Hôm nay,  

Đợi…

21/02/202000:00:00(Xem: 4450)
Cogai&cabien_tranh Nguyen Trung
Tranh sơn dẫu Nguyễn Trung - Cô Gái & Biển Cả


Bây giờ là mùa xuân, chỉ sau Tết mới tròm trèm mươi ngày, nghĩa là khí dương đang mạnh và mọi thứ đang sinh sôi nảy nở. Nàng nhớ da diết vườn cải hoa vàng nơi góc quê. Cái màu vàng miên man như một dòng ánh sáng dắt con người lùi dần vào một nơi chốn nào đó khuất lấp và sáng dịu, một thứ ánh sáng đã bị bọc kín bởi hoài niệm, xa xôi sương mù. Và đương nhiên phía sau liếp cải vàng sẽ là căn nhà bằng tre, đất sét trát tường và có hai cửa sổ nằm đăng đối, mỗi cửa sổ có một khuôn gió cũng bằng những thanh tre đan vuông góc với nhau. Đó cũng là nơi con mèo vàng của nàng hay đùa giỡn, có nhiều lúc nàng tức giận vì nó nhảy vào liếp hoa cải làm đổ rợp, màu vàng rơi lã chã.

“Em sẽ đợi, cho đến ngày những hạt cải kia được hong khô”. Nàng đã nói như thế khi lời cầu hôn của y thốt lên và y chỉ thấy buồn bởi hình như y mơ hồ nhận ra rằng thứ gì mà nàng quan tâm nhất đều không giống y, nàng mong manh và dễ bị gió mùa thổi lạc. Và cũng hình như chỉ có nàng mới cho y được cái cảm giác chờ đợi của một con người. Y nhớ như in những ngày đầu dậy thì, y bắt đầu mọc lông, và y ngồi trên cái cầu ngang ao cá, nghe tiếng cá đớp lách chách, y nhìn xuống nhúm lông măng và y nghĩ rằng y sẽ chờ đợi cho đến bao giờ đám lông này trở thành rừng rậm, y sẽ được hiểu thế nào là mùi đàn bà. Và tuổi trẻ, cái tuổi mới lớn trở nên rấm rứt, râm ran khó tả. Hình như con người sinh ra để chờ đợi nhiều hơn là đi tới và chạm vào một thứ gì đó hay là nắm bắt lấy nó.

Một cô gái lúc dậy thì, có lẽ cũng chờ đợi cái ngày được gã trai tặng cho một nhắm bông cỏ may hoặc một cái lược hoặc hiện đại hơn, có lẽ các cô bây giờ chờ đợi một đại gia nào đó xuất hiện ngoài ngõ với chiếc Lamborghini mới cóng và cả xóm phải loét mắt thèm thuồng, đại gia đó không có thói quen chơi hoa hồng và cũng không có thói quen tặng hoa cho ai, ông ta quen xếp những đồng bạc trăm đô hoặc năm trăm ngàn thành những pháo đài nhỏ và chơi trò giúp người đẹp ẩn náu. Hình như các cô chân dài đều mong như vậy. 

Nàng thì khác, nàng không chờ đợi giống như các cô và hình như nàng cũng không chờ đợi giống bất kỳ ai. Nàng chờ con mèo vàng trở nên ngoan ngoãn hơn và nó biết thương luống cải vàng giống như nàng, nàng chờ đợi hình ảnh con mèo vàng vờn nhau, nô đùa với lũ bướm vàng trong buổi chiều xuân bảng lảng, nàng chờ đợi một lúc nào đó nàng trưởng thành hơn và nàng cũng chưa hiểu được thế nào là trưởng thành.

“Muốn trưởng thành hơn, em phải có tình yêu” Y nói.

“Nhưng rốt cuộc tình yêu thì có liên quan gì tới trưởng thành?” Nàng hỏi vặn.

