèo già này còn biết làm gì ngoài việc nằm chờ đợi ai đó mang thức ăn đến, nó sẽ uể oải ngồi nhổm tư thế nửa nằm nửa ngồi để liếm láp dĩa thức ăn. Y lấy làm lạ là cả thời trẻ trai của nó cứ quanh quẩn suốt bên nàng để chờ nàng vuốt ve, khi ngủ nó cũng chờ nàng ôm vào giường như vậy thì liệu có lúc nào nó bỗng dưng động dục và chạy trốn nàng để đi tìm một con mèo cái hay không. Nếu không có một cuộc bỏ trốn hay lén lút nào đó để tìm mèo cái thì thật là tội cho nó. Nhưng rồi, y lại nghĩ đến chuyện suốt cả đời nàng chỉ thích vuốt ve con mèo vàng như vậy, liệu có lúc nào nàng trốn nó để gặp một gã trai nào đó hay không, vì nếu không làm vậy thì thật tội nghiệp cho nàng.

“Nhưng phải biết chờ đợi!”

“Chờ đợi cái gì?”

“Ngày còn nhỏ, em nhìn những sợi lông măng trên tay, rồi sau đó lông trên… Em thấy lâng lâng khi nghĩ đến một lúc nào đó, chàng ấy sẽ đến trong huyền nhiệm, vạm vỡ và mở tung cuộc đời em. Những lúc nghĩ như vậy, em chỉ muốn… ngay! Nhưng rồi khi mọi sợi lông đã hoàn thiện, chàng vẫn bặt vô âm tín! Và em lại tiếp tục chờ để một ngày đầu mùa nào đó, khi những bông cải này bắt đầu rực vàng, chàng lại đến, mạnh mẽ, phong trần và lột xác cuộc đời em. Như một con ve sầu. Nhưng chuyện ấy cũng không đến. Bây giờ, em đã kém sắc. Lại đợi một ngày…”

Y chỉ biết im lặng. Bởi lời của nàng như những nhát dao cắt xéo vào tuổi trẻ phung phí của y. Y hoàn toàn đánh mất hy vọng bởi hầu như trong cuộc rong ruổi của đời y, y có thể ngủ với không dưới một ngàn gái điếm. Và y cũng đã biến gần một ngàn gái điếm ấy thành những phiên bản mờ nhòa của nàng. Y đã chờ đợi, mặc dầu y chẳng thể lý giải tại sao y phải chờ đợi nàng, trong khi đó, mọi sự hối thúc về hôn nhân của y đã khiến không ít lần cha y nổi cuồng và giữa y với cha y gần như không còn lành lặn kể từ sau những vụ cãi vã đến nảy lửa. Nhưng y xem như cuộc đời y không có gì khác ngoài những chiếc bong bóng cá tuổi thơ.

Những chiếc bong bóng cá y từng nhìn thấy ở mương nước quanh vườn. Vườn có một con mương nhỏ, nước róc rách, trong veo, nó được trổ từ đám ruộng bên ngoài. Bà của y thả những con cá cờ, còn ông của y thì mua những con cá kim, cá phướng về cho y để thả xuống mương. Mùa đông tới, nếu không có lụt, chúng sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh và chúng có thể tăng gấp ba số lượng khi xuân về. Mùa hè, có những năm hạn hán, đất lòng mương khô nẻ vì thiếu nước. Những con cá biến mất theo lòng đất. Y (lúc ấy là cậu bé) đã khóc thật nhiều và làm một đám tang tiễn chúng về trời bằng những ngọn lửa đốt từ lá khô, và y làm đám giỗ cho lũ cá bằng những viên kẹo nhỏ. Thế nhưng không hiểu sao, khi mùa đông tới, nước bắt đầu ẩm ướt và dâng đầy mương thì lũ cá lại xuất hiện, chúng bơi tung tăng như chưa từng có mùa khô hạn nào.

