
Hình ảnh mô phỏng góc nhìn bán cầu Bắc của Kim tinh, được tạo dựng từ dữ liệu do phi thuyền Magellan của NASA thu thập. (Nguồn: NASA/JPL)
Là một hành tinh đá có kích thước tương đương Địa cầu với nhiệt độ bề mặt lên đến 1,000 độ Fahrenheit (khoảng 537 độ C), Kim tinh từ lâu đã được mệnh danh là “chị em song sinh đáng sợ” của Địa cầu. Biệt danh này xuất phát từ ý kiến phổ biến cho rằng Kim tinh có thể từng được bao phủ bởi các đại dương, giống như Địa cầu.
Tuy nhiên, một nhóm nhà thiên văn học tại Đại học Cambridge vừa đưa ra kết luận ngược lại: Kim tinh có thể chưa bao giờ có đại dương. Nghiên cứu mới được công bố trên tạp chí Nature Astronomy, có thể sẽ làm thay đổi cách chúng ta tìm kiếm sự sống ngoài không gian.
Tereza Constantinou, nghiên cứu sinh Tiến sĩ tại Viện Thiên văn học của Cambridge và là tác giả chính của nghiên cứu, chia sẻ với tờ Guardian: “Phát hiện này không bác bỏ hoàn toàn việc có sự sống trên Kim tinh, mà chỉ loại trừ việc có dạng sự sống giống như trên Địa cầu.”
Hiện nay, bề mặt của Kim tinh là một trong những môi trường khắc nghiệt nhất từng được biết đến. Nhiệt độ trên hành tinh này đủ để khiến chì nóng chảy, áp suất không khí thì cao gấp 100 lần Địa cầu, và bầu khí quyển chứa đầy những đám mây axit sulfuric độc hại. Để giải thích vì sao Kim tinh trở nên khắc nghiệt như hiện tại, các khoa học gia đã đưa ra hai giả thuyết: phiên bản “ẩm” và phiên bản “khô.”
Cả hai giả thuyết đều cho rằng Kim tinh có khởi đầu là một “biển magma” – lớp bề mặt nóng chảy. Nhưng giả thuyết “ẩm” cho rằng hành tinh này từng hạ nhiệt và hình thành đại dương, còn giả thuyết “khô” khẳng định rằng Kim tinh chưa bao giờ có nước.
Constantinou giải thích; “Cả hai giả thuyết trên đều dựa trên các mô hình khí hậu. Chúng tôi muốn đi theo một hướng khác, dựa trên các quan sát về thành phần hóa học bầu khí quyển của Kim tinh hiện tại.”
Nhóm nghiên cứu đã tập trung vào việc phân tích bầu khí quyển của Kim tinh, và nhận thấy rằng các chất mất đi từ bầu khí quyển liên tục được bổ sung bởi hoạt động núi lửa. Từ đó, họ có thể suy ra các loại khí thải từ các vụ phun trào núi lửa, và từ đó đưa ra kết luận về cấu tạo bên trong hành tinh.
Nếu Kim tinh từng có nước (kịch bản ẩm), nước sẽ được giữ bên dưới bề mặt hành tinh, và hiện tại vẫn phải thoát ra khí quyển thông qua các vụ phun trào núi lửa. Tuy nhiên, kết quả phân tích cho thấy điều ngược lại: các vụ phun trào núi lửa trên Kim tinh chỉ chứa tối đa 6% hơi nước, trong khi trên Địa cầu, con số này là hơn 60%.
Constantinou cho biết: “Thành phần hóa học bầu khí quyển cho thấy các vụ phun trào núi lửa trên Kim tinh thải ra rất ít nước. Điều này phù hợp với giả thuyết rằng Kim tinh có một bề mặt khô hạn từ lâu và chưa bao giờ là một hành tinh có thể sống được.”
Tuy nhiên, Frank Mills, khoa học gia về hành tinh tại Đại học Quốc gia Úc, không tham gia vào nghiên cứu, cho biết ông chưa hoàn toàn bị thuyết phục bởi kết quả này. Trong một bài phỏng vấn với đài ABC của Úc, Mills giải thích rằng hiện chưa có sự đồng thuận trong giới khoa học về lịch sử đại dương của Kim tinh. Dù vậy, hầu hết các nhà nghiên cứu vẫn nghiêng về giả thuyết Kim tinh từng có nước, nên ông cần thêm những bằng chứng thuyết phục hơn.
Thực tế, Constantinou cho biết cuộc tranh luận về kịch bản “ẩm hay khô” của Kim tinh sẽ không được giải quyết dứt điểm cho đến khi chúng ta gửi các tàu thăm dò đến hành tinh này. May mắn thay, NASA đã lên kế hoạch cho sứ mệnh DaVINCI vào năm 2030. Sứ mệnh này dự kiến sẽ thực hiện các chuyến bay ngang qua Kim tinh và đưa một tàu thăm dò vào bầu khí quyển của hành tinh. Các nhà nghiên cứu hy vọng tàu thăm dò này có thể chịu được điều kiện khắc nghiệt trên Kim tinh đủ lâu để thu thập thông tin về bề mặt hành tinh.
Trong khi đó, dựa vào giả thuyết Kim tinh từng có nước, các khoa học gia vẫn dùng Kim tinh và Địa cầu làm thí dụ cho những hành tinh có thể sống được trong không gian. Ngoài ra, Kim tinh nằm ngay rìa “vùng sống được” – khu vực xung quanh một ngôi sao mà nhiệt độ của hành tinh vừa đủ để nước lỏng tồn tại trên bề mặt, có thể chứa được sự sống.
Điều này có nghĩa là, kết quả nghiên cứu không chỉ thách thức hiểu biết của chúng ta về lịch sử địa chất của Kim tinh, mà còn thay đổi phần nào cách các khoa học gia tìm kiếm sự sống ngoài hành tinh.
Constantinou chia sẻ: “Nếu Kim tinh từng có thể sống được, thì có nghĩa là những hành tinh khác mà chúng ta đã phát hiện cũng có thể sống được. Nhưng nếu Kim tinh chưa từng có sự sống, thì các hành tinh giống Kim tinh ở nơi khác cũng khó tồn tại sự sống hơn.”
Bà nói thêm rằng: “Chúng tôi đã rất muốn thấy rằng Kim tinh từng là một hành tinh giống Địa cầu hơn. Nên cũng thấy buồn khi biết là không phải.” Dù vậy, bà khẳng định rằng phát hiện này sẽ giúp tập trung hơn vào “những dạng sự sống giống như chúng ta đã biết.”
Nguồn: “Did Venus Have Oceans? This Surprising New Study Suggests Not, a Theory That Could Upend the Search for Extraterrestrial Life” được đăng trên trang Smithsonianmag.com.
Gửi ý kiến của bạn