“Ờ…!” Y không thể trả lời thêm được. Y không thể nói với nàng là khi yêu, người ta sẽ cảm nhận được mùi thơm da thịt của nhau và cái mùi thơm đó là chất xúc tác khiến cho hệ thống trưởng thành hoạt động. Hay nói khác đi, giả sử như sự trưởng thành là một cỗ máy bắt buộc khi bước vào xã hội thì chính cái mùi thơm, hơi thở thổn thức nhục dục phát ra từ tình yêu sẽ là loại xăng có sức đốt cực mạnh để cỗ máy đó hoạt động. Nhưng đó là quan niệm của y. Vẫn không thiếu người nói với y rằng mùi thân thể, da thịt của người yêu chỉ là một phần nhỏ cảm hứng để người ta bật nổ cái máy trưởng thành, còn chất đốt thực sự của trưởng thành lại là những cái nhà, cái xe và tiền bạc rủng rỉnh, người ta có thể mua sắm bất kỳ thứ gì. Đương nhiên, y chỉ mong người nói ra câu này có cơ hội trưởng thành thêm chút đỉnh dù theo nghĩa nào đó.

*

Hình như nàng chờ đợi cũng đã lâu, những vết nheo mờ trên khóe mắt mỗi khi cười của nàng chỉ cho y thấy điều đó. Và thời gian cũng giúp y gần gũi với nàng tựa như con mèo vàng của nàng, nàng nói rằng nàng không muốn y bước đi xăng xái như gã lực điền, nàng muốn y tập lại bước chân cho vững chãi hơn và dáng đi phải tự tin hơn. Điều này cũng giống như nàng đã chờ đợi một sự dịu dàng ẩn chất lòng yêu thương và trắc ẩn của con mèo vàng mỗi khi nó gặp lũ bướm. Bây giờ không còn vườn cải hay liếp giậu như thuở trước, mọi thứ đã được bê tông hóa và cha mẹ nàng cũng không ngoại lệ. Họ đã phá bỏ đi nếp nhà tranh để xây một căn nhà bằng bê tông với gạch, lợp ngói đỏ au, nơi liếp cải ngày xưa là một vườn hoa hồng và những cội mai già được bứng về từ rừng. Góc sân con mèo hay đùa giỡn với đàn bướm là gara xe của em trai nàng, mọi thứ đã đổi đời. Nhưng nàng vẫn chờ đợi.

“Em vẫn chờ cái ngày ấy”.

“Cái ngày đó là ngày gì?”.

“Em cũng không định hình. Nhưng phải chờ, con mèo của em cũng bắt đầu biết chờ đợi”.

Nghe tới đây thì y phì cười, bởi con mèo già này còn biết làm gì ngoài việc nằm chờ đợi ai đó mang thức ăn đến, nó sẽ uể oải ngồi nhổm tư thế nửa nằm nửa ngồi để liếm láp dĩa thức ăn. Y lấy làm lạ là cả thời trẻ trai của nó cứ quanh quẩn suốt bên nàng để chờ nàng vuốt ve, khi ngủ nó cũng chờ nàng ôm vào giường như vậy thì liệu có lúc nào nó bỗng dưng động dục và chạy trốn nàng để đi tìm một con mèo cái hay không. Nếu không có một cuộc bỏ trốn hay lén lút nào đó để tìm mèo cái thì thật là tội cho nó. Nhưng rồi, y lại nghĩ đến chuyện suốt cả đời nàng chỉ thích vuốt ve con mèo vàng như vậy, liệu có lúc nào nàng trốn nó để gặp một gã trai nào đó hay không, vì nếu không làm vậy thì thật tội nghiệp cho nàng.

“Nhưng phải biết chờ đợi!”

“Chờ đợi cái gì?”