Y lấy làm lạ, hỏi ông, ông bảo nó chui dưới lòng đất. Y vẫn lấy làm lạ bởi không có nước làm sao chúng thở được. Y hỏi bà, bà bảo rằng mỗi con cá có một cái bong bóng lớn bao bọc lấy nó, và mỗi con người cũng có một chiếc bong bóng lớn bao bọc lấy họ. Vậy nghĩa là sao, y càng phân vân, không riêng gì lúc tấm bé mà mãi cho đến bây giờ, y vẫn phân vân với chiếc bong bóng bao bọc lấy con người. Bà nói rằng, những chiếc bong bóng ấy quyết định số phận con người lớn hay nhỏ, cô đơn lẻ loi hay sầm uất và lả lướt. Nó đong tất cả mọi hình ảnh của cuộc đời, và khi con người di chuyển, cũng đồng nghĩa với hàng triệu con người, hàng triệu hào quang và bóng tối đang di chuyển cùng. Thực sự, y không hiểu cho mấy. Nhưng có vẻ như y lờ mờ nhận ra được chiếc bong bóng của đời y, nó có vẻ phản chiếu sự lẻ loi, cô đơn và một ít bóng tối của số phận ban cho. Cứ như thể, mỗi khi đứng ở ngã tư chờ đèn đỏ, y lại lơ mơ thử nhìn những chiếc bong bóng khác và hình như cho dù nó có phản chiếu nhiều ánh sáng nhường nào thì y vẫn thấy những khoảng tối trống hoác và đâu đó có cả bóng đêm vây bủa. Y nhìn cho đến khi đèn xanh trở lại, còi xe kêu inh ỏi vì sự tắc trách của y thì y mới di chuyển cùng đàn đàn lóp ngóp bong bóng. Y thấy họ, những người đi trên đường cùng với y là những con cá buồn đang di chuyển trong một con mương mùa nước cạn và chẳng biết đến bao giờ, con mương ấy sẽ cạn khô, trơ đáy rồi nứt nẻ. Nhưng những con cá kia sẽ chui vào lòng đất với chiếc bong bóng của nó, còn y và họ sẽ chui về đâu. Y nghĩ như vậy và không nhịn được cười bởi hình ảnh một cặp đôi đang vừa chạy xe máy vừa cố ngoái đầu lại hôn nhau. Thật là điên rồ cho cả y và họ nếu như có tiếng va ầm. Rất may là họ đã kịp dừng!

*

“Con mèo đã biến mất!” Nàng nói trong hoảng loạn.

“Em hãy chờ nó về!”

“Không, em không thể chờ đợi lâu hơn nữa, nó đi đã hơn tuần nay!”

“Đúng rồi, phải đến mười ngày nó mới quay trở lại. Bởi mùa động dục của mèo kéo dài tới mười ngày!”

“Em không nghĩ là vậy, nó quá già, nó động dục chẳng khác nào em sinh con”.

“Em sinh con cũng là chuyện bình thường mà!”

“Anh không hiểu phụ nữ!” Nói xong, nàng thở dài thườn thượt, mặt mày thêm phần ủ rũ.

“Anh xin lỗi, có lẽ…!”

“À, người ấy đã xuất hiện, em quên kể với anh!” Nàng reo lên như một đứa trẻ.

“Lúc nào?”

“Thôi, không cần kể ra thời gian, nói chung là anh ấy đã xuất hiện, anh ấy kể thật nhiều về Vạn Lý Trường Thành, về đất nước Nhật Bản có nhiều hoa anh đào, về những con sư tử đá ở quốc đảo Singapore, ồ hóa ra chúng không đến mức hùng vĩ và ly kỳ như mình thấy đâu! Đơn giản hơn nhiều, và anh ấy cũng từng đi sang Ai Cập, rồi Hoa Kỳ, dường như anh ấy có mặt nhiều nơi. Em nghĩ rằng, chỉ có Chúa mới có thể biết được nhiều nơi hơn anh ấy một chút!”

