Vào năm 2024, nhiều người ở Trung Quốc đã trở thành nạn nhân của những vụ sát hại bí ẩn trên đường phố. Riêng trong tháng 11, hai vụ việc nghiêm trọng đã xảy ra. Ngày 11/11, một người đàn ông ngoài 60 tuổi đã lái chiếc SUV lao vào đám đông, giết chết 35 người vô tội trước sân vận động thể thao ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông. Năm ngày sau, vào 16/11, một thanh niên 21 tuổi đã đâm chết tám người trong một vụ tấn công bằng dao tại trường dạy nghề cũ ở Vô Tích, miền đông Trung Quốc.
Nguyên nhân bên ngoài của những vụ tấn công này được cho là "trả thù cá nhân", nhưng những phân tích sâu xa hơn lại bị ngăn chặn. Cơ quan kiểm duyệt Trung Quốc nhanh chóng xóa bỏ các bài viết bàn về sự kiện này trên Weibo và WeChat, trong khi các biểu tượng thương tiếc như vòng hoa và nến cũng bị dọn dẹp nhanh chóng.
Điều thú vị là một tuyên bố rõ ràng hiếm hoi đã đến từ cấp cao nhất giữa lúc hoạt động kiểm duyệt đang diễn ra rộng rãi. Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt nhấn mạnh đến các nhà lãnh đạo địa phương: “Ở mọi nơi, chính quyền phải rút kinh nghiệm từ trường hợp này, tăng cường kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro ngay từ gốc rễ của vấn đề.”
Việc Chủ tịch nhanh chóng đưa ra tuyên bố khiến người ta tưởng rằng vấn đề có thể xuất phát từ những nguyên nhân sâu xa hơn, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp cao trong giới trẻ và hệ thống phúc lợi yếu kém. Nhưng thật ra, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc đang ngầm khẳng định rằng trách nhiệm và gánh nặng giải quyết vấn đề này thuộc về chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là có thể tăng cường kiểm soát đến mức nào đối với một dân số vốn đã được giám sát chặt chẽ? Việc chặn các trang web nước ngoài, kiểm duyệt bài đăng và đình chỉ tài khoản người dùng là việc diễn ra hàng ngày. Ngoài ra, chế độ này còn có đội ngũ chiến binh mạng và tin tặc chuyên phát tán thông tin sai lệch, cả bên trong và bên ngoài tường lửa kỹ thuật số của Trung Quốc.
Trung Quốc đã tăng cường kiểm duyệt internet kể từ khi chính sách "Zero Covid" được thi hành trong đại dịch. Các yêu cầu cách ly và mã QR y tế khiến người dân đối mặt với sự giám sát nghiêm ngặt. Dù chính sách này đã bị bãi bỏ sau những cuộc biểu tình cuối năm 2022, việc kiểm soát kỹ thuật số vẫn tiếp tục được tăng cường.
Bên cạnh đó kế hoạch xây dựng hệ thống tín dụng xã hội quốc gia của chính quyền Trung Quốc từ lâu đã được coi là ví dụ kinh hoàng về một xã hội giám sát kỹ thuật số, nơi công dân được đánh giá qua chấm điểm, qua đó công dân và công ty sẽ bị trừng phạt hoặc khen thưởng qua hành động của họ.
Một số các nhà nghiên cứu chính trị đã nghiên cứu xem chính xác cách thức kiểm soát internet ảnh hưởng thế nào đến người dân Trung Quốc. Câu hỏi chính là mức độ quản lý các cuộc thảo luận trực tuyến bảo vệ hệ thống chính trị như thế nào và cách nhà nước sử dụng Internet để "quản lý, kiểm soát và điều chỉnh những khác biệt trên thực tế nhằm mục đích duy trì chế độ".
Trong khi ngành thương mại điện tử do Trung Quốc điều hành trên Temu và các nền tảng kỹ thuật số như Wechat và Bytedance/Tiktok đang tạo ra lợi nhuận kinh tế, và chatbot AI Deepseek hiện đang gặt hái những thành công tuyên truyền cho chế độ Trung Quốc, thì phần lớn trong số 1,1 tỷ người dùng internet của Trung Quốc không thể truy cập vào các trang web nước ngoài như Google hoặc Facebook.