“Ngày còn nhỏ, em nhìn những sợi lông măng trên tay, rồi sau đó lông trên… Em thấy lâng lâng khi nghĩ đến một lúc nào đó, chàng ấy sẽ đến trong huyền nhiệm, vạm vỡ và mở tung cuộc đời em. Những lúc nghĩ như vậy, em chỉ muốn… ngay! Nhưng rồi khi mọi sợi lông đã hoàn thiện, chàng vẫn bặt vô âm tín! Và em lại tiếp tục chờ để một ngày đầu mùa nào đó, khi những bông cải này bắt đầu rực vàng, chàng lại đến, mạnh mẽ, phong trần và lột xác cuộc đời em. Như một con ve sầu. Nhưng chuyện ấy cũng không đến. Bây giờ, em đã kém sắc. Lại đợi một ngày…”

Y chỉ biết im lặng. Bởi lời của nàng như những nhát dao cắt xéo vào tuổi trẻ phung phí của y. Y hoàn toàn đánh mất hy vọng bởi hầu như trong cuộc rong ruổi của đời y, y có thể ngủ với không dưới một ngàn gái điếm. Và y cũng đã biến gần một ngàn gái điếm ấy thành những phiên bản mờ nhòa của nàng. Y đã chờ đợi, mặc dầu y chẳng thể lý giải tại sao y phải chờ đợi nàng, trong khi đó, mọi sự hối thúc về hôn nhân của y đã khiến không ít lần cha y nổi cuồng và giữa y với cha y gần như không còn lành lặn kể từ sau những vụ cãi vã đến nảy lửa. Nhưng y xem như cuộc đời y không có gì khác ngoài những chiếc bong bóng cá tuổi thơ.

Những chiếc bong bóng cá y từng nhìn thấy ở mương nước quanh vườn. Vườn có một con mương nhỏ, nước róc rách, trong veo, nó được trổ từ đám ruộng bên ngoài. Bà của y thả những con cá cờ, còn ông của y thì mua những con cá kim, cá phướng về cho y để thả xuống mương. Mùa đông tới, nếu không có lụt, chúng sẽ sinh sôi nảy nở rất nhanh và chúng có thể tăng gấp ba số lượng khi xuân về. Mùa hè, có những năm hạn hán, đất lòng mương khô nẻ vì thiếu nước. Những con cá biến mất theo lòng đất. Y (lúc ấy là cậu bé) đã khóc thật nhiều và làm một đám tang tiễn chúng về trời bằng những ngọn lửa đốt từ lá khô, và y làm đám giỗ cho lũ cá bằng những viên kẹo nhỏ. Thế nhưng không hiểu sao, khi mùa đông tới, nước bắt đầu ẩm ướt và dâng đầy mương thì lũ cá lại xuất hiện, chúng bơi tung tăng như chưa từng có mùa khô hạn nào.

Y lấy làm lạ, hỏi ông, ông bảo nó chui dưới lòng đất. Y vẫn lấy làm lạ bởi không có nước làm sao chúng thở được. Y hỏi bà, bà bảo rằng mỗi con cá có một cái bong bóng lớn bao bọc lấy nó, và mỗi con người cũng có một chiếc bong bóng lớn bao bọc lấy họ. Vậy nghĩa là sao, y càng phân vân, không riêng gì lúc tấm bé mà mãi cho đến bây giờ, y vẫn phân vân với chiếc bong bóng bao bọc lấy con người. Bà nói rằng, những chiếc bong bóng ấy quyết định số phận con người lớn hay nhỏ, cô đơn lẻ loi hay sầm uất và lả lướt. Nó đong tất cả mọi hình ảnh của cuộc đời, và khi con người di chuyển, cũng đồng nghĩa với hàng triệu con người, hàng triệu hào quang và bóng tối đang di chuyển cùng. Thực sự, y không hiểu cho mấy. Nhưng có vẻ như y lờ mờ nhận ra được chiếc bong bóng của đời y, nó có vẻ phản chiếu sự lẻ loi, cô đơn và một ít bóng tối của số phận ban cho. Cứ như thể, mỗi khi đứng ở ngã tư chờ đèn đỏ, y lại lơ mơ thử nhìn những chiếc bong bóng khác và hình như cho dù nó có phản chiếu nhiều ánh sáng nhường nào thì y vẫn thấy những khoảng tối trống hoác và đâu đó có cả bóng đêm vây bủa. Y nhìn cho đến khi đèn xanh trở lại, còi xe kêu inh ỏi vì sự tắc trách của y thì y mới di chuyển cùng đàn đàn lóp ngóp bong bóng. Y thấy họ, những người đi trên đường cùng với y là những con cá buồn đang di chuyển trong một con mương mùa nước cạn và chẳng biết đến bao giờ, con mương ấy sẽ cạn khô, trơ đáy rồi nứt nẻ. Nhưng những con cá kia sẽ chui vào lòng đất với chiếc bong bóng của nó, còn y và họ sẽ chui về đâu. Y nghĩ như vậy và không nhịn được cười bởi hình ảnh một cặp đôi đang vừa chạy xe máy vừa cố ngoái đầu lại hôn nhau. Thật là điên rồ cho cả y và họ nếu như có tiếng va ầm. Rất may là họ đã kịp dừng!

