Vào ngày 27 tháng 12 năm ngoái, với viễn vọng kính ATLAS ở Chile, các nhà thiên văn học đã phát hiện một tiểu hành tinh (asteroid) đang di chuyển ra xa Địa cầu. Tiểu hành tinh này được đặt tên là 2024 YR4, được phát hiện chỉ vài ngày sau khi “lang thang” đến khá gần Địa cầu. Nhưng sau khi quan sát thêm, họ phát hiện 2024 YR4 đang đi theo quỹ đạo có thể khiến nó va chạm với Địa cầu vào ngày 22 tháng 12 năm 2032.
Nói cách khác, tiểu hành tinh vừa được phát hiện có thể là một mối đe dọa lớn đối với hành tinh của chúng ta.
Nghe có vẻ như kịch bản trong một bộ phim Hollywood về thiên tai, thảm họa, nhưng thật ra không có gì phải hoảng sợ – bởi vì sống trên Địa cầu vốn cũng giống như sống giữa một “trường bắn vũ trụ,” nơi mà những vụ va chạm thiên thể là một phần tự nhiên của lịch sử hành tinh chúng ta.
Vậy câu chuyện về 2024 YR4 là gì? Chúng ta đã biết gì về nó? Và nếu tiểu hành tinh này thực sự va chạm với Địa cầu, hậu quả sẽ ra sao?
Địa cầu giữa “trường bắn vũ trụ”
Trong hành trình quay quanh Mặt trời, Địa cầu liên tục gặp phải bụi và mảnh vỡ có từ thời kỳ sơ khai của Thái Dương hệ. Thái Dương hệ đầy rẫy những mảnh thiên thể như vậy, và những vệt sao băng hay quả cầu lửa mà ta thấy hàng đêm là minh chứng cho việc không gian xung quanh chúng ta thực sự “đông đúc.”
Tuy nhiên, hầu hết các mảnh vỡ đều quá nhỏ để có thể gây ảnh hưởng đến Địa cầu. Những thiên thể lớn hơn, có thể gây nguy hiểm đến sự sống trên Địa cầu, thì lại ít gặp hơn nhiều.
Một trong những vụ va chạm nổi tiếng nhất trong lịch sử hành tinh xảy ra khoảng 66 triệu năm trước. Khi đó, một thiên thể khổng lồ có đường kính ít nhất 10 km đã lao xuống Địa cầu. Hậu quả là một cuộc đại tuyệt chủng khiến 75% sinh vật trên hành tinh biến mất, trong đó có loài khủng long.
May mắn thay, những vụ va chạm có quy mô hủy diệt như vậy rất hiếm. Các nghiên cứu hiện nay ước tính rằng những thiên thể cỡ lớn như thiên thể đã xóa sổ loài khủng long chỉ rơi xuống Địa cầu khoảng mỗi 50 triệu năm một lần. Tuy nhiên, những vụ va chạm nhỏ hơn vẫn diễn ra thường xuyên hơn, và chúng ta vẫn chưa biết chắc khi nào Địa cầu sẽ hứng chịu một tác động lớn tiếp theo.
Một thí dụ nổi bật là sự kiện Tunguska vào ngày 30 tháng 6 năm 1908. Một vụ nổ khổng lồ đã làm rung chuyển khu vực thưa dân ở Siberia. Khi các nhà thám hiểm đến nơi, họ phát hiện ra toàn bộ khu rừng đã bị san phẳng, với cây cối bị đổ theo nhiều hướng, tất cả đều chĩa về phía tâm vụ nổ.
Tổng diện tích bị ảnh hưởng lên tới khoảng 2,200 km vuông – tương đương với diện tích của thành phố Sydney, Úc. Do khu vực này rất hẻo lánh, nên số người thiệt mạng ước tính chỉ khoảng ba người.
Hiện nay, các khoa học gia vẫn chưa có con số chính xác về tần suất xảy ra những vụ va chạm kiểu này. Một số chuyên gia cho rằng những sự kiện tương tự có thể xảy ra trung bình mỗi thế kỷ một lần, một số ý kiến khác lại cho rằng tần suất có thể lên đến một lần mỗi 10,000 năm.
Một trong những vụ va chạm thiên thể đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây đã thu hút sự chú ý của toàn thế giới. Ngày 15 tháng 2 năm 2013, một tiểu hành tinh có đường kính khoảng 18 mét đã phát nổ trên bầu trời thành phố Chelyabinsk, Nga.
Vụ nổ xảy ra ở độ cao khoảng 30 km so với bề mặt Địa cầu, tạo ra một sóng lực (shock-wave) cực mạnh cùng với một luồng ánh sáng chói lóa. Sức ép từ vụ nổ đã làm vỡ cửa kính của hàng ngàn tòa nhà, khiến hơn 1,500 người bị thương. May mắn là không có ai thiệt mạng.
Sự kiện này là một lời nhắc nhở rằng Địa cầu sẽ tiếp tục hứng chịu những vụ va chạm thiên thể trong tương lai. Vấn đề chỉ là sớm hay muộn.
Và điều đó đưa chúng ta đến một ứng viên mới nhất trong danh sách những thiên thể có thể đe dọa Địa cầu – tiểu hành tinh 2024 YR4.
Xác suất va chạm là 1 trên 77
Trong hơn một tháng qua, 2024 YR4 đã được theo dõi sát sao. Tiểu hành tinh này được phát hiện chỉ vài ngày sau khi di chuyển đến khá gần Địa cầu. Tuy nhiên, ngay sau đó, 2024 YR4 di chuyển ra xa dần, tiến sâu vào khoảng không tối tăm của Thái Dương hệ. Theo tính toán, đến tháng 4 năm nay, ngay cả những viễn vọng kính lớn nhất thế giới cũng không thể quan sát được nữa.