“Ờ…!” Mi cảm thấy có một ai đó vừa dùng kim để chọc chiếc bong bóng chung quanh mi và nàng. Mi không thể nói gì hơn. Tự dưng, dáng ngồi của nàng khiến mi hơi rờn rợn nhớ đến hai mẹ con người đàn bà ngồi dưới trăng, hát ru và xõa tóc, họ đã tồn tại và mãi trẻ trung qua ba thế hệ, nghĩa là họ cùng tuổi với bà mi. Thế nhưng một trái bom nổ và hai mẹ con họ bị vùi dưới hầm tre, thời chiến, chẳng mấy ai đủ thời gian và dũng cảm để ra đào bụi tre mà tìm xác. Bụi tre trốc ngược trở thành mộ của họ. Mãi đến sau này, cứ mỗi đêm trăng, người mẹ lại mặc bộ áo quần trắng ngồi bồng con và hát ru. Âm ngữ của họ khàn đục, buồn rầu và có pha lẫn chút giọng người từ quá khứ nào đó vọng về. Họ hát bằng thứ ngôn ngữ rất lạ, không thể biết được họ hát bài gì nhưng chắc chắn, đó phải là bài hát ru. Đã nhiều lần mi nhìn thấy và cố lắng nghe tiếng hát nhưng không hiểu được đó là tiếng hát gì. Mi mang máng hiểu ra rằng đó là thứ ngôn ngữ đã bọc kín trong chiếc bong bóng. Và hai mẹ con của họ được bọc trong chiếc bong bóng. Nghĩ vậy, mi rùng mình và thấy buồn, nhất là khi nàng bỗng dưng nói cười hoạt náo, nàng rủ mi cùng uống rượu, cùng xem phim và không ngần ngại rủ mi cùng xem một bộ phim về giới tính khá mạnh. Điều này hoàn toàn khác con người của nàng. Mi thấy một nỗi sợ mơ hồ nào đó về chiếc bong bóng…

*

Sau đêm ấy, dường như giữa y và nàng có một khoảng cách rất xa lạ. Mặc dù mọi thứ đã trở nên gần gũi hơn rất nhiều, y có thể đến với nàng bất kỳ giờ nào và y lấy làm lạ là ở tuổi của nàng, tưởng chừng như mọi thứ thanh xuân đã trôi, nhưng không, nàng như một chén trà khô chưa bao giờ được pha chế. Và mọi hương thơm của chén trà ấy được đánh thức một cách mãnh liệt, đặc quánh. Nhưng, y lại cảm thấy trong cái gần gũi và mãnh liệt ấy, có một thứ mầm ly biệt, khó nói, y có cảm giác chiếc bong bóng bọc cuộc đời nàng trở nên xơ cứng và lạnh lẽo, nó cũng giống như chiếc bong bóng của cuộc đời y trở nên trơ lạnh và thi thoảng, có âm của tuyết rơi.

“Con mèo, nó trở về, và…”

“Em thấy đó, anh nói đâu có sai. Nó sẽ về!”

“Nhưng em đã chôn nó. Nó hình như về mấy ngày rồi, nằm sau bụi chuối, có vài vết máu”.

“Chắc là đi tranh nhan sắc với mấy con còn trẻ, khỏe!”

“Chắc là vậy, tuổi già rồi, dù có động cỡn cỡ nào cũng phải đổ gục thôi!” Nàng nói xong và dường như quên mất mình vừa nói gì, nàng vục đầu vào ngực y và bắt đầu hôn. Mãi cho đến lúc trên người y và nàng không còn mảnh vải, nàng từ từ đưa y vào. Y, thay vì hân hoan hay xúc động, y lại thấy sợ hãi mơ hồ, về một điều gì đó. Ánh sáng nhợt nhạt chiếu qua liếp cửa, một liếp cửa hình những thanh tre đan vào nhau như một tấm phên tre nhưng kỳ thực nó được làm bằng những thanh sắt và sơn màu giống hệt tre khô. Vườn hoa cải không còn nhưng phòng nàng lúc nào cũng ngào ngạt mùi dầu hoa cải cùng với bức tranh lớn vạt hoa cải dán trên tường, một chút ánh sáng đánh nhẹ trên bề mặt bức tranh luôn cho cảm giác đang ngồi bên vườn cải, trong một chiều xuân nào đó.