*

“Con mèo đã biến mất!” Nàng nói trong hoảng loạn.

“Em hãy chờ nó về!”

“Không, em không thể chờ đợi lâu hơn nữa, nó đi đã hơn tuần nay!”

“Đúng rồi, phải đến mười ngày nó mới quay trở lại. Bởi mùa động dục của mèo kéo dài tới mười ngày!”

“Em không nghĩ là vậy, nó quá già, nó động dục chẳng khác nào em sinh con”.

“Em sinh con cũng là chuyện bình thường mà!”

“Anh không hiểu phụ nữ!” Nói xong, nàng thở dài thườn thượt, mặt mày thêm phần ủ rũ.

“Anh xin lỗi, có lẽ…!”

“À, người ấy đã xuất hiện, em quên kể với anh!” Nàng reo lên như một đứa trẻ.

“Lúc nào?”

“Thôi, không cần kể ra thời gian, nói chung là anh ấy đã xuất hiện, anh ấy kể thật nhiều về Vạn Lý Trường Thành, về đất nước Nhật Bản có nhiều hoa anh đào, về những con sư tử đá ở quốc đảo Singapore, ồ hóa ra chúng không đến mức hùng vĩ và ly kỳ như mình thấy đâu! Đơn giản hơn nhiều, và anh ấy cũng từng đi sang Ai Cập, rồi Hoa Kỳ, dường như anh ấy có mặt nhiều nơi. Em nghĩ rằng, chỉ có Chúa mới có thể biết được nhiều nơi hơn anh ấy một chút!”

“Ờ…!” Mi cảm thấy có một ai đó vừa dùng kim để chọc chiếc bong bóng chung quanh mi và nàng. Mi không thể nói gì hơn. Tự dưng, dáng ngồi của nàng khiến mi hơi rờn rợn nhớ đến hai mẹ con người đàn bà ngồi dưới trăng, hát ru và xõa tóc, họ đã tồn tại và mãi trẻ trung qua ba thế hệ, nghĩa là họ cùng tuổi với bà mi. Thế nhưng một trái bom nổ và hai mẹ con họ bị vùi dưới hầm tre, thời chiến, chẳng mấy ai đủ thời gian và dũng cảm để ra đào bụi tre mà tìm xác. Bụi tre trốc ngược trở thành mộ của họ. Mãi đến sau này, cứ mỗi đêm trăng, người mẹ lại mặc bộ áo quần trắng ngồi bồng con và hát ru. Âm ngữ của họ khàn đục, buồn rầu và có pha lẫn chút giọng người từ quá khứ nào đó vọng về. Họ hát bằng thứ ngôn ngữ rất lạ, không thể biết được họ hát bài gì nhưng chắc chắn, đó phải là bài hát ru. Đã nhiều lần mi nhìn thấy và cố lắng nghe tiếng hát nhưng không hiểu được đó là tiếng hát gì. Mi mang máng hiểu ra rằng đó là thứ ngôn ngữ đã bọc kín trong chiếc bong bóng. Và hai mẹ con của họ được bọc trong chiếc bong bóng. Nghĩ vậy, mi rùng mình và thấy buồn, nhất là khi nàng bỗng dưng nói cười hoạt náo, nàng rủ mi cùng uống rượu, cùng xem phim và không ngần ngại rủ mi cùng xem một bộ phim về giới tính khá mạnh. Điều này hoàn toàn khác con người của nàng. Mi thấy một nỗi sợ mơ hồ nào đó về chiếc bong bóng…