Từ năm 2015 đến 2024, số người dùng Internet tại Trung Quốc đã tăng thêm 432 triệu. Trong số đó, 78% tìm kiếm thông tin chính trị hàng ngày, 76% nhận thức rõ sự thao túng dư luận qua các bài đăng ủng hộ chính quyền, và 83% đã đọc các bài chỉ trích chính quyền địa phương trước khi bị chỉnh sửa. Trong khi đó, chính quyền trung ương ở Bắc Kinh ít bị phản đối hơn, cho thấy kiểm duyệt ưu tiên loại bỏ các chỉ trích nhắm vào họ.
Mạng xã hội hiện là nguồn thông tin quan trọng, dù chủ yếu được sử dụng cho mục đích phi chính trị. Tuy nhiên, người dùng mạng xã hội thường quan tâm đến chính trị hơn so với những người không sử dụng. Dù vậy, họ nhìn chung không ủng hộ việc chống lại chính quyền.
Việc tiếp cận thông tin không bị kiểm duyệt từ bên ngoài có ảnh hưởng đến thảo luận chính trị trong nước hay không? Nghiên cứu cho thấy 80% người tham gia gặp khó khăn khi tìm kiếm nội dung nước ngoài và không biết về sự tồn tại của tường lửa. Tuy nhiên, truy cập Internet qua VPN có liên quan đến mức độ tin tưởng thấp hơn đối với cả chính quyền địa phương lẫn trung ương. Đáng chú ý, những người am hiểu công nghệ và có học vấn cao thường chỉ trích chính quyền nhiều hơn nhưng không có mong muốn thay đổi hệ thống chính trị.
Nghiên cứu cũng cho thấy mạng xã hội đóng vai trò truyền tải thông tin bất đồng chính kiến, nhưng chính quyền trung ương có thể chuyển hướng các chỉ trích có hệ thống sang mục tiêu khác. Ngay cả khi dư luận trực tuyến bị thao túng, sự phẫn nộ trong xã hội vẫn là có thật. Thay vì dập tắt bất mãn, chính quyền chỉ chuyển hướng nó khỏi Bắc Kinh, tạo cảm giác tự do khi chỉ trích chính quyền địa phương mà không lo bị trả đũa.
Phát biểu của Chủ tịch Tập Cận Bình sau vụ thảm sát Chu Hải phản ánh chiến lược này: ông cho rằng chỉ trích chính quyền địa phương là hợp lý và cần thiết. Ông cũng đề cập đến “kinh nghiệm Fengqiao” – một mô hình kiểm soát xã hội giúp duy trì ổn định. Tuy nhiên, nếu mô hình này được áp dụng rộng rãi, nó có thể tạo ra một cuộc khủng hoảng giống như thời kỳ đại dịch.
Khi chính quyền địa phương bị buộc phải gia tăng kiểm soát để duy trì trật tự, các chỉ thị từ trung ương có thể trở nên khắc nghiệt hơn, làm gia tăng nguy cơ phản kháng xã hội. Trong bối cảnh nền kinh tế suy thoái, vòng xoáy này có thể trở thành một cuộc khủng hoảng không thể tránh khỏi, nơi trách nhiệm luôn đổ lên chính quyền địa phương, trong khi quyền lực tối cao vẫn đứng ngoài mọi chỉ trích.
Vậy thì mạng xã hội và các nền tảng trực tuyến không chỉ là kênh thông tin mà còn đóng vai trò trong chiến lược kiểm soát dư luận của chính quyền Trung Quốc. Chính quyền sử dụng kiểm duyệt và các thuật toán để chuyển hướng sự bất mãn khỏi trung ương, khuyến khích chỉ trích ở cấp địa phương và bảo vệ hình ảnh của chính quyền cao nhất.
Nguyên Hòa tổng hợp
Gửi ý kiến của bạn