*

“Anh xin lỗi, anh hỏi không phải! Người ấy là ai?”

Nàng lắc đầu.

“Lẽ nào? Em không thể chia sẻ với anh sao?”

Nàng lại lắc đầu.

“Người ấy đang chu du ở một quốc gia nào đó hay sao?”

Nàng tiếp tục lắc đầu và choàng vội chiếc khăn vào người. Y cảm nhận tiếng khò khè trong lồng ngực nàng. Nàng nói yếu ớt với y rằng nàng sẽ tiếp tục chờ đợi.

“Nhưng em chờ đợi điều gì?”

Nàng lại lắc đầu, lần này, nàng lắc đầu rất mệt nhọc, vẻ mệt nhọc của nàng hiện rõ trên gương mặt nhợt nhạt và tái xanh.

*

Y gọi cấp cứu.

*

Nàng đã có di chúc, mọi thứ nàng có dành cho em của nàng, riêng chiếc điện thoại thông minh thì dành cho y. Hôm làm lễ mở cửa mả cho nàng, y mở tin nhắn Facebook. Có một dãy tin chờ, từ một đứa trẻ hình như chưa đầy mười lăm tuổi. Mà cũng có thể là hình ảo của một ai đó. Tin nhắn kể với nàng về những cuộc rong chơi qua các nước. Y đọc thật kỹ và nhận ra đây là một đứa trẻ mồ côi, đang sống với người bà ở Bắc Kinh. Cha mẹ cậu bé thuộc vào diện giàu nhất nhì xứ Hương Cảng, đã mất trong một vụ tai nạn xe hoặc có thể là vụ thanh toán nào đó. Cậu nói tiếng Việt khá rành vì từng ở Việt Nam nhiều lần, nếu cộng hết thời gian lưu trú xứ này, chắc có khi chiếm mất một phần ba tuổi trên gương mặt.