*

Sau đêm ấy, dường như giữa y và nàng có một khoảng cách rất xa lạ. Mặc dù mọi thứ đã trở nên gần gũi hơn rất nhiều, y có thể đến với nàng bất kỳ giờ nào và y lấy làm lạ là ở tuổi của nàng, tưởng chừng như mọi thứ thanh xuân đã trôi, nhưng không, nàng như một chén trà khô chưa bao giờ được pha chế. Và mọi hương thơm của chén trà ấy được đánh thức một cách mãnh liệt, đặc quánh. Nhưng, y lại cảm thấy trong cái gần gũi và mãnh liệt ấy, có một thứ mầm ly biệt, khó nói, y có cảm giác chiếc bong bóng bọc cuộc đời nàng trở nên xơ cứng và lạnh lẽo, nó cũng giống như chiếc bong bóng của cuộc đời y trở nên trơ lạnh và thi thoảng, có âm của tuyết rơi.

“Con mèo, nó trở về, và…”

“Em thấy đó, anh nói đâu có sai. Nó sẽ về!”

“Nhưng em đã chôn nó. Nó hình như về mấy ngày rồi, nằm sau bụi chuối, có vài vết máu”.

“Chắc là đi tranh nhan sắc với mấy con còn trẻ, khỏe!”

“Chắc là vậy, tuổi già rồi, dù có động cỡn cỡ nào cũng phải đổ gục thôi!” Nàng nói xong và dường như quên mất mình vừa nói gì, nàng vục đầu vào ngực y và bắt đầu hôn. Mãi cho đến lúc trên người y và nàng không còn mảnh vải, nàng từ từ đưa y vào. Y, thay vì hân hoan hay xúc động, y lại thấy sợ hãi mơ hồ, về một điều gì đó. Ánh sáng nhợt nhạt chiếu qua liếp cửa, một liếp cửa hình những thanh tre đan vào nhau như một tấm phên tre nhưng kỳ thực nó được làm bằng những thanh sắt và sơn màu giống hệt tre khô. Vườn hoa cải không còn nhưng phòng nàng lúc nào cũng ngào ngạt mùi dầu hoa cải cùng với bức tranh lớn vạt hoa cải dán trên tường, một chút ánh sáng đánh nhẹ trên bề mặt bức tranh luôn cho cảm giác đang ngồi bên vườn cải, trong một chiều xuân nào đó.

*

“Anh xin lỗi, anh hỏi không phải! Người ấy là ai?”

Nàng lắc đầu.

“Lẽ nào? Em không thể chia sẻ với anh sao?”

Nàng lại lắc đầu.

“Người ấy đang chu du ở một quốc gia nào đó hay sao?”

Nàng tiếp tục lắc đầu và choàng vội chiếc khăn vào người. Y cảm nhận tiếng khò khè trong lồng ngực nàng. Nàng nói yếu ớt với y rằng nàng sẽ tiếp tục chờ đợi.

“Nhưng em chờ đợi điều gì?”

Nàng lại lắc đầu, lần này, nàng lắc đầu rất mệt nhọc, vẻ mệt nhọc của nàng hiện rõ trên gương mặt nhợt nhạt và tái xanh.

*

Y gọi cấp cứu.

*

Nàng đã có di chúc, mọi thứ nàng có dành cho em của nàng, riêng chiếc điện thoại thông minh thì dành cho y. Hôm làm lễ mở cửa mả cho nàng, y mở tin nhắn Facebook. Có một dãy tin chờ, từ một đứa trẻ hình như chưa đầy mười lăm tuổi. Mà cũng có thể là hình ảo của một ai đó. Tin nhắn kể với nàng về những cuộc rong chơi qua các nước. Y đọc thật kỹ và nhận ra đây là một đứa trẻ mồ côi, đang sống với người bà ở Bắc Kinh. Cha mẹ cậu bé thuộc vào diện giàu nhất nhì xứ Hương Cảng, đã mất trong một vụ tai nạn xe hoặc có thể là vụ thanh toán nào đó. Cậu nói tiếng Việt khá rành vì từng ở Việt Nam nhiều lần, nếu cộng hết thời gian lưu trú xứ này, chắc có khi chiếm mất một phần ba tuổi trên gương mặt.