Dựa trên dữ liệu thu thập được, các nhà thiên văn học đã tính toán quỹ đạo của 2024 YR4 trong Thái Dương hệ. Kết quả cho thấy vào ngày 22 tháng 12 năm 2032, thiên thể này sẽ bay rất gần Địa cầu – và thậm chí có thể va chạm với hành tinh của chúng ta.
Theo các mô hình tính toán hiện tại, vị trí của 2024 YR4 vào thời điểm đó có sai số khoảng 100,000 km. Với đường kính khoảng 12,000 km, Địa cầu vẫn nằm trong vùng không chắc chắn đó.
Ước tính xác suất 2024 YR4 va chạm với Địa cầu vào năm 2032 là khoảng 1 trên 77 – nghĩa là vẫn có 76 trên 77 cơ hội tiểu hành tin này lướt qua chúng ta mà không gây ảnh hưởng gì.
Khi nào chúng ta sẽ biết chắc chắn?
Mỗi quan sát mới về 2024 YR4 đều giúp các khoa học gia cải thiện mô hình dự đoán quỹ đạo – đây là lý do tại sao những ước tính về khả năng va chạm liên tục thay đổi. Trong vài tháng tới, khi có thêm dữ liệu, chúng ta sẽ có dự đoán chính xác hơn. Nhưng có lẽ phải chờ đến tháng 12 năm 2028, khi 2024 YR4 bay cách Địa cầu khoảng 8 triệu km, thì các nhà thiên văn học mới có thêm dữ liệu để xác định chính xác liệu va chạm có xảy ra vào năm 2032 hay không.
Hậu quả sẽ thế nào nếu xảy ra va chạm?
Hiện tại, chúng ta chưa biết chính xác kích thước của 2024 YR4. Ngay cả khi sử dụng những viễn vọng kính lớn nhất trên Địa cầu, thiên thể vẫn chỉ xuất hiện như một chấm nhỏ trên bầu trời. Do đó, cách duy nhất để ước tính kích thước là dựa vào độ sáng phản xạ từ bề mặt. Dựa vào độ sáng, ước tính cho thấy thiên thể này có đường kính từ 40 đến 100 mét.
Nhưng mức độ tàn phá của một vụ va chạm không chỉ phụ thuộc vào kích thước mà còn vào thành phần cấu tạo của tiểu hành tinh.
Nếu 2024 YR4 là một khối đá hoặc tập hợp các mảnh vỡ rời rạc, vụ va chạm có thể tương tự như sự kiện Tunguska năm 1908. Khi tiến vào bầu khí quyển, thiên thể sẽ nổ tung trên bầu trời, tạo ra sóng lực đủ mạnh để san bằng một thành phố lớn.
Nếu đó là một khối kim loại, mức độ tàn phá sẽ còn nghiêm trọng hơn. Thiên thể có thể không phát nổ trong khí quyển mà lao thẳng xuống bề mặt Địa cầu, tạo ra một cái hố khổng lồ giống như Meteor Crater ở Arizona.
Dù theo kịch bản nào, tác động của vụ va chạm sẽ chủ yếu diễn ra trong khu vực bị ảnh hưởng, chứ không có quy mô đủ lớn để gây ra thảm họa toàn cầu.
Sống trong một thời đại phi thường
Nghe có vẻ như một viễn cảnh đầy bi quan và đáng sợ. Chúng ta đều biết rằng Địa cầu rồi sẽ phải đối mặt với các vụ va chạm – có thể là từ tiểu hành tinh 2024 YR4, hoặc một thiên thể khác. Nhưng giữa những lo lắng đó, vẫn có một điều tích cực mà chúng ta cần ghi nhớ.
Trong suốt hơn 3 tỷ năm, sự sống trên Địa cầu đã nhiều lần đối mặt với các vụ va chạm thiên thể khủng khiếp, bị hủy diệt nhiều lần. Tuy nhiên, theo hiểu biết của chúng ta, cho đến nay, chưa từng có loài sinh vật nào có thể đoán trước được nguy cơ, phát hiện sớm các mối đe dọa tiềm ẩn và thậm chí hành động để đối phó.
Trong những năm gần đây, các nhà thiên văn học đã phát hiện 11 tiểu hành tinh trước khi chúng va chạm với Địa cầu. Không chỉ có thể phát hiện, chúng ta còn tính toán chính xác điểm rơi của những thiên thể này và theo dõi cẩn thận từng vụ va chạm để hiểu rõ hơn về tác động của chúng.
Sứ mệnh DART (Double Asteroid Redirection Test) của NASA đã chứng minh rằng chúng ta có thể chủ động làm chệch hướng một thiên thể để bảo vệ Địa cầu khỏi nguy cơ va chạm từ không gian.
Lần đầu tiên trong hơn 3 tỷ năm tồn tại của sự sống trên Địa cầu, một loài sinh vật có thể tự bảo vệ chính mình khỏi những thiên thể từ trên trời rơi xuống. Vì vậy, đừng hoảng sợ! Hãy ngồi xuống, thư giãn và chứng kiến những bước tiến ngoạn mục của nhân loại.
Nguồn: “Astronomers have spied an asteroid that may be heading for Earth. Here’s what we know so far” được đăng trên trang TheConversation.com.
Gửi ý kiến của bạn