Y nổi da gà với tin nhắn bằng âm thanh, hình như là tin cuối của cậu bé “Cô ơi, con vẫn chờ đợi cô. Chỗ này buồn lắm, con đã cách ly ngày thứ mười ba. Người ta hình như không còn là loài người. Có vẻ như tay chân con nhích không nổi nữa!” Y cảm thấy có thứ gì đó đè nặng lên lồng ngực của y, bởi Trung Hoa Đại Lục đang mùa dịch phổi, người chết la liệt và có thể, những cuộc trò chuyện của nàng với cậu bé mà nàng cất công chờ đợi mấy mươi năm nay cũng đang nằm trong một chiếc smartphone nào đó, lẻ loi giữa một mớ điện thoại thông minh nằm chất đống, mệt nhoài và la liệt ngoài hành lang nhà hỏa táng. Tự dưng, y trào nước mắt và khóc rấm rứt. Y chưa bao giờ khóc như vậy!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Trong bóng tối dày đặc, dọ dẫm từng bước một, hai tay vừa rờ vào hai bên vách hang động, vừa quơ qua quơ lại trước mặt, dù cố mở mắt lớn, chỉ thấy lờ mờ, nhiều ảo ảnh hơn là cảnh thật. Cảm giác bực bội vì đã trợt té làm văng mất ba lô, mất tất cả các dụng cụ, thực phẩm và nước uống cần thiết. Bối rối hơn nữa, đã rớt chiếc đèn bin cầm tay, mất luôn chiếc đèn bin lớn mang bên lưng và máy liên lạc vệ tinh có dự phòng sóng AM. Giờ đây, chỉ còn ít vật dụng tùy thân cất trong mấy túi quần, túi áo khoát và hoàn toàn mất phương hướng. Chỉ nhớ lời chỉ dẫn, hang động sẽ phải đi lên rồi mới trở xuống. Trang nghĩ, mình có thể thoát ra từ lối biển. Là một tay bơi có hạng, nàng không sợ.
Cô người Nha Trang, lớn lên và đi học ở đó. Cô sinh trưởng trong một gia đình gia giáo, mẹ cô đi dậy học, ông thân cô cũng là hiệu trưởng một trường trung học lớn ở Phú Yên. Năm 22 tuổi, cô học năm cuối đại học văn khoa Huế thì gặp gỡ chú Hiếu trong một dịp hội thảo sinh viên do các biến động thời cuộc miền Trung bắt đầu nhen nhúm. Chú Hiếu lúc đó đang theo cao học luật. Họ thành đôi bạn tâm giao tuổi trẻ, sau thành đôi uyên ương. Ba năm sau khi Trang vừa 25 tuổi, Hiếu đã nhậm chức chánh án tòa thượng thẩm.
Nhà trẻ kế bên bệnh xá. Trong góc một trại giam. Nhà trẻ có sáu đứa con nít. Bệnh xá có mấy bệnh nhân già. Coi bệnh xá là một tù nam nguyên là y tá ngoài đời. Coi nhà trẻ là một tù nữ án chung thân. Coi cả hai nơi ấy là một công an mà mọi người vẫn gọi là bác sĩ! Sáu đứa con nít đều là con hoang. Mẹ chúng nó là nữ tù bên khu B, đừng hỏi cha chúng đâu vì chúng sẽ không biết trả lời thế nào. Cũng đừng bao giờ hỏi mẹ chúng nó về chuyện ấy vì rằng đó là chuyện riêng và cũng là những chuyện rất khó trả lời. Thảng hoặc có ai đó được nghe kể thì lại là những chuyện rất tình tiết ly kỳ lâm ly bi đát… chuyện nào cũng lạ, chuyện nào cũng hay
Thăm nuôi năm thứ mười: trại Z30D Hàm Tân, dưới chân núi Mây Tào, Bình Tuy. Cuối năm 1985, mấy trăm người tù chính trị, trong đó có cánh nhà văn nhà báo, được chuyển từ trại Gia Trung về đây. Hồi mới chuyển về, lần thăm nuôi đầu, còn ở bên K1, đường sá dễ đi hơn. Cảnh trí quanh trại tù nặng phần trình diễn, thiết trí kiểu cung đình, có nhà lục giác, bát giác, hồ sen, giả sơn... Để có được cảnh trí này, hàng ngàn người tù đã phải ngâm mình dưới nước, chôn cây, đẽo đá suốt ngày đêm không nghỉ. Đổi vào K2, tấm màn hoa hòe được lật sang mặt trái: những dãy nhà tranh dột nát, xiêu vẹo. Chuyến xe chở người đi thăm nuôi rẽ vào một con đường ngoằn nghoèo, lầy lội, dừng lại ở một trạm kiểm soát phía ngoài, làm thủ tục giấy tờ. Xong, còn phải tự mang xách đồ đạc, theo đường mòn vào sâu giữa rừng, khoảng trên hai cây số.