Y nổi da gà với tin nhắn bằng âm thanh, hình như là tin cuối của cậu bé “Cô ơi, con vẫn chờ đợi cô. Chỗ này buồn lắm, con đã cách ly ngày thứ mười ba. Người ta hình như không còn là loài người. Có vẻ như tay chân con nhích không nổi nữa!” Y cảm thấy có thứ gì đó đè nặng lên lồng ngực của y, bởi Trung Hoa Đại Lục đang mùa dịch phổi, người chết la liệt và có thể, những cuộc trò chuyện của nàng với cậu bé mà nàng cất công chờ đợi mấy mươi năm nay cũng đang nằm trong một chiếc smartphone nào đó, lẻ loi giữa một mớ điện thoại thông minh nằm chất đống, mệt nhoài và la liệt ngoài hành lang nhà hỏa táng. Tự dưng, y trào nước mắt và khóc rấm rứt. Y chưa bao giờ khóc như vậy!

Gửi ý kiến của bạn
Vui lòng nhập tiếng Việt có dấu. Cách gõ tiếng Việt có dấu ==> https://youtu.be/ngEjjyOByH4
Tên của bạn
Email của bạn
)
Biển đêm như vô thức một màu đen mênh mông, nhưng biển chứa toàn bộ lịch sử con người từ lúc còn là tế bào phôi sống cho đến khi biến thành DNA, rồi từ thú vật tiến lên con người. Lịch sử đó đầy ngập dữ liệu nhưng chôn sâu dưới đáy nước. Hồi tưởng chỉ là những con sóng nổi dập dìu, cho dù sóng lớn dữ dằn trong bão tố vẫn không mang được hết đáy nước lên trên mặt. Vì vậy, biển lúc nào cũng bí mật. Vô thức cũng bí mật. Càng gây thêm khó khăn để chứng minh sự thật vì vô thức có khả năng biến đổi dữ liệu hồi tưởng. Chỉ những người thiếu bản lãnh mới tin vào trí nhớ của mình và của người khác. Nhưng toàn bộ nhân loại sống và tạo ra ý nghĩa hầu hết dựa vào bộ nhớ. Một số ít người hiểu rõ điều này, nhưng không làm gì khác hơn, vì hồi tưởng tự động và tự nhiên xuất hiện dù không đầy đủ, kể cả, khi con người kêu gọi ký ức đến, nó cũng đến trên xe lăn, hoặc chống nạn, hoặc bò lết như kẻ tàn tật.
Chiến tranh là một nỗi đau dằn vặt của nhân loại vì không ai muốn nó xảy ra, nhưng chiến tranh vẫn cứ xảy đến như một điều kiện cần thiết biện minh cho sự tồn tại của thế giới con người. Ngày Ba mươi tháng 4 năm 1975 là một cột mốc đánh dấu một biến cố chính trị trong lịch sử chính trị thế giới, ngày cuộc chiến tranh Việt Nam (1954-1975) chấm dứt.
Năm mươi năm nhìn lại, sau ngày 30 tháng 04, 1975, cái dấu mốc lịch sử đau thương của đất nước Việt Nam, nói chung, và người dân miền Nam nói riêng. Sự thật lịch sử về ngày này đã được phơi bày rõ ràng trên mọi phương tiện truyền thông, tin tức, và trong thế giới sử. Ai cũng đã rõ, phe thắng trận, sai, phe thua trận, đúng. Điều này không cần bàn cãi nữa; cho dù kẻ chiến thắng cố tình viết lại lịch sử Việt Nam theo ý mình khi sức mạnh của họ nằm trên nòng súng. Phe thua cuộc lại là phe thắng được nhân tâm.
Tháng Tư chuếnh choáng. Say chẳng phải vì rượu dẫu chỉ nhấp môi hoặc thậm chí trong đám bạn có kẻ chẳng uống giọt nào. Nhưng họ vẫn say như thường. Những hồi ức tháng Tư lần lượt xuất hiện như một chất men nhưng không thể làm người ta quên mà chỉ là giây phút hiếm hoi nhắc nhớ để rồi quên. Quên tạm thời nỗi niềm chất chứa mà không làm sao quên hẳn.
Hai tên đeo băng đỏ đưa tôi đến một căn nhà nằm trên đường Tôn Thất Thuyết. Nay mới biết là cơ sở kinh tài của Việt Cộng. Vào bên trong, tôi thấy có một số người bị bắt trước ngồi trên băng ghế đặt ở góc một phòng lớn rộng rãi. Họ ngước mắt nhìn tôi có vẻ ái ngại. Tôi biết những người ngồi đó là thành phần đặc biệt nằm trong danh sách tìm bắt của chúng. Nhìn họ, tôi thấy mấy người quen quen. Hình như họ là viên chức Chính Phủ trong tỉnh. Tôi được đưa đến ngồi cạnh họ. Tất cả đều im lặng, không ai nói với ai lời nào ngay cả khi bất chợt nhìn thấy tôi. Có lẽ im lặng để che đậy cái lý lịch của mình, làm như không quen biết nhau, nếu có khai láo cũng không liên lụy đến người khác.
Trong cuộc đời, ắt hẳn bạn đã nhiều lần bước trên lối mòn giữa một cánh đồng cỏ hay trong một khu rừng? Thoạt đầu, lối mòn ấy cũng đầy hoa hoang cỏ dại như chung quanh, nhưng những bước chân người dẫm lên qua ngày tháng đã tạo thành một con đường bằng phẳng. Ký ức chúng ta cũng tương tự như lối mòn ấy. Những trải nghiệm với cảm xúc mạnh mẽ trong quá khứ được nhớ đi nhớ lại như những bước chân đi trên lối mòn góp phần hình thành ký ức, và cả con người chúng ta. Người Mỹ gọi loại ký ức này là “core memory” mà ta có thể dịch ra Việt ngữ là ký ức cốt lõi. Với tôi, ký ức cốt lõi ấy là những gì xẩy ra cho tôi và gia đình trong quãng thời gian kể từ khi thị xã Ban Mê Thuột thất thủ ngày 12 tháng Ba năm 1975, kéo theo sự sụp đổ của miền Nam Việt Nam chưa đến bẩy tuần sau đó. Tôi vẫn nhớ, và nhớ rất rõ.
Vốn là một quân nhân, sau khi triệt thoái từ miền Trung về Saigon, tôi được bổ xung cho một đơn vị pháo binh đang hành quân ở vùng Củ Chi, Tỉnh Tây Ninh, yểm trợ sư đoàn 25 Bộ BinhB. Khoảng ba tuần trước khi mất nước tôi bị thương ở chân. Nằm trong quân y viện Tây Ninh vài ngày, bác sĩ cho về nhà dưỡng thương một tháng ở Saigon.
Ngày xưa, thông thường, chồng của cô giáo được gọi là thầy, cũng như vợ của thầy giáo được gọi là cô. Cho dù người chồng hoặc vợ không làm việc trong ngành giáo dục. Nhưng trường hợp cô giáo tôi, cô Đỗ Thị Nghiên, trường Nữ Tiểu Học Quảng Ngãi thì khác. Chồng của cô, thầy Nguyễn Cao Can, là giáo sư dạy trường Nữ Trung Học Quảng Ngãi. Cô Đỗ Thị Nghiên dạy lớp Bốn, trường Nữ Tiểu Học. Trong mắt nhìn của tôi, của con bé mười tuổi thuở ấy, cô Nghiên là một cô giáo rất đặc biệt. Cô nói giọng bắc, giọng nói trầm bổng, du dương. Tóc cô ngắn, ôm tròn khuôn mặt. Da cô trắng nõn nà. Có lần ngoài giờ học, trên đường phố của thị xã Quảng Ngãi, tôi thấy hai vợ chồng thầy Can, cô Nghiên đèo nhau trên xe gắn máy. Cô mặc jupe, mang kính mát, ngồi một bên, tréo chân, khép nép dựa vai thầy. Ấn tượng để lại trong trí của con bé tiểu học là hình ảnh của đôi vợ chồng sang trọng, thanh lịch, tân thời, cùng mang thiên chức cao cả: dạy dỗ lũ trẻ con nên người.