Ông Hải đứng trước của nhà khá lâu. Phân vân không biết nên mở cửa vào hay tiếp tục đi. Tâm trạng nhục nhã đã ngui ngoai từ lúc nghe tiếng chim lạ hót, giờ đây, tràn ngập trở lại. Ông không biết phải làm gì, đối phó ra sao với bà vợ béo phì và nóng nảy không kiểm soát được những hành động thô bạo.
Vuốt lại tấm khăn trải giường cho thẳng. Xoay chiếc gối cho ngay ngắn. Xong xuôi, hắn đứng thẳng người, nhìn chiếc giường kê sát vách tường. Có cái gì đó thật mảnh, như sợi chỉ, xuyên qua trái tim. Hắn vuốt nhẹ bàn tay lên mặt nệm. Cảm giác tê tê bám lên những đầu ngón tay. Nệm giường thẳng thớm, nhưng vết trũng chỗ nằm của một thân thể mềm mại vẫn hiện rõ trong trí. Hắn nuốt nước bọt, nhìn qua cái bàn nhỏ phía đầu giường. Một cuốn sách nằm ngay ngắn trên mặt bàn. Một tờ giấy cài phía trong đánh dấu chỗ đang đọc. Hắn xoay cuốn sách xem cái tựa. Tác phẩm dịch sang tiếng Việt của một nhà văn Pháp. Cái va li màu hồng nằm sát vách tường, phía chân giường. Hắn hít không khí căn phòng vào đầy lồng ngực. Thoáng hương lạ dịu dàng lan man khứu giác. Mùi hương rất quen, như mùi hương của tóc.
Biết bao nhiêu bài viết về Mẹ, công ơn sinh thành, hy sinh của người Mẹ vào ngày lễ Mẹ, nhưng hôm nay là ngày Father’s Day, ngày của CHA, tôi tìm mãi chỉ được một vài bài đếm trên đầu ngón tay thôi. Tại sao vậy?
Hôm nay giống như một ngày tựu trường. Đơn giản, vắng một thời gian không ngồi ở lớp học, nay trở lại, thế là tựu trường. Ngày còn bé, mỗi lần nghỉ hè xong, lên lớp mới, trong lòng vừa hồi hộp vừa vui sướng. Có bao nhiêu chuyện để dành chờ gặp bạn là kể tíu tít. Nhưng bên cạnh đó là nỗi lo khi sắp gặp các thầy cô mới… Mỗi năm đều có ngày tựu trường như vậy, nói chung là khá giống nhau, trong đời học sinh. Nhưng cái ngày tựu trường này thật quá khác. Người ta nhìn nhau không dám cười, không dám chào hỏi. Sự e dè này, dường như mỗi người đã được tập luyện qua một năm. Một năm “học chính trị” trong cái gọi là hội trường mà tiền thân là cái rạp hát.
Cái tên Michelin không xa lạ gì với chúng ta. Vỏ lốp chiếc xe tôi đang dùng cũng mang tên Michelin. Sao hai thứ chẳng có liên quan chi lại trùng tên. Nếu tôi nói chúng tuy hai mà một chắc mọi người sẽ ngây người tưởng tôi… phiếm.
Phi là một người bạn đạt được những điều trong đời mà biết bao người không có. Là một tấm gương sống sao cho ra sống để chết đi không có gì hối tiếc. Là một niềm hy vọng cho sự tử tế vốn ngày càng trở nên xa xỉ ở nước Mỹ mà tôi đang tiếp tục sống.
Có một lần đó thầy kể lại chuyện rằng, thầy có một phật tử chăm chỉ tu học, đã hơn 10 năm, theo thầy đi khắp nơi, qua nhiều đạo tràng, chuyên tu chuyên nghe rất thành kính. Nhưng có một lần đó phật tử đứng gần thầy, nghe thầy giảng về phát bồ đề tâm, sau thầy có đặt một vài câu hỏi kiểm tra coi thính chúng hiểu bài tới đâu? Cô vội xua xua tay, “bạch thầy, những điều thầy giảng, con hiểu hết, con hiểu hết mà. Con nhớ nhập tâm. Nhưng đừng, thầy đừng có hỏi, bị là con không biết trả lời làm sao đâu.” Có lẽ là cô hiểu ý mà cô chưa sẵn sàng hệ thống sắp xếp thứ tự lại các ý tưởng.
Ở xứ ấy, người ta ngủ đến trưa mới dậy. Chàng nhớ thế khi nghĩ về mùa xuân, mùa hạ, mùa thu khi còn bé, mỗi lần nghĩ thế, đều lấy làm ngạc nhiên, và lấy làm ngạc nhiên về sự ngạc nhiên ấy. Thế mà giữa một thành phố châu Âu, chàng lại gặp chúng. Trên nền tường trắng và mặt biển xanh, giữa những màu xanh và trắng, chỉ hai màu ấy, đôi khi xanh và đỏ, chàng gặp lại chúng, hồ hởi, tưng bừng, nó và chàng như hai thằng bạn thời mặc quần xà lỏn nay gặp nhau
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.