Tháng Tư này tròn 50 năm biến cố tang thương của miền Nam Việt Nam, những người Việt hải ngoại, đời họ và thế hệ con cháu đã trưởng thành và thành công trên xứ người về mọi mặt học vấn cũng như công ăn việc làm. Họ đang hưởng đời sống ấm no tự do hạnh phúc đúng nghĩa không cần ai phải tuyên truyền nhồi sọ. Nhưng trong lòng họ vẫn còn bao nhiêu kỷ niệm thân thương nơi chốn quê nhà.
Có một buổi trưa, hai đứa đang thưởng thức bò bía, đậu đỏ bánh lọt ở chùa Xá Lợi, góc Bà Huyện Thanh Quan và Ngô Thời Nhiệm (?), thì gặp một "cái bang". Đầu đội khăn rằn, đeo mắt kiếng cận nặng, cổ quấn vài ba chiếc khăn đủ màu và ông còn dẫn theo hai con chó, vừa đi vừa múa tay múa chân như người say rượu. Chừng như ông không cần thấy ai, chung quanh chỉ có ông và hai con chó. Người đàn ông "cái bang" đó là nhà thơ, nhà văn, nhà biên khảo nổi tiếng của Việt Nam: Bùi Giáng. Hai con chó vừa đi vừa sủa vang, khiến một số nữ sinh Gia Long đang đứng quanh xe bò bía, vội vã chạy né qua bên kia đường. T
Một ngày nọ, ngài gặp một bà mẹ, bà ôm một đứa con vừa mất vừa đi vừa khóc lóc thảm thiết, ai cũng mũi lòng thương, thông cảm vì mất con là nỗi đau khổ nhứt trong cuộc đời… người ta mách bảo là bà nên gặp Sa Môn Cồ Đàm, bà sung sướng bế con đã mất đi ngay và gặp phật, xin phật dùng phép thần thông cứu sống con bà. Xung quanh phật, các tì kheo đang ngồi cầu nguyện cho chúng sanh được giải thoát và cũng cầu nguyện cho các chúng sanh còn tại thế sẽ may mắn mà gặp được giáo pháp của Như Lai. Rồi người mẹ đau khổ cũng được gặp phật.
Cuối tháng Ba, những cơn gió nóng tràn về thành phố. Một hai trận mưa lạc loài đến sớm rồi thôi. Không khí ngột ngạt. Mùi đất nồng khó chịu. Như một cô gái uể oải trong cơn bệnh, thành phố trông mệt mỏi, rạc rời. Đoan đi vào Câu lạc bộ của trường. Bình thường, cứ đến thứ Sáu là không khí chuẩn bị cho chiều văn nghệ thứ Bảy lại nhộn nhịp. Nhưng hôm nay, như có một cái gì kéo mọi thứ chùng xuống. Chị Thuận, người phụ trách Câu lạc bộ, mỉm cười khi thấy Đoan, nhưng là một nụ cười kém tươi. Chị vẫn câu chào hỏi thường lệ: “Em uống gì không?” “Dạ, chị cho em nước chanh.” Chị Thuận pha ly nước chanh đặc biệt, nóng, ít đường, mang đến để trước mặt Đoan, và kéo ghế ngồi xuống bên Đoan. Hình như không có gì để bắt chuyện, chị Thuận nhìn ra sân, nói nhỏ:
NHẬN TIN QUA EMAIL
Vui lòng nhập địa chỉ email muốn nhận.